Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Nhớ Bạn Xưa

Năm 1945, Thế Chiến Thứ Hai, mặt trận Âu châu đã chấm dứt, Đức đã đầu hàng Đồng Minh nhưng mặt trận Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật vẫn đang tiếp diễn khốc liệt. Quân Nhật xâm chiếm Đông Dương, đảo chính quân Pháp. Gia đình cha mẹ chúng tôi đang sinh sống ở Qui Nhơn, phải di cư về quê nội Bình Khê, nay là Tây Sơn, Bình Định để tránh bom đạn. Tôi lên 3 khi gia đình dời về quê nội.

Việt Minh chiếm giữ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thuộc miền trung Việt Nam, được gọi tắt là Nam Ngãi Bình Phú. Quân Pháp chiếm đóng cao nguyên Pleiku, Kon Tum, Ban Mê Thuột, thường xuyên dùng bộ binh, theo quốc lộ 19, càn quét xuống vùng đồng bằng, cướp phá, tiêu diệt lực lượng du kích của Việt Minh. Không quân Pháp từ Tuy Hòa cũng liên tục quấy phá. Những chiếc máy bay vận tải lớn mà chúng tôi thường gọi là “máy bay bà già” bay đến vùng Việt Minh, thả bom xăng đốt phá làng mạc. Máy bay khu trục AD6 tấn công thường hơn. Chúng bay từng toán 2-4 chiếc, mang bom nặng cân, phá hủy cầu đường, phố thị, nhà cửa, trường học. Đại liên trên phi cơ khu trục bắn giết tất cả những gì di động trên mặt đất. Một con chó chạy trên đường, một chiếc ghe đang xuôi dòng, một đám bò đang gặm cỏ, vài nông phu đang cày ruộng v.v. chúng đều không tha. Dân chúng phải mặc quần áo nâu hay đen, đội mũ nón đen để dễ trốn tránh máy bay.

Cho đến năm 7 tuổi, tôi mới được đến trường học vần. Bạn học tôi, có bạn lớn hơn tôi 4-5 tuổi mới đi học lần đầu trong đời. Trường học của chúng tôi là những ngôi miếu cổ, những ngôi chùa xập xệ. Bàn ghế là những mảnh gỗ mục ráp lại với nhau. Trẻ em bậc tiểu học phải xách đèn dầu đi học từ giữa khuya và ra về lúc 8-9 giờ sáng trước khi máy bay Pháp xuất hiện. Chợ búa phải nhóm ban đêm, họp lúc đầu đêm, tan lúc gần sáng. Những ngày không đi học, tôi theo phụ giúp mẹ tôi buôn bán hàng xén ở những phiên chợ đêm. Quốc lộ bị Việt Minh ra lệnh phá hoại để ngăn xe tăng Pháp. Chợ đêm không quá xa nhưng đường đi vô cùng gian nan nhất là khi phải gồng gánh nặng trên vai. Những bạn nào sinh ra và lớn lên ở vùng Bình Khê chắc đều còn nhớ những chợ đêm như Phú Phong, Kiên Mỹ, Kiên Luông, v.v… Xách đèn dầu theo chân mẹ đến chợ, tôi được nhiều người lớn chỉ dạy về những vì sao trời. Nào là sao Bắc Đẩu, sao Hiệp Sĩ, sao Hôm, sao Mai…

Đi chợ đêm, tôi làm quen được với nhiều bạn nam nữ đồng lứa tuổi cũng theo giúp đỡ cha mẹ như tôi. Thuở ấy là những năm 1949-1951, tôi khoảng 7-9 tuổi. Mẹ tôi rất thân với một gia đình bán vải cư ngụ tại thị trấn Phú Phong, cách gia đình tôi 1 cây số, làng Xuân Hòa. Gia đình nầy có hai người con, một trai, một gái khoảng tuổi tôi. Đã hơn 70 năm qua, tôi không còn nhớ nổi tên của hai bạn thân đó nữa. Cả hai đều rất chân thành, hồn nhiên, vui vẻ. Cô bé mà mẹ tôi thường gọi đùa “con dâu tôi”, có mái tóc dài chấm vai, được kẹp gọn bằng hai chiếc kẹp ở hai bên đầu. Cậu bạn tôi thì tóc cũng được hớt ngắn “ca rê” như tôi. Cuối những phiên chợ đêm Kiên Mỹ, nơi có đền thờ vua Quang Trung, chúng tôi được cha mẹ cho ăn bánh cuốn chả ram, nem nướng thật ngon, được phép tắm gội, bơi lội ở một con lạch có nước ngọt trong veo trước đền thờ vua Quang Trung. Chúng tôi rất thân nhau, hôm nào vắng nhau một bữa là thấy buồn. Tình bạn hồn nhiên, trong sáng nơi đồng ruộng, lũy tre xanh.

Có một ngày êm ả, tôi từ ruộng về khoảng 3 giờ chiều. Tôi đi bộ dưới những hàng tre xanh. Bỗng có tiếng la, “Máy bay! Máy bay tới!” Theo phản xạ, tôi nhào vào một gốc một bụi tre. Hai chiếc khu trục AD6 vừa bay vụt qua đầu tôi, thấp sát như ngay trên mái nhà, đọt cây. Tiếng động cơ khu trục nổ lớn ép nặng trên lồng ngực. Trẻ em chúng tôi tuy sợ máy bay nhưng cũng thích quan sát chúng nhào lộn oanh tạc. Tôi núp dưới vòm tre cùng vài bạn trẻ quan sát hai chiếc khu trục nhào lộn trên thị trấn Phú Phong, cách nhà tôi 1 cây số. Thường thì phi cơ Pháp từ Tuy Hòa ra, oanh tạc, quấy phá vào buổi sáng và trưa. Chiều đến chúng rút về căn cứ vì không đủ xăng bay lâu. Hôm đó, hai chiếc khu trục lại xuất trận trễ, oanh tạc vào buổi chiều là giờ mà cư dân ít đề phòng nhất. Hai chiếc khu trục, một chiếc gầm rú, chúc mũi xuống bắn đại liên thì chiếc kia vừa cất đầu lên không, bay vòng trở lại mục tiêu. Chiến thuật oanh tạc thay phiên nầy làm cho người bị oanh tạc dưới đất khó bề di chuyển, thay đổi chỗ núp hay cấp cứu lẫn nhau. Hai chiếc khu trục chúc mũi 3 lần, lần chót mỗi chiếc thả hai trái bom. Chúng tôi bịt tai chuẩn bị nghe những tiếng nổ kinh hồn vì mục tiêu không xa nơi chúng tôi đứng mấy. Tiếng bom nổ vang dội, mặt đất rung rinh. Khói lửa bốc lên ngút trời trên thị trấn Phú Phong. Chúng tôi không dám tưởng tượng ra cảnh tàn phá, chết chóc, máu thịt vung vãi. Thả xong 4 trái bom, hai chiếc khu trục rời mục tiêu bay về hướng tây, nơi căn cứ của chúng, Tuy Hòa.

Chiều xuống mau, lồng ngực chúng tôi, lớn bé, đều nặng trĩu. Tôi rủ mấy người bạn trang lứa chạy bộ tới Phú Phong để quan sát thảm cảnh. Mấy căn phố bị san bằng, nhiều cây cổ thụ bị cắt ngang, nhiều hố bom sâu hoắm nằm trên lộ. Khói lửa còn nghi ngút cháy. Dân chúng mặt mày người nào cũng thất thần. Một trong những căn phố bị san bằng là nhà của hai bạn thân của tôi. Tôi run rẩy nhưng cũng chen với đám đông lại gần nhà bạn. Tóc, máu dán từng mảng trên mấy bức tường gạch còn lại. Có những cánh tay hay cẳng chân bị mảnh bom treo lủng lẳng trên cành cây. Tôi không thấy được xác hai bạn tôi và bà mẹ vì dân chúng đã phủ chiếu hay mền lên những xác chết. Người cha hai bạn tôi được đặt nằm trên một chiếc chõng tre, máu trào ra từ cổ họng ông, ông thở phì phào vì khí quản bị mảnh bom xuyên thủng. Có người kể lại, khi nghe tiếng máy bay, ông đã nhảy xuống hầm tròn trú ẩn cá nhân gần bên sạp vải nhưng không may, một nửa chiều sâu của hầm đã bị ai đó bỏ đầy những vật dụng, vải vóc từ trước. Khi bom nổ, ông bị nhiều mảnh vì không thể giấu kín người dưới hầm tròn cá nhân. Ông mất không lâu sau bom nổ vì thiếu dưỡng khí để thở.

Cả một quận đông dân như quận Bình Khê của chúng tôi mà chỉ có võn vẹn một nam y tá và một nữ hộ sinh được huấn luyện dưới thời Pháp. Tôi đến gần nơi người y tá đang khâu vết thương cho nạn nhân. Một thanh niên bị mảnh bom cắt đứt nửa mặt bên trái. Vết thương chạy dài từ đầu sóng mũi, chạy xuống má trái, cằm trái, để lộ cả xương mặt. Máu tràn đỏ thẳm cổ và áo anh. Anh rên rỉ đau đớn vì người y tá khâu vết thương mà không có thuốc tê. Cây kim khâu lớn và thô như kim chằm áo tơi. Tôi không nhớ người y tá dùng loại chỉ gì để khâu vì thời đó chỉ khâu “catgut ruột mèo” không tìm ra ngay cả ở bệnh viện. Tôi cố mường tượng ra sợi chỉ khâu giống như chỉ gai để đan võng. Loại chỉ gai nầy có thể còn bền hơn cả những sợi vải bao cát mà chúng tôi dùng để khâu vết thương cho đồng đội trong những năm tháng lao lung trong rừng sâu, sau năm 1975. Nạn nhân có thể chết vì vết thương nhiễm trùng. Kháng sinh thời Việt Minh thì tuyệt đối khó tìm.

Những nạn nhân bị đứt chân tay, được cầm máu tạm thời và được dân chúng thay nhau võng đi “bệnh viện” giữa đêm và cách Phú Phong vài mươi cây số. Có người đến nơi chỉ còn là những cái xác không hồn. Những thương nhân gầy gò, thiếu ăn chết nhanh chóng khi mất máu và đau đớn.

Đêm đến, tôi rời hiện trường, thất thểu đi bộ về nhà, lòng tan nát vì mất cả hai bạn thân mà giờ phút chót cũng không sao nhìn thấy mặt. Những mảng tóc và máu dính bê bết trên tường cứ theo ám ảnh tôi ngay cả trong giấc ngủ. Có đêm, mẹ tôi thức giấc vỗ về tôi khi tôi gặp ác mộng.

Những ngày tháng sau đó, tôi theo mẹ tôi đi chợ đêm. Đi ngang qua nhà hai bạn tôi, mẹ tôi và bạn bè bà đều dừng lại dưới những gốc cây cổ thụ bị bom cắt đứt ngang, thắp hương cho bạn bè đã khuất. Tôi cũng làm theo, lâm râm cầu nguyện cho hai bạn siêu thoát. Đêm đen lạnh, gió hú, cây lá xì xào, tôi mơ hồ tưởng như hai bạn tôi đang đứng đâu đó nhìn tôi, nước mắt tuôn tràn. Có lúc tôi thấy một cơn lạnh chạy dài theo xương sống làm tôi bất giác rùng mình. Dù còn rất nhỏ, tôi thương nhớ bạn vô cùng. Nhớ mái tóc ca-rê, nhớ hai chiếc kẹp hai bên mái tóc đen dài chấm vai. Nhớ nụ cười hồn nhiên của hai bạn. Mẹ tôi khóc bạn khá lâu và tôi không hề nghe bà nói đùa mấy tiếng “con dâu tôi” nữa.

Chiến tranh Việt-Pháp cứ tiếp tục với những đợt càn quét của quân Pháp, những trận không kích liên tục của không quân Pháp. Tôi lớn dần và bớt sợ khu trục Pháp. Có lần, tôi đang leo một cây ổi thì máy bay khu trục Pháp đến. Tôi đành thúc thủ ẩn mình dưới đám lá ổi. Tôi nhìn thấy cả mặt tên phi công Pháp khi chiếc máy bay của hắn bay gần nóc nhà tôi. Một lần khác, tôi núp sau một thân cây lớn trong vườn, nhìn thấy một trong hai chiếc khu trục bay ngửa. Tên phi công đùa giỡn sau trận oanh tạc gần đó. Tôi kể cho mọi người trong gia đình tôi và bạn bè thân nghe chuyện chiếc khu trục bay ngửa. Không ai tin trừ cha tôi. Ông giải thích cho tôi rằng phi công nào cũng được cột chặt vào máy bay nên dù bay nghiêng, bay ngửa, lộn nhào, họ vẫn điều khiển được máy bay. Sau lần đó, tôi và bạn bè mong được thấy máy bay bay ngửa nhưng đều thất vọng. Ý tưởng sau nầy lớn lên trở thành phi công hay bác sĩ cũng nẩy mầm trong tôi từ đó.

Năm 1954, chúng tôi không được biết nhiều tin tức trận Điện Biên Phủ. Một ngày, cha tôi tỏ vẻ mừng vui, “Đình chiến rồi mẹ con nó à.” Mọi người lớn đều vui khi thấy chiến tranh lùi xa. Cha tôi chuẩn bị trở lại nghề Công Chánh cũ. Mẹ tôi thôi đi bán hàng chợ đêm. Tôi rời làng cùng bạn bè trang lứa về Qui Nhơn học trung học. Một thời thanh bình trở lại. Lòng người mừng vui trở lại. Tôi đậu Tú Tài 2 rồi thi tuyển vào được trường Y như mơ ước. Tôi ra trường Y, trở về phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn năm 1971, trước Mùa Hè Đỏ Lửa một năm cho đến khi biến cố 75 xảy đến. Tôi cũng đã vượt qua cuộc thi tuyển phi công phản lực của Không Quân VNCH vào năm 1963, chờ đợi được đi Mỹ huấn luyện. Đậu vào Y Khoa, tôi đành bỏ mộng bay bổng. Nhìn lại quá khứ tôi hạnh phúc với những lựa chọn của tôi, với nghề y sĩ của tôi.

Cách đây không lâu, tôi về thăm quê nội, cố ý đi ngang qua nơi hai bạn tôi bị thực dân sát hại cùng gia đình. Cảnh cũ không còn, nhà cửa chen chúc nhau trên khu phố hẹp nơi mà trong thời bom đạn, hai bạn thân của tôi đã sống, đã đi chợ đêm với tôi.

Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, Florida, ngày 18 tháng 12 năm 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả