Con đường chạy theo những hàng cây thốt nốt như muốn vỡ vụn dưới tia nắng lửa khô khốc của buổi trưa cuối tháng Ba. Cách Siem Reap khoảng 10 km là nơi một nhánh sông nhỏ đổ ra Biển Hồ, nắng gió dịu dàng hơn khi xe gần đến bến và cũng là lúc con đường bắt đầu thu hẹp, gập gềnh và mờ bụi đỏ. Dọc theo bờ, những chiếc thuyền mành đủ loai neo san sát chờ sẵn để đưa du khách đến thăm Biển Hồ và làng nổi của người Việt tha hương.
Bờ nước đục lờ nhẹ trôi làm tôi bỡ ngỡ, đâu là khối nước ngọt khổng lồ như biển cả , đỏ ngầu phù sa, đặc ngừ tôm cá trong những bài địa lý ngày xưa. Tháng 3 còn là mùa khô, nước từ Biển Hồ chảy xuôi theo sông Tonle Sap ra hai nhánh Mekong và Bassac rồi đổ về Tiền Giang và Hậu Giang bồi đắp cho vùng châu thổ sông Cửu Long trước khi đổ ra biển. Mực nước hồ vào mùa khô cạn hơn rất nhiều so với mực nước vào mùa mưa lũ, đây là lúc nước từ đầu nguồn sông Mekong chảy ngược theo song Tonle Sap đổ vào Biển Hồ mang theo phù sa và các loại thuỷ sản làm trù phú hồ nước ngọt vĩ đại này.
Điểm đặc biệt của Biển Hồ là có hệ thống thủy văn đổi dòng chảy hai lần mỗi năm, cũng nhờ vào sự điều tiết dòng chảy của sông Tonle Sap mà vùng hạ lưu sông Mekong bớt lũ lụt vào mùa mưa và ngược lại vào mùa khô gần nửa lượng nước sông rải rác trong vùng châu thổ sông Cửu Long là do nước Biển Hồ bù vào. Nhờ vào lượng phù sa hạ lưu và các mầm thủy sản đổ vào Biển Hồ theo dòng chảy hàng năm mà ngư nghiệp trên hồ cung cấp một lượng cá khổng lồ, là nguồn đạm chính nuôi sống đa số dân số Campuchia.
Nhưng vẻ cạn kiệt như có hơi bất thường của dòng nước ngọt khổng lồ này làm tôi băn khoăn, như đã từng băn khoăn khi nghĩ đến những đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong đã gây không biết bao nhiêu tổn hại về môi trường và sinh thái của các nước hạ nguồn trong đó nặng nề nhất là đồng bằng sông Cửu Long.
Thử tưởng tượng một ngày không xa những con đập phía bắc sẽ biến hơn nửa chiều dài sông Mekong ở vùng hạ lưu thành một chuỗi những ao chứa tù đọng, dòng chảy biến dạng, sông không còn những nhịp đập theo mùa, những đoàn di ngư không còn luân chuyển, những vùng đất ướt dần dần thu hẹp đe doạ tính đa dạng của hệ thuỷ sinh trong lưu vực này. Trữ lượng phù sa vì thế sẽ suy giảm gây tổn thất nông nghiệp cũng như làm mất cân bằng những giòng chảy đưa đến sạt lở những vùng ven sông, ven biển vốn đã bi ảnh hưởng đáng kể do quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều chục triệu cư dân dọc theo hạ lưu sẽ gánh chịu hậu quả suy thoái của dòng sông này. Nhưng biết đến bao giờ những ngư dân nghèo khó lam lũ trên Biển Hồ hay những cư dân quanh năm vất vả của đồng bằng sông Cửu Long mới cất lên được tiếng nói và được lắng nghe. Biết đến bao giờ mới có sự hợp tác giữa các quốc gia trong vùng về vấn đề xây dựng đê đập dọc theo lưu vực sông Mekong trên tinh thần Mekong!
Chiếc thuyền mành chở du khách len lỏi theo dòng kênh nhỏ và cạn dẫn ra Biển Hồ, hai bên bờ kênh là những nhà chòi nghèo nàn tiều tụy đứng chỏng chơ, chênh vênh trên những cây cột chống sơ sài trong nước cạn, xa hơn những chiếc ghe nhỏ xíu, rách nát neo san sát vào nhau, nhấp nhô trên dòng nước lởn vởn phù sa, đó là tất cả cơ nghiệp của những gia đình người Việt sống trên Biển Hồ. Ăn, ở, sinh hoạt, sinh con đẻ cái, tất cả trong một khoang thuyền rách rưới , cực kỳ nhỏ, chông chênh trên sóng nước. Trẻ em lớn lên thiếu thốn trăm bề và thiếu cả không gian để phát triển, dưới cái nóng thiêu đốt đến cháy da, suối ngày ngồi nhiều hơn đứng nên thân hình của đa số các em xiêu vẹo, đen đúa , nhỏ thó đến xót lòng.
Những cơn gió nóng hổi ngột ngạt hơi nước lẫn mùi khắm nồng thổi ùa vào mặt làm tôi thấy rõ hơn, thực hơn là tôi đang đi giữa một cảnh dân tình quá nghèo khổ, cơ cực và bất hạnh. Tôi như lạc vào một thế giới khác dù thật ngâm ngùi nơi đây không xa lắm với chỉ một cái ngước nhìn là cả một thế giới vật chất xa hoa cận kề.
Khi thuyền ra tới biển, xa xa rải rác là những lùm cây mọc trên những dãi đất cao, chi chít những cành đen sẫm nhô lên khỏi mặt nước, đầu cành là những mầm lá tươi xanh dưới nắng. Những lùm cây này hẳn phải ngập sâu trong nước vào mùa nước lớn, làm sao có thể sống sót để lại đơm lá sum xuê vào mùa khô?
Đang lan man suy nghĩ thì thuyền cũng vừa cập vào ngôi trường của trẻ em người Việt giữa hồ. Đây là một cái nhà nổi có diện tích trung bình cho khoảng 50 em sinh hoạt, học hành. Thầy cô là các thầy cô giáo tình nguyện từ Việt Nam sang dạy dỗ các em trong làng Việt nghèo xa xứ. Trường đang nuôi dạy khoảng 300 em và chăm sóc cho hơn 50 cụ già đơn chiếc. Tất cả chi phí cho trường phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ thiện. Nhìn những khuôn mặt sen sạm, những mái tóc cháy vàng khét nắng, những thân hình nhỏ thó trong những bộ quần áo lam lũ của các em mà chạnh lòng. Có vẻ gì đó cô đơn, lạc lõng khó tả trong những đôi mắt ấy hay cảm xúc tự đáy lòng dành cho những đứa con tha hương, lam lũ ở xứ người đã làm tôi cảm nhận như vậy. Có giấc mơ thần tiên nào trong đôi mắt lạc loài của các em?
Qua người hướng dẫn du lịch, tôi được biết làng Việt ở đây sinh sống bằng nghề chài lưới, vì quá nghèo không đủ điều kiện để mua thuyền chài, không đủ tiền để đóng thuế môn bài ( khoảng 6 triêu riels tuơng đương 1500USD cho mỗi con thuyền trong một mùa cá, thuế này chỉ áp dụng cho ngư dân Việt thôi, dân bản xứ không phải đóng thuế đánh cá) cho nên ngư dân Việt Nam đa số chỉ đánh bắt tôm tép gần bờ trên những con thuyền nhỏ được dùng như phương tiện đi chuyển lẫn sinh nhai. Những ngư dân có điều kiện mua thuyền ra khơi thường trước đây đánh được 400kg cá mỗi ngày nay chỉ còn 1/4 do nước Biển Hồ càng ngày càng cạn kiệt, nguồn thủy sản theo đó cũng giảm sút theo. Ngoài tiền thuế, còn chi phí khác như xăng nhớt, ngư cụ .v..v ngư dân không đủ sống, họ đã nghèo lại càng khốn khó nghèo hơn!
Tương lai đi về đâu ơi những mảnh đời khốn khổ trôi nổi vô định trên sóng nước hay rồi cứ lẩn quẩn trong cái đói nghèo bế tắc này ? Tôi rời Biển Hồ về lại Siem Reap tráng lệ mà nghe lòng nặng trĩu.
Chiều hôm đó tôi theo đoàn du lich thăm đồi Phnom Bakheng, phế tích núi thiêng của Angkor, nằm giữa Angkor Thom và Angkor Wat . Khi những tia nắng chiều cuối cùng yếu ớt lịm dần trong hoang vắng, từ trên đồi nhìn xuống, xa xa dãi nước ngọt khổng lồ của Tonle Sap chìm dần trong lòng đêm rồi mất hẳn. Lẫn dưới bóng đại ngàn xanh thẫm trên đướng xuống đồi, ngước mặt nhìn qua những tán lá rừng che khuất bầu trời đêm nhiệt đới, tôi cố tìm một ánh sao lọt qua khe lá, như dõi tìm một phép nhiệm mầu cho những giấc mơ lạc loài trên bọt sóng Biển Hồ viễn xứ.
Phạm Ngọc Dao
Hình ảnh: Nguyễn Trác Hiếu & Dao
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Dao,
Bài viết hay. Đọc xong không nén được tiếng thở dài.
d
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Chi Dung ơi, còn nhiều chuyện để kể mà sao cứ thấy vướng víu trong lòng!
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Dao, chị có chụp rất nhiều hình cuộc sống trên biển Hồ qua 2 lần đi. Lần đầu chị đi biển Hồ từ lúc tờ mờ 5 g sáng khi một ngày mới của những người dân sinh sống trên biển đã thức dậy từ lúc nào. Lần thứ 2 đi đến đó giữa trưa. Cũng đi thăm nhiều ngôi trường nhỏ lợp mái lá do các tình nguyện viên nước ngoài tổ chức trên bờ, những tỉnh xa cũng như quanh hay trên biển Hồ. Chị có nhiều bức ảnh rất cảm động mô tả sinh hoạt của người lớn lẫn các em bé mới tí tuổi đầu – chừng 3 đến 5 tuổi, đã phải lao mình xuống 1 cái thau nhôm bơi đi kiếm ăn từ sáng sớm, hay bé 3 tuổi quấn trăn trên cổ cùng cha bơi đi biểu diễn v.v… nhưng chưa viết được vì còn nhiều điều không rõ. Chỉ nghe nói là chính phủ Campuchia đang muốn trả về cho VN hàng triệu người Việt sống lang thang ở biển Hồ và ngay cả Phnom Penh. Cũng có thể họ không muốn về. Hay vì sao họ chưa được về, lại cũng chỉ nghe nói. Có nhiều bài báo viết về chuyện này, thí dụ bài “Campuchia không chỉ có Angkor”…
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Chị Tâm mến, trên con kênh nhỏ dẫn ra hồ, có lẽ đây là nơi những em bé còn rất nhỏ đã phải lao mình đi kiếm sống. Như chị kể, Dao có thấy những em bơi trên những chiếc thau nhôm nhỏ xíu, hay theo cha lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ tròng trành với những con trăn quấn chung quanh cổ để biểu diễn và xin tiền du khách. Đoàn cũng chụp được nhiều hình ảnh của các em, nhất là anh Hiếu, trông dáng hình các em thiểu não quá, bé 3, 4 tuổi bế em sơ sinh, những ánh mắt bất hạnh, buồn bã, tự nhiên sao thấy ngại ngần không nỡ post những cảnh thương tâm đó! Dao nghe nói người Việt trên đất Campuchia không được cấp giấy chứng minh nhân dân dù là có gia đình đã sống ở đó lâu đời rồi nên cũng có phân biệt đối xử, chỉ nghe vậy thôi không biết có đúng hay không. Về VN họ sẽ làm gì, sống ở đâu? Hồi hương hơn cả triệu người không là một vấn đề đon giản và cần ngân sách để giúp họ ổn định trong thời gian ban đầu. Ôi, không biết có được chút hy vọng nào không?
# RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Cảm ơn NDao,
Thật buồn khi biết thêm đời sống của người Việt phải xa phương cầu thực mà không may trôi dạt đến những miền không mấy tươi sáng
Chỉ biết cầu xin…
# RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Lần du lịch tới với nhóm “balô” nthqn.org, chị Bông nhớ ghé nơi này nha.
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Dao,
Bài viết hay. Ngậm ngùi cho những phận người cơ cực, không có quê hương, dù chỉ cách nơi chôn nhau cắt rún mấy tiếng đồng hồ di chuyển.
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
Ở quê mình hẳn là không phải không có những cảnh đói nghèo như thế phải không anh Lệ? Nhưng bần cùng nơi xứ người hình như đè nặng thêm trên nỗi xót xa.
RE: Những Giấc Mơ Lạc Loài
MỘT MÀU PHÙ SA
(Tặng các bạn chưa có dịp thăm viếng Biển Hồ Campuchia)
Mênh mông sông nước phù sa
Bềnh bồng già trẻ không nhà, không cơm
Những mảnh đời cứ lênh đênh
Ngày qua tháng lại bập bềnh gian truân
Phù sa nhuộm đục xác thân
Nắng trời cháy sạm tâm hồn tuổi thơ
Chông chênh mê sảng cơn mơ
Quê hương xa ngút, bến bờ là đâu
Càng nhìn lòng dạ càng đau
Mênh mông sông nước một màu phù sa
Nguyễn Trác Hiếu
Biển Hồ Campuchia, tháng 3 năm 2013
GỬI PHẠM NGỌC DAO
Đọc bài viết của Dao thấy thật sự xúc động
bởi những phận người luôn là Những Giấc Mơ Lạc Loài.Nội tựa đề không cũng đủ cuốn hút
rồi, phải không Dao ? Cảm ơn bài viết của em.
Gửi anh Trần Dzạ Lữ
Anh Lữ ơi, cảm ơn anh đã đọc và cảm nhận. Thân chúc anh một ngày mới an lành