Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Thư Cho Mẹ

Mẹ thương nhớ của con,

Cứ đến mùa Vu Lan, người ta hay cài lên ngực áo một bông hồng đỏ hay bông hồng trắng. Bông hồng đỏ để nhắc nhở là còn mẹ và hãy biết yêu quí mẹ? Bông hồng trắng để biết là không còn mẹ nữa và để tưởng nhớ mẹ?

Với con, con chưa bao giờ gắn bông hồng màu nào trên ngực. Và giờ đây con nghĩ con có cần phải gắn trên ngực áo một hoa hồng trắng? Có cần không?

Và con chưa bao giờ làm thế!

Vậy mà cũng đã 51 mùa Vu Lan về rồi đó mẹ. Vu Lan về trong thầm lặng và về trong những ngậm ngùi. Nhiều khi con ước gì con có thể nhớ một tí gì về mẹ để con có thể kể cho con của con nghe bà ngoại đã từng như thế này với mẹ nè…Bà ngoại đã từng như thế kia với mẹ nè… Nhiều khi con vụng về trong cách dạy dỗ con của con, con ước gì có mẹ bên cạnh để cầu cứu mẹ, xin mẹ chỉ dẫn, hay ít ra là con có được những kinh nghiệm mà con nhận được từ mẹ. Nhất là khi con la mắng con của con, con ước gì con có thể nhớ lại mẹ đã làm gì sau khi mẹ la rầy con. Mẹ sẽ làm mặt nghiêm vì sợ con được lừng hay mẹ ôm con vào lòng mà xin lỗi vì mẹ đã làm con buồn, mẹ đã làm tổn thương con? Ôi! ước gì con biết là con phải làm gì mẹ nhỉ? Nhiều khi con phùng mang trợn mắt với con xong, nhìn lại mình và tưởng tượng sao mình xấu xí quá. Nếu có ai quay phim và cho con xem lại, chắc là con sẽ xấu hổ biết dường nào! Giận lên con hay lớn tiếng…mà phụ nữ thì phải dịu dàng mềm mỏng mà con của mẹ lại không có điểm này! Có nhiều khi la con xong, mẹ ạ, thấy sao mà những gì con nói với con giống y như ngày xưa ba nói với con, con giật mình đó mẹ! Nó như là một vòng tròn khép kín vậy! Con nghĩ nếu hai mẹ con giống nhau chút nào thì chắc mình giống nhau ở những giọt nước mắt lăn tròn vào những khi giận dỗi hay buồn phiền, bởi mình là phụ nữ, phải thế không mẹ?

Mẹ có biết, rất nhiều điều con không học được từ mẹ ở tuổi trưởng thành mà học được từ ba. Rồi con xa xứ, tự lo cho mình, tự khắc phục bản thân mà có lúc con mệt nhoài với những niềm mong ước! Nên con lúng túng vụng về trong cách cư xử với con của con, với người đời. Khi con không làm chủ được cơn giận, sau đó là những phải chi mình đừng nổi nóng…phải chi mình bình tĩnh hơn…phải chi…phải chi…nên nhiều khi con giận con hết sức vậy đó! Và phải chi có mẹ bên cạnh, để những lúc như thế mà than thở với mẹ, chắc là lòng con dễ chịu hơn! Mà mẹ nè, con không hiểu vì sao người ta chọn bông hồng màu trắng để cài trên ngực của những người con không còn mẹ? Một nhắc nhở buồn phiền quá mà, nên có cần không?

Ngoài trời mưa nặng hạt. Hình như thu đã len lén về rồi đó mẹ. Chút gió lạnh và sương đầu ngày đậu trên vai, rớt trong lòng con. Nên con nhớ mẹ. Mà thật tình nhớ gì về mẹ con cũng không biết. Nỗi nhớ thì trừu tượng nhưng sâu như biển cả, mênh mông như bầu trời…Nỗi nhớ như màn sương che mờ đôi mắt. Nỗi nhớ không mùi. Nỗi nhớ không màu. Nỗi nhớ không âm thanh. Mà sao con ngửi được mùi hương quế nồng nàn, mà sao con nhìn thấy màu tím buồn vời vợi đang tím đẫm hồn con, mà sao con nghe ngàn tiếng sóng ầu ơ mẹ về!

Mùa Vu Lan đang về đó mẹ, về giữa những ngày giao mùa, về giữa tiết trời se se lạnh. Chợt rùng mình ngỡ mẹ về ôm lấy vai con. Trong thinh lặng, con nhìn trên cao. Những vì sao đang nhấp nháy. Có ngôi sao nào là ngôi sao của mẹ? Ngôi sao che chở đời con?

Và mẹ ơi! Phải chăng ngôi sao ấy là ngôi sao được kết tinh bằng nỗi nhớ con nhớ mẹ. Đó là ngôi sao năm cánh toả sáng trong hồn con, để những khi con khốn khó, những khi con chìm lĩm trong nỗi niềm tuyệt vọng, nó là ánh sáng nhiệm màu đưa con đến bến bờ hy vọng, hy vọng một ngày nắng sẽ lên và bầu trời sẽ xanh thắm! Trong đôi mắt con, mẹ là tất cả để biết rằng suốt đời là những nhớ thương!

Nguyễn Kim Tiến
Mùa Vu Lan năm 2012

20 BÌNH LUẬN

  1. RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
    Chị Quanh ơi! Người ngồi thấp hơn là Nguyễn Thị Yến, em hàng xóm, cũng là học trò NTH niên khóa (69-76)hiện đang ở Mĩ.

  2. RE: Thư Cho Mẹ
    Tiến thân mến, Khi nghe Tiến hỏi mẹ đang ở trên trời cao kia rằng “con không hiểu vì sao người ta chọn bông hồng màu trắng để cài trên ngực của những người con không còn mẹ”, chị xin trích lại một đoạn trong tác phẩm Bông Hồng Cài Áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà ai cũng biết và rưng rưng khi đọc mỗi mùa Vu Lan về:
    …”Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.”
    Năm nào cũng vậy, từ ngày ba chị mất, chị luôn muốn khóc khi nghĩ mình cài bông hồng trắng để nhớ Cha. Và bông hồng đỏ để tự hào dù sao chị vẫn còn Mẹ.
    Chị chia sẻ sự mất mát đau lòng của Tiến về Mẹ. Trên trời cao có lẽ Mẹ đang vui đó Tiến ơi khi cô con gái nhỏ bé KT bao giờ cũng nhớ đến Mẹ.

    • RE: Thư Cho Mẹ
      Cảm ơn những chia sẻ của chị để Tiến hiểu thêm về biểu tượng này, nhưng mà như chị nói đó, bông hồn trắng nhắc nhớ một nỗi buồn chia xa! KT

  3. RE: Thư Cho Mẹ
    Xin gởi bài thơ này chia sẻ cùng Kim Tiến. Chúc KT vui.

    HOÀNG HÔN MẸ
    Mẹ ta mũi chỉ đường kim,
    Miệt mài khâu lại nỗi niềm âu lo.
    Tiễn con chiều nặng bến đò,
    Bước nhanh, bước chậm, mẹ đo tháng ngày. Khuất cha, mẹ nặng hai vai,
    Vai mưa,vai nắng, gánh ngày sang đêm.
    Nửa con mẹ giục con tìm,
    Còn nửa của mẹ, bên thềm gió lay. Dây trầu lại quấn thân cau,
    Quấn trăm năm một niềm đau u hoài.
    Cuộc đời có mấy vòng xoay,
    Xoay qua vòng cuối mới hay được mình. Con đi ôm hết bình minh,
    Để mẹ lại với vô tình – hoàng hôn. Giá mà đổi được càn khôn,
    Con xin đổi lại hoàng hôn của người.
    Ru con lòng mẹ đầy nôi,
    Mẹ ta tránh hát những lời thiếu cha.
    Tiệc tùng con ở nơi xa, Vườn xưa còn đó dưa cà muối rau. Nắng Miền Nam nhiều lúc rát đau,
    Nắng không theo được chuyến tàu về Trung.
    Người đi dù khắp muôn trùng,
    Tiếng ru lòng mẹ vô cùng… biển xanh

    Về đây nguồn cuội đất lành,
    Thơ là nhang khói bay quanh chốn này. Mẹ ta cười ở đâu đây,
    Vườn xưa mây trắng về bay ngập ngừng .
    Sài Gòn 2010
    Phan Thanh Cương .

    • RE: Thư Cho Mẹ
      Bài Hoàng Hôn Mẹ thật thiết tha anh Cương ạ. Nó là tiếng lòng đứt ruột khi đi xa nhớ về mẹ. Nó như tiếng đàn của những cung bậc nức nở nhất! Xin cảm ơn anh đã chia sẻ với bài thơ quá đỗi ngọt ngào này! KT

  4. RE: Thư Cho Mẹ
    Tiến ơi,
    Mất Cha hay Mẹ cũng là một mất mát không gì bù đắp nổi, nhất là [i]Nhiều khi con ước gì con có thể nhớ một tí gì về mẹ[/i]
    Mồ côi cha ăn cơm với cá,
    Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường ?
    Nhưng : Còn cha gót đỏ như son,
    Đến khi cha khuất gót con đen sì.
    Cảm ơn bài viết của Tiến trong mùa Vu Lan này.
    Anh Lệ

  5. Gửi NK Tiến
    Tôi cho rằng mất mát lớn lao nhất của một con người là mất mẹ, không có mẹ con không thể nào lớn nỗi!Và bông hồng trắng ngày Vu Lan như một sự cảm thông, một chia sẻ, một an ủi cho nỗi bất hạnh, cho cái thiệt thòi khôn cùng đó. Hãy nhớ về mẹ theo cách của mình, bởi tất cả những gì về mẹ đều thiêng liệng và quý trọng nhất! Ngày nào còn khóc được khi nhớ mẹ, còn gọi được hai tiếng Mẹ ơi! là con vẫn còn đủ sức để bơi giữa dòng đời! Cám ơn Kim Tiến về bài viết rất nhiều. nhiều lắm…

    • RE: Gửi NK Tiến
      Tiến thích ý nghĩ này của anh “…[i]còn gọi được hai tiếng Mẹ ơi! là con vẫn còn có đủ sức để bơi giữa dòng đời!”[/i]
      Anh Hải biết không, khi tàu của Tiến mắc cạn ở biển đông, giữa bãi sang hô sóng gào, trắng xóa cả một vùng biển rộng mênh mông, nguời đấu tiên mà Tiến gọi để cầu xin đó là hai tiếng Mẹ ơi! đó anh Hải ạ. Nó đến rất tự nhiên mà không bao giờ Tiến phân tích được. Cảm ơn anh đã chia sẻ vùng Tiến, hôm nay, trong mùa Vu Lan về. KT

  6. Gửi Kim Tiến
    Một trong nhiều tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người biết đến là Bông hồng cài áo, được viết vào mùa Vu lan 1962 (NXB Lá Bối). Giữa bối cảnh lòng người ly tán trong loạn lạc thời đó, Bông hồng cài áo nhanh chóng được nhiều giới đón nhận vì tính biểu cảm, xác thực và sâu sắc khi đề cập đến một trong Tứ Trọng Ân của nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ bình dị, trong sáng và dễ dung nạp. Nó hoàn toàn thoát ra ngòai sở đắc của ông, một nhà tu thiền với tư duy Bát-nhã, dựa trên nền tảng Kinh Ma Ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Còn gọi là kinh Kim Cang) là chủ yếu. Và từ đó ở ngoài đời, bông hồng đỏ và trắng cũng xuất hiện trong mùa Vu Lan như một biểu tượng của lòng tưởng nhớ phụ mẫu, dù không phải là phổ biến.

    Thật ra, Vu Lan (Vu Lan Bồn) có ý nghĩa rộng hơn; là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam Bảo (Phật- Pháp- Tăng) để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ, tất cả những người quá cố được nhờ ân đức mà ra khỏi nơi xấu ác đặng sanh về các cõi an lành khác. Đó mới là hình ảnh tuyệt đẹp, tối thượng và thù thắng của giải thoát. Gần gũi hơn là câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phuơng thành tựu’.

    Nếu mẹ là hình ảnh của ‘ngôi sao năm cánh toả sáng trong hồn con, để những khi con khốn khó, những khi con chìm lĩm trong nỗi niềm tuyệt vọng, nó là ánh sáng nhiệm màu đưa con đến bến bờ hy vọng’ thì ở một nơi xa khác; mẹ cũng rất cần những người con ngày đêm tưởng nhớ và sẽ làm tất cả những gì có thể; cho mẹ. Sợi dây nối tình cảm đó là không dứt và nhất thiết; phải dựa trên quan hệ hai ngôi.

    Trong góc nhìn đó; Vu Lan sẽ mang một nghĩa khác, không dừng lại ở chút sắc màu giả lập kia.

    • RE: Gửi Kim Tiến
      Đọc lời trích dẫn của anh, Tiến hiểu thêm chút ít về lễ Vu Lan của đạo Phật. Nó như một nhắc nhở mình trọn đạo làm con, không những khi cha mẹ còn sống mà ngay cả khi cha mẹ đã qua đời. Luôn nhớ về người là một nhịp cầu cảm thông sâu sắc, phải thế không? KT

  7. RE: Thư Cho Mẹ
    Kim Tiến mến,
    Một người không có mẹ đã 51 năm với người mất mẹ hơn 10 năm, nỗi nhớ và tâm sự cũng khác quá. Mới thấy Mẹ quan trọng trong cuộc đời những đứa con như thế nào! Mới thấy các con cũng đang cần chúng ta cho dù chúng đã lớn đến mức nào, phải không KT?
    Chúc KT an lành và dạt dào yêu thương trong mùa Vu Lan.

    • RE: Thư Cho Mẹ
      Vân ơi, chắc là Vân nhớ mẹ nhiều lắm phải không? Biết bao kỷ niệm với mẹ Vân hả? Hãy ấp ủ và sống mãi với những điều làm mình ngây ngất một thời nghen! KT

  8. Thư Cho Mẹ
    “Ngoài trời mưa nặng hạt. Hình như thu đã len lén về rồi đó mẹ. Chút gió lạnh và sương đầu ngày đậu trên vai, rớt trong lòng con. Nên con nhớ mẹ. Mà thật tình nhớ gì về mẹ con cũng không biết. Nỗi nhớ thì trừu tượng nhưng sâu như biển cả, mênh mông như bầu trời…Nỗi nhớ như màn sương che mờ đôi mắt. Nỗi nhớ không mùi. Nỗi nhớ không màu. Nỗi nhớ không âm thanh. Mà sao con ngửi được mùi hương quế nồng nàn, mà sao con nhìn thấy màu tím buồn vời vợi đang tím đẫm hồn con, mà sao con nghe ngàn tiếng sóng ầu ơ mẹ về!”
    Kim Tiến ơi! Nỗi nhớ Mẹ của Kim Tiến sao mà thấy nao lòng. TT không biết nói gì cả, chỉ biết chia xẻ với KT nỗi buồn trong mùa Vu Lan với cành hồng trắng. Hãy mạnh mẽ và an vui KT nhé.

    • RE: Thư Cho Mẹ
      Chúc Trang một mùa Vu Lan đầy ơn phước. Và nhớ là ôm mẹ mà hôn 1000 cái nghen, cho mẹ nói “cái con nhỏ này nhiều chiện quá” mà đôi mắt mẹ thì nước mắt dầm dề mà nụ cười thì rạng rỡ trên môi! KT

  9. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Rất xúc động khi đọc Thư cho Mẹ của Tiến.
    Bài viết khiến anh nhớ Mẹ với lời ru buồn
    đã quyện, đã vận vào đời anh thành lữ khách…Ui chao ơi! Làm răng noái cho hết tình Mẹ hí?

  10. RE: Thư Cho Mẹ
    Anh Lữ à,
    Qua những gì Tiến đọc về anh, mới biết là dù SG cách Huế có chừng hơn 1000 cây số vậy mà trong vòng mấy mươi năm xa Huế, anh đếm được trên đầu ngón tay được mấy lần về Huế thăm lại chốn xưa! Sự ngăn cách của không gian cũng như thời gian cứ làm mình quay quắt nhớ mạ, phải không? Mới vài phút đây thôi, Tiến nói chuyện với mạ đang ở Huế, vào đọc lời bàn của anh khi anh viết chữ “noái” và mạ thì nói “mạ mờn quá”…rồi nào là, thay vì nói “không”, mạ nói “khôn”….và thay vì nói “nhớ” nghe như mạ nói “giớ”, nghe thật là ngộ đó! Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ với Tiến nghen. KT

  11. RE: Thư Cho Mẹ
    Mùa Vu Lan nhắc nhỡ cho ta nhớ về công ơn cha mẹ,nhất là khi mình đã làm cha mẹ thì nỗi nhớ càng thấm thía hơn. Tuy không còn mẹ nhưng nỗi nhớ về mẹ trong Kim Tiến chắc cũng làm mẹ ấm lòng…một nén hương tưởng nhớ và lời khấn nguyện với mẹ sẽ làm lòng ta thanh thản hơn…Xin chia sẻ với Kim Tiến…

  12. RE: Thư Cho Mẹ
    Anh Lực mến,
    Sao Tiến lại đọc sót lời bàn này của anh, mãi đến hôm nay. Tiến xin lỗi anh nghen.

    Sáng nay ở chùa nơi Tiến ở có làm lễ mừng Vu Lan. Một ngày thật đẹp, thời tiết dễ chịu nên phật tử khắp nơi về rất đông anh ạ. Có hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ…và chắc chắn là những lời khấn nguyện đó anh.
    Trong không khí ấm áp này, Tiến cũng thấy lòng mình ấm lại…Đó là sự lan truyền cảm xúc, có phải không? KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả