Dù muốn đón Tết hay không muốn đón Tết, trong lòng tôi cũng có chút gì rạo rực. Năm nay tôi đã chuẩn bị một hủ dưa món, ít mứt gừng, mứt dừa vì nghe thiên hạ bàn tán quá nhiều về sự an toàn của bánh mứt. Thật ra không hẳn vì thế mà tôi làm mứt, làm bánh hay gói bánh chưng, bánh tét. Có lẽ cái thói quen có chút gì tự tay mình làm trong ba ngày Tết đã ăn vào tâm não tôi rồi nên Tết mà không làm gì là thấy không yên bụng. Mới biết thói quen là một điều gì đấy rất khó bỏ.
Nói là ăn Tết cho vui vậy thôi chứ cũng chẳng làm gì rườm rà đặc biệt cả. Anh em, bạn bè con cháu gặp gỡ nhau một đêm thứ 7, hoặc trước Tết hoặc sau Tết, nhâm nhi chút mứt, ly trà. Thưởng thức lát bánh tét chiên, miếng bánh chưng thơm mùi lá chuối mà ngày thường không có, rồi trao nhau những mẫu chuyện Tết xưa cảm thấy thói quen ăn Tết được sưởi ấm khi bên ngoài nhiệt độ rớt xuống trừ mấy chục độ C với từng cơn gió rít trong đêm .
Tôi có sẵn một bộ bầu cua tôm cá gối đầu giường. Hể đến Tết là tôi lấy ra. Sau khi lì xì xong, tôi lãnh phần cầm cái. Tính cầm cái sẽ tóm gọn lấy lại được tiền lì xì, ai ngờ năm nào cũng thua thêm. Chắc năm nay sẽ làm con biết đâu hên hơn! Khi lắc lắc mấy hột bầu cua tôm cá, những tiếng kêu leng keng thật vui tai làm bọn nhỏ hồi hộp vô cùng. Đứa đặt cua thì hô ba con cua, đặt tôm thì la lên ba con tôm, giành nhau la hét rầm nhà….hể đứa nào đặt con gì là hô to ba con đó lên làm không khí căn phòng nhộn nhịp không thua gì sòng bài ở Las Vegas. Tôi thích nhìn ánh mắt bọn nhỏ. Tôi thấy tôi trong ấy. Những ánh mắt hồi hộp lẫn thất vọng hay vui mừng khi cái tô được mở ra làm tôi nhớ một thời tuổi nhỏ của tôi! Cũng lén ba mẹ chạy ra đường đặt vài đồng lấy hên đầu năm! Hên đâu không thấy, năm nào về đến nhà mặt mày cũng tiu nghĩu, buồn xo. Năm nào mấy anh em thua hết tiền, trùm mền nằm nhà chẳng muốn đi đâu! Tôi nhớ bài gì mà có ba con mà người ta lanh tay lẹ mắt đổi qua đổi lại. Tôi đứng nhìn đôi tay thoăn thoắt của họ mà ngẩn tò te.
Tôi nhớ đến Tết xưa, đêm giao thừa, sau khi ba mẹ lì xì chút đỉnh là cả nhà ngồi lại với nhau chơi bài xì lác. Không biết ba hên hay ba giỏi mà khi nào cuối cuộc chơi, năm nào ba cũng thu gọn lại hết số tiền ba mẹ lì xì cho mấy đứa con. Tôi thì không thích chơi bài chỉ thích chơi bấu cua tôm cá mà thôi. Nên sáng mùng một nào tôi cũng rủnh rỉnh có chút tiền trong túi. Còn mấy anh thì hết tiền nên trùm mền nằm nhà, hay thọc tay túi quần đi ra đi vào. Ba mẹ thấy tội, lì xì trở lại và không quên cho mấy anh một bài học. Tôi nhớ hoài câu nói của ba: “Ba cho tụi con bài học đó nghe chưa? Đừng có nghĩ đến chuyện làm giàu bằng đánh bài nghen các con. Bài bạc là bác thằng bần. Gia đình khổ sở, vợ con nheo nhóc và nhân phẩm có khi phải đánh đổi. Các con thấy chưa? Có năm nào các con thắng ba đâu, vậy thì làm sao ra mấy sòng bài ở ngoài đường mà thắng nổi”. Năm nào ba tôi cũng lập lại cái bài học này, mà mấy đứa con có đứa nào thuộc đâu. Tôi nghĩ chắc hồi nhỏ tôi thích nghe tiếng leng keng của mấy quả bầu, cua, tôm, cá khi người cầm cái cầm lên lắc qua lắc lại, xốc lên xốc xuống. Hay là trong tôi cũng có chút hy vọng thắng cuộc để làm vui!
Tôi lại nhớ đến cái Tết cách đây mấy năm, tôi quên đón Giao Thừa và rước ông bà. Thường 30 Tết mà rơi vào ngày thứ 6 hay thứ 7 thì dễ nhớ và có sức thức khuya hơn. Năm đó rơi vào thứ 4 nên về đến nhà, cơm nước xong mệt quá, tôi lăn đùng ra ngủ một giấc đến sáng dậy đi làm. Vào đến hãng, nhìn vào quyển lịch to đùng nằm ngay ngắn trên bàn với chữ Tết bôi một màu vàng sáng rực thật rõ nét, mới giật mình. Thế là cả ngày, buồn buồn, thấy thiếu thiếu trong lòng.
Dù xa xứ đã 30 năm nhưng đêm giao thừa nào, tôi cũng nấu nồi chè nồi xôi và đơm đĩa trái cây, thắp cây nhan, đốt lên ngọn nến mời ông bà cha mẹ về thăm trong mấy ngày Tết. Tôi quen rồi, mùi hương trong ba ngày Tết làm tôi thấy căn nhà ấm cúng hơn. Tôi cảm thấy như người thân tôi ở gần bên, dù thật ra họ vẫn mãi ở trong lòng tôi mỗi ngày. Hồi còn ở trại tị nạn, tôi cũng không bỏ cái thói quen này. Chiều 30 Tết, tôi cũng ráng chạy ra chợ mua nải chuối, chút nếp, chút đường, đậu xanh và bó nhang về cúng. Rồi lẩm bẩm vài lời mời ông bà về, xong mới thấy yên bụng mà đi ngủ.
So với Tết xưa, bây giờ tôi đâu có cúng ngày ba bữa. Nhớ hồi đó, sáng sớm dậy, tét vài lát bánh tét, thay ly nước lọc mới, một đĩa mứt mới thắp cây nhang. Trưa nấu vài món, chiều nấu vài món mời ông bà về ăn chung với mình. Đi đâu cũng không đi hết cả nhà, sợ không ai làm cơm ông bà đói. Mấy anh chị em phải chia phiên nhau mà lo ngày ba bữa nên lịch trình đi chơi cũng bị giới hạn. Chiều 30 Tết nhà tôi cúng rước ông bà, cả nhà rôn ràng, nhang khói thơm lừng, ấm áp. Đến chiều mùng ba, cúng tiễn ông bà đi, tự nhiên thấy buồn buồn mặc dù biết là có đón, có tiễn đưa, có bày nấu đủ thứ món thì nấu cho mình ăn chứ ông bà nào có ăn được nữa đâu. Nhưng dù sao thì đó cũng là một nhắc nhở yêu thương. Không biết bên nhà có còn giữ tập tục như vậy không chứ tôi đã không còn làm mỗi ngày như thế nữa, đã đơn giản hơn nhiều vì thời khoá biểu của đời sống có khác. Con cái vẫn đi học và tôi vẫn phải đi làm trong ba ngày Tết.
Vậy mà thoáng chốc đã 30 năm rồi. Tết xưa trong tôi cứ lại về. Tết cùng cha mẹ anh chị em và bạn bè đã chỉ còn trong ký ức.
Tôi lớn lên ở Qui Nhơn, nhưng sinh ra ở ngay chợ Bình Dương, Phù Mỹ. Nơi mà chợ phiên Tết rất nhộn nhịp, thu hút mọi người từ khắp nơi tụ về trong một không khí vô cùng “Tết”. Trong những năm tháng chiến tranh, ngày thường gia đình tôi ít dám về quê vì rất nguy hiểm có thể gặp mìn trên đường đi. Dịp Tết, con người cởi mở hơn, lòng tốt cũng xa xỉ hơn, nên dịp Tết là dịp cả nhà tôi về quê thăm mộ ông bà và mộ mẹ mà ít ngại ngùng. Mùng một năm nào cũng thế, đó là ngày tôi tung tăng với bộ đồ mới, xum xoè cùng anh chị em đi thăm mộ ông và mẹ.
Mộ ông và mẹ nằm trong một miếng đất riêng, xa chợ Bình Dương về hướng biển, chếch về hướng nam chút xíu chừng hơn cây số mà sao hồi nhỏ thấy xa lắc xa lơ. Hai bên đường không có nhà cửa, chỉ thấy những bụi gai, chim chim dú dẻ và đi thì phải nhìn dưới chân, sớn sa sớn sác là đạp phải phân bò. Không biết vì sao mà ba tôi xây hai ngôi mộ, kiểu cọ rất khác với những ngôi mộ tôi thường thấy. Nếu nhìn từ trên xuống như hai chiếc máy bay. Hai bên là hai cánh còn cái đuôi phía sau thì nhổng cao lên, phía trước đầu là cái mũi nhọn của chiếc máy bay. Cả làng hồi đó cứ thắc mắc sao ba tôi xây gì lạ kỳ. Trong thời gian chiến tranh, hai cánh máy bay, đuôi máy bay của hai ngôi mộ đầy dẫy những vết đạn hằn vết chiến tranh. Mỗi khi có dịp về thăm là cứ tưởng chiến tranh ở đâu đó, rất gần kề. Mấy cô cậu chăn bò hay nép mình vào hai cánh máy bay đánh cờ chém hay ngủ trưa. Dấu vết những bàn cờ được kẽ lên trên mộ vẫn còn khắp nơi. Cho đến bây giờ tôi cũng còn thắc mắc vì sao ba tôi lại xây hai ngôi mộ kiểu cọ lạ lùng như thế nhưng ba cũng đã ra đi. Thế là tôi suy diễn hay là ba tôi biết rồi sẽ có một ngày tôi xa xứ, xa đến nửa vòng trái đất, xa quá nên ông sắm sẵn cho ông và mẹ mỗi người mỗi chiếc máy bay để những dịp Tết về mà bay qua thăm tôi cho nó lẹ?
Bây giờ thì hai ngôi mộ ấy cũng không còn nữa. Làng quê tôi đã thay đổi. Đất đai đắt như vàng nên gia đình tôi phải dời hai ngôi mộ vào trong nghĩa địa chung của làng và mảnh đất thuộc về ai, gia đình tôi cũng không biết, mà biết cũng có làm gì được đâu, nên thôi. Tất cả đã thuộc về quá khứ!
Mới đây về thăm mộ ông, mẹ và thêm mộ của ba tôi dưới cái nắng nung người, giữa một khung cảnh khô cằn không một bóng cây. Hình như mình không muốn trồng cây sợ rễ len lõi dưới lòng đất làm người thân mình không yên ổn? Ngay cả một cọng cỏ cũng không muốn nó tồn tại. Bây giờ thì tôi hiểu thêm chút xíu về hai từ “dẫy mả”. Lúc đi thăm mộ, người em bà con cũng cầm theo cái cuốc. Tôi thấy có cỏ xanh tươi làm êm dịu hơn còn cậu em thì bảo phải bứng hết cỏ lên mới được. Đó cũng là một thói quen, phải thế không? Không có chuyện đúng sai trong niềm tin! Trước khi mất, ba nói ba muốn nằm bên cạnh mẹ. Giờ đây, ba ngôi mộ rất bình thường, nằm khiêm nhường, chung với những ngôi mộ khác. Có lẽ như thế vẫn hay hơn là nằm một mình đơn lẽ giữa miếng đất riêng tây. Ở thế giới nào, hình như chúng ta cũng đều muốn sống chung, sống hoà bình!
Chỉ còn hơn mươi ngày nữa là đến Tết rồi. Năm nay, mùng một Tết cũng sẽ rơi vào giữa tuần. Hy vọng tôi không quên nấu nồi chè, nồi xôi và đơm một đĩa trái cây, đốt vài cây nhang, thắp lên ngọn nến đón Giao Thừa và rước ông bà cha mẹ về thêm vui trong ba ngày Tết. Một thói quen mà tôi không muốn bỏ!
Mùi nhang và ngọn nến lung linh vào đêm 30 luôn làm tôi cảm thấy ấm áp và được chở che.
Nguyễn Kim Tiến
Tết Tân Mão 2011
RE: Tết Trong Tôi
Tiến à, năm hết Tết đến, đọc bài của KT làm mình nhớ lúc nhỏ ở quê nhà, Tết vui ơi là vui, lăng xăng với áo quần mới, chờ được lì xì…Giờ đây cũng đón Tết mà buồn hiu,30 Tết cũng rước Ông bà nhưng rồi quên tiễn, mua vé one way…!!! hay tại muốn Ông bà ở lại cho vui ???
RE: RE: Tết Trong Tôi
Huệ ơi, chắc mình cũng bắt chước Huệ năm nay rước ông bà về chơi không tiễn nữa để ông bà ở lại chơi với mình cho căn nhà ấm cúng hoài thôi! Cảm ơn lời góp ý quá hay của Huệ nghen. KT
RE: Tết Trong Tôi
Tiến ơi , không chỉ Tiến ở xa mói nhớ mà ngay cả Vân ở nhà vẫn cứ nhớ đến những cái Tết của ngày xưa .Nhớ những ngày còn thơ dại mong ngóng Tết đến từng ngày để được đốt pháo hoặc chờ nghe tiếng pháo nổ . Được người lớn lì xì , được mặc áo quần mới và được ăn những món ăn , bánh mứt mang đậm nét truyền thống của quê hương .Bây giờ ở tuổi tụi mình không còn cái háo hức mong chờ Tết đến như bọn nhỏ nữa .Thiếu tiếng pháo nổ cũng một phần làm không khí Tết trong mỗi người như chùng lắng xuống .
Vân rất thích câu cuối trong bài viết này của Tiến :
” Mùi nhang và ngọn nến lung linh vào đêm ba mươi luôn làm tôi cảm thấy ấm áp và được chở che “.
Huệ ơi , năm ngoái quên tiễn ông bà đi thì năm nay khỏi rước chỉ cần chiều mồng 3 Tết nhớ tiễn là được rầu , he he …
RE: RE: Tết Trong Tôi
Mộng Vân ơi, nhớ quá Tết năm xưa Vân hỉ. Xúng xính trong bộ đồ mới tinh và nhất là ít bị la vì ba mẹ sợ phải la mình hoài cả năm. Năm nay, Tiến phải nhớ mà kiêng cử không la hai nhóc BIBO trong ngày mùng 1 nữa để còn hơi mà thở! ;-)KT
Nhớ Tết năm xưa
Đúng đó Tiến ơi! Tết ngày xưa hấp dẫn và thú vị vô cùng. Tụi mình đã hồi hộp từ những ngày đầu tháng 12 DL với những là Card Noel. Noel qua rồi thì lại lượn lờ các phố Gia Long, Phan Đình Phùng để ngắm Thiệp chúc Tết, ngắm áo ngắm vải. Gần Tết thì ngắm hoa. Về nhà thì lui cui làm bánh , làm mứt. 29, 30 lại giúp mẹ gói bánh Tét, nấu bánh tét. Đêm 30 cố thức khuya để đón giao thừa đểlại hồi hộp chờ pháo giao thừa nổ.
Vậy nên cứ sắp đén Tết là lòng lại háo hức bồi hồi…
RE: Nhớ Tết năm xưa
Lan ơi,
Sao Tiến không nhớ cái mục tặng thiệp vậy cà! Chắc là Lan là con gái đó! 😀
Nhưng mà T nhớ là T ngồi muốn cụp lưng đãi đậu xanh để làm bánh chưng, bánh tét, bánh hạt sen đậu….gọt vỏ gừng, vỏ bí..còn cái vụ xăm gừng xăm luôn mấy ngón tay nữa đó chớ! Nhớ Tết xưa quá hả Lan. KT
RE: Nhớ Tết năm xưa
Lan nhắc lại mới nhớ, hồi đó tụi mình cũng rảo rảo ở các tiệm sách để ngắm thiệp thôi, không mua tại mua rồi gởi cho ai chẳng có “ai” để mà gởi…hhehehee.
RE: Tết Trong Tôi
Cám ơn Kim Tiến nhắc lại cái món Bầu Cua Tôm Cá Gà Nai. Mình sẽ mua một bộ rủ mấy đứa cháu về chơi! Hồi xưa mình cũng thích chơi môn này, không khí reo hò rất là vui nhộn , và môn này chỉ hên xui thôi chứ không cần tính toán cao thấp gì cả! Được đấy! Hà Hà Hà!
ĐO.