Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănTrần Dzạ Lữ - Thơ Và Tôi

Trần Dzạ Lữ – Thơ Và Tôi

Như một lời chia sẻ nỗi đau với anh Trần Dzạ Lữ

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn vài cảm nghĩ của tôi về một góc nhỏ thơ ca của nhà thơ Trần Dzạ Lữ – người bạn thơ của chúng ta.

Người ta thường gọi anh là nhà thơ tình Trần Dzạ Lữ. Thật vậy, anh đã viết hàng trăm bài thơ tình chìm sâu trong cảm xúc – đau buồn có, hạnh phúc có. Anh đã để lại trong lòng người đọc những rung động ngọt ngào và anh luôn làm mới cảm xúc của mình theo từng con chữ. Và anh cũng đã được nhiều người biết đến từ lâu.

Thế nhưng, tôi chỉ mới biết anh và đã đến với thơ anh chừng vài năm nay nhờ bài thơ Ở Chợ cùng với những bài viết của bạn bè anh về anh, về đời sống đời thường cũng như đời sống thi ca của anh được đăng trong tập Thư Quán Bản Thảo chủ đề Trần Dzạ Lữ (TQBT số 38 tháng 2008) mà tình cờ tôi có được cách đây 5 năm. Đó cũng là lần đầu tôi biết trong văn đàn thơ văn, chúng ta có một nhà thơ tình lãng mạng Trần Dzạ Lữ.


Bài thơ Ở Chợ đã để lại trong lòng tôi nhiều nỗi xót xa của một phận đời. Tôi như thấy tâm trạng chung của một lớp người đã rơi xuống tận cùng của một xã hội, bất ngờ sau một đêm đổi đời, nhưng vẫn luôn mang một trái tim nhân bản, lúc nào cũng cố sống dựa trên những trang sách thánh hiền dù đời sống lúc bấy giờ chỉ là những bước chân mệt mỏi ê chề.

Tôi muốn nói về tôi một chút xíu ở đây. Tuổi mới lớn của tôi không gắn liền với thi ca. Ngoài những bài thơ tôi học ở trường, tôi chưa kịp biết thi ca là gì? Thi ca đi vào đời sống như thế nào? Bằng cách nào? thì nó đã bị cắt đứt không thương tiếc bởi biến cố mùa xuân 1975 và thêm một lần nữa khi tôi bỏ nước ra đi.

Tôi mon men đến khu vườn văn thơ rất tình cờ và rất trễ, trễ vô cùng. Nhưng tôi cố gắng không tiếc nuối, mà cố gắng tìm hiểu những giá trị của một nền văn chương gắn liền với đạn bom, gắn liền với đời sống bấp bênh, gắn liền với những ý thức hệ đã một thời làm lớp người đi trước hoang mang, sợ hãi mà tôi không may mắn đọc để cảm nhận một tấm lòng. Những khi tôi có cơ hội đọc tiếng Việt, tôi hay đọc văn xuôi mà không phải là thơ. Vì sao? Với tôi, tôi thấy tôi không đủ khả năng cảm thấu thi ca.

Trong khi văn xuôi cố gắng giải bày những suy tư và luôn muốn người đọc hiểu rõ vấn đề, thì ngược lại, thơ quá cô đọng, đôi khi chỉ có vài câu, hay vài chục câu. Nó ẩn dụ nhiều điều. Nó trừu tượng. Nó mơ màng, lãng đãng. Chúng ta thường chỉ biết cảm một nỗi buồn, một nỗi băn khoăn, hay một nỗi dày vò mà đôi khi chúng ta không thể hiểu từng chữ, từng lời. Hiểu và cảm, hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau. Là thế đó, nên tôi thích đọc văn xuôi hơn là đọc thơ.

Thế mà khi tôi đọc bài thơ Ở Chợ, không hiểu sao bài thơ đã làm tôi nghĩ ngợi nhiều và tôi đã cảm tác bài Chợ Đời với mong muốn gửi tặng anh. Nhưng tôi không biết anh là ai và ở đâu để gửi tặng. Thật ra, trong tôi cũng có nhiều câu hỏi. Có phiền gì không nếu tôi yêu quí một tài năng? Tôi có đang làm một chuyện điên rồ? Nhưng tôi đã tự trả lời cho chính tôi và cho phép tôi làm điều này, bởi tôi tìm thấy được hạnh phúc khi tôi có thể tỏ bày lòng yêu quí và ngưỡng mộ của tôi đối với những tác giả có bài viết hay bất cứ tác phẩm nào làm trái tim tôi thổn thức. Ở bất cứ lãnh vực nào, con người cũng cần nghe những lời động viên, những tâm tình chia sẻ. Và tôi nhận ra đây là tình người, tình đồng điệu – một thứ tình làm chúng ta xích lại gần nhau trong một góc đời để những lúc mệt mỏi với đời thường, chúng ta quay về tìm chút gió mát sớm mai. Thế là, tôi quyết định liên lạc với ban biên tập của tập TQBT, nhưng bài thơ Chợ Đời của tôi không may mắn đến với anh ngay. Rồi đời sống cứ lôi tôi đi mãi miết. Tôi quên mất là tôi đã có một bài thơ nằm trong học tủ đang chờ tôi gửi đi.

Ngược dòng thời gian, tôi không nhớ trang mạng bắt đầu từ lúc nào. Tôi chỉ nhớ, thời ấy, tôi vào trang mạng khi tôi cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm bài vở bằng tiếng Mỹ cho công việc làm mà thôi. Tôi không để ý đến những trang mạng bằng tiếng Việt. Tôi, lúc nào cũng chậm chạp trong việc thích ứng với công nghệ kỹ thuật cao. Rồi mãi đến một năm sau, không nhớ vì sao, có một ngày tôi tình cờ đi lạc vào trang mạng tiếng Việt Khê Kinh Kha và tôi tò mò vào đọc. Thế là tôi đọc được một bài thơ của anh. Phía dưới bài thơ có ghi tháng 5 năm 2009. Tôi lập tức suy diễn ra mối liên hệ của anh với trang mạng Khê Kinh Kha. Một lần nữa, tôi viết vài dòng gửi đến trang mạng này, hỏi thăm họ có thể chuyển bài thơ Chợ Đời của tôi đến anh được không. Và lần này bài thơ Chợ Đời được đến với anh một cách nhanh chóng và suông sẽ nhờ vào sự giúp đỡ của nhà thơ Khê Kinh Kha. Tôi luôn tin rằng khi chúng ta tin tưởng vào điều gì thì kết quả không phải là điều không thể.

Và khi tôi may mắn được bạn bè giới thiệu trang cuongde.org, rồi trang nthqn.org, tôi tham gia và tôi giới thiệu anh tham gia sinh hoạt cho vui! Anh tham gia rất tích cực như một thân hữu chia sẻ những vui buồn hội ngộ cùng chúng ta. Trong khoảng thời gian này, anh viết rất nhiều thơ tình, những đam mê chất ngất, những buồn thương xa cách, những chờ mong tuyệt vọng. Thỉnh thoảng tôi cũng có cảm xúc ở bài này, có suy nghĩ ở bài kia, nhưng ở lại với tôi lâu và làm tôi suy tư không phải là những bài thơ tình như thế mà là những bài thơ tình được bao bọc bằng những xót xa thân phận của đời người, bằng những thăng trầm của đất nước, những chia lìa vì thời cuộc, những rạn nứt vì ý thức hệ, những trách nhiệm vỗ về nhau. Những ràng buộc cảm xúc này kết lại thành một khối tình mạnh mẽ không kém phần đam mê và lãng mạng, nó đè nặng suy tư và lý giải nhiều điều. Anh – với vần điệu và chữ nghĩa mượt mà, tôi – với vần điệu gãy khúc và chữ nghĩa nghèo nàn. Vì thế, hai anh em cũng đã có với nhau những tranh cãi về thi ca bởi tôi thẳng thắn nhưng không khéo léo- bởi anh hay lẫy hờn và nhạy cảm- nhưng dù thế, hai anh em lúc nào cũng tôn trọng và quí mến nhau trong tinh thần yêu quí chữ nghĩa.

Hôm nay, với bài Chăm Vợ và bài Em Lại Về Trời, anh viết với một tâm trạng não nề khi phải nói lời chia tay vĩnh viễn với chị – người bạn đời, người đã chia ngọt xẻ bùi với anh, người đã tặng anh một món quà quí giá, quí giá vô cùng. Đó là cô con gái với cái tên thật đẹp – Trần Nữ Nguyệt Cầm – một lần nữa trái tim của tôi lại cũng đau với nỗi đau của anh. Lần này, tôi lại thấy được dáng vẻ sầu thương của anh đằng sau chiếc xe lăn, chiếc xe lăn của người thân – chiếc xe lăn cuộc đời đang dần đi vào niềm tuyệt vọng! Tôi có thể hình dung ra anh, với dáng vẻ tất bật, với dáng vẻ nặng nề, lê từng bước chân trên những hành lang của bệnh viện. Tôi có thể hình dung ra một trái tim đang tan vỡ ngập tràn nước mắt!

Thử đọc 4 câu thơ: Tiếc nhau nửa chừng xuân / Bao năm em lâm bệnh / Em như kẻ mất hồn / Anh sầu lay…miên miết. Ba dấu chấm ở đằng sau “anh sầu lây” đã tự nó cho ta thấy một cảm giác triền miên rồi, và khi anh thêm hai chữ miên miết vào, anh đã làm tăng thêm cái độ dài tưởng như không bao giờ dứt!

Người được chăm và người chăm, tâm trạng buồn đau có thể khác nhau, nhưng nỗi đau nào hơn nỗi đau nào thì chúng ta không thể đong, đo, đếm được. Nó len lõi trong từng thớ thịt, nó làm tê dại những sợi thần kinh, nó làm trái tim như ngừng đập. Nó miên miết trong cõi đời nhau.

Với Một tuần em … như Chúa / Gầy nỗi gầy hơn xưa nghe thêm đau đớn. Phải chăng khi anh so sánh với nỗi đau của Chúa, anh muốn nói đến lòng bao dung, sức chịu đựng, và một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu bất diệt khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự giá để chuộc tội loài người.

Rồi thì để kết luận bài thơ trong niềm thống thiết, anh lại so sánh Bây giờ anh chăm vợ / Khác hơn em chăm chồng. Sự khác biệt này là có thật, khác lắm. Không phải khác vì những giọt nước mắt đã nhỏ xuống hay chạy ngược vào trong mà sự khác biệt này là nỗi trống vắng và sợ hãi mà không phải là niềm vui của bữa cơm chiều đợi anh về. Và nỗi buồn này là: Một nỗi buồn có thật / Dài hơn mười lăm năm. Tôi thì tin là dài cả một đời người! Dài lê thê.

Có lẽ cảm xúc của nhà thơ đang chuyển hướng. Với bài Em Lại Về Trời, những nhớ thương tiếc nuối vẫn ngày đêm đang xé nát trái tim với một cảm giác trống vắng đến vô cùng khi anh thốt lên Trái tim còn lại đau nhừ / Nửa anh tan nát, nửa vừa em xa… Rồi trách nhiệm và bổn phận với cô con gái – ngày cô được nhận thiên chức làm mẹ cũng là ngày mẹ cô không còn trên cõi đời này nữa, làm anh tê tái. Chắc là anh vụng về khi lo cho con gái bởi có những điều chỉ có mẹ mới giúp được cô. Thế nên một khoảng trống đến “trống hoác trống hoang” khi anh tâm tình với cô con gái trong bài Nói Với Con Gái. Nhưng biết đâu chừng, khi anh có thể nói với con gái thì lơ ngơ cha đứng giữa chi chít sầu sẽ bớt chi chít bởi quạt cho con ít than hồng để sau một thời gian không xa, những tiếng bập bẹ bi bô của đưá cháu ngoại lấp đầy khoảng trống quạnh hiu giữa đôi bờ thương nhớ!

Biết bao lần chúng ta nói lời chia tay, biết bao lần chúng ta tiễn người đi, nhưng lần chia tay này là lần chia tay vĩnh viễn. Một chia ly xót xa và đau đớn. Một chia ly đầy nước mắt đọng ở hàng mi hay làm tràn đầy trái tim, dù cách nào đi nữa, thì cũng là một cuộc chia ly không thể diễn tả hết bằng lời! Dù anh có là phù thủy chữ nghĩa, tôi cũng vẫn tin rằng, anh không thể diễn tả hết nỗi lòng mình! Những khúc nhạc ân tình, những khúc nhạc buồn thương của một quá khứ vì nhau mà sống, những niềm vui bắt gặp trong vạn nỗi buồn, những khúc nhạc nghĩa tình này vẫn maĩ âm ĩ nằm sâu trong lòng người ở lại. Trầm mặc và sâu lắng!

Một cánh chim vụt bay trong bầu trời xa vắng để lại một vết sầu trăm năm trong cõi đời nhau.

Hôm nay, trời hiu hiu nắng. Lá lung linh ngoài song cửa. Một ngày với nhiều cảm nghĩ miên man về thân phận làm người! Ôi! Đời sống! Đời sống có khi dài chỉ bằng hơi thở mà sao nhiều nỗi đoạn trường!

Nguyễn Kim Tiến
10 tháng 7 năm 2013

5 BÌNH LUẬN

  1. hình Thu Trang
    Điệu ghơ chưa. Lúc này đã biết làm dáng rầu. Thu Trang chụp lần đi chơi cuối trước khi đi di tản

  2. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Đọc bài viết thật chân tình và hay anh không khỏi xúc động Tiến ơi!Đúng là tình cảm anh em mình mãi mãi khi sự đồng cảm qua thơ ca cứ lớn dần mỗi ngày và dù không nói ra anh vẫn biết em là tri kỷ của anh.
    Tri kỷ ngay khi nhận bài thơ CĐ em đã gửi cho anh.Một tình người thật bao la yêu thương phải không em? Anh sẽ đưa bài viết này cho Nguyệt Cầm đọc để biết cô Nguyễn Kim Tiến, ban ba là thế đó.Cảm ơn Tiến nhiều lắm.Chúc em luôn vui, khỏe và viết thật sung mãn hí.Thân mến

    • RE: GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
      Chữ tri kỷ nghe sao mà to lớn quá anh Lữ ơi, nhưng khi mình có thể nói lên và chia sẻ những cảm nhận của mình với người thân và bạn bè được bây giờ mà không đợi đến khi họ ra đi vĩnh viễn là một hạnh phúc!
      Mong anh với thời gian, lòng sẽ bình an hơn! Mong NC cũng vơi bớt nỗi mất mát lớn lao này. KT

  3. RE: Trần Dzạ Lữ – Thơ Và Tôi
    Bài viết này hay quá Tiến ơi! Vân đọc cũng cảm thấy sự chân tình của Tiến đối với anh Lữ, thật xúc động.Mấy câu kết bài thật hay!

    • RE: Trần Dzạ Lữ – Thơ Và Tôi
      Vân ơi,
      Như một chia sẻ với anh TDL, hy vọng anh luôn tin là bên cạnh luôn có người thân và bạn bè nghĩ đến anh trong những lúc buồn đau như thế này. Cảm ơn Vân ghé đọc. Và niềm vui của người viết là được chia sẻ với người đọc, vậy đó mà viết dù đôi khi thời gian thật chật hẹp Vân ơi! KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả