Mùa thu năm nay, trời lạnh sớm. Mấy ngày nay lạnh khoảng 5 F, cái lạnh này thường chỉ có ở hai tháng 1 & 2, khi những cơn gió lạnh thổi về từ bắc cực. Vậy mà, khi về trước cửa nhà, tiếng chim vẫn đâu đó riú rít trong vườn làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi cứ ngỡ chim đã rủ nhau bay về những vùng ấm ở phiá nam rồi. Điều này làm tôi suy nghĩ nhiều về vạn vật trong vũ trụ này. Nó rộng lớn, bao la, huyền bí, kỳ diệu, linh thiêng và hình như nó đang vận hành theo một trật tự nhất định.
Hôm nay, tôi đi thăm mẹ Marie của tôi, người đã cho tôi vòng tay tử tế vào những ngày đầu tiên tôi đặt chân đến xứ sở quá xa lạ cả ngôn ngữ và văn hoá này. Cách đây 5 năm, bà đau một trận rất nặng, tưởng bà ra đi. Thế nhưng bà đã được chữa khỏi. Dù thế, sức khoẻ của bà mỗi ngày đi xuống thấy rõ. Bà bắt đầu quên nhiều. Bà không còn tự lo cho bà được nữa, bà phải ngồi xe lăn. Ông và bà quyết định bán nhà và vào ở trong viện dưỡng lão. Sau một thời gian, bà bắt đầu lẫn nhiều hơn, quên chuyện này nhớ chuyện kia, nhận ra người này quên người nọ. Vậy mà, một điều rất lạ là mỗi khi tôi vào thăm, bà luôn gọi đúng tên tôi và hỏi thăm đúng chuyện, đúng người. Có nhiều điều không thể giải thích được phải không?
Một lần bà nói bà 81 tuổi. Ông nói với bà là ông 92 tuổi. Bà liền hỏi vặn ông “không thể được, ông lớn hơn tôi có 1 tuổi. Tôi 81 tuổi thì ông phải 82 tuổi mới đúng chứ”. Ông cố gắng giải thích “bà 91 tuổi, tôi 92 tuổi” nhưng bà không tin lời ông. Tôi có thể đọc được sự hoài nghi trong đôi mắt bà. Bà quay qua hỏi tôi đưa cho bà tờ giấy và cây viết, rồi bà hỏi năm nay là năm mấy. Tôi nói năm 2019. Bà ghi xuống giấy con số 2019. Tiếp theo bà ghi năm sinh của bà ở phiá dưới số 2019. À thì ra bà đang làm toán trừ. Thế nhưng suy nghĩ đến cả phút, bà không thể làm bài toán trừ này. Lần này, bà quay qua phiá em gái tôi nhờ giúp đỡ “Tina, làm giùm bài toán trừ này, được không?” Cô em tôi ghi xuống số 91. Bà ngẩng đầu lên và lẩm bẩm “không thể nào, không thể nào!” Ôi! Đôi mắt với đầy hoang mang của bà đã làm chúng tôi quyết định từ lúc ấy chúng tôi nên đồng ý với bà khi bà nói bà 82 tuổi. Tôi thoáng nghĩ, có lẽ ở tuổi 82, trí nhớ của bà bắt đầu suy thoái và tôi hiểu thêm một chút về luật tương đối trong vũ trụ này. Có đôi khi không phải là trắng, không phải là đen mà là một màu xám. Có đôi khi những lời nói dối cũng cần thiết nếu đặt đúng lúc, phải thế không? Người Mỹ gọi đó là “white lies”. Những lời nói dối không có hại. Tôi phải mất nhiều năm tháng mới khám phá ra một điều, đó là lý do vì sao người Mỹ ít khi biết chê. Tôi đã học được nhiều điều nơi bà. Bà luôn bên cạnh tôi những khi tôi cần. Tôi luôn biết tôi được nhiều may mắn khi bà bước vào cuộc đời tôi. Nhìn lại, trong mấy chục năm qua, tôi không chắc tôi đã làm gì đặc biệt để đền đáp tấm lòng tử tế mà bà đã dành cho tôi. Như giờ đây, khi bà đã không còn khả năng tự chăm sóc bà, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn chỉ biết thỉnh thoảng ghé thăm đấm bóp, nói chuyện với bà và có lúc chỉ im lặng ngồi cạnh nhau, không nói gì với nhau dù một lời mà như là nghìn lời đang làm ấm lòng nhau.
Một lần đến thăm bà, không thấy bà ở trong phòng. Tôi ghé qua phòng ăn có tên gọi là “Memory loss”. Phòng ăn được khoá để tránh tình trạng đi lạc của bệnh nhân. Như được biết, viện dưỡng lão này rất rộng lớn, chia làm nhiều khu vực. Tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mỗi người mà người già được sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Đã có chừng hơn 15 người trong phòng ăn; có người còn đi lại được nhưng hầu hết ngồi trên xe lăn. Mẹ Marie của tôi cũng đang ngồi trên xe lăn, chờ thức ăn mang đến. Bà nhận ra tôi ngay, gương mặt lộ vẻ vui mừng. Tôi nhìn chung quanh, chào hỏi những người ngồi cùng bàn với bà. Ai cũng ở trong tình trạng lú lẫn, nói chuyện không đầu không đuôi, thường lập lại một câu hỏi rất nhiều lần. Tôi bất ngờ chú ý đến một người đàn ông đứng ở góc phòng. Thoạt nhìn tôi ngỡ ông đi thăm cha mẹ ông, nhưng sau khi ông kéo ghế ngồi xuống bên cái bàn tròn đối diện với tôi, tôi biết ngay ông là bệnh nhân. Ông có dáng người mảnh khảnh và nét mặt rất trầm lặng. Một chiếc áo len sát nách, cổ trái tim, bên trong là chiếc áo sơ mi trắng; trông giống như một thầy giáo. Ông ngồi thẳng lưng, tay phải để trên bàn, tay trái chống cằm để bốn ngón tay dọc theo thái dương. Hình ảnh chống tay này làm tôi thật sự chú ý đến ông nhưng chỉ len lén nhìn thôi, bởi nhìn người khác như thế là một điều rất bất lịch sự. Ông không vội ăn, điã thức ăn vẫn còn ở trước mặt. Đôi mắt vời vợi và vầng trán có chút suy tư của ông đã làm trái tim tôi tan vỡ. Thật ra, tôi đã đến đây quá nhiều lần và đã quen với cảnh tượng này nhưng sao lần này cảm giác đau buồn cho thân phận con người đến với tôi mãnh liệt quá. Tôi thật sự muốn trốn chạy ra khỏi nơi này. Tôi biết vì sao? Vì ông còn quá trẻ so với những người mà tôi thường gặp. Ông đang nghĩ gì? Ông đang phải cố gắng? Ông đang đau khổ? Ông đang nhớ ai? Ông đang muốn gì? Ông đang ước gì? Ông có hối tiếc điều gì? Ông có còn tham sân si như chúng ta không? Hay tất cả những điều đó đã tự biến mất trong cõi nghìn trùng?
Ước gì tôi có thể hiểu được ông. Ước gì tôi có thể vẽ lên được những điều tôi cảm nhận được trong ánh mắt, trong dáng đi, dáng ngồi của ông. Ước gì tôi có thể làm một điều gì đó cho ông?
Mùa lễ Tạ ơn lại về trên khắp nẻo đường, trong từng căn nhà, trên từng góc phố. Đây là mùa lễ mà tôi thích nhất ở Mỹ. Mùa tạ ơn đất trời đã nuôi dưỡng muôn loài, mùa cảm nhận những ân tình mà chúng ta đã trao cho nhau. Thật vậy, có gì thật ấm áp đang tràn ngập trong tôi. Tôi muốn chia sẻ chút suy nghĩ về ông, về mẹ Marie của tôi, và về những người không may mắn trong mùa lễ đầy ý nghĩa này với lòng biết ơn. Những gặp gỡ tình cờ trong cuộc đời, theo tôi chẳng phải là tình cờ, mà là những ân huệ đất trời ban tặng cho chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra, nó làm trái tim ta rộng lớn hơn, nó làm lòng ta mềm hơn khi ngày mới đến. Buổi sớm mai!
Đất trời nhiệm màu quá, phải không. Hãy thật sự sống, đừng chỉ tồn tại. Tôi đang tự nhắn nhủ tôi đây!
Mùa Lễ Tạ Ơn 2019
Kim Tiến Nguyễn
gui chi Kim Tiến
Xin chi K T vui long cho em lai địa chi Gmail va FB cua chi nha chị.
Cam ơn chi nhiều
Bạn thân yêu
Mình đang băn khoăn vì bỗng dưng có một bàn tay nắm lấy mình và lôi tuột đi trong giấc mơ. Qua bao gai góc lùm bụi mà sao vẫn lách qua được. Mình thì thấp bé nên có thể qua được dù có đôi chút khó khăn. Nhưng người ấy cao hơn mình rất nhiều, tại sao nhỉ.
Anh ấy mất đã lâu, chừng hơn 20 năm. Chưng ấy năm mà bây giờ lại trở về trong giấc mơ. Có phải là một điều rất kỳ lạ.
Mình tỉnh giấc rồi không ngủ lại được. Những ý nghĩ lan man hiện về. Thuở còn đi học, những lần nghĩ học lang thang trên phố, vào những hàng quán ăn chè , ăn yaourt, ghé quán sách nhìn ngó thôi chị đã thèm chớ có tiền đâu mà mua. Gà gáy ba lần rồi. Trăng tàn , chỉ còn ánh sáng mờ nhạt bên dãy tường nhà đối diện. Những lo lắng trăn trở về con Virus Corona làm người ta mụ mẫm người đi vì phải bó chân ngồi trong nhà theo dõi từng bước chân của nó đi qua từng nước để lại dấu chân hủy diệt khủng khiếp của nó trên bề mặt địa cầu. Đã bao lâu rồi không biết gì cả. Đêm nay lần mò vô trang nhà đọc bài của nhỏ. Vui vì thấy cảm nghĩ và nguồn vẫn còn mạch. Thế là tốt lắm! Gà lại gáy nữa rồi! Những khi không ngủ được thì những con gà là bạn thân thiết của mình. Thôi nhé! Có thể đây là khởi đầu để mình có thể viết trở lại. Chào nhỏ!
Trả lời: Chút Cảm Nghĩ Trong Mùa Lễ Tạ Ơn
Lan ơi, cả thế giới đang sống trong lo sợ và mình cũng không ngoại lệ. Nơi mình ở mọi sinh hoạt đều ngưng lại. Cầu mong ơn trên che chở và thương xót chúng ta. Hãy cầu nguyện mong trái đất bình yên trở lại nghen. Lời cầu nguyện thành tâm sẽ được Thượng Đế lắng nghe. Mình luôn tin thế. Gặp lại nghen. Kt