Trưa hôm qua, bạn nhắn báo tin anh Hồ Ngạc Ngữ, một nhà thơ thân hữu rất gắn bó với trang NTHQN đã mất, tôi và bạn bè cùng bất ngờ. Tôi vội vào trang FB của anh thì thấy anh vừa chỉ mới post một bài viết ngắn lúc 10g sáng. Bạn tôi nhắn tin lúc 1g trưa. Tôi đoán anh đã ra đi lúc 12 -12:30g. Mất đột ngột như thế này chắc chắn có liên quan đến căn bệnh tim của anh trong nhiều năm qua, vì cứ thấy anh vào bệnh viện khá thường, chúng tôi cũng nghĩ sức khỏe của anh mong manh lắm và chuyện ra đi có thể bất cứ lúc nào.
Tôi gặp anh vài lần trong thời gian sinh hoạt trên một trang web của trường trung học cũ. Trong đó có 2 lần đến nhà anh. Lần đầu vào mùa xuân 2012, và lần thứ hai 2013, khi Ngọc Dao, cô admin của trang nhà về thăm quê hương, chúng tôi cùng đi Bà Rịa thăm hai nhà thơ thân hữu và cũng là đồng hương Quy Nhơn, là anh Huỳnh Minh Lệ và Hồ Ngạc Ngữ. Chúng tôi đã có một ngày vui vẻ bên nhau.
Còn nhớ lần đầu đến thăm anh, khi cùng nhóm nhạc sĩ Ngô Tín đi Bà Rịa thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Anh Ngô Tín lại có ý định đến thăm anh Ngữ và đàn hát cho anh nghe. Lúc đó tôi nhắn tin cho anh là tôi sẽ cùng các bạn đến. Sơn gọi cho tôi nhắc nhạc sĩ Ngô Tín đem cây đàn theo. Vậy là từ sáng sớm, chúng tôi rời Sài gòn đi Bà Rịa.
Anh Hồ Ngạc Ngữ có lẽ cũng khá hồi hộp về cuộc gặp gỡ. Anh không hề biết có nhóm “Bảo tàng Tình yêu” đi cùng tôi và chương trình mà nhóm đã dự định. Vì sợ tôi không biết đường, trên đường đi anh gửi tin nhắn liên tục “Đến đâu rồi em?” Tôi trả lời “Dạ, Long Thành” Rồi “Ngã ba Mỹ Xuân” “Ngã ba Long Hương”. Anh nhắn ” Đến ngã ba Long Khánh, rẽ trái, đến cây xăng Ngọc Diệp đường 31 sẽ có người đón”.
Đến ngã ba Long Hương, chúng tôi ghé thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả ca khúc “Về đây nghe em”. Anh Lộc ra tận nơi xe dừng để hướng dẫn chúng tôi vào nhà anh. Ns Ngô Tín và Thanh Sơn hát cho anh nghe “Bảo tàng Tình yêu”, “Hạnh Phúc Đâu Tìm” và “Đừng hỏi vì sao” ( “Số Phận” ), là những bài thơ của tôi được ns Ngô Tín phổ nhạc. Khi Sơn vừa cất cao giọng hát, ns Trần Quang Lộc vội vã đứng dậy “Khoan, chờ đã. Phải thu âm ngay các ca khúc này”. Vậy là phòng thu âm tại nhà anh được chuẩn bị ngay lập tức để nhạc sĩ Ngô Tín và “họa sĩ hát” Thanh Sơn vào thu. Còn tôi trở thành “cameraman” bất đắc dĩ. Anh Lộc thực hiện khâu thu âm rất nhanh, ngay sau đó nhóm “Bảo tàng Tình yêu” đã được anh tặng 2 dĩa CD “nóng hổi” để nghe trên xe khi tiếp tục trên con đường đi đến nhà Hồ Ngạc Ngữ.
Chúng tôi đến cây xăng Ngọc Diệp theo như hướng dẫn từ xa của anh Ngữ. Bà xã anh ra tận nơi dẫn đường vào nhà. Lần đầu gặp nhau chẳng ai biết ai, tôi phải giới thiệu đoàn cho anh biết. Thấy anh có vẻ ngạc nhiên với những “đồ nghề” lỉnh kỉnh mà chúng tôi đem ra khỏi xe, tôi đùa với anh “Nhóm Bảo tàng Tình yêu đang đi lưu diễn vùng sâu vùng xa phục vụ cho quần chúng đó anh ạ”.
Lúc này tôi mới tận mắt nhìn thấy cảnh đồng quê mà anh Hồ Ngạc Ngữ đã từng tả trong những bài thơ của anh nay hiện ra trước mắt chúng tôi thật thơ mộng.
………..
Ngỡ đi lại con đường làng thuở nhỏ
Kĩu kịt tre xanh mát bóng trâu hiền
Anh nhắc khẽ cánh cổng tre ngoài ngõ
Lặng bước vào khu vườn cũ bình yên
…………
Một bông hoa dài dại nở không tên
Một cành mận sum suê mùa dâng quả
Những con cá quẫy mình trong hồ cá
Những gốc cây còn in dấu trốn tìm…
( Trích Hai Bài Thơ Tết – Hồ Ngạc Ngữ )
Trong lúc vợ chồng Ngô Tín trò chuyện cùng anh Ngữ, tôi và Sơn đi “khám phá” khu vườn của anh. Ruộng mía sau nhà anh là nơi chúng tôi chọn để chụp những bức hình có “phông” đẹp theo mắt họa sĩ. Tiếp theo là góc bếp nơi nồi cám heo đang sôi. Rồi đến đàn gà, chú chó vện, bầy mèo con mới đẻ. Đúng là dưới mắt “dân thành phố”, cảnh quê thật là đẹp. Sau này khi chú chó vện chết, anh Ngữ rất buồn. Khi đọc tin anh nói con vện đã chết, tôi gửi cho anh tấm hình tôi đã chụp nó khi đến nhà anh. Anh rất cảm động.
Chị Dinh, bà xã anh Ngữ đúng là một bà nội trợ hết sức giỏi giang, đảm đang. Một mình chị chạy ra chạy vào dọn cơm đãi khách, quay vào cho heo gà ăn, rồi lại chạy ra phục vụ nước uống. Bữa trưa chị đãi chúng tôi một nồi lẩu cá điêu hồng tươi rói, với rau sống tươi non hái từ vườn nhà, Chị nói: “bảo đảm rau sạch, không sợ thuốc sát trùng, sâu rầy”. Chúng tôi ăn bữa trưa ngon lành ngoài vườn, dưới tàng cây vú sữa. Không khí đồng quê mát rượi dù đang trưa nắng gắt.
Ăn xong, đến phần “biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng vùng sâu vùng xa”. Vì bà xã anh Ngữ vẫn còn bận tíu tít với việc nhà, khán giả chỉ có một mình anh. Dù vậy, chương trình vẫn được biểu diễn một cách nghiêm túc. Thanh Sơn mở màn với bài “ruột” Hạnh Phúc Đâu Tìm, Bảo tàng Tình yêu. Ngô Tín với “Đừng hỏi vì sao”. Anh Hồ Ngạc Ngữ thích bài “Đừng hỏi vì sao” ( Số Phận ) nhất. Anh đề nghị tôi đọc thơ nhưng tôi cười “Không chuẩn bị, em không nhớ lắm” và “đẩy” qua anh. Vậy là Hồ Ngạc Ngữ đọc “Mùa Vọng” và “Ngày Yêu Thương” (*). Trong lúc anh Ngữ đọc thơ, Ngô Tín đàn nhè nhẹ nên trông giống như những chương trình đọc thơ trong radio. Tôi lại biến thành “cameraman”, theo tôi có lẽ cảnh quay ở đây có vẻ “lý tưởng” nhất khi Ngô Tín hát về “số phận”. Sau đó, anh Ngữ hỏi tôi về các bài viết của tôi đã đăng trên trang nhà NTH, như “Hãy Nói Lời Yêu”, “Tình Yêu Trong Uyên Ương Gãy Cánh”. Và anh Ngô Tín đã hát “The Time Is Now” và “Uyên Ương Gãy Cánh” (**). Tôi nói với các anh “Không cần thu âm, mix professional, Tâm thấy hát live với cây đàn như thế này đã quá hay.”
Hát hò xong, mọi người tản ra tứ phía để thư giãn. Chị Liên Hoa lên võng nằm đu đưa dưới bóng mát tàng cây vú sữa. Tôi và Sơn lại xách máy chụp hình đi vòng vòng. Khi quay trở lại, bất ngờ anh Ngữ nói nhỏ “Sẵn gặp đây để anh xem chỉ tay cho”. Vậy là nhà thơ biến thành “Lốc cốc tiên sinh”. Những lời phán của “tiên sinh” thật lý thú. Cả nhóm ai cũng muốn nhờ anh xem cho một quẻ đầu năm.
Cuộc gặp mặt thật vui và đầy tiếng cười nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Vì được cười trong không gian thoáng đãng của đồng quê, chúng tôi như không muốn rời nơi này. Chia tay lúc 4.30 chiều. Lại chụp hình kỷ niệm. Không biết bao giờ có dịp quay trở lại nhưng chúng tôi đều tin rằng hôm ấy sẽ là một ngày nhớ mãi.
Đó là những dòng tôi đã viết trong chuyến đi hôm ấy. Bây giờ chỉ nhớ và nhắc lại như một lời tiễn biệt. Tuy trong cuộc đời anh đã trải qua nhiều vất vả, nhưng anh đã may mắn có được một người vợ hiền và có vẻ như cung Bạn hữu của anh rất tốt nên mọi người đều quý mến anh. Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, thật thanh thản và nhẹ nhàng như đi vào cõi thơ, một nơi không còn đau khổ nữa…
NGUYỄN DIỆU TÂM
Xin xem hình ảnh ở đây
RE: Họp mặt mừng Xuân Nhâm Thìn
… rồng rắn lên trường xưa huh … có gặp tất cả thầy (thuốc) hong …
Trời
Trời! Ba mươi bảy năm qua rồi, sao không hát bài gì khác?