Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Qui Nhơn, Nữ Trung Học và Tôi

Đối với tôi tất cả mọi miền của đất nước đều đẹp, nhưng Huế và Qui Nhơn là những nơi tôi được “tá túc” lâu nhất và đã để lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm êm đềm nhất, mặc dù Hội An mới là “quê cha đất tổ”, nơi chôn nhau cắt rốn cưa tôi – có lẽ vì gia đình tôi rời Hội An khi tôi còn quá nhỏ để về Huế là nơi quê mẹ tôi – Rồi tôi học hành và lớn lên ở Huế, học trường Đồng Khánh, Quốc Học, Đại Học Sư Phạm, rồi ra trường thì được về dạy tại trường cũ Đồng Khánh. Nói tóm lại cuộc đời của tôi trước khi lấy chồng phần lớn là đi về trên con đường Lê Lợi rợp bóng mát, trước mặt sông Hương, được gọi là con đường học trò của xứ Huế. Lấy chồng Bình Định, bị (được) anh chị em và bạn bè “chọc quê”

Gió đưa mười tám lá xoài
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.

Nhưng tôi chưa hình dung được Qui Nhơn và Bình Định mặc dù trước khi định cư ở quê hương Hàn Mặc Tử tôi đã theo các anh chị lớn đi mở trại huấn luyện của Gia Đình Phật Tử tại đây năm 1961, lúc đó Qui Nhơn chưa mở mang nhiều và thành phố chỉ gồm vài con đường chính đi chưa đủ mỏi đã hết đường, ngoài ra là những đụn cát và cây xương rồng mọc nhiều làm cho phong cảnh có vẻ hoang vu, huyền bí.

Tôi chính thức đến Qui Nhơn nhận việc sau khi “đơn xin thuyên chuyển theo chồng” được trường Đồng Khánh và Bộ Giáo Dục chấp thuận vào một ngày tháng 11 năm 1965. Cùng được thuyên chuyển vào Qui Nhơn với tôi năm ấy có anh Nguyễn Mộng  Giác- dạy Văn và tôi dạy Lý Hóa ở Đồng Khánh-Anh Giác về trường Cường Để (lúc đó là trường nam) và tôi về trường Nữ Trung Học.

Hiệu trưởng trường Cường Để là anh Trương Ân và trường Nữ Trung Học là chị Trần Thị Gia (1). Từ đó Qui Nhơn và Nữ Trung Học đã trở thành những danh từ riêng thân thương và gắn bó đối với tôi tâm tư tình cảm của tôi.

Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn nằm trong một vùng thiên nhiên rất nên thơ, trường nhìn ra biển và những hôm có giờ dạy ở các lớp trên lầu, nhất là  những hôm cho các em học sinh làm bài, tôi nhìn ngắm biển thật thích. Tôi nghĩ rằng khắp nước mình, không có ngôi trường nào trong thành phố mà lại được ở ngay trước mặt biển như thế này. Thầy trò chúng tôi vừa được hàng ngày ngắm biển, vừa được thở không khí trong lành, và thầy cô giáo Nữ Trung Học còn may mắn hơn các bạn đồng nghiệp Cường Để một điều là được dạy nữ sinh, các em dù có nghịch ngợm đến đâu, phần lớn cũng vẫn ngoan hiền và có tình hơn nam sinh, có phải không các bạn?

Hồi đó chúng tôi mới có cháu đầu lòng chưa tới một tuổi, với hai cô bé giúp việc chừng 13-14 tuổi mà anh Bang-chồng tôi-thì đang thời gian biệt phái bên quân đội, thỉnh thoảng phải đi công tác ra Bồng Sơn vài tháng. Mặc dù Bà Nội cháu thỉnh thoảng vẫn lên thăm nhưng không ở chung; vì vậy, ở nhà chỉ có ba chị em và cháu bé nên rất đơn chiếc; nếu không có các em học sinh lui tới thăm viếng chuyện trò thì chắc là Qui Nhơn đối với tôi buồn ghê lắm. Rất may, chỉ vài tuần sau khi đi dạy là tôi đã quen biết được nhiều học sinh trong lớp mình dạy hay hướng dẫn; ngoài ra, vì là cô giáo mới tới nên nhiều học sinh tuy không học với tôi nhưng cũng biết tôi, các em ở gần nhà đến rủ tôi đi tới trường mỗi ngày, và lúc rảnh đến nhà chơi không ké né sợ sệt gì cả vì không có thầy ở nhà (!). Vào những tháng đầu tiên, điều lạ lùng và đáng ngại nhất của tôi đối với Qui Nhơn là đầy lính Mỹ đi ngoài đường vào chiều tối và những ngày lễ nhiều quá. Các Bar cũng rất nhiều dọc theo con đường Võ Tánh, Lê Lợi, là những con đường tôi phải đi qua để đến trường. Tôi sợ nhất là khi chiều về gặp một ông Mỹ tây cầm lon bia đi nghênh ngang giữa đường gặp mình thì ‘hello’ hay có khi đưa tay ra bắt nữa. Mấy năm dạy ở trường Đồng Khánh, hằng ngày ngoài những giờ dạy trong lớp, tôi vẫn làm việc với những sinh viên thiện nguyện Mỹ (IVS-International Volunteer Students) trong phòng thí nghiệm của nhà trường. Tôi thật không phải vì nhút nhát nhưng có lẽ những người IVS cũng giống như nhà giáo Việt Nam chúng ta, cũng nhỏ nhẹ, lễ phép đối với phụ nữ. Và ở Huế, lính Mỹ tập trung ở miệt phi trường Phú Bài rất cách xa thành phố, nên tôi chưa quen không khí ở đây; thế là các em học sinh của tôi đã làm công việc hộ vệ rất tốt cho cô giáo vì các em đã quen rồi, không còn sợ chuyện phải đụng đầu với một ông Mỹ ngoài đường, các em cũng có khi “Hello” lại một cách tự nhiên. Mặc dù những chuyện lo ngại này của tôi rất hiếm xảy ra, chi vào    những dịp như trước Christmas, New Year… mà thôi; tuy nhiên tôi vẫn nhớ mãi cảm giác an toàn khi được đi cùng các em, vả lại nếu mình đi một đám đông thì các ông Mỹ đi một mình không bao giờ đến trước mặt chào hỏi nữa.

Có một lần gần Tết, trường nghỉ dạy mà anh Bang thì ở Bồng Sơn, tôi bày ra làm mứt bánh cho vui, ba chị em đang lúi húi xắc dừa, thơm, đánh trứng, rang đậu phụng… chắc ăn là sẽ thức suốt sáng; ai ngờ có mấy em đến chơi và tình nguyện ở lại làm mứt với cô đến sáng. Thế là mỗi người một việc, câu chuyện lại thích thú râm ran từ ngoài vườn vào trong bếp, chưa tới 12 giờ khuya thì mọi thứ đều xong. Chúng tôi cùng nhau nhâm nhi mứt, bánh, kẹo… Cái Tết đầu tiên ở Qui Nhơn cũng là Tết “xôm tụ” nhất trong đời vì trước đó và về sau này chúng tôi đâu có bao giờ rảnh mà làm mứt bánh mấy ngày Tết. Đó là những chuyện ngoài phố và trong nhà vào những ngày đầu tôi làm quen với Qui Nhơn. Chuyện tình bà con, tình gia đình, chòm xóm, tình người ở đây v…v… cũng chưa nói đến được.

Đây chỉ là chuyện trong trường, trong lớp của Nữ Trung Học. Lứa tuổi học trò trung học, mà lại học trò con gái thì thật là tuổi đẹp nhất đời mà cũng khó hiểu nhất đời. Tính tình các em, do đó, đúng là ” sáng nắng chiều mưa, buổi trưa sương mù”. Ấy thế mà suốt đời tôi lại luôn tiếp xúc với các em ở cái tuổi tuyệt vời ấy. Ngày còn ở Đồng Khánh Huế, mỗi buổi trưa đi dạy về, trong cặp tôi thường có thư của học sinh. Mạ tôi cứ bảo: “Cô giáo với nữ sinh mà sao giống mấy người nam nữ ngày đêm thương nhớ quá vậy, chuyện gì không nói được mà phải viết thư?” Tôi không dám cãi Mạ nhưng trong lòng vẫn không vui vì Mạ xưa quá. Tưởng rằng nữ sinh Đồng Khánh mộng mơ, ai ngờ nữ sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn cũng vậy, các em viết thư cho nhau – dù học trong cùng một lớp, có khi ngồi cùng một bàn-và viết thư  cho cô giáo (tôi không hỏi ai cả nên không biết các em có viết thư cho các thầy giáo không và vì vậy không ghi vào đây). Những bức thư rất dễ thương ghi lại những cảm nghĩ-có khi là những thắc mắc cần được giải đáp- về đủ mọi thứ: Nhà trường, xã hội, bài vở, thi cử, tình cảm, bạn bè, tình cảm riêng tư… Tôi rất trân trọng tình cảm các em và tìm cơ hội để trả lời tất cả các thắc mắc của các em, có khi nói chuyện và cũng có khi bằng thư. Có những em khác thì không viết thư nhưng bỏ vào trong cặp tôi những trái me, ô mai.(giờ ra chơi tôi để cặp trong lớp) làm tôi trong một thoáng giây, cảm thấy như mình không phải đã lớn, đã là cô giáo, là mẹ… mà vẫn còn là cô học trò nhỏ ngày nào, còn yêu thích những thứ lục lăng trái ấu đó.

Ngày đó, cô từ nơi nào lạc đến NTH của chúng emCác em luôn phê bình rằng tôi nghiêm, cứ hay dò bài hay cho bài kiểm trước khi giảng bài mới, làm cho người ta hồi hộp, đôi khi thuộc bài mà cũng quên, lại còn không tha người ta, kêu hỏi bất chợt trong lúc giảng bài nữa (2) nhưng hình như các em vẫn mến tôi nhiều hơn là giận về những tật xấu đó của cô giáo. Cứ như vậy tôi cảm thấy rất hạnh phúc với nghề nghiệp của mình, với đám học sinh dễ thương-kể cả các em nhác học, ngang bướng, cá biệt cũng có cái dễ thương riêng của chúng- Tôi đã từng nghĩ  rằng các em là ánh sáng, là nắng hoa, là bướm của đời tôi. Tôi yêu mến các em và tham dự một phần vào cuộc sống của các em cũng như các em đã tham dự vào đời tôi, chẳng khác gì  những người em ruột thịt của tôi vậy.

Sau  năm 1975 tôi vẫn còn tiếp tục dạy ở Nữ Trung Học, lúc bấy giờ đã đổi tên là Trưng Vương, không còn dành riêng cho nữ sinh nữa nhưng phần lớn học sinh đều là học sinh của Nữ Trung Học và Cường Để trước đây cũng như từ  các trường tư thục vào.  Những năm tháng này tổ chức nhà trường đã đổi khác nhiều, trường chia lảm hai: Cấp 2 Trưng Vương học buổi chiều, lao động buồi sáng, cấp ba thì ngược lại. Tôi dạy cấp 3 Trưng Vương. Thầy cô giáo chia làm hai hệ: Hệ 10+3 của ngoài Bắc vào và hệ trong Nam gồm các anh chị em mình ở Nữ Trung Học, Cường Để ngày xưa (các anh chị Kha, Triết, Quán, Sơn, Đức, Hiên, Thư, Liên Trì, Sinh..) hay trường Sư Phạm, Kỹ thuật (các anh Học, Thông, Bỗng). Không khi nhà trường  đối  với các anh chị em giáo viên miền Nam- mà nhà nước gọi là giáo viên lưu dụng, thật đã không còn được như trước kia nữa.

Thời gian này anh Bang tôi cũng không có nhà vì phải đi học tập cải tạo nhưng may là  Bà Nội các cháu cũng có mặt ở Qui Nhơn , Bà đến ở với các cháu khi tôi phải đi thăm nuôi anh Bang, làm thức ăn để tôi đem lên cho ảnh v..v. ; phần  các cháu đã lớn-cháu đầu 10 tuổi và cháu út 3 tuổi, dù bây giờ học sinh không còn đến nhà chơi thoải mái như trước đây-vì tụ tập 5 người là phải báo cáo với phường khóm. ….mà tôi cũng không cảm thấy buồn hay cô đơn (nói cho đúng là không có thì giờ để buồn !! ). Tuy nhiên vẫn có một số em lui tới thăm viếng tôi-từng em một-thậm chí có nhiều em học sinh cũ, bây giờ đã đi làm Trưởng một cửa hàng, thỉnh thoảng còn đem cho tôi thịt, cá…nữa, nói là “tiếp tế chất đạm cho các em”.

Thời gian đi dạy lớp ngày rồi lớp đêm, đi lao động với học sinh, họp hành và đi học và đi học chính trị chiếm hết thì giờ của thầy cô giáo sau 1975; đó là chưa kể thời gian đi lao động dài ngày, đưa học sinh lên tận Tăng Vinh, cách Qui Nhơn 40 km, hay đi đắp đê…Các em học sinh của buổi giao thời này tuy có hơi khác với học sinh của Nữ Trung Học ngày xưa nhưng những nét dể thương chung vẫn có và hình như các em trưởng thành hơn nhờ chính mắt trông thất sự đổi thay đột ngột của thời cuộc và cảm nhận sâu sắc nỗi đau chung của dân chúng miền Nam hay của chính gia đình mình, bản thân mình. Các lớp ban C (Toán) thì ít nữ sinh, nhiều nam sinh hơn; còn ban A (Ngoại ngữ) và D (Sinh vật) thì nhiều nữ sinh hơn. Tôi dạy đủ cả ba ban nhưng chủ nhiệm cho ban C nhiều hơn. Ở Trung Vương 3, học sinh miền Nam chiếm đa số, do đó các em từ miền Bắc vào chưa có thể trung hòa được tập thể mà trái lại cũng được đồng hóa trong phong cách học tập, ăn nói, cư xử với thầy cô giáo và bạn bè…Loại học sinh antennes của Ban Giám Hiệu hay Đoàn Thanh Niên của nhà trường không được các bạn cùng lớp, cùng trường yêu mến và tin tưởng, mà trái lại còn bị âm thầm cô lập. Học sinh ưu tú của nhà trường hầu hết là các em học sinh miền Nam còn các học sinh cá biệt, cần kỷ luật đa số lại rơi vào các em con cán bộ từ miền Bắc vào; do đó, các anh chị giáo viên người Bắc cũng phải suy nghĩ, đau đầu về việc này. Có người nói công khai rằng giáo viên và học sinh trong này được đào tạo kỹ về chuyên môn. Tuy nhiên đến giờ lao động hay những ngày đi lao động thì tôi bị nhận xét rất thảm hại: xúc đất thì như xúc cà phê, còn khiêng đất thì cả ngày khiêng được một rổ. Cũng may đó là những lúc phải đi chung với tập thể giáo viên trong công tác đắp đê chứ còn bình thường hướng dẫn học sinh đi lao động làm sạch trường, trồng bạch đàn, kể cả lên Tăng Vinh trổng sắn (củ mì) hay giữ rẫy..thì các em học sinh tự động điều khiển nhau, phân công nhau dành làm hết mọi việc, cho cô giáo nghỉ khỏe, nhìn trời đất, mà đến giờ ăn còn được múc riêng cơm, canh…để dành cho cô và nói: “chứ cô làm sao mà ăn kịp tụi em” nữa chứ. Tình thầy trò vẫn ấm áp như bao giờ, đặc biệt nữ sinh đi lao động vẫng đem ô mai, me cam thảo đi ăn và bới cho cô nữa. Lại có em đưa cho tôi cả hũ muối, sả thơm phức, nói rằng: má em làm biếu cô, thế là tôi có quà để cho cả lớp ăn một bữa ngon miệng, không chỉ là “canh bí muôn năm” như mọi ngày.

Nói về nhân tài của Nữ Trung Học Qui Nhơn thì không phải là hiếm; trước 75 các em cũng đã tốt nghiệp Bác sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư, Giáo sư các trường Trung Học (ngày xưa hay gọi thầy cô giáo dạy Trung Học là giáo sư) .. sau 75 có nhiều em dạy Đại học Sàigòn, như ĐH Kinh tế, Tài chánh, Nông Lâm v..v..và được xem là guơng mẫu, xuất sắc, còn những em đã ra hải ngọai-đặc biệt là ở Hoa Kỳ-cũng rất thành công trong nghề nghiệp, có em làm việc cho government, rất giỏi, có nhiều em ngòai công việc ở Sở,  Hãng … còn phụ trách công việc thiện nguyện (volunteers) hướng về quê hương như đưa những đoàn bác sĩ , nha sĩ,  BS nhãn khoa v..v.. về Việt Nam, đến những thôn làng xa xôi để cứu giúp đồng bào bệnh tật, các em thât xứng đáng được gọi là “hậu sinh khả úy”

Nhiều em, ở trong nước cũng như đã ra hải ngoại, gặp nhiều hòan cảnh không may như “nửa đường gãy gánh” hay chồng mất sớm, vẫn làm người “single mother” dũng cảm nuôi các con khôn lớn, và có vài trưòng hợp, các cháu này lại trở thành những ngưòi xuất sắc, được học bổng du học và khi đã ra ngoài, học hành cũng thành công rực rỡ.

Học sinh Trưng Vương (Nữ Trung Học sau 1975) cũng có nhiều em xuất sắc, là thủ khoa khi tốt nghiệp trường Bách Khoa Sài Gòn, được các nước cấp học bổng cho đi du học để lấy các văn bằng cao hơn mà Việt Nam không có. Có nhiều em đã có tới 2-3 bằng Ph.D ở nước ngoài.

Vào những năm 90-91, tôi ghi tên học mấy lớp Computer ở Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, nơi có một em học sinh Trưng Vương cũ dạy. Sau khi dạy riêng những lớp dễ “để cô đỡ tốn tiền học phí” em này đồng ý cho tôi ghi danh và vào đúng ngay lớp em đang dạy. Giờ học đầu tiên khi các sinh viên đứng lên chào, em nói với họ: “ các anh chị khỏi phải đứng lên chào tôi, vì có cô giáo cũ của tôi trong lớp này”. Các bạn thấy có giống chuyện ông Bộ Trưởng Giáo Dục Pháp – ông Carnot -thường được ca tụng là người đã nên danh phận nhưng không quên thầy giáo cũ, mỗi lần về quê đều đến trường làng thăm lại thầy và nói chuyện với học sinh, kể lại công ơn thầy đã dạy dỗ mình năm xưa? Tôi rất tự hào là học sinh Việt Nam cũng có những em giống như Carnot vậy:  tài đức song toàn mà luôn khiêm tốn, giản dị và đầy lòng biết ơn,  mặc dù giờ đây mình cũng là một thầy giáo,  mà lại là thầy giáo đại học nữa kìa.

Nói về Qui Nhơn, nếu chỉ nhắc về Nữ Trung Học thì quả thật hơi thiếu sót. Tôi còn có cơ hội dạy ở trường Bồ Đề và Trinh Vương. Tôi là Phật tử nên việc được quý Thầy, quý Sư Cô gần gũi, khuyến khích, che chở là chuyện tất nhiên; đằng này tôi lại được bà Hiệu trưởng Trinh Vương (3) lúc đó là Mẹ Bề Trên của Tu Viện Trinh Vương và các Soeur ở đó quan tâm nữa. Mỗi lần tôi sắp sinh một cháu, xin nghỉ dạy một thời gian, bà lại cho tôi một chai rượu lễ – từ bên Rome gởi về- và cả vườn rau, xưởng nón của tu viện đều đã từng tặng cho tôi những sản phẩm do chính tay họ sản xuất, tôi cảm thấy rất gần gũi và quen thân với họ. Do đó sau 1975, tôi không chỉ đến các chùa Long Khánh, Tâm Ấn hầu thăm thầy Trụ Trì và qúy Thầy, Sư Bà và quý Sư Cô, mà còn đến thăm quý bà Soeur tại tu viện Trinh Vương (lúc đó Trinh Vương cũng như các cơ sở tôn giáo khác đã bị nhà nước lấy một nữa) vì việc này, tôi bị mấy ông bà công an kêu lên ty Giáo Dục kết tội là “liên minh tôn giáo” thật là vui.!

Nhà thơ Quách Thoại, khi ngắm một bông hoa thược dược nở bên hàng giậu, một hiện tượng rất bình thường và đơn giản, nhưng thi sĩ, nhờ nắm bắt được thực tại nhiệm mầu nên đã viết mấy câu thơ bất hủ được nhiều người ca tụng:

Đứng yên ngoài hàng giậu,
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Và thoảng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.

Tôi không biết làm thơ nhưng đứng trước những đóa hoa biết nói, biết hát, biết tâm sự, biết nhìn dòng lịch sử trôi qua trước mắt mình, biết ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển, nghe tiếng sóng….để suy tư về con người và cuộc đời; những đóa hoa muôn màu muôn vẻ của trí tuệ và kiến thức – tuổi trẻ Qui Nhơn nói chung và học sinh Nữ Trung Học nói riêng- làm sao không cảm nhận được sự mầu nhiệm của tuổi trẻ, của tình người, của cái đẹp trong từng giây phút đã và đang hiện diện quanh mình. Tôi cũng muốn bắt chước nhà thơ Quách Thoại  “Sụp lạy cúi đầu” để cảm ơn tất cả: Qui Nhơn, Nữ Trung Học và các em học sinh, thế hệ rường cột không chỉ của nước nhà mà của cả hành tinh chúng ta.

———
Vương Thúy Nga
(update: 2009/10/1)
(1) Cả hai vị bây giờ vĩnh viễn ra đi, chị Gia mất lúc đang dạy trường Nguyễn Thượng Hiền (Sài Gòn) sau 75 và anh Ân mất hồi năm 1998
(2) Tất nhiên là dư luận học sinh chứ không phải các em nói thẳng.
(3) Đó là bà Gabrielle Lê thị Phi Hường _bà mất năm 1999 tại Quy Nhơn.

6 BÌNH LUẬN

  1. Kính mừng cô giáo thân yêu đã vào trang nhà chúng em , các bạn , các em ,hãy hái những bông hoa thật đẹp dâng tặng cô như :”..ngày đó, có cô đi nhẹ vào trường …”
    TỪ XƯA CHO ĐẾN BI GIỜ
    THƯƠNG CÔ BẰNG NHỮNG VẦN THƠ NGỌT NGÀO

  2. Co kinh thuong,
    Tui em rat la xuc dong va mung nghe lam khi nhan duoc email cua co gui bai den cho ngoi nha than yeu…Mung qua, gui qua ,gui lai, roi thac mac voi chau Mina la sao cho hoai ma khong thay dang len??? Thi ra, luc nay thoi tiet o Cali thay doi bat thinh linh, tu nong chuyen sang lanh qua nhanh, cong them chi Dao o ben do thi bi mua bao nang ne…cho nen tui em deu mo mang o dau dau, cu tuong la da gui cho chau Mina bai cua co roi…cho den khi chau Mina gui lai “bai o dau vay di Tuyet??” thi moi vo le ra la cu gui cho nhau chu khong co gui cho chau :(:(:(.. Chau Mina vua moi post len, la em voi vang viet thu nay ngay…
    Kinh cam on co da lo lang, dong vien cho tui em trong may thang vua qua de lam cho ngoi nha nay cang ngay cang them phat trien. Xin cam on Chi Dao, My Nu, chi Ngoc Dung, Kim Tien, Hanh Nhan, Ty Lan, Thanh Tung, My, Khang, Phuong, Mai, Diem Xua, Hoa, Nhan, K Phan, Khiet, Thuan, Oanh,,,da tham gia dong gop bai vo, lai con chieu hoi duoc anh Hieu – re NTH, noi tieng voi cuoc tinh “Hai trai oi”, KXHien, HMLe, HSDinh va Tay Son tham gia nua…
    Mung qua co a, kinh cam on co rat nhieu.

  3. Cô Kính Mến!Thật là hạnh phúc khi được đọc bài của cô đăng trên trang nhà NTH chúng em. Em đã đọc một lèo như nuốt lấy từng chữ và cảm đông đến…ứa nước mắt với câu…”Tôi đã từng nghĩ rằng các em là ánh sáng, là nắng hoa, là bướm của đời tôi”…Cô biết không, cô là thần tương của chúng em, chính cô là [i]ánh sáng của đời em [/i] làm cho em yêu thêm cuộc sống và nghề nghiệp của mình!
    Cô ơi vui sướng biết bao
    Chúng em cứ muốn đọc hoài bài cô 🙄
    Học trò dốt của cô! Đông Oanh.

  4. Cô Nga Kính,
    Em thật xúc động khi nghĩ đến tình thương học trò bao la nằm bên trong cái tật tốt “nghiêm nghị hay dò bài” của cô.
    Em không chận được nước mắt khi đọc đến đoạn Cô đi học Computer. Cô giáo dạy Computer là học trò của Cô đó, được như vậy là cũng nhờ ơn Cô Thầy!
    Cảm ơn Cô Thầy đã đào tạo, thương yêu chúng em!

  5. Cô Nga kính mến,
    Mấy hôm nay được xem hình cô,bây giờ lại được đọc bài viết của cô, thật là vui!
    Đối với em, thầy cô luôn là những gì thật cao cả để mình nhìn lên và kính trọng.Bây giờ già rồi vậy mà nhìn hình cô tim em vẫn đập mạnh và hơi run giống như ngày xưa bị cô gọi lên dò bài.
    Chúc cô luôn khỏe và hạnh phúc.

  6. Kính gửi cô Vương Thúy Nga. Em là Phạm Ty Lan. Học trò của cô suốt ba năm liền. Năm 12A3 , lớp em được cô hướng dẫn. Em còn nhớ sau 75.Có Bạch Nhạn, Hồng Loan và Anh Chi Luân là có điều kiện lui tới nhà cô. Anh Luân thì rất giỏi giang, được việc. Giúp cô sửa lại cái ống nước hư. Khi nhà giột có anh sửa mái. Sau này anh và H.Loan nên vợ nên chồng, phải chăng cũng từ ngày ấy. Riêng Bạch Nhạn được cô dạy đã biết đàn Mandolin. Mỗi lần nghe Nhạn đàn bài Serenata là em rất ngạc nhiên. Vì không ngờ bài ấy đàn bằng Mandolin mà nghe rất hay. Từ trước em nghĩ bài này chỉ chơi Violon mà thôi.
    Khi em sinh đứa con đầu lòng. Kim Tiến gặp em ở nhà Hộ sinh BS Ái. K.Tiến báo và cô đã đến bên em ngay ngày hôm ấy.
    Khi em mất cháu thứ ba. Trong lòng rất đau đớn buồn phiền. Cô đã gởi cho em một lá thư. Nhờ đó mà em đã nguôi ngoai. Đã đủ nghị lực để bước tiếp.
    Dù thời gian có trôi qua rất lâu, nhưng em vẫn thấy cái bóng mát của Cô luôn che phủ cho chúng em. đi suốt cuộc đời này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả