Chuyến du lịch Peru của chúng tôi dài 2 tuần, bắt đầu ngày 20 tháng 6. Mấy ngày đầu chúng tôi đã đi thăm qua Lima, thủ đô của Peru có 9 triệu dân, lớn đẹp và sạch. Lima nằm trên bờ biển Thái Bình, thành phố không có mưa. Chi tiết nầy làm cho nhiều người trong đoàn chúng tôi ngạc nhiên. Hướng dẫn viên cho biết mưa chỉ đến với Lima mỗi 25 năm. Một giòng nước ấm chảy dọc bờ biển đã thường xuyên tạo nên một làn hơi nước (mist) bao phủ Lima nhưng không phải mưa. Tuy không mưa nhưng cây lá trong thành phố Lima vẫn xanh. Nhà cửa, đường sá không bị bụi bặm như ở Sài Gòn.
Kiến trúc thời Tây Ban Nha còn lại khắp nơi trong thành phố và trông rất mỹ thuật. Người dân Peru dễ thương, thân thiện. Nam nữ cảnh sát viên trên đường phố sẵn sàng nở nụ cười tươi, đứng chụp hình chung với bạn. Du khách tứ phương thật đông đến độ bất ngờ.
Ngày 26 tháng 6 chúng tôi rời Lima đi Puno miền nam Peru bằng 5 tiếng xe bus vì phi trường Puno bị dân địa phương biểu tình chống chương trình hầm mỏ của chính phủ. Dân Peru vùng Puno tin rằng tổ tiên của họ vẫn còn sinh sống trong lòng đất, không muốn ai đào xới quấy phá. Peru có mỏ bạc và đồng.
Đến cao nguyên Puno, 12500 feet trên mực nước biển, hầu hết chúng tôi đều bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng của hội chứng độ cao, thiếu dưỡng khí để thở. Dân địa phương đã quen sống trong tình trạng nầy từ nhỏ nên thích ứng dễ dàng. Di chuyển nhanh hay xách nặng, đi vài mươi bước là phải đứng lại thở dốc. Đêm 26 chúng tôi được khách sạn cung cấp dưỡng khí để thở.
Sáng 27 tháng 6, đứng trên khách sạn Casa Andina nhìn ra hồ Titicaca thật đẹp. Hằng triệu triệu năm trước, khi mà vỏ trái đất còn chuyển mình, đã dồn nén, đội một vùng biển lên cao 3-4 cây số tạo ra hồ Titicaca. Hồ nằm giữa biên giới Peru và Bolivia, rộng khoảng 85 ngàn km vuông, bờ hồ dài khoảng 1200 km, gần bằng khoảng cách Sài Gòn-Hà Nội). Độ sâu trung bình của hồ là 206 m, nơi sâu nhất là 281 m. Hồ Titicaca (có khi được viết là Titikaka) là hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ. Lớp nước trên của mặt hồ là nước ngọt, có lẽ nước đến hồ từ các con sông, lớp dưới vẫn còn là nước biển mặn, nặng hơn, chìm xuống đáy. Hồ thật rộng, đứng ở bờ hồ bên nầy không nhìn thấy bờ hồ bên kia. Hồ có hình một con báo đang vồ một con thỏ. Trong hồ có 47 đảo nhỏ. Chúng tôi đi thăm được hai đảo lớn là Uros và Taquile.
Bolivia là quốc gia duy nhât trên thế giới, không tiếp giáp với biển nhưng có lực lượng hải quân, duy trì an ninh trên nửa phần hồ Titicaca của họ.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên thích thú là những đảo nổi (floatant islands) có dân địa phương sinh sống. Những đảo nổi nầy đã có từ ngàn xưa, do dân địa phương tạo ra. Họ dùng loại lau sậy cao nhiều mét mọc trong hồ, chồng lên nhau nhiều lớp dày đến 4-5 mét để tạo ra đảo nổi. Nhà ở được xây dựng trên đảo nổi. Ngày xa xưa khi bị quân thù tấn công cư dân những đảo nổi đã đầy đảo của họ ra xa bờ tránh nạn. Cư dân nuôi chim, cá, vịt gà, để lấy thịt. Hiện nay, họ sống nhờ kỷ nghệ du lịch và bán quà lưu niệm, đưa đón du khách du ngoạn trên hồ Titicaca.
Họ có nghệ thuật thêu đan y phục rất tinh xảo và nghệ thuật. Chúng tôi đến thăm, họ tiếp đón nồng hậu, chúng tôi ra đi cả gia đình họ hát tiễn bằng những bài ca tiếng thổ dân và tiếng Tây Ban Nha.
Cá nhân tôi, tôi ước gì chúng tôi có thì giờ sống trên những đảo nổi nầy vài hôm để ngắm trăng thanh trên mặt nước mênh mông, phẳng lặng mà những ngọn núi cao đang soi bóng. Đời sống của người dân ở đây tuy không sung túc lắm nhưng rất thanh bình.
Thuyền máy lớn của hảng du lịch đưa chúng tôi đi thăm đảo Taquile cách một tiếng thuyền chạy nhanh. Bữa trưa chúng tôi phải leo lên núi cao để đến căn nhà một cư dân đã giao kèo nấu cho chúng tôi bữa ăn trưa. Nếu hòn đảo Taquile nầy không ở trên độ cao 12500 ft thì chuyện leo núi không phải là khó khăn mấy.
Tuy nhiên, vì cao độ nên chúng tôi thiếu dưỡng khí để thở và thực hiện những việc thường ngày như đi bộ và leo núi. Càng lớn xác, càng thiếu nhiều dưỡng khí khi di chuyển. Con đường dốc lên núi không gồ ghề lắm mà chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để thở và nghỉ mệt. Môi tôi tím lại như bị lạnh đã nhiều giờ. Chiếc ba lô chỉ chứa hai máy ảnh và hai chai nước mà tôi cảm thấy nặng. Thổ dân cõng những bao lớn vật dụng từ dưới mặt hồ lên núi. Họ không từng chặp dừng lại để thở dốc như chúng tôi nhưng khi đi gần họ tôi vẫn nghe được tiếng thở nặng và dài của họ. Thồ dân chăn nuôi bò, dê, alcapa trên núi. Tôi không thấy ruộng vườn nhiều nơi nầy vì núi đá khô cằn khó tìm được nước.
Bữa cơm trưa do ông chủ nhà và là đầu bếp nấu. Món xúp ngũ cốc được dọn trong những tô sành đơn giản nhưng mùi vị thật thơm ngon. Bạn bè tôi ai ăn xúp đều công nhận vậy. Không phải vì chúng tôi leo núi đói mà do tài nấu bếp của gia chủ. Tôi có ăn thử qua vài món xúp nấu bởi các nhà hàng ở vài thành phố lớn Peru, không nơi nào xúp ngon bằng xúp trên đảo Taquile. Bữa trưa còn có món cá trout nướng bắt lên từ hồ Titicaca ăn với khoai tây chiên và cơm trắng. Món cá thật tươi và ngon.
Xuống núi thì dễ hơn leo lên nhưng cũng phải đi chậm vì nếu đi nhanh, bắp thịt lại đòi dưỡng khí và người đi nhanh phải đứng lại thở.
KD
RE: Nhật Ký – Hồ Titicaca
Anh Hiếu kính mến
Em được biết nhiều điều thú vị về Peru khi đọc Nhật Ký của anh, ao uớc có một ngày sẽ đến thăm xứ sở xa xôi này và cũng để nếm thử xem hội chứng độ cao ra sao.
Kỷ niệm về Peru của em rất xa vời, nhưng cũng đủ để nằm trong tiềm thức một thời gian dài, ngày còn để tóc bum bê, em rất mê đọc truyện Tintin của Hergé, có câu chuyện Le Temple du Soleil nói về chuyến phiêu lưu của Tintin đến xứ sở của người Inca đã làm em bắt đâu mơ mộng về con người và xứ sở huyền bí này từ đó. Hergé nói ông viết loạt truyện này cho người từ 7 tuổi đến 77 tuổi, em thấy đúng như vậy vì cho đến bây giờ em vẫn còn thích đọc.
Cảm ơn anh đã cho em đi thăm Peru trong tưởng tượng qua những dòng hồi ký sống động này
Dao
RE: Nhật Ký – Hồ Titicaca
Cảm ơn Ngọc Dao đã bỏ thì giờ đọc Hồi Ký Du Lịch. Đi du lịch học được nhiều điều mới lạ không ngờ và càng thấm thía được câu “con người chỉ là một cây sậy”. Thế giới mênh mông, mới lạ, và hấp dẫn. Biết bao giờ ta mới đi khắp, nhìn khắp trước khi rời bỏ thế giới nầy. “Đi thăm qua non sông, đi cho lòng tha thiết yêu…”