Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàSáng Tác Của Thầy CôCô Vương Thúy NgaTrong Ký Ức Mù Sương - Lê Trọng Sơn

Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn

SƠN (Lê Trọng) là giáo sư Lý Hoá, từ Huế vào dạy Qui Nhơn sau mình, lúc đó mình đang là Hiệu trưởng cùng với một số sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, trong đó có Cậu Bút mình (Thầy Tôn Thất Bút đó).

Đó là một giáo sư trẻ, tính tình hiền lành dễ mến, nhiệt tình trong giảng dạy, có nhiều sáng kiến nên học sinh rất ngưỡng mộ và kính mến, trong số đó có một em yêu mến Thầy đặc biệt và đã lọt vào “mắt xanh” của Thầy và sau này trở thành bà Lê Trọng Sơn, đó là em Phạm thị Thảo.

Vì còn độc thân nên Sơn muốn có một phòng trong trường để ở, và mình đã sắp xếp phòng ở cuối dãy lớp trên lầu cho Sơn. Sơn và mình có nhiều chuyện để nói với nhau vì dạy cùng bộ môn và Sơn có nhiều thiện chí trong việc xây dựng tinh thần vui học trong nhà trường.

Từ khi có Sơn, nhà trường có phòng khoa học, Sơn hướng dẫn học sinh làm báo, làm Bản tin khoa học v.v..Cũng như Triết, khi nào câu chuyện chưa hết mà phải “ai về nhà nấy” thì Sơn viết thư cho mình – Triết thì làm thơ còn Sơn viết văn xuôi thôi – Sơn cũng tinh tế như Triết, những “tiêu cực” trong nhà trường Sơn đều thấy và góp ý với mình nên làm thế nào để đối trị nên mình tìm thấy ở Sơn một ngưòi bạn đồng nghiệp lý tưởng, một giáo sư tận tâm với chức vụ giáo dục, đúng là tất cả cho học sinh thân yêu, không quản khó khăn cực nhọc.

Những ngày Trường có triễn lãm, Sơn cũng thức khuya dậy sớm, cùng với học sinh của mình lo cho phòng triễn lãm khoa học thu hút được sự chú ý của học sinh, giáo sư, quan khách và phụ huynh học sinh . Đó là truớc 75 . Sau 75 , mình và Sơn vẫn cùng dạy lại truờng cũ nhưng Sơn của Trường cấp 3 Trưng Vương không còn là Sơn hăng hái, năng nổ nhiệt tình như Sơn của Nữ Trung Học Qui Nhơn những ngày xưa nữa, bây giờ, chỉ dạy xong rồi về (tất nhiên là cũng phải tham gia học tập chính trị, đi lao động với học sinh như mình và mọi người vậy chứ Smile !) Tuy nhiên không cần cố gắng Sơn cũng đã là một giáo viên giỏi , luôn đuợc tuyên dương .. .. mặc dù Sơn rất ít nói, nhưng khi nào cần vẫn phát biểu ý kiến và những ý kiến có giá trị của Sơn khiến cho mọi người “tâm phục khẩu phục” .

Thời kỳ này không còn “thư từ” giũa mình và Sơn như trước 75 nữa nhưng chúng mình cùng làm việc trong phòng thí nghiệm của trường nên có dư thì giờ để nói chuyện khỏi cần viết thư qua lại, mất công thiên hạ chú ý ! Những ngày này thì Sơn -Thảo đã có cháu đầu lòng ( bé Tâm) và Thảo cũng rất giỏi , mau thích nghi trong xã hội mới , Cha là một sĩ quan cao cấp trong quân lực VNCH nên phải đi “cải tạo” rất lâu, gia đình cha mẹ Thảo là đối tượng bị “đì” rồi nhưng Thảo vẫn “lao động rất tốt” và Sơn thường khoe với mình về những thành công của Thảo. Sơn rất ít khen ai , trừ khen vợ, mình thấy Sơn khen Thảo không tiếc lời với những nhận xét rất dễ thương, không làm cho ngưòi nghe ganh tị với Thảo đâu nha, mà làm cho người ta càng qúi Thảo hơn. Thật là một ông chồng tuyệt vời, có một không hai trên trái đất này

Có một dạo, Thảo mở một công ty nhỏ , đươc một công ty bên Nhật đỡ đầu, Thảo làm ăn như thế nào mà công ty Nhật đó đánh giá rất cao, không có Thảo thì họ không chịu ký hợp đồng với Việt nam  và sau này nghe nói ông chef của hãng bên Nhật đó nhận Thảo làm con nuôi , rất quí gia đình Thảo và sẵn sàng sponsor cho Thảo thực hiện những kế họach về mây tre đan v.v.. Sơn vừa kể cho mình nghe vừa đem những món quà tặng nho nhỏ mà ông cha nuôi đã tặng cho Sơn Thảo ra cho mình coi, từ những đồ thủ công bé bé xinh xinh cho đến cái radio, cái đèn ngủ v.v.. mình cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy trong ngôi nhà của Sơn Thảo và rất mừng cho hai người bạn của mình [ Thảo cũng là học sinh của mình và của Sơn từ trúơc khi Sơn về Trường, mình đã có dạy Thảo rồi . Có 1 điều lạ là khác với thói quen của học sinh , Thảo không xưng “em” với mình (không biết với những vị khác thì sao) mà xưng Thảo ] Cũng thời gian này Sơn mới kể cho mình nghe là Sơn Thảo phải bỏ một cháu bé vì cháu bệnh nặng, Qui Nhơn không chữa được, phải đem vào Sài gòn nhưng hồi đó không có máy bay nên bị trể, không cứu cháu kịp !

Khi cơ sở làm ăn của Thảo đã vững ở Sàigòn rồi thì Sơn mới xin thuyên chuyển vào Saìgòn, nhưng rồi bị tai nạn giao thông (xe hơi húc vào Sơn /Sơn đi xe đạp] và Sơn đã mất cách đây e cũng đến 10 năm rồi! Bé Tâm con của Sơn Thảo đã lớn, đã đi du học ở Mỹ cách đây chừng 5 năm và đã về lại VN [ mình có gặp Bé Tâm ở VN , cũng có liên lạc với Tâm khi Tâm ở đây ( Mỹ); 2 cô cháu còn email qua lại thăm hỏi nhau nhờ đó biết tin tức của Thảo ] Được biết Thảo cũng rất thành công trong việc điều hành một công ty Mây tre đan lá (?) cung cấp công ăn việc làm cho hàng trăm nữ công nhân. Vừa rồi mình về VN, đến thăm Thảo mới biết Thảo trãi qua một cơn bệnh ngặt nghèo , tưởng không vưọt qua đuợc nhưng với ý chí kiên cường Thảo đã chiến thắng được cơn bệnh , mặc dù hôm gặp đó mình thấy Thảo còn rất yếu. Điều an ủi nhất là bên cạnh Thảo luôn có gia đình và nhất là cậu em trai tên Bình mình đã gặp từ những năm 68-70 đến trường Nữ giúp chị Thảo làm những vòi phun nước, bánh xe .. trong phòng triễn lãm khoa học và rất thân với “Thầy Sơn của chị Thảo” .

Câu chuyện của Thầy Sơn thì phải đi đôi với chuyện chị Thảo nha các em! Như mình đã nói chuyện kể của mình cũng lờ mờ giống như đi trong sương vậy đó ; nghe để mà nhớ mà thương chứ không thể ghi chép làm tài liệu nói về cuộc đời của họ được. Muốn biết rõ ràng chímh xác phải hỏi cô Kim Bồng ( về Thầy Triết ) và chị Thảo ( về Thầy Sơn ) đó nha!

Kết luận về hai Thầy Triết và Sơn, mình có thể nói rằng 2 người này mỗi người mỗi vẻ, rất độc đáo, và có hai vị phu nhân thật xứng đáng . Hy vọng hai ngưòi đang nhìn xuống thế giới của chúng ta với nụ cưòi mãn nguyện.

Thương mến chúc các em “một ngày như mọi ngày” đầy đủ sức khoẻ, vui vẻ và thảnh thơi .

tn

6 BÌNH LUẬN

  1. RE: Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Cô ơi , cô cứ kể đi , những gì cô kể tụi em rất thích đọc . Đọc xong em thấy tâm hồn mình như trở về những tháng ngày xa xưa được học dưới mái trường Nữ trung học thân yêu ngày nào .
    Xin cám ơn cô , em chúc cô luôn vui , khỏe và mong luôn được đọc những bài viết quý báu của cô .

  2. RE: Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Cô kính thương. Hôm nay vào sân trường em đã đọc bài cô viết một hơi từ đầu đến cuối. Cách cô kể chuyện thật hay và dễ thương lắm đó cô – em thật thích từ “nha” cô viết! Gần 40 năm không gặp cô, đọc bài cô viết em vẫn nghĩ là cô còn rất trẻ 🙂 Vui ghê cô ơi!
    Câu chuyện cô kể về thầy Sơn qua cái nhìn của đồng nghiệp cùng các bài viết của các bạn về thầy thêm đầy đủ giúp cho chúng em càng thấy ngày xưa mình đã ngưỡng mộ thầy thật không sai. Qua bài này, chuyện cô kể về chị Thảo cũng hay quá. Thật đúng là một đôi “trai tài gái sắc” phải không cô? Chỉ tiếc thầy mất sớm, để lại bao thương nhớ cho gia đình, đồng nghiệp, học trò. Em cũng chỉ mới nghe tin thầy mất cách đây không lâu khi đọc được bài viết về thầy của Hồng Phượng trên trang nhà. Cảm ơn cô thật nhiều đã bỏ thì giờ quí báu để kể cho chúng em nghe những câu chuyện về các thầy cô cũ. Kính chúc cô và gia đình mùa Noel an lành.

  3. RE: Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Cô kính mến,
    Em cứ muốn đi hoài trong ký ức của cô. Ký ức thật sáng rõ, chỉ có dĩ vãng mù sương thôi phải không cô? Kính chúc cô bình yên, hạnh phúc trong mùa Giáng sinh và đừng quên kể thêm nữa cho chúng em nghe.

  4. Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Cô kính yêu,vâng thưa cô các em “nghe để mà nhớ mà thương”.Cô ơi,lần cuối em trông thấy thầy và cô ở gần Cầu đôi trong dịp về thăm Qui Nhơn.Thầy và cô mỗi người một chiếc xe đạp đi song song vui vẻ,trên ghi đông xe có vài chú gà choai choai.Rất nên thơ cô ạ,một thoáng vui trong em ở giây phút vụt qua…trong sự lo toan thường nhật ngày ấy,hình bóng thầy và cô xa dần,xa dần cùng chiếc ô tô.Nay thầy đã xa mãi mãi.
    Cô cố gắng bảo trọng sức khỏe nhé .Em kính chúc cô cùng gia đình thường an lạc.Học sinh cũ của cô.

  5. RE: Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Cô Kính mến ,
    Hôm nay em lại được đọc một bài mới của cô về thầy Lê trọng Sơn, có khi thầy nói thầy tên là Lê Hùng Sơn cô ạ, một bài viết thật chân thật và dễ thương như cô đang kể chuyện cho tụi em nghe. Bây gìơ lại biết thêm một điều không những học trò thích viết thư cho cô mà đồng nghiệp cũng th1ich viết thư cho cô nữa như vậy ở cô có một caí gì đó rất thân mật gần guĩ và cảm thông như ” gỡ rôi tơ lòng… thòng ” của bà Tùng Long vậy đó.Cô được học trò thương mến ở chỗ là ai viết thư cho cô , cô cũng trả lời , không dài thì ngắn , với nhửng lời khuyên nhủ chân tình. Về chuyện tình của thầy Sơn và chị Thảo, em cũng biết dạo đó chị Thảo cũng thật khốn khổ và bị các chị bạn chọc đến đứng khóc ở sân trường , còn thầy Sơn mỗi khi vào lớp thấy các chị viết trên bảng hai chữ ” Cỏ non” thật là ý nghiã cô nhỉ.Đúng là học trò đứng thứ ba sau quỷ và ma phải không cô?em , NgocLan.

  6. Trong Ký Ức Mù Sương – Lê Trọng Sơn
    Kính thưa cô!

    Đọc ” Trong Ký Ức Mù Sương” của cô về thầy Sơn em cứ bồi hồi, lòng cứ lâng lâng nhớ về những ngày học trường Nữ. Em nhớ nhiều những kỷ niệm về thầy vì Thầy dạy tụi em nhiều năm, gần nhất là lớp 12 năm 1975.
    Đúng như những gì cô mô tả, thầy rất tận tâm, hiền lành và ở thầy có vẻ gì đó vừa nghiêm nghị vừa lãng mạn. Thầy có một đặc biệt mà em nhớ nhiều nhất là thói quen là ngắm những tà áo trắng giờ tan trường.
    Vào giờ tan học, ngày nào cũng vậy, nhìn lên cửa sổ phòng thầy cũng thấy thầy đứng đó nhìn xuống sân trường. Có lần em cũng bắt chước thầy, tan học nán lại đứng ở lan can lầu nhìn xuống và thấy đẹp thật. Những tà áo trắng rợp cả sân trường và như cánh chim toả ra từ cổng trường đi về muôn hướng. Em nghĩ thầy phải yêu quí ngôi trường Nữ ghê lắm.
    Sau năm 75, em không có cơ hội học tại Qui Nhơn và bặt tin thầy luôn cho đến gần đây biết tin thầy mất.

    Cám ơn cô đã cho chúng em biết thêm đời sống của gia đình thầy và trong ký ức mù sương của chúng em, hình ảnh về thầy sẽ luôn rõ nét.

    Chúc cô luôn vui khoẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả