Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Karaoke Và Cây Đàn

Mười năm trở lại đây, karaoke rất thịnh hành. Thỉnh thoảng khi ghé chơi nhà bạn bè, tôi cũng có tham gia hát vài bài góp vui từ hồi karaoke với những cái đĩa cở lớn, rồi đến DVD bây giờ là những bộ đĩa chứa cả ngàn bài. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bị cuốn hút vào trong loại hình nghệ thuật này. Tôi không tìm thấy một hoà nhập giữa hoà âm và giọng hát tôi. Tôi không cảm thấy hứng thú. Vui với bạn thì có thỉnh thoảng nhưng đam mê thì không?

Rất lạ lùng là tôi có thể hát với bạn bè chỉ với một cây đàn ghi ta suốt đêm nhưng tôi không thể thức suốt đêm để hát karaoke. Vì sao? Tôi thắc mắc chính tôi và tôi luôn đi tìm câu trả lời cho thắc mắc của tôi.

Vậy thì đó là cái gì?

Cái gì làm tôi cảm thấy thiếu thốn nghèo nàn dù hoà âm của giàn nhạc karaoke không thiếu một loại nhạc cụ nào! Những chiếc loa hàng hiệu đắc tiền được trang trí trong những căn phòng với âm thanh phát ra nhiều chiều ở nhà bạn tôi cũng không hấp dẫn tôi! Âm thanh ấm, trong và dội vào tim, bao bọc, quyện lấy chung quanh tôi có lúc dịu dàng, nhỏ nhẹ, có lúc chơi vơi trong không gian tĩng lặng cũng không làm tôi tha thiết.

Điều gì đã làm tôi không mặn mà với bộ môn này mà thật ra phải thừa nhận rằng từ ngày có karaoke, không ít những tài năng trẻ đã được có dịp tôi luyện và thành công trong sự nghiệp ca hát của mình cũng như những người thích hát cho vui cũng hát ngọt ngào, thu hút như ca sĩ.

Vậy thì tôi cảm thấy thiếu cái gì?

Tôi thử đi sâu vào phân tích, khám phá cảm nhận của riêng tôi. Và bất ngờ tôi nghĩ là tôi tìm ra được nguyên nhân cảm nhận thiếu thốn này. Có thể nó chỉ đúng với riêng tôi mà không với ai khác. Thật vậy, cái hòa nhịp sống động giữa con người với con người là cái thiếu mà tôi cảm nhận được. Tôi thấy thiếu người đàn bằng xương bằng thịt đang cùng tôi rải những ngón tay trên phím đàn, thiếu nụ cười bằng lòng mãn nguyện khi tôi hát đúng giọng, thiếu cái nhăn mày nhíu mặt khi tôi lạc giọng, thiếu hơi ấm giữa những dòng điện thuận chiều của những tần số giống nhau của người hát kẻ đàn. Tiếng đàn của họ, gương mặt họ, những ngón tay họ làm người hát thăng hoa. Tiếng hát, ngược lại, cũng sẽ làm người đàn, người đánh trống, người thổi kèn hưng phấn.

Tôi nghĩ, nếu có nhiều nhạc cụ hoà âm cùng một lúc thì quá tuyệt vời cho người hát, nếu không,  chỉ cần một cây ghi ta cũng đã là quá đủ. Người đàn và người hát cần lẫn nhau để cùng nhau đưa bài nhạc đi vào lòng khán thính giả một cách tự nguyện và ngọt ngào. Bấy giờ tiếng đàn mới không bơ vơ và tiếng hát mới không cô đơn. NguyễnÁnh9 có nói rằng ông đã làm bài Cô Đơn và Bơ Vơ không phải là nỗi cô đơn hay bơ vơ như người ta thương nghĩ về một mất mác đỗ vỡ trong tình yêu nhưng là một mất mác đỗ vỡ khi đàn mà không có người hát và ngược lại hát mà không có người đàn cùng một tần số. Nỗi cô đơn và bơ vơ này cũng lớn như nỗi cô đơn và mất mác trong tình yêu vậy!

