Hè 1965
Cả nhà chuẩn bị về lại Qui Nhơn
Tôi được thảnh thơi, không phải học hành gì cả, cứ nhớ về Qui Nhơn, ở đó có nhà ông Nội với mấy cây keo thật to nhiều trái ở phía sau, trước nhà có lò bánh mì với những cái bánh mới ra lò nóng hổi dòn rụm, nhớ chiều chiều ông ngoại dẫn đám cháu ra biển thả diều, đem theo thức ăn nữa, nhớ bà ngoại mỗi sáng đi chợ về phát mỗi đứa một viên kẹo ú…Cứ thế tôi háo hức chờ ngày lên đường.
Không còn xe lửa vì hệ thống đường sắt đã bị tê liệt , cả nhà đi máy bay. Lần đầu tiên được đi máy bay. Đầu tiên là xe của Air Vietnam chở ra phi trường Phú Bài cách thành phố 15km về phía nam. Máy bay cánh quạt nhỏ, có tiếp viên đưa khay đầy kẹo mời, tôi thấy kẹo ham lắm nhưng nhát quá chỉ dám nhón lấy một viên! sau đó thấy có người bốc cả nắm mới tiếc!
Máy bay ghé phi trường Đà Nẵng, ở đây thấy tấp nập, nhộn nhịp máy bay đủ loại, vừa dân sự vừa quân sự, cứ nghe tiếng gầm rít ghê rợn! mấy người lớn nói đó là những phản lực cơ chiến đấu của không quân Mỹ mới đem qua, họ còn nói phi trường Đà Nẵng nay đã là một căn cứ không quân quan trọng nhất miền trung. Mấy chiếc máy bay này cứ lên xuống liên tục làm muốn điếc lỗ tai luôn! (1965 rồi, quân đội Mỹ ở Đà Nẵng rất nhiều, chiến tranh bắt đầu leo thang)
Tới Qui Nhơn. Tất cả đều không như tôi “mơ”! Gặp lại mấy anh chị họ, người nào cũng lớn lên nhiều, không còn thấy quen nữa! Tôi còn nhớ tới bữa ăn mấy anh chị nói chuyện rôm rả vui lắm, nhiều khi cãi nhau chí choé! Tôi để ý thấy bây giờ bà ngoại đi chợ về không còn phát kẹo ú nữa! không biết chương trình này chấm dứt hồi nào? Ông ngoại nằm liệt giường không nhúc nhích gì được sau tai nạn. Nhà ông Nội gần chợ bây giờ người ta bán hàng tràn lan rất ồn ào, mấy cây keo biến đâu mất hết thay vào đó là nhà cửa mọc kín.
Quy Nhơn lúc đó (1965) không còn êm đềm như trong trí tôi còn nhớ, thành phố thay đổi nhiều, ồn ào, xô bồ và đường phố quanh nhà đầy những Snack Bar, lính Mỹ đi đầy đường. Biển ít thấy ai ra chơi, dọc theo bờ biển là những khu quân sự chăng đầy thép gai, người dân cũng có vẻ tất bật. Tôi đâm ra nhớ khung cảnh ngoài Quảng Trị và Huế, những cây xanh bóng mát mà ở đây rất hiếm., nhà cửa đã mọc lên san sát, mấy quán bar sợ phá hoại, rào kín mít bằng lưới như cái lồng chim xấu xí.
Tôi còn nghe nhiều chuyện chả vui tí nào: vụ nổ sập lầu Việt Cường trước đó, rồi những vụ ném lựu đạn vô những nơi có lính Mỹ lui tới, rạp ciné cũng bị đặt bom! Thanh bình hầu như biến mất rồi! còn có danh từ rất lạ: nhím, từ này không hiểu do đâu, để chỉ những cô gái bán bar..còn nhiều thứ lạ nữa…
Rồi tôi phải đi học thêm ngay sau nhà để chuẩn bị vô lớp Nhất trường Ấu Triệu, không phải học lại trường Mai Xuân Thưởng là mừng rồi!
Bắt đầu đi học, trường này gần nên đi bộ với nhỏ Thanh Hồng kế bên, nhỏ này cũng học lớp Nhất nhưng khác lớp, lớp Nhất A còn tôi Nhất B, học ngày hai buổi, nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật.
Lớp toàn con gái và dễ thương hơn cái tụi ngoài Huế, tôi ngồi gần một nhỏ da ngăm ngăm như Ấn Độ tên là Mộng Thuý, đầu bàn là Bích Liên đội trưởng, rất dễ thương, trưởng lớp là Đường Sở Phân học giỏi viết chữ đẹp, nhưng người viết sổ luân hoán là Dương Xương Tích cũng người Tàu, bạn này viết chữ khỏi chê! ngoài ra tôi còn nhớ có Khánh Hà, Thuý Hà, Chiên, Phan thị Thanh, Kim Thoa, Bê…
Lúc đầu cô giáo là cô Kim Anh người nhỏ nhắn xinh xắn, còn trẻ, cô hay đi ngang nhà tôi, còn cô giáo lớp Nhất A là cô Bích vợ ông nha sĩ Đào, lớp này tôi còn nhớ có con gái cô là Liên Hương, Ái Ngâu, Quỳnh Hoa, Thuận (Gia Phước) Thoại, Việt Lan..Trưởng lớp là một con nhỏ da hơi ngăm tên Lê Thanh Hương, tay nó hay cầm cái lông công thấy thèm!
Còn lớp Nhất C nữa nhưng tôi chỉ nhớ một bạn lớp này là Vinh (Thanh Thanh) rất đẹp.
Có một chuyện mà tôi nghĩ chắc bạn nào học Ấu Triệu thời gian đó chắc khó quên, đó là chuyện em của bạn Lê Thanh Hương, nhỏ này tên Lê Thanh Thông, học dưới một lớp thì phải. Tôi nghe mấy bạn cứ xì xầm là nhỏ này là con trai, mà cũng đáng nghi thật, nó thường mặc quần tây dài, đội cái mũ nỉ của hướng đạo chứ chả bao giờ thấy măc áo đầm hay đội mũ kiểu con gái thường đội, nhất là tóc nó hớt ngắn như con trai, tên nó không phaỉ tên con trai là gì!? Nhưng chỉ xầm xì vậy thôi chứ không đứa nào dám hỏi thẳng chị nó cả! (bây giờ nghĩ lại thấy mắc cười thật, nếu nó là con trai thì mắc mớ gì phải học ở cái trường Nữ Tiểu Học này chứ!!) Tôi có lần đi ngang nhà nó rình xem thử ở nhà nó thế nào nhưng không thấy nó mà chỉ thấy trước sân có một con công, tôi ao ước có một cái lông công nhưng không biết làm sao!
Sau đó không lâu, có ba cô giáo mới ra trường (Sư Phạm Qui Nhơn) trường cho phụ trách 3 lớp Nhất này: Cô Bôi lớp Nhất A, Cô Hồng lớp Nhất B của tôi .Mấy cô này còn trẻ, mới ra trường nên vui vẻ lắm, cô Hồng hơi nghiêm, mắt hơi lồi, ốm, gốc Bắc. Khoảng nửa niên khoá, có con nhỏ tên Kim Cương ở đâu đổi về ngồi kế bên tôi, từ đó thân nhau ghê lắm, hay rủ nhau mặc quần áo giông giống (chả hạn cùng màu, hồi đó không mặc đồng phục), nhỏ này có nhiều trò hay hay, có bạn nào bày làm con sâu rọm, y như thật nha! lấy cây cỏ mọc hoang, quấn cái đầu có lông nhám quanh cái cọng, thế là được một con sâu rọm rất giống, thình lình đem dí vô mặt là đứa nào cũng hét lên!! haha…Tôi rất khoái con sâu này, nó đánh tan cái nỗi sợ con sâu đo ngày nào! (Gần trường có cái bãi đất trống của ty công chánh có nhiều cỏ này và hoa ti gôn)
Nhưng rồi chưa hết niên khoá mà bạn Kim Cương lại đổi đi, tôi buồn lắm nhưng không hiểu sao lúc đó chả có liên lạc gì, đến bấy giờ cũng không biết bạn ấy từ đâu tới, đi về đâu, chỉ nhớ hình như bạn ở trong nam hay Sài Gòn(?)
Trường Ấu Triệu ngày ấy phía sau hay bên hông gì đó có một cái sân cát, và ngay đó là bức tường có một cái gờ nhô ra khoảng một tấc, đây là chỗ học trò rất thích và cứ tới giờ ra chơi là leo lên cái gờ này, có bạn chơi trò ma da còn tụi lớp tôi thì chơi kiểu cố hất nhau xuống, đứa nào còn lại cuối cùng thì thắng! Tôi thường còn lại sau chứ ít khi rớt xuống trước! (Sau này học ở trường Nữ cũng có trò tương tự: qua bãi biển có cái ống dẫn dầu, cũng leo lên đó hất nhau xuống!)
Sân trước là chỗ chơi nhảy dây, lò cò, u quạ, ô làng…
Chuyện học bình thường chả có gì lạ, trừ môn làm luận ra thì môn nào tôi cũng thích, tôi thích bài dạy vẽ phối cảnh của cô, nó mới mẻ lắm, lấy bút chì đen tô, thấy hay lắm! lại còn được dạy cách đạp máy may nữa: ở văn phòng có một cái máy may (chắc hàng viện trợ), cô cho từng đội xuống xem cô dạy cách sử dụng, tôi cũng được ngồi lên đạp vài đường lả lướt, thích quá, từ đó ao ước nhà có máy may..Lại có môn Dưỡng Nhi thì phải, có lần cô Hồng đem vô lớp một con búp bê, đặt nằm trên bàn giáo viên, cô hỏi có em nào biết cách bế em bé! có mấy bạn giơ tay lên, bạn nào cũng xách em lên cái một, cô lắc đầu, cuối cùng bạn Nguyễn thị Bê lên, bạn này nhẹ nhàng để môt tay dưới cổ, rồi mới nâng lên, cô khen Bê làm đúng! cô giải thích phải đỡ cổ em bé vì cái cổ còn yếu lắm! Điều này mình nhớ tới bây giờ luôn đó! Còn có môn Khoa học thường thức dạy về mấy chứng bịnh như ghẻ ngứa, dịch tả, dịch hạch..rất thú vị. Thời ấy, những danh từ riêng nước ngoài thường không có phiên âm (như Pasteur, Yersin..) cô phải bày cho đọc, nhiều khi không nhớ phải về hỏi người lớn đọc cho đúng kẻo bị cười! tên nào cũng đọc theo kiểu Pháp!(bây giờ thấy người ta phiên âm nhiều khi thật buồn cười như Niu óc , Oa-sinh Tơn..)
Rồi có điều lạ tôi chưa hề biết: chuyện thực tập của giáo sinh sư phạm : cứ mỗi tuần lại thấy có hai người dạy thực tập mỗi lớp. Mấy người này vì là dạy để chấm điểm nên làm bài bản lắm, tôi còn nhớ có hai anh dạy bài Bình thông nhau họ làm dụng cụ để giảng rất hay, mấy cái ống nhựa trong làm thấy rõ mực nước nhuộm màu xanh đậm, nói chung là chuẩn bị bài giảng rất công phu chứ không học chay trên sách giáo khoa! lúc dạy thì cô giáo của lớp ngồi bên dưới quan sát và nhiều giáo sinh nữa! Lúc đầu tôi thấy chả sao nhưng sau đó rất ghét những giờ thực tập này! tôi chỉ thích học cô giáo của mình thôi! vì mấy giáo sinh này đến rồi đi, cho điểm lung tung và ..tôi không biết nữa nhưng nhớ là rất ghét, cứ mong cho qua lẹ để cô và lớp như cũ thôi, không muốn ai chen vào.
Năm này phải lo học để cuối năm thi vô đệ thất nên khi nhỏ Hồng hàng xóm rủ qua nhà nó học chung thầy kèm, mẹ tôi đồng ý liền, tôi chỉ còn nhớ “thầy” này da ngăm đen, nói nhiều và tôi cố gắng nghe thầy dạy môn làm luận chứ tôi dở món này lắm! Dạo đó mấy anh chị họ của tôi hay ghé nhà chơi vì nhà tôi có nhiều sách báo. Tôi khoe là đang học làm luận ông thầy này hay lắm, rồi tôi đưa mấy chị xem bài văn mẫu của thầy tả cây dừa mà tôi thấy hay vô cùng. Bỗng mấy bà này cười rú lên, cười bò lăn bò càng, tôi ngạc nhiên vì bài đó có gì mà cười chứ! Mấy bả đọc to: …Hàng dừa đứng dõng dạc..hahaha..Tôi ngơ ngác chả hiểu sao mấy chị lại cười! mấy chị cũng không giải thích! (bây giờ tôi cũng mắc cười quá hahaha..)
Có lần, trường thông báo học trò tập trung tại trường rồi cô dẫn ra sân vận động đón Đồng minh Đại Hàn. Ai cũng tò mò lắm, để coi cho biết Đại Hàn ra sao chứ tụi Mẽo thì thấy đầy đường: Mỹ trắng thì tôi nghĩ có lẽ là Mỹ đỏ thì đúng hơn, da người nào cũng đỏ hồng chứ trắng gì! nhất là trời nắng, anh nào anh nấy đỏ au như tôm luộc! còn Mỹ đen, có người đen ít có người sao mà đen bóng như cục than, lại mắt bự, trắng dã, môi thì dày, răng trắng ởn thấy sợ lắm!
Ngày đó học sinh nhiều trường được huy động đi đón lắm, đứng đầy sân vận động (chắc có nhiều đoàn thể như mọi khi ) sau thời gian cao su, đứng mỏi cẳng chán chê rồi thì mấy bạn cũng xuất hiện! Trời ạ! tưởng gì lạ, mấy cái bản mặt sao cũng y chang Việt Nam mình, cũng da vàng mũi tẹt, nhưng nhìn kỹ có mòi xấu hơn là khác: mắt ti hí, mặt thô thô, và họ hát tưng bừng! vậy mà tưởng gì lạ!
Sau đó mấy bạn Đại Hàn đồng minh thân thiết này cũng hay đi dạo tà tà ngắm cảnh phố phường đầy nắng bui và sờ nách ba! Tay bạn nào cũng cầm nguyên nải chuối (chắc nhà mấy bạn không có chuối!) còn nếu đi đông trên xe thì hát đồng ca rộn ràng phố phường!! Nhưng ai cũng công nhận mấy bạn này dễ thương có kỷ luật hơn mấy bạn Mẽo!
Đời sống đã khó khăn hơn, tiền mất giá và những người ăn theo Mỹ như làm sở Mỹ hay buôn bán hàng PX mới khấm khá, còn ai ăn lương nhà nước coi như chết dở! Mẹ tôi cũng bắt đầu kinh doanh buôn bán, không còn làm nội trợ nữa.(tôi không còn bị “khảo bài” mỗi tối). Lúc này ngoài người Mỹ ra còn có nhiều người Phi Luật Tân, Thái Lan, Đại Hàn.. làm cho mấy hãng thầu.
Dạo đó lính Đại hàn hay ra chợ Qui Nhơn mua máy móc hàng trong PS Mỹ tuồn ra, họ được đem về nước (lúc đó Hàn Quốc cũng nghèo như Việt Nam chứ có đâu như bây giờ) tớ nhớ lúc đó có nhiều cái đáng phục lắm như khi ba tôi mời thuốc lá, họ không hút nói rằng chỉ hút thuốc nội, hạn chế xài hàng ngoại! người nào trông cũng có vẻ mạnh khoẻ, kỹ luật.
Gần cuối niên khoá, mấy bạn rủ nhau đi học luyện thi đệ thất, tôi cũng đi theo Đường Sở Phân học lò Hai Ngô dưới biển, khu 2, học ở đây, thầy lúc nào cũng cầm roi, khiếp lắm nhưng thực ra chị đánh tụi con trai thôi, ở đây tôi có thêm rất nhiều bạn vì cùng đường ghé rủ nhau đi học rất vui, Hoài Xuân, Yến, Thuận, Việt Hoa, Lã Thị Hằng, Hương, Quỳnh Hoa…sau đó thân nhất với Thanh Hương, nhỏ này là trưởng lớp Nhất A, học giỏi, viết chữ đẹp.
Có lần, trường làm một tiết mục văn nghệ (hình như để thi với mấy trường khác?), mấy cô chọn từ 3 lớp nhất ra một số bạn để tập múa, tớôichỉ còn nhớ chia làm hai tốp, một nửa mặc đồ lính, một nữa làm em gái hậu phương tặng hoa cho mấy anh chiến sĩ! Tôi không còn nhớ rõ những bạn múa, chỉ còn nhớ Vinh Thanh Thanh làm Chiến sĩ còn tôi thì làm em gái hậu phương, mặc áo đầm, tôi ấm ức lắm vì thích làm chiến sĩ được mặc đồ lính oai hơn! Chuyện tập múa này kéo dài khá lâu và tôi thấy chán lắm, chỉ thích được về lớp học với các bạn thôi!
Rồi cuối cùng cũng tới ngày trình diễn, hình như ở rạp Kim Khánh thì phải, cái tiết mục tập tành khổ sở của bọn tôi không thành công lắm vì mấy em gái hậu phương không quen sân khấu lớn nên đi loạng choạng, trật nhịp hết! nhìn mặt mấy cô thì đủ biết! không được vui, nhưng mà cũng không bị la gì!!
Cuối năm, đứa nào cũng đi chụp hình 4×6 để làm hồ sơ thi vào đệ Thất. Lúc này mới có hình riêng rồi viết lưu bút, toàn là những lời sáo ơi là sáo..Riêng bạn Mộng Thuý thì tặng tôi hai tấm hình rồi từ giã đi theo gia đình vô nam.
Nghỉ học ở trường rồi, tôi chỉ còn đi học ở lò Hai Ngô chuẩn bị thi Đệ Thất. Lò luyện thi này buổi sáng học thật sớm, tôi nhớ trời còn tờ mờ phải lo dậy trong khi cả nhà còn ngủ, nhờ mấy bạn đi ngang gõ cửa chứ nếu không chắc tôi không dậy sớm được. Học sớm rồi cũng được về sớm, tôi và mấy bạn nữa chưa vội về mà lang thang dọc theo bãi biển xem người ta kéo lưới lên, có khi tới mùa hay sao mà có rất nhiều trứng cá chuồn(?) hình như thứ này quý lắm vì thấy người ta bu lại mua đông lắm, có mấy đứa con nít chen vào thò tay bốc ăn tại chỗ!
Cái lò Hai Ngô này, không được kêu người dạy là Thầy mà kêu là anh, anh Hai Ngô, anh Bốn..Tuy có xài roi vọt nhưng nói chung cũng rất hiệu quả, Nhờ nơi này tôi đã học được nhiều về các loại toán, việt văn.và nhất là đã rất thân với bạn Lê Thanh Hương nhờ sáng sáng bạn rủ tôi đi học. Hai đưa tôi lúc nào cũng ngồi bên nhau, đi đâu cũng có nhau và khỏi nói, Hương cho tôi mấy cái lông công lận! nó còn cho tôi xem một cái quạt làm bằng những lông công thật lộng lẫy! Bạn cho biết con công mỗi ngày rụng một cái lông đuôi chứ không phải rứt ra. (trước đó có người cho ba Hương một cặp, nhưng con mái đã bị mất rồi) và.. tôi cũng vẫn không dám hỏi bạn là Thanh Thông là con trai hay con gái!
Thi đệ Thất xong, coi như rảnh rang, trưa trưa sau khi xong chuyện nhà và cả nhà đều ngủ trưa, tôi hay chạy đến nhà Thuận Gia Phước chơi, nhà nó có nhiều anh em và đều đi Gia đình Phật tử nên, hay hát hò vui vẻ. Thời gian chờ đợi kết quả thật hồi hộp. Sau đó, vui mừng vì đã đậu, cả bọn rủ nhau đi làm thủ tục nhập hoc (chứ không có phụ huynh lo từng tí như bây giờ!). Nhưng có điều tôi không ngờ tới là mấy bạn hay đi chung và Thanh Hương đều học lớp Thất 3 còn tôi vô lớp Thất 2!
Bắt đầu một giai đoạn mới trong đời học sinh..
Bồng Sơn
Thanks!
Cám ơn chị Bồng Sơn!
Lại thêm một viết xuất sắc nữa, nhứt là về Qui Nhơn với vài cái tên quen thuộc: Khánh Hà, Vinh Thanh Thanh, Hai Ngô, trường Ấu Triệu…
Nhờ đọc bài mới biết tới môn Dưỡng Sinh, và nhớ tới mấy quý giáo sinh SPQN vô thực tâp hồi đó …
Bài không chèn một tấm hình nào, nhưng người đọc thấy vô số là hình ảnh cũ!
Rán viết bài tiếp cho lẹ 🙂
H.
RE: Những mảnh vụn ký ức – Qui Nhơn 1965
Bồng Sơn,
Bài viết thật hay, thời tiểu học của bạn mà sao như cũng thấy có mình trong đó. Cám ơn đã nhắc lại những hình ảnh thật xa, D quên gần hết, bây giờ được “thấy” lại. Thật vui.
nd
RE: Những mảnh vụn ký ức – Qui Nhơn 1965
Bồng Sơn ơi, mình rất nể bạn vì trí nhớ super của bạn đó 😛 Bạn từ Huế vào Quy Nhơn trước mình 2 năm. Lúc đó hình như mình chưa để ý gì nhiều đến chung quanh. Còn bạn sao mà nhớ nhiều chi tiết hay quá! Nhớ tận hồi lớp Nhất rõ mồn một như xem phim vậy ta? Còn nhỏ, mà cũng không quên cả thời “chinh chiến” với đám lính Mỹ, lính Đại Hàn đầy nhóc Quy Nhơn ngày ấy.
Bạn kể chuyện rất có duyên! Mình thích nghe lắm đó – để nhớ lại một thời tuổi nhỏ của tụi mình ở Quy Nhơn. Cảm ơn bạn đã chia sẻ ở đây. Mong được đọc nhiều hơn!
Những mảnh vụn ký ức: Qui Nhơn 1965
Đọc bài viết của bạn ,đã cho mình ngược thời gian về thời thơ ấu với bao vui buồn lẫn sợ hãi…Cảm ơn bạn.
RE: Những mảnh vụn ký ức: Qui Nhơn 1965
Bồng Sơn ơi,
Mình đọc những gì bạn viết và thấy cả một trời tuổi nhỏ của mình trong đó…
RE: Những mảnh vụn ký ức: Qui Nhơn 1965
Cám ơn mấy bạn đã chia sẻ.
Thật ra mình không nhớ nhiều một lúc đâu, cứ ngồi gõ thì nó lại hiện ra thêm, còn một vài chuyện nữa mà thôi, kể nhiều quá nhàm lắm
Hạnh, môn Dưỡng Nhi chứ không phải Dưỡng Sinh, đây là môn dạy cách chăm sóc trẻ. Thời ấy con trai không “bị” học môn này và môn nữ công nên rảnh hơn con gái!(bất công quá!)hihi..
Đang ráng đây chứ không có chiên rán gì!
RE: Những mảnh vụn ký ức: Qui Nhơn 1965
Chị Bồng Sơn ơi,
Sao mỗi lần đọc bài của chị nói về Qui Nhơn Bình Định là em thấy lòng em tràn ngập mến thương! Những địa danh, những cái tên nghe quen quen của một thời cứ làm mình xốn xang chị ạ.
Em thật sự ngưỡng mộ trí nhớ đến vô cùng của chị. Nó như một cuốn phim quay ngược thời gian, hiện rõ từng tên đường, tên người…ở góc này, hay ở góc kia của thành phố biển của chúng ta và cả những tình cảm nồng nàn mà chị đã thổi vào với một giọng kể đơn giản mà chân tình, nhẹ nhàng mà sắc bén ở góc độ nào đấy, chút suy tư ở chỗ này, chút hạnh phúc ở chỗ kia…Vậy đó mà em đã đọc một mạch và tiếc ngẩn ngơ bởi chị hay ngừng nửa chừng…có lẽ mạch chảy đã ngừng hay chị muốn dành cho độc giả sự chờ mong…Bài viết nào của chị cũng dẫn dắt người đọc đi suốt một đoạn đường cùng chị…Mong đọc thêm! Cảm ơn chị. KT
Gửi chị xem tấm hình mới chụp một góc biển ở Bồng Sơn mình.
[img]http://thumbp6-ne1.thumb.mail.yahoo.com/tn?sid=2796387714&mid=AHJXimIAAHZ8UCQBRgtK3WalbC0&midoffset=2_0_0_1_8115582&partid=2&f=1256&fid=Inbox&w=717&h=478&httperr=1[/img]
RE: Những mảnh vụn ký ức: Qui Nhơn 1965
Kim Tiến mến.
Rất mừng khi thấy những hình Tiến ở ĐH Houston vừa rồi, nhỏ nhắn, tươi tắn!
Tiến ơi, cứ đọc ở đâu có chữ Bình Định, Qui Nhơn hay ra đường thoạt nghe được giọng BĐ là chị bồi hồi lắm.
Chị hay ngừng nửa chừng vì phải sắp xếp những mảnh vụn lại cho nó trật tự và còn phải hỏi lại bạn bè thử có đúng như vậy không, những chuyện đã qua phải chính xác chứ không bị..cười đó!
Bồng Sơn thì chị không biết nhiều vì đã rời nó từ khi quá nhỏ, chỉ còn nhớ nhất cây cầu gỗ mà nghe đâu nó đã không còn!
Chúc Tiến luôn vui khoẻ nha!
Tìm bạn cũ
Chào Chị Bồng Sơn,
Những Mảnh Vụn Ký Ức của Chị thật hay! Cám ơn BS.
Chị còn những hình ảnh nào về Vinh (Thanh Thanh) hay Khánh Hà không? Nếu có xin cho xem nhé?
Trong bài viết chị nhắc tới Quỳnh Hoa. Tôi kiếm cô này hơn 15 năm rồi. Có phải Trần Thị Quỳnh Hoa không chị? Nếu chị BS có email hay telephone. Xin chị cho phép Tôi liên lạc.
Cám ơn Chị
Tìm bạn cũ
Anh TTDung mến
Xin lỗi vì hôm nay mới biết tin nhắn này của anh. Về Vinh TT hay Khánh Hà thì tôi không có hình ngày xưa, chỉ có hình bây giờ thôi
Còn Quỳnh Hoa mà tôi nhắc đến trong bài có họ Đặng chứ không phải họ Trần và đang sống ở Mỹ hơn 20 năm rồi nên chắc không phải là người anh tìm.
Anh có thể liên lạc với admin để biết email của tôi nếu muốn liên lạc.
Chúc anh sớm tìm được bạn