Tết Nguyên Đán, năm nào không rơi vào tháng một thì cũng rơi vào tháng hai dương lịch, mà đây là hai tháng lạnh nhất trong năm, nên việc tụ tập không thể xảy ra ở ngoài trời. Thường thì cộng đồng Việt hay tổ chức ở những trường học hay những trung tâm hội họp có bãi đậu xe rộng lớn. Năm ngoái, nghe đâu bãi đậu xe nhỏ quá, không đủ chỗ. Bà con đậu lung tung, nên có đến vài trăm chiếc xe bị phạt và vài trăm chiếc bị kéo về bãi phạt và dĩ nhiên là những chiếc bị kéo đi, không những phải trả tiền phạt mà còn phải trả tiền bị kéo đi, ít nhất là hai trăm đô. Hết mất một phần không nhỏ của tháng lương rồi còn gì. Mấy năm gần đây, tiền phạt lên rất cao. Không có lỗi nào dưới một trăm đô. Xui xẻo mà bị phạt là cái mặt méo xẹo. Bà con than thở quá chừng, đi hội chợ Tết gì mà mắc quá! Năm ngoái tôi không đi, nếu đi chắc tôi cũng lãnh giấy phạt đầu năm rồi. Chắc mếu quá!
Công việc chọn địa điểm cũng rắc rối lắm. Đôi khi ban tổ chức không ước tính được số người tham dự, bởi nhiều nguyên do mà thời gian và thời tiết là nguyên nhân chính. Như năm ngoái, lạnh quá, mấy mẹ con trốn ở nhà, đổ thừa cho khí hậu để nhẹ tội với ban tổ chức. Năm nay, thứ Bảy ngày 23 tháng 1 vừa qua, trời ấm, nhiệt độ vào khoảng âm 4°C, nên bà con tham dự rất đông. Năm nay cả nhà tôi đi hội chợ Tết. Tôi rất vui vì đã thực hiện được.
Chương trình bắt đầu từ 10 giờ sáng. Biết thế, mà mãi tới 2 giờ chiều chúng tôi mới đến được, vì có một số việc phải làm vào buổi sáng. Các bạn sẽ thắc mắc sao Tết gì kỳ vậy? Tết ở đây là thế mà. Bạn không thấy là đến ngày 14 tháng 2 mới Tết, mà họ đã tổ chức sớm vào ngày 23 tháng 1 đấy sao? Còn nữa, học sinh thì lại đến thời điểm thi học kỳ. Rồi những khó khăn như mướn hội trường có bãi đậu xe tương đối rộng rãi hơn, rồi phải vừa với túi tiền. Hai tuần đầu của tháng hai, những nơi mà ban tổ chức ưng ý thì không còn chỗ nữa. Ban tổ chức đã rút kinh nghiệm từng năm, vậy mà không có năm nào là không có những khó khăn mới. Tôi luôn biết ơn ban tổ chức của cộng động Việt, dù được khen hay bị chê, hằng năm họ đều cố gắng tổ chức một buổi hội chợ Tết với mục đích giữ gìn truyền thống tốt đẹp của chúng ta.
Chương trình gồm nhiều tiết mục thật hay, nhưng tôi không có dịp xem từ đầu. Tôi cho rằng chương trình hay vì được dàn dựng bởi những tình nguyện viên, những người vẫn phải đi làm, những em vẫn phải đi học. Tôi luôn cố gắng cho hai con đến những lễ hội của người Việt tổ chức để các con không cảm thấy bỡ ngỡ và xa lạ với phong tục, tập quán của xứ mình.
Nghe đâu buổi sáng có làm Lễ Giỗ Tổ Tiên, và sau đó là những tiết mục văn nghệ, ca, hát, múa của các thanh thiếu niên. Có cả thi Hoa hậu Áo dài và thi Giọng Ca Vàng. (Nói nhỏ thôi nghe, tôi mơ sao mình trẻ lại đến 30 hay 40 tuổi để được đi thi hoa hậu áo dài và thi làm ca sĩ, chắc thế nào cũng được giải an ủi; giải dũng cảm đó mà!)
Lúc tôi đến nơi, hội trường đã đông nghẹt. Có khoảng 1.200 ghế mà tôi không tìm ra được một chỗ để ngồi. Thiên hạ đứng ngồi chật ních, hơi lộn xộn chút xíu, nhưng là vui xuân mà, nên ai cũng vui vẻ với nhau nếu lỡ có che chắn lối đi. Thường thì tôi hay quan sát và nhìn chung quanh xem có ai quen biết mà đã lâu không có cơ hội gặp. Tay bắt, mặt mừng chào hỏi nhau và biết là vẫn còn mạnh khỏe, vậy là vui rồi. Năm nay tôi để ý thấy thế hệ trẻ đông đúc hơn mọi năm. Những ông bố, bà mẹ trẻ đưa con nhỏ đến dự nhiều nên không khí có phần rộn ràng, nhộn nhịp hơn; với những tiếng kêu, réo, la, khóc của mấy em nhỏ. Những cụ ông, cụ bà cũng áo dài khăn đóng, nhìn thật vui mắt. Ừ, vì sao lạnh quá mà các cụ vẫn mặc áo dài khăn đóng được hè? Tôi và hai con cũng thích mặc áo dài nhưng lạnh quá, có mặc được đâu. Chắc cái tình của mấy cụ với áo dài nó “dày” quá nên mấy cụ thấy ấm hơn chăng? Năm nào tôi cũng hứa với lòng là năm sau, vậy mà chưa có năm nào tôi mặc chiếc áo dài để đi hội chợ tết. Mong sao sang năm trời ấm hơn!
Còn có những gian hàng ăn uống, những gian hàng quảng cáo lớp tiếng Việt của chùa Phật Ấn, những gian hàng quảng cáo những chương trình từ thiện. Không khí vô cùng nhộn nhịp và sắc màu. Tôi và hai con thích nhất là xem múa lân, những con lân nhỏ xíu xiu, chạy lăn quăn theo mấy con lân lớn thật dễ thương. Đúng ra mấy mẹ con mê xem múa lân và mê chạy theo bỏ những tờ giấy một đồng vào miệng con lân. Năm nào tôi cũng đổi vài chục ra tờ một đồng để tham gia trò chơi này. Tôi nghĩ đó là niềm vui lớn nhất của tôi vào dịp Tết ở đây. Ước gì tôi có nhiều tiền hơn để những tờ bạc không chỉ là tờ một đồng!
Năm nay Tết được tổ chức sớm quá, nên không có những gian hàng bán thức ăn như bánh tét, bánh chưng, dưa món…Thường khi, tôi luôn rinh về vài cây bánh tét, mấy cái bánh chưng. Dù xa quê đã lâu, bạn bè và người thân cũng không quên tặng nhau chút quà mang về trong ba ngày Tết. Có khi là gói mứt, khi là gói kẹo, hay cây bánh tét hoặc cái bánh chưng….
Tôi cũng đang nóng lòng chờ đến cuối tuần này để gói dăm cái bánh chưng, vài cây bánh tét; trước cúng ông bà, sau là cả nhà thưởng thức tài-nghệ-nấu-nướng-của-tôi. Hy vọng lần này bánh không sống, không bén lửa như năm rồi!
Một cái Tết nữa lại sắp đến. Tôi thêm một tuổi và bạn cũng thế. Tôi không nhớ tôi mấy tuổi. Bạn có nhớ bạn mấy tuổi không? Lỡ mà bạn có nhớ tuổi của tôi thì cũng đừng nhắc đến nhé! Cứ xem như tôi không có tuổi!
Tôi nghĩ rằng chưa khi nào, trong lịch sử của mình, người Việt lại phân tán khắp nơi như thế này. May mà có internet làm mình gần lại nhau hơn, nếu không thì những người Việt xa xứ chắc sẽ buồn vô hạn vào những ngày Tết đến, nhất là những người độc thân không có gia đình bên cạnh. Tôi đã từng có nhiều cái Tết như thế bạn. Buồn lắm, chỉ muốn trùm mền mà khóc thôi. Và đó có phải là vận nước? Tốt hay xấu, nào ai biết!
Trái đất hình như nhỏ lại, và sự giao lưu của những dân tộc khác màu da, khác phong tục, tập quán hình như cũng sống hài hoà hơn, có phải?
02tháng02năm2010
Nguyễn Kim Tiến
Hi Minnesota cũng là nơi định cư của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đó Kim Tiến
Minesota là nơi mình đi công tác nhều nhất đó Kim Tuyến, mình thích ở nơi ấy vì có nhiều hồ, nhưng ngại tuyết nhiều wá …
Chào anh Thắng, vậy hả? Nhưng thường anh đến thành phố nào? Tiến ở Minneapolis-Saint Paul. Lần tới néu có ghé, nhớ alô một tiếng nghe. Tiến mời anh ghé thăm gia đình Tiến. Anh nói đúng, nhiều hồ lắm, bởi vậy người ta mới gọi và Xứ vạn hồ. KT
Hi Kim Tiến,
Thắng thường đến
[b]Medtronic:[/b]
710 Medtronic Parkway
Minneapolis, MN 55432-5604
và [b]University of Minnesota[/b]
OK, kỳ tới có đến nữa thì sẽ gọi Tiến 1-800-Kim Tiến 😮
Hồi xưa Tiến học ở U of M đó. Nhà Tiến cách U of M khoảng 20 phút lái xe. Ừ, nhớ gọi nghe. Nhớ liên lạc trước, muốn ăn món gì có ngay. Bánh bột lọc, bánh bèo, bánh xèo, bún cá Bình Định mình, cũ mì, bánh tráng dập….chấm mắm nêm món ăn Bình Định nào cũng có! HEHEHE Alô số: 1-800-Kim Tiến :=)
Khi xưa Thắng cũng học ở U of M, nhưng M ở đây không phải Minesota mà Massachusetts, trùng hợp ngẫu nhiên hã,Thắng chỉ xin ăn món cũ mìvà bánh tráng dập để nhớ lại quê mình,
tìm anh Thảo Nguyên
tôi có 1 người bạn tên Thảo Nguyên ở Minnesota anh ta là Phật Tử tu theo Tinh Tông (thầy Giác Nhàn). hiện tôi đang ở VN có giử của anh 1 món đồ và mất liên lạc với anh hơn 1 năm nay, quý vị nào ở Minnesota biết anh xin vui lòng thông tin về địa chỉ gmail: bodeduyen@gmail.com
xin cám ơn
RE: tìm anh Thảo Nguyên
Chắc nhờ Kim Tiến vào chùa tìm là chắc ăn nhất !
RE: tìm anh Thảo Nguyên
Chào anh Giác Hải,
Ở nơi mình ở có hai chùa, chùa Phật Ân và chùa Thiên Ân. Mình không biết ai tên Thảo Nguyên bạn ạ. Nhưng nếu tình cờ mình biết được, mình sẽ nhắn cho bạn biết nhé.
Tết cũng sắp về rồi, chắc là ai trong chúng ta, dù ở đâu trong lòng cũng đang bắt đầu có chút xôn xao và rộn ràng.
Mình sẽ làm thử theo lời anh Mỹ Thắng góp ý, ghé chùa hỏi thăm cho bạn nhé.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc. Mong bạn ghé sinh hoạt với trang nhà cho vui. KT
Ket ban
Hi moi nguoi, minh ten Huong, minh dang o Cali, minh co chuyen cong viec ben MN cuoi tuan nay ne, mong duoc lam quen voi moi nguoi nha!