Tất cả cùng sinh năm 1955. Tuổi Mùi – con dê. Người đàn ông tên Huyên, sinh đầu năm nên được gọi là dê cụ. Người phụ nữ thứ hai tóc dài sinh vào khoảng thời gian giao mùa và có tên là Hạ Thu được gọi là dê nhỡ. Người phụ nữ thứ ba tóc ngắn sinh vào cuối năm, khoảnh khắc trong trẻo của đầu ngày, nên tên là Bình Minh và được gọi là dê non. Tôi chơi với cả ba dù nhỏ hơn họ đúng mười tuổi. Người đàn ông chơi ghi ta rất khá. Người phụ nữ tóc ngắn thì lại hát rất hay. Chỉ có người tóc dài, không hát cũng chẳng đàn. Nghe, chăm chú lắm và chê cũng rất nhiệt tình.
Người đàn ông làm cầu đường, di chuyển hoài nhưng đợt này ở đây lâu. Con đường chưa xong. Nghe nói thiếu kinh phí, phải chờ nhưng cũng có việc làm lai rai, khỏi phải ở không. Chẳng biết gia đình nhà cửa của người đàn ông “dê cụ” này ở đâu. Chỉ biết cũng như hai người phụ nữ, chưa có cuộc hôn nhân nào ràng buộc. Nói về tình cảnh của mình, Hạ Thu cười to: “Ở không”. Bình Minh cười nhỏ: “Ở vậy”. Người đàn ông thì im lặng. Trong cả ba người, người đàn ông coi bộ trầm nhất. Rất hiếm hoi nói. Hồi giờ tôi chơi thấy ông Huyên hát còn nhiều hơn nói nữa kia, mà bài bản ở đâu sao thuộc dữ vậy chứ! Người đàn ông ở chung với anh em công nhân, nơi cái lán cất tạm gần quốc lộ.
Tôi thì công nhân cũng không, giáo viên cũng không, cũng chẳng cán bộ ở cơ quan hoặc xí nhiệp nào cả. Nhà tôi ở ngay xã này. Gia đình tôi có nghề mổ heo. Sớm bửng tôi đã phải dậy đi bỏ hàng cho các mối ở chợ. Chiều khoảng ba bốn giờ tôi đi thu tiền và thời gian còn lại chơi, thiếu điều phát ớn và mỏi mình. Tôi nhỏ tuổi hơn mà lại “tài cao”. Đã có vợ nhưng chưa có con nên cũng rảnh, bởi đó cả ba đi đâu cũng kêu tôi, tổ chức cái gì cũng có tôi. Thường, tất cả đều tụ tập ở căn phòng của hai người đàn bà. Một căn phòng rất nhỏ, nằm ẩn mình trong vườn xoài rộng mênh mông.
Ngôi trường của hai người phụ nữ ở cách đó khá xa. Họ không có xe đạp. Phải đi bộ và qua rất nhiều đường ngang, ngõ tắt mà cát trắng xóa, lún ngập chân. Xứ này là xứ cát mà. Quê của người phụ nữ tóc dài, của “dê nhỡ” ở ngoài kia nhưng gia đình của “dê non” lại ở mãi trong này. Cả hai được phân công về dạy học ở đây. Gần trường có nhà tập thể giáo viên nhưng họ thích ở riêng. Người tóc dài nói với tôi:
– Mệt lắm Nghiễm ơi! Chỉ tổ phòng nọ ngó sang phòng kia: xét nét. Người này chỉ sang người khác: dè bỉu, chê bai. Không có Bình Minh chị vẫn ở một mình.
– Bà mà ở một mình. Nhát thấy bà còn bày đặt.
“Dê non” Bình Minh lên tiếng phản đối “dê nhỡ” và “dê cụ” Huyên cười. Cười mà cái mặt lạnh tanh mới dễ sợ cho cái cha này chứ!
Buổi chiều, mưa dầm dề. Đi thu tiền hàng xong, về tới nhà vẫn chưa tối. Buồn dễ sợ. Không biết làm gì, tôi đội mưa sang bên này chơi. Nhà tôi cũng gần chỗ ở của hai “bà bạn lớn” (nhiều hồi tôi kêu vậy mà hai người phụ nữ coi bộ thích). Vô nhà, thấy tối thui. Hỏi “Sao?”. Bình Minh nói: “Cúp điện, Nghiễm”. Vậy là tôi lãnh đủ chứ làm sao dám từ chối? Mà cái nhà này cũng thiệt kỳ! Không có được một cái chai thứ hai nào ngoài cái chai thứ nhất đựng rượu và hãy còn một chút. Chắc là của lão Huyên đây mà và cái tay Huyên này cũng kỳ hết cỡ luôn. Không chịu uống rượu với ai, ngoài hai người phụ nữ ở đây. Có bữa xách rượu tới bà Minh kêu mệt, bà Thu kêu đau. Ngồi uống một mình. Cứ tì tì. Uống tới đâu đàn hát hay tới đó mà mấy lần như vậy, người phụ nữ tóc ngắn hát cũng thật xuất thần. Tôi ngồi nghe bắt sửng sốt, còn bà tóc dài “tắt tiếng” đâu mở miệng chê được câu nào.
Mua dầu về lại còn loay hoay sửa đèn, bỏ tim mới. Bà Thu bật hộp quẹt. Bà Minh lấy vở che gió kẻo tạt. Ngọn lửa nhỏ lóe lên có một chút rồi tắt. Rồi lóe. Rồi tắt… “Sao mà sửa cái đèn này được đây trời?”. Tôi vừa rên lên trong đầu như vậy, thì có ánh đèn pin rọi ngay vào mặt. Hết hồn dòm lên. Té ra lão Huyên. Bà Minh nhanh nhảu nói trước:
– Ai xui ông tới lúc này, ông “dê cụ”?
– Mà sao hồi giờ không thấy đèn đóm gì hết, Huyên. Tới cứ lủi thủi đen thui như ma rồi về cũng vậy mà giờ sáng choang vậy? Bà Hạ Thu tiếp lời làm tôi phát bực, đâm gắt:
– Thôi mà, nhiều chuyện quá. Tra khảo chi mấy bà ơi! Đỡ quá. Anh Huyên rọi đèn xuống đây cho em sửa cái coi.
Người đàn ông nghe tôi nói, lật đật cởi áo mưa, ngồi phịch xuống bên cạnh và rọi đèn cho tôi làm. Cứ làm thinh vậy à! Không trả lời mà cũng chẳng hỏi han gì cả. Cái tính lão này nó vậy. Không hiểu thì tưởng ổng khinh người. Cái đèn hột vịt sửa xong thì có điện nhưng “tăng phô” yếu cứ chớp nháy hoài không sao lên được. Bà Hạ Thu nhìn tôi rồi nhìn ông Huyên:
– Cũng phải có một ai bắc ghế lên rờ rờ, mó mó một chút coi sao chứ!
– Tui sửa đèn dầu cho mấy bà rồi. Giờ thì ông Huyên sửa đèn điện đi.
“Dê cụ” nheo nheo mắt, ngước lên ngắm nhìn cả đỗi mới chịu mở miệng:
– Không xong. Phải thay “tăng phô” mới thôi. Tôi không đi mua đâu. Mệt. Đang đói bụng. Có cơm không? Xúc dùm cho một tô coi mấy bà.
Hạ Thu, Bình Minh nghe cùng “hứ” lên một lúc:
– Cha đói bộ tụi tui không đói? Cơm nước đâu mà ăn “dê cụ”. Chưa nấu.
– Thì nấu.
– Mà ai nấu giờ?
– Tui.
Người đàn ông nói xong, bước liền xuống phía sau và một chặp đi lên:
– Hết gạo. Sao không nói? Sao không mua? Chiều nay lấy gì ăn?
– Lo, không ăn cơm thì ăn bánh. Bánh xèo vỏ mắm đục. Bánh căn, bánh bèo, bánh ướt, bánh hỏi chan nước mắm ngọt…
– Nói gì ăn bánh. Tui muốn ăn cơm, được không?
– Mắc gì không được. Có điều phải đi mua gạo.
– Thì mua. Mà tôi hết tiền rồi.
– Nghiễm cho mượn nghe. Bọn chị chưa có lương.
Nãy giờ chỉ có bà Hạ Thu và ông Huyên đối đáp. Tôi với Bình Minh ngồi nín thinh. Bình Minh bữa nay có vẻ buồn. Ngồi nhìn ra khu vườn xoài thẫm đen phía trước. Cơn mưa đã tạnh và đêm đã tới. Chắc giờ này vợ tôi đi bán hàng cũng đã về. Vợ tôi không quen chờ cơm chồng mà cả gia đình tôi cũng quen cái kiểu đó. Cơm, đồ ăn nấu sẵn. Ai cần ăn trước thì ăn. Muốn dọn ra mâm, chén đàng hoàng thì dọn mà không thì cứ việc xúc ra tô, mỗi người một tô là xong.
Nghe Hạ Thu nhắc đến tiền tôi mới giật mình và vội sờ túi. Chết cha. Hồi chiều thu tiền xong, ghé qua hàng của vợ. Tôi đã đưa cho bả hết trơn, chỉ để lại có mấy ngàn lẻ. Nãy mua một góc dầu lửa và mấy điếu Jet, giờ đâu còn. Mọi lần, tôi “thủ” lại đỡ đỡ lắm kia, còn mấy bữa nay, vợ tôi “kiềng riềng” chuyện tiền bạc dữ quá, tôi đâm tự ái. Mà cũng do tôi có tật tiêu xài tào lao. Với mấy thằng bạn đồng trang lứa, chứ với ba con người dễ thương này thì không mấy khi được tôi chi trải, dẫu họ nghèo. Lương công nhân cầu đường, lương giáo viên cấp một đâu được bao nhiêu mà cả ba đều có tính nghệ sĩ nên thiếu trước, hụt sau là chuyện thường tình.
Khi kẹt, ông Huyên thường nói: “Tui hết tiền rồi”. Tỉnh bơ vậy à! Còn bà Hạ Thu hay bà Bình Minh thì chờ tôi tới để mượn và có là trả ngay. Sòng phẳng vậy à! Tôi thấy ưa cái kiểu như vậy của ông Huyên và hai người phụ nữ này – của cả ba con dê – .Bạn bè phải như vậy mới bền. Phải có điểm dừng trong chuyện tiền bạc và hình như với riêng họ: ba người, cũng có những giới hạn trong tình cảm nữa thì phải. Một chút mơ hồ. Một chút cảm nhận loáng thoáng cho tôi biết hai người phụ nữ cũng có in ít tình với người đàn ông. Khi “dê nhỡ”. Lúc thì “dê non” chăm chút, lo toan cho “dê cụ” không như một người bạn dành cho một người bạn. Còn người đàn ông, lúc với Hạ Thu, lúc với Bình Minh, khi lại với cả hai, ông bỗng tỏ ra mềm yếu, ngọt ngào khác với cái thường tình ông vẫn có. Nhen nhúm. Như thể là bộc phát. Như thể là không cố tình nhưng ngời ngợi và lấp lánh.
Họ như vậy đó, với nhau. Theo cái cách của riêng mỗi cá nhân và theo cái cách của những người đã trên tuổi băm. Đã hết bồng bột nhưng ai dám nói là không còn sốc nổi. Đã biết cứng rắn nhưng ai dám chắc lại không yếu mềm. Đã dày dạn nhưng vẫn dại ngơ đó chứ! Là họ và cái tuổi tứ tuần của mình. Là mãnh liệt và ơ thờ. Là đầy đặn và mong manh. Là hụt nghiêng và ăm ắp. Tôi hay ngắm nhìn người đàn ông lúc ôm đàn. Ngó ông mộng, thơ trong cái trần trụi. Tôi hay nhìn người phụ nữ tóc ngắn khi hát. Ngó rất phẳng êm mà gai góc đến tận cùng. Và tôi nhìn người phụ nữ tóc dài, khi lắng nghe. Cái bên ngoài dịu dàng cho cái dữ dội bên trong thiếu điều túa ra và bật dậy. Tôi đã chơi bời với họ. Ăn uống với họ. Đàn, hát với họ. Kể lể với họ. Làm thinh với họ. Phiền nhiễu họ và cho họ mượn tiền nhưng chắc chắn bây giờ thì không thể. Không thể cái vụ mượn tiền. Khi tôi nói ra điều này “dê cụ” đứng ngay dậy, dõng dạc:
– Để tôi lo. Mua gạo rồi mua gì nữa hai bà?
– Giờ tối rồi. Chỉ mua được hột vịt thôi.
– Rồi xì dầu nữa. Rồi dầu phộng về đổ chả nữa chứ!
Bà Thu nói với theo Bình Minh. Tôi thấy mình cũng nên nói ra một điều gì đó để gỡ cái vụ “viêm màng túi” khi nãy:
– Hột vịt luộc dầm xì dầu chan cơm nóng ăn ngon hơn.
– Đổ chả ngon hơn. Nghiễm ơi!
Người đàn ông bước ra ngoài, sau khi phán ra lời quyết định sau cùng:
– Rồi. Sẽ có đủ trứng để luộc và đổ chả. Rồi gạo, xì dầu, hột vịt, dầu phộng. Đủ, há!
Người đàn ông đi thật. Có lẽ đã đi qua khu vườn xoài và ra tận ngoài đưòng cái rồi. Tôi với “dê nhỡ” và “dê non” vẫn chưa hết thất kinh. Trời đất! Cái lão “dê cụ” đó mà dám ôm đồm vụ đi xoay xở. Ngồi yên lặng bên nhau rất lâu, Hạ Thu lên tiếng trước:
– Tội ông Huyên quá. Làm sao ổng dám mở miệng hỏi mượn ai chứ! Cái tính ổng như vậy.
– Thì thôi. Đừng có tày lay đi. Cứ để tui với bà lo. Cần thì ra quán lấy thiếu cũng được.
– Mà Bình Minh này. Hay là ổng tới chỗ làm ứng lương trước.
– Cầu mong cho vậy đi. Sợ lương “dê cụ” ứng xài đâu mất tiêu rồi ấy chứ! Bà Thu nhớ cái bữa chiều tuần trước ổng đem tới tụi mình quá chừng đồ không? Huyên mua nguyên một con gà luộc sẵn. Còn mua cho tui với bà một cái bếp dầu mới nữa. Tui nghi bữa đó “dê cụ” ứng lương nên mới có tiền.
– Chắc vậy đó. Tui nhớ chứ sao không? Thì lâu nay cái bếp dầu của tụi mình hư, ổng biết nhưng chỉ để bụng, nín thinh, chờ có tiền là thay.
– Cái tính của ổng là như vậy. Mà ông Huyên thì mượn tiền của ai được chứ! Bà nghĩ coi ổng có thể đến đâu?
– Cầu mong Huyên hỏi ai một cái là họ cho mượn liền. Khỏi phải… Ổng vốn ít lời. Tội! Nghĩ tụi mình bậy ghê. Đàn bà mau miệng không chịu đi để cho ổng…
– Thôi bà đừng trách nữa. Tui thêm nóng ruột mà. Sao ổng đi lâu dữ há!
– Ừ! Lâu. Mà sao tụi mình ngu dữ. Không biết đằng cản ổng. Cầu mong “dê cụ” ra ngoài đó, làng xàng cho đã rồi quay về. Đừng phải mượn ai hết.
– Ừ! Tui cũng vậy. Tui trông Huyên đi. Gặp bạn kéo vô quán ngồi luôn buổi tối. Cái thôi…
– Phải mà được vậy hả Minh?
– Nói gì nữa. Mình không ăn cũng được. Không ăn càng tốt. Giờ khuya rồi. Phụ nữ trên bốn mươi ăn no mà ngủ, vòng số hai phát triển lắm bà ơi! Còn Nghiễm. Về nhà lục cơm nguội mà hết cơm thì lấy tiền vợ đi ăn phở, ăn bún, há. Nghiễm há!
Suốt nãy giờ, toàn thấy nhắc “dê cụ” với ông Huyên. Giờ mới có được một câu dành cho tôi. “Há, Nghiễm há!”. Mấy bà này không sợ tôi phật ý hay sao! Nói vậy chứ tính tôi không có nhỏ mọn, lại nữa, nghe Bình Minh với Hạ Thu nói chuyện sao tôi cảm động quá. Không phải chỉ mới lần này, đêm nay mà đã bao lần, trước đó. Không phải chỉ có ở chuyện này mà ở rất nhiều chuyện, hồi giờ. Sự cảm động ở trong tôi cứ dài rộng ra, chập thêm vào. Những cảm động sau nối những cảm động trước, cộng hết lại và ứ đầy. Về họ và tình bạn của họ. Cả ba luôn dùng những ngôn ngữ dung dị, hơi thô kệch để hỏi han, đối đáp với nhau. Chỉ riêng với nhau. Làm như nói năng lịch sự thì sẽ làm cho cái chân tình dành cho nhau bị hao mòn, gọt dũa đi ít, nhiều. Có vẻ như họ rất vụng về và hơi cộc cằn khi cư xử với nhau. Chỉ riêng với nhau. Ngay lúc có đủ mặt hay vắng mặt một ai đó. Như bây giờ là Huyên và như bây giờ những cảm xúc tươi đẹp dâng lên trong lòng khiến tôi không muốn trả lời. Chỉ muốn im lặng. Để được như hai người phụ nữ đang ngồi trước cửa ngôi nhà này, nơi mái hiên này dõi mắt xuyên suốt qua khu vườn xoài và hướng về cái cổng tre sơ sài ngoài đó, mà cồn cào ruột gan trong niềm thương lo chất ngất, khi ngóng chờ một người đàn ông ốm nhom cao lêu đêu có cái lưng khòm khòm đi vào. Tôi quên nhìn lên trời nhưng vẫn biết có trăng. Trăng muộn. Đã mười tám rồi mà…
Khi cơm nước, đồ ăn đã làm xong và bưng dọn ra ngoài hè thì đêm đã khuya lắm rồi và trăng sáng trưng len lỏi qua những lùm cây, chòm lá, chiếu rọi nghiêng nghiêng lên chỗ chúng tôi ngồi những đường vạch chéo và thẳng, vàng rỡ. Cơm nóng hổi, chả trứng thơm lừng, ớt cay sè, hột vịt dầm xì dầu sao mà béo. Chúng tôi ngồi ăn với nhau một bữa tối muộn màng và ngon lành chưa từng thấy. Vừa nhai, tôi vừa ngắm nhìn họ. Cả ba háo hức ăn với khuôn mặt căng đầy sự vui thích của trẻ thơ và tràn trề sự sung mãn của tình cảm bạn bè.Trong trăng và bên nhau. Tôi bỗng ngẩn ngơ vì chợt nhận ra: Họ sao mà đẹp quá!
Nguyễn Mỹ Nữ