Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNhững Người Đa Nhân Cách

Những Người Đa Nhân Cách

Không biết từ bao giờ, chứng bệnh đa nhân cách lây lan nhiều người trên con đường tôi ở.Đây là loại bệnh lạ, đã xảy ra ở các nước có đời sống công nghiệp buộc mọi người phải làm việc tối đa, ít có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.

Những người mắc phải bệnh này, như để đối phó với công việc đè nặng lên người, nên trong mỗi cơ thể một người thường có hai, ba người khác ở trọ.Mỗi người mang một nhân cách khác nhau.Bệnh nhẹ là hai, bệnh nặng là ba trong một.
Người đầu tiên bị bệnh, có lẽ là bác Sáu Phi, làm nghề thợ mộc.Bình thường bác Sáu Phi là một người hiền lành, làm ăn siêng năng, chăm chỉ, tay nghề giỏi nên được khách hàng tín nhiệm, thường xuyên đến đặt hàng.Bác chỉ có cái tội là nói hơi nhiều, có lẽ vì cái miệng bác hơi rộng, cười đến mang tai.

Một hôm tôi đến đặt bác Sáu Phi làm một cái bàn viết bằng gỗ căm xe.Kích thước, giá cả xong xuôi, bác giữ tôi lại uống nước trà.Bác kể:
– Dạo còn ở bên Kampuchia, tôi là người thợ mộc giỏi nhất Hoàng Cung, chuyên đóng đồ cho ông vua Xi-À-Núc.Tôi còn nhớ, bữa đó tôi làm cái bàn ăn cho ổng, ổng có sai quan cận thần đến coi, gặp lúc tôi đang bào cái mặt bàn láng bóng đến nổi soi mặt được.Bỗng đâu có một con gà mái mắc đẻ, từ dưới đất nhảy lên mặt bàn tìm ổ đẻ, vì mặt bàn láng quá nên con gà bị té lọi chân.
Bác Sáu Phi nói tỉnh bơ, chưa kịp cười thì chính tai tôi nghe một giọng nói đàn bà thốt ra từ miệng bác:
– Ổng nói dóc đó, cậu đừng tin!
Nhìn quanh quất không thấy ai, tôi nghe rờn rợn trong người, tưởng bác bị ma nhập nên tôi kiếu về.

Về nhà, tôi suy nghĩ, có lẽ bác Sáu Phi là người tập nói được hai giọng đàn ông và đàn bà, để đùa chơi, nên tôi quên đi.

Không ngờ, bữa sau bị đau răng, tôi tìm đến phòng mạch của một bác sĩ nha khoa cũng ở cùng con đường.Bắt tôi nằm dài trên chiếc ghế, mở to miệng, cầm cái đèn pin nhỏ soi tới soi lui, ông bác sĩ nói:
– Răng gì mà như răng chó!
Tôi tưởng mình nghe lầm, ngồi bật dậy, hỏi:
– Bác sĩ nói gì ?
Ông nhìn tôi, với đôi mắt hiền từ của vị lương y như từ mẫu:
– Không, tôi có nói gì đâu! Giá cả, nhổ răng sâu hàm trên gấp đôi hàm dưới.
Tôi nằm xuống lại, cho ông chích thuốc vào chiếc răng sâu hàm dưới rồi lấy kềm nhổ, đầu óc cứ bưng bưng vì câu nói ‘răng chó’!
Nghe người thứ hai tôi vẫn chưa tin, vì biết đâu mùa này do thời tiết nóng quá, nên tôi đã nghe lầm.Cho đến một hôm…

Đêm nay, phía trước nhà tôi có buổi đọc kinh đêm cầu nguyện điều gì đó tôi không rõ, vì không đi dự.Trời oi bức nên tôi ra vườn ngồi trên chiếc ghế đá nhìn qua.
Tiếng đọc kinh êm ả vang lên, bỗng ngừng lại vì có chuyện lộn xộn.Thì ra, một tên trộm lợi dụng người nhà đang tập trung phía trước đọc kinh, lẻn vào phía sau bắt gà.Hắn ôm con gà mái leo tường trèo ra thì bị ông tổ trưởng tổ dân phố rình bắt tại trận với đầy đủ tang vật.
Phía trước nhà, đám người đọc kinh lại tiếp tục đọc.Phía ngã tư đường gần chỗ tôi ngồi,tôi nghe ông tổ trưởng đang dọa nạt tên trộm:
– Tại sao mày đi bắt trộm gà?
– Dạ, tại con không có tiền!
– Tại sao mày không có tiền?
– Dạ, tại con không có việc làm!
– Tại sao không có việc làm?
Tôi nghe tên trộm không trả lời, có lẽ hắn cũng không hiểu vì sao.Một tiếng nói có vẻ hạ thấp giọng:
– Đưa con gà cho tao, mày chạy đi, nhưng đừng nói tao thả nghe!
– Dạ, con cảm ơn ông!
Một lát, tôi nghe ông tổ trưởng la lớn:
– Bắt lấy nó! Nó chạy rồi, bà con ơi !
Và tiếng tên trộm từ xa vẳng lại:
– Đồ ăn tạp ! Quân ăn cướp!

Lữ Vân
21.5.2012

12 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Chuyện vui nhưng hơi khó hiểu. Không biết dùng từ đa nhân cách ở đây có chính xác không.

  2. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    gửi Đào Thanh Hòa,
    Có lẽ đây là một loại bệnh mới ở VN nên ít người nhận ra.
    Cảm ơn Hòa đã đọc.

  3. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Những ẩn dụ lôi cuốn với giọng văn có chút nghiêm trọng pha chút dí dỏm, hai “đa nhân cách” đầu của Bác Sáu Phi và vị nha sĩ có vẻ như vô thức, kỳ bí làm người đọc tò mò muốn biết tác giả muốn nói gì trong câu chuyện, muốn đọc thật mau đoạn cuối
    À thì ra tất cả chỉ để dẫn dắt người đọc đến cái đa nhân cách không còn vô thức nữa mà đầy đủ [i]ý thức[/i] của ông tổ trưởng !
    Một kết bất ngờ, dẫn dắt của câu chuyện thật thú vi!
    Cảm ơn anh Lữ Vân
    Dao

  4. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Trong bác thợ mộc có ba ngừoi: một bác thợ mộc giỏi việc hiền lành, một kẻ ba hoa, và một nguoi ghìm bớt anh chàng ba hoa (may quá lại e é như đàn bà 😛 )
    Ông nha sĩ thì hai trong một: một nha sĩ tận tâm, một kẻ đã mệt mõi với việc cả ngày phải nhìn mấy cái răng sâu nên đã quát “răng gì như răng chó” cũng dễ thông cảm.
    Riêng ông tổ trưởng thì có nhiều trong một: một kẻ ngu (hay giả vờ ngu khi cứ hỏi thằng ăn trộm “tại sao”) một kẻ “ăn tạp” nếu ở vị trí cao hơn sẽ ăn hối lộ hẳn hoi chứ không thèm ăn tạp
    Rất thú vị,cám ơn anh LV

  5. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    gửi Hà Xưa,
    Cảm ơn lời bàn có duyên ngầm của Hà Xưa.
    Mong đọc được bài viết mới của em.

  6. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Anh Lữ Vân, Tâm đọc trong ykhoa.net có thấy nói về bệnh này, được phát hiện từ thế kỷ 19. Hiện có khoảng 20.000 người ở Mỹ mắc bệnh này, thậm chí có bệnh nhân phải sống với đến 300 nhân cách! Các nhà chuyên môn gọi bệnh này là bệnh tâm thần của xã hội Mỹ, vì ở châu Âu có rất ít, và ở các khu vực khác thì không nghe nói đến. Không ngờ nay đã lan đến … VN! Mới đây cũng có nghe một cậu thiếu niên em của người quen có biểu hiện mắc bệnh này. Tuy nhiên cũng có một số bác sĩ, nhà tâm lý cho rằng không có bệnh này mà chỉ là sản phẩm tưởng tượng của bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
    Bài viết nói tiếp: “Tuy nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn còn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng, nếu có một lối sống lành mạnh, có một nhân cách mạnh mẽ, biết tiếp nhận và xử lý thông tin một cách thông minh và tỉnh táo thì người ta có thể tự bảo vệ được mình trước chứng rối loạn đa nhân cách”.
    ( Nguồn: Thế giới mới, Sức khỏe & đời sống )

  7. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Cảm ơn Diệu Tâm vì lời ‘com’ của em đã giúp mọi người hiểu thêm bệnh đa nhân cách về mặt y học.
    Theo anh nghĩ, đây là một chứng bệnh thuộc về Nghiệp.
    Nghiệp riêng của mỗi người tạo thành nghiệp chung xã hội. Và cộng nghiệp lại sinh ra biệt nghiệp.
    Nhìn lại, giới văn nghệ sĩ dễ bị đa nhân cách nhất, vì họ thích sống trong thế giới vọng tưởng.
    Chúc em an vui.

  8. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Cách viết của Anh Lữ Vân giống như ra đề. Và nếu đọc trong các recom thì có khi, sẽ tìm thấy lời giải. Đúng là hễ sống nhiều trong vọng tưởng thì hay mắc bịnh này.

    Muốn chữa khỏi bệnh, chắc phải tìm cách ‘viễn ly điên đảo mộng tưởng’ phải không Anh ?

  9. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Một người viết văn thường nhìn thấy cái mà người khác bỏ qua hoặc cho là bình thường.
    Vì sao một người mắc bệnh đa nhân cách?Đó là câu hỏi ít người thắc mắc nhất.
    Bạn nói đúng, muốn chữa khỏi bệnh này phải thoát khỏi điên đảo vọng tưởng, nhưng điều này, trong bối cảnh xã hội bây giờ thật không dễ chút nào.
    Cảm ơn nhận xét của bạn.

  10. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Anh Lữ Vân, đọc trả lời của anh, Tâm nghĩ đó là một trong câu trả lời đúng : “Muốn chữa khỏi bệnh này phải thoát khỏi điên đảo vọng tưởng”. Tuy nhiên, câu tiếp theo “điều này, trong bối cảnh xã hội bây giờ thật không dễ chút nào”…
    Gần đây anh Trần Dzạ Lữ có viết “Buông” hay “Quăng”, dù anh Lữ viết về phương diện “Tình” mà thôi, nhưng thay chữ “Tình” là chữ “Vọng tưởng”, thì nếu ta muốn và cố tìm cách “Buông”, thì cũng không khó lắm, phải không anh?
    Thật sự, đây cũng là một dạng bệnh tâm thần. Dù có những dạng tâm thần “tỉnh táo”, nhưng đã tâm thần rồi thì làm sao cố gắng thoát khỏi điên đảo vọng tưởng được? Đó mới là cái khó anh nhỉ?

  11. RE: Những Người Đa Nhân Cách
    Diệu Tâm mến,
    Bình thường, những người bệnh gặp được những trợ duyên tốt, thầy hay bạn quý, bệnh của họ có thể chữa được.
    Cơ thể bệnh thì dùng thuốc, tâm bệnh thì dùng pháp tu để chữa trị.
    Vọng tưởng là sự phóng chạy tâm trí bên ngoài,tình tưởng là sự nội kết tình cảm ưu uất bên trong,đều là tâm bệnh, rất khó xa lìa .Làm sao có thể muốn buông thì buông, muốn bỏ thì bỏ!
    Trong một xã hội có quá nhiều người điên nên ai cũng nghĩ mình là một người bình thường, họ đâu muốn chữa trị.
    Cảm ơn Diệu Tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả