Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNhững Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương

Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương

Nguồn http://amnhac.fm

Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ thành ra văn học nghê thuật như là món hàng xa xỉ phẩm trong đời sống tuổi thơ tôi. Nhà tôi không có ti vi thành ra những chương trình ca nhạc, thơ văn cũng ngoài tầm nhìn của tôi. Thỉnh thoảng có dịp đến nhà bạn bè thì đó là những dịp tôi chạm vào những loại hình nghệ thuật này.

Thật vậy, tuổi mới lớn của tôi không mang hương thơm bằng những bài tình ca nhưng tôi lại được chạm vào cõi nhạc bằng những bài hát tập thể. Chính những bài hát hùng tráng ấy cho tôi một thời tuổi trẻ với một bầu nhiệt huyết sục sôi. Lửa ấm nồng trong trái tim tôi, hâm nóng sức sống tôi nên nó âm ỉ mà không bao giờ cạn khô, cháy khét.

Đến tuổi trưởng thành, tôi bắt đầu mon men bơi lội trong dòng sông tình cảm cũng là lúc trái tim tôi biết thưởng thức tình ca. Mỗi bài hát tôi nghe qua tưởng chừng như ai nói hộ nỗi lòng mình. Tôi miên man trong cõi tuyệt vời này nhưng rồi tôi bị bứng ra khỏi cơn mê trần thế!

Biến cố mùa Xuân đến, một lần nữa tôi đứt lìa với thế giới văn học nghệ thuật mà tưởng như mình vừa nắm bắt được. Tôi hụt hẩng và lao đao trong đời sống mới giữa bộn bề lo toan. Cả một thế hệ mới lớn của tôi, bạn bè tôi mất phương hướng và nhìn cuộc đời phía trước như một hoàng hôn mùa đông chìm khuất ở dưới chân đồi, ngay cả một chút nắng yếu ớt cũng không còn vướng mắc trên những cọng cỏ khô!

Khi tôi bắt đầu biết nghe nhạc, biết chìm đắm thưởng thức những bài tình ca thì cũng là lúc tôi phải lén lút nghe, lén lút hát. Và hẳn nhiên là tôi chưa bao giờ đạt được niềm mong muốn là được nghe và thấy người nhạc sĩ, ca sĩ mà tôi yêu mến bằng xương bằng thịt. Tôi muốn nhìn thấy họ, tôi muốn có đôi lời với họ về những cảm nhận của riêng tôi. Mỗi bản nhạc họ viết ra, tôi luôn tin là họ đã bỏ vào đó, không chỉ là thì giờ, mà cả nỗi lòng suy tư của họ. Những hạnh phúc, có khi, những ê chề, thất vọng, những băn khoăn, những đau khổ cuộn tròn trên từng nốt nhạc. Họ gửi gấm tình yêu đồng loại, tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên và dù là gì đi nữa thì tâm hồn họ cũng đã bay bổng theo từng con chữ và từng nốt nhạc, có khi sắc nhọn, có khi dịu êm như tâm hồn họ vậy!

Hồi còn ở trong nước, tôi chưa từng tận mắt, tận tai nghe, nhìn cặp nhạc sĩ ca sĩ Lê Uyên và Phương, vậy mà khi tôi đã xa quê nhà đến nửa vòng quay của trái đất thì một hôm, tại giảng đường của trường đại học Saint Thomas, Minnesota, cách đây gần hai mươi năm, tôi được nghe ông bà hát vào một đêm hè cỏ hoa ngập lối. Niềm hạnh phúc này tôi chưa từng tỏ cùng ai mãi đến hôm nay. Nó luôn đằm thắm và mới như ngày nào mỗi khi tôi có dịp hát hay nghe cùng chúng bạn những bài hát của ông.

Chương trình văn nghệ bỏ túi này là một chương trình thiện nguyện. Nhà thờ công giáo nơi tôi ở muốn sửa lại nhà thờ vì giáo dân càng lúc càng đông nên ông bà mang tiếng hát của mình góp sức vào sứ mệnh này. Trong không khí nhẹ nhàng của buổi tối hôm ấy, chỉ một cái đàn thùng, không trống, không kèn, không đèn màu. Tôi không nhớ ông bà hát bao nhiêu bài nhưng tôi nghĩ có lẽ gần như là hết số bài mà tôi yêu thích. Phải nói rằng chỉ có bà mới chuyển tải được hết lời nhạc huyền diệu, kỳ bí, trầm luân và ê chề cũng như niềm hạnh phúc hoang sơ với chất giọng hơi khàn đục, mạnh mẽ nhưng không kém phần nồng nàn. Bà đã hốt hồn tôi bạn ạ. Phong cách diễn đạt của bà như một khám phá, dấn thân và mời gọi!

Tôi yêu nhạc Lê Uyên Phương, yêu cái nóng bỏng và nồng nàn, yêu cái lê thê rã rích. Có những bài, lời nhạc dài lê thê như một thì thầm, kẻ lể vuốt ve. Có khi như đuổi bắt nhau theo từng nhịp thở, có khi rã rời trong nỗi đam mê, có khi mượt mà lãng mạn. Nhạc và lời cứ quyện lấy nhau, bay trong không gian, xé màn đêm như thầm gửi đến những vì sao những niềm hạnh phúc cũng như những ê chề, một nỗi chán chường, một nỗi thất vọng, một bế tắc không lối thoát.

Tôi thật sự thích bài “Vũng lầy của chúng ta” nhất là điệp khúc. “Qua đi, qua đi dứt cơn mê. Tình buồn chồng chất lê thê. Qua đi, qua đi dứt cơn say. Tình buồn tình rồi thay.” Nó như một kêu gào, thách thức số phận. Cái làm tôi mê nhạc ông là hơi thở. Khi hát nhạc của ông, tôi thấy rằng cả tâm hồn tôi, cả hơi thở tôi, cả thanh quảng, cả mắt môi tôi phải cùng nhau làm việc thì tôi mới thấy thoả lòng. Hơi thở lười biếng, tâm hồn lười biếng không có chỗ ngồi với nhạc của ông. Và tôi cũng thích bài “Hãy ngồi xuống đây”…Một mời mọc dấn thân vào đời, một mời mọc vô cùng tha thiết cùng ngồi xuống với nhau trần truồng như loài thú hoang sơ để hoà nhập cùng thiên nhiên, để tắm gội ưu phiền, để xoá tan những nghi kỵ, để xao dịu những đớn đau mà thế hệ của ông, của tôi đã trải qua trong cơn hấp hối! Nhạc của ông nối kết, kéo dài hết ý tưởng này qua ý tưởng kia, hụt hơi nhưng tha thiết.

Tiếng đàn ghi ta thùng và giọng ca một thuở vang lên trong giảng đường nho nhỏ như đưa tôi vào thế giới yêu thương, khát khao và hy vọng. Khi bạn nghe mà không nhìn thấy được từng nét diễn tả của người nghệ sĩ bạn, mới nghe một nửa. Tôi nghĩ thế! Có khi tôi nhắm mắt lại để nghe những đoạn thủ thỉ của bà, có khi tôi mở mắt ra nhìn chăm chăm vào cổ, vào mắt, vào môi của bà để biết rằng hơi thở bà gần như chết đuối và gương mặt bà là cả một say mê đắm đuối trong từng nốt nhạc của ông. Còn ông, những ngón tay trải dài trên phím đàn như một thách thức số phận nghiệt ngã đang đè nặng trái tim ông. Vai ông rung lên cùng với tiếng lòng ông nức nở khi ông cất cao giọng hát cùng bà. Tôi thật sự chìm lĩm trong cõi nhạc của ông!

Môt buổi tiệc trà nho nhỏ ở cuối chương trình để người nghe, người hát trao đổi chuyện trò. Tôi đã không làm điều tôi hằng mong muốn. Tôi đứng dựa vào tường, ở một góc khuất, đôi mắt luôn cố ghi lại những hình ảnh của ông bà. Không biết để làm gì? Phải chăng là để nhớ về một tài năng mà Thượng đế đã ban cho chúng ta. Một tài năng đáng được vinh danh.

Đơn giản vậy thôi! Một buổi tối vô cùng thánh thiện. Một buổi tối đã để lại trong tôi nhiều thương mến. Giá như bây giờ đây, tôi đã có thể mạnh dạn đến gần để nói lời cảm ơn trực tiếp mà hai mươi năm trước tôi đã không thể bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng lời.

Dù thế, dù chưa bao giờ tỏ bày, và chắc đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối trong đời tôi được nghe Lê Uyên và Phương hát với nhau. Thật vậy! Ông đã không còn nữa. Trái tim ông đã ngừng đập nhưng những bài tình ca của ông đã ở lại và sống mãi trong lòng của chúng ta, những người đã yêu mến nhạc của ông. Lời nhạc, ý nhạc luôn như thôi thúc, giục giã mà tĩnh lặng sâu thẳm trong tâm hồn.

Gương mặt ông có nét đăm chiêu, khắc khổ, u sầu! Phải chăng đời sống hằn lên ông những đường nét ngang dọc như năm dòng kẽ mà ở đó lời nhạc đã kết lại thành những: Dạ khúc cho tình nhân với chết bên nhau thật là hồn nhiên. Chết hồn nhiên nên chết đẹp, chết mà nụ cười còn nở trên môi? Rồi Tình khúc cho em với thương em lo âu tình sau, một tình thương bao dung và còn nhiều bài mà tôi không thể nhắc hết ở đây. Tôi nghĩ tập nhạc Khi loài thú xa nhau là tập nhạc thăng hoa nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Thật vậy, tôi rất thích những điệp khúc của ông vì lúc nào nó cũng mang đến cho người nghe cũng như người hát một thay đổi bất ngờ trong nhịp điệu rất riêng của ông.

Với tôi, giọng ca của ông không có gì đặc biệt nhưng phong cách của ông đã mang đến cho người nghe những rung động lạ kỳ!

Cho tôi nói lời cảm ơn cố nhạc sĩ và ca sĩ Lê Uyên Phương. Mong rằng những ngày còn lại, bà vẫn mãi hoài là nỗi đam mê trong từng bài nhạc của ông, dù thời gian có khi đã làm thanh âm bà không còn như xưa! Nhưng có hề gì! Niềm đam mê vẫn mãi tiềm ẩn đâu đó trên những nhánh sông đời!

Nguyễn Kim Tiến
06 tháng 04 năm 2011

14 BÌNH LUẬN

  1. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Bài viết Những cảm nghĩ rời về Lê Uyên và
    Phương của Tiến rất thật và hay.Đọc rất cảm động.Giỏi ghê hí.Đọc bài viết làm
    anh nhớ Đà Lạt quay quắt Tiến ơi.Nơi chốn
    ấy là Thiên Đương của tình yêu và ở đó
    con người ta trẻ mãi không già vì đầy ắp
    trữ tình và lãng mạn.Cảm ơn Tiến hí.Chúc vui.Tình thân

    • RE: GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
      Cảm ơn anh Lữ đã đọc và có lời chia xẻ. Tiến cũng nhận thấy Đà Lạt của mình là thành phố rất dễ thương….Cái lạnh, cái sương khói dịu êm quanh năm suốt tháng và nhất là mùa đông làm tâm hồn mình cũng dễ nương theo mà mơ mộng.

      Năm 1969, lần đầu tiên Tiến lên ở đó 3 tháng hè…thích lắm mà hồi đó chưa biết mơ mộng làm thơ. Phải chi mà biết làm thơ sớm giống anh là bây giờ có vài bài chia xẻ với bạn bè nơi đây về thành phố sương mù của chúng ta… 😉 K

  2. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Lâu rồi mới trở lại nthqn.org, được đọc bài của KT.
    Tối hôm qua 9-4 tại cafe Xưa & Nay mọi người nói nhiều về KT giống như KT đang nói về Leuyen&Phuong ở trên, có nhảy mũi không?

    • RE: RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
      Chào bạn WHWH,
      Tính đi gặp BS xin toa mua thuốc uống cho hết nhảy mũi mà bây giờ hiểu nguyên do rồi nên thôi! Cảm ơn toa thuốc của bạn. 😀 KT

  3. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Tiến,
    Bài viết NCNRV Lê Uyên & Phương rất hay, Hiền cũng rất thích nhạc Lê Uyên Phương nhưng với chất giọng Khánh Ly!!!

  4. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Mình được diễm phúc nghe Lê Uyên Phương hát ở Cà phê Da Vàng QN trước 75!Hay lắm KT ơi!Đọc bài này của KT mình nhớ “một thưở ngày xưa”quá đi thôi! ôi xa rồi!!

    • RE: RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
      Phanlehue ơi,

      Vâỵ thì hôm nào chia xẻ với bạn bè về buổi đi nghe nhạc đặc biệt này nghen. Hổng lẽ đi một mình? 😆 KT

  5. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    ” Với tôi , giọng ca của ông không có gì đặc biệt nhưng phong cách của ông đã mang đến cho người nghe những rung động lạ kỳ .”
    Tiến ơi , Vân đồng cảm với Tiến câu nhận xét trên .
    Vân nhớ ngày xưa các ca sĩ , thường mỗi người có một phong cách , một giọng hát riêng nên tên tuổi của họ đến bây giờ vẫn được mọi người nhớ , còn bây giờ giới ca sĩ trẻ ở VN , đa phần cứ na ná giống nhau nên nghe mãi mà Vân chẳng nhớ được gì . Con gái Vân hay nói đó là ” gà công nghiệp ” , hi hi hi …

  6. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Vân ơi,

    Mình cũng nghĩ như thế đấy Vân, cảm thấy một sự giống nhau trong cách nhả chữ và phong cách biểu diễn.

    Những khi mình lắng nghe, mình có cảm tưởng ca sĩ nào cũng đang tìm cách vo cái miệng thật tròn để nhả từng chữ và để giữ hơi…Có thể vì họ chú tâm đến động tác này quá mà sức truyền cảm bị giảm chăng? KT

  7. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Tiến à! Mình không nghĩ là giọng ca của ca sĩ Khánh Ly giống Lê Uyên. Mình không phủ nhận Khánh Ly hát rất hay nhưng cái sự diễn đạt của hồn bài hát thì từ lâu mình vẫn mộ Lê Uyên hơn. Bà hát hết mình: đôi mày nhíu lại, cổ ngẩn cao, cái đầu đung đưa trên đôi vai như muốn co lại, giọng hát khàn đục nghe thật hoang dại…và cái cách trang điểm cũng khác người. Những đoạn điệp khúc,cao trào tiếng hát hai người như hòa quyện lấy nhau cộng với âm thanh đặc biệt của chiếc đàn guitar thùng rộn ràng nhưng trầm ấm rất đặc biệt. Khổ một nỗi trí nhớ của mình tệ quá, mình chẳng nhớ được lời bài hát nào cho trọn vẹn!
    Giá như Lê Uyên-Phương được đọc bài viết này của Tiến, chắc bà sẽ xúc động và ở nơi nào đó ông cũng mỉm cười mãn nguyện.

  8. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Hòa ơi, không phải bài nào hai giọng ca cũng giống nhau đâu Hoà. Anh Hoàng Nguyễn đã giới thiệu bên amnhac.fm bài hát “đêm chợ phiên muà đông” do ca sĩ LUP hát, mình nghe mà tưởng như giọng ca hồi trẻ của CS Khánh Ly. Những bài khác thì không giống mấy. Nghe thử bài này xem thử hai giọng ca có giống như mình cảm nhận không nghen.KT
    [youtube]http://www.youtube.com/watch?v=7kmNbUX848g[/youtube]

  9. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Ừ! Quá giống Khánh Ly luôn. Con Út mình đi qua nó cũng tự nhiên nói bà Khánh Ly hát…Không biết có nhầm lẫn gì không? Hoàn toàn trong trẻo và hơi đớt đát kiểu ruột của ca sĩ chuyên trị nhạc Trịnh Công Sơn. Nghe xong mình có hơi ngẩn ngơ…

  10. RE: Những Cảm Nghĩ Rời Về Lê Uyên & Phương
    Hòa ơi, mình nghe xong cũng tự hỏi không biết có sự nhầm lẫn gì đây, vì nó quá giống! KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả