Dòng đời tuôn chảy theo dòng nghiệp bằng những thói quen.Buổi sáng ngồi uống trà ngoài hiên tôi chợt nhận ra những con đường mà nhiều người đang đi theo chính dòng nghiệp của họ đưa đẩy.
Con đường thứ nhất là con đường bận rộn.
Đó là những người không để đầu óc ở không.Mở mắt ra là thấy biết bao công việc phải làm, từ việc nhỏ tới việc lớn, từ lo toan này đến lo toan khác.Cho đến chết họ vẫn làm chưa xong việc.Những người như thế khi thác sinh có lẽ họ sẽ trở lại cõi người để làm tiếp những công việc của trần gian.
Con đường thứ hai là con đường mê muội.
Những người này có đặc tính chung là sống để thỏa mãn những cảm giác của bản năng.
Một thư sinh mê thơ, không lo học hành, cuộc đời anh đã tan nát vì mê.Một cô gái tham tiền, cuối cùng phải sống kiếp bèo dạt hoa trôi.Một anh chàng hám gái, da dẻ xanh xao như con nhái ốm…Nói chung, mê cái gì thì khổ vì cái đó, khi qua đời lại tìm “những nẻo đoạn trường mà đi”.
Những nẻo đoạn trường ấy có thể hợp với cách sống của loài cầm thú để thỏa mãn bản năng.
Con đường thứ ba là con đường ma quỷ.
Với cái tâm lắt léo, đầy lòng thù hận, luôn tìm cách hại người…những người này đã chọn con đường ma quỷ.
Ma quỷ ở đâu ra? Đó chính là cái cõi u u minh minh trong lòng mình.Những kẻ gây ra chiến tranh, tàn sát người vô tội, lừa đảo để cướp tài sản và sinh mạng của người khác…khi chết, chắc chắn họ sẽ bị rơi vào địa ngục, ngạ quỷ.
Có con đường thênh thang hơn nhưng rất ít người chọn đi.Đó là con đường quay về chính mình, một việc ác nhỏ cũng không làm,làm tất cả những việc lành và giữ tâm ý thanh tịnh.
Đó chính là con đường an lạc.
Lữ Vân
05.9.2012
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Riêng con đường bận rộn và con đường an lạc theo H hinh như khó tách bạch nhau. Một thầy tu phải “bận rộn” để học và hiều kinh kệ trước khi an lạc. Nguoi đời thường bận rộn một quãng đời để có tuổi già thảnh thơi.
Sự bận rộn theo H mang một ý nghía lành mạnh cho cả tâm hồn lẫn thể xác nếu không vướng vào sự tham lam và mê muội.
Có thể H chưa hiểu hết ý của nguoi viết, mong chỉ giáo.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Cảm ơn Hà Xưa đã góp lời bàn.Xin có vài lời trao đổi lại, vì đã ở tuổi này rồi không ai có thể ‘chỉ giáo’ cho ai.
Sự làm việc khác sự bận rộn.Người bận rộn đang làm việc này đã nghĩ đến việc khác, nhà thiền gọi là ‘tâm viên ý mã’, nên thân tâm không được nghỉ ngơi.
Người an lạc thấy được việc nên làm và không nên làm, tập trung vào việc đang làm, việc xong không còn nghĩ tới.Việc đến thì giải quyết, việc đi không vướng bận.Tâm như gương sáng, ‘Hồ đến thì hiện Hồ, Hán đến thì hiện Hán’, Hán Hồ qua, tâm vẫn như gương trong, không lưu dấu vết.
Đó là chỗ khác nhau giữa con đường bận rộn và an lạc.
Chúc an vui.
lv.
hạt cà và hạt ớt
Con người thường có khuynh hướng chạy theo dục lạc. Cái lạc của dục giống như người mắc bệnh phong thích hơ vết thương trên lửa. Họ cảm thấy dễ chịu và rất “đã” khi làm như vậy. Nhưng đừng bị bệnh như vậy thì tốt hơn là thấy “đã” phải không ạ! Mọi hành vi từ thân-miệng-ý tạo nên nghiệp: thiện hay ác hay không thiện không ác. Đó là hạt giống đã gieo và sẽ có quả để gặt, nếu đủ duyên. Nghiệp do dục lạc dẫn dắt, nếu ta không biết ngừng tạo tác thì càng lún sâu, sẽ càng khổ vì chúng. Người tu, xuất gia hay không, là người đi ngược lại dòng sông của nghiệp quả. Không đi theo con đường do dục lạc dẫn dắt thế thôi, và dĩ nhiên không “tận hưởng” được cái “đã” của người bệnh phong! Kinh kệ chỉ là phương tiện chỉ đường, không phải chỉ dành cho “người già”. “Bận rộn” làm việc để dưỡng già là lẽ đương nhiên, có vị thiền sư nói: “không làm không ăn”, nhưng việc làm phải là nghề chân chánh, không tạo nghiệp ác. Càng trải đời, ta càng thấy quy luật nhân quả chi phối mọi hiện tượng vật lý và tâm lý. Hạt cà, hạt ớt phơi khô trộn chung, khó ai biết được hạt nào là của cây nào, nhưng khi đã gieo – hạt nào rồi sẽ ra cây đó! Nhân quả là vậy!
Những con đường trong cuộc sống
Gởi anh Lữ Vân
Tôi đọc bài anh nhiều lần, thấy anh có tư tưởng triết lý sâu xa, nhất là lời giải thích với HX. Tôi tâm đắc cái qui luật mà anh nêu ra:”mê cái gì thì khổ vì cái đó”. Tuy nhiên theo tôi cũng nên phân biệt giữa: đam mê và mê muội. Trên thực tế tính đam mê đã đem đến bao phát minh hoặc sáng tác có lợi cho đời hoặc để đời (tuy rằng kẻ đam mê chịu khổ, một cái khổ rất đáng chịu khổ). Còn mê muội thì có lẽ khỏi bàn, ví dụ chạy theo một ảnh ảo, đeo đuổi danh vọng phù du v…v.. nhưng người mê muội cứ cho rằng đó cứu cánh trong cuộc sống của họ. Đến khi tỉnh mộng thì đã muộn màng….
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Anh Lữ Vân có những bài viết ngắn, nhưng lại rất sâu sắc và nêu được rất rỏ quan điểm của người viết. Tuy nhiên theo tôi một sự việc luôn có nhiều cách nhìn tùy theo chỗ đứng của mình. Hôm nào rảnh xin được “tám” thêm với anh trên mục Diễn Đàn về chuyện này cho vui.
Cám ơn anh về bài viết. Chúc anh khỏe và vui nhiều.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Không phải khi tâm “tịnh” rồi lại “bận rộn” giúp người cùng tịnh sao? ngồi thiền mà bên cạnh còn có những nguoi khổ đau đang rên siết có thiền được không? xin hỏi thật tình.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Bạn hs Bồ Đề thân mến,
Cảm ơn bạn đã ghé thăm và góp lời bàn về lý nhân quả.
Bạn nói đúng, nhân quả đã chi phối toàn bộ cuộc sống.Người nào hiểu rõ nhân quả, không làm việc ác hại người, gây tổn hại sinh mạng chúng sinh, môi trường sống, chắc chắn sẽ có một cuộc sống bình an.
Tuy nhiên, với cái nhìn của bậc giác ngộ như Phật và các vị thiền sư, thiện tri thức, nhân quả lại nằm trong hai chữ ‘bất muội’ và ‘bất lạc’, như câu chuyện sau đây:
Thiền sư Bách Trượng hỏi một ông già:
– Ông là ai?
– Trước đây, tôi vốn là một pháp sư.Vì trả lời sai một câu hỏi,nên sau khi chết bị đọa làm thân chồn hoang đang ở sau chùa.
– Câu hỏi thế nào?
Ông già thưa:
– Có người hỏi: Những bậc đã giác ngộ có rơi vào nhân quả không? Tôi trả lời:”Bất lạc nhân quả” (Không rơi vào nhân quả).Hôm nay gặp thầy xin hỏi lại.
– Ông hỏi đi!
– Những người giác ngộ có rơi vào nhân quả không?
Sư Bách Trượng trả lời:
– Bất muội nhân quả (Không bị nhân quả che mờ).
Bách Trượng là người cũng đã từng dạy chúng:
Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực.
( Một ngày không làm,
một ngày không ăn).
Chúc an vui.
lv.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Bạn Huynh Quang thân,
Cảm ơn bạn đã cho biết sự khác nhau giữa đam mê và mê muội.Xin trao đổi thêm với bạn:
Đam mê và mê muội đều tạo nên sức mạnh.
Một người mê sáng tác có năng lực không khác gì một người mê cờ bạc, danh vọng…
Chỗ khác nhau là cái nhân đã gieo ban đầu.Nhân tốt giúp tâm trí sáng suốt thêm.Nhân xấu làm tâm trí mê muội.
Chúc an vui
lv.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
gửi Ngô Đình Hải,
Cuộc sống phong phú, mỗi người đều có quyền cảm nhận và sống theo mình.
Tuy nhiên, phần nào ăn thì ăn, phần nào cúng thì cúng bạn ạ!
Cảm ơn Hải đã ghé thăm.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
gửi Hà Xưa,
Vì bên cạnh còn quá nhiều nỗi khổ đau rên siết nên mới tìm con đường bình an.
Nếu Hà Xưa chưa biết bơi, mà chỉ vì lòng tốt nên nhảy xuống sông cứu người chết đuối thì cùng chết chìm, phải không?
Tâm tịnh
Tôi không/chưa phải là một Phật tử theo tiêu chí là đã qui y Tam Bảo. Tôi nhìn đạo Phật như là một hệ thống triết học đầy khoa học, minh triết và trí tuệ. Phật giáo được xem như một tôn giáo “vô thần” vì không tin vào một vị “hữu thần” nào đó tạo nên thế giới, vũ trụ ngày nay. Phật giáo đi trên con đường trung đạo. Giáo pháp là cái bè để qua sông. Riêng về ngài Bách Trượng, ngài nói “bất muội và bất lạc” và làm lễ tăng táng cho vị tu sĩ đã chết (hóa xác chồn khô trong hang), theo tôi, là để phá cái chấp hữu chấp vô của vị tăng nọ. Đó là ngôn ngữ nhà thiền. Trong các lời bàn, tôi rất cố tránh sử dụng thuật ngữ Phật giáo đến mức có thể, nhưng biết làm sao được, khi ngôn ngữ nhà Phật đã là một phần trong ngôn ngữ Việt. Vd. khi nói đến “nghề”, ta liên tưởng đến “nghiệp” hay quả báo, duyên nợ, danh lam v.v.. Riêng việc cống hiến cuộc đời cho lợi ích của xã hội với lòng đam mê là việc thiện, gieo nhân lành, biết xả thân và chịu khổ, nhưng “để đời” là vì háo danh lại là chuyện khác.
Tâm tịnh là tâm không phân biệt khi rất bận rộn giúp người. Thấy việc khổ đau của người khác mà không giúp người thì không phải là người có tu tập. Giúp người không phân biệt quen sơ, không quan tâm đến lợi danh hay ân nghĩa hay để tạo phước là làm với tâm tịnh. Người ta thường nghĩ “thiền” là phải ngồi song không hẳn như vậy. Thở, ngủ nghỉ, ăn uống, đi đứng, làm vệ sinh, làm việc hay ra tay giúp những người đang “rên siết vì khổ đau” đó là thiền. Thiền là làm công việc cần làm nhất trong thời gian hiện tại như câu kệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Đói thì ăn mệt ngủ liền”. Nói chung là tùy duyên thôi. Tâm tịnh không phải là cái tâm “ngoan không” mà là quán chiếu thực tướng của vạn sự để không bị dính mắc. Thiền không phải là chỉ ngồi và không quan tâm đến mọi sự, mà là sự dấn thân.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Bạn hs Bồ Đề thân mến,
Từ nhận thức về giáo lý sang con đường thực hành để chứng nghiệm tâm linh là chặng đường dài.
Mong đọc được những bài viết của bạn trên Trang Nhà.
Cảm ơn bạn đã góp thêm lời bàn.
Chúc bình an.
lv.
RE: Những Con Đường Trong Cuộc Sống
Xin cám ơn anh LV thường mang đến những topic đáng suy gẫm.
Cám ơn bạn HS Bồ Đề đã có những giải thích logic và dễ hiểu “Tâm tịnh là tâm không phân biệt khi rất bận rộn giúp người”