Rồi tôi lại tưởng tượng người ca sĩ lên sân khấu hát mà không có dàn nhạc sống bên cạnh mà chỉ là giàn máy karaoke, thử hỏi ca sĩ có đủ niềm hưng phấn để hát dù hoà âm rất đạt yêu cầu.

Cái máy karaoke mà cô em đi Việt Nam về tặng với cái đĩa hơn ngàn bài mấy năm nay nằm lặng lẽ ở tầng hầm, buồn hiu, bụi bám đầy. Mấy năm mà chỉ dùng có hai lần! Chắc vậy mà tôi hát trật nhịp và lạc giọng hoài chăng. Để hôm nào tập hát qua karaoke xem thử tôi có tiến bộ thêm chút nào không?

Phân tích cho vui vậy thôi chứ nếu thỉnh thoảng đến nhà bạn bè có karaoke, tôi cũng vui vẻ hát hò vui chơi cùng bạn bè. Karaoke chỉ không phải là niềm đam mê của tôi mà thôi!

Nguyễn Kim Tiến
10 tháng 4 năm 2011

Nguồn: amnhac.fm

15 BÌNH LUẬN

  1. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    Cuộc sống từ nhịp chậm đã chuyển sang nhịp nhanh, nên con người luôn cảm thấy mình bị cuốn hút trong một guồng máy không cưỡng nổi.
    Karaoké là một hình thái giải trí công nghiệp, không dành cho những tâm hồn nhạy cảm như Kim Tiến.
    Với những tài năng ca nhạc, họ hát không đàn, đàn thùng, giàn nhạc karaoké… vẫn truyền cảm, vì họ tự tin và làm chủ được mình.
    Còn chúng ta hát karaoké để vui vẻ với bạn bè là chính.
    Mỗi sân chơi đều có những niềm vui và những giới hạn của nó, phải không Kim Tiến?
    Chia sẻ và chúc an vui.

    • RE: RE: Karaoke Và Cây Đàn
      Anh Ngữ mến,
      Tiến cũng nghĩ mỗi người có những cảm nhận rất riêng của mình. Thỉng thoảng Tiến cũng ê a với bạn bè đó chứ nhưng hình như chỉ để làm vui, nó không để lại trong Tiến những cảm xúc ngọt ngào mà thôi. Hôm nào anh tập hát thử đi, biết đâu thành thi sĩ kiêm ca sĩ! Tiến đùa với anh chút cho vui! KT

  2. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    Đồng ý với những suy nghĩ của Kim Tiến về karaoke. Sự xuất hiện của karaoke thời gian đầu rất được nhiều người ủng hộ vì cho người ta cái cảm giác trở thành ca sĩ! Trong một không gian gia đình, bạn bè vào mỗi tối cuối tuần, có những giọng ca bắt theo nhịp, hát rất khá hoặc hay làm mình nghe theo cũng rất sướng tai. Tuy nhiên, khi hàng xóm người người nhà nhà đều có karaoke mà mở volume với âm thanh cực đại, cũng có nhiều giọng ca nghe “chịu hổng nổi” 😉 nhưng cũng ráng hò hét, lúc đó thực sự là người nghe bị tra tấn màng nhĩ đến độ khủng hoảng … tinh thần! Từng là “nạn nhân” của karaoke kiểu này, mình cũng đâm ra sợ hãi. Rất may, nhà không ai thích karaoke ( Đơn giản vì không ai biết hát! ). Có những quán cafe Hát Với Nhau cũng tạo điều kiện cho người hát hay lên biểu diễn. Nếu hát hay người ta sẽ được khen “hay quá, không thua gì ca sĩ”, còn không hay thì cũng chẳng sao, người ta có phải là ca sĩ đâu! Sài gòn cũng có những quán cafe nhạc không dành cho ca sĩ chuyên nghiệp nhưng không gian âm nhạc rất tuyệt như Quán Trăng ở Phú Nhuận hoặc vài địa điểm khác.

    • RE: RE: Karaoke Và Cây Đàn
      Chị Tâm ơi, chị làm Tiến nhớ tới một tai nạn nhỏ vào năm 2007 ở quán Nghê Thường Hát cho nhau nghe. Để Tiến kể cho chị và các bạn nghe cho vui nghen.
      Chị Ái phương dẫn Tiến đi “hát cho nhau nghe”. Đây là lần đầu tiên Tiến vào chỗ này. Tiến chọn một bài của TCS…đến phiên Tiến lên hát…Trời ơi, khi nhạc trổi lên, Tiến không biết vào chỗ nào…Tiến cứ đứng nhìn ông đánh đàn…Ông dạo tới dạo lui một hồi…ông nói chị chờ khi nào tui nói chị Dzô là chị dzô nghen…nhưng khi ổng ra dấu thì Tiến đã lỡ một nhịp rồi…Thế là Tiến nói để Tiến cố gắng…Cuối cùng Tiến vào được nhưng vào ở câu thứ ba, mất hao câu đầu…rồi khi ổng ngừng để dạo nhạc, Tiến đâu có biết, Tiến tiếp tục hát, ổng nói chị chờ tui dạo nhạc …cười. Cuối cùng thì Tiến cũng hát xong một bài…Ông chủ Nghê Thường lên nói “Tui không nghe khúc đầu tui tưởng cái micro của tui bị hư” lại cười…Cuối buổi ông đánh đàn xuống nói “Tui đánh đàn hơn 20 năm rồi lần đầu tiên tui gặp một ca sĩ đặc biệt như thế này. Tui muốn mời cô đi ăn cháo trắng với cá kho”…cười tiếp. Một kỷ niệm rất đặc biệt làm Tiến nhớ hoài và vui! Vui với Tiến nhé. KT

  3. GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
    Sẻ chia với Tiến những suy nghĩ về Karaoke
    và cây đàn. Tuổi bọn mình chắc thích cây
    đàn hơn ra quán karaoke. Chúc Tiến vui.

    • RE: GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
      Ở bên chỗ Tiến ở không có những quán Karaoke và những phòng trà “Hát cho nhau nghe” ah Lữ ạ. Hôm nào anh thử đi hát, chắc cũng vui vui lắm đó! KT

  4. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    Chào KT,
    Đọc K và cây đàn thấy tác giả không mê K ! Mình thì hát không hay và không hay hát nhưng về K thì mình thấy vầy:
    – Tiện: Nghe thì tài nhưng sao mình chẳng thuộc trọn một bài hát nào để hát, chữ chạy chạy của K giúp mình hát hết bài và bài nào thích là có thể có lời để hát.
    – Dễ: Có cây đàn và nhạc sĩ đệm cho mình hát thì nhứt rồi! Nhưng không dễ có và không phải lúc nào cũng có!K thì rất dễ, nghèo giàu gì cũng có thể sắm TV, đầu máy để hát hò bất cứ lúc nào, vui hay buồn…
    – Rộng rãi: Hát một mình, hát cho người khác nghe hay nghe người khác hát, bài vui hay buồn, sâu lắng hay khí thế, tùy tâm trạng..đều được, khỏe ru!
    – Trạng thái: nghiêm túc, vui vẻ, ồn ào.. là do mình, tùy điều kiện tổ chức! Mình đã dự những bữa hát K có cả nhà, bạn bè.. hết sức nghiêm túc, hát đàng hoàng, đẳng cấp chứ không xô bồ đâu!
    – Lợi: giúp xả stress, hả hơi rượu, giúp tìm “mầm non âm nhạc”, giúp…nhiều lắm!
    – Vui: nghe hát, được hát, ai cũng vui..bao la..!
    Nghĩ cho cùng, K chỉ là phương tiện mà không phải là cứu cánh! Nên chỉ có thể thích hay không thích, chứ chẳng thể đam mê! Đam mê phương tiện có chăng chỉ là những nhà sưu tầm..!
    Nghĩ sao nói vậy, đúng sai thì..không biết! Chứ mình biết chắc là lâu lâu, tổ chức một bữa nhậu nhậu, hát hò K thì vui lắm! KT ơi!

    • RE: RE: Karaoke Và Cây Đàn
      Anh Hùng mến,
      Những điều anh cảm nhận thật thú vị. Rất vui khi anh chia sẻ cùng Tiến và bạn bè nơi đây.
      Và cảm nhận thì làm gì có đúng sai! Nó đến với mỗi chúng ta thật nhẹ nhàng và lặng lẽ ở những ngõ ngách khác nhau trong tâm hồn mình. Thế nên, hãy cứ vui với những cảm nhận rất riêng của mỗi chúng ta anh nhé. Cảm ơn một chia sẻ vô cùng thân thiện. Cảm ơn anh. KT

  5. reply
    Cảm ơn Kim Tiến đã nói hộ nhiều người trong đó có ndt. Giá như nhà bênh cạnh đọc được bài viết này thì hai lỗ tai của phần đông chúng ta đỡ bị tra tấn…

    • RE: reply
      Anh Trình mến,
      Trong điều kiện nhà ở san sát như Việt Nam mình thì không thể tách rời tiếng động ra khỏi đời sống. Tiến may mắn ở một nơi rất yên bình, nghe chim hót buổi sáng và đêm thì tĩnh mịch vô cùng. Nhưng đuợc điều này thi mất điều kia! Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ. KT

  6. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    NĐH “ké” một chút về phía người nghe:
    – “ngóng” nhạc thì bao giờ cũng hay hơn “nghe” nhạc
    – nghe hát “chay” luôn thú vị vì nó thực và gần gủi hơn
    – với cây ghi-ta thì khả năng “được nghe” sẽ nhiều hơn nhưng với karaoke đôi khi sẽ “bị nghe” nhiều hơn ( hihihi).
    Cám ơn Kim Tiến về bài viết. Chúc KT vui với cả hai thứ nhe !

    • RE: RE: Karaoke Và Cây Đàn
      Anh Hải ơi, trong tiếng Việt của mình “được” và “bị” đều ở thì thụ động mà nghĩa lại khác nhau vô cùng! Lối phân tích của anh lúc nào cũng dí dỏm và phong phú vô cùng. Cảm ơn anh. KT

  7. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    Hồi xưa, mình hát không hay nhưng đi trại thì thường hát hò với bạn bè cùng những nhạc cụ cây nhà lá vườn: đàn guitar, madolin, kèn harmonica…đôi khi nhớ lại vẫn còn ngây ngất Tiến à!
    Bây giờ lâu lâu cũng được hát với cây đàn thùng nhưng hiếm hoi lắm, hầu hết là karaoke. Có khi cả đám bạn sau những lần họp mặt lại dẫn vào quán coi như xả sì trét, với lại cũng dễ cho mấy bà U60 như tụi mình, quên lời, quên nhạc, có chữ chạy trước, tụi mình lẽo đẽo hát chạy theo, chẳng ai chê gì ai cũng vui dữ. Cái kiểu hát nào cũng có cái hay của nó- nhưng tiếng đàn thùng trầm ấm quen thuộc hồi nào, dầu bây giờ ngồi im nghe mọi người cất tiếng mình cũng cảm thấy ấm lòng. Mai mốt về có họp bạn nhớ hát đàn thùng xong thì tụi mình cũng nên đi …karaoke thay đổi không khí nghe nhỏ! 😛

    • RE: RE: Karaoke Và Cây Đàn
      Nhỏ Hòa làm mình nhớ hôm ở Bãi Nhổm, cũng với cây đàn thùng của anh Hoánh, tụi mình đã vui thật vui với nhau và có cả ngậm ngùi khi chia tay. Nhiều khi với cây đàn thùng, hát tiếng được tiếng mất, lời lẽ không thuộc vậy mà cũng có cái thú vị nhỏ hở.
      Hát chớ sao không? Lúc nào Tiến hát Karaoke cũng được chấm 100 điểm bởi vì hét lớn quá đó! 😆

  8. RE: Karaoke Và Cây Đàn
    Tiếng hát chung hòa nhịp sống cho vui quên đi nặng nề cuộc sống thế thôi: đó là Karaoke.
    Nhưng có lẽ cay đàn và tiêng hát trống không trong tâm tình nó có giá trị riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả