Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănAndrew Wyeth và “Thế giới của Christina”

Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”

Tác phẩm Christina’s World ( Thế giới của Christina ) của Andrew Wyeth là một trong 3 bức tranh của các họa sĩ người Mỹ thế kỷ 20 được biết đến nhiều nhất, trong đó có American Gothic của Grant Wood, House by the Railroad hoặc Nighthawks của Edward Hopper.
Bức tranh vẽ một phụ nữ tật nguyền đang cố bò qua cánh đồng màu nâu đi về phía trang trại màu xám, nàng mặc một chiếc áo màu áo hồng tươi sáng trông tương phản với màu cỏ tối.


Andrew Wyeth ( 1917-2009 ) –  Christina’s World . 1948  Tempera 81*122 cm

Bức tranh được MoMA ( the Museum of Modern Art ) mua với giá 1,800 USD và vào tháng 12 năm 1948 khi bức tranh được trưng bày, đã nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bảo tàng. Ngày nay, giá trị của bức tranh này đã lên đến hàng triệu dollars.

Christina, người mẫu trong bức tranh tên đầy đủ là Christina Olson. Từ năm 1939, Wyeth bắt đầu lấy ký họa và vẽ những người hàng xóm của mình, trong đó có anh em nhà Olson. Họ sống trong một ngôi nhà cổ được xây từ đời ông cố của họ trên một mảnh đất nhô ra cửa biển Đại Tây Dương. Tình cờ một lần đang đứng trên cao ô cửa sổ ở nhà anh em Olson, Wyeth nhìn thấy Christina, cô gái bị bệnh bại liệt từ năm lên ba tuổi, đang cố bò qua một cánh đồng. Sau đó Wyeth đã phác họa bằng bút chì ngôi nhà và cánh đồng. Cuối cùng, hình ảnh Christina đã ám ảnh ông được đưa vào bức tranh.

Christina là một cô thợ may khéo léo và là một người nội trợ tuyệt vời. Nhưng khi càng lớn tuổi, bệnh càng nặng và năm 26 tuổi, cô đã không thể bước đi quá 3 bước mà không có người giúp đỡ.
Giữa năm 1912 và 1917, Christina rất hạnh phúc vì đã gặp và đem lòng yêu một chàng sinh viên đại học Harvard trẻ tuổi. Dù họ có trao đổi thư từ qua lại và có hẹn hò với nhau, nhưng cuối cùng chàng trai ngừng liên lạc và sau đó đã đi lấy vợ.

Các bác sĩ khuyên cô nên cố gắng ra ngoài trời thường xuyên. Năm 53 tuổi, cô không còn có thể đi được bước nào nữa mà phải ngồi xe lăn. Nhưng thay vì sử dụng xe lăn, Christina muốn bò với đôi tay của mình. Cô có một người bạn sống cách xa 800 feet (243 mét), và cô đã bò đến tận nơi ấy trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ.
Năm 1948, Wyeth đã vẽ Christina, năm ấy cô 55 tuổi, khi cô đang bò qua cánh đồng, mặc chiếc áo mà cô đã may nhiều năm về trước.
Những năm tháng còn lại của Christina, cô và ngôi nhà là trọng tâm cho những bức tranh của Wyeth. Đối với ông, đó là những biểu tượng của xứ Maine, một tiểu bang trong vùng New England của Hoa Kỳ.

Ngôi nhà của Christina ngày nay đã trở thành một phần của bảo tàng Farnsworth Art Museum.

Nguyễn Diệu Tâm

Theo Who was the Christina of Andrew Wyeth, Sarah F Sullivan và Wyeth’s World, Henry Adams.

7 BÌNH LUẬN

  1. Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Bài viết ngắn nhưng chia xẻ đầy nội dung và nguồn gốc sự ra đời của bức tranh – Lạ lắm Diệu Tâm!

  2. RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Ngọc Bông thân mến, cảm ơn bạn đã đọc và cảm nhận dù ngắn nhưng rất đủ ý đó Bông ạ! Gần đây mình bận nhiều nên để đóng góp với trang nhà mình chỉ có thể viết ngắn thôi. Andrew Wyeth là họa sĩ người Mỹ mà mình rất thích, bức tranh nào của ông cũng đều gây xúc động. Có nhiều bức tranh của ông vẽ về Christina và ngôi nhà của anh em Olson, trong số đó có những bức ông đã vẽ sau khi họ đã qua đời, những đồ vật thật tầm thường như cái giỏ cái chậu, cây chổi trong góc bếp, cánh cửa gỗ cũ kỹ màu xanh đầy vết cào xước của con chó v.v… thật là sinh động, như thể anh em nhà Olson vẫn còn sống. Họa sĩ là người nhìn con người và sự vật khác chúng ta. Bức tranh Thế giới của Christina làm cho người xem xúc động khi ông đã thành công trong việc mô tả sự chinh phục cuộc sống một cách phi thường của người con gái tật nguyền trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng sự chiến đấu ấy là vô vọng. Tuyệt vời quá phải không Bông?
    Năm mới Giáp Ngọ, thương mến chúc Bông vạn sự an lành và như ý Bông nhé!

  3. RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Andrew Wyeth là một đại danh hoạ, con mắt khác thường nên … trái tim cũng khác thường. Có một người phụ nữ gốc Đức mà ông đã yêu và miệt mài vẽ nàng trong suốt 15 năm, tổng cộng 247 bức mà không cho ai biết kể cả vợ ông và chồng của nàng cho tới mãi về sau. Đó là một tình yêu rất đẹp đã để lại cho đời nhiều tuyệt tác.

  4. RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Cảm ơn chị, lần nữa trợ giúp cho em thêm mảng màu kiến thức về những bức tranh và danh họa nỗi tiếng. Không đọc bài chị viết, em chắc chỉ có thể đơn giản nghĩ rằng đây là bức vẽ một người con gái đang ngồi bình thường trên thảm cỏ. Có lẽ nguyên nhân sự ra đời của bức tranh đã làm nên tên tuổi và giá trị của nó chăng?
    Chúc chị yêu một mùa xuân vui tươi và an bình. 🙄

  5. RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Đào Thanh Hòa thân mến, cảm ơn em đã đọc và chia xẻ suy nghĩ với chị. Bức tranh rất đẹp, nhưng cũng có thể như Hòa viết, là nguyên nhân sự ra đời của bức tranh đã góp phần làm nên tên tuổi và giá trị của nó. Andrew Wyeth vẽ rất nhiều, những bức tranh mà chị được xem qua Internet đều rất đẹp, bức nào dường như cũng có chứa đựng một câu chuyện nào đó đằng sau, từ những bức tranh vẽ phong cảnh, người phụ nữ, con chó sói, hay chỉ là chiếc mũ sắt của một người lính nào đó nằm chơ vơ trên cát sau chiến tranh thế chiến thứ 2… Mong có dịp chị sẽ kể thêm về một loạt tranh khác của ông, khác với chủ đề về Christina, nhưng hấp dẫn không kém!
    Cảm ơn lời chúc Tết ấm áp của em. Thương mến chúc em cùng gia đình một năm mới an lành và hạnh phúc.

  6. RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
    Chị Tâm, Tiến không rành về hội hoạ nhưng đúng như chị nói, Tiến cũng nghĩ người hoạ sĩ, thi sĩ…nói chung là những người làm nên những giá trị về văn chương – thi họa hay những loại hình nghệ thuật khác hay ngay cả về khoa học, thường họ có cái nhìn khác người bình thường và trái tim họ cũng khác nữa…Một khi họ sống với tất cả trái tim thì những tác phẩm giá trị mới ra đời và thường thi họ nổi tiếng sau khi họ đã qua đời…
    Cảm ơn những bài viết về những đề tài hội họa của chị làm trang nhà phong phú và đẹp thêm. KT

    • RE: Andrew Wyeth và “Thế giới của Christina”
      Happy Tết Kim Tiến ơi! Mấy ngày nay chị bận rộn “ăn” Tết nên chưa vào trang, hôm nay mới đọc được những chia xẻ của Tiến đây. Chị mong có được nhiều thì giờ hơn để viết thêm về hội họa. Càng tìm hiểu càng thấy mình bơi và mê say với nó, một thế giới vô cùng mênh mông không kém văn chương hay nhiều lĩnh vực khác.
      Tết phương xa nhưng thật vui và ấm áp bên gia đình, bạn bè nhé Tiến!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả