Qua bao lần chuyển xe rồi tôi cũng vô đến Huế. Trời tháng chạp, 28 Tết, Huế lạnh se se, mưa phùn bay lất phất. Trong bóng chiều nhập nhoạng, người người vội vàng ngược xuôi như chạy đua với thời gian. Tôi vất vả ngược dòng người lên mạn chùa Từ Đàm để tìm gặp cho được một người. Mà người đó cũng từ một nơi xa thật xa về Huế để tìm lại những tình thân cũ càng của nhiều người, trong đó có tôi.
Đứng trước ngôi nhà ba gian theo kiểu xưa của xứ Huế, tôi rụt rè gõ cửa. Ánh điện hắt ra từ trong nhà cho tôi thấy được một người đàn ông trung niên ra mở cửa. Anh ta hơi ngạc nhiên vì sự hiện diện của tôi trong thời điểm này. Tôi ấp úng:
_ Xin lỗi anh! Tôi muốn hỏi thăm có cô Thúy Nga ở đây không ạ?
_ Vâng, có thưa chị! – Anh ta quay vào phòng trong nói nhỏ. Lát sau, một người đàn bà nhỏ nhắn mặc chiếc áo màu xanh. Khuôn mặt hiền hòa, mái đầu bạc trắng. Cô đây rồi! Cô Hiệu trưởng, giáo sư hướng dẫn lớp 12 A3 của tôi đây rồi!
Sau cái ôm thật lâu thật chặt, hai cô trò rời nhau ra và nhìn ngắm nhau thật lâu. Cô khẻ khàng hỏi:
_ Em khỏe chứ Lan? Sao mà vô chi giờ ni tối tăm ri hè?
_ Dạ, em đi xe với người bạn. Vì vậy nên phụ thuộc họ đến giờ mới đến đó cô. Cô cười, nụ cười đôn hậu hiền hòa. Cô cười khi nghe tôi bảo hôm 25 Tết tôi cũng có vô mà không tìm ra nhà vì anh Chi Luân- chồng của Hồng Loan cho nhầm số điện thoại. Làm hôm ấy tôi và Đỗ Xuân mất một ngày chạy xe máy vô Huế rồi về… buồn thiu!
Hai người, một người đã già, một người chẳng còn trẻ. Ngồi nhìn nhau như chưa bao giờ được nhìn. Thật ra hai cô trò chỉ mới xa nhau chừng… ba mấy năm chứ mấy, gần nửa đời người.
Người ta bảo những người gặp nhau trong đời là do chữ Duyên mà gặp. Tôi được làm học trò của cô hơn 7 năm. Đã bao lần được gặp, được nhìn, được cô nhắc nhở khuyên răn… Nhớ một lần vì mê cuốn phim “ Chỉ yêu một mùa hè” do Reneaux Verley đóng. Tôi và Bạch Nhạn không học bài. Sáng hôm sau, xui thế nào gặp giờ Hóa, cô kêu tôi lên bảng viết công thức điều chế Metan. Tôi đứng như trời trồng. Quê thiệt là quê! Không còn nhớ cô cho mấy điểm, nhưng cô bắt về nhà viết 100 lần cái công thức chết tiệt ấy! Tôi nhớ đời.
30 _4, chúng tôi bị quả bom rơi xuống từ trời, vỡ toang! Tất cả như bị bắn lên trời, mỗi đứa văng đi một phương. Đứa thì phải ra đời kiếm chác mưu sinh, phụ mẹ thay cha nuôi đàn em dại. Đứa thì lên rừng, đi kinh tế mới cuốc đất trồng khoai… Bạn bè trôi dạt khắp bốn phương trời. Không còn tiểu thư đài các. Không còn sáng chiều đưa đưa, đón đón… áo the guốc mộc…tha thướt điệu đà!
Ngày 17_5_75 tôi và Bạch Nhạn trở về. Được xếp vào lớp 12A5. Lớp bây giờ có những nữ sinh ở các trường khác trong tỉnh và Qui Nhơn dồn về. Tôi lại được học với cô môn Lý Hóa. Tôi, Bạch Nhạn và Hồng Loan thường hay ghé nhà cô chơi vì lúc này thầy Bang_ chồng cô đi học tập cải tạo nên nhà vắng, sợ cô và các em buồn. Tình cô trò càng gắn bó. Thế mà tôi học thế nào không biết, thi cuối năm môn Lý chỉ có 4 điểm. Trong khi hai môn Văn Toán đều trên 8 điểm. Vậy là hổng có phần thưởng. Thế mới biết câu: “ Quân pháp bất vị thân”. Tôi học được ở cô bài học này khi được làm cô giáo.
Tôi lấy chồng khi chưa đến tuổi hai mươi. Cái tuổi chưa hết mơ mộng, chưa biết lo ăn lo đói. Vẫn còn ngồi bên thềm tối đón ánh trăng khuya. Tay thắp điếu thuốc lập lòe không phải để hút mà để… ngắm, để nghe Sĩ Phú hát bằng giọng hát trầm ấm ngọt ngào: “ Gửi tới em, gửi tới em, một đốm lửa lập lòe trong đêm tối…” hoặc chờ anh chàng hàng xóm bên kia hàng rào đàn bài “ Jingle Bells” cho ai đó nghe.
Tôi lấy chồng để giữ nhà. Để nếu khi gia đình trở về quê mà không sống nổi quay trở vào Qui Nhơn thì còn có nơi để ở. Nhà vắng chủ thì bị trưng thu. Vậy đó, tôi phải lấy chồng!
Cuộc đời như bị ai đó cắt đứt phăng nửa quãng. Năm sau tôi sinh con đầu lòng. Cô đến thăm tôi khi nghe Kim Tiến báo tin. Thật bất ngờ và cảm động, vì đã lâu hai cô trò không gặp nhau. Vì đám cưới tôi cũng không báo tin cho cô biết. Cô chỉ xiết tay tôi thật lâu, thật chặt.
Đứa con thứ ba của tôi được 6 tuổi thì chồng tôi mất. Tôi về quê.
Mười năm sau, cháu cũng mất.
Dường như ông trời không nương tay đối với tôi. Sẵn sàng lấy đi hết mọi thứ. Chẳng khóc than, chẳng trách móc. Giá như có nước mắt thì cũng nhẹ được phần nào. Mỗi đêm đặt lưng nằm xuống cảm thấy thân xác như bị dính chặt với cái giường, nghĩ thầm sớm mai kia chẳng còn thấy mặt trời… Cuộc đời như dần lịm tắt!
Cô lại đến với tôi vào lúc ấy, với lá thư ngắn ngủi gởi về cho cô trò nhỏ. Chỉ mươi dòng mà làm cho tôi như bước qua một cảnh giới khác. Từ tối tăm u phiền dần chuyển sang nhẹ nhỏm. Và sớm mai mặt trời lại mọc ở đằng Đông. Diệu kỳ!
Tôi đứng đó, dưới ánh sáng nhờ nhờ xuyên qua hàng cây và những tàu lá cọ. Cái lạnh của đêm cuối năm không làm tôi co ro , cóng róng. Chuyến tàu nửa đêm đã đưa tôi về đây, cái quán nhỏ bên bờ hồ. Đêm thâm u vô cùng. Đứng giữa không gian bao la ấy, cảm giác bàn tay tôi nằm trong bàn tay ấm áp mềm dịu của cô như vẫn còn đây. Dường như bao băng giá rêu mốc của cuộc đời đã tan chảy và trôi tuột đi trong giây phút ấy…
Phạm Ty Lan
Đông Hà. 2018.
Trả lời: Bàn Tay Ấm
[QUOTE]… Đêm thâm u vô cùng. Đứng giữa không gian bao la ấy, cảm giác bàn tay tôi nằm trong bàn tay ấm áp mềm dịu của cô như vẫn còn đây. Dường như bao băng giá rêu mốc của cuộc đời đã tan chảy và trôi tuột đi trong giây phút ấy…[/QUOTE]