Tôi hay nghĩ: “Giọng Hà hay như thế mà cứ quèn quẹt cây ghita cũ nát. Nó phá đi. Uổng chết”. Nhưng nghĩ cũng tồi tội. Người đâu mà mê đàn. Mà đánh hoài cũng chỉ bỏ được có mấy cái hợp âm đơn giản. Cây đàn cũ, những hợp âm rất cũ, những bài tình ca cũ và một giọng hát cũ. Là Hà. Hà của những chiều không mưa và ẩm ướt hay quét sân. Gom lá, đốt.
Tôi hay nói: “Chúng mình nghèo cũng hay em ạ! Có tiền lại xây nhà đổi cửa. Có đâu cả cơ ngơi như thế này”. Có cả một rừng. Rừng xoài. Có cả một khu vườn. Vườn rau. Có cả một nếp nhà. Nhà đất. Nữa chứ: Một chái hiên, cái chõng tre, ảng nước… Nữa chứ: Mùi lá mục mùa mưa, mùi khói nồng mùa nắng. Thương quá Hà ơi! Bóng em ra, vào. Cái cách em ngồi nơi hốc bếp những trưa chiều để thổi cơm. Khói sộc cay sè cả hai sống mũi dẫu anh chẳng phải ở bếp. Dẫu anh không bị viêm xoang mãn tính như em. Rồi cái cách em lặt rau. Ai chà. Cứ tỉ mẩn một cách thư thả trong khi bụng anh bắt sôi lên vì đói. Rồi cái cách em ngồi cong lưng soạn giáo án chấm bài… Em phải cong huyền còng thôi, vì anh lười. Có mỗi một việc cưa cái ghế ngắn bớt để vừa tầm với bàn mà cứ lần lữa. Cưa ghế thôi chứ còn cưa gái á? Anh nhăn nhở và em cười khanh khách. Em cười mà cái mắt lại hiêng hiếng liếc… Trông rõ hay! Vẫn còn đầy ắp tiếng cười em dòn tan. Vẫn còn cặp mắt hiêng hiếng của em. Hết cả nơi này…
Cặp mắt Hà đôi hồi vẫn thế! Vẫn hiêng hiếc, ngày nhưng đêm thường khi khép chặt. Bờ mi rậm đen, cong vút. Khép mắt nhưng chẳng ngủ chết mê chết mệt đâu nhé! Là ngủ giữa chừng. Là không ngủ cộng với ngủ chia hai. Là Hà của một dáng nằm trễ nại sau cuộc yêu và lơ mơ, lơ mơ mắt nhắm. Hà bảo Hà thích thế mà những thứ Hà thích, ối dào, có mà đầy ra cả đấy!
Sau khi Hà bỏ đi, Phương tới ở chung với tôi. Phương: “Tự mày không lo được cho Hà một cuộc sống sung túc”. Tôi nhắc lại câu Hà nói ngày hai đứa kết hôn. Em chỉ muốn chúng ta sống với nhau tử tế. Em chỉ ao ước những hạnh phúc bình dị. Không phải sao! Chúng tôi đã chọn cái cách đơn sơ này: Một nếp nhà, những bữa ăn, đồ đạc, giải trí… Hà với cây ghita cũ nát cùng những hợp âm chân chất. Hà chiều chiều quét lá xoài vun lại thành từng đống nhỏ, mồi lửa và ngồi bên tôi nơi mái hiên nhà trong chập choạng buổi hoàng hôn, ngước mắt dõi theo từng đụn khói. Những sợi khói, vươn lên và bay cao. Bay mãi về trời…
Thằng Phương được cái chuyện siêng nấu ăn. Phải cái nó luộc rau muống cứ đỏ quành quạch mà nước rau thì thâm sì sì. Nó cãi bừa rằng thiếu quả chanh ông ạ! Không như Hà, Hà luộc rau khéo lắm. Ngọn rau mềm, xanh mà nước trong vắt. Được tôi khen, Hà cứ cho ăn rau luộc mãi. Ăn mãi hóa nghiện. Mà không ăn rau thì còn có thể ăn gì khi mà tôi luôn luôn thất nghiệp và việc dạy kèm của Hà luôn luôn là thất thường. Nhưng chuyện luộc rau của Phương, tôi vẫn còn chịu được chứ còn chuyện chơi đàn của nó thì tôi chào thua. Nghe, cứ như là tra tấn ấy. Mà cái thằng đêm nào cũng chơi. Nó ôm cây ghita Hà để lại đánh hết bài này đến bài khác. Thằng này được học hành đàng hoàng nên đánh bài bản lắm cơ! Mà bố khỉ tôi không chịu được cái kiểu hẳn hoi đó. Lối chơi đàn điêu luyện đó. Rồi Phương còn hát nữa chứ và bố khỉ giọng hát nhiều trau chuốt cùng những hợp âm cầu kỳ của nó, nghe, tức anh ách. Nằm úp mặt trên cái chõng tre, tôi kiên nhẫn chịu đựng tiếng đàn của Phương trong nỗi nhớ Hà ngây ngất. Cái chõng tre còn đầy hơi hướng em. Hà ơi! Không gian này vẫn thoảng đưa những âm nốt vụng về, non yếu từ lối chơi đàn hết mực giản dị và giọng hát vô cùng mộc mạc của em. Bãng lãng đâu đây mùi khói lá đốt. Sao vẫn chưa chịu tan nhòa, bay xa? Hà ơi! Nhẹ vương quyện hòa trong mùi da thịt, hơi hướng em đậm đặc. Quyện cả hương đêm và hương hoa dạ Lý. Hà ơi! Anh nhớ em quá thể. Và tiếng đàn của thằng Phương như trêu chọc, bỡn cợt. Để rồi một khuya, hết chịu nổi, tôi đã hóa khùng, vùng dậy chộp lấy cây ghita và đập nát. Hà ơi! Đâu rồi những hợp âm cũ, những tình ca cũ và giọng hát cũ… Đâu rồi. Em?
Hà buồn rõ, khi người bà con cho chúng tôi ở nhờ báo tin họ sẽ lấy lại nơi này trong vài tháng nữa để xây khách sạn dành cho dân du lịch. Tôi bảo: “Chẳng sao em ạ! Chúng ta sẽ về ở bên nhà anh” và lấp liếm: “Cũng phải cho em có cơ hội làm dâu chứ!” rồi thần người. Chả hiểu chúng tôi sẽ sống ra sao trong căn nhà của bố mẹ. Một căn nhà cấp bốn xập xệ với diện tích vỏn vẹn có ba mươi hai mét vuông mà hiện đã chứa đến mười một con người. Hà bảo sợ những ngày sắp tới vì kỳ hạn cứ rút lại ngắn dần. Có ý nghĩ như là cái án treo. Đến khiếp!!! Nhưng Hà lại trông ngóng những hoàng hôn, khi cơm nước xong hai đứa ra vườn quét sân, gom lá, đốt và ngồi mãi dưới mái hiên, bên nhau nhìn khói vờn bay. Bay mãi lên trời… Bay mãi lên trời…
Nguyễn Mỹ Nữ