Khi nghĩ đến tựa đề cho phần II của bút ký này, ban đầu tôi đã định chọn “Đến với xứ sở của anh em nhà Grimm”, bởi vì 2 anh em người Đức Jacob Ludwig Karl và Wilhem Karl Grimm mà tôi rất yêu thích, tác giả của những bộ sưu tập dân gian, cổ tích nổi tiếng và phổ biến như truyện Nàng Bạch Tuyết, Cô bé lọ lem, Hansel và Gretel… đã chào đời tại Hanau, một thành phố nhỏ thuộc bang Hessen, gần thành phố Frankfurt am Main, và cũng bởi vì chuyến đi của tôi cũng chỉ đi về hướng Tây Đức, qua các thành phố Cologne, Dueseldorf, Essen và Frankfurt am Main. Thế nhưng cuối cùng tôi lại chọn một tựa đề khác, là “Lộ trình của Lãng mạn và cổ điển” ( “Route der Romantik und Klassik” trong tiếng Đức) “Lãng mạn” và “Cổ điển” là hai chủ nghĩa, hai danh từ xem chừng đối lập nhau, thế nhưng khi đến đất nước này tôi lại cảm thấy người ta lại có vẻ rất ưa chuộng và áp dụng cả hai cùng một lúc.
Từ Basel – Thụy Sỹ, con tàu ICE ( Intercity-Express ) lướt đi thật nhanh qua những cánh rừng cuối đông đâu đó bắt đầu trổi mầm lá non của mùa xuân vừa chớm, những cây cầu dài bắc qua những dòng sông. Vì tốc độ của nó quá nhanh, từ 160 – 300 km/giờ, cảnh vật bên ngoài cũng lướt qua ào ào. Những ngôi nhà, xưởng sản xuất có từ thế kỷ 18, đồi núi, rừng và thung lũng, đồng quê, thành phố … lần lượt lướt qua như tôi đang được xem một bộ phim quay nhanh về một phần châu Âu rộng lớn. Từ Basel, tôi đang đến gần sông Main, phụ lưu sông Rhine. Khoảng 4 tiếng đồng hồ khởi hành từ Basel, tàu đến sân ga Duesseldorf vào khoảng 5:30 g buổi chiều ngày 24/2/2004. Lúc tàu đã dừng, hành khách lần lượt bước xuống, rất trật tự. Ba cái va ly khá nặng làm tôi loay hoay mãi, định xách xuống từ từ từng cái một nhưng sợ trở ngại cho những người phía sau, tôi lại phải đứng lại trong góc tàu và chờ. Một người đàn ông trong bộ y phục kiểm soát viên hỏa xa đang đứng phía dưới chờ hành khách xuống thấy vậy vội giúp tôi khuân hết hành lý xuống. Khi tôi nói cảm ơn “Danke” ông ta chỉ mỉm cười rất nhã nhặn. Giữa sân ga quá lớn, người đông như nêm, tôi nhìn quanh không biết phải đi theo hướng nào, trái hay phải, phía nào K đang đứng chờ tôi? Cuối cùng tôi chọn bên phải, xuống cầu thang cuốn, lại ngơ ngác nhìn đoàn người lũ lượt đi lên đi xuống ngược xuôi đến chóng mặt. Có bao giờ vì quá đông người K sẽ không thể tìm ra tôi? Lúc ấy tôi lại không có điện thoại di động, biết tìm đâu bây giờ? Tôi sực nhớ một điều để tránh bị lạc trong những cuộc kiếm tìm, tốt hơn hết là nên chọn ngay chỗ ra vào, đứng chờ ở đó chứ không nên đi lung tung. Quả đúng như tôi nghĩ, khoảng vài phút sau đã nghe tiếng gọi tên tôi. Quay lại. Anh chàng người Đức to lớn đứng sừng sững trước mặt, cười toe với hai bàn tay để ngửa xòe ra đón tôi: “Willkommen in Deutschland!” (Chào mừng đến với nước Đức!). Tôi thấy K hơi gầy hơn trước, hỏi thì anh trả lời ừ anh sút gần 14 kgs, do sau khi được chữa khỏi một căn bệnh nhiễm từ chuyến đi Trung Quốc mấy tháng trước. K nói cho tôi yên tâm “Không sao, tôi vẫn khỏe. Tôi thích gầy bớt đi như vậy.” Rồi lại hỏi “Nào, có đói bụng không? Ăn cái gì nhé?” khi chúng tôi đi ngang qua các cửa hàng patisserie bánh ngọt đủ loại bày ra sau kính thật hấp dẫn. Tôi nói tôi không đói. K bảo vậy thì chúng ta sẽ đi ăn tối sau vậy. Rồi chúng tôi cùng đi ra bãi đậu xe. Trong lúc K hai tay kéo hết cùng lúc 3 cái va ly của tôi, thì tôi sung sướng đi hai tay không! Cái cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Duesseldorf thật khác với Basel. Trong lúc Basel vắng vẻ yên tĩnh thì Duesseldorf ồn ào náo nhiệt. Sân ga quá lớn và đông người, người Đức đa phần lại to cao nên thân hình 50 kgs và chiều cao 1.57 m của tôi như bị nhấn chìm trong biển người kia. Thêm vào đó, đi bên K cao gần 2 m, nặng hơn 90 kgs tôi trở nên thật bé nhỏ!
Đêm dần buông xuống. Xe lăn bánh ra khỏi thành phố và đường đi vắng vẻ dần. Dường như K đang bắt đầu tiết kiệm thời gian. Anh rẽ xe vào một nơi tối om, dừng lại và bảo tôi xuống xe. Trong lúc tôi đang ngơ ngác không hiểu đây là đâu thì anh nhanh nhẹn chạy đến cổng mua vé và đưa tôi vào : “Đây là lâu đài nước, được xây dựng vào thế kỷ 18 theo phong cách Rococo, còn lưu giữ nhiều tác phẩm quý giá từ thế kỷ 18″… À thì ra là một điểm tham quan thuộc di sản văn hóa thế giới. Lâu đài ban đêm tối âm u. Vì đã hết giờ tham quan nên chúng tôi chỉ được đi dạo bên ngoài. Những ngọn đèn vàng hắt hiu tạt xuống sân cho tôi thấy chung quanh lâu đài là hồ nước và vườn cây um tùm. Có lẽ ban ngày cảnh sẽ rất đẹp, vì ban đêm thật uổng, chẳng nhìn thấy gì, chỉ thấy bóng tối bao trùm và cảm giác của tôi là hơi sờ sợ như thể tôi đang lạc vào một lâu đài ma quái phù thủy, chứ không phải xứ thần tiên mà anh em nhà Grimm đã tả trong các câu chuyện cổ tích. Nhưng tôi đã không nói gì với K về suy nghĩ đó của tôi, sợ anh mất hứng!
Một lâu đài ở Essen – Photo: NDT
Rời tòa lâu đài cổ, K đưa tôi vào một nhà hàng Ý ăn tối. Lại cũng tối om vì không thắp quá sáng đèn mà chỉ có những ngọn nến trên bàn ăn lung linh mờ ảo. Có vài người khách đang ăn. K giới thiệu đây là một nhà hàng theo phong cách cổ thế kỷ 18. Anh có vẻ sung sướng vì nghĩ rằng tôi thích cảnh lãng mạn và cổ điển này. K đưa menu cho tôi chọn món ăn. Lật tới lật lui, tôi chọn “Spaghetti with tomato”.. Tôi thường sợ phải chọn những món lạ, vì đi nhiều nơi tôi không ăn được các món ăn có mùi vị lạ. Mù tạt không ăn được, cheese cũng không ăn được, v.v. Tốt hơn hết, nên chọn món gì “đơn giản”, dễ ăn, tôi nghĩ vậy. Người bồi bàn đem ra một dĩa lớn đầy nhóc thịt bò và khoai tây cho K, còn tôi là dĩa mì spaghetti và cà chua như đã “order”. Dĩa mì quá lớn so với bữa ăn tôi thường ăn. Và nước sốt cà chua lại quá chua… Cố gắng lắm, tôi chỉ ăn được ¼ dĩa. K nhìn và hiểu tôi không ăn được nữa. Tôi nói xin lỗi vì tôi cảm thấy mệt bởi chuyến đi.
K đưa tôi về một khách sạn ở Essen. K đang ở Duesseldorf nhưng công ty anh nằm ở Essen, cũng là nơi chôn nhau cắt rún của anh. Lý do tôi ở khách sạn này là để dễ qua lại công ty anh vào những ngày hôm sau. Trời tối nên tôi cũng không thấy rõ đường, nhưng cũng thấy lờ mờ đó lại là một khách sạn cổ nữa. K giải thích đây là một khách sạn cổ từ thế kỷ 18, không dễ gì để có thể đặt phòng ở đây, mà K thì muốn tôi thưởng thức những gì cổ điển, đặc biệt của nước Đức, chứ nếu khách sạn hiện đại thì thiếu gì. Tôi không nói gì, thôi thì ở đâu cũng được, miễn có chỗ nằm nghỉ, vì tôi cũng mệt rồi! Nhìn vào quầy tiếp tân cũng tối mờ mờ ngọn đèn vàng, khách của thế kỷ 21 đang vây quanh quầy bar thế kỷ 18 để uống rượu. Ông chủ khách sạn cùng K xách 3 cái va ly của tôi lên phòng. Tôi cảm thấy ân hận vì lỡ làm cho valy nặng quá!
Khách sạn thế kỷ 18 – Photo: NDT
Đó là một căn phòng khá rộng đối với một người chỉ cần single room như tôi. Có 3 cái giường, 2 cửa sổ. Phòng tắm cũng khá lớn trang bị vòi massage hiện đại đến nỗi tôi đã không dám sử dụng! Lo lắng cho tôi chỗ ở xong xuôi, K chào “Tschüss” tạm biệt để đi về, anh hẹn tôi sáng mai đến sớm đưa tôi đi tham quan Essen và đến hội chợ ở Cologne vì công ty anh đang tham dự một hội chợ về hàng gia dụng điện tử và công nghiệp ở đó. Còn lại một mình, tôi lại chọn chiếc giường gần cửa sổ và kéo màn nhìn xuống đường. Ánh đèn đường khá sáng cho tôi thấy rõ cảnh vật hơn. Hóa ra tôi đang ở trong một khách sạn trên núi, chung quanh là rừng, bên kia đường và phía xa xa có những ngôi nhà nhỏ theo phong cách Đức truyền thống là nhà làm bằng đất sét và gỗ màu nâu đan ngang dọc theo hình tam giác. Cuối đường có một ngôi nhà, có lẽ là quán ăn, mang bảng hiệu “Don Quichote” tên một nhân vật trong tác phẩm cùng tên của văn hào Cervantes vào thế kỷ 17. Không biết lại có một sự tích nào đó từ nhân vật cổ điển nổi tiếng thời Phục Hưng này mà nhà hàng có liên quan không – tôi thầm nghĩ, rồi sẽ tìm hiểu sau, nhưng rõ ràng cái tên của nhà hàng làm tôi cảm thấy hứng thú, cũng như với nhiều bảng hiệu “Altik”, “Biergarten” chung quanh có vẻ như người Đức rất yêu quí đồ cổ và bia!
Một quán bia nhỏ gần khách sạn. Photo: NDT
Tuyết lại rơi, màu vàng của những ngọn đèn đường chiếu xéo lên những mái nhà phủ đầy tuyết, rừng thông tuyết trĩu nặng, và ánh sáng ấm áp từ cửa sổ những ngôi nhà bên kia đường hắt ra trông cảnh vật lung linh huyền ảo đẹp như trong những tấm thiệp Giáng sinh. Đứng ở cửa sổ nhìn mãi cảnh rừng tuyết trong đêm, tôi có cảm giác thật lạ kỳ, như thể đang trong một giấc mơ cổ tích mà có lần tôi đã thấy mình bước vào trong tranh.
Cảnh nhìn từ cửa sổ khách sạn. Photo: NDT
Buổi sáng hôm sau khi mặt trời lên, tuy nắng không rực rỡ nhưng cũng đủ làm tan bớt những lớp tuyết dày trên đường. K đến đưa tôi đi tham quan một vòng phố cổ Kettwig ở Essen. Essen nằm bên bờ sông Rhine, thuộc bang Nordrhein-Westfalen, là một trong 9 thành phố lớn của nước Đức, đã từng là một trong những trung tâm thép và than đá quan trọng của Đức, nay thành phố được xem như thủ đô văn hóa của vùng Rhur. Là thành phố công nghiệp, nhưng Essen vẫn thuộc một trong những thành phố có nhiều cây xanh nhất của nước Đức.
Tôi thắc mắc hỏi K, tại sao tên thành phố này có nghĩa là “Ăn”? Trong tiếng Đức, “Essen” động từ nguyên mẫu nghĩa là “ăn”, danh từ là “thực phẩm”. Anh giải thích rằng có lẽ bắt nguồn từ gốc tiếng cổ của nó là Astnide – ngày xưa nơi này là nơi có trồng nhiều cây sồi (ash tree), mà Esse có nghĩa là fire-place (lò sưởi).
Thăm một lâu đài ở Essen. Photo: NDT
Nước Đức cũng là nơi còn tồn tại nhiều lâu đài nhất nhì châu Âu. Những lâu đài nổi tiếng như lâu đài Frankenstein ( nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của Mary Shelley, nữ văn sĩ người Anh nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 19), hay lâu đài Cinderella (nàng Lọ Lem trong cổ tích anh em nhà Grimms v.v.) là những nơi được du khách thích đến thăm. Essen cũng có nhiều lâu đài rất thơ mộng mà chúng tôi cũng có ghé qua một số lâu đài còn lại vùng Kettwig. Đi đến đâu cũng thấy cây cối xanh mướt. Đàn chim bồ câu sà xuống bãi cỏ xanh mênh mông. Bên hồ nước, bầy vịt trời bình yên rỉa cánh. Thật thanh bình và hạnh phúc.
Phố cổ Essen – NDT
Chúng tôi đi dạo ở khu phố cổ Kettwig trên những con đường nhỏ, nền gạch lát đá, những ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn với những ô cửa nhỏ xíu cho thấy vào thế kỷ 18 người Đức cũng không quá to lớn như bây giờ. Chúng tôi cũng đi qua một khu chợ nhỏ nằm bên lề đường, gần giống như chợ xổm của ViệtNam nhưng gọn gàng và sạch sẽ hơn, và cũng chỉ nhóm chợ vào buổi sáng, có hàng hoa với đủ loại hoa tulipe, cúc ..đủ màu rất đẹp . Vào quầy hàng rau xanh, tôi thấy có nhiều loại rau, cải bắp lạ. K lại tha hồ giải thích vì cái gì tôi cũng hỏi. K nói anh rất yêu thành phố này. Dù rất bận nhưng thỉnh thoảng anh vẫn dành những buổi sáng đi dạo chợ, qua những con phố cổ nhỏ để tìm chút thanh thản.
Rồi chúng tôi tạt qua một số công ty và cửa hàng của gia đình K nằm tại đây. Tôi không nhìn thấy có quá nhiều nhân viên tại các nơi này. Thỉnh thoảng, một bóng người ôm chồng hồ sơ dày cộm vụt qua, rồi biến mất trong một căn phòng nào đó. Tại cửa hàng sơn mài Lackware, chỉ có một cô nhân viên đảm trách mọi việc, nhưng tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ. Sau đó chúng tôi cùng đi Duesseldorf và Cologne.
Một khu chợ nhỏ ở Essen – NDT
Ba thành phố Cologne, Dueseseldorf, Essen còn được gọi là vùng Rhur, trung tâm kinh tế của bang Nordrhein-Westfalen, nối liền từ thành phố này sang thành phố kia. Có vẻ trái nghịch khi cả ba thành phố đều là thành phố lớn và hiện đại, nhưng vẫn mọc lên rất nhiều những bảng hiệu “Altik”.. Những Altik Haus (Old house), Altbier (Old beer), Altstadt (Old town), những cụm từ có chữ Alt đi trước đều chỉ lên một sự hãnh diện của người Đức về lịch sử, truyền thống, văn hóa lâu đời của họ.
Düsseldorfer Altstadt là một trong 49 quận của Duesseldorf thuộc City District 1. Được gọi là “längste Theke der Welt” ( the longest bar of the world), bởi vì chỉ riêng nơi đây đã có đến hơn 300 quán bar và vũ trường discothèque, tuy diện tích khu vực này không lớn hơn nửa cây số vuông. K nói rằng anh thích sống tại Duesseldorf chỉ vì … bia. Nơi đây là trung tâm của một trong những vùng bia có tiếng nhất của nước Đức. Nổi tiếng nhất là “Altbier” (old beer), loại “bia cổ” được ủ từ nguyên liệu truyền thống lâu đời rất hiếm hoi mà nay chỉ còn sót lại ở một vài nơi trên thế giới từ cuối thế kỷ 19.
Quán rượu thế kỷ 18 – Photo: NDT
Trong khi K lái xe, tôi ngồi bên cạnh tha hồ thưởng thức cảnh bên đường. Tuyết lại bắt đầu rơi. Những bông tuyết tạt vào kính xe bỗng làm tôi chợt nhận ra vì sao người ta thường vẽ bông tuyết hình sáu cánh trên những tấm thiệp hay những chủ đề về Giáng sinh. Đang suy nghĩ miên man, bất chợt K dừng xe lại bên đường. Có một nông trại đằng kia, con đường vào khá xa. Cánh đồng mênh mông nằm phía ngoài, không biết người ta làm gì với nó, nhưng nay chỉ có đàn ngựa đang nhẩn nha ăn cỏ tuyết. Hình ảnh thật đẹp giống như hình ảnh trong phim. K bảo tôi ra xe và chụp hình khung cảnh đó. Lại đi ngang qua một cánh đồng lớn, không có gì ngoài tuyết. K lại dừng xe, kéo tôi ra, rồi bốc một nắm tuyết bảo tôi chọi. Anh nói “Đến xứ tuyết mà không vọc tuyết là chưa thưởng thức hết được hương vị của tuyết”. Rõ ràng đấy cũng là cách hướng dẫn du lịch của người .. bận rộn, làm tôi hơi chóng mặt phải chạy theo cho kịp tốc độ, dù tôi cũng thầm cảm ơn người hướng dẫn quá nhiệt tình và tận tâm này!
Trên cánh đồng tuyết – Photo: NDT
Rời hội chợ khi hết giờ, K dẫn tôi đi uống bia Cologne nổi tiếng ở một quán bia cổ. Nói là đi uống bia chứ tôi chỉ nhấp một chút vì không quen, sợ say, cho dù K thuyết phục bia Đức rất ngon. Buổi tối anh mời một nhóm người thuộc một công ty Trung quốc đang dự hội chợ cùng các nhân viên kinh doanh ở gian hàng đi ăn tối. Đó là một nhà hàng dưới hầm, tường lát gạch cũ, kiểu cổ điển, khá đông khách.
Trong lúc chờ đợi, K lại “tranh thủ” cho tôi đi thăm thánh đường Cologne, một kiệt tác nổi bật nhất của Cologne, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1996, thu hút hàng ngày khoảng 20.000 du khách tham quan, kể cả những đoàn người đi hành hương.
Thánh đường Cologne, tên chính thức là nhà thờ thánh Peter và Đức mẹ Maria, được bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1248, việc thi công dang dở suốt thời Trung cổ, đến năm 1880 mới hoàn thành. Đây là một trong những nhà thờ Công giáo La mã, một trong những nhà thờ cao thứ ba của thế giới và là công trình xây dựng tổng hợp giữa kiến trúc, hội họa và điêu khắc, phối hợp hài hòa với trang trí theo phong cách Gothic thời trung cổ có một không hai. Diện tích khổng lồ trên 2.000 m vuông và chiều cao tổng thể là 157.40 m.
Ngay từ cổng vào là bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cùng các tượng thánh chạm khắc tuyệt đẹp. Bên trong nhà thờ, bốn bức tường được trang trí bằng các bức bích họa mô tả cảnh trong Kinh thánh, trong đó có bức mô tả thánh Peter và đức mẹ Maria. Các cửa sổ đều được lắp kính đổi màu lộng lẫy, có nhiều chi tiết trang trí được dát vàng rất đẹp. Nhà thờ trưng bày nhiều bảo vật, trong đó có cỗ quan tài bằng đá mạ vàng rất đẹp, tương truyền có thánh cốt của ba vị vua thánh trong sách Phúc âm có niên đại 2.000 năm.
Rời nhà thờ lớn Cologne, tôi cảm thấy choáng váng vì những gì được nhìn thấy. Không khí trang nghiêm, những ô cửa gắn kính màu rực rỡ, các bức tượng chạm khắc thâm trầm sắc sảo, nét đẹp cổ kính có một không hai nơi đây đã thu hút du khách rất nhiều. Có một câu nói từ thời cổ La Mã đã cho thấy vị trí và vai trò quan trọng của Cologne đối với nước Đức: “Chưa đến Cologne, nghĩa là anh chưa đến nước Đức”!
Khu vườn phủ đầy tuyết – Photo: NDT
Suốt ngày hôm sau, K bận đi Cologne cho ngày cuối kỳ hội chợ. Trước khi đi anh chở tôi ghé qua thăm ngôi nhà anh đang sống. Có tài trợ cho một trường tiểu học trong khu vực, tên anh được đặt cho một con đường nhỏ gần nhà. Khác với tưởng tượng của tôi là ngôi nhà anh ở hẳn có cổng vào to lớn có hàng rào bít bùng, che cái sân rộng như các biệt thự thường thấy, nhưng dường như không phải. Xuống xe trong garage, tôi đi theo anh vào cửa sau lên một cầu thang nhỏ, loanh quanh một chút mới vào đến phòng khách.
Một góc nhỏ ở cầu thang với bức tranh nguyên tác Picasso – Photo: NDT
Căn phòng đầy sách và tranh ảnh giá trị. Một bức tranh tĩnh vật cổ điển treo giữa phòng, K giải thích đó là một bức tranh nguyên tác rất đắt tiền. Tủ kính trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật mỗi khi anh đi đến một nước nào đó. Một góc ở cầu thang lại là một bức nguyên tác của Picasso. Mở cửa một căn phòng lớn, là hồ bơi trong nhà. Đến phòng thư giãn. Nhà bếp mà K thường tự nấu ăn lấy. Cuối cùng là khu vườn tuyệt đẹp phủ đầy tuyết trắng.
Phòng khách đầy sách và các bộ sưu tập – Photo: NDT
Rời ngôi nhà, K “giao” tôi lại cho Adelina, cô nhân viên cửa hàng. Cô nàng này thực hiện rất nghiêm túc công việc, là buối sáng làm việc với tôi một chút ở cửa hàng, trưa đi ăn cơm Tây ban Nha, chiều rủ tôi đi đến bệnh viện phụ sản thăm một người bạn vừa sinh con đầu lòng – việc này cô cũng đã phải báo cáo rõ ràng với xếp K và ông xếp này cũng chu đáo đến mức đã mua sẵn một món quà nhỏ cho tôi để tặng mẹ con người sản phụ theo truyền thống.
Càng về chiều, tuyết càng rơi dày. Khi đến nơi trời đã tối. Chúng tôi vượt qua một cái sân rất lớn, để vào bệnh viện. Sân lớn đến nỗi tôi đã nghĩ rằng đó không phải là cái sân mà là một cánh đồng. Hay bởi vì trời lạnh quá làm đôi chân tôi buốt cóng, bước chân trở nên nặng trĩu trên tuyết không đi nổi, đường càng xa! Tôi có cảm giác như mình đang vượt qua những cánh đồng tuyết trong những bộ phim nước Nga thập niên 80. Điểm khác biệt giữa bệnh viện phụ sản ở đây và Việt Nam là từ phòng chờ vào đã thấy vắng tanh người, chứng tỏ vấn đề sinh sản của người Đức khá hạn chế và tôi cũng đã nghe chuyện chính phủ Đức phải khích lệ tăng dân số bằng cách tặng thưởng cho những phụ nữ chịu sinh con! Ngược lại, dù hiện nay Việt Nam luôn khuyến khích “mỗi gia đình chỉ nên có 1 – 2 con” nhưng nếu bạn vào thăm các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam sẽ thấy lúc nào cũng tấp nập. Nhưng dù khác biệt thế nào, ở đâu thì tiếng khóc oe oe chào đời của các bé sơ sinh cũng là cùng một âm điệu!
Khi trở về, những chiếc xe hơi đỗ bên ngoài sân đã phủ kín tuyết. Adelina phải cào tuyết một lúc mới mở được cửa xe. Thấy ái ngại cho Adelina phải lái xe đi trong đêm tối, đường xa và tuyết rơi dày đặc, tôi nói rằng cô hãy về đi còn tôi có thể đi bằng taxi, nhưng Adelina không chịu: “Tôi đã hứa với xếp K là đưa cô về tận khách sạn mà!” Đến nơi, Adelina còn cẩn thận nhìn theo cho đến khi tôi bước hẳn vào cửa khách sạn mới quay xe trở về.
Theo lịch trình là từ Frankfurt tôi sẽ lên máy bay về ViệtNam 2 ngày sau. Sáng hôm sau K đến sớm. Anh dự định lái xe đưa tôi đi Frankfurt nhưng thông tin giao thông từ radio đã báo từ sớm là nhiều con đường cao tốc đến Frankfurt đã bị nghẽn đường vì tuyết. K đưa tôi ra sân ga Duesseldorf và tôi sẽ đi bằng tàu cao tốc ICE như lúc đến. Anh lại cẩn thận kiểm tra vé tàu cho tôi, giờ đi giờ đến, cửa ra v.v. Anh gọi điện thoại cho bạn tôi ở Frankfurt, dặn đi dặn lại là tàu sẽ đến vào lúc 4 g chiều, còn tôi sẽ ra từ cửa số 8. Có lẽ vì sợ tôi đi lạc.
Con đường ngập tuyết trắng – Photo: NDT
Cuộc chia tay nào cũng có ít nhiều nỗi buồn. Nhất là sau những ngày lưu tại vùng Rhur tuy ngắn ngủi nhưng sự nhiệt tình và chu đáo của K làm cho tôi rất cảm động. Anh tặng tôi một cái broche cài áo hình thiên thần có cánh kèm theo tấm thiệp với dòng chữ “A guardian angel to watch over you and keep your spirits high. Wear this as a symbol of our friendship!”
Tiếng còi tàu vang lên. K đứng dưới đường vẫy tay. Khi tàu chuyển bánh, anh chạy theo một quãng, rồi bóng K xa dần, thành phố Duesseldorf xa dần. Bây giờ tất cả đã trở thành “ngày hôm qua”. Hiện tại là Frankfurt vừa cổ kính vừa hiện đại. Hai vợ chồng bạn tôi đón ở sân ga, chúng tôi đi dạo phố một lúc rồi mới lên xe buýt về nhà. Bạn ở trong một ngôi làng nhỏ cách ga xe lửa không xa lắm. Đứng trên ngọn đồi nhìn xuống ngôi làng dưới thung lũng, những ngôi nhà nhỏ mái đỏ nhấp nhô thật xinh đẹp như trong một bức tranh. Tôi lại nhớ đến chú bé Rémi trong tác phẩm “Vô gia đình” của Hector Malot khi mỗi chiều đi chăn bò về, từ trên đồi cao xa xa chú đã ngửi được mùi bánh nướng thơm phức lan tỏa từ căn bếp nhỏ nơi có người mẹ nuôi thân yêu đang lo bữa cơm chiều và hạnh phúc bé nhỏ đang chờ chú ở đó.
Ngôi làng nhỏ ở Frankfurt – Photo: NDT
Chỉ cách Duesseldorf mấy tiếng đồng hồ đi tàu nhưng dường như Frankfurt ấm hơn. Tuyết đã tan dần. Trong sân nhà bạn tôi chỉ còn vương vãi chút tuyết cuối mùa như những hạt bụi trắng rắc nhẹ trên thềm. Ngoài song cửa, một chú chim sẻ nâu khẽ khàng đáp xuống, mỏ ngậm một chiếc lá khô. Chú loay hoay một lúc như thể không biết phải xử lý như thế nào với chiếc lá to quá khổ so với cái mỏ nhỏ xíu của chú. Cuối cùng chú đành tiếc nuối để chiếc lá rơi đi. Chiếc lá nhẹ nhàng đáp xuống đất, thật nhẹ, khẽ rung rinh một lúc rồi nằm yên ngoan ngoãn trên mặt đất.
Chú sẻ nâu vỗ cánh, cúi nhìn chiếc lá một lúc rồi bay vút lên cành cây cao. Ngày mai lúc mặt trời mọc, tôi cũng sẽ bay về nhà, lại được tận hưởng sự ấm áp trong căn bếp gia đình ngập mùi bánh nướng như chú bé Rémi, và cũng sẽ nhớ rất nhiều đến những ngày tuyết tan ở châu Âu xa xôi.
NGUYỄN DiỆU TÂM
Chị Diệu Tâm thân mến!
Thật tuyệt vời khi được theo chân chị suốt lộ trình của lãng mạn và cổ điển 🙂 . Cảm ơn chị đã lưu lại “ngày hôm qua” bằng những hình ảnh đẹp, tên đất, tên người và những cảm nhận tài hoa.
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Cảm ơn Vân đã cùng chị “đi” suốt lộ trình. Vân thấy không, làm sao mà không ngạc nhiên cho được khi vùng Rhur ở Đức rất nổi tiếng về công nghiệp hiện đại, nhưng người ta vẫn rất gìn giữ, yêu quý và hãnh diện về những gì thuộc về cổ xưa dù chiến tranh thế giới thứ II đã tàn phá tan nát những thành phố này. Đi nhiều, chị cứ hay “trông người lại ngẫm đến ta”…
GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM
Tâm ơi! Bài viết rất công phu nhưng lại
tràn trề chất nghệ sĩ.Cô gái Huế rât nổi
giữa Châu Âu mùa Tuyết tan.Cảm ơn em đã
cho anh lãng du qua Đức bằng ngòi bút tài hoa của nhà văn+nhà thơ+họa sĩ hí.Vui nhé Tâm
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Cảm ơn anh Lữ đã “đồng hành” trong chuyến đi này dù T chỉ có thể nói lên được một góc nhỏ nào đó của xứ người qua cảm nhận của chính mình. Thân chúc anh luôn khỏe và mãi là nhà thơ tình No 01 của trang nhà 😉
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Thật tuyệt vời! Diệu Tâm đã dẫn mình đi du lịch Châu Âu thiệt đã! Lại có cả tranh minh họa với tuyết phú. Đẹp quá!
Một bài viết thật là công phu! Cám ơn Tâm nhiều!
ĐO.
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Đông Oanh ơi, mình rất vui khi đi xa có các bạn cùng “đi” theo. Nếu các bạn cũng hứng thú với những chuyến đi như thế này, từ từ mình sẽ “rủ ren” nữa nghen! Vì đi một mình, nhiều khi cũng buồn và nhớ nhà lắm đó 🙁 Cảm ơn Oanh đã đọc và chia xẻ. Rất mến, DT
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Người vẫy tay dưới sân ga còn người ngồi trên tàu thì…sao cắt mất khúc film hay nhất dậy hả 😆
Frankfurt là nơi của H&S ở phải không Tâm? ngôi làng nhỏ trông dễ thương vậy mà sao hắn cứ than buồn thiu hoài dậy?
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
À Hà xưa này thiệt là .., nhớ kể cho Hà nghe rồi mờ! Thì người ta đứng dưới vẫy tay, còn người trên tàu chưa kịp ổn định chỗ ngồi đã thấy ảnh nhảy lên .. vì quên chưa chào tạm biệt 😳
Frankfurt là một thành phố lớn của bang Hessen, lớn thứ 5 của nước Đức sau Berlin, Hamburg, Munich (München) và Cologne (Köln). Mình phải ghé đây vì vé máy bay khứ hồi là từ Frankfurt-Singapore-SGN. Nơi của H & S là một ngôi làng nhỏ cách xa thành phố Frankfurt( mình không biết cách bao nhiêu km nhưng đi xe bus ra cũng không quá lâu ), dễ thương lắm nhưng buồn vì làng thì vắng vẻ, vậy mới đẹp! Buổi chiều đi dạo cùng 2 vợ chồng H&S quanh làng thấy nhiều thứ cũng hay lắm, cảnh rất thơ mộng. Cũng có thể vì mình lâu lâu mới đi, còn người ở mãi một nơi thì thấy hoài, đâm ra quen mắt mà thôi, không thấy đẹp nữa!
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Bài viê’t thâ.t công phu và hình ảnh thâ.t đẹp, như tranh vâ.y. Cám ơn Diê.u Tâm.
nd
RE: RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Cảm ơn Ngọc Dung đã đọc. Đôi khi mình phải tự tìm lấy sự lãng mạn trong .. business để còn có cảm hứng tiếp tục, chứ không thì công việc nào cũng phải chịu áp lực và có sự mệt mỏi của nó, phải không Dung?
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Chị Diệu Tâm ơi, đọc bài viết của chị muốn hụt hơi luôn chứ không mỏi chân như chị…:-) Những thành phố bên Âu Châu nơi nào cũng mang những nét cổ kính chị nhỉ? Phải chăng họ biết giữ gìn hay sự tiện nghi lúc nào cũng phải đồng hành với nghệ thuật? Tiến thích nhất là những con phố lát gạch…nó cho mình cảm nhận một chậm rãi trong suy tư và hành động, cái sang trọng dù nghèo khó…Cách đây 26 năm Tiến cũng có dịp đến vài thành phố như Berlin và Duesseldorf…Cái làm Tiến ngạc nhiên ở thành phố Berlin là buổi tối sau 6 giờ chiều shopping đóng cửa, chỉ có những nơi giải trí mới mở cửa…Thế mà thành phố như sống về đêm…đông đúc nhộn nhịp ghê lắm…Khác với thành phố Tiến ở, im lìm…Hy vọng khi nào có dịp, Tiến cũng muốn đến một vài thành phố đáng yêu này…Bài viết thật công phu, đúng như chị Dung đã nói. Cảm ơn tấm lòng chia sẻ của chị ở đây. KT
RE: Châu Âu Mùa Tuyết Tan Phần II: Lộ trình của Lãng mạn và Cổ điển
Tiến ơi, sao lại “hụt hơi”, vì chạy theo mệt quá hả 😛 . Thôi để lần sau có đi đâu thì mình đi .. từ từ vậy nghen. Đó là chưa nhắc đến những lễ hội bia October Fest và đặc biệt là .. xúc xích Đức đó 🙂
Mình luôn yêu thích và ngưỡng mộ vẻ đẹp cổ kính, nhất là mỹ thuật của châu Âu. Càng đi sâu vào tìm hiểu, càng thấy mình bị chìm ngập bởi nền văn hóa, lịch sử đồ sộ của họ.. Sáng nay lướt qua TV thấy đang nói về Florence – Tuscany quá hấp dẫn!