Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănMột Chuyến Về Bình Định (11-2009) - phần 2

Một Chuyến Về Bình Định (11-2009) – phần 2

Quy Nhơn, ngày 10 tháng 11 năm 2009

Hôm nay, chúng tôi đi Vân Canh, một quận nằm về phía tây nam tỉnh Bình Định.  Ở Sài Gòn, chúng tôi được anh đoàn trưởng thông báo rằng nước lũ đã làm sập một cây cầu trên đường từ Quy Nhơn đi Vân Canh, chúng tôi có thể phải đi bộ nhiều cây số hay phải sang xe để đến địa điểm khám bệnh.  May thay, ngày đi Vân Canh thì cây cầu đã được tạm thời sửa chữa và xe cộ có thể qua lại được.   
Tôi lớn lên ở Bình Định nhưng chưa hề đặt chân tới quận lỵ Vân Canh nơi mà ngày xưa nổi tiếng mũi mòng, nước độc.  Trước năm 1975, tôi có bệnh nhân từ Vân Canh ra Quy Nhơn chữa bệnh sốt rét.  Binh sĩ cũng có nhiều người bị sốt rét khi đồn trú hay đi hành quân vùng nầy.

Khi chúng tôi đến Vân Canh thì mực nước con sông Hà Thanh chạy dọc đường đi đã rút xuống mực bình thường.  Hai bờ sông đất bị xói mòn
trầm trọng.  Nhìn vết rát rưởi còn vướng trên bờ tre hai bên bờ sông cho thấy mực nước lũ đã dâng lên rất cao trước đó.  Nghe nói có năm bảy gia đình bị thiệt hại về nhân mạng.  Gà vịt bị chết nhiều.  
  

Địa điểm khám bệnh là một trụ sở xã.  Dân chúng ở đây đa số là người sắc tộc.  Trước năm 1975, chúng quen gọi họ là người Thượng.  Theo thông báo của đoàn thiện nguyện y tế thì dân cư vùng nầy 100% người sắc tộc nhưng khi khám bệnh thì bản thân tôi gặp được vài bệnh nhân người Kinh.  Cô y tá trưởng trạm xá xã Canh Hiệp là người Kinh, nói giọng Bắc vì được cha mẹ quê Vân Canh, tập kết ra Bắc và sinh cô ở miền Bắc.

Tôi không biết lấy một tiếng người sắc tộc nào nên đêm trước khi đi Vân Canh tôi hơi lo âu không biết đồng bào ở đây có hiểu được tiếng Kinh hay không hay là chính tôi người Việt lại phải nhờ người thông dịch.  May thay, khi trực tiếp khám bệnh đồng bào tôi mới biết ra hầu hết bệnh nhân đều hiểu được tiếng Kinh và nói tiếng Kinh gần đúng giọng, chỉ quên đánh dấu một số chữ.  Ngồi cạnh tôi, một bác sĩ Mỹ có lần cần đến hai thông dịch viên, một dịch tiếng sắc tộc ra tiếng Việt, một dịch tiếng Việt ra tiếng Mỹ.  Tôi chỉ một lần không hiểu được hai tiếng Việt nói bởi một bà mẹ sắc tộc.

Tôi hỏi bà mẹ một em bệnh nhân 9 tuổi:

–  Cháu có bị bệnh kinh niên gì không mà than nhức đầu hoài vậy chị?

Bà mẹ đáp:

–  Co, chau bi tét xẹt!

Tôi không hiểu tét xẹt là gì, nhờ bà nói lại.  Khi bà lập lại đến lần thứ tư mà tôi vẫn chưa đoán ra nghĩa của hai chữ tét xẹt thì tôi quay sang chị bạn Nữ Trung Học nhờ nghe hộ.  Chị bạn lại gần bà mẹ em bệnh nhân nghe xong mỉm cười:

–  Chị ấy nói cháu bị té xe.

Tôi bật cười vì  sự chậm hiểu của tôi.   

Một trong những bệnh nhân của tôi là một cụ già tuổi khoảng 70.  Ông chống gậy và được người con trai dìu đi mò mẫm.  Ông than đau nhức trong hai mắt hầu như mỗi ngày.  Mắt phải của ông không còn nhìn thấy gì, con ngươi bị một màng trắng che phủ.  Mắt trái chỉ nhìn thấy lờ mờ.  Tôi nghi ông bị chứng áp suất tròng mắt cao.  Tôi nhờ anh bác sĩ trẻ chuyên khoa mắt (opthalmologist) đi theo đoàn khám lại.  Anh đồng ý với định bệnh của tôi.  Liếc qua danh sách thuốc của đoàn tôi không thấy có loại thuốc nào chữa chứng áp suất mắt cao, tôi định biên toa nhưng chợt nhớ người con trai của ông đã cho tôi biết nhà ông rất nghèo, ông bị bệnh mắt đã mấy năm mà không có tiền đi khám bệnh hay mua thuốc nên tôi quyết định giới thiệu ông đi bệnh viện tỉnh ở Quy Nhơn với hy vọng được chữa trị.  Tôi nói với bệnh nhân và người con trai của ông:

–  Mắt phải của bác đã bị mất thị giác, mắt trái còn hy vọng thấy lại được nếu được chữa ngay. Anh tìm mọi cách đưa bác về Quy Nhơn ngay kẻo bác bị mù cả hai mắt thì khổ cho bác và cho gia đình lắm.   
Người con trai của bệnh nhân có vẻ thất vọng vì các bác sĩ từ Mỹ về không làm được gì cho cha mình nhưng cuối cùng cũng run run cầm tờ giấy giới thiệu của tôi và dìu cha đứng dậy.  Tôi thấy lòng nằng nặng vì sự bất lực của mình trước một bệnh có thể chữa được dễ dàng nếu bệnh nhân đang sống ở một nơi khác.  Năm 1976, trong rừng biên giới Miên-Việt, tôi cũng đã trải qua cái cảm giác bất lực và đau thương khi nhìn một bạn tù bị sốt rét, đi tiểu ra máu đen đậm như xì dầu mà chúng tôi không có lấy một viên thuốc, một chai nước để cứu mạng anh.
Một bệnh nhân khác của tôi là một cậu bé 14 tuổi mà ốm yếu và  nhỏ con như một em bé 5 tuổi.  Bà  mẹ gầy gò của em đã bồng em dễ dàng trong vòng tay bà.  Tôi hơi sững sờ trước bệnh nhân gầy ốm của tôi mà tôi chưa hề được chứng kiến bất cứ một trường hợp nào trong mấy chục năm hành nghề.  Tôi hỏi:

–  Em nó bị  sao mà ốm yếu quá vậy chị?

Bà mẹ đáp:

–  Em nó bị  bệnh từ hồi một hai tuổi, ăn không được, bệnh đi bệnh lại hoài, thở không nổi, ho hen luôn, mới  đây em bị gãy cả hai chân vừa mới lành.   
Tôi khám em và giật mình biết em bị suy tim nặng, bị suy dinh dưỡng trầm trọng, em thở một cách mệt nhọc, da tái xanh, mắt thẫn thờ, ngồi bất động, co rúm lại như  một em bé năm sáu tuổi trên chiếc ghế đẩu bằng nhựa, không nghe và không trả lời được một câu hỏi nào của tôi.   

Tôi đưa tay đụng vào chiếc máy ảnh tôi để sẵn trên bàn, định bụng thu vào ống kiếng hình ảnh tiều tụy của em nhưng trong vài giây suy nghĩ tôi quyết định đặt chiếc máy ảnh lại chỗ cũ.  Tôi không nỡ.  Tôi không muốn nhiều người sẽ nhìn thấy hình ảnh em và sẽ mủi lòng.  Tôi đã thấy, đã xót xa.  Thế cũng là quá nhiều cho em rồi.   

Mẹ em cho biết bà  có đưa em đi bệnh viện mấy lần nhưng bệnh em vẫn ngày càng nặng, trọng lượng cơ thể thì ngày càng nhẹ đi, thân thể co rút lại.  Hai bác sĩ ngồi cạnh tôi cũng không nghĩ ra được em bị hội chứng gì.  Tôi đoán em bị bệnh tim bẩm sinh, không được chữa trị kịp thời nên sinh ra đủ thứ biến chứng như suy tim phổi, thiếu dinh dưỡng trầm trọng, còm cõi, gãy xương…

Cô Mộng Hằng, chuyên  viên phòng thí nghiệm, giúp tôi thử máu cho em.  Cô mở to mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy kết quả hemoglobin của em chỉ có 3.0, bình thường phải là trên 10.0, có nghĩa là em đang bị thiếu máu trầm trọng.  Bản thân tôi, tôi đã thấy hemoglobin ở mức thấp 6.0 nhưng chưa bao giờ thấy 3.0 như hôm nay.   Tôi vội vã giải thích cho bà mẹ em bệnh nhân và khuyên bà đưa em đi nhập viện ở Quy Nhơn gấp kẻo em không thể sống sót trong những ngày tới rất gần.  Bà ứa nước mắt cầm tờ giấy giới thiệu của tôi và giấy lãnh thuốc bổ cho em.  Tôi dặn bà những viên thuốc bổ tôi cho hôm nay sẽ không giúp gì cho em nếu bà không đưa em đi nhập viện ngay.

Bà mẹ bệnh nhân bồng đứa con 14 tuổi bước đi chệnh choạng không phải vì sức nặng của cơ thể em mà vì  sự đau thương nơi lòng bà.  Tôi ngồi thừ người mấy phút nghĩ đến nỗi gian nan vô vàn của một bà mẹ quê 14 năm trường săn sóc đứa con trai duy nhất, mang nặng đẻ đau, bệnh tật triền miên.  Đêm đêm bà đã chắp tay cầu nguyện cho con sống còn.  Tôi không thể hiểu được làm sao bản thân bà có đủ cơm hẩm, canh rau mà sống qua ngày, lo săn sóc đứa con bất hạnh, bệnh tật.  Rồi đây tiền đâu để bà đi xe về Quy Nhơn, tiền đâu để bà mua thuốc và thực phẩm cho con cho đến ngày em đi qua một thế giới khác có thể có được một đời sống thanh thản, khỏe mạnh hơn cuộc sống khổ đau nơi cõi ta bà nầy…

Tôi đứng lên, bước ra khỏi phòng khám, đi bộ trong hành lang bệnh xá  và nhìn những bệnh nhân đang ngồi chờ được khám bệnh.  Có những khuôn mặt thật chất phát, hiền lành, thân thương.  Có những hàm răng đen, những chiếc nón rách, những đôi mắt lo âu pha lẫn chút vui mừng được khám bệnh, được nhận quà… Có năm ba em bé trai gái tuổi học trò tiểu học, chụm đầu vào nhau, cười thật tươi cho tôi chụp hình vừa đưa cao hai ngón tay hình chữ V.  Tôi cũng chưa hiểu rõ chữ V có ý nghĩa gì ở đây, vùng đất nghèo xơ nghèo xác: chào mừng, hồ hởi, thành công?     
Trên cao, mặt trời sau cơn bão đã trở lại chiếu xuống trần thế những tia nắng chói chang, mây trắng vẫn lững lờ bay.  Ngoài kia, mấy con bò vẫn thản nhiên gặm cỏ.  Xa xa có tiếng gà gáy trưa.  Không khí nơi đây thật nóng và ẩm.  Áo tôi đã thấm ướt mồ hôi.  Tôi cố gạt ra khỏi trí hình ảnh em bé và bà mẹ quê, quay trở lại phòng khám để nhận một bệnh nhân khác.
Bà bệnh nhân tuổi khoảng 60, răng đen, nhai trầu bỏm bẻm, thường cười thật tươi sau khi trả lời rành rẽ những câu hỏi của tôi.  Bà bị chứng huyết áp cao.  Tôi cho bà biết định bệnh, giải thích cho bà lý do tại sao bà bị chứng nầy, viết thuốc cho bà.  Tôi nói:

–  Chị Bảy nè, ngoài thuốc tôi biên toa hôm nay, tôi muốn chị ăn lạt nghe.

Bà cười:

–  Ăn chay hã?

Tôi nói:

–  Ăn lạt là  ăn bớt mặn đi, không phải ăn chay.  Chị càng ăn mặn, ăn muối thì huyết áp chị càng lên cao, có thể làm chị bị tai biến mạch não.

–  Tai biên la sao?

–  Tai biến là  đứt mạch máu trong não, rồi bị liệt, tay chân không cục cựa được, đi đứng không được, nuốt không được, nói không được…

–  Dẫy na?

Tôi dặn tiếp:

–  Chị phải tránh ăn mắm.  Xì dầu, nước mắm chị phải pha thật lạt để chấm rau, chấm bánh tráng…

Bà chị bệnh nhân lại nghiêng đầu cười tươi, chiếc vòng đeo cổ  lấp lánh:

–  Tránh ăn mắm thì  ăn gi, nhà chỉ co mắm thôi mà.

Tôi giật mình.  Thì  ra tôi đã xa rời thực tế.  Tôi đã bài bản qua lời khuyên bệnh nhân.  Câu nói của bà chị làm tôi bế tắc trong suy tư, chẳng biết phải khuyên bà sao nữa về việc tránh ăn mặn để giảm huyết áp.  Có thứ mắm nào ở Bình Định mà không mặn đâu.  Ba tôi cũng đã từng bị mắm nêm làm ngã gục, đau khổ 4 năm trên giường bệnh rồi mới qua đời.  Tôi chợt nhớ đã đọc đâu đó câu nói “Mỗi bệnh nhân là một người thầy”.   

Một bệnh nhân khác của tôi là một đàn ông da sạm nắng, trông còn khỏe mạnh.  Tôi liếc nơi ghi tuổi của bệnh nhân.  Tình cờ tôi thấy tuổi anh bằng tuổi tôi.  Anh trông già hơn tuổi nhiều.  Tôi mỉm cười, đùa với anh:

–  Anh Ba nầy, anh với tui cùng tuổi mà trông anh trẻ hơn tui nhiều.

Anh bệnh nhân cười bẽn lẽn:

–  Đâu co.  Tui già nhiêu chơ.  Bac xi còn trẻ nhiêu chơ…

–  Anh còn đi làm không?

–  Gia rôi ma đi làm gi.

Anh lại cười.  Tôi hỏi thêm:

–  Hồi xưa anh làm nông hay làm gì?

–  Hôi xưa tôi đi lính Mỹ.

Tôi bị bất ngờ:

–  Anh nói lính Mỹ hay lính Ngụy?

–  Lính Mỹ.  Biệt kích đó mà.

Tôi im lặng vài giây, ngắm nghía kỹ người đàn ông người dân tộc.  Tôi biết anh không nói đùa.  Đôi mắt anh mống thịt đã kéo ngang tròng trắng nhưng tròng đen và con ngươi còn rất lanh lợi.  Tôi nói thầm, “Chào anh, người bạn súng gươm ngày nào… Rất hân hạnh được khám bệnh cho anh hôm nay…”   

Tôi khám bệnh cho anh xong tôi xin phép được chụp hình anh.  Anh vui vẻ cho phép, nhìn thẳng vào ống kiếng của tôi.  Một chút xao xuyến dâng lên trong lòng khi được chính mình, sau hơn 30 năm khi chiến tranh chấm dứt, trở lại quê nhà, khám bệnh cho một cựu quân nhân.  Tôi chữa bệnh huyết áp cao cho anh và dặn dò anh nhiều thứ.  Tôi muốn hỏi anh nhiều câu hỏi nữa về đời sống của anh sau chiến tranh nhưng tôi lại im lặng.  Nhiều bệnh nhân đang chờ được khám.  Tôi khuyên anh lần chót sau khi dùng hết một tháng thuốc mà đoàn chúng tôi cung cấp, anh đến bệnh viện huyện xin được chữa trị tiếp hay nếu anh tìm được ít tiền thì dùng cái toa cũ tôi viết đi mua thêm thuốc vì tôi biết bệnh viện ở đây không cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân.  Anh bệnh nhân người dân tộc bắt tay tôi từ giả với nụ cười tươi.  Anh là bệnh nhân duy nhất bắt tay tôi trong bảy ngày tôi và đoàn của tôi khám bệnh ở Bình Định.  Mối thân tình như còn vương vất đâu đây…

Một số bác sĩ chuyên khoa nội thương, chỉ khám bệnh người lớn.  Chúng tôi chuyên khoa gia đình nên khám cả trẻ con lẫn người lớn, đàn bà lẫn đàn ông.   

Một bà mẹ trẻ đưa một em bé gái vào khám.  Em trông khỏe mạnh.  Khuôn mặt thật dễ thương.  Tôi hỏi:

–  Em tên gì, bao nhiêu tuổi?

Em bé trả lời thật đúng giọng tiếng Việt:

–  Em tên là Mai, em 9 tuổi.

–  Em đau bệnh gì nói cho bác sĩ nghe đi.

Em bé liếc nhanh mẹ rồi đáp:

–  Em bị đau đàu, đau bụng.

Em đưa tay chỉ nơi rốn.  Tôi hỏi:

–  Em còn đau gì nữa không?

Em bé quay nhìn mẹ dò hỏi.  Bà mẹ trẻ nhắc:

–  Con kể hết cho bác sĩ nghe đi!

Em bé, hai tay sờ hai đầu gối nói như đọc bài thuộc lòng:

–  Em bị sưng hai đàu gối, đêm nào cũng đau nhức ngủ không được…

Tôi sờ hai gối em:

–  Em đau và sưng hai đầu gối.  Vậy lúc đi học ở trường, em chạy chơi với bạn bè được không?

Em bé ngây thơ đáp nhanh:

–  Dạ được.

–  Em có bà nội hay bà ngoại ở nhà cũng đau đầu gối như em không?

–  Dạ có.

Em bé đáp nhanh và tự nhiên.  Tôi khám em xong biên toa cho em nhiều thuôc bổ như tôi vẫn cho bất cứ em nào tôi khám dù bệnh hay không bệnh.  Tôi cũng biên thuốc giảm đau, giảm sưng và dặn bà mẹ trẻ cách dùng cho cả người lớn và trẻ em.   

Một nữ bệnh nhân khác tóc bạc phơ ngồi vào ghế bệnh nhân.  Tôi chào bà:

–  Chào cụ Năm!  Cụ đau sao cụ nói tui nghe.

Bà cụ thảng thốt:

–  Trời đất quơi!  Sao ông nói được tiếng Diệt?

Bà cụ vừa hỏi vừa đưa hai bàn tay nhăn nheo cầm lấy một bàn tay tôi.

–  Ông học tiếng Diệt hầu nào dậy?

Thì ra bà cụ tưởng lầm tôi là bác sĩ người gốc Mỹ.  Tôi thấy vui vui, tính trêu bà và định nói, “Dạ, tôi học tiếng Diệt từ lúc được hai ba tuổi”  nhưng tôi kịp thời dừng lại, thấy thất lễ với bà nếu đùa như vậy.  Tôi đổi câu trả lời:

–  Thưa cụ, tôi là người Việt chớ không phải người Mỹ.  Tôi là dân Bình Định, dân Tây Sơn, cụ biết Tây Sơn ở đâu không?

Bà cụ còn đang suy nghĩ thì người con gái đi cùng đã trả lời thay:

–  Tây Sơn là Phú Phong đó mẹ.

Cô quay sang tôi:

–  Mẹ thấy bác sĩ cao to, da trắng nên tưởng bác sĩ là người Mỹ.

Tôi mỉm cười:

–  Không sao cô.  Thật ra tôi cũng là người Mỹ gốc Việt.  Đoàn chúng tôi có 60 người từ bên Mỹ về và mấy chục bạn bè ở Việt Nam đi kèm giúp đỡ.  

Tôi ngồi ngắm làn da nhăn nheo trên tay, trên mặt bà cụ.  Sống mũi bà cao, giọng nói vui vẻ, dễ dãi, đầu tóc được cạo ngắn gọn gàng, chiếc áo bà ba gài nút bóp.  Rõ ràng đây là hình ảnh của bà nội tôi trước năm 1975.  Bà nội tôi qua đời khi tôi đang ở trên biên giới Việt-Miên vào năm 1976.  Em tôi kể bà nuối tôi rất lâu trước khi ra đi.  Đêm ấy, trên rừng, tôi vật vã không ngủ được.  Ruột gan nóng như lửa đốt.   
Tôi biên toa trị chứng huyết áp cao cho bà cụ nhưng vẫn băn khoăn không không biết khi bà dùng hết một tháng thuốc mà đoàn chúng tôi cung cấp, tương lai bệnh tật của bà sẽ ra sao.  Bệnh xá huyện, tỉnh có tiếp tục giúp bà có đủ thuốc để chữa trị không?  Các con bà quá nghèo làm sao có tiền để mua thuốc cho bà.   

Tôi xin chụp hình bà cụ.   Bà ngồi ngay ngắn đợi tôi bấm máy xong mới tươi cười:

–  Cảm ơn quý ông dìa đây khám bệnh cho bà con.

Lời cảm ơn chân thành thốt ra từ miệng bà cụ làm tôi chợt xúc động.  Đáng lý tôi phải cảm ơn những bệnh nhân thân yêu đã mang lại cho tôi niềm vui rạt rào được săn sóc họ, nơi nầy, trên quê tôi Bình Định.  

Hôm qua, trong phòng ăn của khách sạn Quy Nhơn, một nữ bác sĩ Việt Nam trẻ từ Mỹ về, đã tâm sự với tôi, “Em ra trường y khoa thì vừa lúc chạy loạn, chưa có cơ hội phục vụ bệnh nhân ở quê nhà, nay được về làm việc chung với quý anh chị, được tận tay săn sóc đồng bào mình, em thấy như giấc mơ của em đang trở thành sự thật…”  Lời tâm sự của người đồng nghiệp trẻ nhẹ nhàng lọt vào tai tôi, chạy thẳng xuống tim.  Tôi ngưng nhai, ngưng nuốt đến mươi giây.  Thì ra không phải chỉ có tôi mơ ước như vậy thôi.

–  Anh may mắn hơn em.  Anh đã có được năm năm để săn sóc bệnh nhân và binh sĩ trước trước khi lên rừng đốn gỗ, trồng khoai… Cho tới cuối năm 1978 anh mới ra đi trên chiếc thuyền con…

Chúng tôi biết, đoàn  thiện nguyện y tế chúng tôi về đây lần nầy cũng chỉ như một cơn mưa rào trên sa mạc khô cằn, cháy bỏng lâu ngày, không đủ để cho hạt bông cỏ nẩy mầm chứ đừng nói đơm bông kết trái.  

Nguyễn Trác Hiếu

(Còn tiếp)

19 BÌNH LUẬN

  1. Xin chào anh Hiêu.Em là Thanh Tùng ,lúc chưa tham gia bài trang web này ,Kim Tiến thường nói rất thích bài “Hai trái ổi”của anh.Quả,làm BS giỏi đã khó,còn diết dzăn thơ giỏi nữa na,Từ đó em dò tìm 2 trái ẩu ,thâu rầu ,em cũng mơ 2 trái ẩu đến quên đường dzờ,tối 2.3g sáng còn loay hoay viết bài.Nhớ giọng nẫu thân thương nên tụi em làm thơ con cóc bằng tiếng nẫu cho đở nhớ (trong bài Quả,Thâu rầu của VCM) ,vừa qua có dịp đi Mũi Né chung với VC BS Vinh,em đã khoe bài 2 trái ẩu .Trời quơi! té ra anh là cùng lớp với BS Vinh.Thiệt na ,đụng hàng nữa.Nhưng Ông ấy lại không dziết được như anh.Cám ơn bài “Một chuến về Bình Định” thật ý nghĩa.TT Đang chờ đọc tiếp,lẹ lẹ dùm

  2. Anh Hiếu ơi! em nghĩ vòng tròn đời của chúng ta sẽ lớn mãi nếu những cánh tay biết nắm lại với nhau. Cảm ơn những tấm lòng!

  3. Anh Hieu oi,
    Anh sap chu that la kheo tay do…Cam on anh da viet lai nhung gi trong chuyen di ve que ky nay..Du co mat va lam viec voi anh trong nhung ngay cuc kho voi nhau, nhung cung khong cam long duoc khi anh nhac den nhung su ngheo kho, dau kho cua dan minh..Du biet rang mot chuyen di ve, khong toi dau nhung em nghi, anh, em, cac ban va nhung nguoi di chung cho chuyen nay, cung deu cam thay vui trong long…hy vong nho nhoi “kien tha lau cung day to” cho mot ngay nao do anh a…

  4. [i]Mong sao đàn kiến tiếp tục tha
    Đừng để tháng ngày lặng lẽ qua
    Sáu mươi năm cuộc đời đâu có mấy
    Đời ta như ánh chớp chiều tà.[/i]

    Nguyễn Trác Hiếu

  5. Anh Hiếu,

    Đọc xong bài viết của anh thấy xúc động quá! Nó giúp tôi nhớ lại từng ngày khi theo đoàn PVN về Bình Định… rồi nhớ, rồi thương và lại buồn!

    Nhớ nhiều đến những bà mẹ lưng còng chống gậy vào khám bệnh, nhớ đến những đôi mắt to trong sáng hồn nhiên nhưng buồn buồn của những em bé còn rụt rè, nhút nhát…

    Thương quá những tình cảm thật chân thật và nồng ấm của những y, bác sĩ trong đoàn, dù không cùng màu da hay quốc tịch, nhưng đã trân trong, nâng niu từng bệnh nhân như người thân của mình…

    Và buồn lắm khi thấy người dân mình vẫn chưa được CQ chăm lo đúng mức đến đời sống và sức khỏe. Nhiều ca bệnh trong bài viết của anh thực ra đâu có ngoài tầm khả năng của các bệnh xá xã hay BV huyện, nhưng phải đợi đến một lần hiếm hoi khi 1 đoàn y tế nước ngoài về thì mới phát hiện ra và điều trị bước đầu???
    Chán!!!

    Anh Hiếu,
    Qua bài viết của anh, tôi thấy mình đồng cảm với anh về nhiều việc; đành tiếc rằng trong thời gian đi chung đoàn tôi đã không có dịp trò chuyên cùng anh, giờ chỉ còn vài dòng comment để chia xẻ cùng anh vậy… chỉ có trong cuối buổi khám bệnh ở Cát Hải, khi đang thu dọn để về lại QN, anh đi ngang qua và đưa cho tôi cái xâu chìa khóa có hình số 1 cùng với lời nói “you’re number one” ( may mà anh chẳng có cái xâu nào có hình số… mười 😆 😆 😆 ); thế thôi, chắc cũng đủ để kết thân tình…

    Chúc anh luôn vui và khỏe để làm được nhiều việc hơn theo ý hướng mà anh đã chọn…

    Chúc.

  6. Anh Chúc thân,
    Cảm ơn lời chia xẻ của anh về bài viết của tôi. Đi về mà anh có thương, có nhớ, có buồn là mừng rồi. (Thương ai, nhớ ai thì tôi không dám hỏi). Tôi nghĩ, ngay cả các bác sĩ gốc Mỹ cũng cảm nhận như chúng ta mà họ không nói ra thôi.
    Quả đất vừa tròn, vừa nhỏ lại, hy vọng ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau. Email của tôi là hieutracnguyenmd@gmail.com Keep in touch! Chúc anh vui mạnh, làm được nhiều điều tốt cho tha nhân.

    Nguyen Trác Hiếu

  7. Sau chuyến đi vừa rồi tự nhiên mình cứ nghĩ ngợi nhiều về những bà mẹ quê : mộc mạc, chân chất, hồn hậu… Nhớ đến một bản nhạc của TCS do Khánh Ly hát trước 1975 mà mình nghĩ là ít có người nghe được… giờ mình post lên đây để chia xẻ với mọi người:
    …[b][i]”…Một bàn cơm ngon trước ghế không người…
    Mẹ bày cho con với nước mắt rơi…
    Gọi hồn con thiêng hãy đến đây ngồi…
    Lòng Mẹ nghe như có tiếng nói cười…”[/i][/b]
    Thương quá những bà mẹ quê!

    Lần đầu mình nhúng nhạc vào lời bàn, không biết các bạn có nghe được không, trong trường hợp không nghe được thì vào link ở dưới để nghe nhé!
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=EVb438KTOM

  8. Chị Th Mến,
    Chị vào cuongde.org mà đọc nguyên bài và xem hình ảnh Một Chuyến Về Bình Định. Tiếc là NTH không đăng nguyên bài. phải viết ra để thấy lòng vơi bớt cảm thương. Ai có về BĐ, có nhìn thấy nguòi dân mình thì cũng sẽ có chung cảm nhận. Tôi vừa tiếc đã quên làm những chuyện phải làm. Cảm ơn chị đã đọc và đã cho biết ý kiến.
    Nguyen Trac Hieu

  9. Một Năm Sau
    Đông Oanh thân,
    Một năm sau, đọc lại bài viết của mình, anh có cảm giác thật lạ: chủ quan quá.

    Tháng 10-11 năm 2010, DC, chị BY và anh định theo giúp đoàn World Health ambassador (WHA) từ Virginia về Tây Nguyên khám bệnh nhưng vì đoàn có điều kiện người thiện nguyện phải có sức mang nặng và đi bộ xa, phải bỏ trọn cho đoàn 2 tuần. Anh lo chị BY lớn tuổi, nhỏ con không kham nổi nên cả 3 người không đi. DC đi Nha Trang, anh và chị BY đi Hawaii. Đi về mới biết là đoàn WHA, vì lý do gì không rõ, đã đổi hướng đi Phan Thiết và Cần Thơ. Chị BY, ham vui, tiếc rẻ đã không được giúp WHA.
    Thôi thì lần khác vậy. ĐO còn đi làm? Tháng 3 nầy có ra Bắc với GNT và Mộng Hằng không? Chúc em vui, mạnh.

  10. RE: Một Chuyến Về Bình Định (11-2009) – phần 2
    Anh Hiếu ơi!
    Thật là vui anh về lại trang nhà! Lâu nay anh đi du lịch, vắng bóng trên cuongde cũng như nthqn, làm tụi em nhớ anh quá xá !!!!
    Em cũng giống như anh lâu lâu đọc lại bài viết của mình thấy có những cảm giác khác lạ hơn so thời điểm mình viết! Tụi em rất thích và trân trọng những gì anh viết vì văn phong anh rất nhẹ nhàng và rất thật nên dễ đi vào lòng người! Còn thơ anh làm thì rất lãng mạn mà lại dí dỏm 😛 ( thưởng em vài đồng bạc cắc nghen! 😳 )
    Dạ, em vẫn làm nghề [i]godautre [/i]( gõ đầu trẻ ) đó anh, nhưng nếu ai không còn trẻ mà có nhu cầu học Anh Văn, em cũng [i]gõ [/i]luôn, hì hì !.
    Tháng ba này nếu sức khỏe ba em vẫn bình thường thì tất nhiên em sẽ đi với Tuyết và Mộng Hằng cùng Project VN. Nhớ lại năm ngoái cùng PVN đi về Quy Nhơn có anh chăm sóc cho đám con gái tụi em bằng những lọ thuốc trị nhức mỏi, vui ghê anh hả? Ước gì kì này có anh và chị Yến tham gia!
    Cho em gởi lời thăm chị Yến! Chúc anh chị vui khỏe trẻ!
    Em Đông Oanh.

  11. RE: Một Chuyến Về Bình Định (11-2009) – phần 2
    Em là triệu phú Việt Nam
    Nhưng anh cũng thưởng vài ngàn đô la
    Biết em tánh thích ăn quà
    Thích son, thích phấn, lượt là làm duyên
    Thích em có nụ cười hiền
    Còn tiếp. Tới giờ anh đi làm. Ngày mai anh chị và nhiều bạn bè thân đi thăm du thuyền Oasis of the Seas 1 tuần. Em vào web Oasisoftheseas xem chiếc du thuyến chở 4-5 ngàn người. Chủ thuyền là Trần Dao Chi. Hì hì. Chúc vui.

  12. RE: Một Chuyến Về Bình Định (11-2009) – phần 2
    [quote name=”Hiếu – USA”] Em vào web Oasisoftheseas xem chiếc du thuyến chở 4-5 ngàn người. Chủ thuyền là Trần Dao Chi. Hì hì.[/quote]
    Anh Hiếu ơi! Em vào trang web Oasisoftheseas này để xem du thuyền chở 4-5 ngàn người mà không được, Trần Dao Chi ơi, giúp với! Hí Hí…

    • RE: RE: Một Chuyến Về Bình Định (11-2009) – phần 2
      Trời ơi, Chi được làm chủ thuyền lúc nào mà không hay. Biết gì mà giúp đây chị Đông Oanh ơi!
      Chúc anh chị Hiếu&BY một tuần trăng mật tuyệt vời

      Dao Chi

  13. royalcarribean
    Cám ơn anh Hiếu!
    Em vào trang web http://www.royalcarribean.com được rồi. Vậy mà lúc đầu em tưởng anh đùa cho vui, vì anh nói Trần Dao Chi là chủ thuyền! Hì Hì!
    Chui cha, Du Thuyền Hoàng Gia Ca-ri-bê này sang trọng và hoành tráng quá hả anh? Anh chị thật hạnh phúc, đi chơi trên thuyền một tuần ( trăng mật )hả? Đã nhen! Hì Hì!
    Chúc anh chị hạnh phúc!
    Em Đông Oanh.

    • Du Ngoạn
      Đông Oanh ui,

      Năm 1970, anh chị từ SG về QN làm đám cưới rồi phải trở lại trường ngay để học thi ra trường, chưa có dịp đi honeymoon. 40 năm tất bật ngoài nầy cũng chưa có dịp thảnh thơi. Chẳng biết tới tuổi nào mới đi honeymoon, 75 chắc?

      Nên email riêng cho anh chuyện riêng tư lẩm cẩm nầy kẻo thiên hạ rầy chết.

      Đỗ Khanh, Texas, vừa rủ em, GNT, MH đi Napa tháng 3-2011 đấy. Đi hông anh gửi thêm bạc cắc?

      Anh Hiếu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả