Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Làm Cô Giáo

Hôm nay, thay vì nhắc đến kỷ niệm của tôi với thầy cô giáo, tôi xin chia sẻ với các bạn những niềm vui mà tôi cảm nhận được từ học trò của tôi hay nói cho oai là tôi muốn chia sẻ cuộc đời làm cô giáo của tôi. Nói là cuộc đời làm cô giáo cho hấp dẫn vậy thôi chứ nó ngắn ngủn, chỉ mới được có vài tháng thôi. Nhân đây tôi xin cảm ơn mười hai em học trò đầu tiên trong đời của tôi. Các em đã cho tôi những ngày tháng đẹp, thật đẹp!



Học trò lớp 2C trường Việt Ngữ chùa Phật Ân niên khoá 2011-2012

Cách đây 30 năm tôi đã từ bỏ…..và sau 30 năm tôi tình nguyện làm cô giáo không lương!

Đã mười năm nay, sáng chủ nhật nào tôi cũng chở con lên chùa cho con có thêm bạn Việt Nam và học thêm tiếng Việt, rồi ngồi chờ đợi hai tiếng rưởi đồng hồ chở con về. Mưa gió, bão, tuyết gì cũng đi. Có hôm bỏ con xuống, ghé vào tiệm sách ngồi đọc hết quyển này đến quyển kia chờ giờ đón con về. Có hôm đi chợ….Có hôm bạn bè ngồi nói chuyện với nhau hay rủ nhau đi bộ…Thế đấy, mà mười năm đã qua có khi nào tôi nghĩ đến việc tham gia dạy học đâu. Vậy mà bỗng dưng năm rồi tôi có ý nghĩ muốn làm cô giáo…

Thật ra, năm nào văn nghệ Tết, hay tổ chức phát phần thương, cắm trại cho mấy em, tôi cũng đều tham gia tích cực…tham gia vòng ngoài như dọn dẹp bàn ghế, quét nhà, chùi phòng vệ sinh trước khi trả lại…hay phụ nấu nướng chút đỉnh chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện làm cô giáo.

Hè rồi, khi ở lại dọn dẹp rác rưới, làm những việc linh tinh khác sau một ngày trại hè với các em, tôi nói với thầy hiệu trưởng “năm tới, nếu thiếu thầy cô hay cần gì thì cho chị và chị T. biết nghen!” Chỉ vậy thôi rồi ra về!

Gần đến ngày khai giảng mà tôi và bạn tôi không nhận được gì từ thầy hiệu trưởng, tôi và bạn tôi nghĩ chắc trường đã đủ thầy cô giáo hay chúng tôi không đủ tiêu chuẩn để được chọn. Vậy mà trước ngày khai giảng chừng một tuần, bất ngờ nhận được email thầy hiệu trưởng hỏi “Trường cần thêm cô giáo, chị và chị T bạn chị giúp tụi em được không? Nếu được thì chị cho em biết để em lo liệu…” Đọc email xong, chẳng do dự lấy phút giây nào, lòng rộn ràng vui, tôi trả lời ngay “Chị sẽ giúp em“. Đơn giản vậy thôi!

Ngày khai giảng là ngày 2 tháng 10. Đó là ngày đầu tiên tôi đi dạy. Một cảm giác thật lạ lùng len lõi trong tôi. Thật ra tôi cũng đã từng sắp là cô giáo…sắp thôi vì sau khi thi tốt nghiệp, tôi quyết định ra đi!

Qua đây, tôi đổi nghề không tiếp tục học lại để trở thành cô giáo. Tiếng Mỹ không rành nên tôi chuyển qua học ngành gì liên quan đến mấy con số. May quá, tôi hạp với cộng trừ nhân chia nên không mong ước mà cuối cùng tôi lại làm việc với bê tông cốt sắt. Ngày nào cũng tính toán trộn bao nhiêu cát, bao nhiêu sạn, bao nhiêu xi măng và nhiều thứ linh tinh khác… trộn làm sao mà chất lượng không xuống mà hãng có lời. Nói thì dễ mà bắt tay vào làm thì không dễ chút nào. Công việc nào cũng có những khó khăn riêng! Thắm thoát mà đã gần 25 năm rồi, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về.

Ngày khai trường, học sinh tập trung tại một nơi để được thầy cô giáo hướng dẫn vào lớp. Lớp tôi là lớp 2C. Tôi cầm tờ danh sách học sinh trong tay, giơ cao lên và lớn tiếng rao “lớp 2 C, lớp 2C tập họp ở đây“, tức thì có một em đến gần tôi. Tôi hỏi “con tên gì“. Em nhìn tôi cười cười, tôi hỏi lần nữa Vậy chứ con tên gì?” Lần này em trả lời “Dạ, con tên L, con là TA (Teacher Asssistant) cho lớp 2 C”. Mới ngày đầu tiên mà tôi đã có một trận cười giòn tan rồi. Tôi quê quá, xin lỗi ríu rít L. Vì ở đây cũng có nhiều em lớn như L là học trò.

Tôi cứ cầm tờ giấy ấy giơ cao lên, quơ qua quơ lại, đi lui đi tới và rao như mấy bà đi bán hột vịt lộn vào ban đêm rao hồi còn ở quê mình vậy đó. Cuối cùng 12 em cũng có mặt đầy đủ và tôi dẫn các em về phòng học. Lớp học ở đây không có bục cao dành cho thầy cô giáo như hồi xưa ở quê mình. Điều này làm tôi cảm thấy gần với các em hơn, hay tại lớp ít học trò? Bên mình chắc đông quá, thầy cô cần đứng trên cao để nhìn xuống cả lớp mà dễ kiểm soát hơn chăng? Và cũng chính vì thế mà tôi luôn cảm thấy có một khoảng cách quá lớn giữa thầy trò ngày xưa chăng? Hay tại vì….nhiều lẽ khác mà tôi không thể biết!

Mặc dù em L. là TA nhưng em đã làm TA nhiều năm nên em biết cách dạy như thế nào nên em dạy giờ đầu tiên. Cô bạn và tôi chỉ ngồi dự giờ để biết khái niệm dạy làm sao. L. giới thiệu bạn tôi và tôi là cô giáo mới cho các em. Lần lượt, bạn tôi và tôi cùng mười hai em giới thiệu tên cho nhau. Có em có tên Việt, có em tên Mỹ. Tên Việt thì tôi nhớ ngay, tên Mỹ thì tôi chịu thua, nên tôi ráng cố gắng tưởng tượng cái tên Mỹ giống giống với tên Việt nào đó để giúp tôi nhớ và tôi ngồi quan sát, ngắm nghía từng khuôn mặt, trong lòng rộn ràng khó tả. Tôi thấy em nào cũng dễ thương, và tôi mơ màng nhớ về cái thời xa xưa của mình.

Tôi nhớ hồi sắp ra trường, tôi đi thực tập dạy ở trường Nguyễn An Ninh nằm ở Quận 5 thì phải! Lâu quá rồi tôi không còn nhớ chính xác tên họ của thầy đở đầu tôi. Hình như thầy tên Tây. Trông thầy to con và đẹp người. Lúc nào thầy cũng tốt với các cô giáo tương lai. Thầy hướng dẫn tôi thử vào vai giáo viên chủ nhiệm. Thầy cho tôi chọn một em để tôi thực tập cách tiếp cận với em, cách tìm hiểu vì sao em học yếu, hay vì sao em hay đi học trễ, vì sao em ít khi thuộc bài…

Thế là tôi tìm đến nhà em, gặp gỡ riêng em, gặp gỡ ba mẹ em. Em ở trong khu Chợ Lớn, hẽm ngõ chằng chịt, tìm nhà cũng không phải dễ. Tôi nhớ một buổi tối nọ, tôi đạp chiếc xe đạp cà rịch cà tang của tôi đi tìm nhà em. Tôi len lỏi trong mấy con hẽm nhỏ, bẻ cong quẹo như những khủy tay. Ban đêm một mình đi đến chỗ lạ, lòng cũng rất là lo sợ. Tôi bấm bụng đi, lòng dặn lòng là không có gì phải sợ, người xấu ít hơn người tốt! Đúng vậy, bao nhiêu người đã giúp đỡ tôi, cuối cùng tôi cũng kiếm ra nhà em.

Thế nhưng tôi chỉ gặp được mẹ em thôi. Hỏi em ở đâu, mẹ em nói “tối nào em cũng đi theo xe bán mì gõ, phụ với ba đến khuya mới về”. Tôi bắt đầu tra hỏi tôi, có công bằng khi chưa biết hoàn cảnh của em mà đã vội nghĩ là em lười biếng, ham chơi chẳng chịu học hành. Tôi thấy mình hồ đồ quá! Lúc ấy tôi mới nghĩ hèn nào em học yếu, hèn nào em hay đi học trễ….Tôi ngồi chờ gặp em….và em về thật khuya, trông em thật mệt mỏi. Ánh mắt em khi chạm phải ánh mắt tôi…tôi thì muốn khóc…còn em thì rụt rè, lo sợ…

Đó là một trong những kỷ niệm thời thực tập làm cô giáo của tôi cách đây hơn 30 năm. Chính kỷ niệm này đã nhắc nhở tôi cố gắng đừng phán xét vội vàng ai khi chưa biết rõ vấn đề. Đằng sau những gì mình thấy, mình nghe, mình cảm nhận là cả một chuỗi những sự kiện có khi đến nao lòng!

Tôi đã ngồi nói chuyện với mẹ em nhưng thời ấy, tôi còn trẻ quá, chưa làm mẹ, chưa biết nỗi lo, nỗi buồn của phận làm mẹ nên có lẽ tôi đã không thấu hiểu được nhiều nỗi lòng của mẹ em. Tôi chỉ biết lắng nghe và im lặng…Thời đó tôi còn quá trẻ nên chưa biết làm thế nào để giúp em hiệu quả hơn, nhưng đúng là từ buổi tối ấy, mỗi khi vào lớp, tôi để ý đến em hơn, gần gủi em hơn. Tôi và em bắt đầu có những sợi dây buộc vào nhau thì cũng là lúc tôi nói lời chia tay với em. Rồi tôi ra trường và vượt biên ít lâu sau đó. Em và tôi đã mất dấu nhau!

Bây giờ, sau 30 năm, tôi lại làm cô giáo. Hình ảnh của em lại hiện về thật ngọt ngào và cũng ngậm ngùi trong tôi. Hể mỗi khi vào lớp, tôi lại nhớ tới em. Nhớ thật nhiều và cứ tự hỏi cuộc đời của em hiện giờ ra sao? Ôi, thật lòng là tôi mong em hạnh phúc và no đầy! Thật lòng tôi muốn con của em có đủ điều kiện hơn, có nhiều thì giờ hơn để học hành, để vui chơi!

Ngày xưa, tôi thực tập dạy tiếng thiên hạ, còn bây giờ tôi dạy tiếng Việt, tiếng mẹ đẽ của tôi nên dễ hơn nhiều. Không hồi hộp, không lo sợ, không phải ráng tìm chữ để ráp thành câu. Tôi tha hồ nói mà không sợ các em phàn nàn sao cô nói giọng gì mà em không hiểu. Và ngày xưa, mỗi khi thực tập làm cô giáo, có thầy cô dự giờ, chấm điểm, tôi run lập cập, nói ấp a ấp úng, căng thẳng vô cùng còn bây giờ tôi nói thao thao bất tuyệt. Nhiều khi cũng giật mình vì nói nhanh và nhiều như thế thì các em làm sao mà hiểu được. Thế là tôi cứ phải tự điều chỉnh trở lại. Mỗi khi thấy các em ngẩn tó tè, tôi phải lập lại bằng tiếng Mỹ để các em hiểu thêm. Mỗi lần được nghe tiếng Mỹ, tôi có thể thấy gương mặt của các em lại rạng rỡ hơn nhiều. Các em cũng sửa tiếng Mỹ của tôi hoài, tôi chỉ biết cười trừ và hình như các em cũng thích thú khi làm điều đó với tôi. Mười hai cái miệng cứ tủm tỉm cười khi tôi phát âm sai. Thật vậy, các em đã làm tôi nhớ thời đi học của tôi. Tôi cũng đã từng đau khổ vì không hiểu ông thầy nói gì, cũng mở tròn đôi mắt nhìn ông, cũng toát mồ hôi khi phải thuyết trình bằng tiếng Mỹ. Bây giờ cũng vậy thôi. Sau 30 năm, đứng thuyết trình trước đồng nghiệp cũng có nói ra chữ đâu! Nhưng mà hình như ít run hơn!

Mỗi tuần, vào sáng chủ nhật, các em học từ 10:10 sáng đến 12:20 trưa. Chỉ có hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi nên các em cũng không học được gì nhiều nhưng phải nói là các em đã cùng tôi học hành và trao đổi với nhau thật vui. Mỗi khi các em đọc hay viết không có dấu hay bỏ dấu không đúng, thấy thương nhưng có khi không nhịn cười được, lại nghĩ khi mình nói tiếng Mỹ, chắc các em cũng thấy thương và cười mình vậy! Dù đã ở đây đến 30 năm, nhưng tôi phát âm nhiều chữ nghe còn ngọng nghịu quá chừng! Tôi nghĩ có thêm 20 năm hay 30 năm nữa, chắc cũng vậy thôi. Không chừng lúc đó chỉ còn biết nói tiếng Việt, mà sẽ là một thứ tiếng Việt thiếu trước hụt sau!

Có đi dạy mới hiểu thêm về nỗi khó khăn của thầy cô giáo. Không may gặp phải các em có tính cá biệt, hay học yếu, lòng sẽ buồn, lo lắng mà đôi khi không biết làm sao mà giúp. Tôi chỉ dạy cho vui thôi mà đêm về cứ trăn trở mãi, suy nghĩ làm cách nào để các em biết cách ráp vần, chỉ cần các em biết “sound” đúng là các em có thể hiểu vì hầu như các em biết nói và nghe hiểu chút chút tiếng Việt. Vậy mà chưa tìm ra được cách nào có hiệu quả cao!

Hôm thi giữa khóa, cô bạn T và tôi đi vòng vòng xem thử có em nào cần giúp đỡ thêm thì giúp. S là học trò yếu nhất lớp. Tôi nghĩ có lẽ em chậm phát triển. Em không có khái niệm nào về ráp vần và em nói không rõ chữ. T. giúp em một lát, T. thấy không thể giúp gì hơn, thế là T. nói với em S. “phần nào con làm được thì làm còn không thì thôi. Nếu con thích, ở trang cuối, con phải vẽ con cua và vẽ cái ngà voi, vẽ đẹp cũng có điểm vậy“. T và tôi thấy em ngồi yên say sưa vẽ, chúng tôi không để ý mấy. Lúc hết giờ chúng tôi đi thu bài. Một niềm vui bất ngờ mọc cánh trong tôi! Hai tấm hình em vẽ bằng bút chì quá đẹp, đẹp đến nổi mà hai chúng tôi phải trố mắt nhìn nhau. T. nói “mình nghĩ là S. chắc phải có một cái tài gì đó chứ không thể không có gì cả!”.

Em vẽ như một họa sĩ lành nghề vẽ vậy! Những cái chân cua nhỏ xíu đã được em chi tiết đậm nhạc từng khúc. Đôi mắt thì lồi ra tròn đen thật sống động. Hai cái càng bự nằm như đang thách đố. Cái mu cua trông thật cứng cáp….Rồi đến tấm hình vẽ cái ngà voi, không đơn giản như các bạn, là vẽ chỉ cái ngà voi, em vẽ nguyên cái đầu con voi. Cặp ngà thật đẹp với cái vòi voi cuộn tròn. Vươn lên từ cái vòi voi là một cành hoa hồng rất đẹp. Và ánh mắt u buồn của chú voi, cái tai dài thòng xuống trong thểu não làm sao! Tất cả cảm nhận này đến từ cái tài đậm nhạt bằng những đường đánh bóng bút chì của em. Té ra hai giờ đồng hồ, em chỉ miệt mài vẽ con cua và một phần thân thể của con voi! Người ta hay nói “có tật, có tài”, có lẽ là đây chăng?

Trình độ học của các em đa dạng lắm, có em nói nghe hiểu tốt nhưng không có khả năng viết và đọc. Có em không nói, không nghe được nhưng lại biết cách đọc và viết. Nhưng nhìn chung ít có em nào chịu về nhà làm bài thêm. Một hôm, tôi bèn tâm lý chiến với mấy em. Tôi hỏi “các em thương và nghĩ đến ba mẹ, có phải các em học hành đàng hoàng phải không?” Cả lớp nhao nhao “đúng rồi đó cô“. “À, thế thì từ rày về sau hãy nghĩ tới cô chút xíu thôi nghen, nghĩ tới cô chừng 1% hay 2 % gì cũng được thì các em sẽ nhớ làm bài mà làm tốt nữa đó”…Cả lớp cười khoái chí! Có em giơ tay lên nói “1% hay 2% ít quá, thôi nghĩ tới cô 5% hay 10% nghen”. Có em đòi 20% hay 30 %….Tôi cười và nói ” 20% hay 30% nhiều quá, 1% hay 2% là đủ rồi“. Bất ngờ có em giơ tay lên giải thích, “nếu cô nghĩ tới em và em nghĩ tới cô thì sẽ là 50 % và 50 % chứ“….Thật là những suy nghĩ quá dễ thương. Cũng có hôm chúng tôi rầy các em vì các em không chịu theo dõi bài vở, đầu óc để đâu đâu, tưởng các em giận mình không thèm nói chuyện với mình nữa chứ, ai ngờ khi ra về, các em cũng đến sát bên vòng tay cuối đầu “thưa cô con về“… Thật bất ngờ và cảm động…cái mũi tôi cay cay! Chưa chi mà tôi đã nghĩ oan cho các em rồi! Tôi thiệt là không phải chút nào.

Vì chùa đang trong thời gian xây cất nên trường phải mướn tạm trường học gần đó. Cũng có vài bất lợi mà cũng có nhiều tiện lợi. Mỗi lớp được mỗi phòng, cô giáo thầy giáo không phải la hét khan cổ như lúc ở bên chùa. Ở bên chùa, chỉ có một phòng thật lớn, chia thành 16 lớp nên lớp bên này ồn thì lớp bên kia phải la lớn hơn học trò mới nghe. Hai tiếng rưởi đồng hồ dạy bên chùa cái cuống họng muốn rát luôn. Nhưng bù lại bên chùa, các em được ăn dặm vào giờ ra chơi, đầu giờ các em có vài phút cầu nguyện ở chánh điện. Các em đọc “Nam mô A Di Đà Phật” ngọng nghịu thấy thương.

Ở chỗ mướn tạm, chúng tôi không sử dụng được hệ thống chuông reng giờ ra chơi, ra về. Thế là tôi hay quên giờ ra chơi, giờ về. Trong lớp có một em chuyên môn canh giờ ra chơi và ra về. Có nhiều khi mới vào học có chút xíu, em đã giơ tay lên hỏi “tới giờ ra chơi chưa cô“…Có lần tôi bực mình và nói “chừng nào cô muốn cho ra chơi cô cho không được hỏi nữa, nghe chưa?“. Cái mặt em tiu nghĩu thấy thương…Giờ ra chơi là giờ các em thích thú nhất, các em tung tăng nhảy, quên giờ vào lớp. Tôi cứ phải đi kiếm từng em…Rồi mới đây, em hỏi “chừng nào nghỉ hè hả cô“… “Trời đất, chưa thi kỳ hai, chưa thi cuối khóa mà đã nghĩ tới chuyện nghỉ hè rồi, thiệt tình!“, tôi nói với cả lớp bằng cái giọng răn đe. Cả lớp thở dài, xiệu lơ như bong bóng xì hơi, nghe não ruột làm sao!

Đó là những niềm vui mà tôi nhận được trong mấy tháng vừa qua. Niên học cũng sắp hết rồi, lòng bắt đầu thấy buồn buồn. Có em, vào những ngày đầu chưa quen biết, đã rụt rè, căng thẳng và ít nói, mặt lúc nào cũng buồn hiu, mà giờ đây, mỗi khi vào lớp, tôi thấy em vui cười cùng bạn và cả với tôi, lòng tôi thật sự vui, vui lắm. Hằng tuần, cứ mong đến ngày Chủ nhật để được gặp các em, những khuôn mặt thật quá dễ thương. Có những khuôn mặt rạng rỡ, có những khuôn mặt man mác buồn, có những nụ cười lém lĩnh, có những ánh mắt giận hờn vì bị quở phạt, chúng xen kẻ nhau để đêm về trong tôi là những nghĩ suy. Không biết rồi đây, khi các em bước vào đời, sẽ được gì? sẽ mất gì? những câu hỏi bâng quơ…

Dù thế nào thì tôi cũng muốn nói lời cảm ơn mười hai em học trò của tôi. Các em đã cho tôi những ngày tháng thật vui và hạnh phúc.

Sau 30 năm cơm áo gạo tiền, bây giờ tôi lại trở về với nghề làm cô giáo. Tôi tin vào chữ DUYÊN. Tôi tin vào định mệnh…

Nguyễn Kim Tiến
28 tháng 3 năm 2012

17 BÌNH LUẬN

  1. RE: Làm Cô Giáo
    Chị Diệp Hà ơi,
    Chấm bài vào sổ điểm xong phải nộp lại cho ban giám hiệu nên chưa kịp chụp hai bức vẽ, cũng tiếc hùi hụi đó. Tiến không hiểu vì sao không phát bài lại cho học sinh. Chắc sợ “đề thi bị lộ” cho năm tới chăng? 😉 Đi dạy vui lắm chị ạ. Khó ở chỗ là phải có mặt hằng tuần, mưa gió bão tuyết gì cũng không trốn được. Nói thế chứ không lên gặp mấy em cũng nhớ lắm đó. Giữa tháng 9 này là khai giảng đó…Chắc là sẽ có một năm vui thật là vui nữa đó. Có chuyện gì vui với mấy em, sẽ kể cho bạn bè nghe cho vui. Cảm ơn chị đã vào đọc. Vắng nhà gì mà lâu quá chừng! KT

  2. RE: Làm Cô Giáo
    Vậy là Kim Tiến cũng có duyên với nghề giáo rồi vì đã trở lại với nghề sau 30 năm bỏ quên. Phần TT đã gắn bó với nghề được 36 năm rồi.Vững bền quá hả? Cuộc đời nhà giáo kể ra cũng vui nhưng mà vui ít, buồn khổ nhiều hơn Tiến ơi, nhất là ở thời điểm bây giờ: HS yếu kém nhiều, vô lễ cũng nhiều nên làm thầy cũng thêm phần chán nản, chỉ muốn được về hưu sớm thôi!

    • RE: RE: Làm Cô Giáo
      Mong là anh cũng có những phút giây vui bên các em dù bên cạnh đó cũng có rất nhiều khó khăn. Nghề của anh là nghề nghiệp mà! Còn Tiến chỉ là tình nguyện viên thôi nên không phải theo nhiều luật lệ và thế là vui…vui cùng các em. Nói thế chứ, thấy các em đánh vần không ra, nói không rõ chữ đêm về cũng suy tư lắm, mong tìm ra cách gì khác để giúp các em thêm…Và cũng có nhiều em đâu có chịu học, cũng rầu lắm đó.
      Như kỳ thi cuối khóa, có em ngồi đếm trang xong ụp bài lại ngồi nhìn trời mây, mình hỏi “sao con không làm bài”, em trả lời gọn bưng “dạ má con nói con ở lại cũng được, không sao?” Có em hỏi “cô ơi, sao nhiều trang quá, cô cho mang về nhà làm nghen?” Rồi đang thi có em hỏi “cô ơi, sao không thấy cô cho tụi con ra chơi?”. Đó anh thấy có vui không? KT

  3. RE: Làm Cô Giáo
    Tiến kể chuyện đi dạy thiệt dễ thương làm Gà Ri cũng nhớ tới mấy nhỏ học trò lớp hai ngày xưa của Gà Ri quá !

    • RE: RE: Làm Cô Giáo
      Gà Ri ơi, chắc Gà Ri ăn nhiều quá cái diều nó căng ra quá chứ gì? 😉 Nhớ kể cho bạn bè nghe những chuyện vui với học trò đi. Tiến vui nhất là mỗi khi chấm bài…Các em bỏ dấu lung tung đọc mắc cười muốn chết luôn. Có em bỏ luôn hai dấu cho chắc ăn, phiá trên dấu hỏi hoặc ngã phiá dưới thêm dấu nặng nữa! 🙂 KT

  4. RE: Làm Cô Giáo
    Có những thứ không hẳn là nghề nhưng lại làm thành nghiệp, nó ở sẵn trong người một cách hiển nhiên như bài viết của Kim Tiến. Chúc KT luôn vui và hạnh phúc với cái duyên, cái nghiệp mình đang mang nhe.

    • RE: RE: Làm Cô Giáo
      Anh Hải nói làm Tiến mới liên tưởng đến chữ Nghiệp của đạo Phật. Tiến vui lắm vì làm chơi mà chứ không làm thiệt. Lớp Tiến tổng cộng 12 em mà lên lớp được có 3 em. Kiểu này mà dạy thiệt ở bên nhà là không đạt thành tích rồi. Bị đuổi việc là chắc đó anh Hải ơi. Còn về chữ Nghiệp, điệu này là phải cầu cứu hai anh HNN và anh BGSG giải thích thêm. Cảm ơn anh Hải và cảm ơn trước hai anh HNN và anh BGSG nghen. KT

  5. Làm Cô Giáo
    Nhỏ này ỷ làm cô giáo của học trò lớn nên răn đe học trò hé. Như TT thì răn đe sao được hở cô giáo Tiến…
    Kim Tiến ơi! Nghề giáo là cái nghề dễ thương nhất vì đối tượng của mình là những tâm hồn trong sáng ngây thơ phải không nhỏ. Chúc nhỏ vui với niềm vui của mình.

    • RE: Làm Cô Giáo
      Chắc nhỏ cũng có nhiều niềm vui lắm đó, ráng nhớ chuyện gì vui với học trò kể cho bạn bè nghe với! Ừ, nhiều lúc có một mình, đang giảng bài thao thao bất tuyệt, nhìn xuống thấy, đưá thì ngồi vẽ, đứa thì nhìn trời nhìn đất , ngó mông lung…trời ơi là bực…bực ghê lắm đó nên trong lớp khi nào cũng có hai người để theo kèm tụi nhỏ…
      Nói gì thì nói vẫn thấy vui quá chừng!KT

  6. RE: Làm Cô Giáo
    Đọc bài của Tiến chị nhớ lúc chị qua Sydney có đi cùng em gái đến trường dạy trẻ em tiếng Việt mỗi cuối tuần. Chị cũng giúp em gái vẽ những hình trong bài giảng. Khi em chị cho học trò làm luận, các em đã viết như thế này:
    “Nhà em có nuôi một ông nội…”
    Hay
    “Nhà em có một con mèo mà em rất thích. Lúc rảnh em đè nó ra mà sơn đủ màu lên mình nó”… v.v…
    Gần gũi với trẻ em rất vui, nhưng không phải dễ, vì các em như những tờ giấy trắng tinh khôi, một chữ đi vào đầu óc bé bỏng ấy cũng phải để ý. Cô giáo là hình ảnh thần tượng, là nàng tiên của các em, không thua gì mẹ đâu!
    Cảm ơn Tiến đã chia xẻ với bạn bè những phút giây được làm cô giáo ở đây.

    • RE: RE: Làm Cô Giáo
      Chị Tâm ơi, mỗi khi chấm bài Tiến cười muốn chết luôn. Các em bỏ dấu lung tung nên đọc ra là : “[i]Một lần thoi mẹ cán cha. Cho trọng chú Hiếu mới là đạo con”[/i]
      Đó, vậy mà sao không cười cho được hả chị Tâm! KT

      • RE: RE: RE: Làm Cô Giáo
        … hey … cười một mình thôi … no disclosure cô giáo ơi … by the way, ai có hình đền Voi Ré hay ai còn ở Huế chụp cho cái hình đền Voi Ré rồi hà kể chuyện ngọc voi cho nghe … không xài hình Google đặng câu giờ một chút thôi … vái trời kho ảnh của Diệu Tâm không có hình này …

        dh

  7. RE: Làm Cô Giáo
    Hihi … yên tâm Diệp Hà ơi, khỏi vái trời, hình đền voi Ré mình không có đâu, chịu khó search Google đi bạn ơi 😆
    Còn muốn không xài hình Goggle thì chờ nhé, lần sau có đi Huế mình dến chụp cho mà xem. Bây giờ kể trước chuyện ngọc voi đi. Anh Google đã có kể chuyện voi … ré rồi, chưa có ngọc 😛
    ps: Hà muốn coi hình Voi và Cua không?

    • RE: RE: Làm Cô Giáo
      [QUOTE]… hình Voi và Cua …[/QUOTE]
      Trời! Có sẵn hình thì post liền mới là phải phải chớ! … ngọc voi thì phải chờ hình của NTH đã … chuyện thiệt người thiệt nhen … voi thiệt thì đã có “Đền” làm chứng …

  8. RE: Làm Cô Giáo
    Diệp Hà ơi, đùa chút cho vui thôi chứ hình Voi & Cua là “tác phẩm” của học trò Kim Tiến làm sao mình có được? Tất nhiên là Diệp Hà đâu muốn xem hình Voi trong .. sở thú? ( hi hi hình Voi ở sở thú thì mình có )! 😛
    Tò mò muốn nghe chuyện “ngọc voi” ghê nghen. Không lẽ bây giờ mình lội ra Huế để chụp hình đền Voi Ré rồi Hà mới chịu kể? Nhìn hình cái đền thấy “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” lắm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả