Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănTiễn Đưa Cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng

Tiễn Đưa Cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng

Năm 2005 mình gặp cô và đó cũng là lần đầu tiên gặp lại cô kể từ sau năm 1975, năm mà cô trò mỗi người mỗi ngã và không ai biết đời sống mình sẽ đi về đâu.

Trong thời gian 9 năm kể từ năm 2005 đến năm 2014, mình cũng có về 2 lần nhưng không có lần nào mình có dịp ghé thăm cô. Tại sao? Không biết. Giờ thì mình tin vào chữ duyên.

Năm 2014, cả nhà lại lần nữa dự định về thăm nhà. Lần này, hai con muốn ghé thăm Đà Nẵng và cũng đúng vào dịp nghe tin cô mới vừa dọn về Đà Nẵng ở với gia đình người anh. Thế là ý muốn thăm cô đến với mình.

Thăm nhà và đi đó đây là niềm vui sau nhiều năm xa cách nhưng thật tình niềm vui thăm người thân, bạn bè và thầy cô mới là niềm vui lớn nhất và ở lại với mình dài lâu nhất. Nó cứ nhè nhẹ len vào tâm hồn chúng ta và nằm sâu ở đâu đó để những lúc như thế này, trái tim chúng ta lại thổn thức.

Muốn thì nhiều lắm mà thời gian thì quá hạn hẹp nên việc thăm viếng không bao giờ hoàn hảo khi chạm vào thực tế. Có đôi khi nuối tiếc là mình đã chưa thăm hết những người mà mình đã nghĩ đến trước khi về thăm nhà. Điều này làm mình luôn ước ao mong có lần sau! Nhưng phải nói lần đi về thăm nhà hè rồi, về lại đây mình đuối sức quá, đuối đến nổi mình đã không hề có ý muốn sẽ có lần sau. Thế mới biết sức khoẻ là điều kiện tiên quyết để thực hiện những điều mong muốn. (Giờ thì mình đã khoẻ lại nhiều)

Lần đi này, may mắn thay, mình đi thăm được thầy Phạm Xuân Ẩn bên Cường Để và cô Tôn Nữ Thanh Tùng bên Nữ Trung Học.

Buổi sáng trước khi đi Huế, mình gọi điện thoại cho cô, gọi mãi không ai trả lời điện thoại. Rồi mình nhớ là mình có điạ chỉ của cô. Thế là mình thuê xe taxi chở mình đến nhà cô. Trong lòng cũng lo không biết cô có nhà không? Nhưng rồi mình trấn an mình ngay, nếu gặp thì tốt mà không gặp thì mình sẽ để lại lời nhắn thăm cô để không phải hối tiếc là đã không cố gắng thêm chút nữa.

Nhà cô ở trong hẻm nhưng không quá sâu vào trong. Mình vừa nhìn số nhà, vừa hỏi thăm những người đứng chơi trước nhà. Thật may người mình hỏi là cháu trai của cô. Anh mời mình vào nhà và mời mình ngồi chờ. Anh nói sáng nào cô cũng thích đi ra ngoài một vòng, để anh gọi điện thoại. Nhưng cũng không thấy cô bắt máy. Anh đi tìm. Mình chờ khoảng 15 phút thì cô về. Cô vịn vào cái nạn 4 chân để đi, rất chậm, nhưng gương mặt cô vẫn tươi vui trông vẫn còn khoẻ. Mình thật sự vui mừng khi thấy cô và nghĩ ngợi  nếu mà lưng mình còng và đi đứng khó khăn như thế này mình có còn tươi vui như cô? Cô vừa đến trước cửa nhà thì mình ra đón cô vào. Cô nói mỗi sáng cô hay đi ra chợ một vòng như là tập thể dục. Cô hỏi có gọi điện thoại không mà sao cô không nghe. Mình nói mình gọi nhiều lần và cháu cô cũng có gọi nữa. Cô nói chắc chợ ồn ào cô không nghe được.

Rồi cô vào nhà, hai cô trò kể chuyện xưa, chuyện nay. Cô nhắc đến thầy cô và những học trò mà cô nhớ. Cô nói dạo này cô quên cũng nhiều rồi và những kỷ niệm của một thời đã qua luôn làm chúng ta ngậm ngùi. Thật vậy, tuổi xuân đã qua, tuổi già đang tới như nhắc nhở chúng một sự thật rất đau lòng mà không ai trong chúng ta muốn đón nhận ở đoạn cuối đời. Phải chăng khi già yếu, chúng ta hay nhớ đến thời xa xưa để chúng ta không còn khoảnh khắc nào để nghĩ đến ngày mai, một ngày mai của sự chia lià!

Hai cô trò lại có dịp ngồi nhìn nhau mà không nói với nhau lời nào. Có lẽ đó là lúc – một già, một đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa tuổi già – đang có những suy nghĩ riêng tư về quá khứ, hiện tại, tương lai xâm chiếm tâm hồn . Bỗng cô nói hôm qua đám giỗ mẹ cô (hay cha mà mình không còn nhớ rõ), cô vui quá. Cô mang mình trở về lại hiện tại. Cô nói thêm đó là lần đầu tiên cô dự đám giỗ cha mẹ ngay tại nhà anh cô và xem được hình cha mẹ trên bàn thờ sau quá nhiều năm xa cách. Cô nói với đôi mắt rưng rưng.

Rồi cô kể tiếp về cuộc đời của ba mẹ và anh chị em cô. Cô hãnh diện về tài và đức của cha mẹ cô. Cô hãnh diện về tài năng của anh cô. Cô nói cô chưa bao giờ vui như hôm đám giỗ vừa rồi, đã lâu, lâu lắm rồi cô mới có được.

Bỗng nhiên cô nói cô muốn đưa mình lên gác xem hình cha mẹ cô. Thấy cô lưng còng, đi đứng khó khăn, mình nói để mình lên một mình nhưng cô không chịu, cũng ráng đi theo. Cháu cô và mình thật ái ngại vì cầu thang gỗ đã cũ nên lung lay nên sợ cô té. Cô dùng hai tay ôm cái thành cầu thang rồi tự một mình đi lên gác, cô đi lên từng bậc thang trông rất khó khăn. Vậy đó mà cuối cùng cô cũng lên được tới nơi. Cô muốn mình chụp cho hai anh em cô tấm hình nhưng giờ nhìn lại thấy mặt cô sao nhoà quá mà lại chụp có một tấm. Phải chi mình kiểm tra sau khi chụp là mình đã chụp lại tấm khác rồi. (em xin lỗi cô nhé) Cô líu lo kể chuyện ngày xưa của gia đình cô với nhiều thương mến và lúc nào cô cũng cười thật tươi. Rồi đến khi cô đi xuống, mình cũng lại thêm lo lắng lỡ có chuyện gì vậy mà cô cũng không cho cháu cô giúp cô.

Hai cô trò lại tiếp tục trò chuyện cho đến khi điện thoại càm tay của mình reo lên. Mình biết là đã đến giờ mình phải về để chuẩn bị đi ra Huế. Mình nán lại thêm vài ba phút nữa rồi cầm tay cô nói lời chia tay.

Và giờ đây, nghe cô đã ra đi, lòng mình thật hoang mang và buồn bã. Không biết là cô đã may mắn ra đi thật nhẹ nhàng hay đó là một cách nói để giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn với sự mất mát lớn này.

Nhưng dù sao cô cũng đã nằm xuống trong vòng tay của những người thân hơn là nằm xuống cô quạnh trong viện dưỡng lão ở Sài Gòn. Cô đã sống một mình nhưng bù lại cô được ra đi trong vòng tay yêu thương của gia đình. Cô thật là may mắn, phải không cô?

Cô ạ, em về lại đây đã hơn nữa năm rồi, cũng có nhiều lần muốn viết về lần đi thăm cô chia sẻ với bạn bè, nhưng không phải muốn là được. Nó đòi hỏi sự tập trung với nhiều cảm xúc lớn lao! Và em tin rằng chỉ khi nào có duyên khởi thì chúng ta mới có dịp gặp nhau phải không cô?

Giờ thì cô đã không còn nữa và hôm nay em lại có thể viết kể lể về lần ghé thăm cô. Em chia tay với cô lần nữa ở đây nhé và chắc là không bao giờ có lần sau!  

Xin vĩnh biệt cô. Thương mến mong linh hồn cô sớm về cõi bình an.

Nguyễn Kim Tiến
6 tháng 4 năm 2015

3 BÌNH LUẬN

  1. # RE. Tiễn đưa cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng
    Đọc đến đoạn cuối bài viết thật nghẹn ngào cảm động.
    Mong cô được luôn an bình và giữ mãi nụ cười lạc quan ở một cõi vĩnh hằng nào đó –

  2. Trả lời: Tiễn Đưa Cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng
    Kim Tiến ơi, đúng là cái Duyên trong đời khi có những cuộc gặp gỡ nào đó. Chị học với cô ở cấp 2. Chị nhớ cô nhiều vì khi vào lớp hầu như mỗi lần có bài học nào cần vẽ trên bảng thì cô gọi chị lên bảng vẽ. Sau đó khi lên cấp 3 vì không học cô nên cũng ít có dịp gặp. Bẵng đi nhiều năm từ lúc ra trường, vào Sài Gòn hơn 40 năm kể từ lần hội ngộ nhân dịp 20/11/2011 chị mới được gặp lại cô. Chị gặp cô được thêm 4 lần nữa vào những dịp 20/11 và hội ngộ liên trường QN, rồi đến thăm cô ở viện Dưỡng Lão Thị Nghè 3 lần,chứng kiến lúc lưng cô đã còng cần đến gậy tại đây. Lúc nào cô cũng cười và nói chuyện thật vui vẻ lạc quan. Nhưng mỗi lần chào cô đi về, bao giờ cô cũng đi theo ra đến cầu thang, chị ngăn không cho cô xuống lầu vì sợ cô mệt. Thấy cô đứng một mình nhìn theo lòng chị xót xa lắm. Khi nhận được tin buồn về cô, chị cũng đã nghĩ như vậy Tiến ơi! “dù sao cô cũng đã nằm xuống trong vòng tay của những người thân hơn là nằm xuống cô quạnh trong viện dưỡng lão”… Bây giờ thì cô đã đi xa lắm rồi. Nhìn những bức ảnh còn lại của cô với nụ cười quen thuộc ấy tưởng như không bao giờ có sự chia ly. Cầu nguyện cho cô ra đi thanh thản, vẫn với nụ cười an lạc đó trên môi đến cõi vĩnh hằng.

  3. Trả lời: Tiễn Đưa Cô Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng
    Cảm ơn chị Bông và chị Diệu Tâm đã đọc và chia sẻ ở đây. KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả