Viết chơi theo Bùi Giáng
Trong truyện Kiều, mỗi nhân vật đều thể hiện lên được một cá tính riêng biệt của một hạng người trên cõi trần nầy. Những kẻ ấy làm thành một tiểu xã hội khá đầy đủ kẻ thiện người ác. Giữa số tu mi của nhóm nhân vật kia, Thúc sinh là kẻ hiền từ nhất đến nỗi ngày nay chàng được điển hình cho những ai sợ vợ.
Thúc sinh học hành chẳng bao lăm, không hân hạnh như Kim Trọng với “nền phú hậu bậc tài danh, văn chương nết đất thông minh tính trời”, nhưng cũng tạm đủ để gọi là “nòi thư hương”. Dang dở trong việc đèn sách, chàng theo cha mở cửa hàng mua bán ở Lâm Truy. Như Kim Trọng, Thúc sinh cũng chuộng tài mộ đẹp và đa tình nữa. Trong buổi gặp gỡ Thúy Kiều đầu tiên ở xóm bình khang, có lẽ trước đó chàng chẳng bao giờ có ý nghĩ – và chắc không dám nghĩ đến cũng nên – rằng cô gái lầu xanh ấy sẽ là vợ mình. Nhưng khi diện kiến với “làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” kia thì “trước còn trăng gió, sau ra đá vàng” .
Tuy là con nhà buôn bán, nơi thường “sản xuất” ra những hạng keo kiết, xem đồng tiền quý trọng hơn danh giá con người, Thúc sinh trái lại là một kẻ hào phóng, xài tiền như nước vì đã quen thói “bốc rời” dám đem “trăm nghìn đổ một trận cười như không !” Con nhà buôn nhưng không có tư tưởng buôn để đến nỗi hẹp hòi. Đó là một đức tính đáng mến, đáng yêu. Hời hợt với tiền mà tha thiết với tình, song không phải đứng trước tấm thân ngà ngọc “làm cho đổ quán xiêu đình” của Thúy Kiều mà Thúc sinh chẳng còn biết suy tính điều hơn lẽ thiệt. Rước một cô gái giang hồ về làm vợ đâu phải là chuyện “thế gian thường tình” ? Chàng rất bình tĩnh để hỏi ngọn nguồn gốc gác đời nàng. Nói như thế chúng ta chớ vội cho là chàng chẳng thật tình yêu nàng ! Không ! Chàng yêu nàng đấy chứ ! Nhưng chàng vẫn hỏi lúc có ý định kết tóc xe tơ cùng nàng. Điều đó rất dễ hiểu. Khi yêu một cô gái, ta không thấy gì trắc trở, ta có thể yêu say mê, yêu đắm đuối, yêu một cách thành thực mà ta chẳng bao giờ vấn vương đến một điều hơn lẽ thiệt, nàng là một thiếu nữ hoàn toàn, đẹp tất cả đối với tâm hồn ta, và ta chỉ còn biết yêu nàng, nàng yêu ta. Còn gì sung sướng bằng ? Nhưng một hôm kia, khi ta có ý định lấy nàng làm vợ thì nàng trở nên là một đối tượng để cho ta đặt ra bao nhiêu câu hỏi. Nàng là một trinh nữ mà ta còn nghi hoặc huống gì là Thúy Kiều, con người “phượng chạ loan chung” ấy ? Tâm hồn con người rất phức tạp, gần như lộn xộn, nhưng trong cái phức tạp lộn xộn đó vẫn có cái trật tự của nó. Thế thì ta chớ nên có ý nghĩ xấu đối với Thúc sinh. Hơn nữa biết bao hành động tỏ ra chàng đã yêu nàng thành thật ? Sau khi Thúy Kiều đưa ra những câu hỏi có ý ngờ vực mối tình của Thúc sinh, hay đúng hơn, sự bảo vệ che chở của chàng đối với đời nàng, Thúc sinh đã thốt ra bao lời tha thiết nhưng qủa quyết làm sao !
Sinh rằng ” Hay nói đè chừng,
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao ?
Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Đã gần chi có điều xa,
Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều !”
Nhưng không phải nói để mà nói, nói lấy lệ như nước đổ lá môn, chàng nói là thực hành ngay.
