Anh có nhớ không, có lần anh bảo hãy kể cho anh nghe những công việc làm của em trong thời gian em ở trại tị nạn. Em trả lời xẳng giọng “có gì đâu mà kể, muốn sống thì phải đi làm. Làm gì chẳng được. Công việc làm của em lương thiện mà, lương thiện từ đầu đến cuối.” Biết em không muốn kể. Anh thôi không hỏi nữa. Rồi ngày qua tháng tới bươn chải vật lộn với đời thường, em cũng quên bẵng đi. Vậy mà mấy năm nay, chuyện cũ, chuyện xưa cứ lần lượt quay về. Bây giờ muốn kể cho anh nghe thì anh không còn nữa. Rất nhớ những tiếng “hít hà” của anh, rất nhớ tiếng “tội nghiệp em tôi”, rất nhớ câu mắng yêu “em tôi ba gai quá”, “em tôi như cái thằng”, “em tôi điên quá!” “em tôi….và em tôi…..” Không biết anh có còn muốn nghe nữa không, hay anh lại bảo hãy để chuyện của trần gian ở lại với trần gian!
***
Hồi còn ở trong nước, lúc đi học em có đi dạy kèm vào buổi tối để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Chỉ là làm thêm thôi chứ những chi tiêu chính em không phải lo, thành ra công việc không có áp lực mấy. Bỗng một ngày em bị bứng ra khỏi bảo bọc bao che của ba mẹ.
Em vượt biển, may mắn đến Hong Kong an toàn. Em bắt đầu cuộc đời tự lập. Tiếng Tàu không biết một chữ, tiếng Anh biết chút đỉnh ở những năm trung học tạm đủ để có thể điền đơn xin đi làm. May quá, đơn xin việc luôn luôn có hai sinh ngữ. Thường người đến trại tị nạn trước hay giới thiệu dìu dắt những người đi sau. Tình người dễ nhận thấy hơn khi chúng ta rơi vào cùng một hoàn cảnh!
Em may mắn được người quen giới thiệu vào làm phía bên đảo Hong Kong. Ở bên Kowloon, nên muốn đi qua phía đảo Hong Kong em phải đi bằng xe bus xuyên qua đường hầm gần 2 tiếng đồng hồ dưới lòng biển. Em được nhận vào làm ngay ngày đầu tiên. Người ta dẫn em đến một căn phòng thật rộng lớn. Cả đời chưa bao giờ có dịp thấy hãng xưởng nào rộng lớn như vậy nên em cứ nhìn quanh nhìn quất giống như một chàng ngố.
Em làm ở khâu bỏ những sợi dây điện vào những cái máy sấy tóc và máy cuốn tóc. Lần đầu tiên trong đời phải ngồi cả ngày để làm, cái lưng em chưa quen với động tác ngồi quá lâu nên đau quá. Em chịu hết nổi, nên đứng dậy, vừa đứng vừa làm, hết vẹo lưng qua bên trái rồi vẹo lưng qua bên phải. Đâu được một hồi thì cô trưởng toán đến bảo rằng không được đứng, phải ngồi xuống. Thế là em ngồi xuống, cái lưng càng lúc càng đau. Vừa làm, vừa đau, vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng, cô trưởng toán chẳng hiểu vì sao. Em tủi thân và nhớ ba mẹ quá đó anh. Tưởng làm 8 tiếng một ngày, ai ngờ ngày hôm đó họ bắt phải làm đến 12 tiếng đồng hồ. Về đến trại tối thui, không lo cơm nuớc cho hai cháu tuổi 7 và 8 em mang theo được nên em quyết định nghỉ. Công chùa một ngày. Không lãnh được đồng nào!
Rồi em đi xin việc làm tiếp. Mùa đông đến, thời tiết ở Hong Kong cũng lạnh lắm, khoảng vài độ C vào buổi sáng. Sáng ra đón xe bus, hai chân, hai tay lạnh cóng và thấy hơi thở mình như khói sớm mai. Ở xứ mình, em đâu có mang giày bata, mang tấc như họ thành ra em không nghĩ đến chuyện mang giày bata, mang tấc. Nhìn quanh thấy ai cũng đội mũ, mang khăn quàng, mang giày bata đi làm. Liếc nhìn mình, thấy mình trống trơn. Đầu trần, không khăn quàng, không găng tay, còn chân thì mang đôi giày sandal không tấc. Hèn nào cứ hít hà than lạnh, vừa chờ xe bus vừa run lập cập. Chắc thiên hạ cũng thấy mình không giống ai. Thế là hôm sau chạy ra chợ mua đôi giày bata. Và đó là đôi giày bata đầu tiên mua ở xứ người. Nó gắn liền với em cho đến khi nó mòn đế và lớp đệm dưới lòng giày mềm nhũn ra em mới vứt bỏ sau khi em đến Mỹ một thời gian. Đôi giày đã đưa em rảo khắp nẻo đường Hong Kong, ở những khu công nghệ khi lang thang đi xin việc làm. Mà sao em chưa bao giờ có ý định trở lại Hong Kong? Chắc là sẽ có một ngày về thăm lại trại và những con đường em đã lặn lội đi qua để nhớ lại một đoạn đời đáng nhớ!
Nói đến đi xe bus, em cũng có nhiều kỷ niệm với nó lắm. Bên nhà em đi xe đạp. Xe có cũ kỹ, xập xệ gì cũng của mình, tự do leo lên tư do leo xuống, còng lưng đạp chớ bên Hong Kong đi xe bus và metro thôi. Đi xe metro thì đắt tiền hơn nên em chọn đi xe bus. Nhiều lúc phải chờ đến bao nhiêu chuyến bus mới bắt được một chuyến vì người đâu mà đông quá chừng. May mắn leo lên được rồi là chỉ đứng một chân thôi, không còn chỗ để bỏ chân thứ hai xuống. Lấn chen lên được cũng trần ai. Một hôm, lấn lên được rồi thì áo đứt hết mấy hột nút, em phải tụm lại, che đậy thiệt là xấu hổ. May mà đó là lượt về chứ mà lượt đi thì không biết tính sao. Sau lần xấu hổ đó, em quyết định đi metro dù phải trả tiền vé thêm. Nhiều khi em thấy em chùm sò quá cở! Những kỷ niệm như thế làm sao quên được hả anh. Anh có đang ‘hít hà” dùm em không đấy! Thôi để em kể tiếp chuyện đi xin việc của em nghen.
Lần này không có ai giới thiệu. Em quyết định học lóm vài câu tiếng Tàu để tự đi xin việc làm ở những khu công nghệ gần trại hơn cho tiện việc đi về chăm lo cơm nước cho hai đứa nhỏ. Thế là cuộc hành trình đi xin việc của em bắt đầu. Sáng sớm ra đi, tối mịt mới về. Đón xe bus đến những nơi ấy, thả bộ dọc theo những con đường hai bên là hãng xưởng. Nơi nào có đề tấm bảng với chữ “office” thì vào hỏi thử người ta có nhận người làm không bằng tiếng Tàu theo âm Việt. Em vừa vào là hỏi ngay “lý tù xẻn hừm xẻn dành?” tiếng Việt là “ở đây có nhận người làm không?”. Nếu người ta nói ” xẻn à, hay hầy à” là người ta nhận. Nếu người ta nói “ừm xẻn hay mậu à” có nghĩa là “không nhận”. Rồi sau vài tháng chung đụng với người bản xứ em biết thêm nào là “hủ len”, “hủ tùng” “hủ dzuyệt” “tố chè” “xỉu xỉu” “hủ xẩu” “phì lũ”…. tạm đủ để xí xô xí xa với họ. Không biết họ có hiểu em nói gì không mà thấy họ cũng cười tít mắt hoài đó chớ!
Em đi như thế mấy ngày trời muốn rả chân luôn mà chưa nghe hai chữ “hầy à”, trong lòng buồn hiu và lo lắng vì nếu không kiếm được việc làm thì không thể có tiền đóng tiền điện nước ở trại và tiền tiêu cho cả mấy dì cháu. Nỗi lo lắng mỗi ngày mỗi đầy thêm vì thời hạn một tháng Liên Hiệp Quốc nuôi đã gần hết hạn.
Trời thương, hai tiếng “hầy à” đã thốt ra từ một người chủ. Ông chỉ vào ông và nói “Japanese”. Kế tiếp, ông làm một tràng không biết tiếng Nhật hay tiếng Tàu, em không hiểu gì cả. Em nói với ông em chỉ biết tiếng Tàu chừng đó để đi xin việc mà thôi. Em lặp ba lặp bặp với mớ chữ tiếng Anh em học được bên nhà. Thế là ông đưa em tờ đơn yêu cầu em điền tên tuổi và địa chỉ cũng như số chứng minh nhân dân tạm thời được đi làm. Đó là ngày đầu tiên em làm việc với ông chủ người Nhật.
Ông nhỏ người và nét mặt rất hiền từ. Nhìn ông là em thấy yên tâm và có thiện cảm ngay. Tiếng Anh ông cũng đâu có rành mà tiếng Tàu hay Nhật thì em mù tịt vậy mà sao ông và em có thể làm việc chung với nhau mấy tháng trời? Vì sao ông nhận em vào làm? Thắc mắc rất nhiều, nhưng em có đủ chữ đâu mà hỏi. Thế thì điều gì? Ông cần người làm hay ông thấy em tội nghiệp? Chắc cả hai!
Hãng của ông may những túi xách đựng máy chụp hình, đủ cở đủ loại. Trời ạ, hồi còn ở nhà em cũng có biết may chút đỉnh quần áo cho em và cho em út mặc với cái máy singer cũ kỹ chạy rề rề chứ có bao giờ dùng máy may công nghệ đâu. Máy may của mình, thì bàn đạp dưới chân. May máy công nghệ thì phải dùng bên hông cái đầu gối ấn vào để cho máy chạy. Vì là lần đầu, lạ quá, mới vừa ấn cái hông đầu gối vào, máy chạy cái vèo. Em giật mình tưởng cái bàn tay em đi đời rồi chớ. Chắc ông thấy không xong, ông đem tới cho em một thùng da vụn và ra dấu bắt em ngồi tập đạp. Em hiểu ý ông là đạp chừng nào mà em có thể kiểm soát được vận tốc và đường chỉ thật thẳng thì mới được. Rồi một ngày tập đạp cũng qua đi với những đường thẳng thật thẳng và đường cong cũng thật cong. Đó là ngày khởi đầu làm thợ may của em ở Hong Kong. Làm được vài tháng, ông hết hàng thì em cũng phải nghỉ. Em đi tìm việc khác. Không phải là lần đầu bị mất việc nên cũng bớt lo, vả lại em cũng biết thêm chút xíu tiếng Tàu nên tư tin hơn.
Việc thứ ba em làm là ngồi bỏ đồ chơi của trẻ nít vào hộp rồi đóng thùng. Công việc này nhẹ nhàng. Được 1 tháng, cũng hết việc. Lại đi kiếm việc khác. Lần này em vào được một hãng lớn lắm, rất đông công nhân. Em được phân công làm bên khâu vặn mấy con ốc vào mấy cái khay để làm máy nướng bánh mì. Mỗi ngày em vặn mấy ngàn con ốc. Cái tuộc nờ vít bằng hơi gas được treo lũng lẳng từ trần thả xuống trước mặt. Hàng tới từ conveyor, cứ cầm lên mà vặn. Động tác này làm em nhớ lại cuốn phim “Les temps modernes” của Charlie Chaplin đóng. Anh có xem phim đó không? Có nhớ cái đoạn vì hai cái tay ông charlot cầm mỏ lết vặn ốc nhanh như máy mà khi ra ngoài đường ông gặp bà đầm đi ngược chiều với ông, hai cái tay của ông cũng giơ lên như muốn vặn hai con ốc của bả đó. Anh nhớ chưa? Em lạc đề mất rồi!
Ở hãng này, có rất đông người Việt tị nạn nên vui, đa số là người ra đi từ miền Bắc. Trưởng nhóm của em là một người Hong Kong. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, miệng lúc nào cũng cười tươi. Đến giờ ăn cơm trưa ông đi phát phiếu ăn miễn phí. Phòng ăn nằm ở trên tầng thứ 17 là tầng trên cùng. Thức ăn họ nấu cho công nhân viên rất ngon, sạch sẽ và cách phục vụ cũng rất chu đáo và lịch sự. Một hôm, ông vừa đi vừa nhún nhảy mặt mày tươi vui và rạng rỡ lắm làm ai cũng ngạc nhiên. Ông vừa phát phiếu vừa nói “tới giờ ăn cức rồi, xin mời!” (xin lỗi đã viết chữ này rõ quá) thay vì nói “tới giờ ăn cơm rồi, xin mời!”. Ai nấy cũng đều mở mắt thật to nhìn ông. May quá, trong nhóm có người biết tiếng Tàu giải thích cho ông. Ông hiểu ra, xấu hổ và mặt đỏ bừng. Ông đi xin lỗi từng người. Trong khi đó, ở một góc phòng đối diện, có một nhóm thanh niên Việt nam đang cười nứt nẻ. Em đoán họ là người dạy ông học những chữ tầm bậy. Người ta hay dạy những tiếng bậy bạ như thế về tiếng nói của chính mình để chọc ghẹo chính người của mình, không biết để làm gì? Chắc làm vui cho đỡ buồn cuộc đời tị nạn chăng?
Rồi công việc cũng hết, em lại thất nghiệp lần nữa. Lại lang thang, lại lê bước khắp nẻo đường. Nhưng em luôn tin rằng đi tìm sẽ gặp. Cuối cùng em cũng có được việc làm mới. Lần này em làm thợ hàn. Hàn những con chip, những resistor, những capacitor của bàn phím. Bàn phím tới tay thì hàn chứ em không biết cái bàn phím này dùng để làm gì. Thế rồi, một hôm ông chủ đưa em vào một căn phòng thật lớn, cho em xem những mặt hàng hãng làm. Em thấy những cái monitor nằm dãy dãy trên bàn. Trong đầu em lúc nào cũng nghĩ hãng em chế tạo máy truyền hình mãi đến khi em qua đây đi ghi danh những lớp học lần đầu ở trường Đai học Minnesota, em mới biết đó là computer. Đó là công việc cuối cùng em làm trước khi rời Hong Kong sau 9 tháng tạm cư.
Trong thời gian ở Hong Kong em gầy gò ốm yếu. Lúc nào cũng thấy buồn ngủ dù không phải là thiếu ngủ. Qua đây em mới biết đó là bệnh thiếu chất sắt. Oxygen không lên não đủ nên hai mắt nặng trĩu và đầu thì xây xẩm hoài giống như mấy ngày đầu mới bước chân lên đất liền sau 7 ngày lênh đênh trên biển. Nghỉ làm thì không được ăn lương nên tiếc không muốn nghỉ. Em xỉu hoài mà có biết vì sao đâu. Xỉu xong tỉnh dậy làm tiếp. Lúc còn làm công viêc vặn ốc, một hôm mệt quá, hai mắt mở không ra, em lén chui xuống gầm bàn để nhắm mắt vài phút. Bàn có phủ khăn che khuất hai bên. Ông trưởng toán tới hồi nào em không hay. Em đang ngủ, giật mình tỉnh dậy, lồm cồm chui ra lộn phía, đụng phải cặp giò của ông. Ông hỏi “Cấm Xìn! Cô làm gì ở dưới gầm bàn vậy?” (họ gọi em là Cấm Xìn thay vì Kiếm Tiền). Em ấp a ấp úng tiếng được tiếng mất “Tui, tui làm rớt mấy con ốc, tui chui xuống lượm”. Không biết ông có hiểu em nói gì không. Ông cười không hỏi tiếp. Hú hồn! Bây giờ nghĩ lại, chắc buổi tối ấy, cả gia đình ông có một trận cười về cô “Việt làm dành” ngố quá là em.
Em hay nghĩ đến những người bạn làm cùng hãng, những người đã quá tốt với em. Họ chỉ dẫn em làm sao mở trương mục để hãng trả lương thẳng vào trương mục em. Họ dẫn em đi mua sắm với số tiền đầu tiên em lãnh được. Họ giúp em đóng những thùng quà đầu tiên em gửi về nhà. Ôi! Bao nhiêu người đã tốt với em mà em không thể nhớ hết. Ước gì em có thể liên lạc với họ để nói lời cảm ơn sau chừng ấy năm trời. Không biết họ còn hay đã mất! Ước gì!
Tháng tư lại sắp hết, gợi nhớ trong em bao điều muốn kể. Những được mất của một đời người thoảng đến thoảng đi, phải chăng đó là những thử thách làm em mạnh mẽ hơn trên bước đường lưu lạc. Rất có nhiều kỷ niệm. Vui có, buồn có, khó khăn có mà em không thể tâm tình hết trên những trang giấy đời em. Thôi thì chút kỷ niệm chia sẻ với anh, với bạn bè, chút lòng biết ơn đối với Liên Hiệp Quốc, chút lòng biết ơn chính phủ Hồng Kông và người dân Hồng Kông đã giang đôi tay đón nhận những người như em trong vòng tay thân ái. Họ đã giúp em vượt qua những ngày đầu vất vả nơi quê người.
Tháng tư của những đổi thay. Tháng tư với nhiều vướng mắc. Tháng tư với những giằng co. Tháng tư với những quyết định. Tháng tư với những mất mát đau thương! Tháng tư buồn hay tháng tư vui! Dù muốn hay không, dù vui hay buồn, hằng năm tháng tư vẫn ung dung ngạo nghễ trở về. Tháng tư ơi!
Nguyễn Kim Tiến
29 tháng 4 năm 2011
PS. Cảnh Tiến vặn ốc cũng giông giống như trong clip này:
Tháng Tư
KT ơi,
Tháng Tư với người MN làm sao mà vui cho
được ! Ngày đầu là ‘lừa dối’không biết hỗ
thẹn và những ngày tiếp theo thì có thể như KT đã cảm nhận . Có thể KT may mắn hơn khi đến HKg sớm ! Còn sau nầy …!!!???
RE: Hong Kong – Trạm Dừng Chân Đầu Tiên
Người Quen mến,
Không biết NQ ở trại tị nạn HK năm nào? Mình ở 81-82. Mình có nghe nói những năm sau này không được tự do như trước và có nhiều khó khăn hơn. Không biết NQ có chứng kiến cảnh đánh nhau thật lớn vào một đêm tháng mấy mình quên rồi mà có nhiều người chết và bị thương, cần đến 500 cảnh sát mới mang lại trật tự được. Suýt nữa mình cũng là nạn nhân đấy. Rồi sau trận chiến ấy, mình sống lang thang nay đây mai đó chứ không ở trong trại nữa. Chuyện dài lắm NQ ơi! Tất cả đã là quá khứ. Nhớ về để thấy là mình may mắn hơn bao nhiêu người! Không chết ngoài biển cả cũng không chết tại trại tị nạn.
Cảm ơn NQ đã đọc và chia sẻ với mình. Hình như mình thấy mình già vì dạo này thích kể lể. 😉 KT
RE: Hong Kong – Trạm Dừng Chân Đầu Tiên
Tiến ơi, cám ơn T đã nhắc nhở lại một quãng đời khó quên của dân tị nạn. Dù buồn hay vui thì người xa xứ vẫn cảm thấy mình có một chút may mắn: thở được chút khí trời tự do, nói được lời mình muốn nói, nó vẫn là một thứ trái cấm ở vài nơi…
RE: RE: Hong Kong – Trạm Dừng Chân Đầu Tiên
Tiến thích kể lể chuyện cổ tích cho bạn bè nghe đó chị Hx ơi. Lâu lâu nhớ gì thì kể nên ngày tháng không nhớ rõ chị ạ. nhiều lúc cứ tiếc phải chi mình viết nhật ký mỗi ngày thì những gì mình viết chính xác hơn và mình sẽ như là một chứng nhân của lịch sử vậy. Còn Tiến thì nhớ gì ghi lại như một chia sẻ thôi chị ạ. Cảm ơn chị nhiều nghen. KT
HKong
KT ơi,
Rất tiếc trên Trang nhà NTHQN nên chỉ dám
nghĩ và nói về tuổi hoa niên thơ ngây trong trắng; về tuổi áo trắng mộng mơ … không
dám “đi sâu” hơn sợ BQT (dù KT cũng là…)
không cho đăng lên mà không thông báo lý
do thì phiền lắm !!! Im lặng là vàng !
KT có thấy truờng hợp nào như vậy chưa ?
RE: HKong
Bạn Người Quen mến,
Trang NTHQN là môt trang web cộng đồng nên hoàn toàn dựa vào tinh thần trách nhiêm của bạn viết và bạn đọc
Nếu vì một ly do nào đó lời bàn không đươc đăng lên, BQT sẽ thông báo với các bạn qua email
Nếu bạn dùng nhiều nicknames và không bao giờ để lại đia chỉ email của minh khi viết lời bàn như được yêu cầu thì nếu lời bàn của bạn vì một lý do nào đó không đăng được, BQT không thể thông báo với bạn.
Cách tốt nhất là bạn đăng ký khi viết lời bàn và tránh dùng nhiều nicknames
Dao
RE: HKong
Người Quen mến,
Như Ngọc Dao đã trình bày, các bạn dùng nickname mà không để lại địa chỉ email nên admin có muốn liên lạc cũng không sao liên lạc được. Lần tới, bạn nhớ để địa chỉ email lại, nếu có vấn đề gì admin sẽ liên lạc với bạn.
Thật ra nếu admin có quyết định không đăng một vài lời bàn quá riêng tư hay nhạy cảm, chẳng qua là admin vì hết lòng muốn giữ gìn trang nhà dài lâu đó thôi. Những lời bàn đóng góp và trân trọng nhau của các bạn đã, đang và sẽ làm trang nhà thêm màu sắc. Hãy cứ viết lời bàn nhé, đừng ngại ngùng. Tình thân. KT
GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
Đọc bài viết của em thấy thật xót xa.Những
năm tháng ấy, anh biết, là nỗi ám ảnh kg
rời,nỗi vò xé khôn nguôi.Nhưng Tiến ơi,hãy
cố quên đi mà sống vì quỹ thời gian của
bọn mình còn ngắn quá.Cứ vun quén hạnh phúc
của chính mình đang có trong tay và tiêu
thời gian thật hợp lý cho việc viết lách
và giúp người trong khả năng của mình là
hay nhất.Thời gian trôi qua đâu có trở lại bao giờ nữa đâu em ? Chúc Tiến , Lộc và 2 cháu thật vui, khỏe nhé.Tình thân
RE: GỬI NGUYỄN KIM TIẾN
Thời gian trôi qua đâu có trở lại bao giờ…Đó là lý do mà Tiến viết đấy anh Lữ ạ và Tiến thấy rất hạnh phúc khi có thể nuôi nấng và ghi lại những cảm xúc cũng như những cảm nghĩ của mình. Cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ. Tiến rất vui! KT
Hongkong
Tháng tư lại trở về với biết bao kỷ niệm .. buồn nhiều hơn vui, nhất là đối với thế hệ chúng mình phải không KT? Mình vẫn thường nghĩ rằng tuổi trẻ của chúng mình đã có nhiều mất mát vì đã rơi vào thời điểm có những đổi thay quá lớn. Cái còn lại bây giờ chỉ là kỷ niệm. Gần đây một số bạn cũ cũng hay nhắc lại những mẫu chuyện buồn tương tự như KT đã kể, dù các bạn ấy vẫn đang ở VN hay đã ra nước ngoài. Mình vẫn thích đọc, cảm thấy mừng vì cuối cùng mọi người đều đã thoát ra được cái quá khứ ấy để mà kể lại. Chia xẻ tâm sự, bằng cách viết ra như thế này có lẽ là hay đó KT, lòng bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ hơn. Chúc bạn luôn hạnh phúc.
RE: Hongkong
Chị Tâm ơi,
Chắc Tiến lẩm cẩm rồi đó chị Tâm ơi. Sao cứ thích kể chuyện xưa tích cũ. Cảm ơn chị nghen, đã đọc và có lời bàn. KT
RE: Hong Kong – Trạm Dừng Chân Đầu Tiên
Đọc lại vẫn thấy xúc cảm Tiến à! Ừ thì cái gì đã qua mà để lại ấn tượng sâu sắc cũng khiến mình khó quên , thời gian càng xa lại càng làm cho mình ưa khơi gợi nhắc nhở…
RE: Hong Kong – Trạm Dừng Chân Đầu Tiên
Hoà ơi, nhỏ có hay kể lể giống mình không? Hôm nào nhỏ kể tiếp chuyện đi học võ đi nghen. Rồi sao nữa có đụng độ lần nào sau lần sát thủ đó hông? hay mất dấu nhau rồi! 😆 KT