Cánh cổng của nhà bên cạnh mở ra. Hai cái bóng nho nhỏ bước ra đường. Dưới bóng trăng mờ mờ. Hai cô bé, một con của chủ nhà, một chắc là bạn của cô bé – tôi thầm đoán như thế. Ở đây không có điện. Mỗi nhà chỉ có vài cây đèn dầu leo lét. Vì thế mảnh trăng lưỡi liềm hôm nay thật quý giá.
– Trăng hôm nay là trăng non. Mồng Một lưỡi trai. Mồng hai lá lúa.
– Mồng ba câu liêm. Mồng Bốn lưỡi liềm.
– Mồng Năm liềm giật. Mồng sáu thật trăng. Hai cô bé giành nhau nói rồi cười khúc khích. Không để ý tôi đang ngồi trên chiếc ghế trước hiên nhà.
– Mi thuộc bài dữ a!
– Hì hì!!! Mi cũng vậy chứ thua à! Để ta đưa mi về.
– Được. Đến nơi rồi ta sẽ đưa em về.
– Cứ thế đến mai ta cũng cứ… đưa nhau về. Lại cười.
Hai cô bé dựa vai nhau mà đi. Một cô bé – tôi đoán chừng cô bé nhà bên cạnh – hát nho nhỏ bài “I’d love to want me” của Lobo, làm tôi ngạc nhiên hết sức. Sao cái cô bé con này lại biết bài này. Bài này tôi cũng rất thích. Tính tôi không hay tò mò, mà hôm nay lại khác. Suốt gần hai tháng về nhà nghỉ hè, tôi chẳng hề để ý đến nhà bên cạnh mặc dù nghe nói có chủ mới dọn đến. Đúng ra họ dọn đến đây từ trước Tết. Những ngày gần Tết bận rộn, bạn bè rủ đi chơi, họp mặt. Chẳng khi nào rãnh để mà nghĩ đến xung quanh.
Cô bé học lớp 12, vậy là đã thi Tú Tài rồi. Vậy mà trông bé xíu. Tai tôi bắt đầu dõng lên nghe ngóng những diễn biến ở nhà bên cạnh.
Cô bé hay hát líu lo những khi làm việc nhà. Cô bé hay cười. Cô bé đang chờ kết quả thi. Đó những gì tôi biết được từ bà chị dâu. Có vẻ xung quanh xóm và cả nhà tôi ai cũng thích cô bé. Mẹ tôi bảo:
– Con bé thật giỏi. Đi học chớ, về thăm nhà là quần xăn bó gối, dọn dẹp từ sáng đến chiều. May vá nấu ăn đều giỏi lắm!
Bà nói xa nói gần. Hồi giờ có thấy bà khen ai bao giờ, kể cả chị dâu trong nhà.
***
Bạn Nhỏ,
Đêm qua tôi đã ngủ thật ngon. Bonne nuit, có phải không? Cảm ơn Bạn nhỏ rất nhiều.
” Đôi bạn chân tình”. Hermann Hess. Tôi đã nghe từ lâu, nay Bạn nhỏ gởi cho tôi mượn. Đã đọc, thật hay. Tôi đọc một mạch – hai ngày- hết quyển sách. Thật ra, nếu đọc như vậy có hơi bội thực. Nhưng vì tôi say sưa với anh chàng Goldmund nên không thể dừng.
Bây giờ tôi mới thấy tiếc cho mùa Hè đã qua đi- sắp hết đến nơi. Mà chúng ta- chỉ mới bắt đầu – một tình bạn.
Thế là từ đây tôi sẽ tiếc từng giờ phút sẽ trôi đi. Ước gì kỳ nghỉ dài thêm.
Gởi cho Bạn Nhỏ quyển ” Anh Em nhà Karamazov của Fyodor Dostoyevsky” nhé! Hơi nặng, cố gắng đọc.
Thân quí,
***
Cầm tờ giấy nhỏ được ép sau bìa quyển sách. Cô bé đọc đi đọc lại mấy chục lần. Hai má ửng hồng, mắt chớp chớp ngó vội lên nhà trên xem có Ba má hay lũ em đi xuống không. Kẹp vội hai quyển sách cô bé đi vội về phòng cất kỹ. “Ông Bà già mà biết được thì hết đời”. Ba Má cô bé rất nghiêm khắc. Không tha thứ nếu biết có ai đó liếc mắt để ý để tình đến con gái của mình.
– “Đi thì cúi mặt xuống đất. Về nhà thì cất mặt lên trời. Mẹ cô thường căn dặn “
– “Cha mẹ khó khăn lắm mới có tiền cho các con ăn học. Đừng bày đặt đọc ba quyển tiểu thuyết rồi bắt chước yêu đương bậy bạ là chết với tau.”
– “Con gái không được về nhà sau 6 giờ tối”.
Ôi thôi! Ông Bà dặn và… dặn. Lòng cứ thấp thỏm mỗi khi cô bé rời khỏi nhà xuống Quy Nhơn học. Tuy nhiên, Ông Bà không hề nói ra niềm tự hào có một đứa con gái học một ngôi trường lớn nhất nhì Tỉnh. “Cả trường Tiểu học này chỉ có mình nó đậu vô trường đó”. Ông thường bảo với Bà để Bà khỏi sốt ruột cho cái túi tiền mỗi khi cô bé về thăm nhà mỗi cuối tuần, đầu tuần xin tiền đi học.
***
Buổi trưa, anh chàng ôm cây đàn ngồi sau vườn. Đàn đi đàn lại mấy bản Classique- mà tòan mấy bài mình thích mới chết chứ. Nào là Roman nào là bài số 14 , bài số 7. Anh chàng đàn sang bài : ” Jingle Bells”
Chợt cô bé nhăn mặt như ăn cơm nhai phải hạt sạn:
– Cứ tới đây là lạc mất. Hình như ở đây có dấu thăng hay sao cà. Cô bé tựa lưng vào chiếc ghế sau hè, lặng lẽ nghe trộm.
– Họ đàn mà không có người thưởng thức thì cũng tội chớ! Cô bé nhủ thầm và cười một mình.
Đến bài ” Oh! Susanna” thì cô bé càng ngạc nhiên:
– Sao tay này chơi đàn toàn những bài mình thích ta!
Hình như có tiếng chân mạ đi chợ về. Cô bé vội đi ra sau giếng xách mấy gàu nước dưới giếng lên đổ vô thùng nước to để dành.
Nắng đã bắt đầu nhạt dần trên các nhánh xà cừ phía sau nhà. Chiều xuống chậm. Mấy chú gà con nghe tiếng mẹ kêu “tục…tục”… líu ríu theo nhau chạy theo mẹ đi tìm chỗ ngủ. Nhìn chúng như những cục bông gòn Đen, Vàng, Nâu lốm đốm thật dễ thương.
Cô bé lẩm bẩm:
– Sao mà lâu có kết quả thi quá! Mai xin Ba Mạ xuống Qui nhơn xem sao. Nhớ mấy đứa bạn, không biết hôm rày tụi nó làm gì khi không có mình. Ở nhà riết buồn đến cả mục xương. Không có ai để quậy, để cười.
***
Giang tay nhau hát vang đồng hoang
Ta mang cho đời bớt hoang mang
Á ! A ! Á ! A.
Đời là nguồn vui sống, sống, sống, vui, vui hòai
Đời là nguồn vui sống ta cứ sống vui với đời
Giang tay nhau hát vang rừng sâu
Ta mang cho đời bớt lo âu
Á! A! Á! A!
Đời là nguồn vui sống, sống, vui, vui hòai
Đời là nguồn vui sống ta cứ sống vui với đời.
Đường thì vắng chẳng có chiếc xe nào qua lại. Hát đã đời chẳng sợ ai nghe. Đạp xe lên dốc – thở phì phò…- mệt muốn đứt hơi. Xe Mini, hai bánh nhỏ xíu. Có đọan bị ngắt quảng không hát nỗi vì cổ họng khô hết nước miếng. Hai má đỏ bừng, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Định há miệng hát thêm đoạn cuối thì thấy có một chiếc xe đạp đàng sau trờ tới.
– Hát gì mà to thế cô bé. Anh chàng nhìn cô nhỏ cười. Khoe hai cái răng khểnh .
Trời! Trưa nắng thế này tưởng không có ai điên như mình. Ai dè! Cũng có người điên. Mà đạp xe sau mình khi nào, chắc là nghe hết. Trời ạ ! Mà nghe mình hát giữa trưa nắng chang chang. Không mũ, không nón. Đi đầu dầu. Hát. Kiểu này thì anh chàng lại tưởng là mình điên. Quê ơi là quê !
– Anh đi đâu vậy? Tôi giả bộ như mình không quê cơ.
– Vậy bé đi đâu?
– Đi Qui Nhơn. Cô bé nói trổng trổng. Cười, mồ hôi chảy ròng ròng.
– Mười bốn cây số! bằng xe đạp này?
– Chứ giờ biết đi bằng gì? Có phải như hồi xưa đâu? Cô bé hĩnh chiếc mũi hếch lên trả lời và cười.
– Cho anh theo với.
(Còn tiếp)
Phạm Ty Lan
RE: Bạn Nhỏ
Lan ơi,
Mi kể chuyện có duyên quá đi. Cái tuổi ngày xưa hồn nhiên và dễ thương quá hả Lan. Thành phố mình xưa nhỏ nhắn và ít người, đạp xe đạp vài vòng phố là đã về chốn cũ rồi! Nhớ cái thuở mà chàng đạp xe phiá sau cả năm trời mà không hề nói với nhau tiếng nào! Còn Bạn Nhỏ của mi cũng nói chuyện qua về đó mà. Thế là mới có chuyện cho bạn bè đọc tiếp đó nghe. Mình chờ đọc tập II đó nghe. Cảm ơn nhiều. KT
RE: Bạn Nhỏ
Truyện dễ thương quá TYLAN ui!(M 9 tính rủ mi múa “một đàn bum búm xinh”ghê!,nhưng..) hi..hi..
bạn nhỏ
Thàng phố của mình cũng chỉ đi mười phút trở về chốn cũ thôi. Nhưng cất dấu của tụi mình bao nhiêu kỷ niệm.
RE: Bạn Nhỏ
Đọc lại ta vấn thấy có cái gì đó thương thương ở trong lòng Lan nợ!
Ta ưng cả hai nhân vật dễ thương.
RE: Bạn Nhỏ
Hai nhân vật này đều có hình ảnh và tâm hồn của lũ học trò tụi mình ngày xưa : Nhẹ nhàng, trong trắng và hồn nhiên phải không?
RE: Bạn Nhỏ
Có những bài nhạc chỉ còn trong tâm tưởng . Nhưng nó ghi dấu ấn của một đoạn đời. Hôm trước gặp mặt lại những anh em Đoàn viên HTT B Định cũ. Ai cũng già, trên đầu muối tiêu không. Nhưng thật là cảm động khi cùng nhau hát lại những bài hát cộng đồng cũ. Thế mới biết thời gian qua đi quá mau. Mới đó mà sắp đến giờ chia tay rồi.
Thăm bạn cũ
Ui chao ơi!
Lâu thật lâu mới trở về Trang nhà Nữ Trung Học. Cảm giác như trở về mái nhà xưa. Bước chân ngập ngừng bỡ ngỡ…
Trả lời: Bạn Nhỏ
Chỉ mới có mấy dòng mà chị đã thấy cái cô bé với hai con mắt tròn xoe hạt nhãn lúng liếng Ty Lan rùi đó … hi hi dễ thương lắm luôn nha
Răng ko viết luôn mà tiép theo chi rứa
Về thăm nhà
Ôi! Lâu thật là lâu mới về thăm vườn nhà. Vẫn có cảm giác như người đi xa trở về thăm chốn cũ. Vẫn bình yên, vẫn thân thương. Bao tình cảm vẫn còn lưu lại nơi đây. Thật ấm áp!