Trước hết Thúc sinh tìm phương kế phỉnh gạt Tú bà để đưa nàng ra khỏi chốn lầu xanh – mà phỉnh gạt được một kẻ môi giới hoa nguyệt đâu phải là chuyện dễ ? – Con người hiền từ hời hợt với đồng tiền kia, ấy thế mà chu tất ! Mượn cớ sáng trăng chàng dẫn nàng đi hóng mát rồi giấu vào một nơi. Sau đó chàng trở lại thanh lâu trả tiền và dỗ dành Tú bà; nếu mụ không chịu, chàng sẽ thưa kiện vì mụ đã “mãi lương vi xướng” ( mua con nhà lương thiện để làm con hát ). Thế là mụ ta phải chịu cầu hòa để cho chàng “hoàn lương một thiếp”. Phúc đức làm sao anh chàng Thúc ấy ! Chàng đâu phải chỉ là một kẻ “miệt mài trong cuộc truy hoan” rồi khi nàng đã “lạt phấn phai hương” lại ra đi không một lời thương tiếc ? Chàng khác người ở chỗ đó và cũng đáng khen ở chỗ đó ! Sau nầy hành động của chàng một lần nữa chứng tỏ mối thiện tình của chàng ! Bên lòng ” đắm nguyệt say hoa” , chàng còn có một tình thương bao la của con người. Nửa năm chung sống lén lút nhưng êm ấm bên người yêu với biết bao tình mặn nồng, dông tố đã giáng bủa lên tổ uyên ương Thúc – Kiều. Cuộc đời vẫn thường là một con đường gồ ghề nhưng lý thú. Ngày cha chàng hay biết mối tình dan díu kia là một ngày đen tối biết bao :
Phong lôi nổi trận bời bời,
Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia !
Oan nghiệt làm sao ! Đau đớn làm sao ! “Chưa vui sum họp đã sầu chia ly”. Chắc ta nghĩ rằng trước đôi mắt xoi bói ngầu đỏ và nghiêm khắc của người cha, Thúc sinh chỉ biết cúi đầu vâng chịu. Không, chàng đã trả lời một cách cảm động :
Rằng : ” Con biết tội đã nhiều,
Dẫu rằng sấm sét, búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi, còn biết khôn làm sao đây !
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi !”
Chàng có thể hy sinh tánh mạng mình nếu mối tình dang dở. Nhưng chàng đã cãi lời cha, là bất hiếu phải không ? Chúng ta chớ nên thiển cận để vội kết án chàng như thế mà tội nghiệp. Lý, lẽ dĩ nhiên là bao giờ cũng hơn tình; nhưng tình là cái mối để cho con người tìm về nhau, thông cảm nhau và tạo nên cái xã hội loài người ! Trong trường hợp Thúy Kiều – Thúc sinh ở đây, ta chỉ có thể lấy tình mới giải thích được; tình đó không phải là ái tình mà là tình thương của con người. Nghe lời cha, Thúc sinh đoạn tuyệt Thúy Kiều, chuyện ấy quá dễ, ai làm lại không được ? Nàng chỉ là một cô gái ăn sương kia mà ? Nhưng lương tâm của chàng, tình thương bao quát của con người, thêm vào đó một tình yêu mặn nồng, không cho phép chàng nỡ cắt đứt mối tình chớm hé kia ! Nàng làm gì nên tội để cho chàng phải phụ phàng nàng thế ? Tuy nhiên trước những lời “sắt đá tri tri” mà tha thiết đó của Thúc Sinh, cha chàng cũng “động lòng bi thương”. Giãi bày điều hơn lẽ thiệt – theo ý ông – với con không được, ông lại đi cáo quỳ cửa công. Nhưng dù đi đến đâu, một con người mà chỉ biết đối xử bằng tình thương, đặt tình cảm lên trên lý trí, thì lúc nào cũng giữ lấy một lòng sắt son không dời đổi. Chàng nhận tất cả tội trạng về mình. Mà thật vậy, Thúy Kiều là một kẻ vô tội; trước khi chàng gắn bó với nàng, nàng cũng đã tỏ bày hơn thiệt và không quên nhận mình là một cô gái lầu xanh. Thế mà giờ đây, khi không nàng lại chịu phải oan hình. Lương tâm cắn rứt, Thúc sinh đã khóc nên tiếng, khóc cho giãi hết đoạn trường.
Khóc rằng : ” Oan khốc vì ta,
Có nghe lời trước, chớ đà lụy sau.
Cạn lòng, chẳng biết nghĩ sâu,
Để ai trăng tủi, hoa sầu vì ai ?”
Tiếng khóc mới thống thiết xiết bao ! Ai nghe mà chẳng động lòng thương cảm cho thói đời trớ trêu, đến nỗi những kẻ “mặt sắt đen sì” luôn luôn chỉ biết có luật lệ, cũng không nỡ chia lìa mối tình của đôi son trẻ ấy để cho Thúc-Kiều đoàn tụ như xưa. Đã thế họ còn nhắn nhủ người cha :
” Dâu con trong đạo gia đình,
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong !”
Vậy thì còn gì hạnh phúc bằng ! Trên đời này kẻ sung sướng nhất có lẽ là kẻ được chung sống với người yêu ! Nhưng cuộc đời không thế, đời là một cái gì khó hiểu và khó tính, ngày mai mù mịt ai mà hiểu được , ai mà tính toán được với con người phàm tục của chúng ta ? Nhưng ta không nên trách đời làm gì, oán đời mà chi. Sự oái oăm của cuộc đời là bước tiến của chúng ta, vì :
Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai ?
( Phan Bội Châu ).
Nói như thế để cho ta thấy rằng trên đường đời, Thúc sinh còn gặp nhiều chông gai gian khổ, dù là nỗi gian khổ tinh thần. Thúy Kiều, kẻ tài sắc ấy, là một người rất biết ăn ở, đối xử với sự tình. Sống trong hạnh phúc, trong yêu đương, nàng cũng không bao giờ quên rằng mình là vợ lẽ của người ta. Cái hạnh phúc đó mong manh quá, nhất là khi chàng và nàng vẫn lén lút sống bên nhau mà không cho người vợ chính hay. Bởi vậy Thúy Kiều đã khuyên Thúc sinh nên trở về nói tất cả sự thật cho Hoạn thư, người vợ cả của chàng, biết. Trước lời lẽ thông suốt, chí lý của nàng, chàng đã nghe theo và lên đường trở về quê quán. Song đến nơi, thấy cảnh ấm cúng của gia đình mình, chàng lại :
Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng ?
Tâm lý con người vẫn thường vậy, trước một cảnh êm ấm mà mình là người trong cuộc thì còn ai dám xáo trộn lên cho mất hết vẻ mỹ quan ? Tuy thế, Thúc sinh đâu có ngờ, sự dan díu của chàng, Hoạn thư đã biết hết cả rồi, và cái cảnh “lời tan hợp, nỗi hàn huyên; chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng” kia chỉ là một mưu thâm độc của bà nhà thôi ! Con người ấy một khi đã ghen thì phải biết ! Cho hay cái giống đàn bà thật là đáng sợ : hiền từ dịu dàng nhất mà cũng thô bỉ hiểm độc nhất ! Hoạn thư đã khuyên chàng đi đường bộ trở lại lo lắng cho “thần hôn” rồi sau đó nàng về bên cha mẹ sai bọn Khuyển Ưng đi đường thủy cho mau tới Lâm Truy để bắt Thúy Kiều về cho nàng trước khi Thúc sinh đến. Như cờ mở nước, chàng hân hoan trở lại với người yêu cùng biết bao xôn xao của lòng mình. Nhưng than ôi ! Khi đặt chân đến nơi thì nhà đã cháy và người yêu cũng đã tử nạn ( Bọn Khuyển Ưng trước khi tẩm thuốc mê bắt Thúy Kiều đem đi, chúng đã đốt nhà nàng và không quên để vào lửa một thây người chết mà chúng bắt gặp trong lúc đi đường ).
Như dạo nào Kim Trọng trở về Lãm thúy hiên, Thúc sinh lần nầy cũng vậy, chàng đã khóc than thảm thiết, chứng tỏ lòng nhớ thương và yêu đương vô vàn của chàng đối với Thúy Kiều :
Gieo mình, vật vã, khóc than :
” Con người thế ấy, thác oan thế này !
Chắc rằng mai trúc lại vầy,
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau !
Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,
Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây”.
Từ khi gặp gỡ nàng cho đến phút nầy, ta thấy chàng đã thương yêu nàng một cách thành thật xiết bao ! Chàng đã xông xáo cứu nàng ra khỏi thanh lâu, dám cãi lời cha để cho mối tình trọn vẹn, rồi lại tỏ bày lẽ thiệt hơn trước pháp luật cho nàng khỏi mắc oan. Chàng đáng mến làm sao và cương trực làm sao ! Nhưng từ đây về sau, những hành động của chàng có còn làm cho ta cảm mến nữa không ? Thật là khó mà biện hộ cho chàng ! Con người có vẻ mưu trí đó không ngờ lại sợ vợ đến nỗi đã đem tang mẹ ra chống chế khi chàng sụt sùi trước mặt Thúy Kiều bấy giờ đương là kẻ a hoàn trong nhà chàng và bị Hoạn thư bắt gặp gạn hỏi. Từ đây ta không còn nghe giọng nói hùng hồn của chàng ngày nào chàng mới kết nghĩa đá vàng cùng nàng : “đường xa chớ ngại Ngô, Lào, trăm điều hãy cứ trông vào một ta” , trái lại chàng chỉ biết khóc và khóc, và khóc thầm, khóc lén. Thấy Hoạn thư sai Kiều ra hầu rượu cho mình, chàng cũng “giọt dài giọt ngắn”, Kiều đánh đàn, chàng cũng “gạt thầm giọt sương”. Thúc sinh chẳng nói lên được một lời nào cả. Rồi khi Hoạn thư cho Kiều đến tu ở Quan âm các, chàng lẻn ra để “sụt sùi giở nỗi đoạn trường, giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh”;và sau đó chỉ biết khuyên nàng :
Liệu mà xa chạy cao bay,
Ai ân ta có ngần nầy mà thôi !
Trong “Việt Nam Thi Văn Giảng Luận”, Hà Như Chi đã phê bình chàng : “Thúc sinh có thương Kiều nhưng hành vi cử chỉ của chàng chỉ cho ta nhận thấy ở chàng một kẻ mê gái tầm thường, đến lúc không có cách gì gần người đẹp nữa thì chỉ còn biết ” nuốt nước bọt ” trông theo mà không làm gì hơn nữa”.
Nhà thơ Vũ Hân trong cuốn “Đoạn Trường Tân Thanh Khái Luận” lại kết án chàng với những lời lẽ chua cay hơn : “Cho đến khi Hoạn thư hành hạ Kiều trước mặt, bắt chàng tự tay hành hạ Kiều nữa, mà chàng vẫn câm miệng , cũng như khi chàng khuyên Kiều nên đi trốn, thì thật rõ chàng là đứa hèn nhát vô tình. Chàng ham mê sắc đẹp chứ không bao giờ thực tình yêu Thúy Kiều”. Và Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên” tập II cũng đồng một quan điểm với hai người trên, ông đã cho Thúc sinh là “một người trai tầm thường, vô tư cách”.
Với những lời phê bình khắc nghiệt của ba nhà văn học ấy, ta nghĩ thế nào ? Thúc sinh là một con người hèn nhát thật chăng ?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, ta nên đặt một câu hỏi khác : Nguyễn Du đã vô tình hay hữu ý cấu tạo nên một nhân vật Thúc sinh vừa cương nghị vừa nhu nhược ? Với thiên tài vô tiền khoáng hậu của Tố Như, ta phải mạnh dạn mà bảo rằng không; nghĩa là tiên sinh đã hữu ý và trình bày ra một Thúc sinh như thế : nhân vật đó là một con người thật với tất cả bản chất tương phản của nó : Thúc sinh yêu Kiều mà sợ vợ, cũng như Từ Hải, một tay anh hùng chọc trời khuấy nước lại lụy vì tình để đến nỗi chết đứng nơi trận tiền … Thế thì hành động của Thúc sinh trong trường hợp nầy có đáng trách không ? Không, chàng không đáng trách gì cả, và sự “hèn nhát” của chàng phải nói là khôn ngoan nữa : Chàng đã hy sinh tình riêng để cho cửa nhà êm ấm. Nếu chàng cứ la mắng Hoạn thư để bênh vực Thúy Kiều thì việc đó có gì là khó khăn ? Nhưng không, chàng không muốn lời qua tiếng lại, làm ầm ĩ một nhà để cho làng xóm chê cười; “gặp thời thế, thế thời phải thế” , chàng chỉ biết kiên nhẫn chịu đựng, mặc cho lòng mình nuốt tủi ngậm hờn … Chính Kiều cũng biết đã đến lúc không còn cứu vãn gì được nữa, mới thốt nên câu :
Liệu bài mở cửa cho ra
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu !
Vả lại, dù Thúc sinh quyết tâm bênh vực Kiều thì mối tình giữa chàng và nàng giờ đây cũng không còn tốt đẹp nguyên vẹn như hôm nào nữa, và hạnh phúc của gia đình chàng cũng không mấy chốc mà đổ vỡ theo ! Chính vì thông cảm nỗi niềm sâu xa đó mà sau nầy Thúy Kiều đã không quên báo đáp ơn nghĩaThúc sinh và chẳng nỡ hành hạ Hoạn thư.
Rốt cuộc, Thúc sinh là một con người rất gần gũi chúng ta; chàng có những đức tính đáng mến, và cũng có những điểm yếu hèn để không đến nỗi xa cách chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy nên tế nhị mà công bằng đối với chàng hơn.
TRẦN VĂN DẬT
RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 2 : Thúc Sinh
Đúng như thầy nói “TS là con người rất gần gũi chúng ta” là một nguoi đàn ông đã yêu thương và là chỗ dựa cho TK, rồi có lúc bỗng thành một anh chàng cụp đuôi sợ vợ. Ghen kiểu HT thì ai không sợ chứ!
Nên cũng phải thông cảm cho TS và phục Nguyễn Du, sao ông lại có thể hiểu thấu tâm trạng của nhân vật đến như vậy?
RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 2 : Thúc Sinh
Bài viết về nhân vật Thúc Sinh được thầy phân tích quá hay. Em có cảm tưởng như mình đang ngồi trong lớp học ngày nào, nhưng nay trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời hình như nghe bài thấy thấm thía hơn rất nhiều Thầy ạ. Em thấy vừa thông cảm cho Thúc Sinh, vừa cho .. Hoạn Thư “Ớt nào mà ớt chẳng cay”. Chỉ tội cho Kiều số phần long đong quá. Dù cách xa mấy thế kỷ, nhưng nghĩ đời nay cũng vậy thôi, không khác biệt là mấy cho phận người.
Cảm ơn Thầy rất nhiều đã bỏ công giảng thật chi tiết, thấu đáo như thế. Có những đề tài nói nhiều sẽ đâm ra chán nhưng dường như em chưa bao giờ chán nghe giảng Kiều, đặc biệt với những kiến thức sâu sắc mà Thầy đã truyền đạt đến cho chúng em.
Qua bài viết này, em thấy chàng Thúc Sinh đáng tha thứ lắm thầy ơi, ít ra chàng cũng đã cứu vớt Thúy Kiều ra khỏi chốn lầu xanh!
RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 2
Thầy kính mến,em được đọc bài phân tích người tình thứ hai của Thúy Kiều này rất súc tích, đầy thú vị.Dân số ngày càng gia tăng là nhờ trái tim tình si ấy thầy ạ.Nhưng si tình như chàng Thúc là hữu ý của Tiên sinh,để sau Thúy Kiều còn được hạnh phúc bên Từ Hải và trùng phùng với Kim Trọng.Thúc sinh cũng đã yêu hết mình:
“Đá vàng cũng quyết,phong ba cũng liều”
Nên cách xử sự của Thúc Sinh trọn vẹn đôi bề,mà Nguyễn Du sắp xếp rất hay.
Thầy có nhắc đến nhà thơ,nhà giáo Bùi Giáng dạy Kiều một thời .Thế theo thầy giai thoại về ông khi giảng đến chỗ Kiều bán mình để chuộc cha, ông BG kêu gào khóc than cho số phận người con gái tài hoa bạc mệnh và bỏ dạy luôn ,Sự thật ở cuộc đời đi dạy của ông BG có đúng vậy không.Em cảm ơn thầy rất nhiều.
RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 2 : Thúc Sinh
Bạn Cựu HSNTHQN mến, có thể thầy sẽ trả lời bạn sau về câu hỏi này, nhưng mình cũng có được đọc một số giai thoại về Bùi tiên sinh do ông quá yêu Truyện Kiều.
Nhà văn Cung Tích Biền có kể lại: Vào đầu thập niên 60, có lúc ông đi dạy Việt văn ở một trường Trung học tỉnh lỵ. Một hôm giảng truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, ông khóc oà, khóc nức nở, tức tưởi ngay giữa lớp học, rồi nhảy qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe về Sài Gòn. Học sinh ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lạị Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hỏi lý do, thầy ngậm ngùi nói: “Làm sao mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn!”.
Một giai thoại khác, có lần Bùi Giáng giảng Kiều cho các em học sinh, đến đoạn Từ Hải bị chết đứng giữa trận tiền, cảm thấy uất ức quá không chịu nổi việc một người anh hùng như Từ Hải mà phải bỏ thân nơi chiến trường vì bị mắc lừa. Từ bức xúc thái quá dẫn đến kích động thần kinh nên Bùi Giáng la hét dữ dội. Càng căm tức Hồ Tôn Hiến bao nhiêu thì ông càng la hét bấy nhiêu. Rồi ông khóc tức tưởi, đập bàn đá ghế, gục đầu thổn thức trên bàn giáo viên. Hết hét lại khóc, hết khóc lại hét. Bùi Giáng đã biến tiết dạy của mình thành đám ma của Từ Hải, khiến từ học sinh cho đến ban giám hiệu phải một phen hết hồn. Sau sự cố đó, nhà trường đành phải mời thầy nghỉ dạy.