Tôi biết đến tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh – Broken Wings của nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sĩ người Mỹ gốc Liban – Kahlil Gibran vào năm học lớp 11, khi chị tôi cho xem bản dịch từ tác phẩm này bởi một dịch giả nào đó mà tôi không nhớ tên. Tôi cũng không nhớ tôi có đọc hết tác phẩm và có hiểu những gì tác giả đã viết trong đó không, nhưng cái tựa đề rất buồn này đã làm tôi nhớ mãi.
Một phần, có lẽ tôi nhớ mãi vì chị tôi đã cất cuốn sách này trong một gói giấy lớn, cùng với rất nhiều lá thư tình của một người đàn ông mà chúng tôi không được biết, gửi cho một người phụ nữ đã có chồng, là một người chị họ của chúng tôi, do không thể cất giữ báu vật này ở nhà chồng, chị ấy đã nhờ chị tôi giữ hộ. Hai chị em tôi đã cùng đọc xem người đàn ông ấy đã viết những gì mà nhiều thế. Ngoài những lá thư viết riêng, anh còn viết ngay trên những trang sách, gạch dưới những đoạn tác giả viết trong tác phẩm mà anh nghĩ rằng đó là điều anh muốn tỏ bày cùng chị. Anh viết rất hay, dù tôi không nhớ để ghi lại, nhưng qua những cánh thư gửi không hồi âm, tôi cũng hiểu đây là một mối tình tuyệt đẹp, một mối tình bí mật, bởi vì hai người đã không thể đến với nhau, nên anh chỉ có thể thổ lộ tình yêu của anh qua những cánh thư và tác phẩm này.
Qua đó, tôi được biết họ đã yêu nhau từ lúc chị họ tôi còn đi học và anh là thầy giáo của chị. Gia đình anh không đồng ý cho anh cưới chị mà là một người khác. Anh từ chối cuộc hôn nhân, bỏ ra nước ngoài đi du học. Bao nhiêu năm trời khi anh trở về thì chị đã có chồng, một người mà chị chỉ cảm thấy có thể lấy được và cũng vì sợ sẽ thành gái già nếu chỉ ngồi chờ anh trong vô vọng. Ở nước ngoài, anh cũng được tin chị đi lấy chồng. Anh đã trải qua bao nhiêu ngày đau khổ trải lòng mình qua những cánh thư nhưng anh đã không gửi về. Cho đến ngày về nước, gặp lại chị, chuyện tình của họ tiếp tục bằng những than khóc qua thư và nhiều câu nhiều đoạn trích dẫn từ trong tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh. Mỗi lần nhận được thư, vừa đọc chị vừa khóc, vì ân hận, vì thương anh. Tôi đoán như vậy khi nhìn thấy có nhiều trang thư nhòe nhoẹt nước mắt. Một thời gian sau, nghe tin anh lâm trọng bệnh ở Sài gòn, chị tìm cách đi thăm anh, ở lại săn sóc anh cho đến ngày anh mất. Khi trở về, chị đến nhà tôi lấy lại cuốn sách và những lá thư, chị vừa khóc vừa nói :”Chị đem đốt hết, gửi về trời cho anh. Mong anh tha tội cho chị”…
Ngày ấy, tôi cũng không biết khi chị tôi đọc, chị đã đọc cái gì – sách hay thư, và có cảm nghĩ như thế nào chứ mỗi lần được chị cho phép đọc một chút, tôi ôm cuốn sách này chỉ để mê mải đọc những dòng chữ than thở của người viết thư. Tôi thấy rất tội cho anh, và ngầm lên án chị họ tại sao lại không chờ anh mà đi lấy chồng. Chị tôi chỉ bảo bởi vì gia đình anh ngăn cản mối tình đó nên chị họ tuyệt vọng. Sau này tôi cứ tiếc mãi, phải chi tôi được phép đọc hết, tôi sẽ ghi lại từ những cánh thư đẫm nước mắt đó và bây giờ biết đâu tôi đã có thể kể ra chuyện tình ấy đẹp và đau khổ như thế nào, có như những hồi ức mà Kahlil Gibran ghi lại trong tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh không.
Riêng tác phẩm Uyên Ương Gãy Cánh này đã gieo trong lòng tôi một sự tò mò. Tôi đã đi tìm đọc cuốn sách ấy. Và dường như vào thời gian trước 75 đã có nhiều chàng trai gửi gắm tình yêu của mình qua tác phẩm này, nhất là đối với những mối tình dang dở, trắc trở, chia ly.
Bản dịch trong tay tôi bây giờ là của dịch giả Nguyễn Ước. Bạn tôi nói rằng bản dịch ngày xưa chúng tôi được đọc là của một dịch giả khác, mà bạn cũng không nhớ tên. Tuy bạn cho rằng bản dịch ấy hay hơn, nhưng dịch giả Nguyễn Ước cũng đã làm tôi chìm đắm trong câu chuyện tình của Kahlil Gibran, với ngôn ngữ thật tuyệt vời.
Gibran tâm sự:
“Cuộc đời người tuổi trẻ nào cũng có một “Selma”, một hình bóng bỗng nhiên xuất hiện với anh ta giữa mùa xuân của cuộc đời, chuyển biến nỗi cô đơn của anh thành những khoảnh khắc hạnh phúc và làm cho những đêm dài tĩnh mịch của anh ta chan chứa âm nhạc”
Và rồi một ngày nọ tình yêu đã đến với chàng, bí ẩn và kỳ diệu:
…”Cuộc sống của tôi là một cơn hôn mê trống rỗng, như cuộc sống của Adam trong vườn Địa đàng, và rồi tôi bỗng thấy Selma đứng ngay trước mặt mình như một vầng ánh sáng. Nàng là Eva của trái tim tôi, một Eva làm cho tâm hồn tôi tràn ngập những bí ẩn cùng những kỳ diệu và làm cho tinh thần tôi thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời”…
Ta hãy nghe Gibran định nghĩa Tình yêu:
“Các bạn nói tới những năm tháng thời thơ ấu và thanh xuân như một kỷ nguyên bằng vàng, không vướng mắc tù túng và không chút âu lo, còn tôi, tôi gọi những năm tháng ấy là kỷ nguyên của khổ não thầm lặng, như hạt mầm gieo xuống tâm hồn mình. Và cùng với nó tôi lớn lên, không tìm thấy lối ra khỏi thế giới của tri thức và minh triết cho tới khi tình yêu đến mở cánh cửa tâm hồn tôi và soi sáng các xó xỉnh của nó.
“Tình yêu cho tôi tiếng nói và nước mắt”…” là sự tự do độc nhất trên thế giới này vì nó làm thăng hoa tinh thần tới độ luật lệ của loài người và các hiện tượng thiên nhiên không thể nào làm lệch dòng chảy của nó”…
“Thật lầm lạc khi nghĩ rằng tình yêu đến từ một cuộc kết bạn dài ngày và kiên trì theo đuổi. Tình yêu là kết quả của mối quan hệ tinh thần, và nếu mối quan hệ ấy không phát sinh trong khoảnh khắc, nó sẽ không thể được tạo ra theo năm tháng hoặc thậm chí qua nhiều thế hệ.”
Và chàng đã mô tả nhan sắc Selma như một nàng tiên nữ thoắt ẩn thoắt hiện:
“Một người nữ mà Thiên ý quan phòng đã ban cho vẻ đẹp của tinh thần và thể xác, là một chân lý vừa phơi mở vừa ẩn mật, chúng ta chỉ có thể am hiểu bằng tình yêu và chỉ có thể chạm tới bằng đức hạnh. Và khi chúng ta tìm cách mô tả một người nữ như thế, nàng biến mất như làn hơi”…
“Selma có vẻ đẹp thể xác và tinh thần nhưng làm sao tôi có thể mô tả nàng cho kẻ không bao giờ quen biết nàng? Làm sao một người đã chết có thể nhớ tiếng hót của chim sơn ca, hương của hoa hồng và tiếng thở dài của con suối nhỏ? ..
“Phải chăng lòng kiêu hãnh ngăn không cho tôi mô tả Selma bằng ngôn ngữ trần trụi vì tôi không thể diễn đạt trung thực nàng bằng những sắc màu rực rỡ?…
“Trong áo dài lụa trắng, Selma mỏng manh như ánh trăng xuyên qua khung cửa sổ. Nàng bước đi duyên dáng và nhịp nhàng. Giọng nàng trầm lắng và ngọt ngào; lời rơi trên môi như giọt sương rơi trên cánh hoa khi bị gió khua động”.
Không chỉ có nhan sắc tuyệt trần, người con gái mà Gibran yêu còn có một tâm hồn khác thường:
“Selma ít nói và nghĩ ngợi sâu lắng. Im lặng của nàng là một loại âm nhạc mang con người tới thế giới các giấc mộng, làm ta lắng nghe nhịp đập trái tim mình, thấy các hình bóng của ý nghĩ và cảm xúc đang đứng trước mặt và nhìn vào mắt ta”.
“Khuôn mặt Selma không mang vẻ đẹp cổ điển; nó như giấc mơ mặc khải không thể đo lường hoặc giới hạn hoặc sao chép bằng ngọn bút lông của họa sĩ hay đục chàng của người tạc tượng. Nhan sắc của Selma không cư ngụ trên mái tóc vàng của nàng nhưng trong đức hạnh và sự thuần khiết bao phủ mái tóc ấy. Không ở trong đôi mắt to của nàng nhưng trong ánh sáng tỏa ra từ chúng. Không ở trên đôi môi hồng của nàng nhưng trong vị dịu ngọt các lời nàng nói. Không ở trong chiếc cổ màu ngà của nàng nhưng trong vẻ thanh tú nghiêng mình tới trước. Cũng không ở trong vóc dáng hoàn hảo của nàng nhưng trong cao nhã của tinh thần nàng, bừng cháy như ngọn đuốc trắng giữa mặt đất và bầu trời. Sắc đẹp của Selma như một tặng phẩm bằng thơ. Nhưng thi sĩ không là kẻ hạnh phúc cho dẫu tinh thần họ có vươn lên cao vút tới mấy đi nữa vì họ sẽ vẫn bị phong kín trong vòng nước mắt bao phủ.”…
Với tình yêu dâng hiến cho nhau, Gibran cũng hiểu rằng đó là một tình yêu mà không phải ai cũng có được:
“Người đời sẽ không tin câu chuyện của em với anh vì họ không biết rằng tình yêu là đóa hoa duy nhất đâm chồi và kết nụ mà không cần sự hỗ trợ của các mùa, nhưng có phải tháng Nisan mang chúng ta tới với nhau lần đầu tiên và có phải giờ khắc này đã chụp bắt chúng ta tại chốn Cực thiêng liêng của cuộc đời? Không phải bàn tay của Thượng đế đã mang linh hồn của hai chúng ta tới gần nhau từ trước ngày chào đời và biến chúng ta thành tù nhân của nhau suốt ngày ngày đêm sao? Cuộc đời con người không bắt đầu từ trong cung lòng của người mẹ và không bao giờ kết thúc dưới huyệt mộ. Và bầu trời đầy ánh trăng này cùng các ngôi sao kia không bị bỏ hoang phế bởi những linh hồn đang yêu và những tinh thần trực cảm.”
“Tình yêu của Selma, nguồn an ủi độc nhất của tôi, hát cho tôi nghe những khúc ca hạnh phúc khi đêm về, đánh thức tôi dậy lúc tảng sáng để vén lộ ý nghĩa của cuộc đời và các bí ẩn của thiên nhiên. Nó là một tình yêu thoát tục, vượt lên trên mọi ganh tị, của cải và không bao giờ gây thương tổn tinh thần. Nó là mối quan hệ sâu xa làm toại nguyện linh hồn, một cơn đói tình cảm tới kiệt quệ mà khi mãn nguyện sẽ làm tâm hồn phong phú, và là một sự dịu dàng tạo ra hi vọng mà không kích động tâm hồn, biến trần gian thành địa đàng và cuộc đời thành giấc mơ ngọt ngào tươi thắm. Vào buổi sáng, khi đi dạo trong cánh đồng, tôi thấy biểu hiện của Vĩnh cửu trong sự thức dậy của thiên nhiên. Khi ngồi bên bờ biển, tôi nghe sóng đang hát khúc ca của Vĩnh cửu. Và khi bước đi trên đường phố, tôi thấy vẻ đẹp của cuộc đời và hào quang chói lọi của con người trong diện mạo của những kẻ đi qua và trong chuyển động của người lao động.
Những ngày ấy trôi qua như những bóng ma, biến mất như mây trời, và rồi chẳng để lại gì cho tôi ngoài ký ức đau buồn. Đôi mắt tôi thường dùng để ngắm vẻ đẹp mùa xuân và sự thức giấc của thiên nhiên nay chỉ còn có thể thấy cơn thịnh nộ của bão tố và khốn khổ của mùa đông. Đôi tai trước đây đã cùng tôi thú vị nghe khúc hát của sóng nước giờ đây chỉ còn có thể nghe tiếng gió hú và tiếng gầm thét của biển cả đập vào vách đá dựng đứng. Linh hồn từng sung sướng ngắm nhìn sức sống không mệt mỏi của loài người và vẻ hoành tráng của vũ trụ lúc này bị hành hạ vì đã hiểu thế nào là thất vọng và thất bại. Không gì tuyệt vời hơn những ngày yêu đương và không gì cay đắng hơn những đêm khổ não hãi hùng”…
Có thể những lời nói bay bổng ấy rất xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng bạn ơi, tác phẩm này được viết ra từ năm 1912, cách thời đại chúng ta tính đến hôm nay là 100 năm chẵn, 1 thế kỷ tròn!
Tóm tắt, Broken Wings là một tiểu thuyết viết về bi kịch tình yêu của hai người trẻ tuổi. Câu chuyện được xây dựng tại thành phố Beirut, thành phố lớn nhất của Liban, tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải, cũng là nơi mà Kahil Gibran đã sinh ra vào năm 1883.
Bằng cách bắt đầu bằng hình ảnh một chàng trai trẻ quỳ trước ngôi mộ của một cô gái có tên là Selma Karamy, câu chuyện tình yêu được tác giả mô tả rất thánh thiện. Không như những câu chuyện tình khác có khuynh hướng tiểu thuyết tình yêu du dương, Kahlil Gibran đã viết những lời lẽ tuyệt đẹp, trong vắt như một dòng sông con suối chảy xuống từ non cao.
Ta không cảm thấy đây là một câu chuyện tình phức tạp, bởi vì Gibran đã mô tả rất đẹp, ngay cả khi ông phải đối phó với thực tế lúc người yêu trong mơ của ông bị đặt vào cuộc hôn nhân với một nhân vật thuộc giới cầm quyền của thành phố.
Như thông thường trong cuộc đời mà ta có thể nhìn thấy, tình yêu thiêng liêng lắm khi rất khó thực hiện. Tình yêu thần thánh dường như chỉ có trong tưởng tượng. Bởi vì tình yêu là một điều khó khăn để đạt được, nhưng lại rất dễ làm bạn tổn thương.
Cả hai nhân vật trong câu truyện đều phải chấp nhận sự thật cay đắng là chia lìa nhau, chôn kín mối tình vừa chớm nở nhưng đã trở thành thiên thu. Selma vâng lời cha đi lấy người mà nàng không yêu, vì hiểu rằng cha nàng phải làm điều đó để tránh những thảm họa đổ xuống cho gia đình. Mối tình cao đẹp ấy cuối cùng đã kết thúc bằng cái chết. Chỉ còn lại chàng trai trẻ khóc than cho số phận trước ngôi mộ của người chàng yêu thương. Người phụ nữ ấy đã rời bỏ kiếp sống khổ đau hiện tại để mong được tái sinh trong một cuộc đời khác cùng với đứa con vừa lọt lòng mẹ, mang theo cả tình yêu của đời nàng. Cùng với cái chết của nàng, Gibran đã chôn vùi luôn cả trái tim của mình.
Mối tình khởi đầu thật đẹp và kết thúc đầy nước mắt :
“Gibran hằng đêm lung linh tưởng nhớ Selma, đau đớn cùng cành bách cất tiếng than khóc thương tiếc sự ra đi của nàng, kẻ hôm qua là giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời và hôm nay là niềm bí mật thinh lặng trong lòng đất”…
Và rồi, đến ngày hôm nay, tình cờ tôi lại được nghe giai điệu tuyệt vời trong ca khúc cùng tên của một nhạc sĩ. Khi tiếng nhạc vang lên, cùng lúc tiếng chuông thánh đường ngân nga là lúc câu chuyện tình được bắt đầu kể qua hình ảnh chàng thanh niên quỳ trước mộ người yêu dấu.
Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhớ đến tác phẩm, chuyện tình đẹp của Gibran và Selma, cùng những lá thư mà người đàn ông đau khổ năm nào đã gửi cho chị họ tôi. Chỉ biết rằng, không dấu được cảm xúc sau khi nghe ca khúc ấy, tôi đã phải nhắc lại câu chuyện buồn của chị họ, cùng tác phẩm diễm lệ mà nhà văn Kahlil Gibran đã viết ra để kể về mối tình thiên thu bất diệt của ông.
Có sự đồng cảm nào ở đây? Có một định nghĩa chung nào ở đây khi tình yêu khởi đầu như một “giai điệu tuyệt trần trên đôi môi cuộc đời” và kết thúc bằng “niềm bí mật thinh lặng trong lòng đất”?
Ca khúc anh viết từ năm 1973, tôi xin được phép trích ra ở đây cho mọi người cùng thưởng thức:
http://cuongde.org/index.php/nhac-vang/N/11-ngo-tin/287-broken-wings/3301-broken-wings
{play}http://dl.dropbox.com/s/kalsqo1agh9tei0/uyenuonggaycanh.mp3{/play} Uyên Ương Gãy Cánh
{play}http://dl.dropbox.com/s/96v1h3vth98zw9x/Broken%20wings%201.mp3{/play} Broken Wings
NGUYỄN DIỆU TÂM
(“*”) Trích đoạn Broken Wings bản Việt ngữ của dịch giả Nguyễn Ước
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Cảm ơn chị Diệu Tâm về câu chuyện tình không trọn vẹn đầy nước mắt của người chị họ, em rất xúc động. Cảm ơn chị đã mở lại cánh cửa về quyển sách tuyệt vời UYÊN ƯƠNG GÃY CÁNH của nhà văn lỗi lạc Kahlil Gibran.
Tất cả tưởng như đã ngủ quên …sáng nay tự nhiên được đánh thức, bừng sáng lên. Em đã từng là con mọt sách, người bạn trung thành thầm lặng đáng yêu ấy đem đến cho ta bao điều hay ý đẹp. Hồi đó em thích thơ của thi sĩ Ấn Độ Tagor là có lời bay bổng , đẹp lung linh thật lãng mạng. Em cũng đã đọc Uyên Ương gãy cánh, nhưng em chẳng nhớ gì nhiều.
Cảm ơn chị đã chia sẻ câu chuyện tình đau xót, ghi lại cảm nghĩ thật sâu sắc về những giòng văn lấp lánh của “Uyên ương gãy cánh” Em rất thích những lời văn gợi đến bàn tay êm ái đang vuốt ve trái tim, vuốt ve suy nghĩ người đọc và làm mềm lòng họ một cách diệu kì.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Hòa mến, cảm ơn Hòa đã viết những lời bàn thật hay và cũng giống chị ở điểm “từng là con mọt sách”, “thích thơ của nhà thơ Ấn độ Rabindranath Tagore”, và “cũng đọc UUGC nhưng .. chẳng nhớ gì nhiều”.
Giáng sinh vừa qua, bây giờ đang là những ngày cuối năm. Thời tiết đang rất đẹp dễ làm cho lòng mình bâng khuâng, nhất là được đọc lại UUGC, một áng văn tuyệt vời của Kahlil Gibran phải không Hòa? Chúc em & gia đình Năm Mới hạnh phúc, mọi điều như ý nha!
RE: RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Chị Tâm và Hòa mến,
Hồi nhỏ V cũng ghiền đọc và chép những câu văn của Tagore, Kahlil Gibran. Còn nhớ một câu, hình như của Tagore:
“Nếu bạn muốn ngắm thung lũng, hãy trèo lên đỉnh núi; nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi, hãy vươn tới mây trời nhưng nếu bạn muốn chiêm ngưỡng mây trời, hãy nhắm mắt lại và suy tư”. Mới cấp hai, chưa hiểu được triết lý gì trong ấy nhưng rất thích vì tự cho mình là…mây trời 😆 . Rồi còn chép vào những chỗ bạn bè có thể đọc được nữa ( mà chắc chẳng cô nàng nào hiểu được “thâm ý” đâu!). “Nhiều chiện” cuối năm với chị và Hòa một chút cho vui đó.
Gửi Ngô Thanh Vân
Vân mến, câu Vân chép “Nếu bạn muốn ngắm thung lũng, hãy trèo lên đỉnh núi; nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi, hãy vươn tới mây trời nhưng nếu bạn muốn chiêm ngưỡng mây trời, hãy nhắm mắt lại và suy tư” là của Kahlil Gibran trong tác phẩm “Lời Thiêng” ( The spiritual Sayings ). Đọc tác phẩm này có rất rất nhiều lời hay ý đẹp.
Trong đó có câu “Hãy nghe người đàn bà khi nàng nhìn bạn! Đừng nghe người đàn bà khi nàng nói với bạn!”… Ồ, không biết các bạn mình nghĩ sao về câu này nhỉ? 🙂
RE: Gửi Ngô Thanh Vân
Hi hi, cảm ơn chị Tâm đã đính chính về tác giả. Đúng là Lời thiêng đó chị. Em thử diễn câu trích của chị nghen: Hãy lắng nghe ánh mắt của nàng đang nói điều gì, khuôn mặt nàng đang nói điều gì, cử chỉ nàng đang nói điều gì… đó mới là sự thật và không thể che giấu. Những dối trá, đãi bôi thường ẩn trong lời mật ngọt mà bạn nghe êm tai…
GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM
Đọc bài viết của em và nghe nhạc Ngô Tín thật thích.Tác phẩm Uyên Ương Gãy cánh của
Kahlil Gibran là cuốn sách dịch “gối đầu
giường” của anh trước 75 đó.Sau này Nguyễn Ước (có quen anh) mới dịch lại nữa đó Tâm.
Như Tâm nói: chuyện tình khởi đầu rất đẹp và kết thúc bằng nước mắt.Hồi ấy viết thư
cho người yêu anh cứ gọi nàng là Selma và khi chia lìa anh cũng kêu nàng là selma. Rồi tưởng tưởng mình cứ đi về dưới
hàng cây trắc bá quay quắt nhớ thương
người tình…hihi.Bạn anh cũng đã thành công khi viết thư cho người yêu cứ gọi là Selma đó Tâm.Truyên này khi đọc đố ai mà không rơi lệ, phải không Tâm ?
Ta cùng đồng cảm nhé.Chúc tâm vui.Tình thân
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Anh Lữ ơi, vậy là DT đoán đúng rồi phải không anh, khi nói rằng nhiều chàng trai trước 75 đã gửi gắm tình yêu của mình qua tác phẩm UUGC, trong đó có anh TD Lữ và người bạn của anh nữa! Và khi đã so sánh người yêu với nàng Selma, thì có nghĩa là chuyện tình của các anh rất đẹp và trong sáng lắm phải không anh? Cảm ơn anh Lữ đã đồng cảm.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Năm 1973 , tuổi mới lớn , tuổi mộng mơ vừa mới biết yêu , tình cờ tôi đọc tác phẩm Broken wings của Kahlil Gibran . Như một định mệnh biến đổi tôi từ một guitarist chuyên về Classical và Flamneco trở thành người viết tình khúc sau này . Tác phẩm Uỵên Ương gẫy cánh là tác phẩm đầu tay của tôi . Tôi đã yêu một người và ca khúc này tôi đã viết để riêng tặng nàng . Người đó là nàng Selma đầu tiên trong cuộc đời của tôi .
( Ngày xưa Adam bước vào vườn địa đàng bỡi chính ý Eva , tình yêu tôi đến với nàng là sự dâng hiến chứ không phải là sự chiếm hữu . Qua ánh mắt Selma , tôi thấy bónh dáng Thiên thần . Nàng đã cho tôi ngày ngày như một giấc mơ và mỗi đêm về như mỗi lần hôn lễ . Tình yêu là lòai hoa duy nhất không nở theo tiết mùa .Đời người không khởi đầu từ lòng mẹ để rồi tận cùng trong nấm mồ . Bầu trời tràn ngập muôn ánh sao , lẽ nào đôi ta giũ bỏ ).Qua Mỹ tình cờ tôi gặp được dịch giả đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này anh tên Nguyễn Ngọc Minh hiện làm việc cho Nhật báo Người Việt . Anh bi điếc nên chúng tôi chỉ trao đổi qua bút đàm . Tôi đã trao đổi nhiều với anh về cuốn tiểu thuyết tình diễm lệ này và rất ngưỡng mộ về tài năng của anh trong bản dịch trước đó .Cám ơn Diệu Tâm đã giới thiệu tác phẩm này nói về một chuyện tình cho dù không đến với nhau nhưng trong tim của hai người luôn muôn đới vĩnh cửu .Một tình yêu cao cả , thánh thiện .
Ngô Tín
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Uyên Ương là tên một lòai chim mà theo như truyền thuyết . Đây là một lòai chim mà mỗi con chi có một cánh . Con chim mái tên Uyên chỉ có cánh bên Phải và con chim trống tên Ương chỉ có cánh bên trái . Hai con chim này sống từng đôi với nhau , mỗi khi bay , hai con phải nhập lại thành một để bay . Nếu chẳng may một trong hai con bị chết , con còn lại sẽ sống trong cô đơn cho đến chết . Uyên Ương là một lòai chim biểu hiện cho lòng chung thủy .
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Cảm ơn anh Ngô Tín đã chia xẻ về xuất xứ của ca khúc Uyên Ương Gãy Cánh và nàng Selma đầu tiên của anh. Ca từ anh cô đọng lại từ tác phẩm Broken Wings của Kahlil Gibran rất hay, nghe rất xúc động. Riêng về chim Uyên Ương, trong một dịp thăm Vườn thú ở Thái Lan, DT đã được nhìn thấy, đúng là lúc nào đôi chim trống mái cũng bên cạnh nhau không muốn chia lìa…
Tinh Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Chị Diệu Tâm ơi. Nghe chuyện của chị gái chị TT thấy buồn thật. Đời có nhiều chuyện tình đẹp và buồn quá. Có những người thương yêu nhau mà không đến dược với nhau, đau khổ không gì bằng…
Còn nàng Selma được tả trong chuyện sao mà như Nữ thần…nên mấy anh cứ mơ người yêu mình là Selma cũng đúng thôi. Các anh cũng khôn ghê hí. TT chúc chị vui nha.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Thu Trang mến, em nói đúng, hai người thương yêu nhau mà không đến được với nhau thì không gì đau khổ bằng. Nói chung, có rất nhiều ngăn trở từ gia đình, hoàn cảnh phải cách xa, số phận có duyên mà không nợ, chứ đâu có ai muốn xa người mình yêu đâu phải không Trang? Người xưa dùng hình ảnh đôi chim Uyên Ương để ví với sự chung thủy trong tình yêu cũng thật hay. Loài chim sống chết theo bản năng, còn con người thì khi chia lìa nhau vẫn có thể sống, nhưng có người thì trong tim tình yêu xem như chết rồi. Chị còn nhớ trước 1975, với các anh thì ôm ấp hình ảnh nàng Selma, còn với con gái tụi chị thì mê chuyện tình Romeo và Juliet. Trong chuyện này, hai gia đình vì dòng họ thù hận nhau mà Romeo & Juliet không thể đến với nhau. Thời gian chị đi học ở Saigon, cùng trọ ở lưu xá nữ sinh viên đường Lê quý Đôn có một cô bé xinh đẹp và thanh thoát như nàng Juliet, cô cũng yêu phải một chàng trai mà gia đình 2 bên đang thù hận nhau. Lúc đó tụi chị thấy thương cho họ lắm và cứ thắc mắc: Tại sao người lớn lại làm như vậy nhỉ?
Gửi Chị Diệu Tâm
Chị Diệu Tâm ơi. Đọc những dòng chữ của chị kể về người bạn làm TT chạnh nhớ đến nhỏ bạn thân lúc TT học lớp 12. Bạn ấy và người yêu ở sát nhà nhau, cách một hàng rào kẽm gai cũng có dây mồng tơi leo rào. Hai nhà lại không thuận nên chuyện tình của bạn ấy hồi đó TT cũng ví như Romeo và Julie. Sau đó, khi ba bạn ấy đi tập kết về, bạn ấy lại sợ sự ngăn cách sẽ còn lớn hơn nên cả 2 đã chọn cái chết. Trước khi về quê để chết cùng nhau thì bạn ấy đến nhà TT để thăm. Ước nguyện của 2 bạn là mộ được nằm kề nhau khi chết mà cũng vẫn không được chấp thuân. Thương bạn ấy quá chị. Thỉnh thoảng TT lại nhớ đến bạn và thấy đau lòng. Nhỏ bạn thân rất dễ thương. Cầu mong ở nơi 2 bạn chọn sẽ là nơi 2 bạn cùng hạnh phúc bên nhau.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Trang ơi, câu chuyện của bạn Trang tội nghiệp quá! Tiếc cho cha mẹ họ đã không phát hiện ra được sự ngăn cấm có thể làm cho cả 2 đứa con cùng chết vì yêu? Và hành động của 2 người trẻ tuổi ấy cũng khá nông nổi, như bị ảnh hưởng của tiểu thuyết Quỳnh Dao vậy! Nhưng mình là người ngoài có thể không hiểu nổi những uẩn khúc bên trong, vì sao hai bạn ấy lại chọn cái chết? Mong là những bậc cha mẹ nên kịp thời can thiệp trong những trường hợp quá thương tâm này.
Khi Trang cầu mong nơi 2 bạn chọn sẽ là nơi họ cùng hạnh phúc bên nhau, chị lại liên tưởng đến câu chuyện Lương sơn Bá – Chúc Anh Đài! Cũng vì không lấy nhau được, họ đã cùng chết, khi được chôn gần nhau, người ta thấy có đôi bướm bay lên sát cánh bên nhau, người ta cho rằng đó là linh hồn của đôi uyên ương ấy. Lúc chị đi Hàng Châu được vào Tống Thành xem ca vũ nhạc kịch trình diễn những sự tích của Hàng Châu, trong đó có vở nhạc kịch này. Truyện xưa, tích cũ, ai ngờ thời hiện đại vẫn có thể xảy ra phải không em?
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Chị Tâm ơi,
Một chiều cuối năm cùng chị say sưa với Tình yêu trong UƯGC. Nếu ai đã từng có một mối tình dang dở chắc phải khóc mất thôi! Những câu chữ mượt mà như chạm được vào trái tim để người không khóc cũng phải buồn man mác đó chị.
Uyên Ương Gãy Cánh
TT còn muốn chia xẻ với chị một câu chuyện khác nữa. Hai người rất yêu nhau. Mẹ của anh ấy xem bói cho rằng cô ấy số kiếp “Hồng nhan bạc phận” nên không đồng ý. Đau khổ và khóc hết nước mắt rồi cũng phải xa nhau. Có chồng, có vợ…anh ấy vì quá yêu nên như người bất đắc chí, không hồn, trầm cảm… TT không hiểu tại sao cha mẹ lại có thể tạo ra những cảnh éo le đến vậy. Thật buồn phải không chị.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Vân ơi, vì chiều cuối năm nên chị mới đưa bài này vào trang nhà, chứ đầu năm chắc .. hổng dám đâu 🙁 … Có một người bạn đọc bài này xong viết cho chị nói rằng ngày đó không dám đọc UUGC vì sợ phải .. thất tình! Nhưng nếu vì sợ mà bỏ qua một tác phẩm tuyệt đẹp như vậy thì .. càng uổng hơn! Vì Kahil Gibran vừa là triết gia, nhà văn, thi sĩ, họa sĩ … nên đọc văn của ông nghe như thơ, lại thấy đầy màu sắc như họa, và tư tưởng thì quá đỗi sâu sắc thâm trầm. Còn đời mình có ra sao đó là do mình, chứ sao lại đổ thừa vì một .. cái tựa truyện! Kể ra người VN mình còn .. dị đoan quá hén Vân?
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Trang à, người Việt mình đa số hay tin vào bói toán. Vả lại chuyện hôn nhân hệ trọng các bà mẹ đi xem bói cho kỹ cũng phải thôi! “Hồng nhan đa truân” còn đỡ hơn “số sát phu”, cô dâu nào mà bị thầy bói phán như vậy coi như hết đường về nhà chồng. Lỡ con trai họ có số yểu thì sao, sao lại đổ thừa cho cô dâu nhỉ? Còn “đa truân” hay không, cũng do mình mà thôi! Mình muốn đời mình gian nan thì nó sẽ gian nan, không muốn thì tìm cách mà thoát ra. Nói nhỏ cho Trang nghe nè, lúc trẻ đi xem bói chị cũng bị thầy .. phán như vậy đó! 🙁
Gửi chị Diệu Tâm
hic. TT cũng đã từng bị phán như vậy. Nhưng TT không đi xem bói đâu, mà là người khác xem về TT…ác thiệt. Bây giờ khi nào dzui thì thôi, khi nào buồn thì nghĩ đến hay là số mình nó như vậy…Chị thấy mắc cười không. TT không thích xem bói vì sẽ sinh ra nhiều việc không tốt, phải lo nghĩ nhiều…TT nghĩ mình cứ sống tốt để lòng bình an là được phải không chị. Còn những chuyện tình buồn mà TT được chứng kiến mà chưa kể chị nghe. TT nhiều chiện quá chi há.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
… nghe chuyện thầy bói nói đâu trúng đó hong … hùi đó ở An Nhơn có ông thầy mù gốc me hay lắm, coi cho một người mẹ có một con gái duy nhất là đừng gả con cho anh bà con với nhà hà vì theo ông nhà trai sẽ gặp nhiều xui xẻo mà con gái bà sẽ phải hứng hết hậu quả … cô con gái thì cương quyết làm theo ý mình vì ở ngoài nhìn vô thì thấy anh có my pa đỡ đầu, có công ăn chuyện làm đàng hoàng … mấy người làm cùng sở cũng có cảnh cáo cô dâu là những người con trai hiền lành vì chưa có kinh nghiệm thì đến khi đổ đốn là hậu quả kinh khiếp lắm … cô dâu ngày trẻ thấy mình có ăn có học lẽ đâu đi nghe thầy bói mù cho nên cô trở thành bà con với nhà hà trong ngày cưới mà mẹ chồng đi coi thầy bói của bà, còn thầy bói của mẹ cô thì nhảy nhổm nói cưới ngày này sẽ gặp tai nạn, y như rẳng ngày cưới có tai nạn, xe tông làm kiếng bể văng miểng đổ máu chút đỉnh … cũng ông thầy mù này coi cho mẹ cô ngày tháng năm sợ tuyệt mệnh và cẩn thận bảo con ông viết xuống giấy cho bà, con gái bà đã dằn tờ giấy dưới lư nhang trên bàn thờ để cho bà khỏi quên nhưng bà đã không chạy khỏi số … con gái bà trước đó đã nhắc nhở bà không được đi đâu kể cả đi thăm cô … ngày bà bị nạn cô nằm mê thấy cảnh đi nhận xác mẹ … khi cô đi nhận xác mẹ thì khung cảnh y hệt như trong giấc mê … chồng cô sau này có một giai đoạn đi lính rồi đổ đốn, rồi cờ bạc rượu chè gái ghẹ … cuộc đời cô là cả một trường thiên tiểu thuyết …
Chuyện tình
Cảm ơn bạn đã chia sẻ chuyện tình của Kahlil Griban và chị họ của bạn cuối cuộc tình buồn quá, làm Thoại nhớ đến vần thơ của K.Gribran đã đọc hồi tuổi biết buồn
“Life is divided two halves,one frozen the other aflame
The burning half is love”
( xin lỗi mình không dịch được)
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
Diệp Hà ơi, câu chuyện Hà kể nghe rùng rợn thật, cứ y như là .. phim Tàu. Nhưng mình nghi chuyện này được truyền miệng từ tin đồn, thí dụ .. quảng cáo cho mê tín dị đoan. Có thể sự thật chỉ có chút xíu, khi lan truyền từ miệng người này qua người khác thêm thắt vào thì nó càng thêm lâm ly bi đát. Có nhiều cảnh khổ mà thơ văn, phim ảnh đã lấy từ đời thật mà làm ra. Đôi khi đời thật còn khổ hơn nữa, nhưng nhà văn, thơ hay biên kịch cần phải viết lại cùng hư cấu như thế nào để trở thành một tác phẩm giá trị đó mới là chuyện khó.
Khi Kahlil Gibran viết Uyên Ương Gãy Cánh, cái hay của tác phẩm là nói lên chuyện tình bất hạnh của hai người tuổi trẻ nhưng nó không kéo dài lâm ly như thường tình ta vẫn thấy trong nhiều tiểu thuyết khác mà dưới ngòi bút xuất thần của tác giả, câu chuyện được mô tả thật cao đẹp làm rung động bao trái tim người đọc. Và điều đó đã làm cho tác phẩm sống mãi.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
… mình nghi chuyện này được truyền miệng từ tin đồn …
… oh … bạn vàng đã không đọc lời “tâm tình” rùi, thấy liên quan tới thầy bói là có cảm giác “đẩy’ ra phải không … người chồng hà kể chuyện là bà con với nhà hà mà, my pa đỡ đầu anh có nghĩa là ông nuôi anh ăn học thời gian nhà anh khó khăn, sau đó giúp anh có việc làm cho mẹ anh có thể di cư vô Qui Nhơn vì dạo đó vùng quê bom đạn không sống nỗi, ông cũng góp phần lo cho đám cưới của anh được tươm tất vì nhà gái có tiếng tăm … sau khi cưới thì nhà hà lại thân với cô dâu hơn, mẹ cô mất không kịp nhìn đứa cháu đầu nên từ đó my pama trở thành chỗ dựa tinh thần của cô, cô chia xẻ với nhà hà những năm tháng khó khăn sau 75, chồng đi học tập, rồi đi kinh tế mới, rồi vuợt biên … cho tới giờ này sống ở Mỹ thì cũng ở gần và lòng hiếu thuận của cô làm cho my pama trong giai đoạn cuối đời này rất vui vẻ vì biết rằng họ đã sống “tốt” … giờ này thì đến lượt hà mang ơn cô … hà a vô bàn loạn là vì thấy có nhắc đến thầy bói nên kể chuyện đời thực có liên quan đến thầy bói mà thôi … còn thế giới văn chương thì hà không còn đắm mình trong đó nữa … sau giai đoạn mà bạn bè chuyền nhau một số sách với lời hối: đọc mau lên cho chỉ bán ve chai … thì hà đã không còn sống với thế giới sách vở mà có dịp sống với thế giới thực như lời khuyên của thầy KĐ khi hà nghệt mặt ra nghe thầy giảng “Định là Tính”: Từ từ … sống rồi hiểu! … Sorry nhen bạn hiền … tự dưng mà phá bĩnh giấc mơ màng …
Gửi Diệp Hà
Hà thương mến ơi, tuy mình có cái chiếu ngồi .. Đoán mơ giải mộng .. nhưng thật tình mình muốn mọi việc trên đời giải thích theo chiều hướng khoa học. Đúng là có nhiều vấn đề thuộc về tâm linh không thể giải thích nhưng nếu tin thầy bói 100% thì mình không muốn. Có thể vì nhiều người lợi dụng lòng tin của người khác để vẽ vời ra thêm. Nếu câu chuyện Hà kể ra là sự thật 100% thì ông thầy đó quá hay. Điều đó thuộc về ngoại lệ, không có nhiều đâu. Ngày xưa mình cũng hay theo bạn đi coi bói, chỗ nào nghe đồn là hay mình cũng đến, nhưng khi họ nói mình cứ nửa tin nửa ngờ. Mình cũng không sống đắm chìm vào sách vở và nghe theo 100%. Cái gì mình cũng muốn nghe, muốn biết, muốn đọc, nhưng rồi để đó mà xem xét lại. Có lẽ vì mình hơi .. cứng đầu. Đi coi bói, thầy bói thấy mặt mình .. không ưa vì biết mình nghi ngờ. “Thiên cơ bất khả lậu”, sao trời cho họ nói ra vanh vách như vậy? .. Ái chà, nói chuyện này dài quá. Hà vào trang ĐMGM kể tiếp nhiều chuyện hấp dẫn ly kỳ cho mình và các bạn nghe nữa đi! Thank iu bạn hiền nha 😛
Gửi anh Thoại, Cường Để
Chào anh Thoại đến với trang nhà. Bức hình anh và 3 người đẹp NTH là DT chụp đó anh nhớ ra chưa?
Riêng câu của Kahlil Gibran “Life is divided into two halves, one frozen the other aflame; the burning half is Love”
anh nhớ hay quá, cảm ơn anh đã đọc và chia xẻ. DT tạm dịch “Cuộc sống có hai mặt, một lạnh như băng giá, nửa kia như bừng cháy. Nửa đang bừng cháy đó chính là Tình Yêu”. Không biết có đúng không, Kahlil Gibran là triết gia nên câu nào nói ra cũng quá thâm thúy, rất khó dịch anh Thoại ạ. Chúc anh và gia đình Năm Mới hạnh phúc – an khang & nhiều may mắn.
RE: Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh
… thôi đừng ôm đồm muốn biết hết mọi chuyện Tâm ui … hà có kể là có thầy bói bên mẹ vợ và có thầy bói bên mẹ chồng đó … thầy bói bên mẹ vợ đúng nhưng cô dâu đã không tin … sau này khi đời sống thực tế xảy ra đúng như ông thầy tiên đoán thì cô dâu năm xưa đến khi quá khổ có quyết định bỏ chồng để dồn sức lo cho con cô tự mình đi gặp ông thầy, ông đã khuyên cô: thôi nghiệp duyên đã không tránh khỏi thì thôi, đừng tính chuyện bỏ chồng nữa, tự nhiên đến năm đó thì chồng sẽ biết lo cho bản thân không làm phiền ai nữa. Sau đó cũng đúng tới năm đó thì anh vượt biên được, dĩ nhiên là phải tự lo liệu cho bản thân. Ông thầy thì biết là trời cho lộc để ông sống khi ông tàn tật nên ông chỉ lấy tiền quẻ rẻ mạt mà thôi. Chuyện ĐMGM thì hà đã không có hứng thú muh … mặc dù là mấy ai nằm ngủ không mơ … rồi … trả lại sân trường cho thế giới trường học …
Tình yêu ly biệt
Hay quá Diệu Tâm ui
Lúc còn đi học nhịn ăn sáng để mua sách
Mua cuốn này không dám nằm đọc sợ nhăn sách đó nàng
Và chờ đợi mãi một người có thể nói với mình những điều dễ thương như vậy
Mãi đến năm 1974 nơi giảng đường Văn Khoa
Nơi bắt đầu cuộc tình và vĩnh viễn chia xa 1975