Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Giếng Xưa

Những ngày thơ ấu, tôi sống ở Diêu Trì – một thị trấn nhỏ bên dòng Hà Thanh. Trong ký ức ấu thơ, quê tôi là ngôi nhà từ đường trang nghiêm có những tấm liễn treo hai bên vách bằng gỗ đen mun. Bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng hương khói, có hai con hạc bằng đồng đen đứng lặng thinh bên hình ảnh của ông bà phủ sau những mảnh nhiễu điều thẳng thớm. Không khí nhà từ đường yên lặng lắm nên ít khi tôi dám vào đây một mình.

Gần gũi hơn, quê nhà gắn liền với Bà Cố tôi – tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhẹ như ru với thật nhiều chuyện cổ tích, thỉnh thoảng Bà tôi chen vào vài câu chuyện ma, cọp thật sống động – cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận – hồi đó mỗi lần nghe đến hai địa danh này tôi hồi tưởng chuyện Bà kể mà sợ xanh người – Quê tôi cũng là khu vườn có cái bình phong cũ kỹ phủ đầy rêu bên dưới là cái hồ nhỏ trồng sen nơi tôi thường vớt nước hồ đổ lên những là sen rồi đùa với những hạt nước tròn trĩnh chay lăn tăn trên lá, là lũy tre xanh mát bao quanh và cái giếng xây bằng đá ong ở cuối vườn.

Những ngày hạ nóng, tôi thường xin Ngoại cho tham gia phơi lúa. Sáng sớm khi mặt trời vừa lên, lúa được mang từ những bồ lúa trong nhà đổ đầy ra sân và được ban thành những mảng hình chữ nhật ngăn nắp, gọn ghẽ như những bàn cờ, những hạt lúa óng vàng nằm yên bình chờ nắng lên để đến chiều khi nắng tắt lại được hốt vào nằm lại trong lẫm lúa. Tham gia vài ba chuyến chuyển lúa vào lẫm bằng chiếc gùi nhỏ trên vai là mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vui nhất là sau đó chạy ra cái giếng mát rượi cuối vườn, thòng cái gầu làm bằng gáo dừa nhỏ xíu vừa với sức tôi, xách lên một dòng nước mát ruợi, ngụm nước ngọt ngào trên đầu lưỡi, tan dần trong cổ hoà cùng niềm vui tuổi thơ đầy ắp trong lòng.

Vào mùa đông khu vườn nhà tôi ủ rũ trong những cơn mưa dầm. Gió rét mướt lùa qua những tàu lá chuối đẫm ướt, và con nít thì chỉ đi loanh quanh trong nhà, nhìn trời mưa mà mong ngày ráo tạnh. Có năm nước lụt dâng cao, tôi nhớ mình ngồi trên tấm phản kê thật cao trong nhà, bên cạnh là một lò than hồng – có phủ một lớp tro bên trên – để sưởi ấm. Thuở nhỏ tôi bi dị ứng, cứ đến mùa đông ướt dầm lạnh lẽo là tôi nổi “mề đai” đầy mình, đó là lý do vào mùa lụt cái lò than cứ kè kè bên tôi. Nhưng mà lo lắng chuyện dị ứng, khó thở làm chi, ngược lại tôi ngồi bó gối nhìn nước lụt lo lắng cho cái giếng ngập nước đục trong vườn, lo cho mấy con gà con mới nở không có hột tấm để ăn, gà mẹ không kịp ủ ấm sẽ bị chết cóng, lo cho cái hồ sen với những lá sen xanh mượt chắc đã ngập trong bùn…

Sau khi nước rút là những ngày chờ đợi đến thắt trái tim con, chờ đến khi khu vườn khô ráo để được bay nhảy bày lại trò chơi, rồi kiên nhẫn chờ cái giếng nước hiền hoà trong trẻo lại.

Khi lên năm, ba mẹ tôi đưa tôi xuống Quy Nhơn đi học, tôi xa quê, xa khu vườn lắm trò chơi có cái giếng mát thân yêu. Năm tháng ở Quy Nhơn tôi thường nôn nao mong chờ những dịp cúng giỗ Ông Bà để được theo về Diêu Trì. Mười cây số giữa Quy Nhơn và Diêu Trì lúc ấy đối với tôi sao mà vời vợi. Ngồi trên xe lam kiên nhẫn đợi đến ngã ba Phú Tài là lòng vỡ oà, cuống quít niềm vui. Việc đầu tiên là cầm bó nhang theo Ngoại đi dọc theo những con đường đất nhỏ đến thăm mộ ông bà, rồi háo hức tìm lai bạn bè chơi thuở trước để cùng vùng vẫy, nô đùa trong dòng Hà Thanh mát rượi và không quên thăm cái giếng trong vắt ở cuối vườn. Thả vội chiếc gầu rộn rã khuấy động để được nghe như tiếng nước xôn xao cười đón tôi về, rồi nghiêng đầu vào lòng giếng hét lên lời chào để âm vang xao động hình bóng của chính mình sóng sánh mừng vui trong mắt giếng êm đềm sâu thẳm.

Một ngày mùa xuân, theo chiếc xe lam đầu ngày về thăm quê, bàng hoàng nhìn khu vườn thân yêu úa vàng, cháy xém. Những cây ăn trái trong vườn đứng tiêu đìều xác xơ. Cả rặng tre chung quanh vườn thường ngày tươi xanh mạnh mẽ đến chừng ấy, gìờ đây cũng bơ phờ, trụi lá. Mặt đất hừng hực nóng trong mùi xăng dầu nồng nặc. Một ống dẫn dầu đặt dọc theo quốc lộ 19 chạy ngang trước nhà bị ai đó tháo van lấy dầu rồi không khóa kín lại được như cũ, dầu rỉ rả chảy ngày này sang ngày khác, âm thầm thấm vào lòng đất hủy hoại những mầm cây, mạch sống trên đường đi. Khu vườn thân yêu giờ hoang tàn, cỏ cây đứng lặng héo úa, vắng hẳn tiếng côn trùng thường ngày rả rích! Dầu luân lưu trong lòng đất theo mạch nước ngầm đổ vào giếng, dòng nước ngọt ngào trong vắt giờ đây ố vàng, trong mắt giếng dầu đóng váng đục ngầu lặng lờ đến tang thương ! Tôi đau xót nhìn mảnh vườn thân yêu bi hủy diệt mà không biết phải làm gì. Không biết bao nhiêu lần thả gầu vào lòng giếng vớt hoài vớt mãi những cáu dầu loang trên mặt giếng để lại thấy một vết dầu khác lập tức tràn đến như một dòng cuồng lưu âm thầm, chết chóc!

Suốt một thời gian dài tôi thẫn thờ thương tiếc cái giếng thân yêu và cây cỏ chung quanh. May sao qua vài mùa mưa nắng, mảnh đất hiền hoà trở lại, khu vườn lại trổ lá xanh tươi và giếng nước cuối vườn lại ngọt ngào, trong thăm thẳm.

Năm tháng trôi qua, biết bao lần tôi theo Ngoại ngồi xe lam về Diêu Trì thăm giếng mang theo niềm vui háo hức gặp lại, giếng với tôi cơ hồ gắn bó như hai người bạn thiết – hai người bạn trong yên lặng – Giếng nhìn mái tóc bum bê của tôi dài dần, dài dần. Giếng lắng nghe tiếng hét chào trẻ con ngày xưa trở thành tiếng thầm thì thiếu nữ, giếng hiền hoà nghe tôi chuyện vãn, giếng kiên nhẫn, thinh lặng sẻ chia những vui buồn của tuổi mới lớn. Cơ hồ giếng như êm đềm trìu mến nhìn tôi mỗi khi gặp lại và trong mắt giếng tôi nhìn thấy bầu trời trong xanh vời vời, khi đêm về là những vì sao sáng ngời, tráng lệ thoang thoảng hương đêm lẫn trong hương nước ngọt ngào bát ngát.

Rồi vụt xa ngút ngàn, tôi lưu lạc. Dòng đời ngược xuôi, đã thật lâu rồi tôi không về thăm quê, thăm giếng nước thân yêu cuối vườn. Cô bé con ngày xưa giờ tóc đã phai mầu, mảnh vườn cũ đã đổi thay, giếng xưa đã không còn nhưng trong tận cùng thương nhớ, sao tôi vẫn ray rức nghĩ rằng ở nơi quê nhà xa xăm đó giếng vẫn mõi mòn đợi mong

Phạm Ngọc Dao

18 BÌNH LUẬN

  1. RE: Giếng Xưa
    … văn như thơ … chắc là nhờ Dao học Pháp Văn với thầy Việt Văn rồi lại được học Việt Văn với một thầy Việt Văn nữa (ai vậy?) … trên đời có nhiều tai nạn lạ lùng ghê hah … dầu loang ngấm đất phá vườn … nhưng dù sao Dao vẫn là ngôi sao may mắn … tóc vẫn dài mượt … lúm đồng tiền vẫn sâu …

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Ngày xưa Dao học Việt Văn với Cô Hồng Vân, Thầy Dật và Thầy Bút, vẫn nhớ những giờ Việt Văn ngày đó, khổ sở lắm với mấy bài nghị luận phải nộp chị Diệp Hà ơi! Nhưng nghe thầy giảng bài là cả một điều thích thú, nhất là những năm đệ nhị cấp ngẩn ngơ nghe Thấy Bút bình thơ Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát .. mà ao uớc mình được một phần ngàn kiến thức và nét tài hoa của Thầy. Cũng vào năm lớp 10, 11 ngoài Việt Văn, được Thầy Bút dạy thêm Pháp Văn sinh ngữ 2, Dao mừng hết lớn đó.
      Đồng tiền một bên nên đôi khi …chơi vơi chi Diệp Hà ơi :=).

  2. RE: Giếng Xưa
    Dao giỏi quá đi.
    Giai đoạn 1965-1973, dọc QL 19 từ Quy Nhơn đến Pleiku có ống dẫn dầu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, cũng nguy hại như chất khai quang Dioxin làm trụi lá dọc cánh rừng hai bên đèo An Khê. Vậy mà, sau chiến tranh không ai nhắc lại. Và, Dao đã kể.
    Những ngón hoa tay đã gõ vào ký ức xanh ngôi sao may mắn, như tinh tế của Diệp Hà.
    Thấy chưa?

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Nghe anhhongbiet khen [i]giỏi[/i] làm cái mũi Dao như có vấn đề, cảm ơn nghen. 🙂
      Ngày đó quá nhỏ chỉ loanh quanh trong sân nhà nên Dao không biết là những cánh rừng hai bên đèo An Khê cũng bị ảnh hưởng do dầu gây ô nhiễm. Cây cối là mạch sống, cứ nhìn cây cối ủ rũ, héo hon ở bất cứ đâu, vì lý do gì là buồn bã, nhói lòng rồi.

  3. RE: Giếng Xưa
    Câu chuyện về “cái giếng” của Dao nghe buồn nhưng đẹp như cổ tích .. Tấm Cám.
    ..”Giếng nhìn mái tóc bum bê của tôi dài dần, dài dần. Giếng lắng nghe tiếng hét chào trẻ con ngày xưa trở thành tiếng thầm thì thiếu nữ, giếng hiền hoà nghe tôi chuyện vãn, giếng kiên nhẫn, thinh lặng sẻ chia những vui buồn của tuổi mới lớn”… Hôm nào về, Dao thử nhìn xuống lòng giếng và gọi xem có còn con cá bống nào “lên ăn cơm bạc cơm vàng nhà ta” không hay đã bị dầu ăn mất rồi? Tin rằng với sự thương nhớ tận cùng của Dao, giếng xưa vẫn còn đợi mong.

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Giếng gắn liền với thời thơ ấu nên nhớ hoài chi Tâm ơi – cũng như chuyện Tấm Cám, thổn thức trẻ con vẫn không quên – và có thể vì chính mình là người đã rời xa giếng nên trong tiềm thức ngoài thương nhớ còn có thêm nỗi ray rức như đã lỗi hẹn.
      Nhớ nhiều lắm, uớc gì tất cả vẫn còn đó, đợi mong …

  4. GỬI PHẠM NGỌC DAO
    Bài viết” Giếng Xưa ” đọc thấy rất hay
    và bồi hồi, cảm động…đó Dao ơi! Sẻ chia
    với em những kỷ niệm cũ nơi khoảng trời
    rất dấu ái xưa hí!Tình thân

    • RE: GỬI PHẠM NGỌC DAO
      Cảm ơn anh đã chia sẻ với em, ký ức thơi thơ ấu bao giờ cũng êm đềm, dấu yêu và có nhiếu khi theo ta đến cả cuộc đời anh Lữ nhỉ?
      Dao

  5. RE: Giếng Xưa
    Đọc giếng xưa nhớ quá đến cái giếng bằng đá tổ ong ở quê mình. Cám ơn Dao đã gợi lại những ký ức một thời tuổi nhỏ

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Hình như giếng được xây bằng đá ong nước sẽ thơm hơn, ngọt hơn – hay chỉ là trong trí tưởng tượng của Dao. Nhưng mỗi khi nhìn vào lòng giếng, những khóm cỏ nhỏ mọc lưa thưa từ những lỗ nhỏ chi chít trên phiến đá ong đúng là làm giếng tươi mát hơn phải không chị ? Quê chị Hà Xưa ở đâu vậy ?

  6. RE: Giếng Xưa
    Sao em không soi vào mắt anh
    Để em còn thấy bầu trời xanh
    Mái tóc dài xưa còn như suối
    Má lúm đồng tiền, mắt long lanh

  7. RE: Giếng Xưa
    Bài viết thật súc tích. Một tình cảm đẹp, êm đềm và thân thương với quê nhà mà cái giếng nước là một hình tượng cụ thể. Đúng là chuyện hay như là chuyện cổ tích vậy Dao ơi!
    Cám ơn Dao!
    ĐO.

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Cảm ơn chi Oanh nghen, hình như mỗi trong chúng ta không ít thì nhiếu đều vương vấn một chút cổ tích
      Dao

  8. RE: Giếng Xưa
    Chị em nhà Ngọc Dao thật tài hoa.
    Ngọc Dung hát rất hay ( ở ĐHBK )
    Ngọc Dao thì thơ văn đều hay cả.
    NTL chúc mừng nhé !

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Cảm ơn nhà thơ xứ Quãng đã đọc, Dao rất vui. Về chi Dung thì Dao không dám trả lời nhưng “tài hoa” làm Dao …run, không dám anh Lực ơi.

  9. RE: Giếng Xưa
    Ngày xưa quê ngoại thơ ngây,
    Giếng khơi soi bóng từng ngày lớn lên,
    Sâu trong ký ức dịu êm,
    Như dòng nước mát múc lên trưa hè,
    Tiếng con tu hú còn nghe,
    Dáng ai như bóng ngoại về liêu xiêu,
    Tóc ai bay trắng trong chiều,
    Giếng xưa,vườn cũ,tiêu điều,ngoại ơi !
    HML

    • RE: RE: Giếng Xưa
      Anh Lệ
      Bài thơ làm Dao chảy nước mắt, Bà Ngoại là tất cả những gắn bó giữa Dao với Diêu Trì với 16 năm đầu đời ở Bình Định. Một tay Ngoai lo hương khói từ đường, nuôi dạy lũ cháu. Nền từ đường không còn nữa, bao nhiêu người thương yêu đã khuất bóng, đã nhiều lần bước chân như chùng, không dám về quê cũ!
      Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả