Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănBức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi

Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi

Thuở nhỏ đi học tôi thích nhất là những giờ tập làm văn và ghét nhất là giờ tập vẽ. Cũng phải thôi, giờ tập làm văn đôi khi còn phồng mũi vì được cô đọc bài trước lớp, còn môn tập vẽ của tôi, ôi thật thê thảm, cố gắng lắm cũng chỉ đủ trung bình. Thích sao được!

Có lần cô cho chúng tôi tập vẽ cái ghế, dĩ nhiên là tôi nghĩ ngay đến “cái ghế” nhỏ mà ba tôi đã làm cho chúng tôi. Nó là một cái đòn bằng gỗ, thấp chủn nên trẻ con rất khoái tranh nhau ngồi, ngồi đến nhẵn bóng, mặt đòn lõm vô, càng êm ru. Tôi loay hoay đứng nhìn, cái ghế thấp quá nên làm sao thấy được cái chân để vẽ đây? Trẻ con chỉ biết tả chân, nói thưc, làm gì biết thêm bớt như người lớn. Thế nên tôi đã quyết định chổng ngược cái chân ghế lên trời để nhìn mà vẽ. Tôi nhớ đã rất thích thú với sáng kiến này của mình. Tôi đã bò lê dưới đất, ngắm nghía, tô vẽ, còn ráng vẽ cái mặt ghế lõm vô một miếng cho nó giống thiệt. Nhưng ác nỗi bàn tay trẻ con còn vụng về, cái miếng khuyết của tôi hình như đã hơi quá tay làm cái mặt ghế suýt gãy làm đôi, tôi đã “dán” nó lại bằng cách tô thêm một miếng băng keo màu vàng vàng như khi tôi đứt tay! Tôi sung sướng nhảy lưng tưng quanh “tác phẩm” đang nằm dưới đất của mình. Hôm sau tôi nộp bài và hân hoan chờ đơi. Cô giáo không để tôi hồi hộp lâu, cô chấm bài tại lớp, phát liền tại chỗ. Tôi mở trang vở ra: một đường gạch chéo đỏ chói rất đau lòng trên tác phẩm của tôi, với câu hỏi “Cái gì đây?” và con điểm 3 như cái miệng đang mếu… Sao cô hỏi mà không chờ tôi trả lời nhỉ: Tôi vẽ cái ghế với cái chân chổng ngược đó mà, còn có miếng băng keo an toàn cho nó nữa, sao lại…Tôi buồn đến mấy ngày trời và tự nhũ: mình là đứa không hề biết vẽ, mình vẽ xấu nhất trần gian, đừng bao giờ nên cầm cây bút màu nữa mới phải!

Những suy nghĩ này vẫn luôn bám lấy tôi suốt thời đi học, cũng may là lên trung học môn vẽ có thể thay bằng nữ công nên tôi đã tạm quên chuyện này đi. Thời trung học xung quanh tôi bạn bè lại rất nhiều “họa sĩ”. Những năm cuối thời áo trắng, nàng DT với cây bút chì phất tay một cái đã thành bức tranh cô gái có mái tóc bay theo gió đẹp mê ly, còn TV thì có tài trang trí lẫn hội họa, hắn đã từng đậu vào Cao đẳng Mỹ Thuật mà lị. Mỗi lần đến nhà hắn chơi, nhìn cái bức tranh sơn dầu được giải thiếu niên gì đó của hắn treo chễm chệ trên tường, tôi phục lăn đùng. Nên tôi càng yên chí cất hộp sơn màu vô ngăn kéo cho đến lúc khô queo, không bao giờ thắc mắc.

Vậy mà khi qua Mỹ, ở tuổi hơn bốn mươi, trở lại College để lấy thêm mấy lớp về Child Care tôi phải đụng đầu với lớp dạy Art cho trẻ con, chơi với các bé mẫu giáo thì ít ra cũng phải biết cách giúp các bé vọc màu sắc chứ! Lạy chúa tôi, “nỗi đau” xưa đã trở về, tôi đã tính Drop cái lớp này rồi, nhưng nó là lớp Requirement nên tôi không thể nào trốn được. Tôi thất thểu bước vào lớp…

Cô giáo của tôi, một nữ tiến sĩ về giáo dục lại có vẻ bề ngoài tuyềnh toàng như một người đàn bà đẩy xe bán fast food. Ngày đầu tiên vào lớp cô không nói gì cả, chỉ phát ngay cho mỗi người một vài tờ giấy và bảo đến bàn tự chọn màu để vẽ. Trên bàn la liệt là những cây bút chì màu: bằng gỗ, bằng sáp, màu nước, tất cả là loại cho trẻ con. Cô bảo mọi người cứ ra sân trường muốn ngồi ở đâu và vẽ gì thì cứ vẽ. Cái sân trường rộng mênh mông, những hàng thông cao vút, hoa cỏ đẹp tuyệt vời, và tôi biết vẽ cái gì đây? Tôi ngồi bệt cuống bãi cỏ và nhìn quanh, đám cỏ lau đung đưa trong gió. Ừ, vẻ đại đám cỏ lau này may ra sẽ giống cỏ lau!

Tôi loay hoay vẽ và tô màu, tôi tô những cọng cỏ bằng sắc vàng, sắc xanh và cả sắc đỏ, những màu sắc rất đơn sơ mà tôi có trong tay. Trong nắng trong gió, khoan khoái thế nào đó tôi lại chợt thấy bức tranh của mình đẹp! tôi thích thú thêm hoa thêm lá…và khi ngầng đầu lên tôi thấy mọi người đã trở lại lớp hầu hết. Tôi co giò chạy vào.

Tôi nộp bản vẽ, cô giáo nhìn tôi, ánh mắt nâu của bà thật dịu dàng và khích lệ. “Great Job” cô nói và cho điểm 10, điểm tối đa của một cái quiz. Tôi hí hững về chỗ và nhìn những người khác, thấy hầu hết mọi người đều được điểm 10 giống tôi. Cô giáo coi bộ dễ tính quá!

Cô giáo đã bắt đầu bài giảng, nét fast food của bà biến đi đâu mất, ánh mắt nâu của bà sáng ngời và hóm hỉnh: Các bạn có cảm thế nào khi được trao trong tay một mảnh giấy, vài cây chì màu và ngồi phệt dưới đất để vẽ?…. Tôi muốn các bạn hiểu được sự thích thú của trẻ con khi được làm điều này…và tôi đã cho mọi người điểm tối đa vì đã vẽ, tôi muốn các bạn hiểu điều này khi work với các em. Khơi nguồn sáng tạo, sự yêu thích… đó là công việc của thầy cô giáo…”

Tôi chợt vỡ lẽ, thì ra đơn giản là như vậy: dạy Art cho trẻ em chính là dạy sự yêu thích.

Tôi chưa bao giờ biết mình yêu thích vẽ cho đến ngày hôm ấy. Và bây giờ ở tuổi năm mươi tôi lại bắt đầu “vẽ” những bức tranh bằng đủ thứ vật liệu, có khi là màu nước, có khi là bằng cả cây cỏ, hoa lá…Tôi thích thú cùng với trẻ con nhặt những chiếc lá phong, lá cọ, lá thông… rồi dùng cả sơn tường, sơn móng tay để giữ lấy vẻ đẹp kỳ thú của hoa cỏ cho thật nhiều tháng. Tôi hào hứng cùng với tụi nhỏ nhúng cả hai tay vào màu để nghuệch ngoac trên giấy. Những bức tranh của tôi có thể trông vẫn ngây ngô, vẫn buồn cười không khác “cái ghế” gì mấy nhưng có hề gì, tôi thấy yêu thích và hình như lũ trẻ con cũng yêu thích, vậy là đủ.

Hôm nay là một ngày mưa lạnh lẽo, bạn không phải làm gì, sao không ngồi xuống cạnh đứa cháu nhỏ của bạn. Kiên nhẫn nhìn bàn tay nhỏ bé vụng về của nó nghuệch ngoạc trên tờ giấy, viết và vẽ. Hãy nói đôi lời khích lệ và hãy âu yếm hỏi cháu đang làm gì? Có thể đứa cháu nhỏ của bạn chẳng bao giờ trở thành Monet, Picasso hay Nguyễn Du, nhưng sự khích lệ của bạn sẽ làm cho đứa bé vững tin, đó là tất cả. Niềm tin chính là nền tảng cho hôm nay và cho cả cuộc đời của đứa bé mai sau. Đừng hà tiện chút khích lê để thúc đẩy niềm tin, nhé bạn!

18 BÌNH LUẬN

  1. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Hà Xưa ơi,
    Vẽ lại cái ghế có chân chổng ngược lên trời cho mọi người coi với ! Chưa coi nhưng nghe tả tui cũng muốn cho điểm 10 ! 🙂
    HML

  2. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    hi hi, bây giờ vẽ chưa chắc đã “thiệt” bằng hồi đó. Phải chi anh Lệ làm thầy giáo dạy vẽ thì bây giờ H đã thành qụa sĩ rồi cũng nên 😆

  3. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Những lời thủ thỉ rất dễ thương của tuổi 50 đó Hà. Rõ là một Hà-Xưa-giỏi-tập-làm-văn!
    Tặng Hà hình-vẽ-tuổi > 50 của-mình: Eve ngồi ngắm sao 🙂

    [url]http://nthqn.org/index.php/gallery/album-ca-cac-ban/ngoc-dung/-tro/eve1-2478[/url]

    nd

  4. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Dung ơi, bức tranh tuôi năm mươi của Dung thơ mộng quá, bầu trời mênh mông và bóng thiếu nữ ngồi xõa tóc 20/20 😆
    Ừ, mà ở cái tuổi này hình như tụi mình lại khoái quậy hơn hồi nhỏ nữa: viết văn, ru cháu, làm thơ, vẽ vời, nấu bún bò Huế…hi! hi! perfect!

  5. GỬI HÀ XƯA
    Đọc bài viết thật dễ thương.chừ tuổi 50
    có chuyện: viết văn,ru cháu, làm thơ, vẽ vời, nấu bún bò Huế… thì cũng đã chứ Hà Xưa?

  6. Chị Hà mến
    V cứ “ngắm nghía” mãi bức tranh của chị, đầy ắp cả ngày xưa và bây giờ. Thích nhất là góc cuối: những nét vẽ dung dị mà rất nhân văn. Cảm ơn chị đã trưng bày Bức tranh ở tuổi năm mươi. 🙂

  7. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Anh Lữ ơi, tuổi này là tuổi muốn làm những điều chưa kịp làm đó mà.
    Cám ơn anh đã “hồn nhiên” chơi với lứa đàn em, không cằn nhằn dù có khi bị tụi H phá phách đòi “xử tội” quài 😆

  8. Hà xưa ơi!
    TT không ngờ mình lại cùng một nghiệp với nhau. Cám ơn Hà xưa đã mách bảo cho TT chút kinh nghiệm để khơi gợi hứng thú và cảm nhận cái đẹp ở trẻ, thích được tạo ra cái đẹp. TT cũng thích vẽ, không phải để cho người lớn đâu. Mà cũng để cho mấy nhóc học trò của mình đó.hic..bây giờ thì không còn trực tiếp nữa rồi. Thôi thì truyền đạt lại cho các em vậy.Chúc Hà xưa vui với niềm vui của mình.

  9. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Cám ơn Vân đã cảm nhận cái dung dị ở góc cuối bài. Kể dong dài chuyện ngày xưa cũng chỉ để nói vài lời đơn giản thế thôi.
    Mong một ngày về gặp Vân và các bạn lắm, nghe mấy ông chuẩn bị hội ngộ thấy náo nức quá chừng đi!

  10. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Chào họa sĩ “siêu thực”! Chuyện cái ghế có 4 chân chổng ngược lên trời là điều mà chỉ có “thiên tài” mới dám nghĩ ra, và chỉ có “siêu nhân” mói dám ngồi vô cái ghế đó 😆 Hà xem tranh Picasso kìa, ông vẽ bức “Dora Marr au Chat”, người mẫu và cũng là người tình của ông, ngồi trên ghế với khuôn mặt có hai mắt – mắt trên mắt dưới, mũi lệch về phía trái .. hoặc trong hàng loạt tác phẩm lập thể, siêu thực nổi tiếng của ông con người được thể hiện rất “quái dị”, khác thường. Rất tiếc cô giáo tiểu học của Hà không phải là họa sĩ nên cô không chấp nhận những cái ngược đời. Lẽ ra cô nên khuyến khích “ý tưởng lạ, mới”, vì điều đó mới là .. sáng tạo đó, phải không cô giáo Hà ơi! Chúc cô luôn hạnh phúc với đám học trò nhỏ. Trẻ con khi vẽ rất nhiều ý tưởng lạ mà đôi khi người lớn không hiểu được!

  11. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Thu Trang ơi, đúng là cái “nợ” thiệt đó, gần mươi năm cầm phấn ở xứ mình, qua xứ người lấy xong cái bằng kế toán, nghĩ đến chuyện làm với con số thấy rầu rĩ,thế là lại học..chơi với con nít, nhờ dậy mà đôi khi cừ quài 😆

  12. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    hi hi Tâm ơi, hình như trẻ con và thiên tài giống nhau ở chỗ thích nhìn ngươc 😆 Mà đâu phải chỉ trong hội họa, thi ca cũng vậy, những câu gieo vần bất ngờ, đảo ngữ thường rất ấn tượng. Câu thơ “Vàng rơi mấy lá năm hồ hết” và câu văn “chiều lên dần chiều không xuống” là hai câu mà hinh như tụi mình nhớ nhiều nhất trong thời đi học.
    Và điều này cũng khiến cho mình nghĩ về việc: chấm văn theo “thang điểm” Một đáp án cho bài toán thì được chứ đáp án cho bài văn?
    Minh nhớ lúc nhỏ có một thầy sư phạm vể trường để thực tập, cô giáo cho để bài “Tả cây tre ở quê em” và thầy là người chầm và trả bài. Mình đã làm bài văn trong đó chỉ có vài dòng là tả cây tre, còn hầu hết là hí hững nói về chuyến về quê ngoại, cũng may hồi đó không có đáp án nên thầy không gạch bài mình mà trái lại còn ghi những lời nhận xét khiến từ đó mình rất yêu thích môn văn, nếu không chắc mình đã ghét nó như môn vẽ rồi.
    Rất cám ơn Tâm đã cho ý kiến từ phía của một người cầm cọ.

  13. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Hà ơi, về chuyện viết văn thời tiểu học, mình cũng đã thích viết và thường được cô cho điểm cao. Có lần xui xẻo, hôm đó cô giáo lớp 5 bệnh nghỉ, một cô giáo lớp khác vào dạy thế, cô cho làm luận tả con mèo. Lúc đó nhà mình chưa có nuôi mèo. Tưởng tượng làm sao mà tả “đôi mắt chú mèo nhà em xanh như màu đại dương”… Cô phê “cóp văn” và cho điểm 5 thôi. Mình đã rất buồn vì thấy oan ức và nghĩ thôi có lẽ vì cô không phải cô giáo của mình nên không hiểu mình! Vậy mà nỗi buồn đó đi theo mình cho đến .. lớn. Nhân chuyện Hà kể, mình thấy là làm thầy cô giáo học trò nhỏ cũng không phải dễ phải không Hà? Đôi khi, chỉ một cái nhìn hơi nhầm lẫn, một câu nói .. oan ức, nó đánh dấu rất đậm trong đầu óc và tâm hồn của tuổi thơ. Đừng coi thường trẻ con phải không bạn?

  14. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Rất đúng Tâm ơi, người ta tìm thấy là những ấn thượng thời niên thiếu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời. Bởi dậy ông bà mình hay nói “dạy con từ thuở còn thơ, thương vợ từ thuở ban sơ đến bạc đầu” 😆 😛 😆

  15. Bé Rễ Tre
    Hì Hì! Công nhận bé Rễ Tre hồi đó thông minh và có sáng kiến vẽ cái ghế chổng ngược thiệt đó! Tui mà được làm cô giáo của bé cũng cho bé điểm 10 luôn! 😛

  16. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Oanh ơi, sao biết “bí danh” này dậy hả? con nhỏ dấu kỷ lúm mà. Nói dậy chứ mấy chục năm rồi hổng nghe ai gọi, giờ nghe sao thấy cảm động lắm đó!

  17. RE: Bức Tranh Ở Tuổi Năm Mươi
    Vậy là “gậy ông lưng ông” rồi, cứ tưởng Oanh và Dao là hai Trinh sát của web nên chiện gì cũng biết 😆

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả