Ông làm từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Giờ giấc hơi tréo cẳng ngổng nhưng ông rất hài lòng vì ban ngày ông có thể theo học thêm tiếng anh và làm những việc liên quan đến giờ giấc của những cơ quan nhà nước. Ông tìm được công việc này qua trung gian một người quen. Biết bao nhiêu người ước ao có một việc làm như ông dù đồng lương chỉ tạm đủ qua ngày. Ông đến xứ sở này khi ông không còn trẻ nữa. Cái tuổi gần 40 đáng lý ra là cái tuổi đã ổn định về công ăn chuyện làm, về gia đình, con cái. Vậy mà đùng một cái ông hiện diện nơi này, tay trắng và với một trái tim chảy máu. Xa lạ, bỡ ngỡ, lo âu, và một nổi buồn cứ xâm chiếm ăn mòn tâm trí ông.
Bên ngoài phòng khách, chỉ còn một mình ông. Ông ngã cái đùng trên cái ghế xa lông, mạnh quá nên cái đít ông chạm phải cái lò xo và mông trái ông chảy máu. Cái ghế này quá cũ, rách nát, những cọng sắt ló lên, nếu không biết cách ngồi thì hỏng việc. Thường khi ông biết cái nhược điểm của nó nên ông ngồi xuống từ từ thì không sao. Sao lần nay ông lơ ngơ lớ ngớ như người mất hồn. Ông lầm bầm, chắc lầm bầm đỡ đau hơn hay sao mà ông cứ vừa xuýt xoa vừa lầm bầm. Hai đứa cháu của ông thấy ông nhăn mày, nhíu mặt, thương ông, muốn an ủi ông mà không dám ra, cứ thập thò ở cửa phòng. Đôi khi trong lòng ngổn ngang quá, sẵn dịp lớn tiếng với hai đứa nhỏ, vậy chứ ông thương hai đứa ghê lắm. Ông ra đi mang theo hai đứa. Đêm hôm ông quyêt định ra đi , tự dưng cô em gái ông hỏi, ông có thể mang hai đứa theo để cô rộng tay mà lo cho hai đứa nhỏ nữa và chồng cô đang ở trong tù. Làm sao ông trả lời không khi nhìn đôi mắt đầm đìa nước mắt của cô em ông. Không biết những giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt van lơn hay là những giọt nước mắt đau đớn khi phải để hai đứa con còn nhỏ xíu ra đi như thế này. Trong đời người có bao nhiêu lần mình phải đứng giữa ngã ba đường. Ông cũng đã từng chọn lựa và đã trả một giá quá đắt cho cuộc đời mình. Và bây giờ, cô em của ông đang chọn lưạ. Chọn lựa nào đúng, chọn lựa nào sai? Nào ai biết! Tuổi trẻ của ông đã qua, vợ con cũng không, nghề nghiệp cũng không. Ông hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm gì trong việc nuôi dạy con cái. Ông đâu ngờ rằng nuôi nấng là một trách nhiệm nặng nề quá đổi. Đâu chỉ cho ăn cho mặc là đủ. Bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công lao, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu buồn phiền, bao nhiêu khó khăn. Có đôi khi ông cảm thấy mình cạn kiêt sức lực. Bù lại hai đứa là cái gạch nối duy nhất của ông để mỗi ngày ông có thể lời qua tiếng lại mà sống tiếp cuộc đời còn lại buồn bã này. Nổi cô đơn cũng đỡ dần bởi những bận rộn cơm nước, giặt giũ và yêu thương.
Ông kêu hai đứa nhỏ ra và nói “Đây là hai cái chả giò nè, bà chủ cho mang về đó, ăn đi”. Ông đâu ngờ hai cái chả giò ngon và quí dữ vậy, hai đứa ngốn một cái, hết sạch chứ đâu giống như mấy món ông nấu cho tụi nhỏ ăn. Mỗi khi ông dọn cơm ra, là hai đứa nhỏ cứ nhìn nhau, rồi nhìn ông mà không dám nói lời nào. Hết trứng luột, rồi đến trứng chiên, hết chiên rồi luột, ăn riết rồi tụi nhỏ thấy trứng là mặt mày tái xanh. Hôm nay, ông vui quá vì hai đứa mặt mày hớn hở như bắt được vàng. Tụi nhỏ khoái quá mới nói “cậu ơi, mỗi ngày nhớ mang về hai cái nghe cậu”. Ông trợn tròn mắt “bộ ăn cắp dễ lắm sao mà mỗi ngày, tại hôm nay là ngày đầu tiên nên bà chủ đãi đó chớ, còn mua thì tiền đâu mà mua, chiụ khó đi nghe hai đứa”. Ông vừa nói vừa mở cánh cửa ở balcony. Ông bước ra, dựa tay vào thanh lan can nhìn mông lung, ngó trời, ngó đất, rồi nhìn xuống bàn tay mình. Ở trên cao nên ông co thể nhìn thấy được một góc thành phố về đêm, sao trên trời và những ngọn đèn xanh đỏ tím vàng rục sáng như những viên kim cương lấp lánh đủ màu. Một vầng trăng treo lơ lững giữa bầu trời. Ông nhớ vầng trăng quê nhà. Làm sao ông quên được cái háo hức, rạo rực của mỗi tối nhìn trăng khuyết, rồi chờ trăng đầy. Trăng mười sáu! Trăng của tuổi vừa lớn!
Ông liên tục, hút hết điếu này, đến điếu khác như cái đầu tàu, rồi có khi còn nhả ra từng vòng, từng vòng và đếm như đếm ngày, đếm tháng cuộc đời mình. Ông rít từng hơi, như rít từng cơn đau chảy ngược vào tim. Bạn bè thì xa xôi quá, mà ai cũng có những bận rộn, lo âu riêng, nếu gọi điện thoại đường dài thì tiền đâu mà trả hằng tháng. Thế nên có những lúc chán đời, ông chẳng biết tâm tình với ai. Phải chăng đó là lý do càng ngày ông càng cảm thấy điếu thuốc như người bạn tri kỷ của ông. Hai đầu ngón tay ông vàng khè. Cũng có vài lần ông cố gắng bỏ hút thuốc không phải chỉ vì tốn kém mà vì lý do sức khỏe. Vậy mà có lần nào ông bỏ được đâu. Ông nhớ đến lần đầu tiên ông quyết định cai thuốc, ông ngủ li bì, không buồn ăn uống gì cả. Ông cảm thấy tâm thần ông bấn loạn, tay chân ông nhức mỏi, không còn thiết tha với công việc. Buổi sáng thức dậy, ông cũng chẳng thèm đánh răng, súc miệng, thấy mụ người ra, cái đầu nhức như ai đang dùng cái búa tạ gõ vào nổi u mê của mình. Ông có cảm giác như mình đang kéo lê, kéo lết cuộc đời trong vô vọng. Ông ráng qua được một ngày, đến ngày thứ hai, đến ngày thứ ba, thứ 4, thứ 5 và đến ngày thu 6 thì ông không còn chịu đựng được nũa. Ông đầu hang vô điều kiện. Ông chạy đi mua mà lòng nôn nóng. Ông tự trách mình, sao mình lại vứt hết thuốc lá đi làm gì, để bây giờ muốn rít một hơi cũng phải mang khăn, đội mũ đi trong gió tuyết mịt mùng như thế này. Lần sau mà co muốn bỏ thuốc thêm lần nữa thì không dại dột như thế nữa!
Mùa hè nơi này cũng kỳ lạ lắm, có hôm nhiệt độ lên đến 42 độ C, độ ẩm cũng không thua gì độ ẩm ở xứ sở ông. Chẳng hạn như hôm nay, trời đậm đặc. Đứng ở lan can trên từng lầu thứ 20 mà một chút gió cũng không tìm thấy. Gió trốn ở đâu? Ông lại miên man nghĩ đến những ngọn gió quê nhà. Những ngọn gió lào khô róc làm miệng môi nức nẽ, mắt mũi rát buốt. Bầu khí quyển như bình dưỡng khí hết hơi. Rồi có lúc, đặc quánh, ẩm ướt, rít chịt từ biển thổi vào. Ôi, mùi gió biển mằn mặn, mùi tanh của rong rêu, mùi tanh của tôm cua, mùi tanh của đời sống thiếu vệ sinh quyện lại thành một cái mùi rất ư là đặc biệt. Cái mùi mà ngày xưa chỉ cần ông thả bộ dọc theo đường Lê Lợi, thẳng một đường đến đường Nguyễn Huệ là đã nghe cái mũi mình dị ứng với nó rồi. Hôm nào cùng bạn bè làm một vòng ở eo nín thở thì một tay cầm cái ghi đông còn tay kia phải bịt mũi. Vậy mà giờ đây ông lại nhớ nó, thèm được ngưởi nó, thèm được nhốt nó vào buồng phổi của mình. Cuộc đời thật lạ lùng, ông thầm nghĩ, cái gì mà đã vuột tầm tay rồi mới thấy là nó quí giá vô cùng. Lời nói này ông nghe cũng rất nhiều lần rồi, nhưng hình như con người khi nào cũng muốn mình là người phải trải qua. Ông cứ thả hồn bồng bềnh theo những cơn sóng lòng của ông mà không nghe tiếng báo động cháy nhà. Khi ông nhìn xuống phía dưới sân, sao thấy người người lố nhố, lớn có, nhỏ có, rồi còi hụ tứ bề. Ông giật mình, chạy vào trong nhà, gọi hai đứa nhỏ. Ông vội vàng cầm lấy cái đèn pin vì sợ bất ngờ cúp điện, cầu thang bộ sẽ tối om. Trong trường hợp này, thang máy ngừng hoạt động. Mà ông lại ở trên cao, đến tầng thứ 20. Ông an ủi ông, còn đỡ hơn những người ở tầng 40. Ông tưởng ông là người sau cùng, vậy mà không phải vậy. Cũng có một vài người, vẽ mặt hớt ha hớt hãi chạy lúp xúp theo sau gia đình ông. Xuống đến nơi, nhìn lên, ông lại giật mình thêm lần nữa. Cái phòng phía dưới phòng ông có hai tầng bốc khói nghi nghút, vậy mà sao ông không ngửi được mùi khét, sao ông không nhìn thấy khói bay nghi ngút. Vậy mà ông đã thản nhiên, tự tại như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông nhìn ông mà ngao ngán ông! Ông nghe loáng thoáng hình như ai nấu nướng quên tắt lò nên mới xảy ra cớ sự. May mắn có người ngửi được mùi khét nên đã gọi sở cứu hoả và đã kịp thời chữa được. Không có ai bị thương cả. Hú hồn! Sau vụ này ông lại nghĩ đến hoàn cảnh của ông. Những lúc ông đi làm, đi học, ông để hai đứa nhỏ ở nhà một mình. Lúc trước, không lo sợ, không nghĩ đến nguy hiểm, chứ bây giờ, nhưng mà tiền đâu mà gửi nhà trẻ ! Ông làm liều, biết sao!
Leo xuống mấy chục tầng lầu bằng đường bộ không thấy sao, mà giờ phải leo lên sao thấy hai cái giò mỏi quá, vừa leo lên ông vưà thở hồng hộc, còn hai đứa nhỏ thì thích thú như đang chơi trò chơi, nói cười tía lia. Ông liên tưởng đến cuộc đời ông. Leo lên thì khó, mà xuống dốc thì sao mà dễ quá, có khi ngủ qua một đêm đã thấy mình nằm ở dưới thung lũng sâu, rắn rít bám chặt đầy người. Mới hôm nào ông còn là môt cậu trai trẻ trung và nhanh nhẹn, với biết bao hoài bảo của tuổi mới lớn, những chiều, những sáng cùng bạn bè tranh luận về một quyển sách mới đọc, về những hệ lụy của cuộc đời mà thấp thoáng ông và bạn bè cảm nhận được. Rồi chiến tranh leo thang. Ông không có quyền chọn lựa, và ông đã bắt đầu cuộc đời lính chiến trong hoài nghi và tuyệt vọng. Me ông khóc. Ba ông trầm ngâm. Ông đã đốt cuộc đời ông bằng những đêm hành quân, bằng những ngày trở về thành phố. Nằm ở trong rừng sâu, nhiều khi cả mấy tháng trời, thèm chút cơm nhà, thèm nhìn thấy nụ cười trẻ thơ, thèm chút ấm nồng từ ánh mắt yêu thương của mẹ, thèm một lời khuyên của ba, thèm một vòng tay của người yêu dấu. Ông không còn ngửi được mùi hương từ trái chùm kết thoảng bay trong gió, mùi bạc hà quyện ở đầu môi. Ông luôn mang theo mùi hương này suốt con đường trở về nhà từ những buổi hẹn hò với người yêu dấu. Nhưng ông đã thay đổi cuộc đời ông bằng một lá thư từ biệt vì sợ ngày trở về không lành lặn, vì sợ ngày trở về là chiếc áo quan. Một cuộc đánh đổi quá nhiều mất mát và đớn đau. Ông đã quyết định đúng không? Câu hỏi này cứ lẫn quẫn trong đầu cuả ông. Ôi!, chiến tranh! Chiến tranh đã lấy mất tuổi trẻ của ông. Bây giờ, ông chỉ ngửi toàn mùi lá mục nát, bởi sương đêm, bởi mưa, bởi nắng, một mùi hăng hắc xông vài mũi, có khi làm ông buồn nôn, lợm giọng. Tình yêu tuổi mới lớn, tình yêu cuộc sống, tình yêu bạn bè, tình yêu cha mẹ, anh em bỗng chốc thay vào là tình yêu đồng đội. Và ông đã cảm nhận được tình yêu này, cũng đằm thắm, sâu đậm, cũng cao quí, cũng mãnh liệt không kém những tình yêu khác. Nhưng mà biết thế nào là đủ. Ối! tình yêu!
Đêm cũng tàn, ông và mấy người bạn cũng phải về đơn vị. Ông đâu ngờ rằng, đêm đó là đêm cuối cùng ông gặp cô bé và cũng là đêm ông ôm những người bạn của ông trong hai cánh tay dính đầy máu của ông. Ông ngửa mặt lên trời và một tiếng hét xé trời đã rót ra từ cái cuống họng đắng chát của ông. Một trận tấn công vào nữa đêm đã xảy ra. Cả thị trấn chìm trong khói lửa. Chiến tranh đã thật sự đến với từng số phận.
Ông nắm tay cô cháu gái của ông mà cứ tưởng là đang nắm tay cô bé của ông năm nào, ở cái thị trấn nghèo, xa lắc, xa lơ trong tiềm thức của ông. Đôi mắt ? Đôi mắt ? Sao ông vẫn mang theo bên mình đôi mắt ấy trong chừng ấy năm tháng. Đôi mắt ấy đã muốn nói với ông điều gì? Ông mở cửa bước vào nhà. Căn nhà tối om vì cúp đìên. Ông lại thả người xuống cái ghế xa lông cũ kỹ ấy. Và lần này thì cái mông bên phải rướm máu.
(28 tháng 10 năm 2008)
Kim Tiến ơi ! đúng là” leo lên dốc thì khó , xuống dốc thì dễ dàng quá “
Nhiều lúc đọc bài của bạn viết, mình cứ luôn tự hỏi sức ở đâu? thời gian ở đâu nguồn viết thật như đập nước bị vỡ vậy. Mình nghĩ Kim Tiến nên viết truyện dài, như thế giấy bút mới dung chứa hết những càm nhận dày đặt của bạn.
Thanh Hoà ơi, cảm ơn lời khen của bạn. Như giọt nước làm tràn ly nước đó mà. Cô bé của người viễn xứ đêm giao thừa buồn của năm 1965 là mình đấy Hòa ơi, nên làm sao quên được.
Chị Đào à, em cũng không leo lên cầu thang dễ dàng mà tuột xuống thì thật lẹ. 🙂