Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Sinh Nhật

Tặng chị ĐO, ND và LH và những ai sinh vào tháng Giêng

Sinh nhật năm 50 tuổi, tôi quyết định thực hiện hai điều mà tôi mong muốn từ rất lâu, đó là học bơi và học trượt tuyết. Lớn lên ở sát biển mà tôi không biết bơi và sống ở vùng băng tuyết mà lại không biết trượt tuyết. Không biết tại tôi nhát như thỏ nên không dám học bơi lúc còn nhỏ, hay tại ba mẹ tôi không nghĩ đến chuyện cho tôi học bơi. Lớn lên tôi nghĩ đây là một bộ môn cần thiết cho sự an toàn bản thân. Tôi cứ thắc mắc và ngầm trách ba mẹ. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, chắc là ba mẹ chạy ngược chạy xuôi, mệt đừ với chuyện cơm áo gạo tiền lo cho một bầy ăn học rồi, còn tâm trí đâu nữa mà nghĩ đến những chuyện này! Và cũng chắc tại vì lo xa nên ba tôi sợ tôi chết đuối, chết chìm nên cấm không cho đi tắm biển chăng?

Cấm thì cấm nhưng tôi cũng nhiều lần lén lút cùng bạn bè đi qua Hải Minh tắm, ngụp lặn ở bãi biển trước trường nữ. May quá, tôi đã được quí nhơn phù hộ còn sống đến giờ này. Hồi đó tôi cứ tưởng là ba mẹ tôi không biết tôi làm gì và ở đâu. Bây giờ đã là mẹ, tôi nhìn lại và biết rằng không có điều gì tôi làm mà ba mẹ tôi không biết. Nhưng vì sao ba mẹ tôi không la mắng tôi, lâu lâu ba tôi chỉ nhắc chừng, la sơ sơ. Phải chăng sự cấm đoán của ba tôi như là một sợi dây cột tôi vào một cách lõng lẽo chỉ để điều độ sự phá phách nghịch ngợm của tôi chăng? Còn chuyện đi học trượt tuyết thì trách ai đây? Trách hoàn cảnh vậy!

Những năm tháng ở quê nhà, tôi đã vui chơi cùng chúng bạn mà không hề biết nguy hiểm là gì. Ngồi trên chiếc thuyền máy qua hang dơi tắm nắng cả ngày. Mặt ráng nắng và tóc tai khô héo vì gió biển. Trước khi về nhà, cả bọn ngồi lại với nhau, xem xét hai lai quần có cát chui vào thì cố gắng rủ hết cát ra. Đi hoài như thế nhưng mà cũng đâu có biết bơi. Nhưng có một hôm tình cờ bắt chước chúng bạn nằm ngửa thử có nổi không thì bạn bè ai nấy đều giật mình, bao nhiêu cặp mắt tròn xoe, mở to vì thấy thân hình bé xíu, ốm tong teo của tôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi cảm thấy thích thú vô cùng. Thế là hai tay, hai chân quơ quào đủ kiểu, miễn sao nó chạy là được. Nghe đâu bơi ngửa cũng không phải dễ, vậy mà tôi bơi ngon lành, nhưng cũng sợ độ sâu lắm nên chỉ bơi ngang thôi, dọc theo bờ. Tôi nể tôi vô cùng. Tôi không hiểu vì sao mà tôi có cái khả năng này. Vì sau này, khi tôi phải lấy một lớp bơi để đủ chứng chỉ ra trường, tôi mới biết là phải tập bơi sấp trước, thở dưới nước trước rồi mới tập đến bơi ngửa. Mà tập thở dưới nước khó vô cùng. Tôi thắc mắc vì sao họ không tập bơi ngửa trước. Qua một lớp học bơi, tôi cũng chỉ bơi vài ba thước mà cái đầu cũng phải ngóc lên. Ông thầy nói là tôi bơi kiểu chó bơi chứ không phải ếch bơi. Mà khi bơi thì không dám ra xa, nước ngang ngực mới cảm thấy an toàn. Bạn bè cùng lớp có tiến bộ, còn tôi thì dậm chân tại chỗ. Tôi nghĩ, chắc chuyến này không đủ điểm làm sao ra trường đây! Nhưng khi ông thầy dạy bơi ngửa, chẳng ai làm được, còn tôi thì mới vừa ngả người ra thì lại cũng nổi lềnh bềnh như hồi xưa cùng chúng bạn bơi ở biển quê nhà. Ai nấy đều mở to đôi con mắt, miệng há hóc ngạc nhiên đến không ngờ. Các bạn học người Mỹ cao lớn hơn tôi nhiều ghẹo tôi: “chắc con Kim nhẹ quá nên không cần phải làm gì cũng nổi còn mình thì nặng quá nên chìm lĩm”. Tôi thấy tôi ngược đời. Cũng may, sau khi cọng trừ nhân chia sao đó, ông thầy cho tôi đậu chứng chỉ này. Nhờ chứng chỉ này mà tôi ra trường ngon lành. Tôi phục tôi sát đất luôn. Nhưng phục thì phục chứ cũng chỉ mới nổi và bơi chút chút như bơi chó, mé mé sát bờ hồ, lỡ mệt, lỡ sợ thì còn vịn vào bờ hồ. Sau một khóa tôi vẫn chưa dám bơi ở giữa hồ. Cảm giác sợ sệt vẫn bám theo tôi không rời cho đến một ngày! Năm tôi bước qua tuổi 50, tôi muốn làm một cuộc cách mạng bản thân, muốn phá tan nỗi sợ chết chìm. Tôi quyết định tự tặng cho mình hai món quà sinh nhật đặc biệt. Món quà thứ nhất là món quà “ghi danh đi học bơi”.

Khóa học này kéo dài tám tuần, mỗi tuần một lần, mỗi lần hai mươi phút. Lúc đầu tôi thắc mắc, sao ít phút quá, gì mà chỉ hai mươi phút, nhưng khi xuống nước rồi, tập thở, tập quơ quào, tôi mới biết hai mươi phút cũng làm tôi mệt đừ. Ngày đầu tiên cô giáo hỏi sơ qua về ước muốn, và tôi đã biết tới đâu, tôi trả lời rằng niềm mong muốn của tôi là làm sao tôi có thể bơi ra giữa hồ và bơi được từ đầu hồ đến cuối hồ, thở dưới nước cũng được mà ngóc đầu như chó bơi cũng được. Tôi thật sự chỉ muốn chế ngự sơ hãi độ sâu mà thôi. Cô giáo của tôi đang học lớp 11, còn trẻ lắm, nói với tôi rằng nếu thế thì em sẽ cố gắng giúp cho, đã biết nổi rồi thì không khó mấy. Thật không ngờ, sau chỉ ba lần học, cô giáo dụ làm sao mà tôi cả gan nhảy ùm xuống nước rồi ngọ ngoạy trồi lên được mặt nước. Rồi tiến thêm bước nữa, cô tập cho tôi đứng nước rồi đến lần học thứ tám, lần này là lần tôi phải bước ra đứng trên miếng gỗ, nhảy ùm xuống nước, chỗ sâu nhất. Tôi vừa đi ra tận mũi miếng ván mà lồng ngực rộn ràng, tay chân toát mồ hôi. Ông xã, BiBo và cô giáo đang chờ tôi thực hiện động tác cuối cùng này. Tôi nín thở, nhắm mắt, cầu nguyện và cuối cùng nhảy ùm xuống nước. Cái cảm giác khi tôi trồi lên khỏi mặt nước và bơi vào nắm lấy bờ hồ là một cảm giác tự hào, cảm giác thành công, cảm giác vui thích khi bước qua khó khăn mà tôi tưởng chừng tôi không bao giờ thực hiện được. Tôi vui với tiếng vỗ tay đầy thán phục của BiBo. BiBo nói “mẹ giỏi quá”, tôi mới biết là tôi mới vừa có thêm một cái giỏi ngoài cái giỏi càm ràm mà mấy cha con đã ban tặng cho tôi mấy chục năm nay.

Rồi chuyến nghỉ hè sau đó, gia đình tôi đi Florida. Biển Florida có giòng nước ấm, nước trong xanh và êm ả vô cùng. Tôi có thể vừa bơi vừa nhìn thấy từng đàn cá nhỏ li ti bơi chung quanh mình. Đó là lần đầu tiên tôi bơi ra xa, vùng vẩy trong làn nước mát, thấy người nhẹ hẩng, bềnh bồng trong sóng nước mênh mông. Cái cảm giác sợ sệt cũng không còn nữa. Tôi không còn đứng trong bờ lội nước đến ngang ngực mà thèm thuồng ao ước được thả mình trôi nổi giữa đất trời. Cảm giác thích thú, sung sướng và mãn nguyện lần này cho tôi thấy rằng niềm vui chẳng phải chỉ đến với chúng ta bằng những thành công to lớn mà niềm vui là những gì rất nhỏ nhặt ở ngay bên cạnh chúng ta, hằng ngày mà đôi khi đôi mắt của chúng ta cứ mãi nhìn về, tìm kiếm ở bên kia bờ xa lắc, xa lơ. Đây là một chuyến đi chơi biển rất thú vị của tôi, vì nơi tôi ở, bao bọc quanh tôi là những mặt hồ trầm mặc, là giòng sông Mississippi chảy ngang cũng im lìm thầm lặng , nhưng bạn ạ, đó cũng là chuyến đi hãi hùng của tôi. Chính chuyến đi chơi biển này, tôi mới khám phá ra là tôi bị dị ứng mới ánh nắng mặt trời. Tôi tắm biển cả ngày mà không để ý đến sự tác hại của ánh nắng mặt trời. Hai cánh tay tôi phỏng như phỏng nước sôi phải đi cấp cứu. Bác sĩ bảo là tôi dị ứng với ánh nắng nên ra nắng không được quá hai mươi phút và phải che đậy thật kỷ. Thế đấy nên lần về thăm quê hương vừa rồi, tôi cứ phải ở trong mát hoài thôi, chỉ xuống biển khi trời đã tắt nắng và đi đâu cũng che kín người, làm thiên hạ tưởng tôi sợ đen. Họ đâu biết rằng tôi sợ bị phỏng ngay cả khi bầu trời đã được che phủ bởi một lớp mây dày! Nhưng dù không còn có cơ hội vui chơi thoải mái dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời hay dưới ánh nắng hiu hiu, tôi cũng đã khéo léo vui chơi và tận hưởng làn gió mát và nắng nóng nơi quê nhà. Nó dịu êm và thoang thoảng một mùi hương. Mùi của gió biển, mùi của bông hoa, mùi của đất và sông nước núi đồi. Quê tôi có nắng đốt làn da, mái tóc cháy khét vì những tia hồng ngoại. Quê tôi có mùa gió lào về làm mắt môi khô cứng. Quê tôi là thế đấy mà sao tôi vẫn thích và nhớ vô cùng!

Bây giờ tôi sắp kể cho các bạn nghe món quà thứ hai tôi tặng cho tôi. Tôi ghi danh học trượt tuyết bạn ạ. Bạn nghe có sợ dùm tôi không? Bởi vì nếu mà không may, gãy tay hay gãy chân, thì ôi thôi nào là cơ khổ, biết bao giờ vết thương mới lành vì tuổi đã 50!

Đã từ rất lâu, tôi không còn cơ hội ở nơi quanh năm nắng nóng. Tôi không còn cơ hội sóng sánh cùng sóng biển và nghe biển đêm thì thầm nữa. Mảnh đất Minnesota đã chọn tôi, mảnh đất, nửa năm lạnh xẻ thịt, xe da và tuyết phủ trắng xoá ấp ủ những bãi cỏ, những gốc cây để qua năm còn xôn xao hoa lá, còn líu lo chim muông. Và ở đâu và điều kiện nào thì con người cũng luôn tìm cách để thích nghi, để giải trí, nên nơi tôi ở, bộ môn trượt tuyết cũng rất thịnh hành. Từ nhà tôi ra đến chỗ trượt tuyết mất khoảng hai mươi phút lái xe. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé chơi, nhìn thiên hạ trượt và cảm nhận được sức sống còn sót lại đâu đó trong cái lạnh tuyết phủ trắng xóa đất trời. Năm nào ấm quá, ít tuyết cũng buồn. Người buồn nhất là những người sinh sống bằng những dịch vụ cho mùa đông. Trượt tuyết, xe máy chạy trên tuyết, đục lỗ ngoài hồ, co ro cúm rúm ngồi câu cá, cào tuyết…Chục năm qua, khí trời ấm hơn, tuyết ít hơn, nhiều gia đình khổ sở vì sự thay đổi này. Năm nay, chắc công việc làm ăn thuận lợi hơn! Và tôi nghiệm ra rằng, kẻ này được muà thì kẻ khác mất mùa. Đó phải chăng là sự cân bằng của đời sống!

Mùa Đông đến, tôi ghi danh học trượt tuyết. Thời khóa biểu cũng từa tựa với thời khóa biểu tập bơi, nghĩa là cũng được tám lần tập, nhưng mỗi lần được nửa tiếng đồng hồ. Càng lớn tuổi càng khó tập. Nỗi sợ làm người mình cứng, không còn uyển chuyển nữa. Tôi nhớ, hình như buổi học đầu tiên, mình học cách mang giày tuyết vào, học giữ thăng bằng, học đi lên dốc, rồi xuống dốc, học quẹo trái, quẹo phải, thực hành ở dưới chân đồi. Buổi học thứ hai, conveyor chuyển tôi lên một độ cao khoảng một phần tư độ cao ngọn đồi này, rồi từ đó tôi tập trượt xuống. Ngọn đồi này là ngọn đồi thấp nhất thường dành riêng cho những người mới tập truợt, tiếng Mỹ gọi là “bunny hill”. Lên tới trên rồi, nhìn xuống, Trời ạ, dễ sợ lắm, tôi không làm chủ được tôi, té lên té xuống, chổng gộng, lăng cù cù. Hể ông thầy đứng gần tôi là tôi níu áo ông, có khi tôi chụp trúng cái đầu của ông, có khi cái cổ của ông làm ông té lăn cù cù với tôi. Ông khuyên là phải thả cho người thoải mái, đừng gồng người, thì mới trượt được. Nghe thì hiểu mà làm thì không được. Càng sợ thì càng gồng mình, mà càng gồng người lên thì càng té đùi đụi. Lúc đầu ông còn kiên nhẫn với tôi, riết rồi lòng kiên nhẫn của ông cũng bị phá sản nên ông không dám đứng gần tôi nữa. Tôi rọ rạy tập một mình. Lâu lâu hỏi ông nhắc cho một vài kỷ thuật làm sao dừng lại, làm sao quẹo trái, quẹo phải, làm sao đứng dậy. Sau mấy lần tập, tôi bắt đầu biết chút chút, quẹo phải tạm được vì thuận chân, nhưng quẹo trái thì khó quá. Tôi khám phá ra rằng hôm nào trời lạnh, tuyết mới rơi, vậy mà tập dễ hơn vì có độ ma sát. Còn khi trời ấm, tuyết hơi tan, tạo thành lớp băng thì độ trơn dễ sợ lắm, mới vừa đứng lên là đã lăn đùng xuống băng rồi, giống như lái xe trên tuyết vẫn dễ hơn là lái xe trên băng vậy!

Rồi cái ngày mãn khóa cũng đến, ông khuyến khích tôi dùng cái lift đưa mình lên trên đỉnh bunny hill, không dùng conveyor nữa, rồi trượt xuống. Ngồi trên cái lift, khi lift vừa đến chỗ cuối cùng mình phải nhảy xuống, mà nhảy xuống cũng phải biết cách nhảy, chứ không thì cũng té lăng cù. Tôi sợ quá, nín thở nhảy xuống, tôi té nằm dài, ê ẩm, may quá hai cái chân vẫn còn nguyên vẹn. Mà mỗi lần té, đứng dậy với đôi dày trượt tuyết dính vào đôi chân, cũng nhiêu khê lắm. Tôi loay hoay một hồi cũng đứng dậy được, nhưng bạn ơi, khi nhìn xuống dưới đồi, với cái lạnh ghê người vậy mà tôi toát mồ hôi hột, trái tim đập liên hồi khi thấy người người khắp nơi. Nhưng đã phóng lao rồi phải theo lao. Tôi mon men ra đứng thẳng người, hít thở chút khí trời trong lành, lấy hết bình tỉnh mà trượt. Khom người về phía trước một chút, bắt đầu cho trượt từ từ. Eo ơi, nó chạy vù vù, không biết làm sao mà quẹo trái, quẹo phải để giảm bớt tốc độ, thế là sợ quá, tôi ngã người ra sau, nhắm mắt lại, trượt bằng cái lưng chứ không còn trượt bằng đôi giày tuyết nữa, vì phản xạ tự nhiên, tôi nghĩ cái lưng tạo nên một lực ma sát nhiều hơn, sẽ giúp tôi làm chủ được tốc độ. Khi cả người tôi trôi, trượt, rơi dưới chân đồi và nằm im một chỗ, chưa kịp hoàn hồn thì tôi nghe tiếng vỗ tay, cũng lại là tiếng vỗ tay, của ông xã và BiBo của tôi cùng với lời khen “mẹ giỏi quá”. Thường là sau khi tôi đã trả giày xong xuôi rồi mấy cha con mới trở lại đón tôi. Sao hôn nay đến sớm hơn. Mấy cha con nhìn tôi cười tủm tỉm, tôi quê quá, gặn hỏi. Bi ấp a, ấp úng trả lời: “vì là ngày cuối nên tụi con biết thế nào mẹ cũng phải trượt từ trên đồi xuống, tụi con muốn đến cổ võ, ủng hộ mẹ nên đòi ba chở đến đón mẹ sớm”. Còn ông xã thì cười sung sướng và nói: “Anh tưởng em xiệc chứ? Uổng quá, anh quên mang máy chụp hình”. Ui trời ơi, cái cục quê của tôi càng lúc càng bự ra làm tôi nóng ran hai bên má. Đó là cái giỏi thứ ba, cái giỏi “liều”, sau cái giỏi “càm ràm” thứ nhất, và cái giỏi “can đảm học bơi” thứ hai, ở tuổi 50!

Tôi mới vừa chia sẻ với bạn hai món quà quí giá nhất mà tôi đã tặng tôi vào dịp sinh nhật thứ 50 rồi đó. Ai đã từng thành công trong sự nghiệp hiển hách của mình, như được lên chức, lên lon, có quyền hành, có địa vị cao trong xã hội, không biết có cảm nhận niềm vui sướng, thích thú và tự hào giống như tôi đã có hay không? Bạn ạ, khi nào đến sinh nhật bạn, bạn hãy tặng cho mình những món quà mà bạn yêu thích nhé. Sẽ cảm thấy một niềm phấn khởi vô cùng tận. Bạn chọn món quà nào cũng được và nhớ chia sẻ cùng tôi, bạn ạ! Tôi muốn vui cùng bạn!

Nguyễn Kim Tiến
Tháng Giêng 2011

31 BÌNH LUẬN

  1. RE: Sinh Nhật
    Đọc bài Sinh Nhật của chị cứ lôi cuốn MC vì Mc thích tắm biển mà hổng biết bơi mặc ão phao mà chân cứ đứng trên cát hổng dám ra sâu sợ hỏng chân.
    Chuyện kể nghe hấp dẫn quá.

  2. RE: Sinh Nhật
    Mi Cay ơi,

    Hôm nào bấm bụng đi học bơi nghen, cái cảm giác được nổi lềnh bềnh trên sóng nước mên mông cho ta một cảm giác nhẹ hẩng như vừa trút đi hết những muộn phiền vậy đó. Thử đi rồi cho mình biết cảm giác của Mi Cay như thế nào nghen. Chờ đọc bài tường thuật của MI Cay đó. KT

  3. Sinh Nhật
    Chị Kim tiến ơi,
    Mình thật phục sự can đảm và ý chí quyết tâm học và hành cho đến nơi đến chôn1 cũa chị. Ch1uc mưng chị đã có được món qùa sinh nhật tron vẹn . Mình cũng giống như chị vậy đó , ở VN cũng đã học bơi , mới biết bơi ngửa thì không có thì giờ đi học nữa , nên chỉ lõm bõm bơí nhu chó bơi vậy thôi . Khi thằng con trai đi học bơi mình cũng ghi tên đi học với nó , để động viên tinh thần nó , và mình cũng rất muốn biết bơi , thấy ngươì ta biết bơi , bơi nhẹ nhàng , còn mình đập tay chân lia lịa , chìm vẩn chìm . Muà hè này phải quyết tâm noi gương chị mới được. Còn học trượt tuyết cũng vậy chị ạ , một năm Hội Hướng đạo con mình cho đi trượt tuyết một lần , vào mùa đông , thấy người ta trượt tuyết từ trên cao xuống nhẹ nhàng dễ quá , cũng lấy lớp , nhưng khi mang đôi giày tuyết vào nặng cuì cuị , té lên té xuống chỉ sợ gãy xương , vi thấy các bạn cùng tuồi bị nên không dám thử lữa nưã , đanh2 ngồi nhin mà ao ước , gía mà mình biết sớm và còn trẻ như bọn nhóc nhỉ , con nít bên này sướng thật , enjoy đủ thứ , nhin lại mình , gìa rồi thấy tội nghiệp cho mình quá đi thôi . NHưng nhất quyết kỳ này phải bơi cho bằng được , Cám ơn chị đã cho đọc một kinh nghiệm rất hay , thân mến NgocLan.

    • RE: Sinh Nhật
      Chị Ngọc Lan ơi,

      Ráng đi tập bơi và trượt tuyết nghen, thích lắm chị ạ. Có kinh nghiệm gì thi chị viết cho bạn bè chia sẻ với nghen. Hy vọng chút kinh nghiệm của Tiến sẽ giúp chị không còn bơi kiểu chó nữa và trượt bằng giày truợt tuyết chứ không bằng cái lưng giống Tiến. KT

    • Bơi Bơi Bơi
      NL ơi,
      Hồi nhỏ biết bơi ngửa, về già bơi sấp không khó gì. Chỉ cần mua một áo phao của lính tuần duyên là xong ngay. Nhớ cho biết kết quả nhé. Good luck!

  4. RE: Sinh Nhật
    Chị Tiến ơi,
    Thật ngẫu nhiên, Dao cũng có những kỷ niệm học bơi giống giống của chị. Suốt cả quãng đời niên thiếu ở QN, D không được 1 lần ngâm mình trong dòng nước mặn trong xanh đó.Chắc hẳn là vì hồi ấy ở quá gần biển sợ những phút tinh nghịch sinh bất trắc nên cả ngoại và ba me đều cấm , áp lực này mạnh quá cho nên Dao không dám thử dù là rất thích. Lớn lên không biết bơi và rất nhác nước. Mãi sau này, khi đưa các con đi học bơi, ngồi nhìn chúng bơi kiểu này kiểu kia , vùng vẫy tự tin dưới nước, D nghĩ tại sao mình không học, trễ còn hơn không, nên đã lấy 6 khóa học bơi cho người lớn, từ đó mỗi khi đưa con đi học bơi, con bơi theo khóa của con, mẹ bơi theo khóa của me rồi cũng ráng …cạnh tranh với con để …lấy [i]bằng tốt nghiệp bơi [/i] dù là phần nhảy xuống deep-end – sâu mười mấy thước – rồi tự trồi lên là một thử thách cho Dao.
    Bài viết dễ thương quá chi Tiến ơi, cảm ơn rất nhiều.
    Dao

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Dao ơi,
      Cảm giác thích thú lắm phải không? Tiến nhớ nhất là lúc đi ra đến đầu mũi miếng ván, cái chân nó qíu lại….
      Hôm nào mình rủ nhau đi bơi nhé! 😉 KT

  5. RE: Sinh Nhật
    Bài viết sinh động và dễ thương lắm Tiến ơi! Chắc mình phải bắt chước Tiến đi học bơi mới được! Còn trượt tuyết thì chắc chờ tới Tết…. Công Gô! 😛
    Rất cám ơn món quà SN đầy ý nghĩa!
    ĐO.

        • RE: RE: RE: RE: Sinh Nhật
          Hằng năm vào ngày 30 tháng 2 đó chị ĐO ơi. Nhớ nghen, nhớ đi học trượt tuyết rồi qua đây so tài với Tiến. 😀

          • Tết Công Gô
            OK! Vậy ngày Tết Công Gô 30 tháng 2 mình sẽ học trượt tuyết xong qua so tài với Tiến. Mình sẽ mang theo kem [i]Mút Mùa Lệ Thủy[/i] đãi Tiến nghen! 😛

  6. RE: Sinh Nhật
    Tiến ơi,
    SN của D mới qua, bây giờ phải chờ gần cả năm nữa mới tự tặng quà cho mình như Tiến được, lâu quá! 🙂 Chắc D không chờ được! D cũng bắt chước Tiến, vừa mới tìm ra cho mình một món quà…ưm….gọi là quà Tết !
    Bài viết vui lắm Tiến.
    nd

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Chị Dung ơi,

      Nhớ chia bớt cho Tiến chút quà Tết nghen.
      Cảm ơn chị đã tìm thấy chút vui khi đọc bài viết về kinh nghiệm đau thương của Tiến! 😀 KT

  7. Anh Hiếu ơi! Gì chớ nón lá có trét dầu trong thì dễ ợt. Nhưng hổng biết anh có [i]chọc quê [/i]em hông dậy? Hic Hic!!!
    Em ĐO.

  8. RE: Sinh Nhật
    Cảm ơn Tiến, hôm nay nhận “quà” sinh nhật của chị làm mình nhớ lại hồi mình 13,14 tuổi được mẹ mình bàn giao cho chú Ái ở bãi biển để học bơi… mình học 2,3 ngày rồi “lặn” luôn vì mắc cở! Bạn biết sao không? Vì mình là nữ duy nhất trong đám học bơi! Sau đó bằng phương pháp học lén mà mình biết bơi…

    Tiến ơi, một vài năm sau này mình không chờ đến sinh nhật mới tặng quà mình đâu mà mình tặng quà cho mình hằng ngày… Đó là Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui… như tựa bài hát của TCS!

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Hiền ơi,

      Mình có nghe bạn bè nói đến chú Ái dạy bơi…Ủa mà sao Hiền học lén hay quá dzậy. Tiến cũng lén ba mẹ hoài mà có biết đâu, cứ đứng ngang ngực là cùng!

      Hai món quà này là hai món quà bự, chứ lai rai cũng tự tặng cho mình hoài đó chứ! Chẳng hạn như vào đây mỗi ngày vui cười khúc khích là quà tặng đó Hiền. Biết mai kia mốt nọ có làm đuợc nữa không hả Hiền. KT

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Thân mến chào bạn Hiền,

      [i]Luy “kết” Lé Xẹ vì nó chịu chơi tới bến, chịu tốt với bạn bè mút chỉ. Cái lần Luy tắm biển suýt chết hụt đó, là cũng nhờ nó vừa la làng cầu cứu vừa chạy đi kiếm người cấp cứu, may có chú huấn luyện viên bơi lội chạy đến kịp thời mà cứu Luy đó chớ. Ơn cứu tử này Luy nhớ hoài. (trích Lé Xẹ, Bạn Luy Đó)

      * (Luy tức là Lê Huy viết tắt)[/i]

      Bạn Hiền ơi,

      [i]“chú huấn luyện viên bơi lội… cứu Luy đó”[/i] chính là chú Ái mà hồi đó LH kêu là anh Ái.
      Anh Ái làm rể hiệu vàng Kim Hoàn đối diện rạp ciné Lê Lợi, vợ ảnh là chị Phụng.
      Chỉ là chị hai của Đỗ Văn Xương (bạn Hướng Đạo, đã “ra đi” tại Núi Kho / Đệ Đức năm ’72), của Đỗ Xuân Diệu (bạn học, HĐS, cũng đã “ra đi” tại đài phát thanh Huế trong thời kỳ Phật Giáo đấu tranh), của Đỗ Thị Ái Mỹ (cách nay hai năm LH gặp Ái Mỹ tại nhà một người bạn ở Little Saigon), của Đỗ Văn Tiến (HĐS, hình như đang ở bên nhà).

      LH nhớ lắm mấy người bạn dễ thương này.

  9. RE: Sinh Nhật
    Tiến còi ơi , ở tuổi 50 mà Tiến ác chiến quá , Tư hỗng dám liều như Tiến đâu .Kiểu này Tư nghi chắc đến tuổi 60 Tiến học thêm môn lướt sóng với môn nhảy dù nữa quá , hi hi …

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Tư nhiều chiện ơi,

      Chờ…chờ…chờ….nghen, để xem thử sau khi học hai bộ môn Tư đề nghị có còn mạng mà chui ra chui dzô được trang nhà mà viết kinh nghiệm đau thương cho Tư với bạn bè bắt chước hông đó chứ. 😀 KT

  10. RE: Sinh Nhật
    Hiền à,

    Hiền nhớ tặng món quà này cho Hiền mỗi ngày đó nhen. Và muốn niềm vui nhân đôi nhân ba thì nhớ lâu lâu tặng quà trang nhà nữa nghen. 😉 KT

  11. RE: Sinh Nhật
    Kim Tiến ơi…
    Vào mấy năm trước khi có “biến cố 911 tại New York, USA”, hằng tháng chỗ làm của LH thường tổ chức mừng sinh nhật cho nhân viên nào có ngày sinh trong tháng đó. Nhân viên thay phiên nhau làm MC cho buổi Mừng Sinh Nhật đó với cái giọng Mỹ ngọng nghệu lơ lớ… Vui lắm!
    Mỗi người được mừng sinh nhật nhận một cái bánh nhỏ có cắm đèn cầy và một phong thư có 2 dollars chúc mừng.
    Bây giờ, do “thời buổi kiệm ước” nên chỉ nhận phong thư có 2 dollars chúc mừng thôi.

  12. RE: Sinh Nhật
    Anh Huy ơi,

    Vì sao không là 1 đô hay 3, 4, 5 mà là 2 hả anh Huy? Chắc hai để về tặng đức ông chồng hay đức phu thê bớt 1 đô lấy thảo, phải không? 😀
    Hãng Tiến chẳng có làm gì cả ngoài một list tên với ngày sinh trong tuần đó với một tấm hình vui, thế là vui cả tuần… :zzz KT

    • RE: RE: Sinh Nhật
      Kim Tiến à,
      LH đoán thế nào cũng có bạn hỏi một câu tương tự như thế, nên LH nói 2 dollars mà không nói rõ là 2 đô đó như thế nào.
      [i][b]Đó là một tờ 2-dollar mới keng và phẳng phiu đẹp mắt.[/b][/i]
      Cứ mỗi lần Tết đến là LH và các bạn đến ngân hàng đổi lấy một xấp tờ 2-dollar làm tiền lì xì tượng trưng để “Chúc Mừng Năm Mới” cho nhau.
      Thấy cũng vui vui đó Kim Tiến.

  13. Sinh Nhat
    Nhac den chuyen boi, Kh va ba chi cu noi ghi danh di hoc boi, ma da qua 3 nam roi, van chua lam duoc. Nghi lai cung thay buon cuoi qua, dan QN, nha Kh lai ngay bo bien ma lai khong biet boi, ay the ma suot ngay cung o ngoai bien day chu. Con mot chuyen dang buon nua co, la Kh van chua bao gio duoc qua Hai Minh hay Cu Lao Xanh mot lan nao ca. Cu thay tiec nuoi hoai. Kim Tien may man hon Kh nhieu.

    • RE: Sinh Nhat
      Chị Khánh Hoà ơi,

      Té ra là hồi nhỏ Tiến hoang quá xá cở mà tưởng hiền khô! 😉 Tiến lén ba mẹ đi chơi biển liền tù ti, mặt mày tóc tai cháy nắng khét nẹt. Hậu quả bây giờ đi đâu người ta cũng hỏi ” người Campuchia hay Phi dzậy?” KT

  14. RE: Sinh Nhật
    Nói ra dị quá! Ta đây từng bỏ công học lội bơi 10 năm nhưng chỉ qua lại trong bờ. Và cũng như Kim Tiến, kiểu bơi đầu tiên của ta là bơi ngữa. Chuyện mi viết giúp ta ngộ ra một điều,: do chúng ta cùng có thân hình hơi bị nhẹ kí nên ông thần Biển thương tình phù hộ cho tấm thân ròm được nổi ngữa lềnh phềnh trên mặt nước. Sau này ta hụp lặn trong nước được là cũng nhờ nhỏ Ngọc Anh- hình như chuyện này ta có kể cho mi nghe rồi phải không? Bài này như đi guốc trong bụng ta, lúc ta bơi được ra xa, ta tưởng ta đã là …kiện tướng bơi lội nhất nhì thế giớ. nằm phơi mình giữa biển trời, tạm quên hết mọi ưu phiền, lòng dạ nhẹ lâng, khoan khoái vô cùng.
    Ta trộm nghĩ mi nên nghe lời tên Tư nhìu chiện: Học thêm nhảy dù và lướt sóng, đặng 5 năm nữa mi về VN như lời đã hứa, mi lôi cổ hắn ra dạy cho hắn đỡ tốn tiền đi học thầy khác hi hi hi…

  15. RE: Sinh Nhật
    Hòa ơi,

    Chuyện học bơi của ta thua xa chuyện học võ của nhỏ mà. Ác liệt quá chừng, Tiến không dám đọ sức đâu nghen. Có dám bơi qua Hải Minh với ta không dzậy? 😉

  16. RE: Sinh Nhật
    Tiến ơi,

    Lâu lắm rồi, nhờ Tiến nhắc đến đi học trượt tuyết, làm mình nhớ lại lần đầu tiên minh cùng hai con đăng ký đi học cùng một ngày. Vì mình lớn tuổi nên họ sắp mình học với người lớn. Còn hai đứa con thì được xếp học với độ tuổi 9 và 5. Mình cũng té lên té xuống, cặp giò muốn mềm nhũn ra. Đến trưa là mình không còn có sức để mà đi lên đi xuống cái”bunny hill” nữa. Thế mà hai đứa con chểm chệ ngồi trên “chair lift” để trượt xuống còn mẹ thì vẫn còn lũi thũi nắm cái dây kéo để tập. Cuối ngày hai đứa con chạy lại chọc quê mình sao mà học chậm quá ;-(

    Có một ngày đi trượt tuyết cùng với mây người bạn trong sở, rồi nỗi máu anh hùng, cứ tưởng là đủ trình độ để trượt ở đội dành cho trình độ trung bình – Blue run nên mạnh dan leo lên ghế để được lên đồi cao. Khi đưng trên ngon đồi, nhìn xuống dưới thấy thất kinh, cao quá, làm sao mà dám truợt đây. Không lẽ gỡ ski ra mà lội bộ xuống? Chần chờ mãi rồi cũng từ từ trượt, nhưng khi bắt đầu quẹo, có lẽ vi sợ quá nên thế đứng không dúng, thế là mất trớn, mất thăng bằng, chạy thẳng từ trên xuống chân đồi…chỉ biết la thôi…rồi nó cứ chạy vù vù đâm phải một ông đang trượt giữa đồi…cả hai lăn cù xuống đến chân đồi. Dôi giày trượt tuyết văng ra, còn hai cái “pole” rớt ra khỏi tay hồi nào hông hay…chỉ biết là mình nằm im dó hồi lâu, mở mắt ra, thiên hạ bu quanh hỏi han dủ điều. Đau không thể tả, đứng dậy không nổi, may mà chưa gãy xương….Còn cái ông mà mình tông vào đã không giận mà còn hỏi thăm mình nữa…Bạn bè lo đi tìm giày và hai cây gậy cho mình. Vào sở ai cũng biết chuyên này, họ cứ nhìn mình rồi cười tủm tỉm, thiệt quê!

    Vậy mà chưa tởn đâu, tháng 4 năm ấy, trật gân đầu gối, phải nhờ ski patrol chở vào bệnh viện băng bột, hai ba tháng mơi lành đó Tiến. Hên quá bị chân trái chớ chân phải lấy đâu mà đạp ga lái xe đi làm!

    Nhiều kỷ niệm đau thương về ski lắm Tiến ơi, nhưng phải nói là cái cảm giác trơn trượt tư trên xuống quá thú vị. Một nền tuyết trắng xóa, bao bọc bằng những cây thông xanh. Thú vị nhất là trượt qua những ski bump mà hồi mơi qua Mỹ, thấy họ trượt trên TV, cứ tự hỏi sao mà họ giỏi quá!

    Thoáng đó mà đã hai mưoi năm rồi, sức khoẻ đã về chiều, cọng thêm nhiều mối lo nên không còn đi trượt tuyết nhiều như xưa. Và nếu có đi sẽ uống thưốc trước khi đi, trên đường đi và sau khi về đến nhà….

    Cảm ơn Tiến đã viết một bài vui kể lại cho bạn bè nghe và hai món quà này rất ý nghĩa cho SN chính mình.

    BGTCL

  17. RE: Sinh Nhật
    Bà Già Trầu ơi! Bà còn có những kỉ niệm dẫu đau thương về ski và mặc dù đã cách nay 20 năm. Chớ tui thì đang chờ tới Tết Công Gô 30 tháng 2, lúc đó gân cũng chẳng còn để mà trật, xương cũng chẳng còn để mà gãy nữa, hi hi hi!
    ĐO.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả