Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Về Quê

Tôi không được sinh ra ở quê cha, cũng không phải ở quê mẹ, mà ở một thành phố miền duyên hải Nam Trung bộ, rồi từ những năm còn rất nhỏ đã theo gia đình đi nhiều nơi ngược ra miền Trung. Có lẽ cũng quen, khi lớn lên tôi là người thích đi đây đó, và có cơ duyên đi khá nhiều, thế nhưng một trong những giấc mơ của tôi là “về quê”. Một giấc mơ tưởng chừng thật đơn giản nhưng mãi đến hôm nay khi đã vào tuổi về hưu tôi mới thực hiện được. Ngày ấy, cha rời làng quê đi học xa nhà, rồi có gia đình, lập nghiệp ở phương Nam. Chị em chúng tôi lớn lên trong những năm chiến tranh, cha không muốn cho về quê sợ nguy hiểm. Không chỉ quê cha mà quê mẹ cũng vậy. Năm lớp 6 tôi mới được theo bà ngoại về làng, chỉ một lần thôi mà nhớ mãi đến sau này. Ông anh con bác ở miền Bắc có lần hẹn: “Sẽ có ngày anh em mình về quê nội. Các anh chị từ ngoài Bắc vào, các em ở trong Nam ra”. Và tôi chờ, chờ mãi … Hóa ra không dễ có dịp đi cùng nhau.



Núi Ấn sông Trà, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Đầu năm nay, trong chuyến đi Ban Mê Thuột, các cô em con ông chú lại hẹn nhau về quê nội. Tôi muốn lắm nên nhận lời quyết định mua vé máy bay và đặt khách sạn trước để không phải đổi ý. Không ai đi thì mình sẽ đi, không chờ nữa. Tôi book trước vé máy bay. Hiện nay để đến Quảng Ngãi nếu đi máy bay thì chỉ có Vietjet Air hay Jetstar đến sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam rồi từ Chu Lai về trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 40 km. Muốn đi Vietnam Airlines thì đến sân bay Đà Nẵng rồi từ đây về Quảng Ngãi thêm 130 km. Tôi chọn Vietjet Air cho gần Quảng Ngãi hơn. Về phần khách sạn, vì là lần đầu nên tôi chưa hình dung ra vị trí giữa thành phố, sân bay và quê nội. Chị họ cho biết nhà chị cách trung tâm 30 km và quê nội xa hơn 5 km nữa. Có vẻ như Quảng Ngãi không có nhiều khách sạn để chọn lựa như Đà Nẵng. Cuối cùng tôi dừng lại dòng chữ: “Vị trí: bên sông Trà Khúc, cách trung tâm 2 km”. Sau này khi đến nơi tôi mới thấy khách sạn không chỉ nằm ngay bên bờ sông Trà Khúc mà còn nhìn thấy dãy núi Thiên Ấn nổi tiếng mà ông quan Tuần vũ, thi sĩ Nguyễn Cư Trinh thời Hậu Lê, Mạc, Trịnh Nguyễn đã ca tụng “Thiên Ấn Niêm hà” trong “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.

 
Thuyền câu trên sông Trà Khúc. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Đến ngày đi, chị em tôi ra phi trường lúc 5 giờ sáng để đi chuyến bay khởi hành lúc 7:25 am. Chỉ hơn 1 giờ 15 phút là đến nơi. Tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe thông báo từ loa phóng thanh máy bay chuẩn bị hạ cánh. Có tiếng một bé gái kêu lên: “Trời ơi, sao Quảng Ngãi toàn nước không vậy mẹ ơi! Làm sao mà sống bây giờ?” Mọi người bật cười. Tôi nhìn qua cửa sổ máy bay thì … cũng suýt bật lên tiếng kêu “Trời ơi”! Nhưng là … Đẹp quá! Tôi muốn nín thở khi nhìn ra ngoài. Tôi đang bay trên bờ biển xanh có bờ cát trắng rất dài. Rồi tôi bay qua những dòng sông uốn khúc, những cánh rừng tiếp nối dòng sông, con suối, ao hồ, đồng xanh ngọt ngào, những ngôi nhà nhỏ … Để hạ cánh, máy bay lượn khá lâu cũng hơn 15 phút, và tôi mê mẩn nhìn xuống thiên đàng hạ giới dưới kia. Dường như chưa bao giờ từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy được một khung cảnh thần tiên xinh đẹp đến thế. Thật quá sức ngoạn mục!
Trong tâm trạng một người lần đầu tiên về quê, tôi vừa hồi hộp và háo hức muốn biết muốn thấy thật nhiều về quê cha. Ngày còn nhỏ tôi từng thắc mắc không biết dòng họ bắt nguồn từ đâu. Trong cuốn Phả hệ họ Nguyễn Tấn mà lúc còn sống cha tôi đã cùng một ông chú họ bỏ công soạn thảo gia phả, có đoạn nằm trong phần mở đầu:
“Đức Thủy tổ Nguyễn Tấn chúng ta đã rời Thăng Long thành thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1672) cùng 5 anh em một trai, bốn gái, lương khô áo vải lên đường, vượt hơn ngàn cây số tìm về phương Nam xây nôi nòi giống “Căn đề, Bắc địa, tích bổn Long Thành, tấc lộ nhi nam, quan san viễn cách”. Đoàn người vượt suối băng ngàn, dừng biết bao nơi, nghỉ biết bao chỗ, cuối cùng: “Bốc cư thử địa, thác thổ khôi cương thủ soán Châu Phong chi mỹ hiệu”, xác định đất Châu xứ Quảng, làng Châu Tử, tỉnh Quảng Ngãi là nơi định cư lâu dài để xây dựng quê hương và dòng họ. Đức Thủy tổ của chúng ta đã mở trang sử dòng họ tại đây, bằng con đường khai hóa nông nghiệp, trên nền tảng văn hóa Đông Phương, lập phả hệ hơn 12 đời họ Nguyễn Tấn phương Nam, kế tục hơn 20 đời đất Bắc”.
Vậy là đã rõ ngọn nguồn.


Một góc xứ Quảng nhìn từ máy bay. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Sau khi loa phóng thanh của máy bay thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, có tiếng hát vang lên tha thiết, bài hát “Bonjour Vietnam” mà nhạc sĩ, ca sĩ Marc Lavoine người Pháp đã viết cho Phạm Quỳnh Anh, một ca sĩ người Bỉ gốc Việt. Bài hát từng trở thành một hiện tượng 10 năm trước đây ở Việt Nam, giờ đây đối với tôi, trong hoàn cảnh này thật thích hợp:
“Tell me this name, strange and difficult to pronounce
That I have carried since my birth
Tell me the old empire and the feature of my slanted eyes
Describing me better than what you dare not say
I only know you from the war images
A Coppola movie, (and) the angry helicopters
Someday, I will go there, someday to say hello to your soul
Someday, I will go there, to say hello to you, Vietnam…”
***
Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã mang tự thuở chào đời
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, (và) những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam (*)
Tiếng hát mênh mang và cảm động trong lúc chiếc máy bay vẫn còn lượn trên bầu trời và bên dưới là những “căn nhà, con đường”, là “những phiên chợ nổi trên sông, là “những chiếc thuyền tam bản bằng gỗ”, “những ngôi chùa, tượng Phật bằng đá” và “những người phụ nữ đang cong lưng trên đồng lúa”… y hệt như trong lời hát thiết tha của “Hello Vietnam”.


Người phụ nữ đang cong lưng trên đồng lúa. Ảnh: Nguyễn Diệu Tâm

Có tiếng hát theo khe khẽ của một cô gái trẻ. Trong khoang máy bay mọi người yên lặng. Tôi bỗng cảm thấy hãng máy bay Vietjet Air đã chọn đúng bài hát và marketing giỏi cho chuyến bay của họ qua bài “Hello Vietnam”. Với một du khách lần đầu đến Việt Nam, có lẽ người ấy sẽ cảm động khi thấy trên màn hình những clip quảng cáo cho du lịch Việt Nam với những hình ảnh rất đẹp lồng trong tiếng hát. Còn với người đã lâu mới trở về thăm quê hương, chắc họ cũng sẽ bật khóc … như tôi giờ đây.
Chị họ tôi và cô con gái dễ thương của chị ra tận sân bay đón chúng tôi đưa về quê ngay lúc chúng tôi vừa ra khỏi cửa. Cổng làng hiện ra trước mắt, con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, dòng sông, cánh đồng bát ngát, lũy tre, bụi chuối … Quang cảnh sao mà gần gũi thân yêu, rất quen thuộc như tôi đã từng biết vậy. Ngôi nhà thờ ông nội nằm ngay đầu làng, ngay cổng có cây xoài rất to, một cái giếng như trong giấc mơ mẹ tôi từng kể, một vườn cây, rau và hoa lan. Tôi chạy ngay lên phòng thờ nơi vẫn còn giữ kiểu nhà thờ ba gian cột gỗ của ngày xưa thắp nhang cho ông bà, có cả các bác, cha mẹ tôi. Chúng tôi gặp các anh chị em họ, chị dâu anh rể, các cháu về tụ tập đông đủ thật vui vẻ đầm ấm. Rồi ríu rít như những đứa trẻ, chúng tôi ra mộ thăm ông. Ông nằm trong phần đất của gia đình, trong khu vườn khá rậm rạp. Chắc ông vui lắm khi thấy những đứa cháu gái từ xa về quê thăm ông.

 
Quê tôi.

Trong vườn quê, có tiếng con chim nào hót trên cao. Giữa sân, đàn gà con tíu tít bên mẹ chúng. Gió thổi qua những ngọn tre. Làng quê yên tĩnh, lắng đọng vô cùng. Thật ấm áp và hạnh phúc khi tìm lại được gia đình dòng họ của mình.

Tháng 7-2017
Nguyễn Diệu Tâm

(*) Thương chào Việt Nam.
Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi mà tôi đã mang tự thuở chào đời
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola (*), [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết,
Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá,
Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa,
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh,
tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam.
(Bản dịch của anh Đào Hùng – Pháp – trên diễn đàn của Silicon Band)

9 BÌNH LUẬN

  1. Trả lời: Về Quê
    … Wow! … quê nội của Tâm trù phú quá … nhìn giống như là một làng ở trong Nam … bên nội của Tâm “về phương Nam xây nôi nòi giống” có khác … còn bên nội của hà khi nào cũng phải tìm sống ở chỗ đồng không mông quạnh chưa có ai cắm dùi …

    • Trả lời: Về Quê
      Diệp Hà ơi, mình nhờ Dao post bài này vì Hà đó nhé 🙂 Hà nói hai đứa mình cùng quê nên mình cho Hà xem có giống quê của Hà không? Ở đâu vậy Hà? Tỉnh, làng, xã nào, kể ra mình mới nhận “đồng hương” chứ 🙂
      Mong Hà luôn an vui, sức khỏe

  2. Về Quê
    DT viết hay quá (như thường lệ). Tôi cũng đang ao ước được về thăm quê cha một lần cho đúng nghĩa trước khi quá muộn. Lúc đó tôi sẽ ăn cắp bài của DT rồi thêm mắm dặm muối thành của tôi. Có lẽ xúc cảm của tôi còn cao hơn nữa vì địa lý ‘ngàn trùng xa cách’…

  3. Trả lời: Về Quê
    [QUOTE]… làng Châu Tử …[/QUOTE]
    … quê nội của hà ở làng Quít Lâm (chắc là thuở hồng hoang có rừng quít …) kế bên làng Quế Lâm & dọc theo bờ biển cho nên hà chỉ có một bác là nông dân còn mấy chú bác khác là dân chài … vậy là cùng trong một tỉnh nhưng mỗi làng là một cảnh giới khác nhau … cho nên trên cùng một trái đất mà có đủ 36000 cảnh giới …

    • Trả lời: Về Quê
      Diệp Hà: Làng Quýt Lâm, kế bên làng Quế Lâm… Mình search Google thì ra cái này: “Quảng Ngãi là quê hương của Lê Văn Duyệt, Trương Định, Trương Đăng Quế, Bạch Văn Vĩnh, Lê Trung Đình.v.v..”
      Riêng làng Lạc Phố thì có ông Nguyễn Bá Loan, còn làng Quýt Lâm có nữ sĩ Trịnh Tuyết Anh:
      “Nguyễn Bá Loan (1857-1908), tục gọi là Ấm Loan, là một chiến sĩ trong phong trào Cần vương tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp xử chém sau khi phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ mà ông tham gia bị thất bại. Ông là người làng Lạc Phố, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
      Ông là con Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Bá Nghi, nên tục gọi ông là Ấm Loan.
      Gặp lúc vận nước đen tối “thù trong, giặc ngoài”, ông không ra làm quan mà âm thầm tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi do Lê Trung Đình lãnh đạo để mưu cuộc kháng Pháp.
      Ông từng liên lạc với Mai Xuân Thưởng, vạch kế hoạch tấn công bản doanh Sơn phòng Nghĩa Định, nhưng cơ mưu bị bại lộ.
      …..
      Đương thời, nữ sĩ Trịnh Thị Tuyết Anh (1870 – ?, có tài liệu chép là Trịnh Tuyết Anh), người làng Quýt Lâm (nay thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), vốn là hôn thê của Nguyễn Thân, nhưng sau thoát ly gia đình, giả nam trang để tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi, chiến đấu dũng cảm suốt hơn ba năm dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Nguyễn Bá Loan cho tới khi mất. Tương truyền, bà và Nguyễn Bá Loan từng có tình cảm với nhau từ thời son trẻ và từng trao đổi thơ văn với nhau, bên cạnh tình đồng chí”.
      Vậy là làng của Hà có một vị anh hùng nữ nhi giả nam trang tham gia nghĩa quân. Câu chuyện hấp dẫn quá Diệp Hà ơi, có biết chuyện này không vậy?
      Riêng về tên làng Quýt Lâm bên nội Hà hay làng Châu Tử bên nội mình hiện nay đã biến mất tên rồi. Ngày nay tỉnh Quảng Ngãi bao gồm 1 thành phố trực thuộc, 13 huyện trong đó có 1 huyện đảo, 6 huyện đồng bằng, 6 huyện miền núi, trong đó có với 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 9 thị trấn, 14 phường và 161 xã. Nay nếu nói đến nguyên quán thì trong giấy tờ sẽ không khai “làng” nữa mà lên cấp “xã”, thí dụ bên làng nội mình thì biến mất làng Châu Tử chỉ còn xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn thôi. Còn quê của Hà bây giờ là xã Đức Phong, huyện Mộ Đức.

  4. Trả lời: Về Quê
    … hà chỉ biết ở làng Thi Phổ có trường trung học tư thục Nguyễn Bá Loan là nơi my pa làm “thầy giáo” cưới my ma là “đồ đệ” của ông (hồi trước thiếu trường thiếu lớp nên học trò lớp lớn thường làm “thầy” dạy lại đàn em chứ không phải là tốt nghiệp sư phạm đàng hoàng như thời của Tâm)… việc lập gia đình của ông xuôi chèo mát mái cũng là nhờ có đồng nghiệp của ông là cậu của my ma (nhà hà có thói quen kêu chồng của dì là cậu chứ không dùng chữ dượng)… nội của hà thì không vui (có lẽ là do sự xung khắc của hai dòng họ)… còn mấy chuyện khác thì hà mới biết bây giờ đây là nhờ có Tâm search …

    • Trả lời: Về Quê
      “Trường trung học tư thục Nguyễn Bá Loan”… Thật sự là bây giờ mình mới biết đến tên vị anh hùng này, hèn chi mà ông được đặt tên cho trường. Cảm ơn Hà cho thêm chi tiết này. Còn chuyện các làng ở QN (và có lẽ nhiều nơi khác nữa) nay đã biến mất chỉ còn xã mà thôi thì gần đây cậu em mình đi làm ID mới vì hết hạn mới biết, do cậu vẫn khai “làng Châu Tử”, máy ở CA tìm không ra nên người ta bắt về khai lại hết toàn bộ giấy tờ. Mình cũng thắc mắc vì nhớ tên làng hồi trước ba mình mới khai chứ sau này tụi mình chỉ khai tỉnh thôi (trong phần “nguyên quán”). Coi như hai đứa mình “đồng hương”. Mừng gặp lại “đồng hương” nghen (ở gần là đi uống cafe rồi) 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả