Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănMắm Quê Hương Và Người Hmong

Mắm Quê Hương Và Người Hmong

Sao tôi lại lấy cái tựa đề là Mắm quê hương và người Hmong, bạn thắc mắc phải không? Bạn hãy chịu khó đọc đến cuối bài nhé, các bạn sẽ không còn thắc mắc vì sao? Đó là một sự liên tưởng kết hợp giữa những người có cùng màu da dù không cùng tiếng nói và văn hoá. Đó là một sự cảm nhận hài hòa giữa những cái bên ngoài và bên trong có chút giống nhau. Nó làm chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn và bây giờ thì tôi hiểu rõ câu nói bất hủ này “Tha hương ngộ cố tri”!

Một hôm đến nhà bạn. Bạn đãi ăn bánh mì với món cá Anchovies. Nhìn mấy lát cá mỏng, nhỏ xíu nằm trong hộp liên tưởng đến hủ mắm cái cá cơm quê mình nhưng khi nhón đôi đũa gắp một miếng bỏ lên miếng bánh mì, ăn thử cảm nhận được mùi vị giống cá chuồn hay cá thu muối mà dân mình thường ăn vào mùa mưa bão. Những món trông nghèo nàn, đơn giản mà bây giờ lại thèm được thuởng thức thì lại trở thành xa xí phẩm nơi đây.

Mùi thơm cá Anchovies dìu dịu thoang thoảng trong căn phòng có hoa tươi và đèn cầy lung linh thật ấm cúng. Nhưng sao tôi như đi tìm một không gian khác, một thời gian xưa. Không gian và thời gian mà ở đó tôi đã từng thưởng thức. Đó là vào mùa nước lụt, mưa gió bão bùng, đường sá lầy lội, ngồi chồm hổm trên giường. Tôi nhớ đến chén cơm có vài con mắm cái nằm khiêm nhường buồn hiu mà một thời tôi không thích mấy nhưng đó là món ăn đặc biệt của gia đình tôi vào những ngày mưa. Hồi đó mà có lát cá thu muối chưng với thịt ba rọi là hạng sang rồi đó. Và giờ đây, tôi biết thêm rằng mọi cảm nhận đều có thể thay đổi theo thời gian, chẳng có gì là vĩnh cữu. Tôi mơ màng với hủ mắm cái ngày nào, cả cái mùi nồng nặc hôi rình ngày còn nhỏ vẫn còn bám theo tôi. Ngày xưa thấy hôi, mỗi lần ăn là mỗi lần bịt mũi mà giờ thì lại nhớ cái mùi nằng nặng này.

Thật vậy, mắm cái của mình nặng mùi nhưng không kém phần hấp dẫn. Cá Anchovies được muối và ngâm trong dầu ô-liu nên mùi không còn nặng nữa. Còn mắm cái của quê mình thì chỉ trộn với muối rồi phơi nắng. Những con cá cơm nằm lộn đầu lộn đuôi trong mấy cái lọ chai chờ ngày chín tới chứ không được xếp ngay ngắn như món cá này. Cả buổi tiệc, tôi chỉ ăn món cá này với bánh mì. Thích quá nên hôm sau ra chợ tìm, mới biết món cá muối này được sản xuất ở nhiều nước, nhập vào từ Ý, Ma Rốc, Tây Ban Nha…. Khi nào thèm cơm nóng với mắm cái là chạy ra chợ mua hủ Anchovies về, bắt nồi cơm, thêm một đĩa dưa leo với vài cọng xà lách là có một bữa ăn tuyệt vời rồi. Hôm nào các bạn thử một vòng chợ, chọn một hủ nhé, các bạn sẽ thấy mình không nói ngoa đâu!

Tôi nhớ có lần bạn bè đến nhà chơi, chơi từ chiều đến nửa đêm mà không ai chịu về. Thức khuya sinh ra đói bụng mà thức ăn lại hết. Tôi lục tìm trong tủ lạnh, thấy một hủ mắm cái thật to nằm xớ rớ trong một góc bên cạnh những hủ mắm cá thu, mắm cá ngừ. Đó là những món quà duy nhất ba mẹ tôi luôn tặng cho tôi khi có ai qua lại nơi này. Tôi nẩy ra ý định nấu một nồi cơm thật lớn cho bạn bè ăn cơm nóng với ba loại mắm quê mùa nhưng quí giá vô cùng của tôi. Vì là nửa đêm, nên bạn bè cầm đèn pin xuống vườn rau nhà tôi, tha hồ cắt, nào là rau thơm, rau húng, ngò, tiá tô, làm một rỗ xanh ươm thật đẹp mắt. Tôi pha ba tô mắm, một tô mắm cái, một tô mắm ngừ, một tô mắm thu với tỏi, ớt, vừa thơm, vừa cay, vừa đẹp mắt, quyến rủ không chịu được. Cả bọn dành nhau ăn, vừa ăn vừa hít hà, vui không thể tả. Nồi cơm trong nháy mắt, được vét không còn một hột. Phải nói đó là buổi tiệc vui nhất và đáng nhớ nhất trong 30 năm xa xứ của tôi.

Tôi nhớ rất rõ, vào mùa cá cơm, tôi cùng mẹ tôi đi xuống Khu Một mua về không biết bao nhiêu là thùng cá cơm. Tôi ngồi trên một chiếc xích lô với những thùng cá chồng chất đến ngập đầu. Mẹ tôi cũng thế. Ba tôi không thích ăn nước mắm mua ngoài chợ nên năm nào chúng tôi cũng phải làm ít nhất là 10 cái thạp nước mắm. Sẵn dịp làm vài lọ mắm cái cho ba tôi. Cho nên bạn bè mỗi lần tới chơi, bịt mũi la trời, còn tôi ngửi mỗi ngày nên quen mùi. Ba tôi mê ăn cơm với mắm cái và cà dĩa. Hồi còn nhỏ tôi không thích, thấy có gì ngon đâu. Mùi nặng nề và lại mặn quá!

Tôi nhớ không biết có đúng không. Cá mua về vẫn còn tươi xanh. Mẹ tôi phải để cho nó xìu xuống, hơi ươn uơn rồi mới bắt đầu đong đo để trộn muối hột vào. Mà ngày xưa sao nhà tôi không biết cái vụ mang găng tay để trộn cá với muối cho đỡ phỏng tay. Mỗi lần trộn cá xong hai bàn tay tôi đỏ hỏn, rát, sưng vù và phải rửa không biết bao nhiêu lần, tay mới bay bớt mùi tanh của cá. Nên đến mùa cá là tôi sợ vô cùng.

Nhưng nỗi sợ này giờ đây là những kỷ niệm êm đềm mà tôi đã từng có với mẹ tôi. Khi qua đây, tôi nhớ đến món mắm cái mà ba tôi từng ưa thích. Bên này không có cá cơm, nhưng có một loại cá tên là smelt fish, nho nhỏ giống cá cơm mình. Tôi mua về cũng bày đặt trộn với muối làm thử mắm cái nhưng kết quả không khả quan lắm. Mùi vị không đậm đà, cá không mềm và đỏ như cá cơm mình.

Hôm bạn bè ghé thăm tôi. Tôi đưa các bạn đi chợ ngoài trời. Ai nấy đều thích thú, bởi chợ này hơi giống chợ ở quê mình nhưng chỉ bán trái cây, rau và bông hoa mà thôi. Từng dãy nhà ngang với những lô đầy rẫy, đủ loại hoa trái trông tươi tốt và hấp dẫn lắm. Những người bán hàng là người Mỹ lẫn lộn với người Hmong, tuyệt nhiên không có ai là người Việt Nam. Tôi cũng không hiểu vì sao người Việt mình không tham dự vào kiểu buôn bán này!

Thành phố tôi ở rất đông người Hmong. Nhóm người này ở trên núi giữa Lào và Việt Nam. Họ thuộc nhóm thiểu số mình gọi là người Mường nhưng họ thuộc phía bên Lào. Họ sống tập trung ở hai thành phố, Saint Paul của Minnesota và Fresno của California. Nghe đâu cả đến 100,000 người ở tiểu bang Minnesota. Họ hiền và rất dễ thương. Họ khó lòng hội nhập vào đời sống mới bởi họ không biết chữ. Chữ viết của họ mới hình thành mấy chục năm trở lại đây. Nghe đâu, một số gia đình khá giả chút đỉnh thì được xuống phố thuộc nước Lào để học tiếng Lào. Tôi liên tưởng đến những người dân tộc của mình, họ xuống học ở những thành phố miền duyên hải bằng tiếng Việt để rồi họ cũng có những thành quả tốt mà đổi đời. Phải chăng điều kiện sống làm con người thay đổi, có khi thay đổi cả một phận người!

Hằng năm chợ này sinh hoạt khoảng chừng 6 tháng, từ tháng 5 đến cuối tháng 10. Nhất là vào hai ngày thứ 7 và chủ Nhật, chợ tấp nập hẳn lên. Mỗi khi ăn bắp nướng thoa bơ ở đây, tôi nhớ đến bắp nướng thoa mở hành quê mình. Nhạc trổi lên khắp nơi, từng góc chợ. Bạn có thể nghe được những tiếng đàn violon, tiếng đàn mandolin hay Accordion réo rắc bên tai. Bạn có thể dừng lại, đứng nhìn những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn. Gương mặt của những nghệ sĩ này đôi khi làm cho tôi hoài nghi về thân phận làm người. Có những khắc khoải, lo âu trong từng nốt nhạc. Thế đấy bạn ạ, nên họ rất quyến rũ tôi và tôi đã không thể nào không đến thăm họ mỗi cuối tuần. Bạn có thể dừng lại tặng chút tiền trong cái hộp đàn họ để dưới đất như một lời cảm ơn. Ánh mắt họ nhìn bạn sẽ theo bạn hết cả chiều dài của ngày, chiều sâu của đêm. Và khi những rỗ ớt đỏ mộng nằm khắp nơi trên những quay hàng là tôi biết chợ sắp đóng cửa. Mùa đông sắp tới và cây trái sẽ chết chờ mùa tới!
Tôi thích đi dạo chợ vào cuối tuần, mua sả về nấu bún bò. Sả họ trồng, củ nhỏ nhưng thơm hơn sả mua trong chợ. Ngò, rau thơm, cải ngọt, cải cay, bí đỏ, bí đao, khổ qua…đều thơm, ngon. Năm nay tôi mua rất nhiều ớt, cất vào tủ đông lạnh vài bì để ăn tươi, phần còn lại tôi xay ra làm tương ớt, cất kỹ ăn cả năm. Một người bạn nhìn thấy những hộp, nào cà chua, cà tím, cà dĩa…phán lên một câu mà nghe xong ai nấy đều thèm thuồng ước gì có được tô mắm cái mà chấm với cà dĩa này thì ngon biết mấy. Tưởng chỉ mình tôi còn nhớ mắm cái quê nhà, đâu ngờ bạn bè cũng một lòng một dạ giống mình!

Đó là những niềm vui nho nhỏ mà tôi bắt gặp được khi hè đến. Mỗi khi tôi nhìn thấy họ, tôi liên tưởng đến đời sống của họ nơi vùng rừng núi trên dãy Trường Sơn, ranh giới thiên nhiên giữa nước Lào và Việt Nam. Phải chăng dù đã đến đây hằng chục năm, hay lâu hơn nữa, nhưng tuổi nhỏ, tuổi lớn lên với nương rẩy đã thấm vào máu thịt của họ. Những luống rau, luống mạ được trồn tỉa trên từng vành đai của đồi núi chập chùng chắc vẫn còn nằm đâu đó trong tâm hồn quá ư là đơn giản của họ. Tôi thích nhìn họ, nhìn cái nét hồn nhiên của họ trong một xã hội phát triển đến chống mặt này. Đôi khi tôi tò mò muốn biết họ nghĩ gì, mong muốn gì trong đời sống họ. Thỉnh thoảng, cuối tuần đi chợ trời (ở đây gọi là Farmer Market) tôi hay bắt chuyện vài câu với họ và biết là họ không nói được tiếng Mỹ nhiều. Họ biết đủ những câu xã giao thông thường như chào hỏi, cảm ơn và những con số để buôn bán mà thôi.

Thật vậy, những lời chào hỏi và lời cảm ơn kèm theo một nụ cười đóng một vai trò không nhỏ trong tương quan giữa con người với con người. Chúng ta có thể không hiểu nhau sâu xa hơn nhưng nụ cười làm ta thấy dễ chịu vô cùng. Một lời nhắn gửi không bằng lời nhưng có thể làm ta vui suốt ngày. Lúc nào họ cũng cười tươi, và nụ cười luôn là câu trả lời của họ khi họ không biết trả lời làm sao. Nụ cười quá ư là mộc mạc của họ cứ theo tôi về đến nhà. Và chính nụ cười của họ đã cho tôi biết rằng nụ cười là một trong những tiếng nói ấm áp nhất mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Vậy thì, nếu có thể, chúng ta nên ráng sử dụng ngôn ngữ hạnh phúc này trong mọi tình huống bạn nhé! Hãy cười khi không biết phải trả lời làm sao! Chắc ai cũng đẹp thêm khi nụ cười ẩn hiện giữa làn môi. Như đóa hoa hồng nở giữa trời mưa bão.

Họ đã đến nơi này và mang theo lòng nhớ núi rừng như tôi nhớ phố biển của tôi. Không biết hai nỗi nhớ này nỗi nhớ nào lớn hơn nỗi nhớ nào? Chắc nỗi nhớ nào cũng nảo nề, quặn thắt giống nhau. Tôi không có dịp tìm hiểu đi sâu vào cộng đồng của họ, những gì tôi viết ra đây chỉ là những cảm nhận và hiểu biết rất riêng của tôi.

Họ thích trồng trọt và rất đơn giản trong suy nghĩ, tôi nghĩ thế. Việc dựng vợ gã chồng cũng rất khác lạ với chúng ta. Người ta gọi là mua vợ, không gọi là cưới vợ. Người con trai có thể đến đưa cho cha mẹ cô con gái hai hay ba nghìn đô hay tùy theo giá mà cha mẹ nhá gái đòi hỏi là có thể mua vợ về. Họ lập gia đình rất sớm, sớm hơn độ tuổi mà luật lệ ở đây cho phép. Đó là những khó khăn giữa hai nền văn hoá, nhưng nhập gia thì tuỳ tục nên sau một thời gian họ cũng phải tuân theo luật pháp nơi họ ở.

Thế hệ con cái của họ lớn lên ở đây là những thông dịch viên cho họ. Chúng lớn lên và hội nhập vào đời sống này dễ dàng hơn họ. Chúng tham gia vào nhiều ngành nghề nhưng mặc nhiên chúng không đi theo con đường khoa học kỹ thuật. Chúng trở thành những bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán và đăc biệt tham gia ứng cử vào các cơ quan hành chánh hay ngành giáo dục. Điều này cho tôi thấy rằng điều kiện tốt cũng là những nhân tố tích cực để cho chúng ta những cơ hội phát triển tương đối đồng đều hơn. Tôi mừng cho họ. Núi rừng của họ đã trở thành một nơi chỉ còn trong ký ức như biển sóng của tôi cũng chỉ còn là kỷ niệm!

Họ cũng ăn Tết, nhưng Tết của họ rơi vào tháng 11 dương lịch. Họ tụ tập ăn uống, vui chơi giống như người Việt mình vậy. Họ thích đá banh và đá cầu lông. Tôi đã có dịp ăn Tết cùng với họ và say sưa xem họ thi đua đá cầu long. Sự nhạy bén và nhuyển nhuần của đôi chân thật đôc đáo. Họ thích ănh thịt và nhất là mở và những bộ lòng heo, lòng bò. Bây giờ, họ hay mở ra nhiều trại nuôi gà và heo. Ai muốn mua gà và heo tươi thì có thể đến thẳng trang trại của họ để chọn và họ sẽ làm tại chỗ và ra thịt từng miếng rất đẹp. May quá nhà tôi không ở gần những trại nuôi gà, heo này chứ mà gần thì chắc phải bán nhà mà lập nghiệp chỗ khác. Thỉng thoảng có việc chạy ngang qua thôi mà đã không chịu nỗi cái mùi vô cùng khó chịu này!

Viết tới đây tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, có anh bạn ở cùng chung cư hỏi tôi có muốn ăn thịt tươi không? Mới qua đây, nên nghe đến thịt tươi thì mừng quá, nên nhận lời chia đôi một con heo với anh. Anh đi mấy tiếng đồng hồ về, gõ cửa và nói vọng vào “phần heo của Tiến đây”. Mừng quá chạy vội ra mở cửa. Trời ạ, nguyên một nửa con heo nằm ngay cửa, chưa chặt ra từng khúc và gói đẹp đẽ như trong chợ, đang nhìn tôi cười nửa miệng làm tôi thất kinh. Tôi nói “Tiến tưởng họ làm như ngoài chợ chứ như vầy làm sao Tiến biết đường mà làm”. Anh cười nhăn nhó thấy bắt tội: “chỗ này họ không chịu ra thịt từng miếng, anh cũng đang rầu thúi ruột đây.” Tôi nhìn nửa con heo đang nằm chơ tôi mà ngao ngán. Dao thì chẳng có cái nào bén tốt, làm sao đây? Vậy mà rồi cái gì cũng qua, con người có thể sống trong mọi tình huống. Sau một buổi đâu cũng vào đó. Tôi liệng mất nửa đấu heo, chân cẳng gì cũng liệng hết, da, mở cũng liệng luôn, nhìn lại thấy còn có xíu thịt nạt. Tính lui tính tới thấy mắc hơn là đi ra chợ thích miếng nào mua món nấy. Tiếc tiền cũng có nhưng chắc vì vật lộn với nửa con heo cả buỗi nên tôi biết chắc một điều rằng tôi sẽ chẳng bao giờ làm cái chuyện điên rồ này nữa. Mà đúng vậy, đó là lần đầu và cũng là lần cuối trong đời. Nhưng dù sao đó cũng là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ của những ngày mới bước chân đến định cư nơi này.

Trở lại món mắm của quê mình, so với ngày xưa, tôi lại thích ăn mắm nhiều hơn, thích thịt có chút mở hơn. Có lạ không? phải chăng những gì của một thời tuổi nhỏ ở quê nhà, một lúc nào đó lại trở về đánh thức trái tim mình hay tại lớn tuổi ăn nạt không thấy mềm, ăn lạt không đậm đà nữa? Không biết vì tôi thấy nó ngon thật hay vì tôi thưởng thức những loại mắm với tất cả lòng nhớ nhung quê hương mà thấy nó thơm, ngon!

Nhưng mà bạn ơi, mới đây bác sĩ bảo phải ăn lạt để huyết áp không lên cao. Thật là những kiêng cử quá ư là khó khăn, khổ sở. Tôi đang băng khoăn lắm. Thèm ăn mắm quá, làm sao đây! Hãy cho tôi một lời khuyên nhé!

Nguyễn Kim Tiến
9 tháng 12 năm 2010

7 BÌNH LUẬN

  1. Re: Mắm quê hương và người H’mong
    Chị cũng giống Tiến là thích ăn mắm. Vừa rồi về Qui Nhơn Tiến có ghé quán Quê Hương ăn các loại mắm như bạn Ngô Thành Hùng không?
    Có lúc chị nghĩ, hay tại mình thích ăn mắm nên tâm hồn khô khan. Nay thấy Tiến thích ăn mắm mà tâm hồn ướt át, đầy tính nghệ thuật, vừa văn, vừa thơ, vừa nhạc…Một chuyện nhỏ Tiến cũng quyện tâm hồn mình vào thành môt câu chuyện thật dễ thương…
    Nếu Tiến thích ăn mắm mà sợ lên huyết áp thì nên ăn kèm tỏi. Tỏi là loại gia vị làm giảm cholesterone và hạ huyết áp rất tốt.
    Người H’mong bên đó có hay mặc quần áo màu đen như bên VN không? Nhìn họ có vẻ bí ẩn và nghe nói họ hay xài bùa chú, Tiến có sợ không ?

  2. RE: Mắm Quê Hương Và Người Hmong
    Chị Hạnh Nhân thân,
    Tiến ghé QN có hai ngày chị ạ nên thi giờ cũng eo hẹp quá không viếng thăm được nhiều nơi để thưởng thức những món ăn mình. Tiện đâu ăn đó cho đỡ đói thôi. :=)
    Chị cũng thích ăn mắm hả, Tiến thích lắm mà giờ phải kiêng cử bớt nên thèm.

    Tiến hay nghĩ ngợi vớ vẫn vậy mà, thích kể lể những gì mình bắt gặp được, cảm nhận được và ở lại trong lòng mình lâu đủ để san sẻ với bạn bè và đó là niềm vui chị ạ.

    Về người Hmong ở đây, họ mặc quần áo giống mọ người ở đây. Họ chỉ mặc quần áo đặc biệt vào những dịp lễ và Tết mà thôi giống như mình mặc áo dài vào những lúc đi ăn đám cưới và Tết đó chị.

    Họ có hai nhóm. Hmong xanh và Hmong trắng khác nhau chút xíu qua y phục truyền thống của họ. Để Tiến xem thử Tiến có chèn hình được vào bài viết này không nghe chị.

    Cảm ơn chị đã vào đọc và chia sẻ với Tiến. KT

  3. người Hmong
    Nhân ơi, mình mới xem cuốn băng Vân Sơn (về Minisota)có nói về phiên chợ của những người này, có món gỏi đu đủ gì đó rất hấp dẫn vì có trộn 1 thứ như mắm của mình vậy. Tiến có ăn thử món này chưa? nhìn mà chảy nước miếng !!

    • RE: người Hmong
      Chị Phượng Hồng à,
      Chị có xem cuộn băng này hả? Có thấy Tiến vỗ tay liên tục không? Tiến được tuyên dương là người vỗ tay lớn nhất, dai nhất trong đêm văn nghệ hôm nọ đó. Đùa với chị chút cho vui nghe.

      Món gỏi này người ta trộn với mắm nêm chị ạ, cũng tỏi, đường, ớt như mình vậy nhưng họ bỏ rất nhiều ớt. Hôm nào chị làm thử chút gỏi này nghe, pha nhiều ớt, tỏi đường với nước mắm nêm rồi trộn với đu đủ bào nhỏ. Vậy đó tha hồ mà hít mà hà đến chảy nước mắt và phỏng miệng luôn.
      Cảm ơn chị đã đọc và chia sẻ với Tiến nghe.KT

  4. Re: Phượng Hồng
    Chị nghĩ đó là món Tầm khuông. Nghĩ đến nó mà thèm chảy nước miếng!!
    Nó gồm có đu đủ, xoài cắt nhỏ,đậu phộng, rau thơm… trộn như gỏi. Nếu là Tầm khuông thì có thêm quả gì có vị chua giống như quả sấu mà có màu đỏ như quả cà. Người ta bỏ vào cái cối bằng đồng giã nghe beng beng rất vui tai. Quả này bên trong có cái hột to đùng( chắc chỉ có trên vùng Tây Bắc). Nhưng cái vị hấp dẫn nhất của nó là vị mắm, một loại mắm gì đó rất thơm…Hà, hà, chị nghĩ ra rồi, đó là mắm Ba khía.
    Nhỏ Phượng Hồng muốn làm thử không, hôm nào mình làm thử nha?

  5. RE: Mắm Quê Hương Và Người Hmong
    Nhỏ Tiến Ròm! Mi có biệt tài là nhìn vào cái gì cũng có chiện để viết. Từ đó chảy tuôn ra cơ man nào là chuyện, tình cảm cũng từ đó mà tuôn ra. Làm cho ai cũng bị cuốn hút theo chuyện mi khơi mào. Thứ mắm mà chị Hạnh Nhân tả người Lào cũng có, y chang luôn. Mới nhìn thì không thấy hấp dẫn lắm vì cũng giống như mắm đu đủ của mình làm bằng mắm cái trộn với đu đủ vằm trộn tỏi ớt. Nhưng món mắm này nhiều thứ trộn lẫn với nhau. Cay ơi là cay. Càng ăn càng ghiền. Ăn chừng nào miệng cay xè, còn nước mắt nước mũi chảy thò lò. Mặt thì đỏ kè , hít hà, hít hà mãikhông thôi. Vậy mà cũng cứ muốn ăn nữa.
    Tiến À! Mình thắc mắc là người H’ Mông qua bên đó theo diện gì. Họ đi như thế nào. Và vì sao họ được ở cùng nhau với số lượng lớn như vậy?

    • RE: RE: Mắm Quê Hương Và Người Hmong
      Lan ơi,
      Chắc chị Hạnh Nhân nói đúng đó, người ta có bỏ mắm ba khía vào để có độ chua. Món này người Lào và Hmong ở đây hay ăn lắm. Tiến cũng có thưởng thức rồi, đậm đà, cay xè, nước mắt nước mũi tèm lem…Nhưng bây giờ không dám ăn nữa, ăn vào có nước áp huết lên đến 300 lấy đâu mà còn ngồi tán dóc với mi đây! :=)

      À, họ qua đây theo diện tị nạn Lan ạ. Họ vượt biên qua Thái Lan và từ đó ra đi. Tiểu bang Tiến ở là tiểu bang đón nhận đỡ đầu bước đầu ho lập nghiệp ở đây, cũng như tiểu bang California là tiểu bang đón nhận đỡ đầu người Việt mình vậy.

      Tiến đang muốn chèn vài tấm hình cái chợ trời toàn người Hmong bán rau quả gần nhà Tiến mà Tiến chưa làm được. Chờ nghe. KT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả