Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Ba Cô Bé

Có ba cô bé con. Bé bé con con. Từ nhà quê lên tỉnh học. Nhà ở Phú Tài- cách “tỉnh” là thị xã Qui Nhơn hơn 13 cây số. Bé như thế mà đậu vào trường Nữ Trung Học Quy Nhơn là oai lắm đó! Không oai sao được. Cả trường Tiểu học Quân đội Phú Thạnh năm đó chỉ có hai em đậu vào Đệ Thất trường công. Một vô trường Cường Để, một vô Nữ Trung Học. Bên trường Tiểu học Cộng Đồng Phước Thạnh thì nhiều hơn, bốn em vô Nữ Trung Học, 6 em vô Cường Để.

Chao ơi! Lần đầu tiên xa nhà, xa ba mẹ anh chị em để vào trường. Ba cô bé như ba con chim non rời xa tổ. Lạc lỏng bơ vơ. May đâu mà cùng đậu vô một trường- trường Nữ Trung Học Qui Nhơn và được ba ông bố sắp xếp cho ở trọ chung một nhà. Mới tí teo mà đã nếm mùi ở trọ.

Hai cô Kim Thanh và Thanh Xuân thì may mắn cùng ngồi chung một lớp- lớp Thất 3.Còn cô bé xíu xìu xiu Ty Lan thì chui vô lớp cuối cùng- lớp Thất 4. Năm đầu tiên học sinh còn nhỏ nên trường chưa bắt buộc mặc áo dài. Lan Lùn và Kim Thanh mặc áo đầm trắng – có bạn mặc quần tây trắng đi học vẫn được. Thanh Xuân được mẹ may cho chiếc áo dài. Vì còn bé nên trông Xuân mặc chiếc áo dài rộng xúng xính trông rất buồn cười.

Nhà trọ cách trường không xa. Đó là khu công chức của Ty Công Chánh sát bên Chùa Huệ Quang Tự rất gần biển. Nếu ba cô bé đi học thì phải đi băng qua con đường Hai Bà Trưng – đã bị rào lại bằng hàng rào kẽm gai để bảo vệ căn cứ 22 Truyền Tin – rẽ trái đi qua Lê Thanh Tôn rồi quẹo qua Nguyễn Huệ là đến trường. Nếu đi ra ngõ Ty Công Chánh thì đi đường Nguyễn Huệ, được ngắm biển xanh sóng vỗ dạt dào , chỉ cần bước mấy bước ngang qua Ty Y Tế là đến nơi. Cổng trường to được sơn màu vôi hồng đây rồi! Trên biển có dòng chữ nổi Nữ Trung Học Quinhơn. Bắt đầu từ đây, ba cô bé sẽ gắn bó với ngôi trường này suốt bảy năm của cuộc đời.

Trường học mới, Thầy Cô mới. Cuộc đời ba cô bé đều như mở sang trang mới.

Cảm giác đầu tiêncủa ba cô bé là: lạ lẫm, sợ sệt, rụt rè. Rồi sau đó là thích thú , say mê và sung sướng khi được là học sinh của trường .

Không lạ sao được khi còn ở Tiểu học chỉ có mấy quyển vở , mấy quyển sách lèo tèo. Bây giờ phải đến 20 quyển vở. Nào là Kim Văn nào là Cổ Văn nào là Đại Số rồi Hình Học, Vật Lý, Hoá Học, Anh Văn. Rồi còn môn Nữ Công, Nhạc , Hoạ , Thể dục nữa chứ.

Mà mỗi môn được một Thầy hoặc Cô dạy, không như trước đây, đầu năm cho đến cuối năm chỉ có một người. Gặp Thầy Cô dữ là ” tiêu đời” luôn cả năm.

Buổi sáng bên cạnh nhà của ba cô bé ở trọ có cái quán của bà Quyền – người Bắc. Quán khá sạch sẽ- cửa lớn cửa sổ đều sơn màu xanh nhạt rất mát mắt – Bà bán đủ thứ từ bún ,phở, ốp-la. Cho đến bia cam nước ngọt v.v… Nhưng thường ba cô bé chỉ mua một ổ bánh mì dài chan nước thịt rồi nhờ cắt làm ba. Mỗi đứa một khúc. Như thế là ngon lắm rồi! Bánh mì Đại Nam thơm phức, dòn rụm. Mùi bơ , mùi bánh, cắn một miếng nhai tới đâu biết tới đó.Thật không còn mơ ước gì hơn! Có hôm thủ quỹ Xuân làm sang, cho phép mua thêm một chai xá xị, rồi cũng chia làm ba, cả ba cùng uống ngon ơi là ngon!

Hôm nào cả ba được nghỉ học rủ nhau chơi trò u- mọi, mà ba đứa làm sao chia hai phe?. Vậy là Xuân to con hơn – một phe. Hai đứa lắt chắt – Kim Thanh và Lan Lùn một phe. Hai con nhỏ vừa lùn vừa ốm nhách mà lại lanh đáo để. Lần nào cũng ăn nhỏ Xuân. Chơi mãi mà cứ thua. Xuân lần nào cũng tức quá ôm đầu ngồi khóc:

– Mình không chơi nữa, hai bạn cứ ăn mình hoài! Hu !hu!

– Ăn gian ! Ăn gian! Không thèm chơi nữa!

Cả hai đứa ngồi xuống năn nỉ một hồi, nhỏ Xuân nín khóc. Kéo qua nhà bà Quyền mua một chai nước cam hay Xá Xị Con Cọp, chia làm ba, mỗi đứa uống mỗi ngụm. Coi như huề !

Một buổi chiều nắng nhạt, cả ba đứa lang thang vô bãi chứa những thùng dầu nhựa đường của Ty Công Chánh bứt hoa cúc dại để tết thành vương miện, gió biển mang theo tiếng sóng vỗ rì rào và cả mùi tanh tanh của biển. Chúng tôi mãi mê tết hoa theo sự hướng dẫn của Kim Thanh, chợt Xuân thấy xác một con chim sẻ bị dính chặt trong vũng nhựa đường, khô queo. Cả ba đứa thương con chim quá đứa nào cũng rươm rướm nước mắt, bàn với nhau đem chôn con chim, rồi đắp lên một ngôi mộ nho nhỏ bằng sỏi, bên trên cắm đầy hoa cúc dại. Mỗi chiều đi học về cất cặp xong, cả ba đứa rủ nhau chạy ra thăm mộ. Kiếm một cành cỏ khô cắm lên – thay cho nén nhang. Rồi ngồi buồn thiu nhìn chiều xuống. trên biển xa…

Hồi đó vì thiếu lớp học hay sao đó, mà Thời khoá biểu của chúng tôi thường có những ngày học hai giờ đầu. nghỉ ba giờ sau hoặc nghỉ hai giờ đầu học hai giờ giữa. Những hôm như thế thật là thích, thật là thoải mái. Học xong hai giờ đầu là chúng tôi tha hồ lang thang. Khi thì ra biển bắt còng, xây nhà bằng cát, nhảy sóng…Hoặc ra Ấu Trĩ Viên trước trường chơi ” Đi chợ , về chợ” “Tạt lon” “chuyền thẻ” ” U-Mọi”…

Có buổi chiều lớp Thất 4 nghỉ học. Lan Lùn ở nhà một mình- buồn thiu. Học bài xong rồi không biết chơi với ai. Ngó qua vườn của Huệ Quang Tự thấy các nhà sư làm lễ gì mà đi thành hàng dài quanh sân. Xem chán quay vào nhà rồi lại ra sân ngắm nghía mấy bụi hồng trồng trong chậu của chủ nhà, Bóng nắng xuyên qua giàn mướp bên trên lấp loáng trên những bụi hồng. Chợt cô bé thấy con sâu nhỏ bò ra nằm trên chiếc lá nhỏ. Lan Lùn sợ hết hồn, mặt xanh như tàu lá. Chạy ra sau hè ngồi bó gối bên thềm khóc ngon lành. Chắc là Lan Lùn nhớ nhà mà khóc chớ không phải vì con sâu. Thanh , Xuân đi học về thấy con nhỏ hai con mắt còn đỏ hoe. Hỏi hoài mà nhỏ không nói vì sao…

Một tuần lâu ơi là lâu. Bây giờ ba con nhỏ mới thấy thời gian sao mà dài. Chỉ trông cho đến chiều thứ Bảy để được về thăm nhà. Ông Cai Ù- chúng tôi hay gọi đùa bác Hương như vậy- đánh một hồi kẻng dài là chúng tôi tuôn ra khỏi lớp, đi như chạy ra tới đầu đường –ngã tư Lê Lợi –Trần Cao Vân – Nguyễn Huệ, đón xe Lam từ Khu 6 , khu 2 chạy về để ra bến xe Cũ. Khi ấy trời đã nhá nhem tối. Mùa Đông trời mau tối lắm. Bởi vậy chúng tôi rất vội vàng. Những chuyến xe Lam đầy ắp khách, phải ngồi chen nhau , có khi phải ngồi dưới lòng xe hoặc đứng đu ở ngoài. Miễn sao đến nơi là được. Bến xe Cũ đây rồi. Đã có một vài anh chị học ở các trường khác như Cường Để, Bồ Đề, Tây Sơn ở nhà xa như chúng tôi ra từ trước , đang đứng đợi thành hàng dài sát lề đường, họ vẫy tay khi thấy những chiếc xe chạy tới. Có những chiếc xe vô tình, gấp gáp chạy vụt qua, để lại đám bụi mù cho lũ học trò ngơ ngác cùng nỗi thất vọng. Nhưng cũng có chiếc dừng lại cho chúng tôi quá giang. Phải chen lấn, vội vàng mới có chỗ.

– Đông quá! Hết chỗ rồi! Đi xe sau đi các cháu.

Thường chúng tôi bị rớt lại vì nhỏ quá nên không nhanh nhẹn bằng các anh các chị .

Lại đứng, lại chờ. Trời tối, bụng đói cồn cào khi càng trễ càng ít xe. Chúng tôi nhìn nhau mếu máo, nước mắt chạy quanh, không che dấu nỗi lo và thất vọng ngày càng lớn trong từng đôi mắt vì đứa nào cũng sợ phải quay về nhà trọ.

Nhưng thường ông trời bao giờ cũng thương trẻ con nên bao giờ cũng có những chiếc xe Jeep chở những vị chỉ huy tốt bụng về trễ. Họ bảo lái xe dừng lại cho chúng tôi đi nhờ đúng vào những lúc không còn tia hy vọng nào nữa. Có bác còn chở chúng tôi về tận thị trấn Phú Tài rồi mới quay xe về đơn vị , không thể nào kể hết được nổi vui mừng của chúng tôi vì đỡ một phen phải đi bộ hàng 3-4 km lúc trời tối thui, nhà nhà đã lên đèn. Chúng tôi nghĩ thầm: Các bác ấy giống như những ông Bụt được Trời sai xuống giúp lũ học trò chúng tôi.

Về đến nhà, thật là mừng quá đổi! Chúng tôi kể lại những chuyện may mắn cho Ba Mạ và các em nghe. Mẹ vội dọn mâm cơm đã được ủ nóng chờ con về. Khi cả nhà quây quần bên bàn ăn, Ba ôn tồn hỏi:

– Con có mệt không? Chà chắc con đói lắm! Tội nghiệp con tôi quá!

Thế mà loanh quanh là hết vèo ngày chủ nhật. Sáng thứ Hai mới 4 giờ sáng là phải dậy chuẩn bị xuống Quy Nhơn. Ba lấy xe chở con bé ra Trại Phan Đình Phùng ở Cây Duối, gần ngã ba Phú Tài . Có khi Ba đi trực thì cô bé phải đi bộ hằng mấy cây số, vừa đi vừa chạy mới ra đến nơi. Ở đây buổi sáng có chiếc xe GMC chở con em họ đi xuống Quy Nhơn học. Họ cũng cho chúng tôi đi nhờ.

Ba đứa chúng tôi đã đến đông đủ . Xe ra đây rồi! Phải nhanh lên ! Nhanh lên! Trèo lên , chân bám vào đâu đó, tay bám lấy thành xe, chân kia đặt lên thành bánh xe . Có bàn tay ai đó chìa ra nắm lấy cánh tay của chúng tôi. Em nọ nối tiếp em kia, Tất cả đã ngồi vào trong xe, hai dãy ghế đối diện nhau chen chúc nhưng ổn rồi. Những khuôn mặt háo hức quay ra đường nhìn phong cảnh. Xe chạy ngang qua khỏi Ngã Ba Phú Tài là quẹo phải trực chỉ Cầu Sông Ngang, ngang qua Đại lộ Quang Trung, gió thổi vù vù bên tai bay tung cả tóc. Con đường còn đầy sương mù , hai hàng cây chạy dài ra sau mất hút. Bến xe Mới – Chợ Dinh. Rồi đến Cầu Đôi, Tháp Đôi đây rồi! . Bầu trời bắt đầu ửng hồng đằng Đông. Có bạn nào đó bắt lên bài hát:

“… Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió

Hồn như đám mây trắng lững lơ

Giang hồ không bờ không bến

Đẹp như kiếp Bô-hê-miên…”

Cả xe cùng nhau hát vang. Lời hát bay theo gió hòa vào hàng cây hai bên đường…

Bây giờ cả ba chúng tôi đều có cháu Ngoại , Cháu Nội đông đủ cả rồi . Mỗi lần về Họp Mặt liên lớp 68-75 đầu xuân gặp nhau cả ba tranh nhau nhắc lại , kể lại những chuyện ngày xưa.

Ôi! Những ngày xưa thân ái…

Phạm Ty Lan
Mùa tựu trường 2011

.

21 BÌNH LUẬN

  1. RE: Ba Cô Bé
    Ty Lan ơi lên tiếng đi chứ. Bài viết của Hạt Tiêu dễ thương quá. Đọc HT mà thèm bánh mì Đại Nam

    • RE: RE: Ba Cô Bé
      Anh Tong oi! Hai hom nay em ban qua! Gio moi ngoi vo may ne! Bua nay moi doc bai cua Ty Lan ha! Lau lau nho chuyen xua cu ngoi cuoi cuoi mot minh roi viet ra cho vui. Con nhieu lam , ma mac “chan dit” nen chua viet ra do thoi!46v6k

    • Trả lời muộn
      TD- Phạm Văn Tòng ơi!
      Xin lỗi vì lâu nay Ty Lan bận quá! Ít ghé trang nhà. Tối nay mới rảnh tí chút. Bạn hiền hỏi thăm lâu giờ mới đọc được. Xin lỗi nhiều nha!
      Mình cũng mới nhớ và thèm bánh mì Đại Nam và bánh mì Tân Tiến đây!

  2. GỬI HẠT TIÊU
    Một hồi ức đẹp về một thời áo trắng xưa
    phải không Ty Lan ? Nhờ anh T khai mới biết đó.Ghê hí?

    • RE: GỬI HẠT TIÊU
      Anh Tran Dza Lu oi!
      Em hay nho nhung chuyen hoi xua lam! Nho Kim Tien cu ha hoc mieng ma keu: Cai con nho nay tai ghe ta! Sao ma nho duoc nhung chuyen xua nhieu qua vay!

  3. Ba Cô Bé
    Bài viết dễ thương quá Hạt Tiêu ơi! Làm TT cứ hồi tưởng lại cái ngày xa xưa ấy, TT cũng nhỏ xíu, cũng mặc áo dài từ hồi lớp Đệ thất, rồi cột túm áo dài chơi u mọi, bắt còng…rồi cũng ra Chơ Lớn đi xe lam dzìa nhà.hic. Nhớ quá đi mất.

    • RE: Ba Cô Bé
      Thu Trang oi! Hoi do Ty Lan be xiu xiu, hinh nhu nho nhat lop va nhat Khoi De That hoi do! Cho nen phai mac ao dam. Nhin cac ban mac ao dai cung thich lam, nhung Me khong cho. Nho Xuan mac trong buon cuoi lam!

      • Gửi Hạt Tiêu
        Dzẫy na. Dzẫy là có người cạnh tranh “độ lớn’ dzới TT rồi. Hổng biết trong ba cô nhỏ cô nào là Hạt tiêu, hổm rày muốn “bẹo má” chút mà hổng dám, sợ nhầm người hihi 😛 . “Dễ ghét” quá chời ui! Là nói cả ba luôn đó, đừng có ham 😆
        Ty Lan ơi! TT đoán xem nha… 😆 . Có phải nhỏ đang vênh mặt lên tự hào vì mình “Hạt tiêu” nhất đám không? Ghét quá chời ạ. 😛

  4. RE: Ba Cô Bé
    Kiếm ở đâu ra cái hình ba cô bé nhỏ xíu dậy? chắc giống ba nàng hổi nhỏ lúm!
    đọc mà thấy giống minh hồi đó quá TL ơi! cũng ăn bánh mì chan nước thịt, cũng chôn xác con bướm trong sân rồi đắp nấm mộ…Cám ơn PTL nhiều.

    • RE: RE: Ba Cô Bé
      Ha Xua oi! Quy Nhon co nhieu thu de nho lam! Banh mi Dai Nam, banh mi Lai My chien bo, Patechaud Gia Long, Cafe Da Vang, Kem Thanh Thanh, Kem Phi Diep, bun bo co Ba trang, che Su Pham, banh beo thung phi Hai Ba Trung, che Tang bat Ho, banh bao patechaud Vo Tanh…
      Hi! nhac lai ma them…

  5. RE: Ba Cô Bé
    Ôi, những ngày xưa thân ái! Đọc Ba cô bé, V thấy nhớ năm đệ thất xúng xính áo dài quá, và bánh mì chan nước dòn rụm, thơm phức!

    • RE: RE: Ba Cô Bé
      Trướ cổng trường Nũ còn có hai hàng chè đậu đỏ bánh lọc nữa, của hai chị em Dì Cúc và Dì Út người Huế. Khi nào cũng có các Áo dài chen chúc : ” Cho con một ly, cho con ba ly…”
      Còn có cô bán bán củ mì giã nhỏ rắc mè dừa đậu phụng cho các bé ăn “tiết kiệm” để dàng tiền mua báp Tuổi Ngọc hai kỳ mỗi tháng và để giữ eo…Hi …hi…
      Ngô Thanh Vân có như rứa không?

  6. RE: Ba Cô Bé
    Cô bé ở bìa phải tấm hình , cười cắn môi dưới , có má lúm đồng tiền , cái mặt láu cá giống bé Hạt Tiêu quá 😆

    • Gửi Bà Nậu của mấy nhỏ
      Đề nghị bà Nậu chửn bị nhiều kính một chút. Cháu Nậu phá giống bà Nậu mà bà Nậu hổng biết hở? hehe…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả