Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Thi Sĩ

Học hành và yêu đương dang dở, Sinh bỗng trở thành thi sĩ lúc nào anh cũng không hay.Những bài thơ anh viết, không phải là lời than thân trách phận thì cũng là lời kể lể những buồn đau của gã thất tình.Nhưng thật ra, anh có tình đâu để mà thất ?

Mối tình đầu tiên của anh xảy ra với một cô gái cùng xóm.Năm đó nàng mười bảy tuổi, đang đi học.Mỗi lần gặp nàng mặc chiếc áo dài trắng mỏng manh dịu dàng thướt tha đến trường, Sinh thấy trong tâm hồn mình như có những lượn sóng ngầm cuồn cuộn. Anh ngồi tưởng tượng, vẽ vời, tô chuốt mái tóc, gương mặt, vóc dáng nàng bằng những câu thơ có cánh.Nhưng vốn có tính nhút nhát của một gã con trai làm thơ, anh không dám gửi tặng nàng.Với lại, hình ảnh nàng thì đúng là ‘nàng thơ’, mỏng manh mềm mại gợi cảm, nhưng tâm hồn nàng có thích thơ không thì trời biết! Đôi khi giữa hình thức và nội dung trái ngược nhau, như ông trời muốn chơi khăm ai đó.

Không gửi tặng trực tiếp cho nàng được, Sinh nghĩ ra một cách gửi gián tiếp.Đó là gửi thơ đăng báo, vừa có tiếng, vừa có tiền. Và biết đâu, nàng sẽ đọc ở thư viện nhà trường, với lời đề tặng trong bài thơ.
Đầu tiên, Sinh chọn những tờ báo viết cho tuổi học trò, tuổi mới lớn để gửi tới những bài thơ tình ướt át nhất.Nhưng, như người ta thường nói, trong mọi cách ứng xử, thì cách hay nhất “im lặng là vàng”, nếu mình muốn từ chối điều gì đó, để khỏi mích lòng ai.
Chờ lâu đến độ như những giọt mưa rơi xuống dòng sông không một tiếng vang, Sinh mất đi sự kiên nhẫn, anh đành gom thơ lại, đóng thành một tập dày cộm, lấy giấy lịch làm bìa, mua bút lông màu nắn nót viết tên tập thơ: TRÁI TIM MUỐN GỬI, ý nói anh đã yêu nàng.

Lại phải chọn một cái quán cà phê trên đường nàng đi học để ngồi chờ nàng.
Lại phải mất cả tuần ngồi nôn nóng, hồi hộp, đắn đo, cuối cùng anh mới dám rời khỏi quán, vẫy chiếc xe đạp của nàng chận lại.Cũng may, nàng không chở theo bạn.Nàng dừng lại, nhìn Sinh với ánh mắt ngạc nhiên:
– Có việc gì vậy?
– Anh có món quà tặng em.Mong em nhận cho.
– Nhưng quà gì? Phải cho biết mới dám nhận hay không!
– Thơ…
– À, thơ hả? Mẹ rất thích đọc thơ.Cảm ơn nghe!
Nàng nói trống không như nói với ngọn gió rồi cầm tập thơ anh đã gói bằng giấy hoa trang nhã bỏ vào giỏ xe, từ từ đạp đi.
Sinh bỗng thấy mình như đang nằm mộng ban ngày, hóa bướm chập chờn bay lượn giữa trời xanh.
Nhưng Sinh không dám đến quán cà phê ấy nữa.Biết đâu nàng sẽ đổi ý, trả lại tập thơ cho anh thì… quê một cục!

Một tuần, hai tuần… sang tuần thứ ba anh nhận được mẩu giấy do một cô bé mang lại:
” Anh làm thơ hay lắm! Mẹ em đã đọc hết và nói thế.Còn em bận học quá nên để dành tới mùa hè mới đọc.
Mẹ em có nhã ý mời anh đến nhà chơi, để trao đổi thêm về thơ.
Ngày mai chủ nhật, anh đến nhé!
Cô bé Mắt Nai “
Đêm ấy, Sinh không ngủ được.Anh có cảm giác mình đã trở thành nhà thơ tình yêu lớn… cỡ Nguyên Sa!

Nhưng Nguyên Sa có lẽ không được may mắn như Sinh.Anh được mẹ nàng đọc thơ còn mời đến để trao đổi, phải nói là có một không hai.
Anh báo cho người nhà là hôm nay mình đi thăm bạn.
Anh chọn mặc một cái quần jean đã cũ, cái áo màu xanh nhạt hơi bạc màu, cốt sao ra dáng lãng tử một chút, dễ giống thi sĩ hơn là một chàng trai lang thang chưa có việc làm.

Nàng và mẹ nàng sống trong một ngôi nhà xinh xắn, ngoài sân trồng nhiều bông loa kèn màu tím.Màu tím là màu thủy chung nhưng thầm lặng, mang nét nhẫn nhục và u buồn.Nhà có vẻ kín cổng cao tường.Mẹ nàng, nghe nói là cô giáo người Huế nổi tiếng nghiêm khắc với học trò.Tuy ở cùng xóm nhưng Sinh chưa hề gặp bà.Anh nghĩ bà trước đây cũng xinh đẹp và duyên dáng như nàng.
Có tiếng chó sủa.Một người đàn bà ăn mặc giản dị, tóc bới cao, có vẻ lớn tuổi, ra mở cổng cho anh.Bà nhìn anh từ đầu tới chân rồi hỏi:
– Cậu là “nhà thơ” phải không? Vào đi, con tôi đang đợi cậu.
– Dạ, cảm ơn bà! Bà là…
– Tôi là bà ngoại của con Mắt Nai!
Sinh theo bà cụ bước vào một phòng khách trang nhã với bộ bàn ghế được đan bằng mây, vài bức tranh hoa sen và hoa huệ, một chiếc tủ xưa cẩn xà cừ được dùng làm bàn thờ, trên đó có đặt tấm hình của người đàn ông mang khuôn mặt giống nàng.Anh đoán là cha nàng đã mất.

Một người phụ nữ dáng dấp đài các, mặc chiếc áo dài màu hoàng yến ngồi chờ Sinh ở phòng khách.Bà có nét đẹp xưa,gương mặt trái soan, tóc dài buông ngang lưng, ánh mắt nghiêm nhưng buồn.Bà mời anh ngồi đối diện, hỏi bằng giọng Huế rất dịu dàng:
– Cậu là tác giả tập thơ Trái Tim Muốn Gửi đã tặng cho con gái tôi ?
– Dạ…
– Tôi có nhờ Mắt Nai mời cậu đến chơi.Thú thật, tôi rất yêu thơ, muốn trao đổi thêm với cậu nhiều điều.Nhưng hôm nay lại có những việc xảy ra ngoài ý muốn.Mắt Nai phải đi bệnh viện thăm bạn mới bị tai nạn giao thông ban sáng.Tôi phải lên trường có việc đột xuất.Nếu cậu có thể chờ đợi, tôi sẵn sàng dành cho cậu một căn phòng nhỏ yên tĩnh không ai quấy rầy để cậu ngồi đọc thơ, chờ chúng tôi về…
– Sao cháu không ở ngoài được ạ!
– Nhà này ít có đàn ông lui tới nên tôi ngại hàng xóm xì xầm.Nếu cậu không thích chờ đợi, có thể về…
– Dạ, cháu cảm ơn cô! Chả mấy khi được đến nhà, cháu sẽ chờ cô và Mắt Nai ạ!
– Vậy thì cậu đi theo tôi!

Người đàn bà dẫn anh vào một căn phòng nhỏ, yên tĩnh, vắng lặng, chỉ có đặt một cái bàn và một chiếc ghế, trên bàn đã đặt sẵn tập thơ Trái Tim Muốn Gửi. Một mùi ẩm mốc xông lên mũi khi anh bước vào. Hình như căn phòng trước đây là một nhà kho chứa đồ cũ, anh có cảm giác như vậy.
Mẹ của Mắt Nai chỉ đứng ở ngưỡng cửa, đợi anh vào hẳn trong phòng mới bước ra ngoài. Anh nghe tiếng khóa cửa lách cách bên ngoài, rồi tất cả rơi vào im lặng.

Một giờ…hai giờ…vẫn không thấy động tĩnh gì. Anh muốn ra khỏi căn phòng ngột ngạt này nhưng không mở cửa được, vì hình như đã bị khóa bên ngoài.Anh bỗng lạnh người khi chợt nhận ra người đàn bà ấy, một cô giáo nghiêm khắc, đã gài bẫy nhốt anh trong căn phòng này. Bà làm vậy vì mục đích gì, anh không biết. Hay là bà muốn thử thách lòng kiên nhẫn của anh trước khi cho quen với con gái bà.

Để đỡ thấy thời gian dài trong khi chờ đợi, anh ngồi đọc lại tập thơ của mình.
Anh toát mồ hôi khi nhận ra những bài thơ anh viết là những lời sáo rỗng không thật, chúng chung chung và nhàn nhạt, gửi tặng cho một hay nhiều cô gái khác nhau cũng được. Sự thất bại của anh là thiếu cảm xúc chân thật, đi theo con đường mòn của ngôn từ quy ước.
Mãi đến trưa, Sinh bắt đầu thấy đói. Nếu trưa nay họ không về, anh không biết mình có còn chịu nổi nữa không. Anh có đập cửa vài lần nhưng không thấy dấu hiệu gì có người sẽ mở. Anh ngồi gục xuống mặt bàn cố ngủ một giấc cho qua thời gian…

Khi Sinh thức dậy, có thể là một thế kỷ đã trôi qua, cánh cửa phòng mở ra, anh muốn kiệt sức, người mệt lả, cố lết ra cửa.
Người đàn bà- mẹ của Mắt Nai- đứng ở ngưỡng cửa hỏi anh bằng chất giọng Huế thật dịu dàng:
– Sao, thi sĩ ! Cần gặp con gái tôi nữa không?
Sinh thều thào:
– Dạ…thưa cô! Lúc này cháu chỉ cần một cốc nước và một… chén…cơm!

Lữ Vân
11.6.2012

4 BÌNH LUẬN

  1. RE: Thi Sĩ
    Một câu chuyện thú vị, DT chỉ có thắc mắc: Sau hôm “thử thách” đó, có lẽ thi sĩ không dám đụng đến cô con gái xinh đẹp của nữ chủ nhân kia rồi, nhưng anh ta có còn làm thơ nữa không vậy anh?
    DT cũng tò mò muốn đọc “Trái Tim Muốn Gửi”! 🙂

  2. RE: Thi Sĩ
    sau khi cơm nước xong dĩ nhiên thi si sẽ làm thơ tiếp, có điều thơ kỳ này chắc sẽ thoảng mùi cơm chín và có thần hơn.

    LV lại phá HNN nữa rồi!

  3. RE: Thi Sĩ
    Diệu Tâm mến,
    Nếu là thi sĩ thứ thiệt, có lẽ anh chàng vẫn tiếp tục làm thơ, dù đã nhận được một bài học hơi nghiêm khắc.
    Không biết DT có con gái dưới 18 tuổi không mà cần đọc tập thơ ấy.
    Mượn tập thơ Ngô Đình Hải đọc đỡ vậy, DT nhé!

  4. RE: Thi Sĩ
    Hà Xưa ơi,
    Sao lười còm vậy? Hai ông ấy vẫn oánh nhau hoài! Bị ‘đa nhân cách’ rồi chăng?
    Chúc bình an.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả