Hoàng thành Huế
Tháng 3, 2011
Tôi lại trở về thăm Huế sau hơn 37 năm xa cách – tính cho lần trở về thăm quê cũ vào mùa hè năm 1974.
Máy bay đáp xuống đường băng sân bay Phú Bài trong đêm giữa tháng ba. Giọng cô tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vang lên trong loa “Máy bay đang đáp xuống phi trường Phú Bài. Xin quý khách vui lòng thắt chặt dây an toàn. Nhiệt độ bên ngoài là 15 độ C”… Tôi cài lại nút áo khoác, thầm nghĩ có lẽ là sẽ lạnh đây, khi tôi vừa từ Sài gòn đi nhiệt độ đang là 24 độ C.
Và Huế lại đón tôi với cơn mưa phùn ban đêm, nhẹ nhưng dai dẳng. Cơn mưa trái mùa do áp thấp nhiệt đới chứ bây giờ chưa phải là mùa mưa ở Huế. Mặt đường loang loáng nước. Gió thoảng lạnh. Chị bạn đi cùng gọi cho chồng đang ở Sài gòn “Anh ơi, Huế đang mưa”. Anh trả lời “Mưa mới là Huế đó em ơi”! Đêm tối, sân bay nhỏ vắng người, những ngọn đèn hắt hiu thật trái ngược với khung cảnh rộn ràng ở phi trường Tân sơn Nhất. Nhưng .. vậy mới là Huế!
Chúng tôi lên xe taxi về khách sạn. Từ Phú Bài về thành phố 15 km, mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Xe chạy qua những con đường âm u. Đêm khá lạnh. Mưa vẫn rơi không ngớt.
Sáng hôm sau thức giấc trong tiếng mưa rơi rả rích trên mái nhà. Ngoài cửa sổ là bầu trời xám ngắt. Cây bàng lá đỏ xòe tán rộng trên mái ngói cổ là hình ảnh đẹp đầu tiên tôi nhìn thấy vào một ngày mới ở Huế. Chúng tôi bắt đầu đi thăm thành phố dù trời mưa suốt ngày hôm ấy. Đầu tiên là mấy chị em phải đến ngay đường Lý Thường Kiệt để ngắm lại ngôi nhà cũ có vườn hoa “anh đào” trong mơ. Chúng tôi đi ngang qua Ngân hàng Nhà nước Huế, ngày xưa đây là Ty Ngân Khố Huế nơi ba tôi làm việc và cả gia đình tôi đã ở từ khoảng năm 1960 đến 1964. Đó là một tòa lâu đài xây theo kiểu Pháp đã gần một thế kỷ với hành lang gỗ lớn uốn cong hai bên lối vào bên trong nhà. Khu vườn rộng trồng toàn hoa sứ trắng, ban đêm thơm nồng nàn. Những căn phòng lớn và hành lang, sân thượng rộng thênh thang. Hay bởi vì lúc đó tôi còn nhỏ nên cái gì cũng to lớn, nguy nga? Nhưng nó rất thích hợp để anh em tôi chơi trò trốn tìm. Một khi mà trốn rồi thì khó mà tìm ra! Ngày nay tòa lâu đài cũ đã được xây lại với kiến trúc mới và nhiều tầng hơn.
Kế bên là Bưu điện thành phố, cũng rất lớn. Bên kia đường là trường tiểu học Lê Lợi, nơi tôi đã mài đũng quần suốt những năm tiểu học. Nhớ một vài khuôn mặt bạn nhỏ ngày ấy. Bây giờ các bạn ở đâu, đi đâu, làm gì? Những Huấn, Kiều Thu, Đạt .. tôi chẳng còn tin tức của một ai trong lớp học ngày xưa của mình. Ngày đó tôi thân với Kiều Thu, còn Huấn là người bạn trai thường ra tay giúp đỡ những lúc tôi gặp khó khăn, chẳng hạn giờ thủ công thầy bảo tìm đất sét nặn hình cây quả, tôi không sao lội xuống ruộng mà móc đất sét, vậy mà bạn đã hiên ngang lội tìm đâu đó tặng tôi một cục đất sét thật to! Hoặc có khi thầy bảo tìm cây tre để làm gì đó tôi không nhớ, trong khi tôi không biết tìm tre ở đâu, làm sao mà đốn, thì bạn đã dũng cảm vác đến cho tôi cả một nhành tre dài xum xuê. Và còn nhiều sự giúp đỡ khác nữa mà tôi đã cho rằng bạn là một “anh hùng”. Thế nhưng có những buổi chiều nghỉ học, “anh hùng” hay đến nhà tôi nhưng không dám vào vì nhà tôi có nuôi một con chó berger rất dữ, tôi thì không dám đón bạn vào chơi vì sợ ba mắng. Đã lâu quá rồi, nhưng mỗi khi nhớ về năm tháng tiểu học tôi lại nhớ đến bạn.
Đi tiếp con đường tìm số nhà 14- Lý Thường Kiệt, cũng chẳng tìm ra nữa. Nguyên khu lớn từ nhà cũ của chúng tôi đến ngã tư cuối đường đều đã bị đập tan tành và đang trong dự án xây trung tâm thương mại. Cái ao rau muống ngày xưa đêm đêm vang tiếng ếch kêu uềnh uệch và ngày mưa cá rô nhảy lổm xổm ven bờ cũng đã biến mất, thay vào đó là một con đường tráng nhựa hiện đại, với những tòa nhà cao tầng hai bên. Chị em tôi đi tới đi lui nhiều vòng, cố tìm lại chút dấu vết xưa còn lại nhưng không thấy gì nữa. Buồn. Tiếc. Dù biết là điều mình nuối tiếc thật vô lý vì thời gian đã xa quá lâu rồi.
Trời vẫn mưa. Trên đường những chiếc xe vội vã lướt qua trên con đường đã được mở rộng và trở thành một trong những con đường đẹp của thành phố. Người đi đường khoác áo mưa lầm lũi đi. Trời mưa nên đường càng vắng. Chị em tôi lại đi tìm đến ngôi trường thời trung học, trường Đồng Khánh. Ngôi trường trong mưa lại càng như trong mơ. Trường thành lập từ năm 1917, bao lâu vẫn mang tên Đồng Khánh, sau 1975 đổi tên là trường Hai Bà Trưng. Tôi không biết thế hệ sau này có thích tên Hai Bà Trưng không, và dù Hai Bà Trưng luôn là nhị vị nữ anh hùng dân tộc lừng lẫy, tôi vẫn cứ tin rằng cái tên trường Đồng Khánh vẫn được nhiều người biết đến, nhớ đến, gắn liền với hàng trăm năm với nhiều kỷ niệm thiêng liêng đã qua. Dù chỉ được học ở ngôi trường nổi tiếng này chỉ có một năm đệ thất, nhưng ngày ấy thi đậu được vào học trường này không phải dễ, nhất là được lọt vào trong hạng “top ten” như tôi, thì cũng hãnh diện vậy! Tôi nhớ một vài thầy cô giáo. Cô Kim Cúc nghiêm khắc trong giờ dạy Pháp văn và nữ công. Thầy Đinh Cường đặc biệt “cưng” tôi trong giờ vẽ. Tôi cho là vậy là vì lúc đó thầy hay cầm bài vẽ của tôi để đi khoe với các lớp khác, và luôn sẵn sàng cho tôi điểm 20/20.
Ngôi trường ngày xưa nay vẫn còn nguyên hiện trạng, thật rộng lớn và có sơn quét mới nên vẫn còn rất đẹp. Con đường vào trường có hai hàng cây và ghế đá thật thơ mộng. Những dãy hành lang mênh mông. Lớp học với nhiều cửa sổ, nhìn qua khe cửa thấy nhiều lớp vẫn đang trong giờ học. Lạ một điều là sao lặng yên quá. Không một tiếng động vang ra từ các phòng học mà chỉ có tiếng gió xào xạc, tiếng mưa tí tách rơi trên mái lá. Khu vườn trồng rất nhiều cây bàng, đang mùa xuân nên lá bàng tươi non xanh ngắt. Mà cứ nhìn thấy cây bàng là tôi lại nhớ đến “Nhặt lá bàng” của Nhất Linh khi hai chị em đứa bé đi nhặt lá bàng đã “cầu giời, gió lên, gió nữa lên”… cho lá bàng rụng nhiều.
Chị em tôi đã bâng khuâng khá lâu ở trường cũ. Với chị hai của tôi, kỷ niệm đầy ắp hơn tôi nhiều vì năm xa Huế vào Qui nhơn cùng gia đình, chị đã học xong lớp đệ tam. Một nhóm người từ trong dãy phòng học đi ra. Họ nhận ra nhau. Hóa ra đây là nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh nay trở về họp bàn về cuộc gặp mặt hàng năm được tổ chức tại trường. Năm nay là vào chiều thứ bảy ngày 19/3. Dưới cơn mưa lất phất, các chị mặc par-dessus, che dù, đứng tụm vào nhau nhẹ nhàng nói chuyện, vẫn rất sang trọng quý phái theo kiểu Huế!
Về thăm trường xưa
Ôi ngôi trường có thâm niên hàng trăm năm, từng đào tạo nhiều thế hệ bà, mẹ gương mẫu, đảm đang cho xứ Huế. Người chị lớn nhất của chúng tôi đã trải qua suốt thời trung học tại ngôi trường này. Tôi nhỏ hơn chị đến 9 tuổi nhưng những gì tôi còn nhớ về chị là chị học rất giỏi, vẽ đẹp và thích viết văn. Ngày ấy tôi thường được xem những bức họa chị vẽ vào tập vở và viết truyện theo phong cách bà Tùng Long, một nữ văn sĩ được ưa chuộng từ những thập niên 60, 70. Tôi cũng có ít nhiều ảnh hưởng từ chị, ngồi đâu tôi vẽ đó, và cũng tập tành viết truyện ngắn, đoản văn từ những năm tiểu học, mà các em tôi và cả mẹ tôi là .. độc giả trung thành, “tác phẩm” nào viết xong là cả nhà đều hưởng ứng! Có lần mẹ tôi bảo đọc một truyện ngắn về những đứa bé mồ côi mà tôi viết năm lớp 5, bà đã khóc! Nhưng về sau văn chương không phải là nghiệp của tôi, dù lên trung học và cả đại học tôi đã theo ban văn chương.
Vào năm lớp 12, người chị lớn của chúng tôi lâm trọng bệnh, căn bệnh ung thư xương. Mẹ tôi bỏ hết công việc gia đình, đàn con nhỏ ở Huế để đem chị tôi vào Sài gòn chữa bệnh. Các bác sĩ Pháp ở bệnh viện Grall nói rằng chỉ có cách đưa chị sang Pháp cưa bỏ phần chân bị ung thư. Nhưng như thế chị sẽ tàn tật cả cuộc đời còn lại. Ba mẹ tôi rất đau khổ. Sau đó mẹ tôi quyết định đem chị về lại Huế, rồi trong lúc chị nằm bệnh viện, bà điên cuồng đi từ chùa này đến am tự khác, kể cả đồng cốt mê tín, ai chỉ đâu bà đi đến đó, đem về nhiều thuốc tiên, nước phép cho chị uống, chỉ mong một phép lạ từ ơn trên có thể làm cho chị lành bệnh. Tôi được đi theo mẹ rất nhiều trong những dịp ấy, tuy chưa hiểu nhiều nhưng có lẽ bao nhiêu đau khổ từ mẹ, sự đau đớn của người chị thân yêu trên giường bệnh trong cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái làm tôi cũng vô cùng tin cậy vào phép lạ của trời phật. Trong giấc mơ, những hình ảnh tâm linh cũng đã hiện về với tôi nhiều lần, và cũng có một vài chuyện trùng hợp với hiện thực mà cho đến bây giờ tôi cũng không sao giải thích nổi.
Vậy mà chị tôi, những lúc nằm trên giường bệnh, vẫn đòi được học. Bài vở được thầy cô, bạn bè chị đem đến. Cho đến ngày thi Tú tài Toàn phần chị cũng đòi được dìu đi thi. Sau cuộc thi, chị vào bệnh viện nằm luôn. Tôi nghe rằng những lần bác sĩ lấy nước ra từ tủy xương của chị, chị rất đau đớn, cả nhà ai cũng khóc. Tôi cũng không quên ngày có kết quả thi, khi được báo tin thi đỗ, chị đã nhoẻn miệng cười sung sướng lúc đang nằm vùi trên giường bệnh. Không lâu sau đó, một đêm mẹ tôi mơ thấy đến một ngôi chùa có vị trụ trì và 4 chú tiểu theo sau ra tiếp đón. Sáng thức dậy, bỗng có hai người bạn của cha tôi ghé thăm và khuyên nên đem chị lên một ngôi chùa mà thầy trụ trì chùa ấy chữa bệnh rất hay. Những ngày ấy, chị nằm trên giường bệnh không thở nổi. Bệnh viện đã tuyệt vọng, ba mẹ tôi đành đưa chị lên chùa. Đó là chùa Phổ Tế, một ngôi chùa nhỏ nằm trên đồi Nam Giao, khá xa và vắng vẻ. Thật kỳ lạ, khi đến chùa, chị bỗng tỉnh táo hẳn lại, còn đòi ăn cơm. Chị nói với mẹ tôi “Con muốn ở lại đây mãi mẹ ơi!” Trong lúc thầy trụ trì khám bệnh, bốc thuốc cho chị, mẹ tôi lên điện chính lễ Phật, đọc kinh. Chị khỏe được khoảng 2 ngày rồi mất trong giấc ngủ êm, là một trường hợp ngoại lệ được chôn cất tại khu đất của nhà chùa. Nghe các ni cô trong chùa kể lại rằng, 49 ngày sau, đêm nghe tiếng chó sủa, có ni cô đã thấy chị về, mang theo mùi hoa huệ thơm ngát. Nhiều năm sau, lúc gia đình tôi đã vào Qui Nhơn khi ba tôi chuyển công tác, có lần mẹ tôi về ghé thăm chùa, mẹ đã thấy sư thầy đón chờ mẹ bên khay trà nóng. Ngạc nhiên vì sao thầy biết, sư thầy trả lời đêm qua thầy mơ thấy chị tôi về, hớn hở khoe rằng “Ngày mai mẹ đến thăm con!”
Sau 1975, gia đình tôi chuyển về ở hẳn Sài gòn. Khoảng năm 2000 phần đất nhà chùa bị quy hoạch nên tất cả mộ đều phải cải táng. Mẹ tôi muốn đem chị về Sài gòn cho gần với mộ ba tôi ở Gò Dưa, Thủ Đức. Ngày bốc mộ, ông anh bà con kể chị không chịu đi, anh phải khấn vái lắm chị mới cho cái túi xách đựng hài cốt của chị trở nên nhẹ hẳn anh mới xách lên được. Anh chở chị trên xe gắn máy, chạy một vòng thành phố Huế và đặc biệt phải đi ngang qua trường Đồng Khánh để chị tôi chào vĩnh biệt ngôi trường thân thương.
Trước mặt trường Đồng Khánh là dòng sông Hương lững lờ trôi. Ngày xưa lúc cầu mới chưa xây, vẫn có những con đò đưa học trò từ bên kia sông qua bên này sông, và ngược lại. Những tà áo trắng lúc tan trường tung bay như cánh bướm khắp các ngã đường, dọc bờ sông. Bên trái trường Đồng Khánh là trường Quốc Học, được xây dựng trước đó khoảng 20 năm vào năm 1896 dành cho nam sinh. Nếu trường Quốc Học đã từng đào tạo nhiều thế hệ học sinh ưu tú sau trở thành những lãnh tụ, giáo sư, bác sĩ, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của đất nước, thì trường Đồng Khánh cũng đã đào tạo nhiều thế hệ phụ nữ kiểu mẫu đảm đang, gan dạ, tài giỏi không kém. Hai ngôi trường Đồng Khánh và Quốc Học ngày ấy đều thuộc hàng uy tín vào bậc nhất miền Trung, một bên trường nữ một bên trường nam, chỉ cách nhau một con đường mang tên Nguyễn Trường Tộ, một nhà Nho, vị quan sáng suốt dưới thời Vua Tự Đức đã dâng vua bản điều trần đề đạt việc cải tiến văn hóa, canh tân đất nước để theo kịp nền văn minh kỹ thuật của Tây phương.
Cũng từ trường Đồng Khánh, nhìn sang bên kia bờ sông Hương là kỳ đài Huế hùng vĩ với lá cờ phất phới xa xa. Nếu bên này sông Hương là thời hiện đại với trung tâm chính trị, văn hóa, hành chính, kỹ thuật, y tế v.v. thì bên kia sông ấy là một thế giới khác rồi, là thời quá khứ cùng lịch sử xa xưa với cung điện, lăng tẩm. Các vua chúa triều Nguyễn đều xây cho mình những lăng tẩm nguy nga. Vua Gia Long với Thiên Thọ lăng, chu vi lên đến 11.234 m2. Hiếu lăng do vua Thiệu Trị xây thờ Vua cha Minh Mạng, huy động hơn 10.000 thợ và binh lính xây dựng trong suốt 3 năm từ 1840-1843. Vua Tự Đức với Khiêm lăng, xây dựng 1864-1867 trong lúc vua đang còn sống, nhưng đến 1873 mới hoàn thành, là một trong những lăng tẩm đẹp nhất, tốn công tốn của để xây dựng nhất mà khi mới khởi công xây dựng, nhà vua đã lấy tên Vạn Niên Cơ với mong muốn được trường tồn, nhưng công việc xây dựng quá cực khổ đến nỗi dân chúng đã ta thán ” Vạn Niên là Vạn Niên nào, Thành xây xương lính hào đào máu dân”… và đã dẫn đến cuộc đảo chính “giặc Chày Vôi”. Sau vụ này, Vua đổi tên là Khiêm Cung và phải viết biểu trần tình, tạ tội. Ngoài ra còn có các lăng Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định. Riêng lăng Khải Định, tuy diện tích có phần nhỏ hơn các lăng tẩm các vua tiền nhiệm, nhưng về xây dựng kéo dài 11 năm rất công phu và tốn kém, sử dụng nhiều vật liệu nhập từ Pháp, Trung hoa, Nhật bản… và phong cách kiến trúc không theo truyền thống mà mang rõ dấu ấn từ sự giao thoa 2 nền văn hóa Đông Tây.
Hầu hết các lăng tẩm đều chọn những vị trí đẹp trên những ngọn đồi, lòng thung lũng, vừa phù hợp với phong thủy vừa có cảnh quan thi vị hữu tình với những rừng thông, sông suối, đồng cỏ bao quanh. Dường như lăng tẩm các vua triều Nguyễn đặc biệt yêu thích những cây sứ cùi nên cho trồng rất nhiều. Những cây sứ cổ thụ sần sùi, cành nhánh khúc khuỷu, vươn dài bên những đền đài thành quách cổ rêu phong càng làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm, thiêng liêng và cổ kính. Người Huế gọi tên sứ cùi thật hình tượng, vì mỗi lần đổi mùa cây rụng lá, cành cây trụi lủi như “cùi” vậy. Cây còn có tên gọi là cây Đại, tên khoa học là Plumeria rubra. Hoa có mùi thơm, dùng để thờ cúng. Đẹp nhất là vườn sứ lăng Tự Đức và trong Đại nội. Tôi đã mê mẩn các vườn sứ ở đây. Lại nghĩ, loại cây này đẹp quá hèn chi mà một họa sĩ Huế, họa sĩ Hồ Hoàng Đài, thường đưa hình ảnh cây sứ cùi vào tranh của ông, từ tranh sơn mài, đến dán giấy, đặc biệt khi ông tạo những tác phẩm về đề tài Hoàng thành.
Vườn sứ Đại nội Huế
Một loại cây gắn bó với Huế nữa vào mùa hè là phượng vỹ đỏ, thường ta vẫn nhìn thấy trên những postcard về sông Hương. Lần này tôi phát hiện thêm trên những con đường ở Huế còn có nhiều cây bằng lăng tím, hoàng hậu ( hay móng bò ) tím, sao tím, đều nở hoa màu tím nên cảnh Huế càng thêm phong phú nhiều sắc tím.
Chúng tôi cũng đã vượt đường xa đến viếng đền Huyền Trân. Đó là một ngôi đền khá đẹp vừa mới được đại trùng tu cách đây mấy năm, với rồng chầu hai bên dài 108 m, nằm trên đỉnh núi Ngũ Phong, phong cảnh hữu tình. Vì sao có Huế, hẳn phải nhắc đến lịch sử hơn 700 năm trước, có một nàng công chúa bé nhỏ đã mang sứ mệnh cao cả đi lấy chồng xa đổi lấy 2 châu Ô, Lý ( Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế ) để mở rộng cõi bờ nước Nam mà vua Chiêm Thành, Chế Mân, đã dâng vua Trần làm sính lễ. Nàng từng ai oán khóc than lúc chia ly:
“Nước non ngàn dặm ra đi…
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?…”
Đền thờ Huyền Trân Công chúa
Hàng loạt lăng tẩm ở Huế vẫn còn như lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định v.v.. thuộc quần thể di tích cố đô Huế cũng đã và đang được đưa vào trùng tu. Không biết mức độ đến đâu nhưng lần này đi thăm qua các lăng tẩm, thấy nhiều nơi vẫn còn hoang tàn, đổ nát. Bao quanh Hoàng thành là các hào đào, ngày xưa tôi nhớ có sen nở nhưng nay khô cạn bởi vì không phải mùa sen, hay người ta đã không muốn trồng sen? Trời mưa đã buồn, cảnh vật khá tiêu điều càng thêm buồn…
Nhìn chung, có nhiều đổi thay trong lần trở về này mà tôi nhận thấy. Nhiều con đường mở rộng. Khách sạn, nhà hàng, cao ốc sang trọng mọc lên nhiều. Tuy chưa lần nào về Huế đúng các dịp Festival nhưng qua báo chí cũng biết rằng những Festival ở Huế đã được tổ chức rất quy mô, đầy màu sắc và thu hút được nhiều du khách từ nơi khác đến.
Vẫn là mưa giăng trên những nhánh cây sầu đông. Đứng nhìn mưa rơi trên dòng sông Hương tôi cảm thấy dường như vẫn là nỗi buồn tương tư ấy, nỗi buồn về quá khứ ấy, dù cuộc sống có phần khác hơn, mới hơn.. Mà sao tôi vẫn có cảm giác dường như tâm hồn, mơ ước của xứ Huế và khả năng thực hiện để thay đổi ở nơi chốn này vẫn còn là khoảng cách quá xa. Có phải do con người Huế đa phần còn mang nặng tư tưởng hoài cổ, sự hãnh diện, lòng tự trọng của người ở chốn kinh đô, nơi sống của tầng lớp đế vương, công hầu khanh tướng, tao nhân mặc khách một thời vàng son đã qua? Điều này có lẽ cũng có thể nhận thấy chỉ riêng qua chuyện ẩm thực cầu kỳ, có thể nói là cầu kỳ nhất Việt Nam khi được liệt kê ẩm thực Việt Nam gồm khoảng 1.700 món thì riêng Huế đã có đến 1.300 món ăn cung đình, dân gian và món ăn chay, và tên gọi thì thường rất hoa mỹ để thu hút thực khách. Những bữa ăn thông thường cũng có nhiều món, mỗi món dọn trong những chén, dĩa nhỏ xíu, như những chén bánh bèo chỉ đủ lọt giữa 2 ngón tay, những chung trà đường kính không lớn hơn 3 cm. Nếu ai quen ăn uống tự nhiên theo kiểu người Nam sẽ có thể cảm thấy hơi khó chịu, khi phải ăn uống dè dặt đến thế. Tuy nhiên, dù trong suy nghĩ của nhiều người là thức ăn Huế rất ngon, và bằng chứng là trong gia đình thì mẹ và chị tôi nấu ăn món Huế tuyệt vời, thì lần này trở về tôi lại thấy thất vọng. Chị tôi cũng cùng một suy nghĩ. Hay bởi vì mình xa Huế lâu quá rồi nên bây giờ về không biết những quán ăn ngon? Chúng tôi hỏi nhiều người quen, bạn cũ và cả ở khách sạn những quán ăn ngon nổi tiếng, thế nhưng khi đến các quán ăn ấy hai chị em lại thất vọng vì nó không ngon như đã được giới thiệu. Có ai đó đã nói: “Muốn ăn bún bò Huế ngon, phải vào .. Sài gòn”!
Trong một gia đình người bạn cũ mà tôi ghé thăm, ngày xưa vốn gốc con nhà quan, cháu chắt mấy đời chi đó của Tuy Lý Vương, nhà thơ nổi tiếng ( Văn như Siêu Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường ), một trong 78 hoàng tử của Vua Minh Mạng, ngày nay có phần thay đổi do con đường trước mặt nhà được quy hoạch mở rộng, tiền đền bù đủ để họ xây một ngôi nhà ba tầng thật lớn bên cạnh căn nhà cổ, để cả dòng họ cha mẹ ông bà, con cháu, các cô dì không chồng con cùng sống chung với nhau. Nhưng khi bước vào căn nhà cổ, hình ảnh cả đại gia đình đang ngồi quanh bàn ăn cơm, đầu đội mũ len đen, áo ấm đen, lặng lẽ trong bữa ăn đột nhiên làm tôi hơi nghẹt thở, chợt nghĩ đến một vài hình ảnh tương tự trong phim “The Others” (*) và thoáng có cảm tưởng ở đây .. lại là một thế giới khác!
Bà mẹ người bạn lại kể về quá khứ, rằng các chị em bà vốn tiểu thư con quan thượng thư, ngày xưa đi học trường Đồng Khánh bằng xe kéo mỗi ngày, không biết yêu là gì, lớn lên được gả cho một công tử cũng con quan thượng thư khác, ngày cưới mới nhìn thấy mặt nhau. Bà cười: “May mà không ai .. đui mè quẻ sứt”! Tuy không đến với nhau vì tình yêu, nhưng năm bà 30 tuổi, chồng tập kết ra miền Bắc, bà ở lại một mình nuôi ba con, chống đỡ với bao nhiêu khó khăn nuôi con khôn lớn cho đến ngày gặp lại ông. Dù đang bệnh sau cơn tai biến và đã trên 80 tuổi, bà vẫn quán xuyến, chỉ huy mọi việc trong gia đình. Người con trai lớn trên 60 tuổi vẫn không được tự ý định đoạt chuyện gì trong nhà mà vẫn phải trình mẹ mọi điều. Cách bà nói chuyện rất sắc sảo khiến chị tôi chắt lưỡi nói rằng “Bà còn quá sắc sảo như vậy làm sao con bà lớn cho được!” Tôi nói đùa với chị “May mà chị không phải làm dâu của bà!”
Tôi lại thắc mắc tự hỏi “Sao mà lắm con quan thượng thư thế?” khi đa số các bạn của chị tôi, hay từ những người mà tôi biết đến, hễ cứ nghe mang họ Ưng, Bửu, Công tằng, Công huyền, Tôn thất, Tôn nữ … là người nghe thấy “nể” rồi vì điều đó chứng tỏ họ thuộc dòng dõi quý tộc. Dù sau này cuộc sống đã thay đổi rất nhiều không còn như ngày xưa, nhưng đa phần dường như vẫn còn khá bảo thủ trong cách nói năng, suy nghĩ và cả cách sống mà khi tiếp xúc có lẽ ai cũng sẽ dễ dàng nhận ra điều đó.
Đọc qua danh mục quan chức ngày xưa, thấy chỉ riêng chức thượng thư, đứng đầu 6 bộ là các Quan Thượng Thư ( hàm Nhị phẩm ): bộ Lại, Lễ, Binh, Hình, Công và Học. Từ đời Minh Mạng là Cửu phẩm ( bao gồm Chánh nhất phẩm, Tòng nhất phẩm, Chánh nhị phẩm, Tòng nhị phẩm v.v. cho đến Chánh cửu phẩm, Tòng cửu phẩm ).. Quan được hưởng nhiều quyền lợi, con cái các quan còn được hưởng lệ Tập ấm ( có lẽ từ đó các công tử tiểu thư con cái các quan còn được gọi là “cậu ấm cô chiêu”?). Từ đời này sang đời khác, thế hệ trước qua thế hệ sau, ý nghĩ ăn sâu, phải chăng đây là một trong những nguyên nhân làm cho con người Huế khó thay đổi và cuộc sống Huế khó phát triển hơn vì người Huế đã không muốn thay đổi?
Một nhóm người quen từ Mỹ về Việt Nam, nghe tôi đang ở Huế, họ cũng đăng ký du lịch đi Huế và Hội An. Lần đầu đến Huế, gặp phải thời tiết thay đổi với những cơn mưa trái mùa, gió sông Hương thổi lạnh, đất trời xám xịt và mưa nhiều nên có đi tham quan cũng mất vui. Người bạn nói với tôi “Huế buồn quá! Chẳng có gì thú vị. Chắc bọn anh không trở lại nữa đâu”…. Tôi bỗng thấy hơi hụt hẫng:”Vậy sao? Các anh không thưởng thức được gì hết à?”… Và nghĩ, ô hay, không lẽ chỉ có mình hứng thú với những cảnh đẹp thiên nhiên “sầu mộng” như thế này? Chị tôi bảo “Hay bởi mình có quá nhiều kỷ niệm nên mới thích, mới yêu Huế”?… Không rõ theo số liệu từ các công ty du lịch về các tour du lịch đi Huế so với các tỉnh thành khác khắp Việt Nam thì tình hình có khả quan hay không, nhưng nhìn qua sự đổi thay của Huế, với rất nhiều khách sạn hiện đại, nhà hàng và nhiều dịch vụ ăn theo phục vụ cho du khách, tôi lại thấy có lẽ không quá bi quan cho sự phát triển về du lịch của chốn cố đô này.
Ngày thứ ba đến Huế, tôi tham gia đoàn tham quan đi thăm các điểm lăng mộ vua chúa nhà Nguyễn, thành nội Huế. Cùng đi trong đoàn có khá nhiều người nước ngoài. Ngồi gần tôi trên cùng chuyến xe là một cặp đôi lớn tuổi, vợ Nhật chồng Úc. Họ hỏi tôi có phải là người Việt Nam. Tôi nói phải, và ngày còn nhỏ tôi đã sống ở đây. Họ lại hỏi “Vì sao cô lại đi tham quan những cảnh Huế”? Tôi trả lời “Ngày ấy tôi còn nhỏ nên chưa thưởng thức được hết cái đẹp của Huế, đã lâu không về, nay tôi muốn đi để hiểu thêm về Huế của tôi”. Đến nhiều điểm tham quan, họ nói với tôi “Very interesting”! Nhưng không quá trầm trồ và hứa hẹn trở lại.
Tôi cũng biết khó mà so sánh những cảnh quan, di tích tại Việt Nam với nhiều công trình kỳ quan, di sản văn hóa của thế giới chỉ nói riêng của các nước láng giềng như quần thể Angkor Wat vĩ đại tại Siemreap, Campuchea, hay Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng ở Bắc Kinh. Khi đến Angkor, chỉ nhìn thấy cảnh du khách xếp hàng dài trước nhiều quầy vé, và vé được bán theo số ngày tham quan quần thể này, từ “one day, two days, three days” đến “one week”, và đi đến đâu trong quần thể Angkor, ta cũng thấy hàng hàng lớp lớp người đủ mọi lứa tuổi, hăm hở leo lên những ngọn tháp cao vút cũng đủ biết Angkor thu hút du khách đến thế nào. Một ngôi chùa tại Hàng Châu cũng đã làm tôi sửng sốt khi nhìn thấy lượng khách du lịch quá đông không thể kể xiết, có đến hàng chục nghìn người mỗi ngày, kể cả dân bản xứ và người nước ngoài. Cứ mỗi vé vào cổng là vài chục nhân dân tệ, nhưng cứ một lát là bao bố tiền đã đầy nhóc, cứ thế những người kiểm soát vé lại chất bao tiền qua một bên, rồi tiếp tục… từ sáng đến chiều, và điều quan trọng là ngày ấy không phải vào dịp lễ hội. Điểm đặc biệt ở ngôi chùa này là 500 tượng Phật La Hán đúc bằng đồng rất đẹp, và dọc theo sườn núi đá bên ngoài dài 70 m là những tượng Phật tạc bằng đá. Bên ngoài thì phong cảnh cũng bình thường, không quá ngoạn mục. Vậy thì điều gì đã thu hút du lịch đến như vậy? Do chính sách, chương trình của nhà nước Trung quốc tập trung vào ngành công nghiệp không khói này? Hay không cần quảng cáo, hàng ngày khách thập phương vẫn cứ đến để cầu nguyện vì niềm tin tôn giáo, và khách du lịch thì tham quan tìm hiểu một địa điểm có giá trị cao về văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật?
Qua báo chí, cũng thấy rằng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều công trình, dự án trùng tu các lăng tẩm chính, nhưng có lẽ do kinh phí quá lớn nên lần này khi đi thăm một số lăng tẩm tôi cảm thấy bùi ngùi vì nhìn chung cảnh vật đổ nát tiêu điều nhiều. Vào điện Thái Hòa chúng tôi được xem một DVD về Hoàng thành Huế, lịch sử và dự án trùng tu Hoàng cung, nhưng chỉ là một dự án kỹ thuật số do sự giúp đỡ của dự án ODA Hàn quốc. Hình ảnh vẽ lên trong dự án kỹ thuật số thật hoành tráng, nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Hay vài năm sau nữa khi trở lại cảnh này càng thêm tiêu điều đổ nát? Tôi lại nghĩ đến quần thể Angkor Wat khi tôi vừa trở lại lần thứ 2 vào mùa xuân này, hiện nay đang có nhiều chương trình trùng tu bởi Đức và Nhật bản, hạ tầng cơ sở thì do Hàn quốc đảm trách. Không khí trùng tu, xây dựng để khai thác du lịch cho quần thể di tích văn hóa này thật rộn ràng, nó làm cho người dân sống ở đây tràn đầy hy vọng về cuộc sống phát triển nay mai, và làm cho cả khách du lịch muốn hứa hẹn sẽ trở lại để xem Angkor Wat rồi sẽ được tu bổ hoàn chỉnh như thế nào. Trong khi Huế của chúng ta tuy di tích văn hóa tại đây chỉ mới vài ba trăm năm nhưng trong nước ta, còn mấy di tích đáng quý như thế đã còn lại sau bao nhiêu năm chiến tranh để bảo tồn?
Khai thác những di tích thắng cảnh cho ngành công nghiệp không khói, một trong những nguồn lợi nhuận cao cho nhiều đất nước, nhưng vấn đề là khai thác như thế nào, trùng tu, xây dựng ra sao? Điều này không chỉ cần đầu tư tài chính lớn, mà cần có sự đóng góp từ nhiều nhà sử học, kiến trúc, mỹ học, mỹ thuật, để có sự đồng bộ, nhất quán về lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ dân tộc.
Sông Hương núi Ngự
Tôi đã đi bộ dọc bờ sông Hương, trầm ngâm trước cảnh thiên nhiên nên thơ và bỗng cảm thấy nặng trĩu trong lòng. Đằng sau những thành quách một thời lừng lẫy, xa hoa kia, và ngày nay trước bao nhiêu dự án, công trình to lớn hiện đại và sang trọng, Huế vẫn còn rất nghèo. Tôi yêu Huế, vô cùng muốn Huế mãi thơ mộng êm ả như thế, nhưng lại cảm thấy Huế cũng cần phải thay đổi để giữ được Huế.
Nói về Huế, nhạc sĩ gốc Huế Trịnh Công Sơn trong Hồi ức có viết :
“Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn, và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn của một nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó, con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực”.
Không lẽ Huế của tôi cứ vẫn chỉ là nguồn cảm hứng cho con người “mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực”? Và những cơn mưa, cứ bâng khuâng như thế mãi muôn đời?
NGUYỄN DIỆU TÂM
(*) “The Others” (2001), một bộ phim kinh dị. Đạo diễn: Alejandro Amenába. Diễn viên chính Nicole Kidman.
RE: Huế Vẫn Còn Mưa
Tâm ơi
Đọc xong cảm thấy Huế vừa gần như một cái chạm tay và vừa xa lất phất như trong sương mù, có lẻ vậy mới là Huế.
Cám ơn bạn về một bài viết rất hay và công phu.
Huế Vẫn Còn Mưa
Hà cảm nhận khá đúng đó Hà ơi, Huế rất gần và cũng .. rất xa. Về Huế nay dễ bùi ngùi trước cảnh “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” ( thơ Bà Huyện Thanh Quan ). Mong hôm nào về VN Hà có dịp đi Huế chơi cho biết!
RE: Huế Vẫn Còn Mưa
Chi Diệu Tâm mến
Đọc bài viết như là được đi một vòng thăm Huế với những hướng dẫn thật thơ mông, dấu yêu ( Dao chưa biết Huế !!)
Thành phố đầy ắp kỷ niệm phải không chi Diệu Tâm nên dòng chữ nhiều khi chợt mềm đi trong cảm xúc.
Cảm ơn chi đã chia sẻ những tâm tình về cố đô và những kỷ niệm thơ ấu. Dao gởi chi mấy câu của Pham Thiên Thư bỗng nhớ ra khi đọc một đoạn rất xúc đông trong bài viết
Tàn Mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa – Trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa – tơ óng như mây
Huế Vẫn Còn Mưa
Dao mến,
Dao làm chị muốn khóc rồi, vì bài hát “Em lễ chùa này” Thái Thanh hát rất hay và từng lời từng câu trong bài thơ của Phạm Thiên Thư tưởng như rất gần với người chị yêu quý đã mất. Và cũng thật tình cờ khi bài viết này được gửi đến NTH 2 ngày trước thì đó cũng là ngày giỗ của chị ấy.
Cảm ơn Dao thật nhiều.
RE: Huế Vẫn Còn Mưa
Dao đã lo sẽ gợi lại nỗi buồn khi chép mấy câu thơ gởi chị nhưng niềm thương nhớ người thân đã khuất không bao giờ nguôi quên với thời gian dù chẳng ai gợi nhớ.
Vườn chùa có thanh vắng nhưng yên bình với tiếng chim chị Tâm ơi
Dao
GỬI NGUYỄN DIỆU TÂM
Đọc bài viết của Tâm ,anh chợt rơi vào
vòng xoáy của hồi ức cũ, nhớ thương xưa…
Anh đang quay quắt nì! Muốn về Huế liền nì!
Cảm ơn Tâm.
Huế vẫn còn mưa
Anh Lữ ạ, đang nhớ Huế quay quắt vậy sao không thu xếp về đi anh? Mùa này phượng vỹ đỏ nở thắm bên bờ sông Hương và trước trường Đồng Khánh. DT chắc chắn anh sẽ cảm hứng viết rất nhiều bài thơ tình tuyệt vời đó!
Gửi Nguyễn Diệu Tâm
Quay quắt là vậy chứ mô dễ thu xếp mà về
Tâm ơi.Cảm ơn em đã động viên.Nhưng quá khó khi đang làm một công việc bị câu thúc thời gian…