Bố tôi là con trưởng. Trên bố là bác Cả (người bắc gọi chị là bác chứ không phải cô, như trong này) và sau bố là năm người em. Con đông là thế mà ông tôi lại mất sớm nên bà khổ lắm cơ! Nhiều người làng tôi vẫn nhắc về bà với rất nhiều tự hào. Nhắc về cái khỏe, nết siêng làm… Rồi những nào sự rắn rỏi, tính căn cơ… Và sau hết không quên chép miệng: Bà, được tất chỉ phải cái đanh đá sắc sảo quá! Tôi, ngày đã có hiểu biết luôn bào chữa, là: Bà có thế mới giữ được nề nếp nhà, gầy dựng được cả cơ ngơi hẳn hoi và nuôi dạy tất cả con cháu nên người. Không trụ vững có mà liêu xiêu gãy đổ, hư hỏng tứ tán hết chứ còn đâu?
Bố vẫn kể về năm gian nhà ngoài đó mà để có được, bà đã phải nai lưng kéo từng súc gỗ, khiêng từng cái trụ, đội từng thúng đá…Rồi thêm nữa ao cá, vườn tược rồi ruộng nương, đất cát… Tất cả, để tạo nên, đã đẫm đầy nước mắt, mồ hôi và bao nhiêu chắt bóp tằn tiện bao lao nhọc của bà…Vậy mà, bà đành bỏ lại để theo gia đình tôi vào nam. Đủ biết bà thương con cháu đến dường nào và đủ hiểu, uy lực của anh con trưởng đối với gia phong, dòng tộc ngoài bắc ra sao!!! Sau này, ngồi ngẫm lại tôi thêm thương bà bởi nhận ra: Trong ngần ấy tháng năm biền biệt tha hương lòng bà có bao giờ nguôi ngoa được tâm trạng nhớ tiếc, hoài của đâu cơ chứ! Tôi vẫn nhớ như in, ngày mình còn nhỏ, mỗi khi giữa bà với bố mẹ tôi có việc gì mâu thuẩn, bất bình là y như rằng bà khóc kể đòi đưa về quê. Và dẫu, cuộc sống và công việc ở quê khó khổ và dẫu, ở thành phố có no đủ và nhàn nhã hơn nhưng “ngoài nhà”, “ngoài nhà”, đối với riêng bà, vẫn là miền đất thiêng liêng nhất lý tưởng nhất. Chắc bởi vậy mà sống giữa thị thành hằng mấy chục năm trời, bà vẫn là một bà cụ nhà quê đúng nghĩa. Nhà quê trong từng câu chào hỏi, cách nói năng, lối ăn ở, kiểu giao du…Những người hàng xóm của gia đình tôi hay kêu ca cái tính riết róng của bà. Tôi, hồi thơ dại cũng tức tức là…Nhưng khi bà đã mất, ba cái chuyện “rị mọ” như thế lại khiến tôi nhớ đến bà nhất. Nhớ trong những đau đáu thương cảm. Nhớ trong nỗi xót xa…
Ở bắc, nuôi cả bầy con rồi quần quật với ruộng nương đất vườn… rồi họ tộc, láng giềng cùng bao mối giây hệ lụy bà có phải tài cán và khéo khôn, ấy cũng lẽ thường tình. Vào trong này, những tưởng chẳng còn có gì để cho bà có thể phô trương được những cái sự giỏi giang của mình, thế mà vẫn có đấy. Trong tất cả mọi chuyện ở nhà tôi. Từ việc trong nhà cho đến việc bên ngoài. Từ việc thả bầy gà, muối vại cà, đi buổi chợ cho đến những chuyện làm ăn của bố mẹ, việc học hành của chúng tôi, bà vẫn cứ rất thích mình được chỉ đạo, lo toan mới thật lạ! Có việc thêm tiếng nói, tay lam làm của bà thì rất phải mà có việc, ối giời giời… giá như bà bỏ lơ cho khéo lại hay! Nói thế, chứ mẹ tôi có lần tổng kết, bảo: chuyện được vẫn là nhiều hơn. Ấy! nhờ bà. Không thế, sao ngày trước, lúc còn “chân cứng đá mềm”, bố mẹ tôi cứ giao nhà cửa, con cái cho bà để đi làm ăn xa mãi thế! Bà giỏi lắm cơ! Chăn cả bầy anh chị em chúng tôi cứ gọi là tăm tắp, đã vậy lại chi tiêu trong gia đình hết sức tùng tiệm, vậy mà các cháu bà vẫn phốp pháp, khỏe mạnh. Nhà cửa vẫn đâu vào đấy, chả suy xuyển tị nào. Ân nghĩa phải chăng vẫn vẹn toàn. Chuyện nhỏ thu xếp ổn mà chuyện lớn vẫn lo toan hẳn hoi.
Điểm đặc biệt nhất ở bà là đôi chân Giao Chỉ với ngón cái choãi ra, bàn chân bẹp dí bám riết trên đất mỗi khi đứng – đi, làm việc. Chân thế mà được thanh nhàn, ấy mới lạ! Chân thế mà không phải gồng gánh trăm bề, ấy càng lạ thêm. Thì đấy, đấy… Cái nết siêng làm của bà, làm sao mà các cụ ở cả phố lẫn quê sánh kịp? Bà không mấy lúc chịu ngơi tay. Ở nhà, bà muối dưa là ngon nhất. Dưa của bà vàng rộm, mặn ngọt vừa phải và để được rất lâu. Bà bảo muốn muối dưa ngon là phải lệ thuộc vào cái nắng. Nắng quá là không được, nắng yếu lại không xong. Chỉ cần nắng lưng lửng… Nắng lưng lửng. Hay thật! Là cách ví von của bà. Hỏi, bà giải thích. Thì ra là nắng vừa phải. Nắng, cỡ chín mười giờ. Không chỉ véo von hay bà chửi cũng rất hay, nhé! Ra câu ra cú có vần có điệu hẳn hoi. Khiếp! Cái hồi gia đình tôi còn ở Khu Hai, có mấy hôm mà bà không phải chửi đâu cơ chứ! Chẳng là đất quá rộng nên nhà mới thả mấy mẹ gà để có cái trứng, miếng thịt thêm thắt vào bữa ăn gia đình. Gà, bé bé chẳng sao lớn mập là y như rằng bị bắt mất. Sớm ngày ra hay chuyện, bà vỗ mông và cứ bốn phía, chửi: “…Tiên sư thằng tứ đại đẻ ra thằng ngũ đại. Tiên sư thằng bát đại đẻ ra thằng thập đại. Chúng mày ăn thịt gà mái ấp, nằm sấp trên ổ rơm, có cơm không biết ăn, đẻ con không biết dạy đến phá nhà bà. Một ngọn đòng đòng bằng ba đấu thóc, một góc ruộng lúa bằng nuôi cả nhà mày hết năm. Tiên sư lũ phá hoại…”. Nghe, bố tôi cười tủm tỉm và có góp ý, là bà chỉ nên chửi hết cái đoạn: “… Chúng mày ăn thịt gà mái ấp…” là đủ rồi, vì ở trong này làm gì có lúa có thóc mà những đấu với lại ruộng, ai người ta hiểu được cơ chứ! Nghe thì nghe nhưng chửi, bà vẫn cứ thế mà chửi. Chửi, âm to rồi âm nhỏ, giọng khi lên bổng lúc xuống trầm. Hay đáo để!
Trên bảy mươi, bà có hơi yếu người nên đòi bố tôi đóng cho ông sáu tấm (1) phòng hờ, thế mà đi qua tuổi tám mươi hết sức nhẹ nhõm. Vẫn rất siêng làm việc nhà, vẫn ăn, ngủ đều đặn và vẫn thích tích cóp tiền bạc chỉ để đếm đi, đếm lại cho vui với lại cho các cháu mượn. Bà tinh tường lắm cơ! Tôi, ngày ấy mười tám đôi mươi, cần lắm những khoản tiêu pha linh tinh mà bố mẹ lại không cho nên cứ phải mượn bà luôn ấy chứ! Mượn lắt nhắt…Trả cũng lắt nhắt và đôi khi, lại dở trò láu cá giả vờ…quên. Nhưng không xong với bà đâu nhé! Vì bà nhớ rất rành rọt. Những nào… lần trước mày mượn bà bấy nhiêu lần sau lại thêm bấy nhiêu, vị chi là… Bây giờ mày trả bà thế này là hãy còn mượn bà bấy nhiêu, bấy nhiêu, con nhé! Đúng đến từng con số đủ hiểu, đầu óc bà sáng suốt đến đâu. Ấy! Là bà không biết chữ đấy! Bà mà được đi học, thật chúng tôi chỉ có nước chạy dài.
Bà mất khi còn đúng bốn năm nữa là tròn một trăm tuổi. Bà ra đi đã lâu vậy mà tôi vẫn rất nhớ bà. Mỗi tuổi một nỗi nhớ và chẳng nỗi nhớ nào giống với nỗi nhớ nào. Đêm qua tôi mơ thấy bà về: Bà cắp thúng dưa đi phơi. Thúng dưa nặng quá khiến bà bước, trẹo hẳn một bên hông. Nhưng vẫn cười và cười rất tươi nữa chứ! Một nụ cười giơ hẳn hai hàm lợi vì chẳng còn một cái răng nào. Cũng trong giấc mơ, tôi thấy mình đang bỡn đùa, chợt nhả với bà. Và tôi thấy mình lại như ngày xưa. Hình như trong tất cả những nỗi nhớ bà, tôi đều thấy một tôi rất là thơ dại…
Nguyễn Mỹ Nữ
(1) Ông sáu tấm: quan tài
RE: Nhớ Bà
… Nữ dân di cư mà còn nói giọng Bắc rặt nghe … viết văn thì giống như bà con với nhóm Tự Lực Văn Đoàn vậy (có không Nữ?) … ngoại hà nuôi hà cho nên đối với hà tự nhiên bà là “mẹ” … sau này khi tới lượt mẹ hà mất đi thì hà dù có buồn cũng không đến nỗi xé lòng như khi mất bà …
RE: Nhớ Bà
Cá tánh của bà MN có nhiều điểm giống má mình quá, cũng mạnh mẽ, tháo vát, chỉ khác một chút là má mình hay rầy rà con cháu, rầy phát sợ, rầy phát nhớ, bây giờ không ai rầy nữa thấy buồn thiu.
Hx
RE: Nhớ Bà
Đọc bài viết Nhớ Bà của chị làm tôi nhớ đến bà ngoại của tôi… và tôi thấy thương cho người phụ nữ Việt Nam của những thế hệ trước, một đời luôn sống hy sinh cho con cho cháu, không bao giờ nghĩ gì đến bản thân mình.