Thương mến gửi về các bạn Lệ Hồng, Ngọc Lan, Lúa Trần, Hồng Phượng, Thanh Mai và các bạn cựu học sinh Nữ Trung Học Quy Nhơn và Trinh Vương đã từng trọ học tại lưu xá nữ Trinh Vương Sài Gòn những năm 1973-1975
Các bạn thân thương,
Hôm qua trên nhiều con đường, màu đỏ hoa phượng thật rực rỡ báo hiệu cho mùa hè đã đến. Những ngày thi đại học vừa qua tuần trước, bây giờ là lúc học trò được nghỉ học và tận hưởng mùa hè, như chúng mình ngày nào năm xưa.
Mình đã đi qua trường đại học Văn Khoa, đứng tần ngần trước cổng trường xưa một lúc. 39 năm trước, lúc đó cũng đang là mùa hè. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chúng mình đã kéo nhau từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm trường thi. Đây là ngôi trường đầu tiên Hồng và mình đã học để lấy bằng Dự bị Văn Khoa, với ban Việt văn là bằng Văn chương Quốc âm trước khi thi vào Đại học Sư Phạm. Khu giảng đường ngày nào cũng không còn. Bây giờ trường đã xây mới khu bên trái và trở thành trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Ban đêm, trường là nơi mà sau này mình vẫn đến để học thêm ngoại ngữ.
Nhớ những giờ học ở giảng đường ngày ấy đông nghẹt sinh viên mà nhiều thầy cô mình không thấy được mặt vì hay ngồi xa và trong góc phòng. Lúc đó ngoài những môn Việt văn, còn được học chữ Hán, rất nhiều môn học lạ lẫm so với thời trung học và phải bù đầu mới học nổi.Thời đó chưa có Internet nên mọi chuyện sưu tầm tài liệu đều phải vào thư viện. Đôi khi không tìm ra như trong giờ học Văn học dân gian truyền khẩu, mình nhớ rất vất vả vì đi tìm nguyên tác cuốn Phạm Công Cúc Hoa, có lẽ đã được xuất bản đâu tận những năm 50, 60. Cuối cùng mình đã phải nhờ người bạn gốc Hoa vào Chợ Lớn tìm trong những hàng bán sách cũ khá cực khổ mới có được .
Một góc trường ĐH Văn Khoa cũ
Từ Đinh Tiên Hoàng, mình đã rẽ trái về phía Nguyễn Đình Chiểu (xưa là Phan Đình Phùng ), về lại lưu xá Trinh Vương – 23 bis Lê Quý Đôn, Q. 3, nơi chúng mình từng trọ học trước 1975.
Như một người từ nơi rất xa trở về lại chốn cũ, mình đã đứng bên góc trái khá lâu phía trường trung học Marie Curie dưới tàng cây phượng vỹ hoa đang nở đỏ rực để nhìn qua phía tòa nhà 5 tầng, nơi mà ngày ấy có đến trăm nữ sinh và sinh viên các trường đại học Luật, Văn khoa, Marie Curie từ các tỉnh miền Trung như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng vào trọ học. Còn nhớ giá phòng trọ kể cả tiền phòng và ăn 2 bữa chính lúc ấy là 18.000 đồng/ người. Bốn đứa chúng mình ở cùng một phòng. Thời đó mỗi tháng ba mình gửi vào cho con gái 22.000 đồng, số tiền tương đương lương tháng của chị hai của mình khi ra trường đi dạy tiểu học Mai Xuân Thưởng, Quy Nhơn. Và với số tiền này lúc ấy, mình biết chỉ có con nhà khá giả mới ở được nơi đây mà cha mẹ cũng đã phải cố gắng rất nhiều vì nhà con đông. Đóng tiền ăn, ở xong, còn thừa là tiền ăn quà vặt. Mình không biết các bạn có để dành được chút ít tiền không chứ với mình, hình như không tháng nào dư! Đến lúc thi đậu vào Đại học Sư phạm rồi được tiền học bổng 3.000 đ/tháng, mình có thêm tiền may áo dài mặc đi học. Tính ra tiền hồi đó cứ mỗi bộ áo dài lụa tơ Hồng Hoa là 1.500 đồng / bộ. Trọ học ở đây khá lý tưởng vì yên tĩnh và phòng trọ sạch đẹp không thua khách sạn. Có lần bà chủ nhà tăng giá tiền, chúng mình đã rủ nhau dọn qua Trương Minh Giảng ( Lê Văn Sỹ bây giờ ), giá rẻ hơn nhưng chỉ 2 tuần sau lại kéo nhau chạy về chỗ cũ vì chỗ trọ mới nằm ngay đường lớn ồn ào suốt đêm không ngủ được. Đêm nào cũng vậy, xe chạy rần rần ngoài đường hầu như suốt ngày, chỉ tạm yên ắng từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Lại chưa kể đến cái màn buổi sáng sắp hàng chờ toilet! Sao bằng ở 23 bis Lê Quý Đôn phòng tụi mình có toilet riêng? Vì vậy suốt thời gian từ lúc đậu Tú tài II rồi vào Sài Gòn học cho đến 1975 chúng mình đâu thể dọn ra chỗ khác nữa, cứ ở đó khi thì tầng 3, khi tầng 5…
Lưu xá Trinh Vương
Nơi đây tràn ngập kỷ niệm khó quên phải không các bạn? Ngày đó vì là lưu xá nữ nên cứ đến cuối tuần dưới sân dập dìu nam thanh nữ tú. Bà chủ nhà xuất thân từ trường dòng nên đặt ra quy định nghiêm nhặt cho sinh viên ở trọ. Đêm cứ đến 9 giờ tối là đóng cửa. Không về kịp thì ráng mà chịu. Nhớ nhất là đêm Giáng sinh năm 1973, bốn đứa tụi mình đã theo 4 ông bạn đi party về quá giờ giới nghiêm bị hốt vào bót Lê Văn Ken ở bùng binh Quách Thị Trang, gần chợ Bến Thành. Khi được một anh là lính lãnh ra vì được ưu tiên thì về đến nhà trọ đã gần 4 giờ sáng. Thật là một đêm “over- night” nhớ đời. Không dám gọi cửa, cả bọn ngồi trước cổng chờ, vừa run vì lạnh và cũng vì lo lắng bị bà chủ nhà phát hiện. May sao đến khoảng 5 giờ, bà Năm nấu bếp thức dậy lo nấu nướng, mừng rơn, ló đầu vào hàng rào gọi nhỏ. Bà Năm mở cửa, tụi mình đã rón rén leo lên lầu từng em một. Vào đến phòng hú hồn hú vía, coi như thoát nạn! Nhưng nhờ kỷ luật như vậy mà các cô sinh viên mới sợ và cha mẹ có đem con đến gửi ở đây cũng đỡ lo chuyện các cô “over night” phần nào.
Ở đó, những con đường quanh khu lưu xá đều trở nên rất thân quen với chúng mình. Bên hông tay trái là đường Ngô Thời Nhiệm dẫn ra chùa Xá Lợi, nơi có hàng chè đậu đỏ bánh lọt ngon mê hồn. Hình như tối nào tụi mình cũng phải dẫn nhau ra đó ăn một ly chè rồi về mới ngủ được. Ôi bây giờ mà nhắc đến ly chè đậu bùi bùi ngọt lịm thơm mùi dầu chuối, bánh lọt dai dai giòn giòn, nước dừa béo ngậy, trộn với nước đá bào, vẫn không quên nổi! Lan nói tí chủ dọa họ bỏ á phiện, mình thấy hình như ở đâu ăn uống mà có khách đông, người ta cũng hù như vậy đó! Tụi mình ăn quá trời mà có sao đâu?
Trước mặt, con đường Lê Quý Đôn và những con đường chung quanh lúc đó đa phần là những biệt thự kín cổng cao tường. Trong những khu vườn buổi tối đi ngang qua ai cũng có thể cảm nhận được mùi hương ngọc lan thơm ngát tỏa ra sang trọng và quyến rũ. Mùa mưa đến, những hàng cây sao lá xanh hơn, đẹp hơn. Đến mùa hoa nở, những cánh hoa hình ngôi sao màu trắng nở bung rơi xuống phủ kín mặt đường, sau đó là trái sao màu nâu bay trong gió xòe ra rơi từ trên cao xuống như chong chóng quay mà mình đã rất thích. Có lần mình còn nhìn thấy có mấy con sóc nâu nhỏ chui ra chui vào các hốc cây ở đó nữa. Bên cạnh lưu xá là một tòa dinh thự của người Ấn Độ, có sân rộng trồng nhiều loại cây to và vườn cỏ xanh. Buổi tối đi dạo mỏi chân mà chưa muốn về phòng, chúng mình hay ngồi bên hàng rào nói chuyện. Sao mà nói hoài không hết chuyện vậy chứ! Chuyện học hành, chuyện bồ bịch, chuyện bạn bè v.v…
Mình nhớ mỗi ngày Chủ nhật, Lan ăn mặc thật đẹp để đi nhà thờ. Lúc đó Lan hay mặc áo đầm màu trắng, đẹp như cô tiên! Nàng Hồng thì lúc nào cũng xinh tươi như bông hoa hàm tiếu, không bao giờ thấy buồn. Còn Lima thì hay dẫn tụi mình đi may đồ. Rồi lúc Lima học ĐH SP Kỹ Thuật, bạn đã dạy làm thú nhồi bông. Mình còn nhớ mình làm được một con gấu với chùm hoa vải ôm trước ngực, rồi một con Kangaroo rất dễ thương, có cái túi ở bụng đựng con nữa. Mình đã đố các bạn con Kangaroo có túi đựng con là đực hay cái. Mình thích con vật này vì thú vật mà cũng biết phân chia trách nhiệm, vợ mang nặng đẻ đau thì chồng phải gánh vác lo cho con! Còn con người, có khi … không bằng đó các bạn nhỉ!
Gặp lại nhau sau 37 năm lưu lạc
Lima nấu ăn, làm bánh, may đồ rất khéo. Sinh nhật mình, Lima lui cui làm bánh bông lan có kem, rồi tụi mình mời các bạn phòng bên như Quỳnh Trâm, Thuận, Như, Phượng còi, Thanh Mai v.v… qua ăn tiệc. Thật vui!
Nhắc đến Trâm, nhớ nhất mái tóc đen dài và khuôn mặt đẹp thánh thiện của cô nàng. Thời đó, những chuyện tình như Love Story của Erich Segal, Romeo & Juliette của Shakespeare được quay thành phim, rồi nhạc Love Story, A Time For Us đang là “hit”. Mọi người đã ví chuyện tình của Trâm y hệt … Romeo và Juliette vì hình như hai gia đình cũng có mâu thuẫn thế nào đó đã ngăn cản không cho hai trẻ đến với nhau. Những lúc nhìn Trâm xõa mái tóc dài bên ban công, cứ y như nàng Juliette đang chờ Romeo leo lên hò hẹn! Rồi Huệ “tây”, đẹp như Tây lai. Cặp Thuận – Như bạn thân và cũng là chị dâu em chồng tương lai… Cả một tòa nhà 5 tầng chứa gần 100 nữ sinh viên ấy lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui. Những bữa ăn cứ lặp đi lặp lại nhiều món mà Hồng hay nhăn mặt “Hôm nay lại ăn món đậu hủ … thắt ceinture!” Vì vậy mỗi lần có ai từ Quy Nhơn vào, nhà gửi cho món thịt mặn hay thịt chà bông là sang lắm!
Ngay tầng trệt có một cái chuông. Mỗi lần có khách, bấm chuông thì ai ở tầng nào sẽ được loa gọi tên thông báo. Khách nam hay nữ đều phải tiếp ở phòng khách, không được dẫn lên phòng. Nhìn vào phòng khách có khi thấy toàn cặp ngồi nói chuyện trước bao nhiêu con mắt nhìn, trông “quê” chịu không nổi. Có lần bạn trai đến thăm mình lần đầu, đứng dưới nói chuyện mà không dám ngước nhìn lên lầu, vì biết sẽ có nhiều con mắt nhìn xuống xem xét, chấm điểm… Cũng nhớ cả lần anh Th. đang học Võ bị Đà Lạt, con trai út của một bà bạn của mẹ ở Phan Thiết, vào Sài Gòn chơi, anh đến thăm thì sau đó mình bị các bạn truy vấn tới tấp: Tí nào mà …đẹp trai thế? – À, con bạn của má mình. Hôm sau anh Th. lại đến: Tâm có thuốc cảm không cho anh 1 viên. Các bạn biết lại ré lên: Mắc cười chưa, ở đâu tự dưng đến cái xin thuốc cảm hà! … Sợ đám con gái ồn ào, sau đó anh trốn luôn. Có cả lần một nhóm con trai ở đâu cũng đến xin trọ, lúc đó không hiểu sao bà chủ cũng cho, hình như vì phòng đang trống. Trời à, mấy người này bỗng trở thành con nai hết, đi đâu đi túm tụm với nhau, ăn cũng ngồi chung với nhau, mà vẫn bị cả đoàn nữ binh xúm lại chọc ghẹo, chưa được 1 tháng nhóm con trai ấy giã từ lưu xá, đi luôn không dám hẹn ngày tái ngộ.
Lúc đó chỉ có mấy ông lính là “chì” thôi, không sợ, chứ các anh chàng sinh viên trẻ thì “rét” cái lưu xá nữ này lắm. Không biết anh L có nhớ không chứ có lần anh rủ mình đi xi nê, mình nói sẽ đi, với điều kiện là anh phải mua vé cho hết cả 4 đứa. Nghe vậy, anh … nín luôn, hết dám rủ! Thỉnh thoảng nhóm anh T đi lính về phép, ghé lưu xá bằng xe Zeep, ông anh này hào phóng, thường chở hết mấy nàng đi ra La Pagode – góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do ( Đồng Khởi bây giờ ) uống café, nghe nhạc Pháp thịnh hành thời bấy giờ hát bởi những danh ca như Francoise Hardy, Christophe, Adamo v.v… Có lần anh về khuya, hơi có men rượu, đi đâu không biết lại chạy xe Vespa đến lưu xá mà đứng dưới đường réo tên mình. Bà chủ nhà thấy ồn ào đi ra. Anh không chịu về nên bà phải cho gọi mình xuống để năn nỉ anh đi về. Lần đó mình sợ quá giận anh ấy luôn! Nghĩ thật là trẻ con.
À mình cũng không biết các bạn còn nhớ xe bánh mì gà không? Lúc đó ở Tân Định có mấy xe bánh mì gà nổi tiếng Ba Lẹ, Bé Bự … gì đó, nhưng mình chỉ thích bánh mì gà của một người hay đẩy xe đi ngang qua lưu xá vào mỗi buổi sáng. Ổ bánh mì nhỏ, luôn nóng giòn, bên trong bà cho chà bông gà và ít đồ chua, sao mình ăn thấy ngon lạ kỳ. Nhớ đến bây giờ và hình như từ đó đến nay mình chưa ăn lại ổ bánh mì gà nào mà ngon như thế cả. Còn có món ăn gì của mấy ông lính như cơm gạo sấy, đổ nước sôi vào là thành cơm rồi tụi mình đem chiên lên. Ăn cũng thấy ngon. Hay là cái gì mình ăn lúc nhỏ cũng ngon hơn bây giờ? Thắc mắc ghê!
Ngày ấy tụi mình không có chụp hình chung bốn đứa. Mình chỉ còn mấy tấm hình lúc về ăn Tết Quy Nhơn với gia đình, mặc áo mousseline màu xanh lá cây, quần patte màu vàng may ở ông thợ may trong đường Kỳ Đồng thôi. Tụi mình đứa nào cũng đến đó may, kiểu cũng na ná giống nhau. Đó là thời áo lửng ngắn ngang eo, quần ống chân voi ( tiếng Pháp là patte d’éléphant ), ống càng rộng càng “mô đen”! Cái ống quần này đến bây giờ mình thấy cứ túm vô rồi rộng ra, lui tới cũng nhiêu đó, mà nghĩ quần ống túm gọn hơn rất nhiều. Nhưng lúc đó đang là mode nên cũng khoái ống rộng. Về nhà, nhìn thấy quần ống rộng ba mình ghét lắm, đòi .. lấy kéo cắt, phải cầu cứu với má!
Riêng chuyện tình cảm riêng tư của mỗi người thì mình không biết các bạn dấu kỹ như thế nào, ngoài mặt mình không hay. Vậy thì mình chỉ kể những gì mà mình thấy và biết. Biết người nào cũng có người yêu là lính. Chỉ thấy có anh S hay đến đón Lima đi học, đi chơi. Còn có một anh bạn làm việc ở sân bay TSN, gần nên thường đến thăm mình gần như mỗi ngày. Hai anh này áp dụng cách huýt gió – mỗi người huýt một kiểu để khỏi nhầm, sau đó người nào nhận ra đó là bạn của mình thì cứ tự động lặng lẽ lội bộ xuống 5 tầng lầu. Cách này dùng để các anh khỏi phải vào thưa trình với bà chủ nhà rồi mới cho bấm chuông gọi xuống, mất công!
Bây giờ, sau 37 năm lưu lạc, người bay qua tận xứ Kangaroo là Lệ Hồng, kẻ trôi đến đất Phù Tang, là Ngọc Lan, hai đứa còn lại ở Sài Gòn – Lima và Tâm, cũng ít có dịp gặp nhau, tháng 4 vừa rồi là lần đầu tiên sau 37 năm bốn đứa được gặp lại nhau trong chuyến đi về Quy Nhơn. Dĩ nhiên là nhắc rất nhiều những kỷ niệm của hơn 37 năm về trước. Những người từng đứng dưới đường ngó lên lầu 5 “huýt gió” ngày ấy sau 1975 đã lưu lạc qua xứ Cờ Hoa, cũng có quay về thăm lại người xưa. Gặp lại, các quý nhân ấy cảm khái vì thấy tứ cô nương còn ham ăn ham chơi quá, vẫn còn xí xọn như không chịu cảnh già. Còn các anh thì nay huýt gió hết nổi rồi :-).
Lần đi Quy Nhơn tháng 4 vừa qua của tụi mình vui thật là vui, vừa là bạn cũ gặp lại nhau, vừa được về thăm lại quê nhà, trường xưa, bạn cũ. Những hồi ức đẹp mình đã ghi lại trong bài ký Quy Nhơn Ngày Trở Lại. Lần đi này có được một anh chàng xin đi theo làm “gạc đờ co” nên cũng đồng ý duyệt đơn. Anh ta to con, cao 1.99 m, nặng hơn 100 kgs, Judo đai đen, biết bắn súng, bơi giỏi, nên đi đường, cả đoàn rất yên tâm. Đặc biệt lúc đi chơi Hầm Hô, đoàn chia nhau trong 2 chiếc xuồng, nàng nào cũng sợ không dám ngồi chung xuồng với anh ta, sợ bị … chìm. Chỉ có Lan và Tâm vì không còn chỗ đã lấy hết can đảm leo lên cùng xuồng với chàng, ngồi mà nín thở mỗi khi xuồng chòng chành. Xem lại hình, thấy xuồng luôn có vẻ nghiêng nặng về phía anh chàng ta. Nhưng thật ra, vì hiểu chàng võ nghệ cao cường, nên mình cũng yên tâm lắm đó.
Để tận hưởng lại cảm giác thời còn trọ ở lưu xá Trinh Vương, bốn cô nương kỳ này cũng chen chúc với nhau trong một phòng. Vui thật là vui. Đêm không ai muốn ngủ để chỉ nhắc đến chuyện ngày xưa.
Đã đi qua gần hết cuộc đời, có lẽ chúng ta đều nhận thấy thời kỳ đẹp nhất của mình là thời học trò. Và những người bạn hồn nhiên nhất là những người bạn từ tuổi học trò. Mình thường cảm thấy rất tiếc nuối giai đoạn đó. Có phải vì vậy mà khi đã lớn tuổi, mình vẫn còn thích đến trường học. Học ngoại ngữ, học thiết kế đồ họa, Corel Draw hay Photoshop, gì cũng được miễn là được ngồi trong lớp học. Mới hiểu vì sao có nhiều người lớn tuổi vẫn còn thích đến trường như mình. Vì chỉ ở không gian đó, họ mới thấy mình được sống vô tư và bình yên, không bon chen tranh đua với đời.
Gặp gỡ bạn cũ Nữ Trung học Quy Nhơn – Tháng 4. 2012
Mình cũng không biết trên đời này có ai sống mà không cần có bạn? Từ đứa trẻ con mới chập chững biết đi, chúng đã rất vui khi gặp một đứa bé đồng tuổi, đến một người già cần có bạn cùng nhau đi chùa, tập dưỡng sinh, hoặc trò chuyện, chia sẻ với nhau về kỷ niệm, kinh nghiệm đã trải qua, về gia đình, con cháu.
Có bao giờ bạn thử làm một định nghĩa về chữ BẠN? Vì sao có những người bạn mà ta rất quý mến, những người bạn mà ta sung sướng khi nghĩ rằng đó mới là bạn của mình?
Cũng có những người bạn, nhưng không phải là bạn, vì không chia sẻ được những tâm tình mà còn làm cho mình phiền lòng. Các bạn có thấy như vậy không?
Mình không bao giờ đòi hỏi bạn phải làm gì cho mình, cũng không nhất thiết bạn phải thế này thế kia theo ý mình được. Bạn có thể có những tính nết khó khăn, nghiêm trang hay nghịch ngợm, tếu táo, có khi “vô ý” nữa, nhưng xin đừng bắt bẻ bạn, mà hãy lựa lời khuyên nhủ bạn nếu những sự vô ý đó có thể làm mất lòng người khác. Cũng xin đừng ganh tỵ với bạn nếu bạn có thể “hơn” mình ở một hay nhiều điểm nào đó. Hãy luôn tha thứ cho bạn nếu bạn lỡ làm mình buồn lòng, vì có thể điều đó có nguyên nhân. Trong tiếng Anh có câu “A friend in need is a friend indeed” ( Một người bạn thật sự là người bạn có mặt khi ta cần ), mình thấy đúng nhưng nếu phân tích chữ “in need”, thì cũng không hẳn là đúng, vì như vậy là có “đòi hỏi”. Biết thế nào là “in need”? “Need” cái gì ở đây? Người ấy đòi hỏi nhiều quá thì sao?
Theo mình, bạn là người mà mình có thể chia sẻ buồn vui. Đôi khi là một sự giúp đỡ tận tình nhưng không đòi hỏi nếu mình là người có điều kiện để giúp. Trường hợp mình trong vai người cần và được giúp, đừng bao giờ quên ơn bạn, đừng bao giờ lừa dối, gạt gẫm hay lợi dụng bạn. Một người bạn dẫu ở xa, nhưng mỗi lần nghĩ đến người ấy làm cho tâm hồn mình ấm áp, nhẹ nhàng, biết yêu đời, biết sống hơn, sẽ cần thiết hơn. Ngày nay thì phương tiện liên lạc cũng dễ dàng hơn xưa nhiều, chỉ cần một vài phút trò chuyện qua điện thoại, chat qua Face Book, Skype, Yahoo hay những lời tâm tình qua email, mình thấy cũng đủ rồi.
Diệu Tâm & Ngọc Lan – Angkor Wat 2011
Và hạnh phúc, là thỉnh thoảng được gặp lại nhau, có thể mỗi năm, hai hoặc ba năm, có khi lâu hơn. Một khi tình cảm đối với nhau thật trong sáng, vô vụ lợi, thì mãi mãi ta vẫn còn bạn.
Như thế, mình nghĩ rằng khi những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu vẫn còn, gặp lại nhau tình cảm giữa chúng ta vẫn còn, đó là tình bạn thật sự. Mong sao cho đến 10 năm sau, thậm chí 20 năm sau, mỗi lần gặp lại nhau chúng mình vẫn luôn cười vui như thế!
NGUYỄN DIỆU TÂM
Mùa hè 2012
GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM
Bài viết của Tâm từ hồi ức cho đến hiện tai thật chi tiết, công phu…Đó là một thời để yêu và để nhớ ! chừ ai qua lại
trường văn khoa cũ …sẽ nhớ da diết, đúng không? Và nhất là tình bạn có được của Tâm
thật cảm động…Mong là mãi mãi.Chúc Tâm vui.
RE: Thư Cho Bạn
Anh Lữ thân mến, cảm ơn anh lúc nào cũng động viên tinh thần em gái! Khi Tâm đi qua lối cũ chụp tấm hình lưu xá sinh viên ngày xưa và gửi vào Face Book cho các bạn xem ( Các bạn dùng Face Book nhiều hơn ), mọi người đều … trăn trở không ngủ vì nhớ lại kỷ niệm. Vậy là Tâm hứa với các bạn sẽ viết một bài để tất cả cùng nhớ lại những ngày xưa thân ái đó. Các bạn còn bổ sung nhiều chi tiết nữa, như chuyện … ổ bánh mì gà buổi sáng thường mua thủ sẵn để có đến trường không còn chỗ ngồi trong giảng đường vì sinh viên quá đông, thường phải đi sớm dành chỗ, thì dông thẳng ra rạp xi nê Mini Rex, vừa coi phim vừa có bánh mì gặm :-). Rồi quán hủ tíu bò kho ở Ngô Thời Nhiệm, gần trường Saint Ex. Bà chủ nhà thì bù đầu với hàng trăm cô nữ sinh, sinh viên vì nhiều chuyện giải quyết, kể cả luôn họp hàng tháng để nhắc nhở nội quy và thường dặn dò “Các con đừng đứng trên lầu cao mà mặc … mini jupe, tội!” v.v. và v.v… Bà như một người mẹ lớn vậy, phải chăn cả đàn con toàn là “bom nổ chậm” sao chịu nổi chứ! Viết bài này tụi em cũng nhớ bà lắm. Tháng 4. 1975 bà dẫn đoàn trẻ em mồ côi đi qua Mỹ luôn rồi. Không gặp lại.
Chia sẻ thêm với anh một chút về thời sinh viên. Chúc anh một ngày vui.
RE: Thư Cho Bạn
Chị Diệu tâm thân mến ! Đọc bài viết của Chị tưởng chừng mọi thứ của thời sinh viên đang diễn ra trước mắt,chạnh lòng đến vô cùng, nhớ da diết về một thời “áo trắng”.Lực chợt nghĩ rằng, tại sao mình không là con gái để được học trường Nữ, để được thưởng thức những gì của trường Nữ có mà trường khác không có, riêng hai từ Trinh Vương đã mang truyền thống độc đáo của các nữ tướng trong lich sử rồi. Có điều bây giờ đâu còn trường của Nữ nữa (?), tiếc thật. Cảm ơn Chị đã chia sẻ , chúc Chi có những bài viết hay !
RE: Thư Cho Bạn
Chào anh Nguyễn Tấn Lực BĐ. Cảm ơn anh đã đọc Thư Cho Bạn và còn chia sẻ những ý nghĩ rất dễ thương, trong đó có suy nghĩ “tại sao mình không là con gái” :-), điều này làm cho DT và các bạn NTHQN cảm thấy được an ủi và sẽ còn thích là con gái trong … kiếp sau nữa đó!
Thư cho bạn
Tâm ơi, rồi sau 75 mình có dịp thăm lại LX Trinh Vương với tư cách là khách viếng nhà.. người khác. Thật tình cờ,trên đường đi học về, bạn Hương rủ mình đến thăm người bà con là văn công đang ở 23bis Lê Quý Đôn! Mình đã đến lầu 5 của tụi mình ngày xưa , ngay phòng Quỳnh Trâm, Tâm còn nhớ không, ở cuối dãy phía ngoài đường LQĐ.
Chyện xưa của 4 tí cô nương thì đã rõ… còn mình ấy hả ? Cho đến tận bây giờ vẫn còn xin giữ bí mật, chỉ he hé một chút thôi, như trong bài “Nhớ … một chút” trên trang nthqn.org của tụi minh đó . Chúc Tâm luôn khỏe.
RE: Thư Cho Bạn
Tâm ơi, rồi sau 75 mình có dịp thăm lại LX Trinh Vương với tư cách là khách viếng thăm nhà…người khác.Thật tình cờ, trên đường học về, bạn Hương rủ mình đến thăm người bà con là văn công ở 23bis Lê Quý Đôn. Minh đã lên lầu 5 của tụi mình, ngay phòng Quỳnh Trâm, Tâm còn nhớ không, phòng ở cuối dãy lầu nhìn ra đường Ngô Thời Nhiệm.
Chuyện của 4 tí cô nương thì đã rõ. Còn mình ấy hở ? Cho đến tận bây giờ vẫn còn là bí mật (!)chỉ he hé một chút như ở bài “Nhớ…một chút” trên trang nthqn.org. Chúc Tâm luôn vui và khỏe
RE: RE: Thư Cho Bạn
Hồng Phượng thân thương! Dù sao bạn cũng đã ghé được vào lưu xá TV, lại còn leo lên được lầu 5, vậy cũng đủ vui rồi, chứ mình đi ngang qua hoài, đâu có dám ghé 🙁 … Chỉ dám đứng xa xa mà nhìn và nhớ thôi!
Chuyện của P, đúng là đến tận bây giờ vẫn còn là bí mật! Mình sẽ lục tìm xem “Nhớ … một chút” rồi hôm nào gặp nhau nhớ “bật mí” ra thêm nghen. Mình chỉ nhớ có lần P cũng ở chung phòng, sau đó P dọn qua phòng khác với TM? Hồi đó có bé Vân hay cung cấp cho tụi mình đường và đậu xanh để lén nấu chè trong phòng, không biết P có qua ăn không nhỉ? 😛
Dạo này chắc P kiêm luôn “3 Đảm” rồi ?( “Đảm đang -> Đảm trách -> Đảm bảo”! Cái 3 Đảm này do mình “chế” ra tặng P đó 😆 Chúc luôn vui và trẻ hoài như “em bé” nghen nhỏ!
RE: Thư Cho Bạn
Chị Tâm ơi,
V cũng vừa mới bay ra tận Huế để họp bạn đó. Người ở xứ cờ hoa về, người quanh quẩn SG, Hội An, Đà Nẵng… vậy mà có bạn từ lúc chia tay đến 31 năm sau mới gặp! Thật dạt dào cảm xúc khi nhắc lại vanh vách những ngày cũ để thấm sâu ngữ nghĩa “bạn xưa”. Đọc [i]Thư cho bạn [/i], V thấy như cũng có ai đó đang viết cho mình và trong đầu mình cũng đang thảo lá thư … Cảm ơn chị đã gởi thơ đi. Giá V cũng viết ra được… Chúc chị luôn vui khỏe và yêu người!
RE: RE: Thư Cho Bạn
Vân ơi, vậy ra Vân cũng vừa “họp bạn”. Vui và xúc động lắm phải không Vân? Khi gặp lại bạn cũ, đúng là mỗi người sẽ kể ra chuyện xưa theo cách của mình, mỗi người kể vài chuyện vì đôi khi mình không thể nhớ hết. Rồi nhiều lúc cứ vậy mà bò lăn ra cười! Chị cũng mới họp bạn ĐHSP tuần trước. Trước khi ra trường, lớp đi thực tập ở Cai Lậy 1 tháng, ở nhà dân và làm việc cùng với họ. Đã 35 năm rồi, vậy mà bây giờ có bạn cũng còn liên lạc với người dân ở ngôi làng ấy. Có một cô bạn lúc ấy chưa có chồng mà dám nhận một bé con nuôi từ lúc ấy! Tụi chị cũng đang hẹn nhau về thăm họ một chuyến. Nay thì còn đi đâu được cứ đi, không rồi sẽ hối tiếc vì thời gian không thể chờ mình được đâu 🙁
Cảm ơn V đã đọc Thư cho Bạn. Mến chúc V luôn yêu đời yêu người.