Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiBiên KhảoNhững Người Tình Của Thúy Kiều - Phần 3...

Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 3 : Từ Hải

Nguồn : Đặc san Mơ Xanh – 12A1 Trường Nữ 1972

Khi bàn luận về truyện Kiều, các nhà phê khảo không thể không đề cập đến Từ Hải bên cạnh những nhân vật khác như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc sinh … Thật thế, cứ đọc những vần thơ hùng tráng với tất cả vẻ rộn ràng của nó, ta cũng nhận chân được phần nào sự quan trọng của nhân vật ấy trong tác phẩm rồi.

Từ Hải người Việt Đông, là một anh hùng xuất chúng đương đầu với nhà Minh. Ở đây chàng không còn là một tên giặc cỏ tầm thường, bỉ ổi như phần đông các truyện Tàu đã diễn tả; trái lại chàng hình dung lẫm liệt oai nghiêm với cốt cách của một bậc trượng phu quán thế. Con người “côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” ấy suốt đời chỉ biết “đội trời, đạp đất”, giang hồ, vùng vẫy đó đây với “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” .

Chàng tự kiêu tự đại như cho rằng trên đời nầy chỉ có một mình chàng ! Những kẻ chọc trời khuấy nước, bao giờ cũng thế; họ biết lượng sức mình và tin cậy vào mình. Tính kiêu hãnh đó không phải chỉ là những tự ái nhỏ mọn của thế nhân thường tình, nhưng là cái nhìn vĩ đại cùng bao mộng ước xa xôi. Trong phút đầu tiên gặp gỡ Thúy Kiều, Từ Hải đã bộc lộ tất cả cái bản ngã ấy bằng một lời nói rất tự nhiên :

Từ rằng : ” Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao ?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi !”

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên là phải ! Nhìn cái vẻ ” râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao ” làm sao nàng không kính phục được :

Thưa rằng : ” Lượng cả bao dong,
Tấn dương được thấy mây rồng có phen”.

Nhận chân được giá trị của mình và thấy rõ con đường mình đi, chàng cho đấy là lời nói chân thành của người tri kỷ đã thông cảm lòng mình. Thế nên chàng nhận lấy cái vinh dự kia một cách tự đắc mà chẳng chút gì e ngại ngập ngừng :

Nghe lời vừa ý, gật đầu,
Cười rằng : “Tri kỷ trước sau mấy người ?
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già !
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung, nghìn tứ, cũng là có nhau !”

Kiêu hãnh đến thế là cùng : “Khen cho con mắt tinh đời; anh hùng đoán giữa trần ai mới già !” Không một chút khiêm nhượng, ngại ngùng, chàng cũng cho mình là anh hùng nốt ! Nhưng nói như thế tỏ ra rằng chàng tự phụ lắm chăng ? Không ! Chàng anh hùng thật ! Anh hùng chẳng những chỉ trong lời nói mà còn trong hành động nữa, chàng không dối mình gì cả.

Giữa phút lửa hương đang nồng nàn, trong ấm ngoài êm dạt dào hạnh phúc, bỗng nghĩ đến sự nghiệp chưa thành, công danh chưa toại, chàng đã dứt áo ra đi như người chinh phu thân yêu của chúng ta dạo nào bên bờ sông Vỵ

Giã nhà, đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vỵ, ào ào gió thu. ( Chinh Phụ Ngâm ).

Từ Hải ở đây cũng thế, chàng oai phong làm sao ! Không phải oai phong trong chiếc nhung bào của quan vũ mà oai phong trong lời nói hùng hồn của đấng nam nhi. Ngôn từ của khách hồng quần ủy mị bi thương bao nhiêu :

Nàng rằng : “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi.”

thì ý chí của trang nam nhi lại dõng mãnh uy nghi bấy nhiêu :

Từ rằng : ” Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình ? “

Từ Hải chớ có phải ai đâu, suốt ngày chỉ biết bo bo ở trong nhà, bên đàn con dại ngây thơ với cái lo khôn cùng của kiếp người tầm thường chỉ vì một miếng cơm manh áo. Cái lo của chàng là cái lo của bậc vĩ nhân ” làm cho rõ mặt phi thường”, là cái lo của một trang dũng tướng trong tay “mười vạn tinh binh” để cho “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”. Hơn nữa, Từ Hải là một con người tự trọng biết giữ lời hứa, nghĩa là không để cho Thúy Kiều, kẻ tâm phúc của chàng, có thể xem thường chàng được; đã tự nhận là anh hùng thì chàng phải đạt cho được cái chí anh hùng ấy ! Con người đó chí khí thật ! Chí khí từ trong hành động, lời nói cho đến cả cốt cách nữa. Nhìn dáng đi của chàng, ta cũng đủ thấy cái vẻ lẫm liệt tiềm tàng khác đời rồi :

Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.

Con người oai vệ ấy, làm sao mà không tự phụ được đã chứ ? Nhưng đó chỉ là tính tự phụ trong thời chàng còn vô danh tiểu tốt. Đến lúc thành công, “nghênh ngang một cõi biên thùy, thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương ” thì lòng tự phụ của chàng lộ liễu hơn nữa. Đây ta hãy nhìn cái cảnh rỡ ràng phượng liễn loan nghi đón rước Thúy Kiều về đại doanh :

Dựng cờ, nổi trống, lên đàng,
Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau.
Hỏa bài tiền lộ ruổi mau,
Nam đình nghe động trống chầu đại doanh.
Kéo cờ lũy, phát súng thành,
Từ công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài.

Rồi tiếp theo đó là những lời hân hoan tự đắc của một kẻ thỏa chí :

Cười rằng : ” Cá nước duyên ưa !
Nhớ lời nói những bao giờ hay không ?
Anh hùng mới biết anh hùng,
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ? “

Từ Hải nhắc lại lời xưa, lời mà ngày nào trong buổi tiễn đưa, chàng đã thốt ra cùng nàng với một niềm tự tin ấy !

Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử trong cuốn “Khảo luận về Đoạn Trường Tân Thanh” đã phê bình hành động này của Từ Hải như sau : “Cho đón Kiều với lễ nghi quá cao quý bộc lộ lòng hiếu kỳ, tự cao tầm thường. Dù xứng đáng đến đâu đi chăng nữa, Kiều ngồi ở kiệu hoa có thể nữ hầu hai bên, có tiền hô hậu ủng, có hỏa bài thông báo cũng làm người ta nghĩ đến những kẻ hãnh tiến ít suy xét”.

Tôi nghĩ rằng có lẽ thấy cuộc đời ngang dọc, tung hoành với chiến công rực rỡ cùng con người hùng khí của Từ Hải mà hai ông đã trở nên ghen tuông, mới phê bình như vậy chăng ? Trái với hai ông, tôi thấy hành động của họ Từ rất phải; niềm vui của chàng phải là niềm vui của nàng ! Đó là tâm tính của những con người biết ăn ở sành tâm lý. Đã là bậc đại vương với tất cả vẻ cao sang, Từ Hải không thể tiếp đón Kiều một cách hời hợt được. Đó là nói về tình cảm, chứ đứng trên lập trường chính trị thì sự tiếp đón nồng hậu linh đình như thế cần phải nên có nữa. Vì sao vậy? Điều đó thật dễ hiểu. Các bạn hãy tự hỏi, một người bất luận kẻ thường dân hay vị quốc trưởng rất tài giỏi, thông minh … nhưng lại ăn mặc xốc xếch, đi đứng chẳng phải phép …, các bạn sẽ đánh giá trị của họ như thế nào ? Tại sao ông tổng thống phải ở trong một ngôi nhà cao sang, có xe hơi, tàu bay đưa đón … mà lại không thể sống trong một chòi tranh vách đất tồi tàn lụp xụp ? Không ! Địa vị của họ không cho phép họ phải ở như vậy cũng như Từ Hải không thể đón tiếp Kiều một cách tầm thường được. Từ Hải đã làm một việc rất phải. Cái bề ngoài rất cần để chinh phục lòng người !

Vả lại, dù Từ có tự cao, tự đại, có kiêu căng hãnh tiến, ta cũng không có quyền chê trách chàng được; vì lòng tự cao tự đại, tính kiêu căng hãnh tiến kia rất xứng đáng : Chàng đã kết đúc chúng lại bằng những ngôn từ đi đôi với hành động. Nói sao làm vậy ! Đã bao giờ chàng thất tín với một ai chưa ? ” Thứ kiêu hãnh này – nói như Nguyễn Bách Khoa- là một phép vệ sinh tinh thần, nó giữ cho linh hồn khỏi bẩn thỉu meo mốc vì những cuộc dinh hoàn ô trọc “.

Từ Hải không những chỉ kiêu hãnh trong lúc còn vô danh tiểu tốt, kiêu hãnh khi đã toại chí thành công mà còn kiêu hãnh ngay cả trong bước đường cùng, chết nơi trận mạc :

Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân !
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng !
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

Con người dũng khí thật ! Đã sa cơ thất thế mà vẫn còn dương oai để làm run sợ cả một vùng Phúc Kiến, Tích Giang sau nầy ! Điều đó cũng đủ chứng tỏ cho ta biết chàng oai phong lẫm liệt làm sao ! Thân chàng đã chết nhưng linh hồn chàng chưa chết, nó vẫn còn sống mãi trong lòng người với những chiến công oanh liệt cùng cốt cách uy nghi của chàng ! Cho nên chàng kiêu ngạo mà ta mến phục, chàng tự phụ mà ta kính yêu. Vì dễ mấy ai trong chúng ta tự phụ kiêu hãnh được như chàng ?

Sở dĩ vậy là vì Từ Hải có một sức sống mãnh liệt, ngang tàng, không chịu được điều tầm thường và cũng chẳng công nhận sự bó buộc; một đời chỉ biết đầu đội trời, chân đạp đất, dọc ngang ngang dọc, hùng dũng với thanh gươm, yên ngựa.

“Con người này – nói như Hoài Thanh – quả không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng. Con người này là người của trời đất, của bốn phương”( Thanh Nghị số 36 ngày 1-5-1943 ).

Chàng là một tay giang hồ cự phách, tung hoành trong bể Sở sông Ngô, chọc trời khuấy nước, “đánh quen trăm trận sức dư muôn người”, nghênh ngang biên thùy một cõi. Chí của chàng cao cả như chim hồng hộc bay vút tận trời xanh, như cá kình nghê vẫy vùng nơi bể rộng. Chàng là con người “phong trần mài một lưỡi gươm”, chẳng bao giờ bó thân về với triều đình làm kẻ hàng thần lơ láo để vào luồn ra cúi như những loài giá áo túi cơm. Một con người đã từng bách chiến bách thắng, đã tự cho là “sức nầy đã dễ làm gì được nhau”, luôn luôn sẵn sàng đương đầu với kẻ thù, lẽ dĩ nhiên là rất quý chuộng sự tự do độc lập của mình. Vì thế, lúc nghe Hồ Tôn Hiến chiêu hàng, Từ Hải đã do dự, cái do dự gần như ngạc nhiên. “Về với triều đình” , thật chưa bao giờ chàng có ý nghĩ như vậy ! Năm năm gầy dựng với biết bao chiến công anh dũng cho đến hôm nay “triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà” với “trong tay mười vạn tinh binh”, thế thì tại sao chàng lại làm kẻ phục tùng đã chứ ? Nhưng “con tim bao giờ cũng có cái lý của nó”, một hôm kia “thế công, Từ mới đổi ra thế hàng” để rồi chết đi giữa trận tiền một cách oan uổng ? Một kẻ “hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh” như Từ Hải làm sao lại có chuyện lạ lùng thế được ? Tuy nhiên chúng ta chớ vội ngạc nhiên : Từ Hải ngoài con người anh hùng ra, còn có con người nghệ sĩ với đầy đủ tính chất của nó nữa ! Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tiếng hận đoạn trường.

Người khách tang bồng hồ thỉ kia ta không ngờ lại đa tình, tuy rằng tình yêu không khiến Từ Hải trở nên nhục nhã như Thúc sinh hay sướt mướt như Kim Trọng – Tình yêu của chàng là tình yêu của kẻ giang hồ ghé quán bên đường dù không kém vẻ mặn nồng tha thiết :

Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng !

Cho nên chàng chẳng bao giờ đắm đuối trong tình yêu mà quên hết bổn phận làm trai. Tình yêu đó như là một nguyên động lực thúc đẩy chàng hoàn thành nhiệm vụ. Với cuộc sống “trông vời trời bể mênh mông” ấy, ta có thể theo một nhà văn Pháp mà nói rằng “Người đàn ông sinh ra để cho chiến tranh; người đàn bà để cho lúc chiến sĩ yên nghĩ”. Nhưng nói như thế không có nghĩa là Từ Hải đã hời hợt trong tình yêu thương. Trái lại tình yêu thương của chàng rất đậm đà tha thiết; đậm đà mà không đắm đuối, tha thiết mà không ươn hèn. Tình yêu thương đó được xây dựng bằng sự tin cậy tuyệt đối vào con người ý hợp tâm đầu. Sau nầy Từ Hải chết đi không phải vì chàng đã mắc mưu Hồ Tôn Hiến, nhưng chính là vì chàng đã yêu thương Thúy Kiều và tin vào lời nói chí lý của nàng. Trong lúc sa cơ thất thế, chết đứng giữa trận tiền, tấm thân “trơ như đá vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời” của chàng cũng chỉ ngã xuống khi đã cảm thông được nỗi niềm hối hận thống thiết của nàng thôi :

Khóc rằng : ” Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp, đến cơ hội này !
Mặt nào trông thấy nhau đây ?
Thà liều sống chết một ngày với nhau !”
Dòng thu như xối cơn sầu,
Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương triền,
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra !

Từ Hải đã chết vì Thúy Kiều và chỉ chết cho nàng ! Một vài người chỉ trích hành động nầy của chàng, cái hành động “thiếu suy xét đắn đo, bị tình cảm mê hoặc để bị lừa là thiếu lý trí”. Nhưng đó chỉ là một nhận xét hời hợt, vội vàng. Trái lại, Từ Hải đã đắn đo, suy nhận. Chàng đã làm một việc rất phải theo tính cương trực ngay thẳng của mình và hợp với sự thuần túy của tâm hồn con người. Đấy là ta chưa đề cập đến tâm sự của Tố Như ẩn tàng trong nhân vật Từ Hải : Chàng phải chết đi để giữ trọn danh tiết cũng như phơi bày ra tất cả sự gian trá, lọc lừa thô bỉ của hạng giá áo túi cơm, chỉ biết tiền tài danh vọng !

Từ Hải nói hồn nhiên, làm hồn nhiên và cũng chết hồn nhiên ! Chàng đã bộc lộ ra một cách tuyệt đối cái bản ngã của mình, đấy là lòng kiêu hãnh, chí ngang tàng tự do và sự tin yêu thành thật. Từ Hải là một con người đáng khâm phục vậy !

TRẦN VĂN DẬT

5 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 3 : Từ Hải
    Kính cảm ơn Thầy đã cho học trò đọc lại một bài giảng rất thích thú về Từ Hải, một người tình rất động, đầy dũng khí, kiêu hãnh và hảo hán của Thúy Kiều.
    Trong khi Kim Trong tĩnh đến bị động, yêu một cách sướt mướt và hầu như để tình yêu trôi theo đinh mênh dù chàng không hề thiếu sự đam mê cho Thuý Kiều thì ngược lại Từ Hải là con người của hành động của những quyết đinh và luôn được hay mất ở đỉnh cao nhất từ những quyết định của chính mình
    Ngay lần đâu tiên gặp Thúy kiều chàng đã rõ như rằng
    [i]Một lời đã biết đến ta
    Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau[/i]
    Vậy rồi trong lúc nồng nàn đắm đuối nhất của tình yêu chàng lai quyết đình làm kẻ chinh phu cho tròn nợ tang bồng hồ thỉ nhưng không hề quên lời nguyện thề với người yêu ngày trở về “[i]sẽ rước nàng nghi gia”[/i]
    Chàng đã không thất hứa, không hề hụt bước trong viêc thể hiện tình yêu qua hành động của mình với Thúy Kiều
    Và trong cuối cùng của mất mác chàng [i]chôn chân[/i] trong phong cách hiên ngang [i]trơ như đá, vững như đồng[/i] của muôn đời oai phong Từ Hài
    Tất cả vì Thúy Kiều cho Thúy Kiều, có lẽ một chút nghệ sĩ một chút ngạo mạn và nét đa tình trong Từ Hải đã làm nhẹ đi phần trí trong câu thán của Thúy Kiều ” Trí dũng có thừa” chăng? Tuy nhiên chàng đáng yêu biết bao!
    Thầy ơi, thật hay khi nói rằng [i]Từ Hải nói hồn nhiên, làm hồn nhiên và chết cũng hồn nhiên[/i]
    Kính Thầy an vui
    Hoc trò của Thây
    Dao

  2. RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 3 : Từ Hải
    Câu kết luận hay quá “Từ Hài nói hồn nhiên, làm hồn nhiên và chết cũng hồn nhiên…Từ Hài là con người đáng khâm phục vậy”
    Xin cám ơn thầy.

  3. Kính gửi : Thầy Trần Văn Dật
    Thưa thầy ! Cám ơn thầy đã cho đọc một bài viết có giá trị , phân tích rất rỏ nét và rất hay về chân dung một “người tình” của Thúy Kiều : Từ Hải . Tôi chỉ không thuận với Từ ở vài điểm : Việc đón rước Kiều quá mức long trọng chỉ làm giảm oai phong của Từ chứ không tăng ! Thứ nữa đem cả ngàn binh mã đi bắt lũ Tú bà về trả thù riêng thì quả là không xứng với tài sức và con người của Từ . Tiếc thay ! từ ngày có Kiều việc quân binh của Từ đều thấy thấp thoáng bóng đàn bà , đến chết cũng còn..!!!Bài học cũ mèm mà Từ không qua nỗi , mộng bá vương sao thành !
    Vài nghĩ suy nông cạn mong thầy lượng thứ ! Chúc Thầy nhiều sức khỏe , an lành.

  4. RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 3 : Từ Hải
    Thầy ơi, thầy đã trích câu nói của Hoài Thanh “Con người này quả không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng. Con người này là người của trời đất, của bốn phương”
    Nay anh NĐH lại thêm câu “thấp thoáng bóng đàn bà, đến chết cũng còn…”, vậy Hoài Thanh nói đúng hay anh NĐH đúng vậy thầy? 😛
    Theo em thì từ xưa đến nay, có ông nào thoát khỏi tay đàn bà được đâu phải không thầy? Napoleon nức tiếng anh hùng trong lịch sử châu Âu còn sướt mướt vì người đẹp Josephine mà viết “Chẳng có ngày nào anh không yêu em. Chẳng có đêm nào anh không ôm em vào lòng. Chẳng có khi nào anh uống trà mà không nguyền rủa cái chiến công và tham vọng đã nắm giữ anh, khác hẳn với tâm hồn anh”… thì Từ Hải thua vì .. Kiều là đúng rồi!
    Dù Chúa đã tạo ra đàn bà chỉ từ cái xương sườn của đàn ông, thế nhưng thiếu cái xương sườn này là đàn ông chết liền phải không thầy ơi?

  5. RE: Những Người Tình Của Thúy Kiều – Phần 3 : Từ Hải
    Kính thưa thầy,đọc bài viết của thầy ở lứa tuổi U60 em thấy thật hấp dẫn và thú vị.Em càng khâm phục sự tài hoa và rõ đời của cụ Nguyễn Du,dưới con mắt nghiên cứu phê bình văn học của Hoài Thanh,Từ Hải là con của trời đất không sai.Nhờ Từ Hải là con người dũng khí ,trượng phu,sống thuận theo trời đất,tự nhiên nên đã trả lại sự công bằng trong đời sống Thúy Kiều ,xóa nỗi đau thương bất hạnh đem lại nụ cười cho người bị rơi xuống dưới đáy tận cùng của sự phân chia giai cấp xã hội.Và là người tự nhiên nên đâu ngờ có loại người cơ hội,mưu hại một cách đê tiện của quan lại triều đình.Trên đời có mấy ai như Từ Hải,chết đứng giữa trận tiền.Phải chăng thi hào Nguyễn Du nhắc nhỡ mọi người luôn đề cao cảnh giác …Xin cảm ơn thầy về bài viết và lắng nghe suy nghĩ của em.Học trò cũ của thầy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả