Căn phòng tôi ở có cửa sổ trông sang bên kia nhà bảo tàng thành phố. Thông, một góc trời, bức tường bám rêu, những bụi Trạng nguyên đỏ rực ở trong tầm mắt tôi, mỗi ngày. Không biết có phải do khí hậu thuận lợi hay không mà Trạng nguyên mùa này cũng đỏ lá. Trong khi ở xứ nóng phải là mùa đông kìa. Ở đây, tôi thường dậy sớm, lặng ngắm sương trong rất nhiều ban mai ẩm lạnh. Đà Lạt mùa này rất dễ chịu. Anh nhạc sĩ cùng đoàn bảo rất giống với mùa thu ở Hà Nội. Chỉ hơi rét khi khuya và buổi sớm. Trưa nắng. Hay thật! Cũng là nắng vậy mà nắng dưới kia, rất ngại còn nắng trên này, lại chờ. Chờ nắng, là một cảm giác rất lạ lẫm mà tôi, mới chỉ có trong mấy ngày ngắn ngủi, sống tại đây. Đã có những lúc, tôi đứng bên khung cửa sổ trông ra và ngắm nắng lên rất vội và cũng thế, rất nhanh, loang dần trên bức tường rêu phủ ở bên ngoài. Có hôm nắng đến vội quá và mình như thể chưa kịp đợi. Nắng đã lan rộng đã trùm hết không gian bên ngoài và có vẻ như dừng lại, ở tận chót vót nơi những đọt thông cao. Ở mãi trên trời…
Sớm sớm, tôi thường đi bộ lên con dốc gần bên trại sáng tác. Và, ngang qua một ngôi nhà thật cũ. Cũ đến lạ lùng. Hình như chỉ ở đây: Đà Lạt mới có được nhiều ngôi nhà cũ xưa đến ngần ấy. Chỉ Đà lạt chứ không phải bất cứ một nơi nào … Như là những nơi chốn tôi đã đi qua. Như là những miền đất tôi đã được tới. Cái cũ kỹ của một góc hè, khoảng hiên, bờ tường, mái ngói… từ ngôi nhà ấy làm rực hẳn sắc vàng của Hoàng anh. Chỉ là một bụi nhỏ với quá chừng chừng là hoa, nằm nép mình phía trong bờ rào gỗ. Hoàng anh, bất chợt gặp lại giữa nơi này khiến bước chân tôi bỗng chựng lại, tần ngần. Hoa, khiến lòng bồi hồi nỗi nhớ nhà và hoa, sao thiết thân như thể là hoa của mình vậy.
Có một sắc hoa vàng ở Đà Lạt cũng khiến nhiều người khó quên. Ấy là Dã quỳ. Nhưng phải là vào khoảng cuối năm cơ! Như câu này, rất mộc mạc của một nhà thơ ở đây mà tôi đã lỡ quên tên: “ …Một loài hoa sinh nhật vào mùa đông…”. Tôi đã từng lên Đà Lạt vào khoảng Giáng sinh và trời ạ! Dã quỳ… Vàng ngập hết những triền đồi, con dốc… Vàng hoa hết những thung lũng xa thung lũng gần. Loài hoa này tôi cũng rất hay gặp ở Pleiku. Dã quỳ không cần đến bàn tay của con người vẫn cứ vậy nẩy mầm, vươn cành, trổ lá và ra hoa, theo quy luật của đất trời. Hoàng anh của tôi không vậy. Phải được ươm trồng phải có bàn tay người chăm chút, mới cho hoa. Hoa Hoàng anh có quanh năm chứ không cứ gì đông, xuân hay thu, hạ. Không biết có một người nào đó ở Đà lạt này, nảy ra ý giúi những bụi Hoàng anh dưới một gốc cây nào đó trước cửa ngôi nhà mình. Như chúng tôi. Rồi chờ từng ngày rất nhiều ngày những cành Hoàng anh vươn dài. Để quấn riết lấy thân cây và hồi hộp đợi từng nụ hoa bừng nở…
Cuối đèo Mimosa là thác Prenn. Nơi, đoàn chúng tôi sẽ đi tham quan trong ngày hôm nay cùng với Thiền Viện Trúc Lâm, Thung Lũng tình yêu. Và trong sáng đó khi xe chầm chậm qua đèo. Khi mà mắt tôi đang dõi theo thung lũng thông xanh bên dưới hay lướt trên những mỏm đá, lùm cây dại và rất nhiều sắc màu của các loại hoa ven đường. Những nào hoa đỏ những nào hoa tím thì bất chợt, sắc vàng tươi tắn của những cánh Hoàng anh nở bừng, sáng rỡ… Sáng ngất tâm hồn tôi sáng cả một trời Đà Lạt, từ giữa lưng chừng đèo…
Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 8/ 2009
Nguyễn Mỹ Nữ
Mỹ Nữ ơi,
Cuối cùng thì văn của bạn cũng đã đến để về thăm lại ngôi trường cũ. Cảm ơn bạn đã gửi bài viết cho ngôi nhà của tụi mình, riêng mình thì rất là vui mừng khi nhận được email của bạn gửi sang cùng với ba bài văn của bạn. Vội vàng đăng ngay để bạn bè cùng thưởng thức. Cũng như mày viết, cho tao gửi lời thăm “boy” của mày nữa luôn nhen 🙂 Hẹn gặp mày và “boy” ở quê nhà vào tháng 10 sắp tới.
Đọc bài này, nhớ Đà Lạt ghê lắm, Nữ ạ.
Nhớ trại hè ở Bùi Thị Xuân năm nào, lễ trao nhẫn của trường Võ Bị, và nhớ buổi tối đã cùng ai đi dạo bờ hồ dưới cơn mưa phùn..Lại nhớ đến sự thất vọng khi trở về thăm lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm xa cách quê hương, lòng nôn nao tìm lại những cánh hoa Pense tím và sắc hoa vàng nở đầy hai bên lối đi vào thành phố đã không còn nữa. Buổi tối hôm đó, một mình lang thang chung quanh hồ đẻ tìm lại cảm giác thơ mộng của một thời xa xưa ay. Buồn thật buồn vì cảnh cũ đã không còn, nhưng hình ảnh người xưa thì vẫn còn đầy trong trí nhớ…