Cứ vào mỗi dịp đầu năm, được nghe lại những bài hát xuân, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nhớ lại ngày xưa còn bé, hớn hở vui mừng chờ mong sao cho chóng đến sáng mồng một để được mặc quần áo mới và được cầm những phong bao lì xì đỏ chói đựng những đồng tiền mới toanh.
Hồi đó mỗi lần Tết đến tôi lại được mợ dẫn đi chợ mua cho một hoặc hai cái áo đầm và một đôi giày “bít” để diện vào những ngày đầu xuân, mỗi lần đi mua đồ Tết như thế là mất cả một ngày trời. Thấy tôi, các bà bạn của mợ tôi lại la lớn: “Trời ơi! Con bé giống mẹ y như đúc”, làm tôi mắc cỡ phải trốn sau lưng mợ tôi. Đi hết hai dãy phố và cả cái chợ Qui nhơn, đi mỏi cả chân, rã cả cẳng. Nghĩ cũng tội nghiệp mợ tôi đã chịu khó và kiên nhẫn dẫn tôi đi hết hàng này đến hàng khác mà tôi vẫn lắc đầu, mãi cho đến khi chọn được cái vừa ý. Các bà bán hàng cũng rất biết tâm lý người mua, thấy tôi thích rồi, không chịu đi hàng nào khác là họ treo giá nhất định không chịu bớt. Họ lại còn nói: “Bà có mỗi cô con gái rượu, bây giờ cái gì làm cho nó vui thì bà cho nó đi. Sau này lớn nó lấy chồng, vui buồn hay sướng khổ, bà có muốn làm cho nó vui cũng có được đâu”. Lúc còn bé tôi chẳng hiểu gì cả, miễn có được cái mà mình thích là vui rồi. Thích nhất là lần đầu tiên được mợ mua cho cái áo đầm hồng, ngày nào cũng dẫn bạn vào khoe. Mỗi ngày đợi để xé tờ lịch mong sao cho chóng đến Tết để được mặc áo mới, nhưng sao thấy mỗi ngày trôi qua chậm quá. Chẳng bù lại bây giờ, mình không mong mà thời gian cứ trôi đi vùn vụt.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu tình thương của ba mợ đã dành cho tôi, ba mợ đã làm và cho tôi tất cả những gì mà tôi thích. Nhớ tối hôm ra trường, tôi khóc ròng vì biết mình không có nhiệm sở như các bạn. Mợ tôi mới nói: “Thương con quá mà không biết làm sao, ngoài khả năng của mợ rồi, hay thôi cứ ở nhà mợ nuôi”, nghe nói vậy tôi lại càng thấy thương mợ hơn. Nghe các bạn của ba tôi cứ hay kêu tôi là “con gái rượu của ổng”. Tôi cũng không biết con gái rượu là gì, ba tôi đâu có thường uống rượu hay sai tôi đi mua rượu đâu. Cho đến một hôm, tình cờ đọc được bài thơ ba làm cho tôi.
” Con gái của ba tên Ngọc Lan,
Dáng người nho nhỏ, hay diện sang,
…………………………..
Con gái của ba con gái cưng,
Cho ba chai rượu để ba mừng”.
Bài thơ khá dài, nhưng tôi chỉ nhớ có nhiêu đó. Thì ra ba muốn tôi lấy chồng, lập gia đình, ba mợ tôi mới yên tâm. Con gái rượu là con gái cưng của ba là vậy .
Những ngày gần Tết mợ tôi luôn bận rộn làm đủ thứ mứt, nào là mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt khoai lang. Ngồi học bài dưới bóng mát của cây bông giấy để trông những mâm mứt được hong cho khô, lâu lâu lại chạy ra nhón một miếng, chẳng bao lâu mâm mứt cứ vơi dần đi. Hàng xóm cũng rộn ràng làm mứt, làm bánh thuẩn, đúc bánh in, gói bánh chưng, bánh tét. Người lớn ai cũng bận rộn, chỉ có bọn trẻ con tụi tôi là thích, vì được nếm những miếng bánh bể và thử những miếng mứt ngon. Lúc đó thì ít ai mua mứt ngoài chợ vì nhà nào cũng có sẵn. Sau này người ta bán mứt nhuộm xanh, nhuộm đỏ, trình bày trong những cái hộp đẹp mắt, mà lại rẻ nữa nên nhiều người lại mua mứt ngoài chợ hơn là phải mất công làm. Bây giờ thấy công nghệ làm mứt ở Việt Nam ghê quá, không bảo đảm vệ sinh nên gần đây ở nhà không dám mua mứt chợ nữa.
Nhớ có một năm ba tôi tập làm bánh chưng, ba cũng mua nếp, đậu xanh, lá giong, thịt sườn, thay vì thịt ba chỉ, thịt mỡ. Ba nghe nói gói thịt sườn ăn ngon hơn, không có mỡ, khi bánh chưng chín thì sườn cũng đã mềm rồi. Thấy ba gói tôi cũng xum xoe cạnh ba, gói cho được mấy cái bánh ú chen vào. Tối anh tôi và mấy ngưòi bạn thức canh nồi bánh chưng cho mợ tôi, các anh đàn hát suốt đêm rất vui. Tôi cũng háo hức không ngủ được, muốn ra ngồi ngoài đó chơi mà cứ bị đuổi vào đi ngủ, “Con nít không được thức khuya”, tôi cũng tức lắm, nhưng đành phải ấm ức vô nhà . Trông mong mau sáng để vớt mấy cái bánh ú của mình. Trưa mồng một cúng xong, cả nhà cắt cái bánh chưng của ba tôi gói ra thưởng thức.Thì hỡi ơi, kẹt cái xương chưa mềm, nên không làm sao cắt ra được, đành phải kéo cục xương ra, còn cái bánh thì nát bấy, cả nhà cười ầm lên vì sáng kiến làm bánh chưng với thịt sườn của ba tôi. Từ đó ba tôi không thèm gói bánh chưng nữa vì nhà ăn không bao nhiêu. Ra đặt hai cặp bánh chưng ăn tới ngoài Tết chưa hết, vừa ngon, vừa đẹp lại vừa khỏi mất công tốn thì giờ. Đó là lần duy nhất ba tôi gói bánh chưng, một kỷ niệm không thể nào quên.
Có một năm, kinh tế khó khăn tôi không có quần áo mới, thế là tủi thân nằm khóc chả muốn đi đâu cả. Năm đó tôi lại được tiền lì xì nhiều nhất nhưng những ngày Tết có ai buôn bán gì nữa đâu mà mua. Qua Tết rồi, được mặc quần áo mới tôi cũng không còn có cảm giác sung sướng như có nó vào ngày mồng một.
Một cái Tết mà tôi nhớ nhất trong đời đó là năm cuối cùng gia đình tôi ăn tết ở Qui Nhơn. Năm 1974 tôi đậu vào Đại học Giáo Dục, thì cuối năm đó trường cho mượn để họp hội nghị quốc tế, tụi tôi được nghỉ Tết sớm trước một tháng. Thế là sáng sớm hôm sau tôi và cô bạn Thu Hương ra bến xe đò mua vé tốc hành về Qui nhơn liền. Họ nói xe chạy trong ngày là đến Qui Nhơn, nhưng hôm đó đường xá cũng hơi bị trục trặc nên vừa đến chân đèo Cả là đã 8 giờ tối. Xe không được qua đèo, vì sợ nguy hiểm, nên tất cả những xe khác cũng phải nằm lại dưới chân đèo chờ đến sáng hôm sau. Tối đó hai đứa tôi bụng đói meo, gần đó thì không có hàng quán nào cả. Người dân ở đó thấy vậy mới làm bánh khoai mì đem ra bán cho hành khách. Tôi và Thu Hương cũng mua ăn tạm và lên xe ngồi ngủ. Nhưng mà có ngủ được đâu, phần thì háo hức mau sáng để chóng về nhà gặp gia đình sau mấy tháng xa nhà, phần thì trên xe đông mà chỗ ngồi cũng gò bó. Nhờ mệt mỏi quá nên hai đứa cũng ngủ thiếp đi được một chút, đến sáng được mấy người lơ xe gọi dậy để chuẩn bị khởi hành. Tám giờ sáng xe vào đến Qui nhơn, thành phố buổi sớm thật yên tĩnh vì nhiều cửa tiệm chưa mở, không khí trong lành và mát mẻ. Hai đứa thuê xe xích lô về, tôi hẹn sẽ đến thăm Thu Hương vào ngày mồng hai Tết.
Về đến nhà mợ tôi đã đi chợ, chỉ có nhỏ em đang chơi trước sân với mấy đứa trẻ hàng xóm. Thấy tôi về cả bọn reo lên: “A, chị Lan về, chị Lan về”. Không có chìa khóa để vào nhà, tôi bèn đi bộ ra chợ tìm mợ tôi. Thật là một bất ngờ cho mợ tôi vì thấy tôi được về nhà sớm. Mẹ con mừng mừng tủi tủi, mợ tôi hỏi: “Con muốn ăn gì mợ mua cho”. Năm đó ba mợ tôi chuẩn bị ăn Tết thật lớn để mừng cô con gái mới thi đậu đại học ở Sài Gòn về thăm. Tôi được ba dẫn đi mua cho cái xe đạp mi-ni làm quà thưởng và cũng để đem vào Thủ Đức làm phương tiện đi học . Một món quà nữa của ba cũng làm cho tôi nhớ mãi trong đời. Khi thi đậu đệ Thất vào trường Nữ Trung Học Qui nhơn, ba cho tôi chiếc đồng hồ đeo tay có dây bằng nhung đen, đựng trong một cái hộp thật đẹp. Nhớ đến nhạc phẩm Tuổi Hồng của Phạm Duy, “Xin cho em, một chiếc xe đạp. Cho em đi mùa xuân đến rồi. Từng vòng từng vòng xe là vòng đời nhỏ bé….”, thật đúng với tâm trạng của tôi lúc đó.
Chiều mồng một, tất cả các sĩ quan làm trong bộ chỉ huy của tiểu đoàn ba tôi đến nhà chúc Tết và tôi phải mang nước ra mời. Thấy ba tôi vui và hãnh diện, chắc ông cụ cũng muốn khoe cùng bạn bè có cô con gái mới thi đậu đại học đây. Nghe các ông bạn của ba nói: “Con gái bố Bình đây hả? Lớn và xinh quá”, làm tôi cũng mắc cỡ quá chừng. ” Mình đã lớn rồi ư?”, không tôi không muốn mình lớn nhanh thế, tôi chỉ muốn mình mãi còn bé để được nũng nịu với bố mẹ mà thôi. Đừng, đừng ai để ý đến tôi nhé. Thế là tôi lén lấy xe đạp, đến nhà bạn tôi để tránh không phải ra chào khách nữa. Trên đường đạp xe từ nhà bạn về, tình cờ gặp hai cái xe Jeep của những người bạn ba tôi về trại. Tôi nghe họ reo ầm lên: “Con gái bố Bình, con gái bố Bình kia kìa”, làm tôi muốn trốn mà không biết trốn đi đằng nào.
Ngày mồng hai, như đã hẹn tôi đến nhà Thu Hương. Lúc đó cũng có một người bạn của anh Thu Hương đến chơi, anh Thu Hương học đại học y khoa Sài Gòn. Trong khi chờ đợi hai anh emThu Hương ra tiếp, tôi ngồi nói chuyện với anh bạn này một lúc thì chị của Thu Hương trong nhà bước ra. Thấy chị ăn mặc đàng hoàng, tôi và anh bạn mới bèn chào và mời chị ngồi chơi. Sau một lúc chuyện trò, tự nhiên chị ta giơ tay tát vào mặt anh bạn này một cái nẩy đom đóm rồi chị bỏ chạy mất tiêu. Lúc đó cả nhà chạy ùa ra, chúng tôi mới biết chị của Thu Hương bị tâm thần. Ở nhà hơi bận một chút không để ý là chị trốn ra gây chuyện và chạy mất tiêu. Tội nghiệp anh bạn của anh Thu Hương hôm đó sui xẻo, bị một cái tát như trời giáng mà không hiểu chuyện gì. Gia đình Thu Hương phải cố xin lỗi anh bạn đó, nhưng có lẽ anh vẫn còn hơi quê trước mặt tôi. Sau đó cả nhà lại phải chạy đôn chạy đáo đi tìm người chị đó vì sợ chị lại đến làm phiền người khác trong dịp Tết lễ thì không nên. Ngồi chơi một chút tôi cũng kiếu từ ra về vì biết Thu Hương về cũng bận bịu với gia đình và mấy đứa em.
Vài hôm sau có một “chú hoa mai” đi lạc vào nhà hỏi thăm: ” Có bố Bình ở nhà không?”. Lúc đó tôi đang ngồi đọc truyện Tuổi Hoa, giả vờ không nghe. Chú hỏi lần nữa: “Có bố Bình ở nhà không?”. Lúc này tôi mới bỏ cuốn truyện xuống, nhìn quanh rồi nói: “Ủa, chú hỏi cháu hả? Vậy mà cháu tưởng chú hỏi ai chứ, mời chú ngồi chơi. Dạ, giờ này là giờ hành chính (lúc đó khoảng 2-3 giờ chiều) chú biết là ba cháu đi làm chưa về, thứ hai là chú thấy đằng trước không có xe Jeep của ba cháu, chú biết tỏng tòng tong là ba cháu không có nhà rồi phải không?” Thấy chú đỏ mặt, tôi gỡ bí: “Chú ăn mứt, để cháu vào rót nước”. Thế là tôi chuồn vào trong nhà, đẩy bà chị dâu đem nước ra mời khách rồi lẻn ra ngoài nhảy dây với mấy đứa con nít hàng xóm. Chú đứng ở cửa sổ nhìn ra, đợi mãi mà không thấy tôi vào. Chắc chú cũng “nản lòng chiến sĩ” vì tính trẻ con và “đanh đá” của tôi nên kiếu từ ra về mà không hẹn ngày trở lại. Tôi nghĩ lại thấy mình cũng bất lịch sự thật.
Mấy ngày còn ở nhà với ba mợ là những ngày vui nhất của tôi, ngày nào cũng như ngày Tết , Tết mà lị, cứ việc ăn uống no nê và đùa giỡn với bạn bè. Đa phần các bạn của tôi đang theo học trường Sư Phạm Qui Nhơn, nên tôi được gặp lại gần hết các bạn thân của mình. Thắm thoát rồi ngày vui qua mau, mồng mười tết ba mợ đưa tôi ra bến xe để trở vào Sài Gòn đi học lại. Tôi đi cùng với hai người chị bà con học ở đại học Vạn Hạnh. Thấy ba mợ lo và dặn dò từng chút một, tôi không muốn đi chút nào cả, nhưng cũng phải gạt nước mắt mà đi. Xe chạy rồi mà vẫn còn thấy ba mợ tôi đứng nhìn theo chiếc xe đò khuất dần sau ngõ quẹo. Tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi có được một cái Tết vui vẻ đầm ấm với tất cả bạn bè thân thương, với hàng xóm láng giềng của nơi đã sống và lớn lên suốt mười mấy năm trời ở cái thành phố nhỏ bé và thơ mộng bên bờ biển Qui Nhơn.
Thế rồi chiến tranh xảy ra, tháng ba 1975, ba tôi thuê xe vận tải để cho mợ tôi, em tôi và người chị dâu đang có bầu chạy vào Sài Gòn. Những ngày dầu sôi lửa bỏng, tôi và những người bạn có gia đình ngoài miền Trung, ai cũng thấp thỏm lo ra, còn tâm trí đâu để tập trung mà học. Tôi rất mừng khi gặp được mợ tôi, mợ nói ba tôi bảo dọn vào Thủ Đức ở để lo cho tôi ăn học đến nơi đến chốn. Gia đình tôi ở tạm nhà bác tôi, nhưng sau đó cũng đã thuê được nhà khác ở để chờ tin ba và anh tôi vào vì nghe tin Qui Nhơn đã thất thủ.
Những ngày tháng Ba năm 1975 sao mà dài lê thê với tôi, hình như các bạn tôi cũng bắt đầu ít đến lớp.Tôi cũng nghỉ học để mỗi ngày đi với mợ tôi ra tận Vũng tàu tìm ba và anh tôi. Lúc đó mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu từ miền Trung chở không biết bao nhiêu là người tỵ nạn vào nam. Mợ tôi cũng còn phải đến trung tâm tiếp cư của chính phủ để khai báo, không ngày nào mợ tôi và tôi có mặt ở nhà. Thật may mắn cho gia đình tôi, ba và anh tôi cuối cùng đã về đến nhà bình yên. Ông cụ nhờ có mang vàng theo nên thuê được ghe đi riêng chứ không phải chen chúc trên những chuyến tàu đông người. Tôi và mợ tôi về đã thấy ba và anh tôi ở nhà, cả nhà rất vui mừng. Cô tôi cũng được ông chú thuê xe cho về Sài Gòn trước, cô cháu gặp nhau khóc hết nước mắt vì không biết chú tôi ra sao? Còn chú tôi ở Lâm Đồng lại phải chạy bộ băng rừng vượt suối, xuống tới Long Khánh mới thuê được xe về Sài Gòn. Thật là đoạn đường máu lửa và nước mắt của những ngày tháng Ba, tháng Tư năm 1975 mà tôi chắc rằng không mấy ai quên đươc. Tạ ơn trời phật đã cho gia đình tôi đoàn tụ đầy đủ. Nhưng nghĩ thấy thương và tội nghiệp cho ba mợ tôi quá, suốt mười mấy năm trường làm ăn dành dụm xây được bảy cái nhà để cho thuê. Ba mợ tôi cũng dự định là khi con cái lớn lập gia đình sẽ cho mỗi đứa một căn, ở gần ba mợ tôi, còn thì cho thuê để có lợi tức hàng tháng. Ba mợ tôi cũng chuẩn bị mua xe bốn bánh cho ba tôi chạy chở khách khi về hưu, chờ sau khi tôi học xong đại học. Nhưng không ngờ chiến cuộc lại bùng nổa, cả gia đình phải vất bỏ tất cả chạy vào Sài Gòn, làm lại từ đầu với chút vốn liếng mang theo để lo cho tôi ăn học nên người.
Đoàn tụ chưa được bao lâu thì đầu tháng năm 1975, ba tôi và chú tôi phải khăn gói lên đường đi học tập cải tạo. Ba tôi chỉ học gần ba năm, chú tôi thì phải mất năm năm mới được về. Ra trại, ba tôi phải lên Lâm Đồng để lao động sản xuất theo chính sách của nhà nước lúc đó. Cũng năm 1979, tôi về thăm lại Qui nhơn, vì biết rằng khi đi làm sẽ không có thời gian nghỉ ngơi nhiều như khi còn đi học. Về thăm lại chốn xưa, đứng trước ngôi nhà cũ mà bây giờ đã có gia đình khác cư ngụ, biết bao kỷ niệm ngày xưa hiện về, tôi không sao ngăn được nước mắt .
Năm 1979, gia đình cũng được hưởng một cái Tết khá đầy đủ kể từ năm 75, vì đó là Tết đầu tiên tôi đi làm ở trại gà. Tôi đem về được một con gà mái thật to, một vỉ ba chục trứng hai tròng đỏ đặc biệt, lại thêm thịt heo, gạo nếp, đậu xanh công đoàn chia cho. Ba tôi từ Lâm Đồng về cũng đem một cặp gà trống thiến, ông cụ nuôi trên đó, rồi nào là càphê, đậu xanh, ba tôi trồng. Thấy ba ở trên đó một mình cực quá mà tôi đã có viêc làm ổn định nên cả nhà khuyên ba tôi về ở lại nhà theo diện tạm trú, không còn phải lủi thủi một mình nữa. Năm sau chú tôi về, được một tháng thì cô tôi lo cho đi vượt biên đến nơi an toàn.
Năm 1996, tôi đem con về ăn Tết với ba mợ tôi, sau bốn năm ở Mỹ. Không gì vui và quý giá bằng món quà mà tôi đem về cho ba mợ, đó là thằng con tôi vừa hơn một tuổi mà ba tôi gọi nó là “Cục cưng của ông ngoại”. Tết năm đó gia đình đoàn tụ đông đủ rất vui, sẵn đó tôi cũng tổ chức lễ thượng thọ cho ba mợ tôi. Ba tôi có làm bài thơ đọc cho cả nhà nghe:
” Bính Tý năm nay cũng đẹp trời ,
Xuân về hoa nở khắp nơi nơi,
Mừng xuân con cháu về đông đủ
Chúc thọ ông bà được thảnh thơi .
Sống lâu trăm tuổi nhìn con cháu,
Làm ăn phát đạt khắp nơi nơi,
Hàng năm con cháu về ăn Tết,
Gia đinh đoàn tụ lại thêm tươi”.
Năm nay Tết lại sắp đến, năm mới nhớ chuyện xưa kể lại để biết rằng trên đời này “Nothing lasts forever”, không có gì là bất biến cả. Tiền tài, điạ vị, danh vọng và nhà cửa, tất cả chỉ là phù du, có đó, mất đó. Cuối cùng chỉ còn lại tình cảm gia đình, tình con người đối với nhau. Lúc giàu có, lúc thiếu thốn, có nhau, giúp nhau vượt qua những đoạn đời khó khăn, đó mới là quý hơn tất cả. Như lời mợ tôi thường nói “Người sống đống vàng”, “Người làm ra của chứ của không làm ra người”. Tạ ơn trên, trải qua bao năm cực khổ, thiếu thốn mà ba và chú tôi vẫn được mạnh khỏe, an hưởng tuổi già bên đàn con cháu .
Ngọc Lan
RE: Tết Năm Xưa
[i]Tiền tài, điạ vị, danh vọng và nhà cửa, tất cả chỉ là phù du, có đó, mất đó. Cuối cùng chỉ còn lại tình cảm gia đình, tình con người đối với nhau. Lúc giàu có, lúc thiếu thốn, có nhau, giúp nhau vượt qua những đoạn đời khó khăn, đó mới là quý hơn tất cả. Như lời mợ tôi thường nói “Người sống đống vàng”, “Người làm ra của chứ của không làm ra người”. [/i] Đúng quá NLan ơi! Má mình cũng hay nói vậy đó!
Bài viết của Lan thật là súc tích dạt dào tình cảm đọc thấy ấm áp quá chừng!
Cám ơn NLan. ĐO.
RE: Tết Năm Xưa
Dù thời gian đã vời vợi nhưng kỷ niệm về những cái Tết xa xưa khó có thể nhạt nhoà trong ký ức. Thương thường vào những ngày cận Tết là thơi gian nhớ nhà nhiều nhất, phải không chị Lan? Nhớ đến niềm vui bên gia đình bên người thân trong những ngày cuối năm và trong 3 ngày Tết.
Đọc những kỷ niệm của chị mà nhớ đến nhưng cái tết xa xưa ở quê nhà quá chi Lan ơi.
Dao
RE: Tết Năm Xưa
Cám ơn Đông Oanh và Ngọc Dao
Ngồi nghe mình kể chuyện tầm phào
Chữ nghiã văn chương không sắc xảo
Kỷ niệm thương yêu có là bao ???
NgocLan
RE: RE: Tết Năm Xưa
Thơ Lan tình cảm thật dạt dào
“Tầm phào” nhưng thắm thiết biết bao!
Ngày nao chúng mình còn gặp lại?
Cùng nhau “tám” những chuyện “tào lao”! 😛
ĐO.
RE: Tết Năm Xưa
Chị Ngọc Lan ơi,
Hôm nay rảnh rổi vào đọc bài của chị. Chuyện kể về những cái Tết ngày xưa vừa vui vừa ngậm ngùi. Thời gian không níu lại được, nó đã làm nhạt nhòa những kỷ niệm nhưng hể có một mách bảo nào đấy thì trái tim lại cứ thổn thức. Những ngày cận Tết là những ngày rộn ràng nhất và đáng nhớ nhất, phải thế không? Cảm ơn chị đã chia sẻ với bạn bè những kỷ niệm của riêng mình. KT
RE: Tết Năm Xưa
Chị Ngọc Lan thương! Đọc một mạch bài chị viết, một đọan hồi kí với bao buồn vui hiện lên thật sống động. Những kỉ niệm đẹp đẽ ,theo thời gian tưởng như bị lãng quên nhưng rồi có lúc nó chợt tỉnh thức và khơi dậy cho ta bao nỗi niềm nuối tiếc khó nguôi ngoai.
Mong chị năm mới dồi dào sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc!
RE: Tết Năm Xưa
Cám ơn Kim Tiến và Thanh Hoà
Kỷ niệm ngày xưa tửơng nhạt nhòa,
Bỗng dưng tết đến tim thổn thức,
Nỗi niềm nuối tiếc khó nguôi ngoai,
Mừng xuân năm mới mong các bạn,
Sức khoẻ dồi dào , sáng tương lai.
NgocLan.