Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Lạc Dấu Chân Quen

Tôi có một anh bạn thân. Chà nghe hơi kỳ kỳ phải không? Thiên hạ thường không tin vào tình bạn này. Làm sao có giữa nam với nữ? Cái tình bạn này nó lạ lùng lắm. Hồi tuổi mới lớn, hể khi nào tôi để ý anh chàng nào, hay mỗi khi tôi buồn vì bị giả lơ là tôi than thở với anh. Anh bảo: ” trời ơi, đừng như thế nữa, khóc lóc quá coi chừng tổn thọ, rồi em cũng sẽ yêu được nữa mà, lo chi dữ dzẫy.” Anh lớn hơn tôi có hai tuổi mà sao hồi đó, tôi thấy anh già hơn tôi nhiều. Cái gì anh cũng rành rọt, cái gì tôi cũng hỏi anh. Từ chuyện học hành đến chuyện yêu đương! Sau mấy mươi năm thất lạc. Mới đây, anh và tôi tình cờ liên lạc được với nhau. Nói là tình cờ chứ chúng tôi đã nghĩ về nhau, đã không ngừng tìm kiếm nhau chừng ấy năm trời.

Tôi tả sơ sơ về anh nhé! Hồi anh chừng 14 mười 15, anh đen thui, ốm tong teo. Hai cặp giò như hai ống điếu. Bộ mặt trông ngầu. Mắt mũi bậm trợn. Chụp hình thì không bao giờ cười. Ai thấy cũng ngán. Tôi chơi thân mà còn ngán nữa đó. Mấy con bạn của tôi, hể mỗi lần gặp anh là hồn vía lên mây. Tụi nó thắc mắc hoài : “Chớ sao hết người chọn rồi hay sao mầy chọn cái anh chàng này làm bạn. Tao nhìn đã sợ rồi, lấy đâu còn dám tâm sự”. Ấy vậy mà tôi lại có thể kể lể đủ chuyện trên trời dưới đất cho anh. Thiệt cũng lạ đời. Chắc tại tôi là con một mà là con gái nên muốn có anh trai. Cái cảm giác được che chở bảo vệ luôn cần có trong tôi từ khi tôi cảm nhận được thế giới chung quanh mình? Có lẽ vì gần anh nên tôi đọc được anh chăng? Bề ngoài anh như thế nhưng bên trong là một tấm lòng nhận hậu và một bầu nhiệt huyết sôi sung sục của tuổi trẻ. Hôm nào mà tôi than thở bị con nhỏ, thằng nhỏ nào ăn hiếp là anh xắn tay áo lên liền: “em đừng lo, để anh dợt tụi nó một trận là lần tới tụi nó không dám chọc ghẹo em nữa đâu. Tụi nó chưa thấy quan tài chưa đỗ lệ”. Không biết anh nghe lóm bắt chước câu này của ai mà nghe ra vẽ anh hùng chí khí quá trời. Đã vậy, anh còn bóp bàn tay thật chặc, gồng người lên rồi hỏi: “em thấy con chuột của anh bự không? Anh chỉ cần gồng người dơ tay lên cho tụi nhỏ thấy con chuột của anh là tụi nó bỏ chạy rồi.” Tôi nhìn anh thán phục và cảm thấy an tâm ngay.

Nhà tôi sát cạnh nhà anh. Anh cũng là con một. Chắc anh cũng muốn có cô em gái để ra oai, để bắt nạt và để bảo vệ không chừng. Hai đứa chẳng bao giờ đi tìm hiểu vì sao? Rất tự nhiên trở thành hai anh em hồi nào không hay. Tôi chạy lon ton theo anh chơi mấy trò chơi con trai. Nào là bắn bi, làm ná bắn chim, đá banh, lội song, lội suối, phơi nắng đến choắc cheo, khô rang như con mắm. Tóc tai cháy nắng khét nẹt, mũi chảy thò lò. Tôi nghĩ chắc hồi nhỏ tôi bị viêm mũi mà có ai để ý đó là bệnh gì, mà có biết là bệnh gì mà không phải là chết sống thì kệ nó, từ từ nó bớt, lớn lên nó lành. Cả lủ bạn hàng xóm đều giống tôi, cứ thụt thò, hít vào rồi quẹt hai bên tay áo và hai vạt áo muốn thành hồ cứng ngắc. Anh hên, mặt mày ngon lành, trông chắc da chắc thịt, khoẻ mạnh hơn tôi nên anh hay làm ra vẽ ta đây, bắt tôi phải hỉ mũi tối ngày. Anh nói: “em mà còn để mũi chảy thò lò như thế này, anh nghỉ chơi với em.” Tôi nghe nói sợ quá, không chơi với anh, chơi với ai. Vậy chớ anh cũng cần tôi, mỗi khi anh không kiếm ra bạn con trai, anh chơi mấy trò chơi con gái với tôi cho đỡ buồn. Lúc đó tôi làm oai trở lại, bắt chẹt anh đủ điều. Anh chơi nẻ, chơi đi chợ về chợ, chơi u quạ, chơi đám cưới với đắm con gái chúng tôi. Rồi có khi hai anh em cùng một lủ choai choai hàng xóm dẫn nhau leo lên núi bà Hoả sau lưng nhà hóng mát. Càng lên cao, gió càng mạnh. Có khi trời mưa chạy xuống núi vèo vèo mà có đứa nào hề hấng gì đâu. Núi bà Hoả ít cây cối, toàn là đá, đứa nào đứa nấy chỉ có đôi dép quai dọc, đứt quai lên dứt quai xuống, vậy mà độ cao cở nào cũng muốn ghi kỷ lục. Có đứa còn lấy kim băng ghim ngang phía dưới cái quai bị đứt. Nhất là buổi trưa không chịu ngủ trưa, lén ba mẹ, nắng chang chang, hai cái đầu trần cứ phơi ra ngoài nắng, tóc muốn quắn tít như những đứa trẻ Phi Châu….Nhờ thế anh và tôi hội đủ điều kiện để tham gia cả hai nhóm trong xóm!

Năm anh thi vào đệ thất trường nam. Anh đậu. Cả ba mẹ anh và ba mẹ tôi đều mừng rỡ, nhưng đó lại là một thử thách cho tôi. Vì năm tới sẽ đến phiên tôi thi vào trường nữ. Nỗi lo sợ trong tôi bắt đầu hình thành. Không biết vì ganh tức, hay vì sợ sệt mà tôi bắt đầu cay cú, quạu quọa với anh. Tôi hay ghẹo anh, còn anh thì hay nổi cộc. Cái cộc cằn cục mịch của người Bình Định. Nói thì trổng trổng, chẳng có chủ từ, túc từ. May mà còn xử dụng động từ chứ không thôi chẳng ai hiểu anh nói gì. Bây giờ lớn lên, đọc nhiều, nghe nhiều mới thấy lời nhận xét nầy quá đúng cho người Bình Định rặc. Người ta gọi là “thàn”. Cái gì cũng quyết định rất nhanh, nói một là một, hai là hai. Chà, không biết có ai chịu nỗi cái “thàn” này không đó nghe!

Ngày anh mặc bộ đồng phục quần tây màu trắng tinh nguyên, tôi nhìn anh thầm thán phục và vui cho anh nhưng lòng tôi buồn. Nó chùng xuống như sợi đàn đứt dây không một tiếng âm vang. Có phải vì hai anh em sẽ không còn có cơ hội đi học chung với nhau nữa, không còn lang thang vào chùa hái lá thuộc bài về ép vào vở để dễ thuôc bài. Anh vào lớp đệ thất trường nam nổi tiếng của tỉnh. Tôi vẫn còn học lớp nhất. Chuyện chơi chung cũng bắt đầu lơi dần. Anh có nhiều bạn mới ở trường nam. Mỗi lần tôi đòi theo, anh không chịu cho tôi đi theo nữa. Anh nói : “Anh chơi mấy trò chơi con trai, em theo làm gì. Bạn anh dọa anh rồi nếu mà anh cứ cho em đi theo, tụi nó sẽ nghỉ chơi với anh đó”. Tôi buồn giận. Anh xin lỗi. Cứ thế hai anh em làm khó dễ nhau hoài.

Rồi ngày tôi thi vào trường nữ cũng đến. Tôi đậu. Anh chẳng khen mà còn nói: “em may mắn quá đó chớ.” Thay vì nói “em giỏi đó chớ.” Tôi ngún nguẩy hạch sách: “Người gì mà tiết kiệm lời khen”. Anh cũng không vừa: “Người Bình Định chứ người gì.” Thế là tôi giận anh đến mấy ngày không thèm nói chuyện. Bây giờ nghĩ lại thấy anh nói đúng quá chừng. Cả đời tôi may mắn. Không may mắn có giỏi mấy đi nữa cũng chịu chết!

Rồi lớn lên một chút, hai anh em bắt đầu có bạn mới. Anh đưa bạn nam về nhà chơi. Tôi đưa bạn nữ về nhà chơi. Hai nhà cách nhau một vách tường cao chừng hai thước. Đứng trên cái gát phía sau nhà bên tôi có thể nhìn thấy sân sau nhà anh. Rồi những tiếng đàn, ánh mắt trao nhau từ từ làm hết tự nhiên. Tôi ít dám qua nhà anh mỗi khi thấy bạn anh đến chơi nhà anh. Tôi thì mê hát dù hát không hay, trật tông trật nhịp. Anh la hoài nhưng không bao giờ biết mắc cở với anh. Vậy mà từ ngày có mấy anh bạn ghé nhà anh chơi, tôi bắt đầu biết mắc cỡ, ngượng ngùng. Anh cũng hay qua kêu tôi qua chơi nhưng tôi tìm cách trốn biệt. Tôi để ý một anh bạn của anh. Đen đen và ốm tong teo giống anh. Đàn rất là hay và có đôi mắt đen láy. Có lần vô tình tôi chạm phải đôi mắt bạn anh. Trời đất, trái tim của tôi nó đánh loạn xà ngầu. Tôi nóng rang hai bên má, chạy một mạch vào nhà mà cứ sợ ba mẹ tôi biết chuyện. Đúng là cái tuổi trăng tròn, tuổi mắc cở, tuổi mộng mơ. Tôi bắt đầu thơ thẩn. Thấy bạn bè chép thơ của thi sĩ này, thi sĩ nọ bằng mực tím từng bài vào trong những quyển sổ, chuyền nhau đọc. Tôi cũng bắt chước làm theo. Rồi một hôm nghĩ ra ý nghĩ biết đâu mình cũng sẽ trở thành thi sĩ giống họ. Cũng lấy giấy mực ra để trước mặt, cũng loay hoay viết. Ngồi cả giờ, viết được hai câu. Trời ạ, đọc lên nghe kỳ cục, như thơ con cóc. Cộc lốc chẳng ướt át, mềm mại tí nào. Thắc mắc lại đến, sao chữ nghĩa ở đâu mà mấy ông thi sĩ viết hết bài này đến bài kia. Thế là đi tìm hiểu thêm để biết chút khái niệm về thơ. Vô tình đọc ở đâu ý tưởng thơ chỉ để cảm chứ không phải để hiểu. À, cốt lỏi của thơ là ở chỗ này đây! Thế thì mình muốn viết gì thì viết, không cần ai hiều, chỉ cần thiên hạ cảm là được rồi. Thế là bắt đầu viết trở lại. Nhưng mà rồi, mới biết được rằng có viết để cho thiên hạ cảm cũng không viết ra chữ nữa chứ nói chi để thiên hạ hiểu! Thế là cái mộng làm thi sĩ tiêu tan.

Rồi mùa hè đỏ lửa đến. Cả hai gia đình cùng di tản vào nam, nơi mà chiến tranh hình như chưa bén mản tới. Gia đình anh quyết định đi tiếp. Gia đình tôi quyết định ở lại. Buổi sáng chia tay với nhiều nước mắt và hưá hẹn. Tôi khóc đến sưng vù hai con mắt. Anh làm oai hơn, cắn môi đến chảy máu mà nước mắt thì khô ráo, không có lấy một giọt. Cả ngày hôm đó, tôi ngẩn ngơ. Một người bạn. Một người anh hình như mới vừa ra khỏi đời tôi. Sao đến làm chi để những chia tay là đau đớn nghìn lần. Thư từ qua lại cho nhau thỉnh thoảng rồi ít dần với thời gian. Nhưng trong tôi anh luôn có một chỗ đứng vô cùng đặc biệt. Tôi nhớ câu hát “người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người”, với tôi là một câu hỏi không nên có. Không ai đã đến trong cuộc đời tôi mà không để lại trong tôi niềm nhớ thương.

Trong thời gian 3 tháng hè tạm cư, tôi quen với một cô bạn, cháu bà chủ nhà, lớn hơn tôi một tuổi. Tôi hay mặc bộ đồ bộ, còn bạn hay mặc quần đen và áo bà ba, có khi bằng tơ, gấm hay lụa, trông ra dáng thiếu nữ hơn. Bạn có đôi mắt to, đen tuyền. Hai hàng lông mi dài và cong vút. Hai hàng chân mày đậm và cong vòng ai gặp cũng để ý thương. Tình bạn đâm chồi nẩy lộc mỗi ngày. Sau khi lo cơm nước dọn dẹp xong là hai đứa hẹn gặp nhau. Xuống thăm cầu đá, thăm lầu ông Hoàng, thăm biển xanh trong. Biển cát là nơi hai đứa tha hồ chạy nhảy. Những bãi dương liễu, những hàng dừa là bóng mát cho hai đứa nghỉ chân.

Chiến sự bình yên trở lại, ba mẹ tôi quyết định thuê chiếc xe ba lua chở ít giường chiếu, mềnh mùng, tủ bàn về lại nhà, trong tôi là một nỗi buồn. Tôi vẫn còn nhớ anh mắt đen tròn, sũng nước của bạn. Tôi đã ngồi trong xe, phía trước đầu máy, sát bên cánh cửa. Bạn nhói chân, ruớn người lên, đưa tay lên nắm tay tôi rồi khóc ngất. Tôi chồm người xuống rồi nắm lấy đôi bàn tay bạn cũng khóc oà, đứt quảng. Ba tôi đã làm một cử chỉ thật đẹp mà tôi không bao giờ quên. Ba mở cánh cửa xe, rồi nói: “ba cho con xuống chơi với bạn 30 phút nữa.” Tôi nhảy phóc xuống xe và hai đứa ôm chầm lấy nhau. Làm sao mà quên được những vòng ôm ngọt ngào như thế này và đôi mắt ướt mèm của bạn đã theo tôi đến tận bây giờ! Tôi và cô bạn hứa hẹn nhiều điều nhưng với hoàn cảnh và thời gian hai đứa mất liên lạc với nhau. Trong tôi là nỗi nhớ!

Gia đình tôi quay về lại căn nhà cũ và cũng là lúc mùa tựu trường bắt đầu. Những ngày đầu tiên, tôi mong ngóng chờ đợi anh về. Nhưng đã nhập học cả tuần rồi mà cũng chưa thấy anh, lòng tôi buồn vô hạn. Nỗi nhớ sâu như đáy đại dương và vách sầu cao như núi. Không có anh bên cạnh, tôi không còn tự tin nữa, không còn hể động tí là hỏi, không còn làm phiền anh và không còn có những cái lén lén liếc nhìn qua sân sau nhà anh để mà nhận xét khen chê mấy anh bạn của anh rồi cười đùa rúc rích với mấy con nhỏ bạn yêu quí của tôi nữa. Một khoảng trống vắng tràn đầy trong tôi. Ba mẹ nhìn tôi thầm biết là tôi nhớ anh, nhớ bạn bè của anh và nhớ một thời quá đỗi ngọt ngào!

Đời sống là giòng chảy nên nỗi buồn rồi cũng trôi theo. Tôi ngày hai bữa cắp sách đến truờng. Tôi đã trở thành cô thiếu nữ hồi nào không hay. Còn anh thì sao? Chắc cũng là chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú? Có bao giờ anh nhớ và nghĩ đến tôi? Ôi! Có quá nhiều câu hỏi trong tôi. Rồi ngày qua, tháng tới, trong tôi anh chỉ còn là kỷ niệm. Nhà anh có chủ mới. Và lần này lại là một cô gái trạc tuổi tôi. Không ngờ hai đứa lại học cùng lớp cùng trường và rất hạp với nhau. Không có anh bên cạnh, ông trời cho tôi cô bạn gái. Và tôi vui tươi trở lại. Tôi biết rằng tôi cần bạn. Tôi không thể vui nếu không có bạn. Ở sát bên nhà mà không thích nhau là một nỗi khổ. Nổi khổ này cũng cao như núi, cũng sâu như biển đấy chứ! Tôi lại thấy tôi một lần nữa may mắn!

Hai đứa lại cứ quấn quít với nhau suốt ngày. Tôi hay kể cho cô bạn nghe về anh, về tình cảm của hai anh em. Anh giả vờ bắt nạt tôi ra sao? Tôi làm bộ giận hờn để được anh dỗ dành ra sao? Cứ thế những năm trung học đệ nhị cấp rồi cũng qua. Nhưng biến cố mùa xuân lại đến, tôi một lần nữa lại xa cô bạn của tôi và lần xa này là lần xa không mong đợi ngày gặp lại.

Tôi xuống tàu vào nam và như một định mệnh tôi xa xứ tình cờ. Còn gia đình anh và gia đình cô bạn đi đâu và làm gì, ở đâu tôi không hề biết. Trong tôi luôn là một câu hỏi. Câu hỏi cứ càng lúc càng lớn khi đời sống tôi đã ổn định, khi con cái tôi đã lớn, khi khúc đời nhớ về quá khứ, bạn bè sống dậy mãnh liệt trong tôi. Tôi hay hỏi thăm bạn bè và mấy lần đăng tin tìm kiếm trên những tờ báo quê nhà, nhưng mọi tin tức đều vô vọng. Tình cờ mới đây, nhờ vào lời giới thiệu của bạn bè cũ, tôi vào trang web của hai trường nam và nữ thời trung học của tôi và của anh đăng tin tìm kiếm. Không những kiếm ra anh mà cả cô bạn thân thời trung học của tôi nữa. Một trùng phùng khó diễn tả nên lời!

Một điều làm tôi hết sức ấm lòng và hạnh phúc là từng ấy năm trời, cả anh và cả cô bạn cạnh nhà tôi hay kể lể nhắc nhớ về tôi. Họ cũng đi tìm kiếm tôi trong vô vọng nhưng trong đời sống hằng ngày của họ luôn có tôi đứng giữa. Họ đã là vợ chồng mấy chục năm nay và đang định cư ở một nơi xa tôi đến nửa vòng trái đất. Định mệnh ư? Tôi tin là định mệnh đã đem họ đến với nhau. Họ là hai người bạn mà tôi yêu thương nhất trong suốt thời tuổi mới lớn của tôi. Họ đã yêu thương tôi như tôi đã yêu thương họ. Và đó là món quà quí giá mà chúng tôi đã dành tặng cho nhau.

Chắc là gia đình tôi sẽ phải làm một chuyến qua thăm để xem thử ông anh tôi già như thế nào. Thật ra, anh có gửi tôi vài tấm hình gia đình, nhưng mà nhìn hình không tin nổi. Thời buổi bây giờ photoshop có sẵn trong máy tính, bôi xóa, tân trang một hồi 50 tuổi còn có 20 tuổi mấy hồi. Tôi nghi ngờ quá! Nhưng trên hết, đó là vì tôi muốn gặp anh để nghe lại giọng nói rặc Bình Định của anh khi nó chưa bị lọc qua âm thanh của đường dây điện thoại và để xem thử ông anh có còn cộc lốc, im im, lầm lì như xưa hay cô bạn dễ thương của tôi đã biến đổi anh thành trái dưa mật ngọt! Và gặp lại cô bạn hàng xóm nhỏ nhắn, xinh xắn và dịu dàng của tôi hỏi xem cô có bí quyết gì mà có thể sống với anh chừng ấy năm trời mà vẫn còn tỉnh táo!

Còn anh, hôm hai anh em liên lạc với nhau lần đầu qua điện thoại, anh hỏi tôi ngay: “Ủa, sao giờ em nói giọng gì nghe kỳ cục, Mỹ không ra Mỹ, Việt không ra Việt, nghe nó cứng ngắc cứng ngơ.” Tôi cười vui trả lời : “Lai rồi, lai đủ thứ, chút xíu của Huế, chút xíu của Mỹ, chút xíu giọng Nẫu còn lại hoà quyện với nhau, bộ khó nghe lắm hả?” Anh nói : “Con nhỏ này lúc nào cũng bắt bẻ, cự nự với anh, mấy mươi năm rồi cũng y chang.” Anh làm tôi nhớ đến câu : ” Giang Sơn khó đỗi, bản chất khó dời”.

Đời sống của tôi bây giờ là những tìm kiếm, là những hạnh phúc từ vòm ký ức xa xăm. Tôi đang hy vọng người bạn của ba tháng hè di tản của tôi ở thành phố biển cũng đang bình yên. Có thể nơi quê nhà hay một nơi nào đó trên trái đất này. Bạn cũng đang nhớ về tôi như tôi đang nhớ về bạn, để tần số tìm kiếm giao thoa nhau như tôi và anh, như tôi và cô bạn sát bên nhà đã tìm gặp lại nhau sau mấy mươi năm lạc dấu chân quen!

Nguyễn Kim Tiến
Tháng Giêng 2011

7 BÌNH LUẬN

  1. RE: Lạc Dấu Chân Quen
    “Đời sống của tôi bây giờ là những tìm kiếm, là những hạnh phúc từ vòm ký ức xa xăm.” Kim Tiến à! Thật hạnh phúc khi tìm thấy người mình đã luôn trông ngóng, và thật là đau buồn vì biết kiếm tìm cũng đã trở thành vô vọng mà ta cứ vẫn mãi mong chờ, khó nguôi ngoai?
    Mi dã bao lần bị như vậy chưa?

    • RE: RE: Lạc Dấu Chân Quen
      Hòa ơi,
      Có những tìm kiếm kết quả rất đau buồn vì bạn mình đã không còn nữa nên cứ tiếc là mình đã quá tiết kiệm những lời yêu thương! Vậy thì nhỏ ơi, đừng tiết kiệm nữa nghe. KT

  2. Re : Lạc Dấu Chân Quen
    Chúc cô bạn nhỏ của tôi luôn sống trong hạnh phúc , với người bên cạnh và với những người “Lạc dấu chân quen ” tìm về .

    • RE: Re : Lạc Dấu Chân Quen
      Aí ơi, Cảm ơn lời chúc của nhỏ nghen. Mình đang nhận thấy rằng đời sống quá ngắn ngủi và mình không thể biết khi nào thì nó chấm dứt nên cố gắng “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”….KT

  3. RE: Lạc Dấu Chân Quen
    Tựa đề bài viết hay và ý nghĩa lắm Tiến ơi ! Lạc dấu chân quen . Tìm được dấu chân quen rồi mà có giữ được chút gì cho mình không hả nhỏ ?

  4. RE: Lạc Dấu Chân Quen
    Vân ơi, để mình phải hỏi nhân vật “tôi” trong truyện ngắn này nghen nhỏ. Duyên hội ngộ mà. Nhưng có duyên hội ngộ thì lấp ló đằng sau là duyên chia lìa, phải không nhỏ? Ít ra là “trong tôi là những ngọt ngào dấu yêu” 😉 KT

  5. RE: Đông Oanh _ Làm bánh chưng_7
    Sắp đến Tết nữa rồi, xem hình ĐO gói bánh chưng nhớ lại lúc còn ở nhà chồng, năm nào mình cũng phải gói bánh tét. Lần đầu tiên về làm dâu, đâu biết gói bánh chưng. Các cô bên chồng gốc miền Bắc nên rủ nhau đến gói. Họ gói bằng lá dong chứ không phải lá chuối, và cũng có khuôn như thế này. Mình thử gói không có khuôn, cũng vuông lắm nên được khen “gói khéo”. Nhưng qua năm sau thì mình gói bánh tét, dễ hơn! Ngày xưa lúc bà ngoại còn, hay làm bánh tét mình thường phụ ngoại. Năm nào bà cũng gói 2 đợt, 1 đợt trước Tết và 1 đợt sau Tết, khoảng ngày mồng 6, vì nhà con cháu đông, đến đó là ăn hết rồi, ngoại phải làm tiếp để ăn cho hết .. tháng giêng! Thích nhất lúc đêm thức canh nồi bánh, vừa ngồi nói chuyện bên bếp lửa ấm ngoài sân ( nấu bằng củi ) vừa được ăn thử bánh nóng – kiểm tra bánh chín chưa đó mà 😆 Nay thì không gói nữa, Sài gòn có bánh chưng tiệm Hà Nội ngon lắm, mua cho rồi!
    Và năm Nhâm Thìn 2012 này, nhìn nồi bánh của ĐO, lại nhớ xuân xưa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả