Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănTừ Bài Nữ Công Xưa

Từ Bài Nữ Công Xưa

Từ bài viết về cô Nguyễn Thị Thái Nhĩ  của bạn Khổng Xuân Hiền (khi đó đăng trên CD.org) tôi nhớ đến bài thi Lục cá nguyệt năm nào cô đã ra đề cho lớp tôi và mấy hôm nay lục lọi , đi tìm cái áo gối này.

Cái áo gối không dùng mấy mươi năm, ố vàng theo năm tháng -ngâm tẩy cả hai ngày mới được như vậy- không biết làm sao không thất lạc khi dọn nhà từ Qui Nhơn vô Sài Gòn trong những ngày biến động 1975 và bao nhiêu lần thay đổi chỗ ở về sau. Đây là một bài thi Lục cá nguyệt. Cô giáo cho làm trước cả tháng vì kiểu áo gối quá công phu- sau khi may cho thành hình áo gối, phải rua và quấn chỉ bốn đường viền chung quanh, cuối cùng là thêu trang trí cho mặt gối.

Tôi không nhớ hồi đó, “công trình” của mình được cô cho mấy điểm, nhưng chắc chắn là không nhiều lắm đâu vì cô biết tôi không bỏ công nhiều trong việc thêu trang trí bằng hai cành hoa mũi chữ thập. (Có thời gian đâu, với cái cố tật “nước đến chân mới nhảy”!) Mẫu thêu là từ cuốn mẫu thêu chữ thập mượn của Bạch Nga, hai cành hoa được vội vàng thêu lên mặt gối.

Cũng may, vì không là bài xuất sắc nên mới còn giữ được sau mấy chục năm. Những tác phẩm đẹp thì đã được triển lãm và chắc là ai đó đã mua mất rồi.

Những giờ nữ công trong lớp học ở ngôi trường con gái ấy đã trang bị cho tất cả chúng tôi hành trang thật quí khi vào đời. Lớp học với cô giáo vừa hiền vừa nghiêm. Khi mới vào đệ thất, cô dạy những mũi đan đầu tiên và bài làm là đôi vớ, cái mũ cho bé sơ sinh. Sau đó là thêu. Mũi croix, mũi d’ombre, mũi smock…và những ứng dụng như thêu một chiếc khăn tay, thêu mũi smock làm áo đầm cho búp bê… hay may thêu cái áo gối như trên. Đến phần may vá, cô dạy chúng tôi, ban đầu là may những đồ dùng theo những mẫu có sẵn, chỉ can lại rồi cắt và ráp: mũ, áo manteau cho em bé… về sau là may áo quần cho chính mình: quần cài nút, quần tra dây fermeture, quần tây rồi đến áo bà ba, khó hơn một chút là áo sơ mi và …khó nhất là áo dài. Có vẻ tôi hạp với chuyện cắt may hơn là việc thêu, đan nên bài nữ công nào về may cũng làm rất sắc sảo. Từ những mũi đan, mũi thêu và những bài học vá may, những chiếc khăn tay thêu vội đã bay về đâu đó trong những dịp Tết, những chiếc áo, cái quần bây giờ, vẫn còn lại trong những tấm ảnh, đã hoen màu.

Còn nhớ Tết năm nào, mẹ mua về một khúc vải gấm màu xanh hoa bạc , sau đó đã thành chiếc áo dài màu nền nã của Dao. “Chị Hai” đi học đại học ở Sài Gòn về, mua cho Dao và Quỳnh hai cái áo pull đỏ, vàng rồi may cho hai em hai cái quần …loe cam và xanh biển.

Lại mua vải tetoron caro màu vàng, may cho Trai cái áo kiểu, tiếc là không có cái hình nào Trai mặc áo đó ngòai mấy bộ quần áo mặc ở nhà có vải giống nhau của mấy chị em. Nhớ lại và buồn cười, những lúc may áo quần cho các em, chị Hai tha hồ “đì” mấy cô em, ngồi một chỗ thôi và …ra lệnh! Mấy cô chạy như bay đi lấy kéo, lấy kim, chỉ, nút ….cho bà chị – đang làm tàng-Thật là ..khóai!

Thời ấy các cô gái còn ngoan hiền lắm, tự may lấy áo quần để mặc hay mẹ, chị mua hay may cho cái gì là mặc cái ấy, không mê mẩn với áo quần may sẵn kiểu cọ như bây giờ.

Áo sơ mi nam thì sao? Còn nhớ đã may cho …bạn trai hai cái áo sơmi, một cái dài tay màu kem đậm có thêu trên túi áo một con sóc nâu và một cái ngắn tay màu xanh, thêu hình tháp Eiffel, đều bằng mũi chữ thập. Áo dài tay này được mặc đi ăn đám cưới một anh bạn cùng cơ quan, 1981. Vậy là may cũng đâu có tệ phải không. Vì bạn dám mặc đi ăn cưới. Nhưng nhớ là may lâu lắm, đến độ má của bạn phải hỏi thăm vì sợ cô nàng may…vớ vẩn làm hư hai tấm vải đẹp.

Rồi chị Hai đi lấy chồng, sinh con, bỏ sự nghiệp may vá cho mấy em lại đàng sau. Bấy giờ là may quần áo cho các con. Thời gian khó, hàng hóa cũng không có để mà mua- từng tấm tã , cái áo của các con, mẹ phải tự may lấy.

Cứ như thế, những bài học xa xôi cô giáo dạy được đem ra ứng dụng, thiết thực và bổ ích và đã thành chút “vốn liếng” rất quí của những bà mẹ trong gia đình.

Cô giáo ngày xưa bây giờ đã ra người thiên cổ. Một ngày, biết tin cô không còn, bao nhiêu ký ức quay về, lòng rưng rưng thương tiếc. Nhịp sống cứ miên man trôi. Học trò bay đi tám hướng. Trong những năm cuối đời, có ai về thăm cô nơi ngôi nhà nhỏ ở góc đường ấy. Có ai tiễn cô đi, ngày cô về nơi vĩnh cửu. Và có học trò nào thủ thỉ cùng cô “Cô ơi, con xin cám ơn cô.” Tri ân vì những gì cô đã chỉ bảo trong những giờ Nữ công, những giờ học phụ ngày ấy, nhưng đã mang lại những ứng dụng thiết thực, gần gũi nhất trong đời. Có lẽ cô không cần đâu những lời cám ơn của bao nhiêu học trò con gái. Và có lẽ cô biết, những đường kim, mũi chỉ trên cái khăn, tấm áo đời thường cô để lại nơi học trò từ những bài học rất xa, là những tri ân không lời, lặng thầm, sâu sắc nhất.

Ngọc Dung
Tháng 4-2010

10 BÌNH LUẬN

  1. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Chị Dung ơi,
    Hồi xưa, Tiến cũng hay “làm tàng” giống chị với cô em của Tiến. Tiến sai chạy có cờ, nào kim nào chỉ, nào kéo , nào thước…đã vậy, biết may có một kiểu, một cở nên cô em tròn hơn mình chút xíu cứ la làng hoài, sao may gì kỳ quá dzậy, em mặc chật quá…Rồi qua đến đây, quần áo may sẵn không có size của mình, nên một lần nữa lại trổ tài…Tiến nhớ nhất là thêu bao gối, làm rua viền chung quanh và may quần tây…Hình như mình chạy những đường chỉ xoắn xuýt với nhau đầu tiên phải không chị Dung. Hôm T viết bài “Chiếc áo dài màu xanh ngọc”, một thiếu sót vô cùng lớn là không nhắc gì đến cô…thấy mình vô tâm quá! huhuhu. Ngọc Dao đã gợi nhớ trong Tiến đó chị Dung. Đôi khi trí nhớ của mình vô tình quá! Mong là cô không buồn lòng mình. Cảm ơn chị đã giữ những kỷ vật quí giá này đến ngày hôm nay để chia sẻ cùng bạn bè. KT

  2. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Chi Dung ơi,
    Hồi đó em đâu thấy mình bị “đì” đâu, hân hoan tình nguyện làm tất cả để được áo quần mới. Đọc bài chị em nhớ ngày xưa quá chừng, nhớ những ngày đi học, trong các Thầy Cô em ít bị Cô Nhĩ rầy nhất vì bao giờ cũng nộp bài đúng ngày, tuy nhiên Cô đâu biết có nhiều đêm cặm cui đến khuya thêu thêu, vá vá vì để …nước tới chân mới nhảy! Ôi, nhìn chiếc áo gối xa xưa mà lòng cảm động, gần 40 năm rối phải không chị Dung ?
    Dao

  3. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    * Kim Tiến,
    Một anh bạn D có nhắc đến “Hội chứng pháo dây”, tia lửa được châm ngòi rồi cứ ngoằn ngoèo cháy mãi. Tiến đốt tia lửa đầu tiên, xong đến Dao, đến KXHiền rồi mới đến D ! 😆 Không biết khi nào lửa mới tắt.
    Vậy bây giờ, khi may áo cho con, Tiến có”làm tàng” nữa không?

    * Dao,
    Vậy hồi đó Dao bị D sai mà …hân hoan phục vụ hả! Vậy thì lòng này đỡ…xốn xang một chút! 😆

    • RE: RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
      Chị Dung ơi,
      Hy vọng hội chứng pháo nổ sẽ nổ liên tục để bạn bè cùng vui nghe chị Dung.

      Bây giờ thì hai con “làm tàng” lại em đó chớ. Tụi chúng sai Tiến chạy có cờ. 😉 KT

  4. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Chị Ngọc Dung thương, mặc dù không tài cán gì trong môn học nữ công gia chánh lúc còn đi học, nhưng H vẫn lưu giữ được một số mẩu thêu chữ X và thêu thụt lùi trang trí khăn bàn. Cách đây khoảng chục năm, gia đình sửa nhà không biết nó lộn đi ngõ nào, tiếc quá. Đọc những giòng chị viết lại muốn loay hoay đi tìm…Ôi những giờ học nữ công khó quên,bỗng dưng lại hiện lên rõ mồn một. Cảm ơn chị về một bài viết đầy ắp kỉ niệm thời học trò.

  5. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    ĐTHòa ơi,
    Ráng tìm ra những “bài làm” đó đi Hòa. Nếu có nhiều, tụi mình sẽ chụp hình rồi làm một album “triển lãm” trong gallery để cùng nhau tưởng nhớ cô.
    Các bạn ơi, có ai còn giữ được những bài làm của cô Nhĩ hồi còn đi học?
    nd

  6. Tu bai Nu Cong Xua
    Cac ban co nho nhung luc theu khan de tang chien si khong nhi? Lop KH vao nam cuoi (74) co Nhi bat theu khan ban, eo ui theu mui X 4 goc khan ban, co cham diem goc dau tien va bao tiep tuc…nhung rieng kH cha bao gio xong ca, va den nam 75 thi danh mat tat ca, nho nhung giong chu cua chi Dung da dua tat ca tro lai lop cua co Nhi.
    Cam on chi.

  7. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Trời ơi, bài này chị Dung viết hay và cảm động quá! Em vừa đọc vừa đưa tay rà rà lên những mẫu thêu, rua.. rất đẹp, rất “diụ hiền” của ngày xưa. Hình như đến “đời” tụi em, thì cũng có học thêu, nhưng em không nhớ có khó như của các chị đi trước không? chắc em cũng không giỏi về cách thêu tỉ mỉ như vậy nên không nhớ nhiều, nhưng em nhớ hồi đó tụi em được học làm hoa cúc đại đóa bằng giấy, cũng đẹp lắm. Khóa của các chị có học làm hoa không? À, rồi 2 cái áo sơ-mi chị may cho anh, chị còn “giữ lại làm tin” chứ phải không?
    Chị Dung ráng nhớ những sinh hoạt trướng xưa, giờ Nữ công, Thể dục, Nhạc vẽ..để kể lại cho tụi em nghe với nghen chị. Bằng không với công việc đa-đoan hiện nay, kỷ niệm cũ cứ bị quên dần, uổng lắm chị ơi!
    XB

  8. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Xuân Bình thân,

    Hai cái áo đó mất đâu rồi Bình ơi vì khi đó D chưa có “quản lý”. Không chừng đã rách teng beng rồi(đọc bài của Hạnh Nhân, nhớ ra chữ này. 🙂 ). Lớp D không học làm hoa giấy.
    Những giờ học Nữ công, Nhạc, Vẽ, Thể dục rất vui. Nhớ hoài những lần thi Thể dục, chỉ là 4 đứa chạy đua từ sau cột cờ ra đến cổng trường rồi chia nhau 20,19,18,17 điểm. Nhưng hồi đó ham con điểm 20 lắm nên cứ âm thầm chọn bạn nào chạy chậm hơn mình để rủ cùng thi.(Ranh quá!) Dao kể có lần nháy nhau “cùng nhịp bước” để cùng về nhất, bị thầy Du dũa te tua một trận! Nhớ hoài khuôn mặt quắc thước và giọng nói sang sảng của thầy.Thương ghê!

    nd

  9. RE: Từ Bài Nữ Công Xưa
    Hi Hì! Đọc cái còm này của Dung mình thấy vui quá, vì cái [i]mánh [/i]cùng nắm tay ta cùng về nhất hồi đó bọn mình cũng vậy! 😛 Thầy Du có la mắng ( như la con ) nhưng cuối cùng đứa nào thầy cũng cho nhất hết! Nhắc lại thấy nhớ thầy ghê! 🙁
    ĐO.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả