Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Cơn Đau Của Mẹ

Mẹ tôi ở nông thôn. Bà suốt đời tận tụy lo cho chồng con. Ngoài công việc đồng áng, thời gian rảnh rỗi, bà trồng thêm luống khoai, vạt rau quanh vườn nhà. Bà ăn uống đạm bạc, làm việc quần quật nhưng sức khỏe bà lúc nào cũng dẻo dai, ít trái gió trở trời.
Ngày chúng tôi ăn học thành tài, bà lo lập gia đình cho mỗi đứa chu tất, chúng tôi mới thấy bà tươi cười vui vẻ.Trái ngược với thời gian xưa- bà ít nói, ít cười, luôn chăm chỉ lao động.
Vì cuộc sống, tôi và cô em gái phải lên thành phố làm việc.Cha tôi mất đã lâu, mẹ tôi ở nhà một mình.Bà nói thích cuộc sống tĩnh lặng ở miền quê, vả lại, còn phải hương khói cho mồ mả ông bà.
Chúng tôi tôn trọng sở nguyện của mẹ nên để bà ở lại.Đôi khi vì bận công việc, chúng tôi quên bà đang ở nông thôn, sống thui thủi một mình trong cảnh tuổi già chiếc bóng.Nhưng hàng tháng, tôi và cô em gái vẫn gửi tiền về cho mẹ.
Một buổi chiều mưa, đi làm về, ngang qua một góc phố vắng, tôi thấy một bà hành khất mặc chiếc áo vá chằn vá đụp, tay cầm cây gậy chống đi lầm lũi trong màn mưa, tôi đột nhiên nhớ mẹ mình.Tôi dừng xe, cho bà cụ ít tiền, rồi mới về nhà.
Tôi bàn với vợ và gọi điện thoại cho cô em gái bắt buộc phải về quê đưa mẹ lên thành phố.Tôi là con trai trưởng có bổn phận phải nuôi mẹ lúc tuổi già.

Cũng lắm nhiêu khê khi thuyết phục mẹ tôi lên ở phố, nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý.Ngôi nhà dưới quê, tôi nhờ một người cháu đến ở và chăm sóc hương khói.
Mẹ tôi rất vui khi gặp lại cháu con đông đủ.Chúng tôi làm một bữa tiệc thịnh soạn đãi bà, có mời thêm mấy người thân trong họ và một số bạn bè, gọi là mừng ngày đoàn tụ.Vợ tôi mua toàn những loại hải sản, thịt cá, rau củ cao cấp trong siêu thị.Em gái tôi mua thêm các loại hoa quả nước ngoài đắt tiền.
Trong bữa tiệc, tôi thấy mẹ tôi rất vui, kể huyên thuyên chuyện dưới quê như thể người ta đi du lịch xa về thuật lại chuyện hay lạ ở xứ người.Mọi người nghe, với nụ cười toe toét và cái đầu gật gật, cốt để cho gia đình vui lòng, nhưng tôi biết tự thâm tâm họ, những người ở thành phố đã lâu, như đang nghe chuyện cổ tích.
Thấy mẹ tôi nhìn các món sơn hào hải vị bày la liệt trên bàn nhưng đôi đũa bà có vẻ lơ đãng, ngần ngại, nên em gái tôi gắp bỏ thức ăn cho bà với giọng ngọt ngào kẻ chợ:
– Ăn đi mẹ! Loại tôm hùm này dưới quê mình không có đâu! Đây là loại tôm vua của các loài tôm, ăn rất bổ.Chả bù ở dưới quê ngày xưa chỉ có món ‘xúc tép kho cà’!
Bà quay lại hỏi cô em gái:
– Tôm hùm họ bán bao nhiêu một ký ?
Cô em gái cười, nói nhỏ:
– Tiền triệu đó mẹ! Nhưng không sao đâu, anh con giàu mà!
Mẹ tôi có vẻ ngẩn ngơ, như đang tính toán điều gì.

Ở nhà vợ chồng tôi khoảng một thời gian, mẹ tôi bỗng lâm bệnh, bỏ cơm đã mấy bữa, chỉ húp được nước cháo thịt nấu loãng.Tôi hỏi mẹ đau gì, bà nói:
– Bụng mẹ như có con sâu gì cắn rứt trong đó, đau nhoi nhói nên không còn thích ăn.
Vốn tính cẩn thận, tôi không tự ý đi mua thuốc cho mẹ uống mà đưa bà đến một bác sĩ chuyên khoa về đường ruột có mở phòng mạch tư.
Phòng khám khá đông khách.Mẹ và tôi phải ngồi chờ hơn một tiếng mới đến lượt.Tôi theo mẹ, dìu bà đến bàn vị bác sĩ.
Sau khi đo huyết áp, chụp chụp ống nghe lên người bà vài lần, vị bác sĩ mang kính gọng vàng xệ xuống đầu mũi hỏi:
– Bà đau gì nào?
Mẹ tôi chỉ vào bụng:
– Tôi thấy đau quặn trong ruột, như có viên sỏi chạy lên chạy xuống.
Vị bác sĩ lại đặt ống nghe lên bụng bà, chụp chụp thêm vài cái.Ông kêu tôi ngồi gần lại, hỏi vừa đủ nghe:
– Nhà bà cụ có ai bị tiền sử ung thư ruột không?
Tôi cảm thấy hốt hoảng, nhưng chợt nhớ ra:
– Không có ai, thưa bác sĩ!
– Vậy thì tốt, bà cụ chỉ bị rối loạn tiêu hóa, tôi cho toa, anh mua thuốc ở đây, vì ngoài tiệm không có loại thuốc này.Nếu chưa bớt, tuần sau anh dẫn bà cụ đến đây tái khám.
Vị bác sĩ hí hoáy viết một toa thuốc độc quyền dài ngoằn, dễ chừng đến bảy, tám loại thuốc, bằng một loại chữ mà chỉ có người nhà ông mới đọc được.

Uống hết thuốc, bệnh mẹ vẫn không bớt.Tôi nhờ cô em gái đưa mẹ vào một bệnh viện lớn trong thành phố để khám.Sau gần một ngày làm đủ các loại kiểm tra bằng thiết bị tối tân, thử máu, thử phân…, buổi chiều, còn ở bệnh viện, cô em gái gọi di động báo tin cho tôi biết là các ông bà bác sĩ đồng kết luận là mẹ không bị bệnh gì, đường ruột của bà không sao cả.
Thế thì tại sao ban đêm tôi vẫn nghe tiếng rên rỉ của bà ?Hay là bà giả vờ bị bệnh để về ở lại quê? Nếu thế, bà phải nói cho tôi biết chứ!

Tôi đến sở làm, đầu óc không tập trung vào công việc được, cứ suy nghĩ hoài đến cơn bệnh đau bụng của mẹ mà không biết chữa cách nào cho hết.Hay là đưa bà sang Trung Quốc, một nước đã có kinh nghiệm mấy ngàn năm về Đông y ? Mỗi lần nhìn mẹ ôm bụng quằn quại, tôi cảm thấy chính mình cũng đau từng khúc ruột.Ước gì tôi có thể thay thế được cơn đau của mẹ.

Để đỡ ngột ngạt, tôi rời phòng làm việc, đi vơ vẩn ngoài hành lang tìm luồng gió mát.Mùa này oi bức quá, thời tiết thay đổi đột ngột khi mưa khi nắng dễ khiến người ta bị bệnh.
Bất ngờ, tôi nghe tiếng hai người đàn bà nói chuyện.
– Ông ấy đúng là một thầy thuốc giỏi.Chồng tôi bị đau tức trong ngực đã lâu, chữa Đông chữa Tây gì cũng không bớt.Vậy mà chỉ tới ổng vài lần là khỏi hẳn.
– Hay nhỉ! Thầy chữa bằng thuốc gì vậy?
– Để nói cho nghe! Lần đầu gặp chồng tôi đến, mới nhìn mặt, ông thầy đã nói:” Anh làm nghề gì tôi không cần biết, nhưng nếu anh không chịu bỏ nghề, bệnh anh sẽ không khỏi”.Khi chồng tôi vì đau quá, phải xin nghỉ làm, tới nhờ ổng chữa mới khỏi.
– Nhưng ảnh làm nghề gì vậy?
– Nói đừng nói đi nói lại.Trước đó ảnh làm ‘cớm chìm’ khi lái xe cho các nhà Sư.
– Chữa có tốn tiền nhiều không ?
– Ổng không lấy một xu!
Tôi có cảm giác đang bị chuột rút trên sông vớ phải chiếc phao.Xoay người lại, tôi gọi hai người đàn bà:
– Này hai cô ơi! Cho tôi hỏi thăm tí!
Cả hai cùng quay lại.Một cô hỏi:
– Chào anh Trưởng Phòng! Anh hỏi gì nào?
– Cô làm ơn cho tôi biết địa chỉ của vị thầy thuốc chữa bệnh cho chồng cô ở đâu, để tôi nhờ chữa bệnh cho mẹ tôi!

Tôi chở mẹ tôi đến gặp vị thầy thuốc sau khi đã hỏi địa chỉ chắc chắn.
Loay hoay qua một khu chợ nhỏ đã vãn người mua, tôi tìm đến một khu vườn đầy bóng cây xanh.Nghe nói vị thầy thuốc đang tu tại gia, ông đang ở trong một cái cốc lá nhỏ.
Mặc bộ đồ màu nâu, da dẻ hồng hào, hai mắt ông thật sáng nhưng phát ra cái nhìn hiền từ,ông tiếp khách với phong thái từ tốn.
Tôi nhỏ nhẹ trình bày từng chi tiết về cơn đau của mẹ, ông lặng lẽ lắng nghe.
– Cụ nhớ quê lắm phải không? Mùa này có lẽ những đầm sen và các ao rau muống đã bắt đầu nở hoa…
Ông nói như một nhà thơ, hỏi mẹ tôi với giọng trầm ấm.
Sau khi xem mạch cho mẹ tôi với ba ngón tay, ông cười nhẹ nhàng nói với tôi:
– Bà cụ bị nội kết vì ý nghĩ nên có cảm giác trong ruột có hòn sỏi chạy lên chạy xuống.
Mẹ tôi chợt mừng rỡ:
– Thầy tài quá! Nói đúng bệnh của tôi.
Tôi nóng nảy đâm ngang:
– Có phải phẫu thuật không thầy ?
– Không đâu! Ngày đầu, về luộc nước rau muống, thêm quả cà chua, vắt miếng chanh vào cho cụ uống để lấy lại sức và tan khối nội kết. Ngày hai, ra chợ mua loại rau muống rẻ nhất, nấu cơm hơi nhão một tí, luộc rau thật mềm cho chấm một ít nước muối, nhớ giữ lại nước rau luộc làm canh, đừng đổ bỏ kẻo lãng phí.
Nghe vị thầy thuốc nói, tôi không tin tưởng lắm, nhưng muốn mẹ tôi mau khỏi bệnh, tôi sẽ làm theo.

Ba ngày sau, mẹ tôi hoàn toàn khỏe mạnh, không còn quặn ruột.Tôi mừng hơn bắt được vàng.Tôi mua ít hoa quả làm lễ vật đến tạ thầy.
Ông cũng tiếp tôi tại cái cốc lá đơn sơ.Tôi báo tin là nhờ thầy mà mẹ tôi đã khỏi bệnh. Gia đình chúng tôi chân thành cảm ơn thầy.
Tôi hỏi thêm:
– Thầy có thể cho biết nguyên nhân chính cơn đau của mẹ tôi không?
Vị thầy cười xòa, ôn tồn giải thích:
– “Đồng tiền liền núm ruột”, như câu tục ngữ Việt Nam có nói.Gia đình cho ăn thức ăn đắt tiền quá, nên bà cụ đau thắt ruột là phải rồi! Các bà mẹ quê mà!

Lữ Vân
06.6.2012

14 BÌNH LUẬN

  1. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Anh Lữ Vân mến, đọc câu chuyện anh kể, DT hiểu được ngay căn bệnh và cơn đau của mẹ. Nhiều lần bắt gặp những bà cụ hành khất trên đường, DT có lúc dừng lại nói chuyện và hỏi vì sao cụ phải đi lang thang như vậy, con cháu đâu? Có cụ trả lời cụ không còn ai, có cụ nói rằng có con trai, nhưng con dâu “bất nghĩa”, thế là cụ ra đường.v.v… Cũng có lần đọc tâm sự của một phụ nữ VN ở nước ngoài, cô kể đã rước mẹ qua sống với mình. Bà mẹ quê lại thích hút thuốc Cẩm Lệ, mùi rất nặng. Người chồng ngoại quốc chịu không nổi nói với vợ “Mẹ hôi quá!” Nghe được, cụ lặng lẽ bỏ nhà con gái ra đường, gọi người em trai đến cho cụ ở nhờ và “trả” dùm cụ về lại VN…
    Rất nhiều cảnh đời tương tự mà không biết được sau đó các cụ sẽ tiếp tục cuộc sống của mình như thế nào cho đến chết.
    Ở đây, anh LV chỉ viết về một bà mẹ “đau” vì con cho ăn thức ăn ngon, đắt tiền. Mẹ còn nhiều nỗi đau khó chữa lắm, không biết ông thầy lang anh kể có chữa được không?

  2. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Diệu Tâm mến,
    Nỗi đau của con người mênh mông như biển.Những bậc hiền triết ra đời đã giúp con người phần nào xoa dịu những nỗi khổ mà con người đã tạo ra.
    Bệnh tật về thể chất, có thể chữa được nhờ thuốc hay, thầy giỏi.Riêng những chứng thuộc về tâm bệnh chỉ có lòng từ bi,bác ái, tình thương mới giúp xoa dịu được phần nào.
    Trong truyện chỉ muốn nói đến tấm lòng của một bà mẹ quê.Còn nhiều nỗi khổ khác, có lẽ tình thương của các người con sống hiếu thảo với cha mẹ mới chữa được.Thầy lang cũng chỉ là người trợ giúp.
    Cảm ơn Diệu Tâm đã đọc và góp lời bàn.

  3. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Đọc “Cơn đau của mẹ” tự nhiên tôi đâm “ganh tị” với những ai đang còn mẹ! Đó là cái may mắn và hạnh phúc nhất của một đời người, bao nhiêu tuổi cũng chẳng “già đi” nếu còn mẹ! Ước gì tôi được “lớn hơn” để “hiểu” trong những tháng ngày còn mẹ…! Cám ơn anh Lữ Vân nhiều lắm.

  4. đọc ‘Cơn đau của mẹ”
    Hầu như trong tất cả bài viết đồng tác giả, luôn thấp thoáng vài gửi gắm mà người viết muốn chuyển đến người đọc qua mạch văn từ tốn và lối dẫn chuyện nhẹ nhàng nhưng thường có xu hướng kết thúc đột ngột; từ đó đã tạo hiệu ứng: Để lại một khoảng lắng đọng.

    Lần này cũng vậy, dù vẫn dẫn dắt từ một chuyện rất đỗi bình thường nhưng hiệu ứng được khởi đầu từ sự lệch pha về những chữ trả vay, báo đáp trong suy nghĩ giữa các thế hệ đã làm sự giao thoa và đồng điệu, vốn rất cần thiết trong các giềng mối thâm tình; đã bị biến mất.

    Trong ngữ cảnh đó, dường như cơn đau lại như một thứ ngôn ngữ cơ thể; một thông điệp mà người mẹ muốn gửi đến các con mình. Rằng việc tách rời một con người ra khỏi môi trường và cộng đồng đã quen thuộc và gắn bó đến cố hữu, thật ra; khó hơn rất nhiều so với bứng một cái cây đem trồng nơi xứ khác.

  5. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Ngô Đình Hải thân,
    Hồi nhỏ đọc mấy câu thơ sau mình chỉ hiểu lỏm bỏm:
    Hoàng hôn tan chầm chậm
    Chuông chùa nhè nhẹ rơi
    Tôi thấy tôi mất mẹ
    Là mất cả bầu trời
    (NH)
    Bây giờ, hiểu thêm lòng ‘ganh tị’ của Hải, càng cảm thấy thấm thía và buồn hiu!
    Cảm ơn Hải đã chia sẻ nỗi buồn không còn Mẹ.

  6. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    gửi bạn Phước Hải,
    Cảm nhận của bạn lúc nào cũng sâu sắc, chứng tỏ bạn đọc kỹ các bài viết của LV.
    Nhận ra hay không nhận ra ‘thông điệp’ nào đó, hoàn toàn do tâm trạng và góc nhìn của người đọc.
    Truyện, do thói quen, LV viết nhanh hơn làm thơ, nên đôi khi cũng có nhiều thất bát.
    Cảm ơn bạn đã hiểu cơn đau của một bà mẹ quê.

  7. Cơn Đau Của Mẹ
    Anh Lữ Vân ơi! Đọc chưa hết bài viết của anh TT đã có thể chẩn đoán được bệnh của người Mẹ rồi…Anh biết vì sao không? Vì TT liên hệ đến Mẹ của mình.
    Anh ạ! Ngày xưa khi TT còn bé ( NHững tháng ngày từ năm 75 trở đi…), vì con đông nên lúc nào Mẹ cũng nhường phần cho con, riêng mình thì tiện tặn không dám ăn…Những tưởng đến bây giờ thì sẽ thay đổi vì cuộc sống có phần đỡ hơn trước…Nhưng không phải vậy. Con cháu mua thức gì ngon thì Mẹ bảo những món ấy mình không ăn được, lại mang cho con cháu ăn và chỉ ăn những món đơn giản, ít tiền…Các bà Mẹ hầu như đều là vậy phải không anh? Luôn hy sinh và tiết kiệm, chắt chiu…Ôi! Mẹ của tôi. Thương quá anh à…

  8. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Thu Trang mến,
    Tấm lòng của các bà mẹ quê đều như vậy phải không Thu Trang?
    Chả bù, anh mới đọc tin trên mạng, có một bà mẹ ở Tân Bình- Tp.HCM cho đứa con gái mới 3 tuổi uống thuốc độc chết rồi mới tự vẫn!( Nguồn: Google News)

  9. Cơn Đau Của Mẹ
    Anh Lữ Vân ơi! Câu chuyện bà mẹ ở Tân Bình cho con uống thuốc độc rồi tự vẫn theo con…Có lẽ có một uẩn khúc gì đó và thiếu suy nghĩ…Nếu không đã không chết theo con…Anh biết không??? Cũng có thời điểm TT nghĩ rằng nếu phải xa con thì thà là TT và các con hoặc là cùng sống với nhau hoặc là cùng chết…TT không thể để ai tách rời con khỏi mình được 🙁

  10. Con dau cua me
    Anh Lu Van oi, bai viet cua anh da lam cho toi phai ngam nghi lai moi quan he giua minh va me cung nhu moi quan he giua minh va con minh. Sau khi doc duoc bai viet cua anh, toi nghi la toi se kien nhan hon trong tinh yeu voi me cung nhu doi voi con minh. Toi cung thay rang tinh yeu chan thuc duoc nhin thay qua viec minh san sang spend time voi nguoi minh yeu, chu khong phai cho tien la du.
    Cam on bai viet cua anh rat nhieu.

    • gửi cuu nu sinh nth
      Rất vui vì bài viết đã góp phần giúp bạn hiểu và thương người thân hơn.
      Kính chúc bạn và quý quyến an lành.

  11. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Thu Trang ơi,
    Bà mẹ ấy được cứu sống, còn đứa con gái 3 tuổi ấy đã chết.Anh không hiểu trong quãng đời còn lại, người đàn bà ấy sẽ sống ra sao?
    Trước nguồn tin ấy, nhiều bà mẹ khác vào góp ý cho người đàn bà ấy ích kỷ, không hề thương con.
    Anh nghĩ một người mẹ thương con nên nghĩ đến tương lai của con cái hơn là bắt chúng chỉ sống quanh quẩn và làm theo ý muốn của mình.

  12. Gửi Anh Lữ Vân
    TT nghĩ cuộc đời còn lại của người mẹ sẽ vô cùng đau khổ…ích gì khi chúng ta chỉ đứng ngoài và lên án người khác khi không hề biết trong chăn có rận hay không? Chỉ vì nông cạn mà phải trả giá với chính lương tâm của mình, vì không đủ bản lĩnh để chống chọi với những tác động ở bên ngoài…
    Anh ạ! Cuộc sống đôi lúc làm cho con người bị dồn đến ngõ cụt ( như TT đã từng gặp phải và đã từng có suy nghĩ ấy nếu mất con). Nếu không đủ nghị lực sẽ dẫn đến kết cục đau lòng…

  13. RE: Cơn Đau Của Mẹ
    Dù thế nào, người ta thường nhìn vết xe đổ để con đường mình đi bình an hơn.Như thế, những bài học trong đời cũng có ích chứ Thu Trang?
    Giảm bớt lòng tham, sự nóng giận, sự mê muội, có lẽ sẽ giảm bớt việc gây ra tội lỗi, Thu Trang ạ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả