Tôi về đến Quy Nhơn đã quá trưa và bụng đã đói. Tôi thảy hai chiếc va li vào phòng khách sạn rồi ra phố. Người lái xe ôm quen mặt, một cựu binh sĩ trước năm 1975, mừng rỡ chào tôi:
– Chào anh Hai! Anh mới về? Anh về ăn Tết Quy Nhơn?
– Không em! Anh đi công chuyện như mọi năm, em đã biết. Em khỏe không Hiền?
– Dạ em khỏe. Anh ăn trưa chưa, em đưa anh đi ăn nhé, anh muốn ăn gì, cơm hay phở?
Tôi đáp:
– Phở đi em. Anh đang vừa đói vừa khát. Quán phở gì ở đường Phan Bội Châu mà năm ngoái anh em mình ăn đấy.
Hiền rồ máy. Tháng chạp, gió biển Quy Nhơn mát rượi; Mặt biển phản chiếu ánh mặt trời chói chang. Hiền hỏi:
– Anh về ghé Quy Nhơn được bao lâu, chừng nào anh đi Tây Sơn?
– Anh sẽ ngủ ở đây đêm nay thôi, mai anh về Tây Sơn, mốt anh đi Nha Trang. À, mà em ghé siêu thị cho anh một lát. Anh muốn mua chút quà cho quý thầy cô anh.
Hiền dừng xe trước siêu thị Quy Nhơn:
– Sao anh không ở ăn Tết cho vui rồi mới về lại Mỹ?
– Anh bận. Anh chỉ có 10 ngày để phải đi nhiều nơi. Sang năm anh sẽ nghỉ nhiều hơn và sẽ về ăn Tết với bạn bè Tây Sơn.
Siêu thị khá đông người sắm Tết nhưng chúng tôi được nhân viên siêu thị giúp chọn những thứ quà trong danh sách tôi đã ghi nên chẳng bao lâu Hiền đã giành xách hai gói quà cho tôi.
Tô phở Quy Nhơn ngon quá nhỏ với cái bao tử trống của tôi nên tôi kêu thêm tô thứ hai. Hiền khiêm nhường chỉ ăn một tô và dùng một ly cà phê đen. Biết ý tôi từ trước Hiền kêu cho tôi chai nước suối.
Trước khi về Quy Nhơn tôi đã được bạn bè Tây Sơn cho biết vị hiệu trưởng tiểu học của tôi, thầy Trần Trọng Duy, đang cư ngụ ở Quy Nhơn. Tôi có địa chỉ và điện thoại của thầy nhưng muốn làm một ngạc nhiên cho thầy, tôi không gọi thầy trước khi đến thăm. Nhà thầy ở trong hẻm nhưng khá dễ tìm. Hiền chờ tôi ngoài hẻm. Nhà thầy có cổng nhỏ. Tôi gõ cổng hai lần. Một ông cụ lớn tuổi ra mở cổng. Thoáng nhìn tôi nhận ra thầy ngay. Tóc thầy bạc và thưa nhưng nét mặt không mấy thay đổi với thời gian. Có một điều hơi ngạc nhiên là vóc dáng thầy có vẻ nhỏ hơn ngày xưa nhiều. Thầy ngước nhìn người lạ đứng sừng sững năm ba giây rồi hỏi:
– Tôi có quen anh?
Tôi mỉm cười, gật đầu không nói. Ý tôi muốn biết thầy có nhận ra một học trò cũ tiểu học sau 52 năm xa cách. Thầy đứng yên quan sát kỹ khuôn mặt tôi. Tôi vẫn mỉm cười không nói, quan sát thầy, không muốn thầy nghe giọng nói của tôi. Chợt mắt thầy ánh lên một tia vui mừng vừa cảm động:
– Thằng Hiếu! Trời ơi! Thằng Hiếu đây rồi!
Thầy dang tay ôm chầm lấy tôi. Tôi ôm cao trên đôi vai thầy. Hai chữ “Thằng Hiếu” thân yêu vừa thốt ra từ miệng thầy trong ngạc nhiên, vui mừng làm tôi cũng chợt nghẹn ngào. Tôi cắn môi để khỏi bật khóc nhưng mắt chợt cay, chợt mờ. Thầy vẫn ôm chặc và lắc tôi qua lại. Thầy đã nhận ra tôi sau hơn nửa thế kỷ xa cách.
Năm 1954, sau Hiệp định đình chiến, thầy về làm hiệu trưởng trường tiểu học của tôi khi tôi đang học lớp nhất trưòng quận Bình Khê, nay là quận Tây Sơn, tỉnh Bình Định, quê huơng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Qua giây phút gặp gỡ cảm động, thầy dẫn tôi vào trong nhà, mời tôi uống trà và hỏi han tôi đủ thứ chuyện từ hồi tôi rời quê đi Quy Nhơn học đệ thất trường Cường Để, đến thời gian đại học ở Sài Gòn, thời gian lao lý, và cả thời gian tôi sống ở hải ngoại. Thầy nói:
– Thầy còn nhớ mùa mưa 1954, nước lụt ngập đường sá, em đã chống sõng đưa thầy và bạn bè từ trường học trong xóm Dầu ra quốc lộ 19 để về nhà.
– Trí nhớ thầy còn tốt quá.
Thầy cười:
– Quên sao được em… thầy rất mừng là học trò của thầy đã thành danh, đi xa muôn dặm, còn trở lại thăm thầy… Đây là phần thưởng lớn lao cho đời làm nghề giáo của thầy.
Năm 1954, tôi mười hai tuổi nhưng sống và lớn lên ở đồng quê nên việc chèo ghe, chống sõng tôi đều làm được như những bạn bè đồng trang lứa. Cuối năm lớp nhất, tôi đứng đầu lớp vì năm 1953 tôi đã học qua lớp năm Việt Minh, tương đương với đệ thất quốc gia. Ngày phát phần thưởng, bà nội tôi mua cho tôi một bộ pyjama màu vàng như lụa để tôi mặc đi lãnh thưởng. Bây giờ nghĩ lại tôi còn cảm thấy quê vì tôi còn nhớ vị quận trưởng khi phát phần thưởng cho tôi đã nhìn bộ quần áo mới của tôi và mỉm cười:
– Em học giỏi lắm, ai may quần áo cho em vậy?
Tôi lẩm bẩm:
– Dạ, bà nội em mua ở ngoài chợ.
Vị quận trưởng khuyến khích:
– Em ngoan lắm, diễn văn của em hay lắm, em gắng học lên cao nghe em.
Ngày ấy, học sinh trường làng mặc quần cụt hay pijama đi học là chuyện thường. Bà nội tôi rất thương cháu nhưng không phân biệt đồ tây với đồ ta. Tôi thì bà cho sao mặc vậy.
Ngồi nói chuyện thật lâu với thầy Duy, tôi hỏi thầy:
– Làm sao thầy nhớ được em sau 52 năm xa cách với bao nhiêu thay đổi của đời người?
Thầy lại mỉm cười:
– Em có thay đổi, tuy tóc đã bắt đầu bạc nhưng khuôn mặt em vẫn còn có nét của tuổi thơ. Với lại em là học trò đặc biệt trong lớp nhất thầy dạy mà…
Thầy lại mỉm cười nhìn tôi trìu mến. Tôi muốn hỏi thầy tôi có đặc điểm gì nhưng lại thôi vì tôi đoán được phần nào câu trả lời của thầy.
Tôi học trường Cường Để đủ bảy năm trung học. Năm 1963 tôi rời Quy Nhơn đi Sài Gòn học đại học. Tôi có nghe thầy Duy về Quy Nhơn dạy ở Cường Để. Năm 1971 tôi về phục vụ Quân Y Viện Quy Nhơn với tư cách một quân y sĩ nhưng lại quá bận rộn với công vụ khi cường độ của cuộc chiến đang tăng cao, không có dịp gặp thầy.
Tôi về Tây Sơn thăm được hai vị thầy tiểu học nữa là thầy Nguyễn Ngọc Liễn và thầy Nguyễn Ngọc Hoàng. Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng dạy tôi những năm đầu bậc tiểu học khi mà chúng tôi phải xách đèn dầu đi học ban đêm để tránh bị máy bay Pháp oanh tạc. Hai thầy đều đã tám mươi mấy tuổi nhưng vẫn sáng suốt. Quý thầy đều mừng vui nhìn lại học trò cũ sau bao nhiêu năm xa cách. Riêng tôi chuyến đi Tây Sơn và Quy Nhơn lần đó mang lại cho tôi đầy ắp vui mừng, hạnh phúc vì đã nhìn lại được ba vị thầy dạy dỗ tôi ở bậc tiểu học.
Nguyễn Trác Hiếu