Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Nhớ Về Thầy Cô

Hình như khi mà đời sống đã đâu vào đó, khi mà mình ngộ ra rằng chẳng có gì là vĩnh cửu, phù du trong từng khoảnh khắc thì mình hay quay về với ngày xưa, thầy cô, bè bạn cũ. Có lẽ nơi ấy là nơi làm tâm hồn mình trẻ lại bởi những chuyện không đầu không đuôi. Kỷ niệm như một cuốn phim quay ngược, chậm rãi ở từng chặng đường đời!

Ngày xưa đi học thời trung học, tôi học tạm được môn Pháp Văn nhưng lại đội sổ môn Việt Văn. Không hiểu sao mà hồi đó cái đầu của tôi không mở ra. Chính tả thì ăn hột vịt hoài còn làm văn thì được ba hay bốn điểm là cùng. Hôm nào được điểm năm xem như tháng đó có được tờ danh dự. Ôi thôi học 7 năm, mỗi năm 9 tháng vi chị là 63 lần phát bảng danh dự mà tôi may mắn có được vài lần. Những lần như thế thấy hạnh phúc vô cùng. Về đến nhà là ca bài con cá, mặt mày vênh váo. Anh chị em trong nhà ghẹo hoài, lâu lâu chó ngáp phải ruồi mà lên mặt. Bây giờ nghĩ lại chắc hồi đó cái mặt mình dễ ghét lắm đây!

Không biết vì sao tôi chọn ban Pháp Văn. Khi thi vào Đệ Thất, 11 tuổi. Nghĩ lại, chắc ba tôi, anh chị tôi nộp đơn, chọn môn Pháp Văn chớ 11 tuổi biết gì mà chọn! Vì sợ rớt, mà trường Trinh Vương gần nhà lại khai giảng sớm hơn, nên ba tôi cho tôi ghi danh học ở Trinh Vương, trong khi chờ kết quả. Thế là tôi có được một số ngày làm học trò Trinh Vương. Tôi nhớ nhất là phần đọc kinh trước khi bắt đầu buổi học. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng bài kinh Kính Mừng và bài kinh Lạy Cha. Mỗi khi có dịp, tôi tự hào khi có thể đọc kinh hai bài này. Một đọạn đời rất ngắn ngủi với trường lớp Trinh Vương thôi mà cũng đã để lại chút gì nhớ thương. Hình ảnh những bà xơ với bộ đồ đồng phục luôn cho tôi cảm giác dịu dàng trong kỷ luật và nghiêm khắc. Rồi những lần đi xem hội chợ, vì không có tiền vào cửa, tôi và mấy đứa bạn hàng xóm, lén chui rào vào, bị mấy bà xơ, canh chừng bắt được, xách lỗ tai muốn đứt lỗ tai luôn.

Rồi khi biết mình đậu. Vì nội qui cho mặc quần tây, áo sơ mi (không nhớ có cho mặc áo đầm ở lớp đệ thất không), nên tôi chọn không mặc áo dài. Bây giờ tôi cũng không nhớ bắt đầu năm nào tôi mặc áo dài. Hy vọng là tôi nhớ không lầm cái nội qui này chứ! Tuổi lớn có khi nhớ lung tung, không đầu, không đuôi, lẫn lộn chuyện nọ qua chuyện kia. Tôi chỉ nhớ, khi mặc aó dài, Tôi hay cột chặt hai tà aó dài vào nhau mỗi khi chơi u quạ, chơi vũ cầu hay mỗi khi chạy ùm xuống biển vào giờ ra chơi để cùng bạn bè nắm tay nhau nhảy sóng. Ngồi trong lớp tôi có thể nghe tiếng sóng vỗ ì ầm và thông reo rì rào cùng những sợi nắng chan hoà len lỏi trên những đọt cây. Làm sao mà không nhớ không thương một đoạn đời thơ mộng như thế, phải không? Nhìn lại mới thấy vị trí của ngôi trường tuổi nhỏ của tôi quá tuyệt vời. Biển nước trong xanh, chập chùng sóng nước như gọi mời khách viễn du. Và tôi đã trở thành khách viễn du bất đắc dĩ!

Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa tích cũ, kể lể cho con cái nghe, như là một hạnh phúc vô cùng! Chuyện nói dối ba mẹ trốn học đi tắm biển, trốn học đi thuyền qua Hải Minh bơi lôi ở hang dơi. Phơi nắng đến tóc cháy khét, da đen thui. Không biết bơi, ngồi lên chiếc ghe máy nhỏ xiú, máy kêu bạch bạch chở cả lũ qua cái eo biển nối liền bên này bờ với đảo bên kia. Rớt ùm cả lũ chết chẳng ai hay. Giờ mới thấy sao hồi nhỏ mình hoang quá chừng, mà cũng sống tốt, sống khoẻ đến giờ này. Chắc cái số mình sống dai chăng? Hèn nào nhìn vào bàn tay, cái chỉ tay trong cùng biểu tượng cho chuyện sống chết nó đậm nét, cong vòng, dài thòn. Tin vậy đi cho khoẻ cái bụng. Chừng nào tới số hẳn hay.

Vậy đó, tôi cứ kể lui kể tới chuyện xưa cả trăm lần đến nỗi mới vừa mở miệng ra là con tôi cằn nhằn liền mấy câu “mẹ à, mẹ kể cả trăm lần rồi. Sao mẹ kể tới kể lui hoài vậy”. Nhiều khi tôi quê quá, vui trong người thì cười trừ “ừ hén, thôi không kể nữa”. Ngày nào không vui, tôi làm một bài thuyết trình ca cẩm với  tụi nhỏ “chớ sao hồi nhỏ cứ bắt mẹ kể một chuyện cả trăm lần, đọc một truyện cũng ngàn lần rồi còn bắt mẹ ngồi xem chung ba cái phim hoạt họa đến triệu lần được. Sao mẹ làm được?” Tụi nhỏ phán một câu thật là quá  ngọt ngào “vì mẹ là mẹ của con”. Nghe xong tôi xìu như cọng bún thiu mà lại thấy sung sướng trong lòng. Thế đấy, làm mẹ thì lúc nào cũng thế mà, chìu con đến khi chết cũng chìu. Rồi chúng cũng sẽ như mình thôi. Nước mắt chảy xuôi mà!

Tôi canh con tôi kỷ hơn hay tại tụi nhỏ không có hàng xóm như mình. Nếu có, chắc canh không nổi đâu. Làm sao mà cưỡng lại những trò chơi chung với nhau nếu có dịp gặp nhau được. Tôi cứ nhớ những tối chơi tạt lon, chơi năm mười, chạy trốn cùng phố cùng làng. Mưa xuống thì cả lũ chạy đi giành mấy cái máng xối mà tắm. Rồi đi ra ngoài ngoại ô, vào vườn mua ổi, xoài, mít tha hồ ăn, tha hồ cười giỡn. Ôi thôi, tôi mà kể ra đây cả ngày không hết mấy trò chơi hồi nhỏ của tôi. Nhiều khi tôi thấy tội cho mấy đứa nhỏ ở đây, không có những vui chơi như thời tôi lớn lên. Nhưng mà nghĩ lại, đời sống phải thay đổi, có cái này thì mất cái kia. Đó là quy luật của đời sống mà, có ôm vào lòng hết thảy mọi cái được đâu. Nghĩ lại thấy cuộc đời biến chuyển không ngừng làm mình chạy theo muốn hụt hơi. Nhưng cũng có khi đúng là trời sinh voi sinh cỏ!

Trở lại chuyện học Pháp Văn của tôi. Dì dượng tôi ở cách nhà tôi chỉ có 20 cây số mà sao hồi đó thấy xa lắc xa lơ. Mùa hè mới được lên thăm dì dượng. Có hè được ở lại mấy tháng hè để được dượng kèm thêm Pháp Văn. Ông ít nói, nghiêm trang ai gặp cũng có phần e dè, ngay cả mấy anh chị em con ông cũng sợ ông mà sao tôi lại chưa bao giờ có cảm giác sợ ông! Chắc tôi hạp tuổi ông chăng. Em bà con của tôi học bằng lớp tôi, hay lén đi đá banh với bạn bè hàng xóm, bị ăn đòn hoài còn tôi chắc vì không có bạn hàng xóm nên ở nhà và học hành chăm chỉ chăng? Những ngày tháng học thêm như thế giúp tôi rất nhiều. Tôi thích phần văn phạm. Khó thật nhưng khi mình nắm bắt được thì lại cảm thấy thích thú. Nó bắt cái đầu mình hoạt động. Cho đến khi lớn lên, thỉnh thoảng khi tôi vào đại học, tôi vẫn còn ghé nhà dượng để được ông giúp đỡ những khi có khó khăn trong một vài môn về Pháp Văn. Bây giờ thì ông không còn nữa. Tôi hay nhớ về ông. Nhớ cả những buổi chiều cùng ông đi dạo biển quê nhà. Ông chỉ tôi làm thế nào để nhìn và nhận diện ra sao Bắc đẩu, sao Nam tào. Ông kể nhiều chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, rồi nào là Le petit chose của Alphose Daudet, Le petit prince của Antoine de Saint – Exupery. Thế là cái đầu bé xíu của tôi mơ màng, tưởng tượng như chính tôi là cậu hoàng tử nhỏ của  Antoine de Saint – Exupery đang mang đôi cánh mà bay lơ lững trên màn trời đầy sao đêm!

Ở trường, tôi có bà Chương. Chúng tôi không gọi là cô mà là bà. Có lẽ lúc bấy giờ đối với chúng tôi, tuổi bà lớn. Gọi bà để tỏ lòng kính trọng chăng? Bà nhỏ người, tóc buối và nói năng rất nhỏ nhẹ. Tôi không nhớ bà dạy tôi mấy năm nhưng phải nói rằng thời gian học với bà tôi rất thích. Bà hiền và tốt với học sinh. Trò nào mà không thuộc bài bà cho mắc nợ rồi trả nợ sau. Bà không bao giờ cho số không? Có lần bà nói “bà hiểu có em có trí nhớ tốt, có em không nên bà thông cảm. Đối với các em yếu, bà cho mắc nợ, nhớ về nhà học lại rồi lần tới trả bài. Lần tới này mà không thuộc nữa là bà buồn lắm đó”. Tôi chưa làm cô giáo thực thu nhưng tôi đã đứng lớp trong một thời gian khi thực tập ở năm cuối và tôi cũng đã gặp tình huống này một lần. Trước mặt của cả lớp và có cả thấy cô giáo đang dự giờ, tôi đã phản ứng với một em học trò không thuộc bài giống như bà Chương. Trong vô thức, có lẽ hình ảnh của bà hiện ra và là cứu cánh của tôi. Tôi đã cho em mắc nợ! Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về bà, về tháng thực tập trước khi ra trường. Và cũng như dượng tôi, bà đã không còn nữa. Tôi luôn biết ơn bà đã ươm mầm những kiến thức chuyên môn trong tôi và ngay cả những xử thế bước đầu trong đời làm cô giáo. Nhưng số tôi không làm cô giáo mà làm với đất, đá, sạn, cát, xi măng và sắt thép!

Thật vậy, tâm lý đơn giản là mình học được môn nào thì thích môn đó và thầy cô môn đó. Còn môn nào dở quá thì không thích và sợ thầy cô nên ít gần gũi với thầy cô. Nỗi sợ có sức mạnh lạ kỳ làm mình co rút lại. Gặp thầy cô, không dám chào, không dám nhìn. Đôi khi bây giờ ngồi nghĩ lại, phải chi mình phá vỡ nỗi sợ này thì có lẽ kỷ niệm đẹp với thầy cô sẽ nhiều hơn để giờ này mà kể lể cho thấy cô và bạn bè đọc thì vui vô cùng.

Còn năm nào học với cô Liên Trì thì tôi không còn nhớ. Cô nói giọng Huế nghe thanh thoát và nhẹ nhàng. Dáng người cô cũng nho nhỏ, nước da ngâm đen. Tôi cũng rất thích cô. Nhìn cô, ước ao sao sau này mình giỏi giống như cô. Nói tiếng Pháp không cần phải suy nghĩ khó khăn giống như mình. Cô là thần tượng của mình trong cái duyên dáng, e lệ, ngọt ngào và cả chuyên môn. Cách đây mấy năm, khi tôi vừa ra khỏi sân bay Phú Bài, Huế, tôi thấy có người cầm tấm bảng có ghi tên Liên Trì đi qua đi lại, đưa cao lên như tìm kiếm một người. Tôi đoán chắc họ đi đón người có tên Liên Trì, tự nhiên tôi nghĩ đến cô Liên Trì người Huế, dạy Pháp Văn. Cái tên này rất đặc biệt, một cái tên rất Huế. Nên tôi nghi ngờ. Tôi có ý trù trừ để xem thử mình có còn nhận ra cô, hy vọng người có tên Liên Trì này là cô! Tôi chờ một lát mà cũng chưa thấy ai xuất hiện, và cũng là lúc người nhà tôi đến đón tôi về nên tôi đã lỡ một dịp, biết đâu Liên Trì là cô giáo năm xưa của mình? Thôi thì ít ra là tôi cũng có liên tưởng và nhớ về cô. Biện hộ cho mình như thế không biết có kỳ quá không?

Lớn thêm một chút, trí nhớ bắt đầu hình thành rõ nét hơn nên tôi nhớ là năm lớp 10, tôi học với thầy Nông. Thầy hiền và dễ thương nên học trò dễ gần gũi với thầy. Có bao giờ thầy la mắng ai đâu. Nước da thầy trắng, người ôm ốm, mũi cao mắt sáng ngời. Đi dạy, thầy luôn mặt áo sơ mi màu trắng và quần tây màu đen. Trông thầy lúc nào cũng tươm tất, đàng hoàng, và gương mẫu. Thầy cũng là một gương sáng ngời trong đôi mắt của tôi lúc bấy giờ. Vào cuối tháng 6 năm 2005, nhân ngày họp mặt CĐ-NTH tại Houston, lần đầu tiên tôi đi dự và gặp thầy. Tóc thầy đã bạc, vóc dáng không còn trẻ nữa và khi đứng bên thầy, tôi cũng thấy mình không còn trẻ nữa! Khoảng cách tuổi tác không còn lớn như ngày xưa, nhưng lòng kính trọng của tôi đối với thầy luôn đằm thắm trong tôi. Một lời cảm ơn muộn màng nơi đây thầy nhé! Đôi khi chữ nghĩa giúp tôi nhiều hơn là lời nói bởi vì những cảm nhận của mình cần thời gian để thoát thai mà giây phút gặp gỡ bất ngờ quá không cho phép mình kịp bày tỏ lòng biết ơn bằng lời!

Rồi lớn thêm một chút, năm 11 và nửa năm 12 tôi học với thầy Duy. Thầy nhỏ con và có mái tóc bồng bềnh. Chúng tôi hay ghẹo thầy. Ở cái tuổi này, sao lại thích ghẹo thầy đến thế. Tôi có cao lớn gì đâu, cũng chút xíu xìu xiu, đẹt, còi vậy mà tôi và chúng bạn đã ghẹo thầy một cách không suy nghĩ. Lúc ấy, thầy hay đi chiếc xe gắn máy 68 màu đen. Nhà xe dành cho thầy cô phiá trước lớp học nếu đi từ ngoài cổng vào là ở bên tay trái, gần phiá bên nhà vệ sinh. Vài đứa bạn và tôi đi bưng một cục đá về, để phía dưới chỗ thầy bước lên xe, có ý như ghẹo thầy thấp cần bỏ chân lên cục đá mới leo lên được yên xe. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là thầy có để ý vì sao bên cạnh xe thầy luôn có cục đá thật to. Mỗi khi gặp bạn bè, tôi hay kể về những chuyện điên rồ mà ngày xưa tôi đã làm và hay nhắc đến thầy cô. Tôi nhớ có một lần, đến giờ vào lớp, có bạn nào đó, đóng cửa lại không cho thầy vô, chỉ có ý ghẹo thầy chút cho vui, không ngờ đến khi thầy gõ cửa, cô bạn ra mở cửa, bối rối, lúng túng như thế nào mà kéo hoài cái con chốt không chịu chạy lên. Đến khi cô bạn mở được thì thầy bắt đầu giận, thế là cả lớp bị phạt nhớ đời! Tôi không hiểu vi sao mà hồi nhỏ tôi và một số bạn nghịch phá quá chừng. Nghĩ lại thấy ăn năn vô cùng nhưng thời gian làm sao níu kéo lại được. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Không biết thầy Duy hiện giờ ở đâu và làm gì, có còn tiếp tục làm nghề gõ đầu trẻ sau ngày ấy! Tôi muốn gửi đến thầy lời tri ân trân trọng nhất từ đáy trái tim mình!

Mới đó mà đã gần 40 năm xa thầy cô, bè bạn. Ở tuổi này, tôi hay đi lục tìm trong trí nhớ những kỷ niện xưa. Để làm gì tôi cũng không biết. Phải chăng để nhớ đến công lao của thầy cô một đời tận tụy, những vui buồn của một đoạn đời tuổi nhỏ làm học trò vui chơi cùng chúng bạn, mà đã nhiều năm tháng vì cơm áo gạo tiền, tôi đã bỏ quên những hình ảnh đẹp ấy ở một góc nào. Như Nhạc sĩ TCS đã than thở dùm tôi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”!

Tôi mới vừa tâm tình với các bạn những thầy cô đã đóng một vai trò rất lớn trong một phần đời làm học trò của tôi, là những người đã ươm hạt mầm tôi nở nhánh hoa đời. Vô tình hay cố ý mà suýt nữa tôi cũng là cô giáo dạy Pháp văn! Môn Pháp văn chính và Anh văn thì phụ, nhưng tôi nghĩ rằng cũng nhờ vào chút vốn liếng của hai môn học này mà khi định cư nơi đây nó đã giúp tôi rất nhiều để tôi có thể tiếp tục học. Nhắc đến môn Anh văn tôi lại nhớ đến thầy Túc. Thầy cũng hiền khô. Cũng nhờ thầy mà có chút tiếng Anh để làm quen với người bản xứ. Ít ra khi người bản xứ hỏi “How are you?” tôi cũng biết trả lời “I’m fine, thank you!” rồi sau đó thì chỉ biết cười trừ. Nói vậy chứ, hồi mới qua đây, đi đâu tôi cũng cầm theo một quyển sổ nhỏ và cây viết. Trong trường hợp họ nói mình không hiểu hay mình nói họ không hiểu, thì mình nhờ họ viết xuống hay mình viết xuống. Thế là cả hai cùng hiểu! Chữ nghĩa của thầy truyền cho mình trong 3 năm học cũng giúp ích cho mình thật nhiều trong bước đầu lạ lẫm nơi đây.  Nếu thầy có vô tình đọc được những hàng chữ này, hãy vui thầy nhé! vì học trò luôn luôn nhớ đến thầy. Sao giờ nhìn lại, thấy thầy cô nào cũng hiền và đáng quí mến đâu có đáng sợ như ngày xưa mình thấy đâu. Mới thấy rằng cái cảm nhận của mình thay đổi theo thời gian và không gian.

Nhìn lại khoảng đời làm học trò nơi đây, tôi không khỏi giật mình. Tôi đã trải qua những ngày tháng gian nan chuyện học hành vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng với sự cố gắng, miệt mài, kết quả là một món quà quí giá tôi đã tặng cho tôi! Nhưng không biết đó có phải cũng là món quà tôi đã tặng cho ba mẹ tôi, cho thầy cô tôi!

Tôi xin nói lời cảm ơn muộn màng đến thầy cô, không phải chỉ riêng gửi đến thầy cô giáo dạy Pháp Văn, mà cho tất cả thầy cô giáo đã từng dạy tôi dù chỉ một ngày. Hãy tha lỗi cho tôi nếu vô tình tôi đã phạm những lỗi lầm và tôi cũng tha lỗi cho chính tôi nếu tôi đã từng buồn lòng thầy cô giáo.

Đời mong manh và dễ vỡ quá! Nên tôi luôn cố gắng sống những ngày còn lại như thế nào để cuối đời mãi mãi trên môi là những nụ cười!

Nguyễn Kim Tiến
04 tháng 04 năm 2011

11 BÌNH LUẬN

  1. RE: Nhớ Về Thầy Cô
    … hùi nhỏ đội sổ Việt Văn nhưng mà lớn lên thì straight A English phải hong … cho nên mới có “A” Đoản Văn Nhớ Về Thầy Cô … thấy người bốn mắt nhỏ nhắn xinh xắn rồi nghe … kiểu này thì lúc mới qua chắc Tiến được người bản xứ giúp đỡ nhiều lắm vì họ thấy một cô bé con …

      • May mà …
        … anhcobiet – SG mừng quá huh? … secret admirer? … hùi đó hà đi xe bus gặp một cô người xứ nào không biết, mặt đẹp như nữ thần Venus, da đen mịn như phấn nên hà biết rằng một khi đã là người đẹp thì đen hay trắng không thành vấn đề, cô thấp cỡ 1m4, khoảng 15 mà đã có con nên mang theo lỉnh kỉnh xe đẩy, túi xách tả lót & bình sữa … tài xế phải ẵm con cho cô tha đồ đạc lên xe … khi cô xuống xe lại phải ẵm con cho cô tha đồ đạc xuống trước …

      • RE: RE: RE: Nhớ Về Thầy Cô
        Tiến chỉ thấy mình may là không phải nói tiếng Mỹ thôi…Tiếng Mỹ của Tiến ẹ lắm…Cảm ơn anhcobiet-SG đã ghé thăm trang nhà và chia sẻ với Tiến. KT

    • RE: RE: Nhớ Về Thầy Cô
      Bây giờ Tiến nặng ký hơn nhiều, hết bé con rồi DH ơi. Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ với mình. KT

  2. RE: Nhớ Về Thầy Cô
    Chi Tiến mến
    Bài viết gợi nhớ nhiều quá, năm lờp 10, 11 Dao học Pháp Văn với Thầy Bút nên không đươc học với Thầy Nông, cô Liên Trì hay thầy Duy nhưng rất thích cô Liên Trì và yêu cái tên cô làm sao, với Bà Chương thì Dao được học vớ Bà ở nhà.
    Thầy Cô đi với mình suốt một cuôc đời dù không còn ở trường lớp nhưng qua kiến thức mình có được nhờ công lao dạy dỗ của Thầy Cô, Dao nghĩ rằng Thầy Cô rất vui đã có học trò luôn thương nhớ thầy cô như chị
    Dao

    • RE: RE: Nhớ Về Thầy Cô
      Dao ơi, cái tên Liên Trì đặc biệt và rất Huế đó Dao. Hồi xưa Tiến ghét cái tên của mình ghê lắm. Bây giờ hết ghét rồi vì nó ở với mình hơn 50 năm rồi. Lúc thi vào quốc tịch thấy thiên hạ đổi tên nhưng mình không dám đổi sợ lỡ có ai kêu tên mới không biết mà quay lại… 😉 KT

  3. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Bài viết Nhớ về Thầy Cô thật cảm động đó
    Tiến ơi.Những hồi ức một thời cắp sách
    đến trường thật đáng nhớ…Vừa có chuyến
    bay qua Toronto chắc lại có bài viết mới
    nữa hí ? Chúc vui.

    • RE: GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
      Anh Lữ mến, một thời cắp sách thật nên thơ và êm đềm, phải không?

      Tiến không ngờ lại gặp được Dao ở Toronto. Một gặp gỡ thật vui trong tình thân mến như hồi năm rồi Tiến về VN gặp anh cùng bạn bè cũ mới…Một niềm vui thật lớn đó anh Lữ. Chúc anh vui và sáng tác đều tay. KT

  4. RE: Nhớ Về Thầy Cô
    Tiến ròm ui, đọc một mạch bài viết của mi ta cũng nhớ lại như in những ngày mình chung lớp. Nhớ nhất là Cô Chương kể chuyện ma có thật, nghỉ hè Canada vui lắm nhỉ, về nghỉ khỏe rồi kể tiếp chiện TORONTO nhe. Thé nào mi cũng ấn tượng về thác Niagra

    • RE: RE: Nhớ Về Thầy Cô
      Tùng ơi, thác nước Niagara hùng vĩ gợi nhớ nhiều đến thác Cam Ly và Prenn nhỏ bé của xứ sương mù Đà Lạt của mình…Chỉ ghé Toronto có một ngày thôi Tùng ạ. Vui nhất vẫn là gặp được bạn bè…Thác Niagara chỉ là một cái cớ…. 😉 KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả