Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trường Cũ Bạn Xưa

Orlando ngày 28 tháng 8 năm …

Em,

Anh về qua lối cũ
Tìm em cổng trường xưa
Phượng hồng nay cổ thụ
Nắng vàng rơi lưa thưa…

Sáng nay, anh vừa ăn sáng vừa nghĩ ra được mấy câu thơ năm chữ trên đây. Muốn kể cho em nghe chuyện cũ. Năm 2004, anh trở lại thăm ngôi trường trung học của chúng ta lần thứ tư. Lần đầu vào năm 1997. Anh đã viết bài Trường Cũ đăng trong đặc san Cường Đễ kèm theo bài thơ ngắn. Anh không còn nhớ từng chữ của bài thơ vì đã 11 năm trôi qua.

TRƯỜNG CŨ

Tôi về thăm trường cũ
Đã nửa đời cách xa
Tên trường không còn nữa
Bỗng thấy lòng xót xa

Sân trường phượng không hoa
Màu tường vôi hoen ố
Màu sơn cửa nhạt nhòa
Đâu rồi thầy bạn ta

Cây me xưa cuối lớp
Lặng ngắm thời gian qua
Đâu rồi ngày tháng cũ
Tuồi học trò gấm hoa

Trời Qui Nhơn xanh ngắt
Mây trắng thẫn thờ bay
Gió biển chiều hiu hắt
Mắt người về bỗng cay.

Mong rằng anh không nhớ sai nhiều chữ. Mấy lần trước, có lần anh đến thăm trường vào giờ có học sinh đang học nên không được vào sân trường để thăm viếng hay chụp hình. Có lần anh trở lại sau giờ tan trường, đi lang thang trong sân trường, hồi tưởng ngày tháng cũ. Anh muốn vào thăm lại lớp học Đệ Nhất B1 của anh ở cuối dãy, gần văn phòng hiệu trưởng. Cả 3 lần cửa lớp đều đóng kín. Anh thất vọng, vỗ về cánh cửa lớp, vách tường vôi rồi hẹn ngày trở lại. Trong lòng anh, lớp học cuối của bảy năm trung học nầy ngày càng trở nên thân thương khi tuồi đời bắt đầu chồng chất lên anh.

Lần thăm năm 2004, anh vào thăm trường vào một ngày học sinh nghỉ học. Anh mừng rỡ khi thấy cánh cửa lớn và các cửa sổ lớp Đệ Nhât B1 còn để mở. Anh vội bước vào bên trong lớp. Một cảm giác bâng khuâng thật khó tả dâng lên trong lòng. Khung cảnh cũ của 41 năm về trước vẫn còn đây. Những chiếc bàn học dài bằng gỗ, tuy đã sờn mòn với thời gian nhưng vẫn còn tốt. Chiếc bảng đen giờ nhỏ hẳn lại. Chiếc bàn gỗ của giáo sư trên bậc giảng cũng vậy. Sàn gạch hoa trắng đỏ đã sờn mòn nhiều dưới bước chân của bao thế hệ học trò. Lớp học hôm anh đến không được sạch sẽ như thời chúng ta còn học.

Anh đi xuống cuối lớp, ngồi vào đầu bàn của chiếc bàn cuối, sát tường, bên phải lối đi giữa lớp, nơi anh từng ngồi suốt năm Đệ Nhất khi làm lớp trưởng. Anh ngồi yên mấy phút để tìm lại cảm giác của cậu học trò 41 năm về trước. Một cảm giác thật mơ hồ, bâng khuâng, cảm động, khó tả. Lớp học giờ đây yên lặng hoàn toàn. Chỉ có mình anh. Anh có thể nghe được tiếng chim hót líu lo trong sân trường trên những cây phượng mà giờ đây cao to như cổ thụ. Thỉnh thoảng có tiếng gà gáy trưa vẳng lại từ xóm xa.

Anh mong có em hay một người bạn đi cùng chụp cho anh một tấm hình anh ngồi cuối lớp khi tóc anh đã thay màu. Miên man suy tư, anh quên rằng chiếc máy ảnh của anh có thể chụp tự động cho anh tấm hình anh muốn chụp. Sau khi ra về đến khách sạn anh mới nhận ra điều quên đó. Bệnh Alzheimer đã bắt đầu hành hạ anh rồi chăng?

Anh ngồi yên một mình trong lớp Đệ Nhất B1 gần nửa giờ để hồi tưởng về bạn bè thân thương nay lưu lạc mười phương, kẻ còn người mất. Anh cố mường tượng ra những khuôn mặt thân quen của bạn bè ngày xưa. Có thể anh sẽ không nói đúng họ của các bạn anh nữa.

Phan Thị Bạch Nhạn, ngồi bàn thứ hai, học giỏi, hay cuời, nay đã qua đời vì bệnh nan y. Đoàn Thị Trường, ái nữ của thầy Đoàn Nhật Tấn từng là hiệu trưởng trường Tăng Bạt Hổ, người nhỏ thó ngồi ở đầu bàn từ cửa lớn bước vào. Lê Phước Thọ, ngồi bên trái anh cách mấy người bạn, giỏi toán, lúc nào cũng vừa viết đáp số vừa chạy lên trình cho giáo sư trong những lần thi giải toán mau. Lê Tịnh Kiên với chiếc cằm nhọn, ngồi bên phải anh, giỏi toán và lý hóa, biến mất sau khi đậu Tú Tài 2. Văn Công Tuấn, giờ đang sống bên xứ lạnh Canada, từng nhảy nhỏm hét to trong lớp khi ngồi phải trên gai 4 chấu do Hùng Bầu Dục từ bàn sau rải trên băng. Anh mỉm cười một mình khi nhớ lại những trò chơi tinh nghịch của đám nam sinh. Phan Thành Đôn hiện là đại gia ở San Francisco đã viết về Hùng như sau, “Giờ địa lý, Hùng ngồi nói chuyện nho nhỏ, không nghe lời thầy giảng, thầy G. chỉ Hùng và hỏi trái đất hình dáng gì, Hùng đứng lên lính quýnh, bỗng có tiếng nhắc nhỏ ‘bầu dục’, Hùng trả lời ‘thưa thầy quả đất hinh bầu dục ạ’. Cả lớp cười vang. Từ đấy Hùng có biệt danh Bầu Dục…”. Anh lại nhớ Mạc Như Dân, tóc húi ca rê, ít nói, học xong trung học cũng biến mất. Chắc gìờ nầy anh đã đổi tên ra Phú Như Quan. Nguyễn Hữu Nghề, giỏi Việt Văn, những bài luận thường được thầy Nguyễn Đăng Liên cho đọc trong lớp…

Thời gian quả như tên bay. Như mới đó. Ngày nào anh và chín người bạn cùng lớp nhảy qua cửa sổ đi xem xi nê Sampson và Alida ở rạp Kim Khánh vì giờ học giáo sư không đến. Mười bạn cùng lớp Đệ Nhất B1 trong đó có anh bị thầy hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc bắt đứng hàng ngang trong văn phòng thầy, nghe thầy quở phạt và chứng kiến thầy xé nát 10 chiếc học bạ của những học sinh gương mẫu và học giỏi trong lớp Đệ Nhất B1. Năm 1998, sau khi đọc bài Trường Cũ của anh đăng trong đặc san Cường Để, thầy đã tâm sự với học sinh và hối tiếc đã xử sự trong nóng nảy khi xé học bạ của học sinh vì một lỗi nhẹ mà họ phạm phải. Anh và nhiều bạn bè cùng trường đã đến thăm thầy nhiều lần ở thiền viện thầy đang tu tập. Ôi, tuổi học trò, biết bao là kỷ nệm, làm sao kể hết.

Anh rời lớp Đệ Nhất B1 đi vòng ra sau văn phòng hiệu trưởng. Cây me cuối dãy lớp, nơi treo chiếc kiểng, nay đã cao to, tàng lá sum sê. Nơi đây anh nhớ nhất bóng dáng một cô nữ sinh lớp đệ nhị đội mũ vải rộng vành đang ngồi chụm lửa nấu ăn trong một ngày trại trường. Anh bồi hồi mỗi khi nhìn lại tấm hình đó trong tập ảnh Thầy Trò Cường Để mà anh sưu tập hơn 10 năm qua. Anh cũng một mình thư thả đi bộ dọc hành lang các lớp. Anh có đi qua lớp Đệ Nhị mà em học. Anh nhớ khuôn mặt xinh xắn của em ngồi ở bàn đầu, mái tóc hoe vàng, chiếc cài có gắn thủy tinh lóng lánh. Anh còn nhớ em nhìn lại anh thật nhanh, mắt long lanh như muốn nói điều gì nhưng lại ngồi yên.

Anh vừa khám xong mấy bệnh nhân, trở lại bàn viết. Dòng tư tưởng bị đứt đoạn. Anh không nhớ còn gì nữa để kể em nghe về trường cũ bạn xưa. Anh sẽ cố viết tiếp khi có dịp. Thương nhớ thầy bạn.

Nguyễn Trác Hiếu

Chiều 28 tháng 8 năm …

Chiều về êm ả. Bệnh nhân không đến nữa. Anh lại vào bàn viết tiếp cho em. Anh muốn nói một chút về lớp Đệ Nhất B1 của anh. B1 chuyên toán, lý hóa. Ngày đó anh mơ ước trở thành hoặc phi công phản lực hoặc kiến trúc sư. Vì vậy anh chọn ban toán dù chẳng thích toán mấy. Nếu trung học có chuyên sinh ngữ thì anh đã chọn môn nầy rồi. Học toán cũng vui nhưng sao anh thấy toán và lý hóa thật khô khan. Những người giỏi toán như em chắc không đồng ý với anh.

Bạn bè lớp B1 của anh nhiều người học giỏi. Thi Tú Tài 1 và 2, sĩ số đậu rất cao, chưa lớp nào sánh bằng từ trước đến năm đó, năm 1963. Thi vào đại học, tỉ số trúng tuyển cũng gây ngạc nhiên cho quý giáo sư Cường Để.

Đậu vào Y Khoa có Văn Công Tuấn, Lê Văn Thại, Đỗ Trọng và Nguyễn Trác Hiếu.
Vào Kỷ Sư có Lê Công Minh, Đặng Đức Bích, Nguyễn Văn Điểu, Phan Thành Đôn và mấy bạn nữa mà anh chợt quên tên.
Vào Đại Học Sư Phạm có Nguyễn Mạnh Súy, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Quốc Tuấn, Lê Phước Thọ, Lê Quang Ánh, Thái Xuân Quế, Đỗ Trọng. Đỗ Trọng đậu vào 2 trường.
Vào Không Quân có Nguyễn Hữu Nghề, Phạm Lự, Đòan Thế Hảo.
Vào Hải Quân có Nguyễn Văn Tần.
Vào Quốc Gia Hành Chánh có Lê Đức Hưng.
Vào Kiến Trúc có Nguyễn Đăng Khoa.
Vào Dược Khoa có Trần Thành Tấn, Lê Thị Phương Mão.
Vào Chiến Khu có Mạc Như Dân.

Sáng 29 tháng 8 năm …

Có lẽ anh sắp bị AD (Alzheimer’s Disease), bệnh lẫn. Anh không tài nào nhớ lại được thêm các bạn bè khác đã vào ngành nghề gì sau trung học. Đêm qua anh đã i meo cho nhiều bạn cùng lớp để cầu cứu, tìm thêm tin tức. Nguyễn Mạnh Hùng từ Đà Lạt thông reo đã phúc đáp, đề nghị mỗi người trong lớp anh viết một đọan ngắn về lớp mình để luân lưu trong nhóm bạn thân. Được vậy thì hay lắm phải không các bạn?

Anh chợt nhớ năm 1997 anh đến xin thăm trường cũ trong giờ học sinh đang học. Anh gát cổng đã không chịu thông báo với hiệu trưởng mà còn thẳng tay đuổi anh ra khỏi cổng trường. Nếu ở Nhật Bản hay một quốc gia nào khác mà một cựu học sinh về thăm trường sau 40-45 xa cách, chắc chắn họ sẽ được tiếp đón niềm nỡ. Anh không hề mong được tiếp đón như thế, chỉ muốn được tự do đi lại trong khuôn viên trường để chụp đôi ba tấm hình ngôi trường cũ và những sinh hoạt thường ngày của học sinh. Những tà áo trắng nữ sinh mà anh thường ví như những cánh bướm là hình ảnh mà anh thích thu vào ống kính nhất. Một yêu cầu thật giản dị mà cũng không được chấp thuận ở một nơi có treo một tấm bảng lớn ghi Tiên Học Lễ Hậu Học Văn. Ở Mỹ, có nhiều cựu học sinh trở lại thăm trường cũ, tặng trường cả một thư viện đầy đủ sách vở hay một phòng thí nghiệm cho học sinh trị giá nhiều triệu đô la. Người Việt hải ngoại không có những hổ trợ to lớn như vậy nhưng năm mười học bỗng cho học sinh nghèo không phải là không có được. Hội Sunflowers Mission ở Texas đã xây tặng học sinh nghèo vùng Đồng Bằng sông Cửu Long cả trăm trường học và cung cấp chi phí cho giáo sư và nhân viên…

Điện thoại vừa reo. Hẹn em.

Nguyễn Trác Hiếu

5 BÌNH LUẬN

  1. Trường Cũ Bạn Xưa
    5 giờ sa’ng ngày thứ tư, 13 tháng 5 năm 2015

    Bài của ai viết và viết năm nào nhỉ? Sáng sớm đọc thấy vui vui, là lạ. Cảm ơn admin. Ước gì những cựu học sinh Cường Để đang so^’ng khắp nơi trên thế giới tham gia viết hồi ký như bạn Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị thì hay lắm. Nguyễn Mạnh Hùng còn đi dạy ở Đà Lạt, gặp nhau năm 2013. Nguyễn Hữu Nghề đã ra đi ở Texas. Đoàn Thế Hảo tử nạn ở Phú Quốc trước 75. Đỗ Trọng nay là thiền sư ở Toronto. Nguyễn Đăng Khoa, Lưu Đình Thọ vẫn chạy bộ 5 dặm (8 cây số) mỗi ngày dù tuổi đã trên 70. Văn Công Tuấn về hưu ở Toronto, Lê Văn Thại lưu lạc giang hồ, nay đây mai đó, khó gọi, khó gặp. Đặng Đức Bích học lại trở thành Kỷ Sư Điện Tử, trở thành đại gia ở San Jose, California. Lê Phước Thọ an cư ở Seattle. Lê Quang Ánh còn thương đám học trò, vẫn đi dạy ở Sài Gòn. Phạm Quốc Tuấn sau 75 là hiệu trưởng trung học 1 trường ở Sài Gòn. Mạc Như Dân (nghèo như dân) chắc đã thành tư bản đỏ (Phú Như Quan) kiêm Đại Biểu Quốc Hội Gật. Trần Thành Tấn đã về hưu và tu tập tinh tiế’n. Nguyễn Mạnh Súy về hưu ở Sài Gòn. Lê Phương Mão sức yếu. Nguyễn Trác Hiếu và Lê Bạch Yến vẫn đang du lịch thế giới. Chúc bạn bè khắp nơi vui mạnh. Mong có ngày cùng thầy bạn đòan tụ trên quê hương.

  2. Trả lời: Trường Cũ Bạn Xưa
    Anh Hiếu mến, em đã đọc bài này đăng trên Face Book của anh, và bây giờ đọc thêm 1 lần nữa. Vào tuổi của anh mà còn nhắc nhở đến chuyện xưa và bạn bè rõ như vậy thì làm sao mà Alzheimer được! Quá minh mẫn! Hơn nữa, anh còn đang làm việc dù đã về hưu,em hy vọng anh không quên gì khi đang … chữa bệnh cho bệnh nhân anh Hiếu nhé! 🙂
    Chúc anh chị “bách niên giai lão” để mãi ấm áp vui vầy với bạn bè ngày cũ nay vẫn còn gặp mặt.

  3. Trí Nhớ
    Diệu Tâm em,

    Anh chưa về hưu. Những thứ thuốc nào lâu ngày không viết toa, anh thường lật handbook ra xem lại lieu lượng để chắc chắn không có sai sót. Điều nầy luôn luôn quan trọng đối với bác sĩ dù ở tuổi nào. Anh biết 1 đồng nghiệp VN của anh, tuổi 86, 1 đồng nghiệp Mỹ 90 còn hành nghề dù không còn cần them tiền. Họ hành nghề để tránh cuộc song buồn tẻ, không giúp ích.

  4. thăm trường cũ
    Đọc bài Thăm Trường cũ của anh .NS thấy mình có cùng tâm trạng giống tác giả ,nao naotrong dạ. nỗi nhớ trường xưa và những ngày tháng đẹp lung linh ào ạt tràn về. làm sao mà quên được anh Hiếu hí..,rứa là NS nhớ lại bài thơ NS đã làm năm 2013 ,đã nhờ Ngọc Dao đăng lên trang ,,nó không đẹp như bài thơ của anh,không giàu cảm xúc lắm ,nhưng ít nhiều đã tả được nỗi nhớ ,ước mơ đuợc trở về trường cũ anh ,cám ơn anh rất nhiều ,

  5. Trường Xưa Bạn Cũ
    Cảm ơn Phạm Nam Sinh đã nói đẹp cho bài thơ cóc của anh. Chúng ta, ai lớn lên, khi tóc đổi màu cũng nhớ về trường cũ, bạn xưa, nhất là những bạn khác phái từng làm trái tim mình thổn thức. Diễn tả được cảm xúc, tâm tư qua văn vần cũng khó nhưng xin bạn bè chớ ngại. Chúng ta không phải thi sĩ nên chẳng cần phải lo, cứ nghĩ sao viết vậy, có ngày con cháu sẽ thích. Cá nhân anh, giờ tóc trắng mà nếu đọc được một bài văn hay bài thơ của cha mẹ đã khuất núi thì sẽ hạnh phúc vô cùng PNS ạ. Nghĩ vậy, nên anh viết túi bụi, văn xuôi, văn vần để sau nầy con cháu không trách sao cha mẹ ông bà không chịu thổ lộ tâm tư, tình cảm thuở còn vui so^’ng. Chúc PNS sa’ng tác nhiều hơn và luôn vui khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả