Phương, bạn tôi ở Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định. Cô ấy còn đủ cả ba má và thi thoảng gặp nhau, tôi vẫn hỏi – nhắc, thăm nom các cụ. Để rồi qua đó, đã hiểu thêm được nhiều chuyện rất thú vị về người già. Ba má của Phương, sống riêng nhưng không quạnh quẽ vì nhà của các con cũng cùng một khuôn đất. Ở xúm xít quanh đấy nên ngày nào cũng qua, lại và khi các cụ mệt, bịnh chỉ cần “ới” lên một tiếng là có đủ mặt dâu, rể, trai, gái, cháu chắt. Đáng ra như vậy các cụ phải mừng. Đằng này…
Chẳng là sau khi lấy nhau, ba của Phương đã luôn được vợ lo liệu, nấu nướng, sửa soạn…cho từng chút một. Sống trong sự chăm bẳm đó gần sáu chục năm ròng, ông lão đã quen. Quen…đến không cách gì thay đổi. Ai đời, bà lão có chuyện phải đi đâu đó lối chừng một bữa là ông cụ ra kiểu dằn dỗi, đóng chặt cửa, con cháu bưng cơm, quà bánh gì qua là vung tay: “Bay khỏi. Chi cho cực. Tao nhúng đỡ mấy cái bánh tráng ăn rồi”. Cứ vậy. Cứ đứng trong cửa sổ vung tay chứ, nhất thiết không chịu bước ra và cánh cửa nhà chỉ được mở, khi bà lão về. Má của Phương, cũng yếu nhiều mấy năm sau này nên đồng ý ngay, khi các con đề nghị lo cho chuyện chợ búa, cơm nước. Biết tính ông khó, bà tỉ tê: “Vậy nghe ông. Mình già rồi ăn đâu mấy hột. Tui đỡ cực mà còn ăn được đủ món. Ăn mỗi đứa một chút cho tụi nó vui”. Ông làm thinh nhưng tới hồi các con đem đồ qua, ông làm thinh cho đã mừng. Ông chê cơm khô rang, cá kho lạt xèo, ngọn rau luộc cứng ngắt, xào sao vầy…Sao mà ăn được? Sao mà nuốt trôi?
Bà hiểu ý lại đi chợ, nấu ăn. Lại lục đục, bới dở…Chứ biết sao, giờ! Nhưng rồi bà bị té, gãy chân phải bó bột. Phải ngồi một chỗ và phải ăn cơm các con nấu. Bà đau cái mình thì ít mà nhức cái đầu thì nhiều, vì chuyện càm ràm của ông. Vì phải nhìn cảnh ông trệu trạo, ơ thờ ăn uống. Bà xót ruột, nhìn ông sút hẳn và vừa nhúc nhắc đi được, bà đã xách giỏ ra chợ, mặc cho con cháu phản đối. Mua con cá, trẹt tép đồng, mớ rau tập tàng… và loay hoay với cái soong, cái trả…Bà đâu biết sử dụng bếp ga nên vẫn nấu than, nấu củi. Khói, mồ hôi và đau lưng, rêm cẳng nhưng vui nhìn lửa reo và ngắm ông xăng xái lấy cặp đũa, đôi chén, ngồi chò hỏ đợi. Rồi bưng, múc. Rồi vợ chồng già hì hụp bới, chan, khen qua, khen lại. Các thức bà nấu chưa bao giờ ông chê dù con, cháu qua gặp bữa, đôi hồi cũng ăn và…nhăn mặt. Bà cười lỏn lẻn: “Tao nấu cách quê”. Ông nạt: “Bay không quê chắc. Nấu vậy tao ưa. Ăn được nhiều”. Ngặt thiệt! Rồi bà lại trở bịnh. Bịnh tới, bịnh lui. Mối lần như vậy, ông ưa ngồi bên giường, nắm tay bà, than thở: “Khỏi dùm. Bà ơi! Tui ăn đồ lũ nó nấu. Lạt miệng quá. Chịu không nổi”. Bà cười: “Chứ tui nấu sao, hử”. Ông móm mém cười: “Hỏi gì chưng hững”. Rồi bà cũng khỏi và cũng hết muốn đi đâu. Cùng lắm là xuống thành phố Qui Nhơn thăm mấy đứa con chừng một chút, là lật đật lo về.
Gặp lại bạn tôi sáng qua ở Chợ Đầm, hỏi thăm về các cụ. Phương chép miệng: “Chết đi mày ơi! Ông già tao ở Phước Thuận lại đóng cửa nhà tới …một tuần rồi”. Chưa kịp để tôi hỏi tiếp, nó nói luôn: “Ông cậu, anh ruột má tao mới mất trong Sài Gòn. Anh Hai đưa má vô. Chắc cũng phải mở cửa mã mới về”. Trưa đó, giữa tiết trời mùa hè nắng nôi oi bức, ngồi ăn cơm cùng gia đình với toàn những rau, canh, đồ giải nhiệt, tôi hình dung tới cảnh một ông lão dứt khoát ăn đỡ …bánh tráng nhúng, khi vợ vắng nhà mà thương. Thương quá chừng chừng. Và cảm động nữa chứ! Để rồi thấy vui vui, khi nghĩ: phải chăng đây cũng là một hình thức tuyệt thực của người già. Tuyệt thực vì… yêu. Một kiểu tuyệt thực khá nguy hiểm nhưng cũng không kém phần…lãng mạn . Phải không? ./.
Nguyễn Mỹ Nữ
RE: Tuyệt thực vì yêu
gừng càng già càng cay, vừa cay lại vừa mặn mòi nữa! bời dậy lũ nhỏ nấu ngon cỡ nào ông cũng không dừa miệng là phải.
câu chuyện rất dễ thương, cám ơn MN