LTS. Chị Bồng Sơn là cựu học sinh NTHQN niên khóa 1966-1973.
Mỗi sáng trên đường tơí chợ, tớ đi ngang qua một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở. Nhìn tụi con nít tíu tít có, mếu máo có, hí hửng có, tớ muốn nhớ lại cái thời bắt đầu có trong kí ức của mình.
Không biết con người ta nhớ được từ lúc nào nhỉ? Với tớ thì có lẽ vào khoảng 3 tuổi thì phải! Vì tớ chỉ còn nhớ mơ hồ một vài điều trước khi có em, mà em T. kế tớ thì nhỏ hơn 4 tuổi!
Hai chị em
Lúc đó chỉ mới có hai chị em gái, cả nhà hình như đang sống với ông Nội ở Qui Nhơn thì ba đổi về Bồng Sơn làm việc. Tớ chỉ còn nhớ cả nhà đi xe lửa, tớ thích lắm, khi tới nơi phải xuống tàu, tớ còn nhớ mình hỏi : ủa sao không đi nữa mà xuống chi vậy!!
Lúc đó hình như chưa có điện, nhà cửa còn đơn sơ, xung quanh có ruộng, có trẻ chăn trâu.
Nghe mẹ kể hồi đó hai chị em có bộ bàn ghế mây để trước nhà ngồi ăn cơm, chơi đùa, con nít hàng xóm cũng khá nhiều (nhưng giờ trong đầu mình chả nhớ ai cả).
Tớ còn nhớ buổi trưa hai chị em lén trốn ngủ trưa theo đám con nít đi trên đường ray xe lửa để kiếm hái lá lốt! (không biết để chơi hay để nấu canh!?) đứa nào cũng chân trần, trưa nắng chan chan, hai thanh đường ray bằng sắt thì nóng bỏng mà ở giữa thì đá lởm chởm đau điếng! Vậy mà hình như thú vị lắm hay sao mà đi hoài! (không nhớ có bị la không).
Buổi chiều ăn cơm sớm (vì không có điện) rồi.. chơi tiếp! mẹ thường hay dẫn đi bộ loanh quanh gọi là đi tiêu cơm! người lớn con nít xung quanh cũng vậy, chuyện trò vui vẻ lắm! hồi đó chưa có phương tiện giải trí như TV, radio thì cũng chưa có nhiều .(tớ thấy radio phát ra tiếng cứ nghĩ chắc trong đó có mấy người nhỏ xíu! ước gì mở ra xem thử họ ra sao!!).
Tối nhà nào cũng thắp đèn dầù phụng, chỉ có nhà nào buôn bán thì có đèn măng sông sáng quắc! Hôm nào sáng trăng thì chơi lâu hơn nhưng thường thì ai cũng đi ngủ sớm.
Tắm sông
Chiều chiều, ba đi làm về chở hai đứa con gái trên xe đạp ra sông Lại Giang tắm.
Tớ còn nhớ cây cầu bắt qua sông bằng gỗ, mà hình như chả có lan can gì thì phải, vì thường thì hai chị em đeo cái phao bằng bánh xe lam rồi đứng trên cầu nhảy xuống sông, chơi đã rồi ba kêu đi về, lúc nào hai đứa cũng không muốn về, ba chỉ mấy đầu ngón tay da nhăn nhíu nói là da như vậy là ngâm nước nhiều rồi, về thôi!
Cây cầu gỗ | Tắm sông |
Cây cầu gỗ hẹp, cách quãng có 1 chỗ nhô ra thêm để tránh xe (hình như chỉ chạy vừa một xe hơi) thường thì chỉ có xe đạp, thỉnh thoảng mới có một xe hơi chạy qua nhưng có một lần, mấy cha con vừa leo lên cầu chuẩn bị về thì tớ thấy một cái xe từ xa sắp chạy tới, chị Th. thì nhanh chân chạy tới được cái chỗ tránh rồi, tớ quýnh quá, nhảy đại xuống sông, nhưng lúc này không có cái phao trên người nên chìm lỉm, ba nhảy xuống theo vớt lên, tớ đã kịp uống một bụng nước, mặt xanh lè vì sợ!!
Dừa
Chủ nhật hay có gì đó ở sân vận động (không nhớ nữa) chắc là chính quyền tổ chức gì dó cho vui Nghe mẹ mình nói có lần tiêp đón tổng thống nữa đó! Nhưng mình chỉ thích những chủ nhật có mấy người kêu con nít đi uống nước dừa!
Bồng Sơn có nhiều dừa lắm, có lẽ tới kỳ dừa già, người ta thu hoạch để ép dầu nên cho con nít uống nước còn họ lấy cơm dừa cho nhẹ! Con nít gọi nhau í ới, mỗi đứa cầm theo một chiếc đũa chạy tới ! Đũa để chọt vô cái sọ dừa già (đã được gọt hết vỏ để lộ ra ba cái lỗ) uống đã đời! Tớ chỉ nhớ có vậy không biết nước dừa nhiều quá người ta có làm gì khác không chứ như ở miền nam, họ thắng nước màu …
Có lần thấy mấy nhà sư đi khất thực, tụi tớ tò mò đi theo về tận chùa . Ngôi chùa này trong kí ức của tớ nó nằm giữa một rừng dừa! rất mát mẻ khoảng khoát (sau này mẹ nói nơi đó là soi dừa!). Tớ còn nhớ thấy tụi con nít ngồi vắt vẻo trên lưng trâu bò thì muốn lắm đòi leo lên nhưng muốn như vậy phải đạp trên đầu nó rồi leo lên nên tớ chả dám, lòng thầm hẹn sẽ làm cho được nhưng..cho tới nay cũng chưa được!!
Chiều chiều cả bọn con nít cũng canh lúc xe lửa chạy ngang thì chạy ra vẫy tay , thầm mong có ngày ngồi trên đó!
Nhưng rồi những ngày rong chơi thoải mái cũng bị đe doạ: em T. ra đời, sau 11 năm mẹ mới có con trai nên mừng lắm! Tớ không còn được gần bên mẹ nữa, thằng nhãi này nhỏ xíu (khi sanh ra có 2,5kg) mà khóc hoài, có khi ho cả đêm ồn quá!! Mẹ thì không có sữa cho nó bú nên nó ốm nhom! và nguy nhất là mẹ nói tớ phải đi học! Nghe sao như ..sét đánh!
Đi học
Tớ không chịu đi học! Tự nhiên đang vui vẻ thoải mái vầy đi học làm gì!? Tớ thấy cái trường làng đó rồi, có ông thầy cầm cái roi thấy ớn!! trong lớp học sao mà đông đảo, lớn nhỏ đủ cỡ, nhiều đưá lạ hoắc thấy.. sợ quá!
Sáng đó tới “trường” tớ chả nhớ ai dẫn đi chỉ nhớ là tớ khóc suốt từ nhà tới lớp! Ông thầy Diêu (lúc nào cũng kè kè con roi) nhét tớ vô một chỗ rồi hình như lấy vở, viết ra tập viết! Trong cái lớp học bằng vách đất phên tre, có đủ lớp thì phải, từ vỡ lòng như tớ cho đến lớp 1, 2, 3… hay sao đó vì thấy mỗi đứa học mỗi bài khác nhau! Chán ơi là chán! (chắc là lớp dạy thêm của ông thầy này chứ hỏi chị Th. chỉ nói đi học ở trường khác cơ!)
Hôm sau tớ nhất định không đi học! mẹ dỗ cho hai đồng ăn bánh xèo (thường ngày chỉ được một đồng ăn xôi!) nếu không đi học thì ở nhà quỳ! tớ chọn bị quỳ tuy cũng tiếc hai đồng lắm!! Nhưng mà có được đâu! mẹ bắt phải tới trường! khỏi nói tớ khóc thê thảm! vừa khóc vừa tức vừa quê vì cả đám con nít nó cười! càng quê càng khóc dữ! ( mới hỏi lại mẹ về cái sự kiện này, mẹ kể tớ tới trường vẫn khóc nên thầy nhắn mẹ ra giải quyết! me tới bảo tớ phải nín khóc ở lại học còn không thì đi về nhà quỳ! tớ liền thu dọn vở viết đi về, chấp nhận quỳ!! mà không chỉ một lần đâu nhé!vì mẹ kể hễ nghe thầy nhắn mẹ ra là tớ lo thu gom đồ đạc chuẩn bị ..về!).
Rồi không biét bao lâu thì mới hết khóc! Chỉ biết sau đó cũng vui vẻ lắm, mỗi ngày chị Th. dẫn đi học (cùng trong một lớp luôn) thường đi cùng có hai chị em cũng cỡ tuổi chị em tớ , bốn đứa hay đi chung.
Cuối buổi chiều, thầy giáo hay kể một câu chuyện trước khi cho ra về! nghe hòai sốt ruột (đói bụng rồi!). Thường thì thầy vừa kể vừa đi lên đi xuống, chị Th. dặn khi nào thầy đi lên phía trên thì cả bọn sẽ chui cửa sổ về trước! Tớ nhát lắm không dám nhưng rồi cũng chui theo (cái cửa sổ có mấy song bằng tre bị gãy một song!) xong ra ngoài cả bọn hí hửng chạy u về nhà, đói bụng quá mà! Không biét cái trò đó có bị gì không nhưng tớ nhớ nó diễn ra thường xuyên.
Tớ mới hỏi chị Th và mẹ, thì đoán ra rằng nhà lúc này dọn về gần chợ hơn, học ông thầy khác, và chắc ông này dễ thương hơn và lại có chị Th đi học chung (học thêm hè) trong lớp nên tớ không còn khóc nữa! ha ha! hết xì trét rồi! Lúc này đi theo chị Th rất nhiều trò vui! chị là con gái nhưng khi chơi chung cả đám có con trai thì chị vẫn là thủ lãnh! Con nít bày nhau lấy lá chuối quấn thành kèn thổi cũng rất hay.
Có loại hoa tụi tớ gọi là hoa nho hay hoa ngũ sắc,đẹp lộng lẫy, mọc dại đầy đường, cây này có nhiều trái nho nhỏ lúc sống màu xanh, cứng, thường dùng để làm đạn cho súng bằng ống đu đủ, còn khi chín màu đen ăn rất ngọt! (sau này vô SàiGòn mới biét nó còn có tên là hoa trâm ổi, hoa cứt lợn! nghe sao..xí quá! nó rất đẹp mà! bây giờ cũng thấy loại tương tự trồng đầy những nơi “sang trọng “hơn nhưng màu không đẹp bằng vì chỉ có hai màu đỏ và cam và không thấy có trái!))
Tập đi xe đạp
Chị Th. chỉ tập đâu có một, hai hôm là biết đi, còn tớ, trời ơi! sao mà khó khăn, hình như cả tháng còn chưa xong! Tớ chỉ nhớ có chị Mứt gần nhà và mấy người nữa vịn xe tập cho tớ, nhưng khi họ thả tay ra là tớ té liền! có lần đang chạy ngon ơ, thấy sao chị Mứt đứng vỗ tay! À! chết rồi, chỉ không còn vịn cho mình nữa! thế là té ngay!
Chị Th. đi xe ngon lành rồi nên mẹ hay sai đi công chuyện như đi tới tiêm thợ mộc xin dăm bào về nhen lửa..hay đi mua lặt vặt. Còn tớ, khi không cần người vịn nữa thì cũng không dám đi ra đường cái, chỉ lẫn quẫn trong xóm! Có lần ba tập cho đi ra phố cho quen bằng cách ba đạp xe đi trước, tớ đạp xe nhỏ theo sát nút, tớ run lắm, mắt cứ dán vô vết bánh xe của ba mà chạy theo, không dám chạy trợt ra chút nào! mà đường lộ khi đó chỉ có xe đạp chứ có xe gì đâu!
Rồi sự nghiệp đi xe đạp của tớ dừng ngang đó!
Thế đó, tớ đúng là cù lần bẩm sinh!
Chiều quê
Dạo này tối tối dân chúng thường ra một bãi đất trống(?) xem chiếu phim, phim toàn là phim tuyên truyền của ty thông tin, tớ xem mà sợ lắm, toàn là cảnh VC độc ác về khủng bố dân lành! vậy nhưng không bỏ bữa nào, sợ thì sợ mà coi thì coi! (sợ đến nỗi cái mũ của bộ đội đó cứ ám ảnh mãi!)
Có thể nói đó là quãng đời đẹp nhất của tớ! Nhớ về những ngày tháng này, đầu tớ cứ vang lên bài hát Chiều quê của Hoàng Quý:
Quê nhà tôi đời dân sống êm đềm
Chiều khi trăng mới lên và chim thôi hát ca
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm
Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên
Chiều Quê, nhạc Hoàng Quí, Thanh Lan ca
Những năm đó, đất nước vừa hết chiến tranh, xã hội tuy chưa sung túc nhưng cuộc sống tương đối bình yên, bóng dáng một cuộc chiến mới chưa ló dạng, đời sống của công chức thì rất ổn định, mấy bà vợ chỉ việc lo nội trợ, nuôi dạy con cái, không phải lo chuyện cơm áo! (hồi đó lương tháng 3.200 mà chỉ xài khoảng 1500). Mới hỏi chuyện mẹ về quãng thời gian này.
Thì ra tại tớ thấy vậy thôi chứ thật ra lúc đó đã ló dạng chiến tranh rồi! mẹ kể có lần cả nhà về Qui Nhơn thăm ông bà , mấy người anh em trên núi đã về tấn công sao đó và sau khi rút đi đã để lại nhiều xác, mẹ nói về thấy người ta dồn xác đó ở sân vận động, ghê lắm!
Sau đó có thêm em C., năm 1961, thằng nhóc này bụ bẫm hơn T. và chắc cũng dễ nuôi hơn! Nhưng lúc này nãy sinh “phiền phức”: có em thì phải coi chừng em! chị ở không làm hết mọi việc được! đâu còn tự do đi chơi nữa, phải len lén đi chứ không thôi tụi nó cứ khóc đòi đi theo!
Rồi cả nhà về lại Qui Nhơn. Tớ vào lớp Năm (lớp 1) trường Mai xuân Thưởng. Chị Th. vô lớp 3 trường Ấu Triệu. Đã sang 1 giai đoạn khác, chính thức là học trò rồi!
Bồng Sơn
RE: Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Chị Bồng Sơn là một người quen cũ. Không ngờ là chị học ban B mà giỏi Việt Văn như vậy 🙂
Bồng Sơn 1961 của chị làm tôi nhớ quê nhà hồi đó. Ông già mua cái radio về, cả xóm tụ lại sân phơi lúa trước nhà nghe cải lương, tôi cũng tưởng tượng là có một đoàn hát tí hon ở trỏng…
H.
RE: Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Bài viết hay và vui quá Bồng Sơn ơi! Những chi tiết được bạn kể lại rất là thú vị và rất thật. Mình phục bạn sất đất vì hồi đó còn nhỏ xíu mà bạn đã có trí nhớ rất dai đó!
Mong được đọc tiếp Bài 2 khi là học trò trường Mai Xuân Thưởng ở Quy Nhơn( À! Khi bạn học lớp Năm ( lớp 1 )thì chị Th. học lớp Ba ( lớp 3 )chứ, phải không? ).
Mình rất thích giọng văn của bạn, rất là tự nhiên và dí dỏm!
Rất cám` ơn bạn!
ĐO.
Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Chào Bồng Sơn! Rất vui khi thấy bạn xuất hiện trên trang nhà. Cũng như Đông Oanh, mình phục bạn sát đất vì bạn nhớ dai quá! Bạn viết bằng giọng kể rất dễ thương! Mong bạn gửi tiếp những mảnh vụn kí ức phần 2, 3 và 4 … vì bài này bạn mới kể đến chuyện vào lớp 1 thôi!
RE: Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Chị Bồng Sơn mến, bài viết của chị gợi Tiến nhớ đến đường rầy xe lửa và sông Lại Giang nhiều lắm. Tiến ở Bình Dương cách Bồng Sơn có 14 cây số nên hay ra đó chơi lắm. Tiến nhớ hồi Tiến 7, 8 tuổi gì đó leo lên đường rầy và mùa hè sông cạn nước tạo thành những cồn cát cả bầy ra đó tắm mát vui chơi thoả thích chị ạ. Mà sao chị có trí nhớ tốt quá chứ Tiến chỉ nhớ sơ sơ ở thời 7, 8 tuổi trở lên thôi. Tiến và các bạn chờ đọc tiếp bài của chị đây! Mong lắm! KT
RE: NNhững mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Thật là sung sướng được đọc bài viết của chị Bồng trên trang nhà NTH! Lâu rồi hai chị em không gặp nhau.
Chuyện chị kể hấp dẫn , lôi cuốn lắm, giá như chị cho vài tấm ảnh minh họa nữa thì hay biết mấy!
Chúc chị vui, khỏe và viết thêm nhiều cho tụi em đọc với!
Tha hương ngộ cố tri !
Cảm ơn chị Bồng Sơn viết về Bồng Sơn – quê mẹ của tôi ! Rất vui được biết chị, mặc dù chỉ ” ngộ trên forum “, hihi . . .
Chị Bồng Sơn, chắc là cùng lứa tuổi với tôi vì cùng học trung học 1966 – 1973. Nhưng, tôi học ở trường Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn và đến năm 1972, thì di chuyển vào Ký Túc Xá, kế bên trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.
Những ký ức về tuổi thơ ở đất Bồng Sơn trong bài viết của chị, được minh họa thêm nhé !
(1) Thầy Diêu, còn được gọi là thầy Ba Diêu. Hình như tôi cũng học thầy, một hai năm trước khi vào lớp 1. Thầy Ba Diêu không có vợ cho đến khi chết, không thuốc lá, không tứ đổ tường, . . ., cho nên về tâm lý, lúc đó, thầy luôn luôn có một cái roi, để trót trét học sinh cho xả xì – trét.
Chị thường bị thầy ” lúc nào cũng kè kè cái roi, nhét tớ vào một chỗ và tập viết, . . . tập viết, là đúng thôi, vì học trò là đối tượng duy nhất trong tình huống mà thầy thể hiện giao tiếp với bên ngoài, xả stress, hihi . . .!”.
(2) Các film thường được chiếu ở Sân Vận Động, chủ yếu là các film như ” Chúng tôi muốn sống “, . . ., nói về chuyện đấu tố địa chủ trong thời ” Cải cách ruộng đất ” ở miền Bắc, để nhấn mạnh về chuyện giai cấp, địa chủ và bần nông.
(3) Ở Bồng Sơn không giống như Qui Nhơn tương đối thanh bình. Đặc biệt, từ năm 1968 – 1972 (mùa hè đỏ lửa), không khí chiến tranh và hoạt động quân sự của hai bên tiếp diễn hàng ngày có thể thấy được.
Đặc biệt, ở Bồng Sơn, hầu như 90/ 100 gia đình, đếu có người thân đi tập kết ra Bắc năm 1954, nên không khí trấn áp, hận thù xảy ra có thể thấy được hàng ngày và năm này qua năm kia. Đây là thực tế lịch sử xảy ra !
Cho nên, thỉnh thoảng, có người đang sống bình thường thì họ vào rừng theo V.C. ( gọi là nhảy núi, tức là nhảy vào rừng, bỏ vào rừng theo VC). Do đó, mỗi khi có chiến trận xảy ra giữa hai bên, giết được vài người thì họ thường ” phơi xác ” ở những nơi công cộng như Sân Vận Động, hoặc trước trường Tăng Bạt Hổ, để ” cảnh báo ” những người còn lại trong Thị trấn, chớ có theo VC vào rừng mà bỏ mạng !
Từ đó, cũng có một việc thực tế xảy ra. Hầu như đa số học sinh ở Bồng Sơn, trong những năm đó, đều thích và thuộc nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là nhạc phản chiến. Ở đây, muốn nhấn mạnh là thích nhạc phản chiến, chứ không phải bản thân những người đó phản chiến.
(4) Một điều tuyệt vời về thiên nhiên ở Bồng Sơn, mà bây giờ đã bị biến mất vì môi trường bị hủy hoại. Ngoài dòng sông Lại Giang và những dãy núi thăm thăm nơi chân trời, ngày xưa, hàng ngày, mỗi buổi sáng, hàng đàn chim, cò trắng từ hóc núi, bay dày đặc đen cả bầu trời, bay ra biển để kiếm thức ăn và buổi chiều, từng đàn lại bay ngược về hướng núi để ngủ. Bây giờ không còn nữa. Ôi ngày xưa, còn đâu ???
Vài dòng cảm ơn chị Bồng Sơn, đã gợi lại những hình ảnh để nhớ về tuổi thơ, nhớ những ngày xưa còn bé mà hiện tại, chỉ là ký ức ! Thân.
RE: Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
Chào cô Bồng Sơn!
Con đã đọc bài của cô & thực sự nó rất lôi cuốn con. Nếu được sự đồng ý của cô, con xin phép được đăng lại bài viết trên trang hoainhon.net ở mục “Viết về quê hương” để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc đẹp & tinh tế cùng những người con Hoài Nhơn.
Con xin cảm ơn cô trước ạ!
RE: RE: Những mảnh vụn kí ức: Bồng Sơn 1958-1961
cô Minh Tâm mến
“[i]Trên mạng muôn sự của chung[/i]!”, cô cứ lấy đăng đại, chắc cô Bồng Sơn cũng không phiền hà gì.
5LĐ
Bồng Sơn
Thành thật xin lỗi các bạn vì sự chậm trễ này. Bù lại tôi cho các bạn xem hình đó.
Kim Tiến và anh Dũng có nhận ra cây cầu gỗ không? Tôi không biết tại sao 2 bên chả có gì che chắn cả!
Cám ơn các bạn rất nhiều đã chia sẻ.
Cái cầu gỗ !
Cảm ơn chị Bồng Sơn đã gợi nhớ tuổi thơ ! Cái cầu gỗ đó, là sản phẩm lãng mạn, chỉ dành riêng cho những người cha, cưng quá nên đưa con gái đi tắm sông và đứng đó canh chừng mà thôi !
Khoảng 5 – 6 tuổi, ba tôi dẫn tôi đi Qui Nhơn bằng xe Phi Long – Tiến Lực, gần nơi cầu gỗ, xe được đưa qua sông bằng phà !
Cầu gỗ, được thay bằng cầu sắt khoảng năm 1963 – 1964. Thân !
[img]http://nthqn.org/images/joomgallery/details/album_ca_cac_ban_48/pham_ngoc_dao_85/hinh_chen_102/laigiang65_20120330_1285073195.jpg[/img]
Cầu Sông Lại 1965
RE: Đà Lạt Tháng 3 năm 2011 – Ngọc Dung
Chị Dung ơi,
Mùa này ĐL còn nhiều hoa không? V nịnh một chút nè: Chị cười tươi như [i]hoa vàng mấy độ[/i] đang nở bên cạnh chị đó 🙂
RE: Đà Lạt Tháng 3 năm 2011 – Ngọc Dung
Dung qươi! sao cái hình này nhìn trẻ quá dậy (hình như mới cắt tóc ngắn hả?) coi bộ càng ngày càng có tên mà không có tuổi à nghen 😆
RE: Đà Lạt Tháng 3 năm 2011 – Ngọc Dung
Vân và Hà ơi,
Hình này chụp cách đây một năm rồi. Thiệt tình D không biết hồi đó mình …ăn gì mà mặt tròn như bà địa. Thiệt là xấu hổ ! hihi.
Đọc “lời bàn” của Vân và Hà mà D muốn độn thổ!!!
Bây giờ D đi gặp một bạn cũ đây, bạn NTH 66-73, cũng sau mấy chục năm mới gặp lại, nghe giọng qua phone đã không nhận ra. Đi về sẽ gởi hình để xem là ai nha.
D đi đây.
nd